CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Phần Thứ Tư

CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Phần Thứ Tư


Chương Thứ Hai
BÀN THỜ GIA TIÊN
                                Tiếp Theo

2 – Bàn thờ Táo quân
Bàn thờ Táo quân phải lập riêng, nếu trong cùng một phòng thì bàn thờ táo quân phải cao hơn bàn thờ Gia tiên một chút. Do quan niệm “Đất có Thổ công, sông có Hà bá”, Thổ công là Thần cai quản nơi cư trú, quyết định phúc họa cho những người làm ăn sinh sống trên mảnh đất Thần cai quản. Quan niệm như vậy, nên nhà nào cũng phải có bàn thờ Thổ công – Táo quân. Kể cả vợ chồng trẻ mới ở riêng chưa phải lập bàn thờ Gia tiên, nhưng cũng phải lập bàn thờ Thổ công.
Bàn thở Thổ công thờ ba vị thần là:
– Thần Thổ công (土公) cai quản việc bếp núc của chủ nhà.
– Thần Thổ địa (土地) cai quản việc ăn ở của chủ nhà trên mảnh đất ấy.
– Thần Thổ kỳ (土祗) cai quản việc làm ăn sinh hoạt của chủ nhà mọi lúc mọi nơi.
Cả ba vị đều được ghi chung vào một bài vị là:“Định Phúc Táo Quân 定福灶君”. (Táo Quân 灶君: Vua bếp) Là Thần bảo hộ cho gia đình, ảnh hưởng phúc họa từng thành viên trong nhà. Ta thường gọi: ông Táo, Vua Bếp, Táo Quân, ông Công, Thần Bếp, Đông Thần, Đông Trù (Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân 東廚司命灶甫神君). Phần lớn các nhà hiện nay đều không lập bài vị, trên bàn thờ chỉ có mũ ông Công.
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ trên cơ sở chuyện “Hai ông một bà” – thần Đất, thần Nhà, và thần Bếp.
Dân ta vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo, là do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (三位一體 – thuyết Ba ngôi – ba trong một!) là thuyết khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà, khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân có khác nhau về tình tiết, nhưng nội dung đại lược tóm tắt như sau:
Vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên buồn phiền, hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, gặp Phạm Lang, rồi làm vợ chàng.
Sau khi vợ đi, Trọng Cao rất ân hận, nghĩ mình có lỗi nên phải tìm vợ. Đi tìm khá lâu vẫn không thấy, tiền hết nên Trọng Cao phải đi ăn xin.
Một hôm Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Hai người đang chuyện trò thân mật, thì Phạm Lang về. Sợ chồng bắt gặp, Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn vào đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao bị chết thiêu. Thị Nhi chạy ra thấy Trọng Cao đã chết, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang quá bất ngờ, thấy vợ chết, cũng nhảy vào đám cháy và chết theo vợ.
Ngọc Hoàng cảm động trước mối chân tình của họ, ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi, hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.
Thế gian một vợ một chồng
Chỉ riêng vua bếp hai ông một bà
(Ca dao)
Ba người ấy được Ngọc Hoàng phong chức Táo Quân (灶君 – Vua bếp), trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người. Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên được gọi là Vua Bếp. Tên chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), nhưng mỗi người giữ một việc:
– Phạm Lang làm Thổ Công (土公), trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. (東廚司命灶府神君)
– Trọng Cao làm Thổ Địa (土地) trông coi việc đất đai nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần (土地龍脈尊神).
– Thị Nhi làm Thổ Kỳ (土祺), trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần (五方五土福德正神)
Qua truyền thuyết trên, chúng ta thấy hình ảnh hai ông một bà – tức một Âm hai Dương – hoàn toàn trùng khớp với quẻ Ly trong Kinh Dịch.


Bàn thờ thường đặt ở nhà bếp. Bài trí như sau:
Bài vị ghi:
本家. Bản gia.
-東廚司命灶府神君. Đông trù tư mệnh táo phủ thần quân.
-土地龍脈尊神. Thổ địa long mạch tôn thần.
-五方五土福德正神. Ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần.
Trên treo tranh thờ, hai bên thường có đôi liễn:
有德能司火 Hữu đức năng tư hỏa,
無思可達天 Vô tư khả đạt Thiên.
Nghĩa là: Có đức trông coi việc lửa,Vô tư có thể lên Trời.
Lễ vật cúng Táo Quân hôm 23 tháng Chạp gồm có: Mũ ông công ba chiếc (hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà). Mũ Táo ông có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có cánh chuồn. Những mũ này được trang trí giấy ánh bạc lóng lánh và giấy kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Hiện tại chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công, có ba chiếc liền nhau, kèm theo áo và hia bằng giấỵ
Ngày trước, rất chú trọng màu sắc của mũ, áo và hia ông công thay đổi hàng năm theo ngũ hành:
+ Năm hành kim thì dùng màu trắng hoặc da cam.
+ Năm hành mộc thì dùng màu xanh lục.
+ Năm hành thủy thì dùng màu đen hoặc xanh lam.
+ Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ.
+ Năm hành thổ thì dùng màu vàng.
Ngoài mũ áo, có ba con cá chép (có thể cá giấy), làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Cỗ mặn để cúng tùy thuộc tập tục từng địa phương.
Lễ đưa ông Táo lên trời thường làm trước 12h trưa, ngày 23 tháng Chạp. Sau khi cúng, hóa vàng, cá giấy, đồ lễ và mũ áo năm trước. Chỉ để lại hộp mũ mới, thờ trong năm, coi như bài vị Táo quân. Cá sống đem thả xuống sông, hồ…
Táo quân ở thượng giới 7 ngày, từ 23 tháng Chạp đến 30 tết, Táo quân trở lại trần gian. Gia chủ làm một mâm cỗ cúng để rước Ông Táo về nhà ăn Tết, tiếp tục coi sóc bếp lửa và mọi công việc của gia chủ trong năm. Cúng rước ông Táo trước, rồi mới cúng rước gia tiên về “ăn Tết”.
Trong gia đình chỉ cần hai bàn thờ chính: Bàn thờ Gia tiên và bàn thờ Thổ công là đủ.
*

Những gia đình làm nghề thủ công có thờ thêm Tiên sư, Thánh sư hoặc Nghệ sư. Các vị này là ông Tổ một nghề, người đã có công sáng lập và truyền nghề cho đời sau. Như nghề đúc đồng, nghề gốm sứ, nghề làm trống, nghề khảm trai…Những bàn thờ này phải thờ một nơi riêng biệt.
Những gia đình buôn bán thường thờ Thần Tài. Nơi thờ trên nền nhà ở góc khuất. Hiện nay các hiệu buôn đều có thờ Thần tài trong một tủ nhỏ, đặt bát hương ở góc sạp hàng.
Thần tài là vị Thần cai quản về tiền bạc và của cải.
Theo tín ngưỡng dân gian, Thần tài mang lại tiền bạc hay của cải cho mỗi nhà, nhất là kinh doanh đều có bàn thờ Thần tài, cầu đem lại nhiều lợi nhuận.
Tục thờ Thần tài là của người Trung Hoa. Người Hoa sang nước ta buôn bán trở nên giàu có, mỗi nhà họ đều thờ Thần tài, người Việt ta bắt chuớc theo.
Có nhiều sự tích về Thần tài, nhưng thường có hai sự tích đều bắt nguồn từ Trung Hoa:
Thần tài là Như Nguyện.
Ngày xưa, lái buôn Âu Minh, đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ đó càng ngày càng phát đạt, trong vòng vài năm Âu Minh trở nên giàu có lớn.
Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất.
Từ đó, việc buôn bán của Âu Minh thua lỗ sa sút, sạt nghiệp, rồi nghèo khổ.
Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Do sự tích này, ta có tục kiêng quét và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn sẽ đi nơi khác, thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại !.
Bởi vậy lập bàn thờ Thần tài sát nền nhà, ở góc nhà hay nơi hàng hiên. Thần tài thuộc kim, lấy thổ dưỡng kim. Bởi vậy mới có câu:
Thổ năng sinh bạch ngọc
Đại khả xuất hoàng kim
Bàn thờ thần tài đặt gần nơi cửa ra vào, hoặc tại cung âm dương quý nhân (trừ trường hợp cung âm dương quý nhân đó là hành thuỷ hoặc hành mộc). Tuyệt đối kiêng tránh không nên đặt bàn thờ thần tài vào 2 cung hình, sát.
Thần tài là Triệu Công Minh:
Truyện kể rằng: Ở vùng núi Võ Đang có ông già Triệu Công Minh, nhà rất nghèo. Ngày ngày, ông đi khắp nơi ăn xin. Ông có nuôi một con chó đen già và một con vịt lông vằn không đẻ trứng. Gần đấy có phú hộ Tiền Viên Ngoại, tính rất xa xỉ và bất nhân, cơm ăn không hết thì đem đổ xuống cống, áo mặc cũ rồi thì bỏ vào đống rác. Lão nghèo họ Triệu thấy vậy mới nhặt quần áo cũ đem cho người nghèo, hốt các canh thừa cơm cặn về nuôi chó và vịt.
Một hôm, con vịt đẻ ra 10 quả trứng vàng, con chó già khạc ra 10 thoi bạc. Từ đó thành lệ, mỗi ngày vịt và chó đều đẻ và khạc ra vàng bạc cho lão Triệu. Lão Triệu trở nên giàu có, Tiền Viên Ngoại càng nghèo, phải đi ăn xin, gặp lại Triệu Công Minh, lão Viên rất xấu hổ. Họ Triệu giúp lão Viên một số tiền làm ăn, nhưng Lão Viên quen tính xa xỉ tiêu hết vốn, nên càng nghèo khổ hơn. Lão Viên sinh ác tâm, tính giết Triệu Công Minh để chiếm đoạt tài sản. Lão đốt nhà ông Triệu, nhưng ông Triệu không chết, con vịt biến thành chim Phượng bay lên trời, con chó già biến thành cọp đen xông ra cắn chết lão Viên, tất cả vàng bạc của ông Triệu đều hóa thành đá, Triệu Công Minh biến thành Thần Tài. Dân chúng thờ Triệu Công Minh gọi là Thần tài.
Một số người mua lại nhà, đất của chủ trước. Những chủ cũ qua đời gọi là Tiền chủ (前主). Chủ mới lập bàn thờ riêng để cúng Tiền chủ, người ta tin rằng vong hồn chủ cũ vẫn lưu luyến chỗ ở trước đây(!). Nơi đặt bàn thờ Tiền chủ trên một cột trụ ở ngòai trời. Xét ra không cần phải làm việc này. Nói vậy để biết một số nơi có tục này.

Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong