CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Phần Thứ Nhất

CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Phần Thứ Nhất

Lời Thưa: Việc Thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam có hàng ngàn năm nay. Thờ cúng tổ tiên là một Luật Tục. Luật tục có trước luật pháp. Luật pháp chỉ tồn tại ở một thể chế trong một giai đoạn nhất định. Còn Luật tục luôn tồn tại từ thể chế này sang thể chế khác, ràng buộc chặt chẽ mọi hành vi của con người còn bền chắc hơn luật pháp rất nhiều lần. Nhà nước không có một văn bản nào quy định, song nó có sức sống mãnh liệt ăn sâu vào mọi thế hệ, mọi thời đại.
Luật tục mãi trường tồn nhằm bảo vệ duy trì và phát huy những giá trị đạo lý nhân văn của cha ông ta trong tiến trình Lịch sử. Vì thế việc thờ cúng Tổ tiên của dân tộc Việt Nam không thể thay đổi và mất đi được. Lên nhang trước bàn thờ Gia tiên là một việc làm thường xuyên, hàm chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn, qua năm tháng của mỗi người dân Việt Nam.
Đã có một thời kỳ chúng ta phạm một trọng tội: sao nhãng việc thờ cúng tổ tiên, quên đi cội nguồn tiên tổ của từng gia đình và dòng họ.
Rất mừng là chúng ta đã nhận ra và từng bước khắc phục. Trên tinh thần ấy cuốn CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN viết dưới dạng phổ thông, giới thiệu những việc làm cơ bản trong việc thờ cúng tổ tiên. Các bạn trẻ tham khảo và thực hành cho đúng, tránh những việc làm nhiêu khê trong thời kỳ thông tin bùng nổ.
Kính mong quý bạn đọc tham gia ý kiến để nội dung phong phú và chặt chẽ hơn.

Nguyễn Quý Phong

                                                     Chương Thứ nhất

                             THỜ CÚNG TỔ TIÊN LÀ MỘT LUẬT TỤC
                                                ***********************
                                                     Một lòng thờ Mẹ kính Cha
                                                     Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
                                                                                     Ca dao

Thờ cúng Tổ tiên là một phong tục lâu đời của các nước phương Đông nói chung và của dân tộc Việt Nam chúng ta; một nét đẹp Văn hóa truyền thống của nhân dân ta, được lưu giữ trong tiến trình lịch sử. Việc thờ cúng Tổ tiên có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tấm lòng báo hiếu của con cháu đối với Tổ tiên và ông bà cha mẹ.
“Cây có gốc mới nẩy cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu,
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau có mình.”
Phong tục thờ cúng Tổ tiên, luôn luôn được nhân dân ta coi trọng; từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo xa xôi; ở đâu có cư dân là có sự duy trì thờ cúng Tổ tiên.
Quá trình thăng trầm của Lịch sử, trải qua những biến cố giữ dội:
– Sau năm 1945, bài trừ phong kiến và chống mê tín thành một chiến dịch rộng lớn toàn miền Bắc. Bắt đầu là công cuộc CCRĐ (1954 – 1956) đánh đổ giai cấp địa chủ, hàng chục vạn người bị xử trí oan… để một giai tầng “cốt cán, chuỗi rễ…” lên cầm quyền
– Đình, đền, chùa…đều bị phá. Các di tích cổ đập bỏ, bia tượng đem nung vôi, Hoành phi câu đối đem đóng ghế và làm cầu ao… Sách chữ Nho – chữ Pháp là của Phong kiến đế quốc, gia phả các dòng họ đều bị đốt cùng với văn tự trích lục ruộng đất…
– Nhà thờ các dòng họ không ai quan tâm, hoang hủy, dột nát rồi phá bỏ…Hương tàn khói lạnh trên bàn thờ gia tiên. Giỗ chạp cúng người đã khuất chỉ làm qua loa, thậm chí nhiều nhà không thờ cúng tổ tiên nữa. Trên bàn thờ gia tiên treo hàng loạt ảnh lãnh tụ, từ Mác – Lênin – Staline – Malencop – BunGanin, đến Mao Trạch Đông – Lưu Thiếu Kỳ – Chu Ân Lai, rồi gần chục vị lãnh đạo Đảng và nhà nước xếp hàng dài… Như khẳng định rằng các vị này trên cả tổ tiên hàng ngàn đời nay!
– Mộ phần cũng không thường xuyên chăm sóc, đến nỗi:
Phần mộ cha ông cái còn cái mất
Quá đỗi đau lòng biết lỗi tai ai?
Nhiều gia đình đã không sao tìm được mộ phần ông cha tổ tiên ở đâu! Đây là nỗi day dứt khôn nguôi của không chỉ một người, không chỉ một nhà…không chỉ hôm nay mà còn day dứt cả mai sau…
Những việc làm nông nổi, phi văn hóa trên chỉ là nhất thời, tuy kéo dài vài chục năm. Một vết sẹo Văn Hóa để lại một dấu ấn không sao xóa được!
Nhưng tự sâu thẳm cội nguồn, người Việt nam chúng ta không phân biệt tôn giáo; không phân biệt vùng miền, kể cả những người con xa xứ ở nước ngoài, vẫn luôn một lòng hướng về cội nguồn tri ân công đức Tổ tiên. Tâm niệm một điều, ghi nhớ công ơn các vị liệt tổ, liệt tông qua bao thế hệ đã dựng xây tổ ấm gia đình và kiến thiết đất nước, để chúng ta có được giang sơn gấm vóc và cuộc sống hôm nay.
Bất cứ lúc nào, hồn thiêng sông núi cội nguồn tiên tổ, cũng như linh hồn các vị gia tiên, luôn dõi theo và phù hộ độ trì cho con cháu, đang vững bước trên đường đời, chung tay góp sức làm cho dân giàu nước mạnh.
Rất may là sai lầm của một thời ta đã nhận ra, tuy muộn nhưng thế là tốt, từng bước khắc phục và sửa chữa. Có những điều sửa được từng phần, từng bước theo thời gian; nhưng cũng có việc không sửa được như tộc phả, gia phả, tộc ước của các dòng họ đã bị đốt… các bia tượng bằng đá ở làng quê chẳng mấy nơi còn…
Mồ mả Tổ tiên cha ông là một phần quan yếu của mọi nhà. Từng có câu: “Sống cái nhà già cái mồ” hoặc “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả bát cơm”. Quá trình làm ăn có điều gì rủi ro không may xẩy ra, người ta đều nghĩ tới mồ mả Tổ tiên cha ông có yên lành hay lại “động”. Chưa có lời giải khoa học xác đáng, nhưng thực tế có nhiều chuyện như vậy; nào là có kẻ cuốc vào mộ, hoặc mộ bị nứt nẻ hay rễ cây ăn xuyên vào mộ…làm cho con cháu không an lành. Trong quan hệ cộng đồng mỗi khi mâu thuẫn lên cao độ người ta đều chửi rủa nhau: “Nhà mày động mồ động mả hay sao mà lại làm như thế…
Ngay từ khi còn sống người ta đã nghĩ tới cái “mồ”. Ở vùng nông thôn một số nơi đã đóng sẵn quan tài khi cha mẹ còn sống. Có vậy các cụ mới “yên tâm”. Bây giờ con cháu ăn nên làm ra, có điều kiện xây ốp mộ phần Tổ tiên cha ông đẹp hơn. Nhiều nhà, nhiều dòng họ đã quy tập mộ thành một nghĩa trang riêng rất khang trang đẹp đẽ. Nghĩa trang bây giờ đúng là một “Thành phố Âm phủ”. Hiện nay có hiện tượng thái quá, nhiều nhà, nhiều dòng họ đua nhau kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy”, huy động tiền của làm quá mức cần thiết. Cần bình tâm xem xét và đúng mực trong việc làm này.
Người Việt Nam chúng ta coi việc thờ cúng Tổ tiên vô cùng quan trọng. Đây là việc làm có hai ý nghĩa sâu sắc:
Một là nhớ Công ơn sinh thành dưỡng dục của Cha mẹ, Ông bà, Tổ tiên (Phục bản phản thủy 复本返始 Trở về nguồn cội). Đây là đạo lý sống qua bao đời:
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm bú mớm biết bao nhiêu tình.
Cù lao (劬勞: nhọc nhằn, vất vả) là chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ, nuôi dưỡng con cái khôn lớn. Chín chữ cù lao là ở bài Lục nga, thiên Tiểu nhã trong Kinh Thi:
父兮生我 Phụ hề sinh ngã
母兮鞠我 Mẫu hề cúc ngã
拊我畜我 Phụ ngã súc ngã
長我育我 Trưởng ngã dục ngã
顧我復我 Cố ngã phục ngã
出入腹我 Xuất nhập phúc ngã
欲報之德 Dục báo chi đức
昊天罔極 Hạo thiên võng cực
Nghĩa là: Cha thì sinh ta, mẹ thì nuôi ta, thương thay cha mẹ sinh ta nuôi dưỡng khó nhọc, muốn báo ơn sâu, ơn đức của cha mẹ mênh mông như bầu Trời.
(Chín chữ là: Sinh: 生 Sinh đẻ. Cúc:鞠 Nuôi nấng. Dục:育 Dạy dỗ. Phụ: 拊 Vỗ về. Súc: 蓄 Ấp ủ. Trưởng: 長 Trưởng thành. Cố: 顧 Trông nom. Phục: 復 Ôm ấp. Phúc: 腹 Đùm bọc).
Hai là thể hiện trách nhiệm Lưu truyền nòi giống mãi mãi về sau (Vĩnh truyền tôn thống 永傳孫統). Có người nối dõi tông đường, hương khói muôn đời, chính điều này làm cho ai cũng cố gắng “có nếp có tẻ”; nếu không sẽ trở thành kẻ bất hiếu, “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại 不孝有三無後為大” (Bất hiếu có ba điều, không có người nối dõi là bất hiếu lớn nhất). Nói ra điều này lại phạm khuyết điểm trọng nam khinh nữ, phong kiến cổ hủ mất rồi (!)
Nhân dân ta quan niệm con người có hai phần: hồn (魂) và xác (殼).
Hồn và phách là khái niệm của Đạo giáo Trung Quốc. Vào thời nhà Hán (202 TCN), Trung Quốc loạn lạc, các Nho gia và danh sĩ đạo sĩ chạy sang Giao Chỉ lánh nạn rất nhiều. Đạo giáo có điều kiện du nhập. Đạo giáo quan niệm có ba hồn và bảy phách.
Ba hồn là: Sảng Linh (爽靈 sáng láng linh thiêng), Thai Quang (台光rực rỡ), và U Tinh (幽晶sâu thẳm).
Bảy phách (vía) là: Thi Cẩu (尸苟 xác), Phục Thỉ (服施xác rữa), Tước Âm (削阴âm u), Thôn Tặc (吞賊mất hết), Phi Độc (披髑 nát đầu), Trừ Uế (除秽 tẩy dơ), và Xú Phế (臭废mùi hôi) .
Người ta sống là do hồn phách phụ vào thân xác, hồn là cái tinh túy rất nhẹ và tinh anh (精英) hòa nhập trong cơ thể. Khi chết hồn lìa khỏi xác bay vào cõi vĩnh hằng. Còn phách (魄vía) là cái thô lậu nặng nề gắn bó với thể xác, khi chết sẽ tiêu tan cùng thể xác.
Giải thích về phách (vía) Trung quốc và Việt nam đều giống nhau là căn cứ vào các lỗ trên cơ thể người. Đàn ông có bảy phách (vía) phụ thuộc vào thất khiếu (七窍) là bảy cái lỗ trên mặt: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng). Trung quốc cho rằng đàn bà cũng như đàn ông chỉ có bảy vía mà thôi. Việt nam lại khác, cho rằng đàn bà có chín phách (vía) phụ thuộc vào cửu khiếu (九窍Chín lỗ: bảy lỗ giống đàn ông, thêm hai lỗ ở dưới).
Phách (vía) là tinh thần của người sống. Do vậy có tục đốt vía là xua đuổi vía của người nặng vía, để con trẻ không ốm đau, không quấy khóc; người bán hàng không bị ế ẩm!
Quan niệm về “ba hồn” của ta khác người Trung quốc. Chúng ta cho rằng đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ thuộc vào tam tiêu. Tức là vị trí trên cơ thể (Miền miệng trên dạ dày là thượng tiêu, miền giữa dạ dày là trung tiêu, miền trên bàng quang là hạ tiêu). Trung quốc lại nói Ba hồn là: Sảng Linh (爽灵), Thai Quang (台光), và U Tinh (幽晶), tức là chỉ về ý nghĩa của hồn mà không xác định vị trí hồn trong cơ thể.
Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú ngụ, trường hợp hôn mê ở các mức độ khác nhau, được giải thích là vía và hồn rời bỏ thể xác ở các mức độ khác nhau. Nếu phần thần của hồn mà rời khỏi thể xác thì người đó chết. Khi người chết, hồn nhẹ hơn sẽ bay sang kiếp khác còn vía nặng hơn sẽ bay là là mặt đất rồi tiêu tan. Thế nên mới có câu: “hồn xiêu phách lạc” (nói trạng thái run sợ, mất chủ động),….
Nguyễn Du viết về cái chết: “Thác là thể phách còn là tinh anh”.(Truyện Kiều). Điều này phản ánh sự khác biệt giữa sự sống và cái chết trong quan niệm của nhân dân. Khi chết thì thân xác và vía mất đi, cái còn lại mãi mãi là tinh anh tức là linh hồn trở về cõi vĩnh hằng. Đạo Phật nói: “Sinh ký tử quy 生寄死歸” (Sống gửi thác về) coi cuộc sống con người chỉ là sống gửi, khi chết mới thật sự trở về với ông bà tổ tiên và cõi vĩnh hằng. Bởi vậy, ta không việc gì phải sợ cái chết, cái chết chỉ là bước khởi đầu cho một sự bất diệt!
Hồn là tinh thần anh linh của người đã chết. Chính thế người chết mới có Lễ phục hồn (Xem phần Tang lễ). Hồn là cái trường tồn, khi người ta chết hồn được gọi là vong hồn. Giữa vong hồn và người sống là hai thế giới dương gian, âm phủ khác nhau nhưng vẫn có quan hệ với nhau. Đặc biệt vong hồn của Tổ tiên ông bà cha mẹ vẫn thường xuyên săn sóc, quan tâm đến con cháu. Mỗi khi gia đình có điều vui buồn, có công to việc nhỏ, thì linh hồn của Tổ tiên luôn theo dõi sát sao. Con cháu được Tổ tiên phù hộ độ trì mới luôn khỏe mạnh, làm ăn tấn tới. Khi có việc nguy hiểm sắp xẩy ra, Tổ tiên thường báo mộng để con cháu tìm cách giải trừ.
Điều này đúng hay sai, xin dành cho các nhà khoa học nghiên cứu. Ở đây chỉ tập trung trong phạm vi ý thức và quan niệm của nhân dân ta đã có từ lâu đời. Những năm gần đây nổi lên vấn đề tâm linh, nước ta có hẳn một trung tâm nghiên cứu về vấn đề này. Xuất hiện một số nhà ngoại cảm thực thụ, nhưng cũng mọc lên như nấm sau mưa những “nhà ngoại cảm ăn theo”. Chúng ta cần tỉnh táo…!!!

Luật pháp là của giai cấp thống trị đề ra, nhằm bảo vệ quyền lợi của giai cấp. Luật pháp sẽ thay đổi theo thể chế thời đại.
Luật tục có trước luật pháp. Luật tục ràng buộc chặt chẽ mọi hành vi của con người còn bền chắc hơn luật pháp rất nhiều lần. Nhà nước không có một văn bản nào quy định, song nó lại là một điều đương nhiên trong phong tục người Việt Nam. Luật tục mãi trường tồn nhằm bảo vệ duy trì và phát huy những giá trị đạo lý nhân văn của cha ông ta trong tiến trình Lịch sử. Vì thế việc thờ cúng Tổ tiên của dân tộc Việt Nam không thể thay đổi và mất đi được. Lên nhang trước bàn thờ Gia tiên là một việc làm thường xuyên, hàm chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn, qua năm tháng của mỗi người dân Việt Nam.
Hãy làm một phép tính: Trong một năm, mỗi gia đình có bao nhiêu lần lên nhang trước bàn thờ Tổ tiên? Mỗi tháng có hai ngày rằm, mồng một đã là hai mươi bốn lần. Tết Nguyên đán hương khói liên tục từ ngày ba mươi; dài là hết mồng bảy, có ngắn cũng hết chiều mồng ba. Lại còn tiết Thanh minh, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tết ông Táo, cúng cơm mới có sản phẩm thu hoạch đầu mùa… Kỵ lạp ông bà ông vải… nhà ít cũng dăm ba lần, nhà nhiều trên chục lần. Khi có công to việc nhỏ như cưới xin, lễ tang, ốm đau, làm nhà, xuất hành, đưa con đi thi, khai trương một công việc…đều thắp hương kính cáo gia tiên.
Tính ra, tất cả cũng trên dưới năm mươi lần trong một năm. Như vậy, bình quân mỗi tuần lên nhang một lần trên bàn thờ Gia tiên. Đó là ở gia đình bình thường, còn ở các gia đình trưởng Tộc, trưởng Chi chắc còn nhiều hơn.
Xét về thời gian, mỗi tuần chúng ta được “gặp” các vị gia tiên một lần, như vậy cũng là thường xuyên lắm! và gần gũi lắm! Khi đốt nén nhang thơm, ta như thấy linh hồn tiên tổ lẫn trong khói hương mờ ảo, với ánh mắt hiền từ, đại lượng bao dung tiếp thêm nghị lực và khuyến khích chúng ta có niềm tin vững bước trên đường đời.
Khi lên nhang trước bàn thờ Gia tiên, tùy công việc và điều kiện từng gia đình, mà có cỗ cúng thịnh soạn, hoặc đơn giản chỉ cần đĩa trầu, chén nước lã và nén nhang là đủ. Trước hết là trình bày sự việc, sau là cầu xin Tổ tiên phù hộ độ trì. Hồn thiêng Tiên Tổ không cứ vào vật chất, mà xét ở tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn của con cháu chúng ta.

(Còn nữa)

Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong