NẾP LÀNG DUY TINH

NẾP LÀNG DUY TINH

                                   

                                           Cụ Mậu Trưởng làng xem Văn bia chùa Sùng Nghiêm
                      Nếp làng Duy Tinh
                                              02/09/2009 Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Làng xóm văn minh, gia đình văn hoá, giờ đây làng Duy Tinh nhà nào cũng được xây dựng khang trang, vườn tược xanh mát mắt…
Có một ngôi làng mà nhà nhà đều lấy “đức, nhân, nghĩa” để giữ gia phong. Dù cơ chế thị trường có ùa vào thì người làng vẫn có cách dạy con cháu “miễn dịch” với cái xấu. Đó là làng Duy Tinh xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá). Nơi Lý Thường Kiệt chọn làm căn cứ
Về Văn Lộc, chúng tôi được tiếp chuyện với cụ Nguyễn Văn Mậu, người làng Duy Tinh. Cụ Mậu năm nay 77 tuổi, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc. Cụ Mậu là tác giả của nhiều bài viết về ngôi làng cổ của địa phương. Cụ Mậu say sưa kể về truyền thống của làng. Cụ nói: “Trên văn bia thời Lý còn sót lại có ghi rõ tên làng Duy Tinh. Điều đó cho thấy làng đã có tên gọi cách đây hàng ngàn năm. Thời nhà Lê, làng Duy Tinh là một hương của tỉnh Thanh Hoá”.
Làng Duy Tinh có 4 xóm: Tinh Anh, Tinh Hoa, Tinh Phú, Tinh Lộc. Chỉ nghe mỗi cái tên gọi cũng đã thấy được tiềm ẩn của một nền văn hoá đẹp. Làng Duy Tinh vốn là lỵ sở phủ Thanh Hoá suốt 2 triều đại Lý – Trần (1009- 1400), lỵ sở phủ Hà Trung xưa và lỵ sở của huyện Hậu Lộc đến năm 1984.
Ấn tượng của khách thập phương đến tìm hiểu về làng Duy Tinh là làng nằm ở vị thế đắc địa. Duy Tinh hội tụ của 3 con song: sông Ấu, sông Trà, sông Lạch Trường nên cư dân nơi đây có quan niệm “tụ thuỷ thì tụ nhân” với ý là có nước thì có người. Cùng với 3 con sông lớn này, làng Duy Tinh còn có đường lớn chạy qua trên địa phận của làng và có chợ Phủ họp tất cả các ngày trong tháng nên dân làng rất thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế- văn hoá, xã hội.
Nhờ đó mà đời sống dân làng Duy Tinh ngày một khấm khá đi lên. Điện lưới quốc gia vào tận từng gia đình, đường giao thông nông thôn được bê tông hoá kiên cố, trường học các cấp và trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Thành tích đó ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, phần lớn là dân làng Duy Tinh đóng góp xây dựng, trong đó có một lượng tiền từ con em của làng thành đạt làm ăn xa gửi về xây dựng quê hương. Làng xóm văn minh, gia đình văn hoá, giờ đây làng Duy Tinh nhà nào cũng được xây dựng khang trang, vườn tược một màu xanh của các loại hoa màu, rau, quả…
Được cùng cụ Mậu dạo quanh làng, nghe kể về truyền thống văn hoá của làng với những câu chuyện lịch sử thời Lý thật là thú vị. Đứng bên cạnh ngôi chùa cổ của làng, cụ Mậu trầm ngâm như nhớ về một cõi xa xăm: “Trong suốt 19 năm (1082- 1101) về trấn thủ tại tỉnh Thanh Hoá, Lý Thường Kiệt cũng đã chọn làng Duy Tinh làm nơi xây dựng căn cứ quân sự với nhiều đồn bốt cho quân lính luyện tập và trú ẩn. Thủ phủ của tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ cũng chính là làng Duy Tinh này. Khi trấn thủ Thanh Hoá, Lý Thường Kiệt chủ yếu xây dựng đồn, luỹ phục vụ cho công tác quân sự. Hiện nay ở làng còn di tích của đồn, luỹ mà Lý Thường Kiệt và binh lính xây dựng như Cồn Trống, Cồn Chiêng, Khu Đồn. Khu Đồn nay là nơi trường THPT Hậu Lộc II toạ lạc”.
Theo như lời cụ Mậu thì Lý Thường Kiệt cũng rất tôn sùng đạo phật, cho nên có gắn với câu chuyện của ngôi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Ngôi chùa được nhắc đến như một báu vật quý giá nhất của làng Duy Tinh. Dân làng quan niệm đó là linh hồn, là biểu tượng văn hoá của làng.
Đất học
Sử sách còn ghi làng Duy Tinh là một đô thị văn hoá vì cả một vùng rộng lớn đất học Văn Lộc nó có từ xưa. Thế kỷ 15 đã có danh nhân Lê Niệm văn võ song toàn. Văn Lộc là nơi có trường tiểu học Pháp Việt đầu tiên được hình thành từ 1925, nhiều người trong xã được học tập đỗ đạt, trưởng thành. Làng Duy Tinh có 7 thầy giáo dạy tại trường. Ngày càng nhiều con em được vào học các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người đã có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ… Toàn xã có 8 giáo sư, tiến sĩ thì có 7 người ở làng Duy Tinh và 12 thạc sỹ. Nhiều nét đẹp văn hoá gieo hạt giống đạo lý tình người cũng sớm được hình thành cùng với lịch sử văn hoá làng. Trong gia đình, lấy “đức, nhân, nghĩa” làm trọng để xây dựng nề nếp gia phong.
Làng Duy Tinh có 16 dòng họ đoàn kết chung sống trong cộng đồng. Mỗi dòng họ cũng có những nét riêng trong giáo dục đạo lý làm người cho con, cháu hiện tại và mai sau. Như gia phả họ Lê ở làng Duy Tinh có đoạn viết: “Có lẽ đạo của đời người nếu không tôn trọng đạo lý luân thường thì không có anh em thân thích. Chính đó là cái lẽ luân thường về sau, là đạo lý trong các gia đình hoà mục”. Trong cộng đồng Duy Tinh, nhiều nét đẹp từ xưa vẫn còn lưu truyền mãi mãi về sau như “vui có nhau, buồn có nhau”; “đám cưới mời trầu làng, đám tang cả làng đưa đám”; “thương người như thể thương thân”; “một miếng khi đói bằng gói khi no” thể hiện tình cảm nghĩa xóm tình làng.
Sự phát triển của kinh tế ngành nghề đã từng bước hình thành sự phân công lao động. Ở làng Duy Tinh có những nghề dịch vụ không chỉ được phát triển ở trong làng, xã, huyện mà còn được phổ biến rộng trong tỉnh như các nghề: dạy học (cả chữ nho và chữ quốc ngữ), nghề làm thuốc đông y, nghề mộc, nghề rèn. Đặc biệt, nghề làm nhà luồng được xem là thế mạnh của làng Duy Tinh nổi tiếng một thời. Trong các năm 1972- 1973, UBND tỉnh Thanh Hoá điều động tổ làm nhà luồng của làng đi làm nhà T72 cho tỉnh được tỉnh xếp loại có chất lượng hàng đầu đem về cho xã bằng khen và vật lưu niệm. Với phương châm “đưa vườn ra đồng”, cả làng đã có 31 mô hình trang trại ngoài đồng cho thu nhập khá. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Tùng.
Dân làng gọi ông là Tùng “tôm”. Ông Tùng nhận thầu 1ha đất hoang của xã rồi đầu tư với số vốn khá lớn, được nhà nước hỗ trợ thêm 80 triệu đồng cho việc nuôi tôm giống. Nhờ đó 6 năm nay doanh thu của gia đình ông đạt trên 300 triệu đồng/năm. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm ông thu lãi trên 80- 100 triệu đồng từ nuôi tôm giống. Ông Tùng kể: “Nuôi tôm là siêu lợi nhuận và chỉ có con tôm mới cứu được chính nó khi người nuôi bị thất bại trong vụ sản xuất. Toàn bộ con giống được cung ứng cho người nuôi tôm trên địa bàn các huyện trong tỉnh và một số địa phương của tỉnh Ninh Bình”. Không chỉ nuôi con tôm cho lợi nhuận cao mà vợ chồng ông Tùng còn chăm sóc hai người con ăn học chu đáo. Nay hai người con đã tốt nghiệp Đại học và ra trường có việc làm ổn định. Cô con gái sau khi tốt nghiệp được lãnh đạo nhà trường giữ lại làm giảng viên. Thật là một niềm hạnh phúc của vợ chồng nông dân Nguyễn Thanh Tùng.
Niềm hạnh phúc ấy chúng tôi cũng bắt gặp trên nhiều gương mặt khác khi dạo bước cùng cụ Mậu quanh làng Duy Tinh.
                                                                    NGUYỄN VĂN HÙNG

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong