LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

Kỳ thứ tư
CHƯƠNG II

VUA LÝ NHÂN TÔNG VỀ LÀNG DUY TINH
VÀ VIỆC TRÙNG TU
CHÙA SÙNG NGHIÊM DIÊN THÁNH (1116 – 1118)

        Vua Lý Nhân Tông (1066 – 1128) là vị vua thứ 4 của nhà Lý. Ông trị vì 56 năm, là vua trị vì dài nhất dưới thời Phong kiến Việt Nam. Ông đặt ra nhiều chính sách nhằm chấn hưng đất nước, định quan chế, khuyến nông, cấm giết trâu bò, huy động dân đắp đê chống lụt. Đặc biệt, ông là người đầu tiên khởi xướng và thực hiện chế độ thi cử và giáo dục đại học của Đại Việt. Tổ chức khoa thi đầu tiên (1075), xây Quốc Tử Giám (1076), lựa chọn được nhiều vị quan có tài cho triều đình.
        Về đối ngoại, biết rõ âm mưu quân Tống dòm ngó Đại Việt, năm 1075 Nhà vua sai Lý Thường Kiệt đem quân sang tận nước Tàu, đánh bại quân Tống và chiếm 3 châu: Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm.
        Khi quân Tống sang xâm lược, Lý Thường Kiệt tổ chức phòng thủ và đại thắng ở sông Như Nguyệt năm 1077. Đập tan âm mưu xâm lược của quân Tống.
        Thời đại của Lý Nhân Tông cùng với ông nội là Lý Thái Tông và cha là Lý Thánh Tông là thời thịnh vượng của Nhà Lý. Được gọi là thời “Trăm Năm Thịnh Thế”.
        Là một minh quân, Lý Nhân Tông cũng là một tấm gương khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, hiểu sâu đạo lý”. Ông có nhiều chuyến vi hành về vùng xa xôi, biên ải của Đại Việt. Văn bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh ở làng cổ Duy Tinh, ghi lại chuyến vi hành của ông về làng Duy Tinh, để thị sát tình hình dân chúng trấn Thanh Hoa và quan lại ở nơi đây:
        “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ bảy (1116), nhà vua đi tuần Phương Nam, đến địa hạt châu Ái. Thuyền rồng đậu lại, xe loan tạm dừng. Cờ xí lòa trời, vũ vệ ngợp mây. Hội chư hầu nhiều vẻ, đặt phương bá có hàng Phong tuyết múa bảy điệu quay cuồng. Hàm thiều dạo sáu khúc nhộn nhịp. Gương trời tỏ mà lịch pháp rõ ràng, khí xuân tỏa mà cỏ cây nẩy nở. Ngoài nơi biên tái, được gội ơn sâu. Thực là việc ngàn năm khó gặp, là vinh hạnh sâu sắc của cả một vùng.” (Trích Văn bia)
        Trị nhậm Thanh Hoá bấy giờ là Thông phán Chu Nguyên Hạo. Để phúc đáp ơn vua và chúc quốc vận trường tồn, Chu Nguyên Hạo quyết định trùng tu lại chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh khi ấy đang trong tình trạng đổ nát:
        “Sau khi xe vua trở lại, ông bèn triệu tập các bô lão và thuộc lại trong quận mà bảo rằng:
– Ta vâng mệnh vua, tái nhậm hạt này. Gặp thánh giá tuần du, đến châu này dừng gót. Mặt trời soi sáng cả hang sâu, ơn trạch thấm nhuần khắp trăm họ. Phụ nữ vui vẻ trong gia đình, trẻ già hát xướng nơi đường sá. Đều tỏ tấm lòng qui hoắc, nguyện xin báo đáp ơn vua. Nên sửa sang công đức hai chùa, để chúc tụng quốc vận dài mãi.
Thế là nhân ở phía Tây Nam thành có di tích ngôi chùa cổ, nền cũ mà gạch ngói vẫn còn; nhà cửa thì cỏ gai đã mọc. Đèn hương tuy bỏ, phong cảnh vẫn riêng. Hai cửa khuyết khống chế phía trước, ba dòng sông ôm ấp phía sau. Thanh tĩnh tịch mịch, thực là nơi trụ trì của nhà Phật, nơi gởi gắm tâm tư của bồ tát”. (Trích Văn bia)
        Hưởng ứng lời kêu gọi của Chu Nguyên Hạo, dân làng Duy Tinh đã hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho việc trùng tu lại chùa và làm bia. Sau hai năm trùng tu xây dựng, Chùa đã hoàn thành, bia đá khắc xong.
        Tấm bia dựng ngày 18 tháng 10 năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ chín (1118).

        Bia cao 2,02 m, rộng 1,22 m trang trí đẹp, kiểu dây leo và rồng xoắn đời Lý. Bài Văn bia tựa đề là: “崇嚴延聖寺碑銘 – Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh” do Thông thiền Hải chiếu đại sư, tứ tử thích PHÁP BẢO soạn lời. Tấm bia là một bảo vật quốc gia, từ thời Lý của Thanh Hoá còn lại ở chùa làng Duy Tinh. Khi trùng tu xong ngôi chùa khá quy mô hoành tráng. Văn bia ghi rõ:
        “Ngắm xem: Rường nhà cong cong như cầu vồng sau mưa quạnh quẽ nhô ra, ngói uyên ương phơi dưới gió như sập sè múa lượn.
Nóc nhà uốn như trĩ bay xòe cánh, đấu chạm trổ như phượng múa lai chầu. Mái cong lấp lánh dưới ánh mặt trời, hiên lượn quanh co trước gió.
Tường vách chung quanh, một cõi bụi trần không lẫn; hành lang bao bọc, bốn mùa hiên cửa thanh hư.
Bên phải có vườn hoa, khóm lan mềm mại đẫm sương; phía trái có ao mát, mặt nước hoa sen tốt tươi.
Đất giáp ly cung, khác với núi rừng u tịch; cửa ngang đường cái, là nơi nhân thế hướng về.” (Trích Văn bia)
        Đọc đoạn văn bia trên, ta có thể hình dung ngôi chùa lúc bấy giờ uy nghi và tráng lệ lắm. Thời nhà Lý rất sùng đạo Phật, các chùa được xây dựng nhiều và rất to đẹp là điều dễ hiểu.
        Sau này làng Duy Tinh xây thêm 3 chùa nữa: Chùa Vải (Khu Trạm Xá bây giờ), Chùa Vàng (Đầu Ghềnh) Chùa Chung ở cạnh cây đa Chùa Chung theo đường đi ra chùa Quyến sang làng Bộ Đầu. Thành 4 chùa ở 4 góc làng. Minh xác thêm Duy Tinh bấy giờ là trung tâm Phật giáo của Thanh Hoá. Ba chùa xây sau đều bị phá từ trước năm 1945.
Riêng Chùa Chung theo các cụ kể lại, dân làng Bộ Đầu ra đốt, vì chùa nhìn về làng Bộ Đầu nên con gái Bộ Đầu hay chửa hoang! Ba tượng Tam Thế đưa về chùa Sùng Nghiêm… Nếu thật vậy quả là chuyện hy hữu, xin ghi lại để biết về một thời đã qua là như thế!
Tại gốc đa chùa Chung, cụ Tán Hoàng – Hoàng Bật Đạt – làng Bộ Đầu làm lễ tế cờ; làng Duy Tinh đóng góp lương thảo, để cụ Tán Hoàng xuất quân ra chiến khu Ba Đình – Nga Sơn đánh thực dân Pháp.
        Suốt chặng đường dài hơn một ngàn năm, biết bao cuộc binh đao thăng trầm của lịch sử, qua phong ba bão táp của thời gian, ngôi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã có nhiều đổi thay; nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, từng là trung tâm Phật giáo của tỉnh Thanh Hoá.
Năm 1943 giáo sư Hoàng Xuân Hãn dạy học ở Thanh Hoá, trong các chuyến điền dã vùng quê; ông phát hiện ra tấm bia quý này. Ông đã chụp ảnh tấm bia, ảnh được lưu giữ ở viện Viễn Đông bác cổ. Nhờ vậy chúng ta mới biết được nội dung văn bia.
Bài Văn bia đã được in trong Tập 1 cuốn Thơ Văn Lý Trần (Trang 368) xuất bản lần đầu năm 1977 của Nhà Xuất Bản KHXH

        Tấm bia hiện để ở nhà bia trước chùa. Rất đau lòng là bom đạn của Pháp và Mỹ đã làm sứt vỡ một số chỗ không còn chữ. Một dấu tích tội ác của quân xâm lược, găm vào Lịch Sử làng cổ Duy Tinh!
        Ni sư Thích Đàm Tâm cùng với giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Ban Văn Học Lý – Trần, thuộc Viện Văn Học Việt nam; hơn 20 năm kiên trì khảo cứu, được nhân dân hằng sản, hằng tâm đóng góp tiền của. Tấm bia quý đã được phục chế và khánh thành tháng 8 năm 2013.

        Tại chùa còn lưu giữ ba bệ tượng hoa sen bằng đá, hoạ tiết hoa cúc, chạm khắc rất tinh xảo. Các tảng đá lan giai chạm rồng uốn lượn mềm mại, đặc trưng của rồng thời Lý. Những chân tảng hoa sen, chân tảng đầu rồng cùng những hoạ tiết chạm khắc đẹp trên tấm bia. Đây là những cổ vật quý từ thời Lý còn lại, góp thêm một “báu vật” vào di sản văn hóa Phật giáo nói riêng và di sản văn hóa điêu khắc đá Việt Nam nói chung.

        Sau năm 1955 gác chuông và Tam quan không còn, phạm vi đất chùa cũng thu hẹp lại. Chỉ có tấm bia là trơ gan cùng tuế nguyệt, nhờ vậy mà ta mới biết làng cổ Duy Tinh đã hàng ngàn năm tuổi.


        Ni sư Thích Đàm Tâm cùng với các thiện nam tín nữ và dân làng đã giữ gìn, sửa sang ngôi chùa. Đến sau năm 1975, ngôi chùa chỉ còn lại khu tiền đường 5 gian phía trước và 3 gian dọc thờ Phật phía sau.
        Chùa được nhà nước công nhận di tích Lịch Sử Văn Hoá cấp quốc gia ngày 13 tháng 3 năm 1990. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, lòng phát tâm thánh phật của ni sư Thích Đàm Tâm và dân làng Duy Tinh; với hằng sản, hằng tâm, công đức của thiện nam tín nữ cùng nhân dân các nơi. Được nhà nước cấp kinh phí… chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh đã tiến hành trùng tu tôn tạo cuối những năm 90, để xứng tầm với ngôi chùa cổ hơn một ngàn năm tuổi. Qua hai đợt trùng tu, đến năm 2013 cơ bản hoàn thành.
        Lần trùng tu ban đầu cổng chính chùa có biển đề: “崇嚴延聖寺 – Sùng Nghiêm Diên Thánh Tự” (Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh), cổng rộng rước Kiệu qua được.

        Nhưng trùng tu lần hai, không rõ ngành Văn Hoá căn cứ vào đâu mà phá bỏ cổng chính và tên chùa? Lại xây 2 cổng phụ rất hẹp, kiệu không qua được (chỉ sử dụng một cổng, còn một cổng luôn đóng, vì không cần). Hiện tại chùa không có tên, một sai lầm nghiêm trọng cần phải sửa!

        Năm 2009 bộ tượng cổ Tam Thế, tuổi đời mấy trăm năm (Ba pho tượng cao 2m, mỗi pho nặng hàng tạ) trong đêm vượt tường đi mất. Đến nay vẫn không tìm được!
Năm 2019 trong dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá quyết định đưa chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh là điểm du lịch tâm linh. Ngôi chùa và Khu Đồn là nơi ghi lại dấu ấn lịch sử một thời vua Lý Nhân Tông đã vi hành qua đây!
Hàng năm chùa Làng Duy Tinh mở Lễ hội Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh vào ngày mồng tám tháng hai với thời gian 2 ngày.
        Dân làng Duy Tinh và khách thập phương về Chùa chiêm bái và tham gia Lễ Hội, cầu cho quốc thái dân an; cầu mong an lành cho mọi người, mọi nhà luôn khỏe mạnh và thịnh vượng an khang! sau một năm lao động vất vả.
Còn nữa – Kỳ sau đăng tiếp
Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong