Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Bảy

Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Bảy

Chương Thứ Ba (Tiếp theo)
IV. LỄ CƯỚI Ở CUNG ĐÌNH

VÀ MỘT SỐ VÙNG MIỀN

1- Lễ nghi ở cung đình
Lễ cưới trong cung đình, quan lại ở các triều đại phong kiến thời nhà Nguyễn, nhìn chung giống với tục cưới gả của Trung Hoa, căn cứ vào sáu lễ (lục lễ), có thể rút bớt hay kết hợp nhưng được sắp đặt cầu kỳ, tỷ mỉ, trang trọng và xa hoa hơn trong dân gian. Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do cha mẹ chủ trương và theo lối “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Hoàng tử lấy vợ chính gọi là “nạp phi”, lấy vợ thứ gọi là “nạp thiếp” (khi về nhà chồng, mỗi người có một phủ riêng, cô dâu được gọi là phủ phi hay phủ thiếp). Công chúa lấy chồng gọi là “hạ giá” (chú rể được phong Phò mã).
Hoàng tử nạp phi
Hoàng tử khi đến 15-18 tuổi sẽ được phong tước, cấp đất và tiền để lập phủ riêng, sau đó vua mới nghĩ đến việc cưới vợ cho con. Cô dâu do chính vua kén chọn qua việc dò hỏi các vị đại thần, xem ai muốn gả con gái cho hoàng tử. Khi có vị nhận lời, vua mới chuẩn bị hôn lễ. Đời Gia Long thứ 7 (1008), hôn lễ được cử hành qua các bước:
Truyền mệnh: vua cử hai đại thần lãnh cờ tiết đến nhà gái thông báo, đúng ngày đã định, cha mẹ cô gái vào cung nhận mệnh, sau đó Khâm Thiên giám chọn ngày tốt để tiến hành hôn lễ.
Nạp thái: trước ngày nạp lễ, có một buổi thiết triều ở điện Cần Chánh để vua truyền cho biết ngày giờ hôn lễ và cử các quan vào trong ban phụ trách việc hôn lễ này. Hai quan đại thần và một số người khác và vài mệnh phụ, quân lính bưng tráp thiếp và lễ vật đến nhà gái. Lễ vật được đặt sẵn trên các án sơn son thếp vàng bao gồm: vàng, bạc, gấm, lụa, nữ trang, trầu, cau, trâu, bò, lợn, rượu… Hòm thiếp đựng giấy ghi danh sách, số lượng vật phẩm và ngày giờ cử hành các lễ tiếp theo.
Nạp trưng: Chọn ngày tốt, nghi thức được tiến hành. Ngoài những vật phẩm như trên còn có mũ áo, xiêm, hài, kiệu, lọng và “tờ sách vàng” viết bài dụ của vua. Một nữ quan đọc tờ sách, cô dâu ngồi vào ghế để nhận lạy mừng của mọi người, sau đó rước cô dâu về phủ của hoàng tử. Hai đại thần về điện nạp cờ tiết phục mệnh. Hôm sau, cha mẹ của cô dâu phải vào cung để làm lễ tạ ơn nhà vua.
Công chúa hạ giá
Khi công chúa hạ mình xuống để lấy chồng, người chồng được gọi là “thượng giá” và trở thành phò mã. Việc chọn phò mã không hề đơn giản. Vua sai Bộ Lại, Bộ Binh lập danh sách 5 người là con cháu và chắt các công thần từ nhị phẩm trở lên, những chàng trai này phải thông minh và đẹp. Một vị hoàng thân và một vị đại thần mà vợ chồng song toàn, được cử làm chủ hôn và chiếu liệu (lo sắp đặt mọi chuyện). Họ cử người xứng đáng nhất và hợp tuổi với công chúa để vua quyết định.
Sau khi vua chọn, phò mã tương lai được vua ban tiền để tậu phủ và sắm vật dụng, trang phục đúng nghi thức, trong đó có một chiếc thuyền rồng. Cha mẹ phải vào lạy tạ ơn trên. Khâm Thiên giám chọn ngày để tiến hành sáu lễ, nhà trai phải liên hệ để biết mà chuẩn bị, cũng có thể kết hợp một ngày hai đến ba lễ, cách quãng nhau.
Lễ nạp thái và vấn danh: gia đình phò mã đưa lễ vật vào cung, cúng tổ tiên công chúa và được chủ hôn mở tiệc khoản đãi. Công chúa nhận vàng bạc và nữ trang.
Lễ nạp trưng và nạp cát: gia đình lại đưa lễ vật vào cung, sau đó hai bên tự tổ chức lễ cáo với tổ tiên mình về việc cưới hỏi.
Lễ điện nhạn và thân nghinh: Trước đó, vua sai quan khâm mạng đến phủ đệ phò mã, bày giường thất bảo, màn tiên. Đúng ngày giờ đã định, gia đình phò mã mang lễ vật vào cung, trong đó có một cặp ngỗng. Vị đại thần làm chủ hôn lập một phái đoàn rước công chúa về phủ phò mã.
Phẩm vật cưới về số lượng mỗi khi mỗi khác và thường là khá nặng. Vào năm 1883, lễ nạp thái được ghi nhận gồm: 20 lạng vàng, 100 lạng bạc, 2 mâm trầu, 2 mâm cau; lễ vấn danh gồm: 1 con trâu, 2 con lợn, 2 hũ rượu; lễ nạp cát gồm: 4 tấm gấm, 10 tấm lĩnh màu, 10 tấm sa màu; lễ nạp trưng gồm: 2 mâm trầu, 2 mâm cau, 2 hũ rượu; lễ thỉnh kỳ gồm: 1 con bò, 2 con dê, 3 hũ rượu; lễ điện nhạn gồm: 2 con chim nhạn (được thay bằng ngỗng), 1 hộp kim chỉ, 100 đồng tiền cổ, 20 lạng vàng, 100 lạng bạc… Có quan nghèo không lo nổi nên vào năm 1864, vua Thiệu Trị dụ rằng: “Đời xưa, vua Nghiêu gả 2 con gái cho Ngu Thuấn ở Vĩ Nhuế, chả nghe nói lễ cưới sang trọng. Hơn nữa, đám cưới chỉ dùng 2 da hươu làm lễ, xưa kia vẫn nói thế. Nay gả hoàng nữ cho con các đại thần, mà các đại thần thanh thận trung cần, trẫm biết sẵn, vậy 6 lễ cưới, cho tuỳ theo cảnh nhà giàu nghèo mà sắm sửa, không nên ấn định lễ vật, chớ nên bày đặt quá nhiều. Vậy các quan chủ hôn cần biết rõ”. Như vậy “cái giá” của công chúa cũng phải “hạ” cho phù hợp hoàn cảnh của phò mã!
2 – Lễ cưới ở Hà nội – Theo ông Nguyễn Vinh Phúc (Nhà Hà nội học). Nghi thức Lễ cưới ở Hà nội quy định nghiêm ngặt hơn, trải qua thời gian, nghi thức đó cũng đã thay đổi theo sự tiến bộ của xã hội. Nhưng vẫn giữ ba lễ cơ bản:
– Chạm ngõ, vẫn giữ nguyên nếp xưa. Là thủ tục cần thiết để hai gia đình là “chỗ người lớn” thưa chuyện với nhau. Sau lễ chạm ngõ, người con gái xem như có nơi có chốn, bước đầu để tiến tới chuyện hôn nhân
– Lễ Ăn hỏi của người Hà nội không thể thiếu cốm và hồng, ngoài ra còn có lợn sữa quay. Đồ lễ gắn liền với đặc sản đất Hà thành có: Bánh cốm, bánh su sê, mứt sen, chè rượu, trầu cau, thuốc lá…Bánh su sê, còn gọi là bánh phu thê không thể thiếu.
– Lễ cưới tiến hành sau lễ Ăn hỏi thường dưới 10 ngày. Lễ rước dâu ngày trước có nhiều thủ tục. Đi đầu đám rước là những người giàu, có địa vị trong làng xã. Khi dâu về đến đầu làng, đầu phố còn có tục chăng dây, muốn đi qua phải đưa một ít tiền. Ăn uống tiệc tùng diễn ra trước khi cưới một ngày. (Bây giờ thường tổ chức trong ngày cưới, ăn uống tại ở Khách sạn.). Từ khi đô thị hóa ngày càng mạnh, phong tục cưới tiếp thu văn hóa phương tây. Đám cưới bắt đầu xuất hiện thiệp báo hỷ. Khi đưa thiệp mời phải kèm theo chè và mứt sen (Tục này bây giờ vẫn còn).
Đám cưới của những gia đình khá giả, phải có quả phù tang (dùng để đựng đồ lễ). Quả phù tang dài từ 80 cm đến 1m do hai người khiêng, đựng trầu cau, lợn sơn son. Người chủ hôn mở sâm banh là bắt đầu lễ cưới. Dù nhà giàu hay nghèo đều không ăn tiệc mặn, chỉ dùng tiệc ngọt mà thôi.
3 – Lễ cưới ở Nam bộ – Theo nhà văn Sơn Nam – khi ở nhà gái có Lễ Lên Đèn. Lên đèn là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng nhất, bắt buộc phải có.
Hôn lễ chính cử hành tại bàn thờ tổ tiên trong gia đình nhà gái. Bàn thờ phải có đủ “hương đăng hoa quả”. Họ hàng nhà trai đến phải có người làm mai đi đầu. Lễ vật gồm: trái cây, bánh kẹo, trầu cau. Ngoài ra, phải có cặp đèn (nến) trùng với kích thước của đôi chân đèn trên bàn thờ. Đây được xem là nét văn hóa, linh thiêng của dân tộc Việt.
Ðại diện nhà trai kính cẩn mời nhà gái uống trà, rượu, và mời ăn trầu. Hai bên bàn bạc với nhau vài chi tiết, tặng nữ trang, tiền mặt. Khi trưởng tộc nhà gái tuyên bố: “Xin làm lễ lên đèn” là lúc đôi bạn trẻ chính thức thành đôi vợ chồng. Người trưởng tộc mở một chai rượu do nhà trai đem đến đứng trước bàn thờ, giữa cô dâu và chú rể, chờ lửa ở hai ngọn nến cháy đều, ông trưởng tộc trao cho hai vợ chồng mỗi bên một ngọn để cắm vào chân đèn.
Ông kính cẩn khấn vái kính cáo việc cho con, cháu đi lấy chồng. Kính mong Tổ tiên phù hộ cho họ trăm năm Hạnh phúc. Ngọn đèn phải cháy đều đặn, nếu bên cao bên thấp thì chàng rể sợ vợ, cô dâu sẽ “làm chồng”.
Lễ lên đèn có một sự tôn nghiêm kỳ lạ với ý nghĩa: lửa là sự sống, niềm lạc quan, nối quá khứ đến hiện tại, mặt đất lên trời…Chính vì thế, đây là một nghi thức bắt buộc không thể thiếu ở mọi hôn lễ từ xưa đến nay của người miền Nam.
Nghi thức Lễ Lên đèn như một kiểu ký tên đóng dấu, chính thức công nhận đôi vợ chồng. Nghi thức này được tiến hành dưới ngọn lửa thiêng liêng, ánh sáng của niềm tin.
4 – Lễ cưới ở Huế – Theo Tiến sĩ Tôn Thất Bình ở Huế – đất đế đô – bây giờ cũng rất trọng hình thức. Có lẽ chịu ảnh hưởng của Lễ giáo Phong kiến nhiều hơn. Đoàn đưa dâu có kiệu và lọng cho cô dâu, chú rể.
Người Huế không có tục thách cưới. Lễ vật tối thiểu chỉ gồm có mâm trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng, bánh phu thê. Nhà khá giả có thể thêm bánh kem, bánh dẻo. Ngoài ra đám cưới có phù dâu, phù rể và hai đứa trẻ rước đèn đi trước. Hai đứa trẻ một trai một gái, cùng lứa tuổi cầm đèn lồng và hoa đi trước.
Số người nhà trai đi rước dâu, phải là số chẵn. Trước khi đi và khi đón dâu về, nhà trai thường cử vài người đàn ông hoạt bát, đã có vợ con ra đứng đón sẵn để “lấy hên”. Trong đêm tân hôn, đôi bạn trẻ phải làm lễ giao bôi hợp cẩn. Người Huế có tập tục để trong phòng hoa chúc một khay lễ với 12 miếng trầu. Một đĩa muối gừng và rượu giao bôi. Vợ chồng phải nhai hết 12 miếng trầu ấy. Tượng trưng cho 12 tháng hòa hợp trong năm, 12 năm hòa hợp trong một giáp. Ăn muối gừng thể hiện tình cảm sâu nặng “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.” Uống rượu giao bôi thể hiện mối tình nồng thắm
5 – Lễ cưới của các dân tộc thiểu số
Đối với nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam, lễ cưới là lễ hội quan trọng nhất. Nếu lễ cưới của người Kinh thường diễn ra vào mùa đông thì lễ cưới của các dân tộc thiểu số được chọn vào lúc thu hoạch xong mùa rẫy. Mùa ấy cũng đồng thời diễn ra nhiều lễ hội khác như lễ mừng mùa, lễ chúc phúc, lễ tạ ơn thần linh…cho nên người ta gọi là mùa “ăn năm uống tháng”.
Lễ cưới các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống nổi bật, nhất là nghi lễ, tập tục hay và lạ; các hình thức sinh hoạt văn hóa, vui chơi; đặc biệt là trang phục, trang sức của cô dâu trong lễ cưới.
Một tập tục khá phổ biến của nhiều tộc người miền núi là tục trùm chăn trong lễ cưới. Người ta chọn tấm thổ cẩm có nhiều hoa văn đẹp, mới dệt, trùm lên đầu cô dâu chú rể để chúc phúc, như lễ Pà Dùm của người Cơtu. Lễ trùm chăn là nghi thức thiêng liêng, đánh dấu sự bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Đôi trai gái cùng uống ché rượu cưới, ăn miếng bánh lá, bôi huyết con vật hiến tế lên trán… như là lời thề ước hẹn thủy chung, trước sự chứng kiến của thần linh và dân làng. Người M’nông trùm chăn để thử tài của đôi trai gái. Khi tấm chăn vừa phủ lên đầu cô dâu chú rể, theo quan niệm của đồng bào ai là người nhanh tay dỡ tấm chăn ra trước thì người ấy có vai trò định đoạt cuộc sống gia đình, hạnh phúc sau này.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, dân tộc Dao đỏ còn giữ nhiều tập tục trong lễ cưới, nhất là trang phục cho cô dâu. Lễ đưa dâu về nhà chồng thực sự là một cuộc “diễu hành” biểu dương cái đẹp nghệ thuật và trang phục. Cô dâu – nhân vật chính của buổi lễ – trên đường về nhà chồng luôn giấu mặt trong tấm thổ cẩm lớn màu đỏ chói. Dẫn đầu đoàn đưa dâu là các nghệ nhân thổi kèn, đánh trống, bên cạnh là cô gái trẻ cầm vạt váy áo cô dâu dắt đi; phía sau có người che dù và đoàn người đi theo cổ vũ, đưa tiễn cô dâu trong không khí rộn ràng, vui nhộn. Về đến nhà chồng, làm lễ xong cô dâu mới được phép gỡ tấm vải che mặt ra, để mọi người ngắm nhìn gương mặt hạnh phúc của cô trong ngày cưới, nên duyên vợ chồng.
Từ xa xưa, con trai, con gái Mông chỉ nghe theo tiếng gọi của trái tim, người Mông không lấy vợ lấy chồng theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Con gái Mông đã yêu thì mãnh liệt vô cùng, nếu thích ai thì bỏ nhà đi theo; mà không thích thì trâu béo, bạc nén cũng chẳng cần. Tình yêu khiến họ vượt trăm sông ngàn suối để đến với nhau. Tình yêu thành lời hát, tiếng khèn tha thiết ở những phiên chợ tình tìm bạn, trên các sườn non vách núi. Các chàng trai dùng tiếng khèn điệu hát thay cho lời tỏ tình. Người Mông có hình thức “kéo vợ” (mà ta hay gọi là cướp vợ), không giống với bất kỳ dân tộc nào. Cho dù cô gái ưng thuận, nhưng khi chàng trai “bắt”, cô vẫn cố tình giằng co để chứng tỏ danh giá của mình. Cái lý của người Mông là “để mai này sống với nhau có điều gì khúc mắc, chàng trai không được nói là “cô tự theo tôi về…”; và cô gái cũng có cớ để dỗi rằng “do anh kéo tôi về đấy chứ!”.
Trang phục, trang sức lễ cưới cũng là nét đẹp nổi bật của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Dân tộc nào cũng có những bộ trang phục đẹp nhất và trang sức quý giá nhất để làm đẹp cho cô dâu trong ngày cưới. Nhìn vào váy áo, trang sức người ta cũng biết được ít nhiều về đời sống kinh tế gia đình và sự giỏi giang của chính cô dâu. Bởi vì một cô gái siêng năng, biết dệt thổ cẩm, thêu thùa hoa văn, luôn tay kéo bông… thì đương nhiên cũng phải biết tạo ra cho mình bộ trang phục truyền thống thật đẹp. Đó cũng là một tiêu chuẩn mà các chàng trai làng chọn vợ. Cô dâu không chỉ biết tạo ra váy áo đẹp cho mình, mà còn làm nhiều sản phẩm khác như khăn piêu, chăn nệm bông lau, thắt lưng, tấm choàng, tấm địu con… để mang tặng bà con nhà chồng và làm tài sản ra riêng. Đối với các dân tộc Tây Bắc, đồ dẫn cưới không thể thiếu là các loại trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai có giá trị và được ưa thích. Còn đối với các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên, vòng đồng và các loại trang sức bằng cườm mã não, là hiện vật không thể thiếu trong nghi lễ hôn nhân.
Lễ cưới các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống cần được nâng niu, gìn giữ. Và đáng mừng là thời gian qua, nhiều địa phương trong nước đã sưu tầm, nghiên cứu và ghi hình về lễ cưới, các lễ hội dân gian cổ truyền, góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt.
– Dân tộc Ê-Đê Các cô gái phải tự đi kiếm chồng và chịu phí tổn toàn bộ tiền cưới. Một cô gái đã “nhằm” một chàng trao nào đó, thì nhờ ông “mối” đem chiếc vòng đồng sang nhà trai để hỏi chồng. Chàng trai thấy “ưng bụng” thì sỏ tay vào chiếc vòng đồng ấy, rồi làm lễ nhận vòng. Vậy là, sự “ràng buộc” giữa hai nhà đã có sợi dây thân thiết. Để tìm hiểu cô dâu được kỹ càng, nhà trai có thể “đem” cô gái về ở nhà mình. Tổ chức lễ cưới ở họ nhà gái. Phải có lợn và rượu. Con lợn được mổ để lấy máu thoa vào chân cô dâu, chú rể, rồi cúng tổ tiên cầu cho hai trẻ được sống hạnh phúc. Tiếp đó, ông “mối” xúc cho cô, cậu mỗi người hai miếng cơm và ba chén rượu. Tất cả mọi người có mặt đều ăn một miếng thịt và một miếng ruột lợn. Ông trưởng họ cầm chiếc vòng đồng, cô dâu, chú rể sờ tay vào chiếc vòng đó, “tiết mục” này kết thúc lễ cưới. Sau cưới 3 ngày, thì mọi tư trang và dụng cụ sản xuất bên nhà trai phải mang về nhà gái để vợ chồng làm ăn
– Dân tộc Khơme Nam Bộ. Phong tục cưới của đồng bào Khơ me có 9 lễ, thể hiện quan niệm sống của dân tộc này. Lễ cưới thường diễn ra theo mùa (từ tháng 10 đến tháng 4 theo Phật lịch) người Khơ me đặc biệt tránh tổ chức lễ cưới vào mùa mưa. Trai gái được tự do tìm hiểu, không bị cha mẹ cấm đoán. Nghi thức cưới bao gồm rất nhiều lễ:
1- Lễ Si sla dâk (như lễ dạm ngõ của người Kinh), nhà trai thăm dò ý tứ của gia đình nhà gái, nếu được thì hỏi tuổi tác, rồi mang cơi trầu tới nhà gái thưa chuyện.
2- Lễ Si sla kân seng (như lễ ăn hỏi), nhà trai mang lễ vật đến nhà gái đặt vấn đề cưới hỏi
3- Lễ Si sla banh cheabpeak (tức lễ xin cưới). Nhà trai mang tặng vật dành riêng cho cô dâu tương lai như nhẫn, vòng vàng, bạc và nhiều thứ khác.
4- Lễ nhập gia (lễ định ngày cưới), nhà trai mang lễ vật theo cặp đôi, số chẵn tượng trưng cho cặp vợ chồng; dẫn đầu đoàn nhà trai là ông Maha (ông mối). Khi nhà trai đến, bên nhà gái sẽ rào kín cổng, ngõ không cho vào để tượng trưng cho sự cao qúy, trong trắng của cô gái. Nhà trai phải dâng lễ vật và xin bên gái mở cổng rào cho vào; nếu vẫn không được, ông Maha sẽ cầm dao múa điệu Râm bơk rôbâng (múa mở rào), múa cho đến khi nào nhà gái mở cổng mới thôi.
5- Lễ cưới. Sau lễ nhập gia, vào giờ tốt đã chọn từ trước, lễ cưới sẽ được tiến hành với sự tham dự của họ hàng hai bên, khách khứa, bạn bè và có các vị sư đến tụng kinh chúc phúc cho cô dâu chú rể.
6- Lễ chăng dây (lễ buộc chỉ cổ tay). Trong lễ này, ông Maha sẽ nhảy múa trước cô dâu chú rể và mời mọi người dự lễ buộc chỉ cổ tay chúc phúc cho cô dâu chú rể, vòng chỉ dùng để buộc cổ tay cũng phải làm thành một đôi. Sau đó họ hàng, bạn bè sẽ tặng vật mừng cưới hoặc tiền cho cô dâu chú rể.
7- Lễ Phsâm đâm nêk (lễ nhập phòng), lúc này ông Maha sẽ dẫn đôi vợ chồng mới vào phòng tân hôn, cô dâu đi trước, chú rể đi sau nắm lấy vạt áo cô dâu.
8- Lễ Bôs kăntêl (lễ quét chiếu), một người già đông con nhiều cháu, mạnh khỏe mang chiếu ra và hỏi: “Ai chuộc chiếu này không ? Ai chuộc được sẽ giàu có, đông con lắm cháu, bảo ban ai cũng nghe…”. Lúc đó chú rể sẽ là người đứng ra chuộc chiếu, sau đó chiếu được trải ra cho cô dâu chú rể và khách ngồi. Trò chuyện xong, ông Maha cuốn chiếu lại và thay mặt cô dâu chú rể nhận quà mừng.
9- Lễ Đêk sâng kât chơng mưng (lễ chung màn), giống như lễ động phòng ở người Kinh. Lễ tục này kéo dài đến 3 đêm liền, hiện nay chỉ còn duy trì ở một số địa phương. Hai người phụ nữ có con cháu đầy đàn, gia đình hạnh phúc được chọn làm người buông màn, múc nước dừa, bóc chuối mời cô dâu chú rể ăn và chúc sống hạnh phúc, thọ trăm tuổi. Theo lệ cũ trước đây thì có tới 4 người phụ nữ nằm chặn 4 góc màn và họ phải giữ ý tứ cho đôi vợ chồng mới nhưng vẫn theo dõi đôi vợ chồng có gì “trục trặc” không, để nói lại cho gia đình cô dâu chú rể tìm cách tháo gỡ, giải quyết nếu có việc không thuận.
Đám cưới phải trải qua đủ các lễ tục nói trên mới được coi là hoàn thiện, nghiêm chỉnh, đúng lễ nghi phong tục.
*
6 – Lễ Cưới hỏi bên Công giáo. Lễ Cưới hỏi bên Công giáo, cơ bản vẫn giữ nét truyền thống dân tộc. Cũng đủ các lễ: Chạm ngõ, Ăn hỏi, Xin cưới, Nạp tài và Đón dâu.
Điều khác là vai trò của Linh mục và Nhà thờ có tính quyết định không những trước Đức Chúa trời và giáo lý quy định chặt chẽ; mà còn ràng buộc hai người khi đã thành vợ chồng.
Phải điều tra kỹ lưỡng trước khi kết hôn. Công việc này thường do cha xứ cả hai bên làm. Đầu tiên là về bí tích rửa tội và bí tích thêm sức, xem đương sự đã lãnh nhận chưa. Theo huấn thị Sacrosanctum, chứng chỉ rửa tội phải được cấp chưa quá sáu tháng tính đến ngày định thành hôn. Nhưng trường hợp rõ ràng, thì chứng chỉ cấp đã lâu cũng được. Chứng chỉ đó phải được trích lục từ sổ rửa tội của giáo xứ, trong đó phải ghi đầy đủ những điều giáo lý quy định. Nếu không có bằng chứng gì hơn, đương sự thề quả quyết mình đã chịu phép rửa tội là đủ. Hoặc chỉ cần một người làm chứng thật chắc chắn cũng được. Đương sự chịu phép rửa tội khi đã khôn lớn thì chính người ấy thề quả quyết mình đã chịu phép rửa tội cũng được.
Khi điều tra không có gì ngăn trở, cha xứ tiến hành “Rao hôn phối” và kiểm tra giáo luật, rồi gửi hồ sơ cho cha xứ nhà gái gồm: văn thư điều tra, chứng chỉ rao, chứng chỉ rửa tội, thêm sức, hay có tài liệu gì khác trong văn hàm xứ sở của mình liên quan đến vụ hôn phối… Cha xứ phải khảo hạch đôi hôn phối, xem họ có biết đủ giáo lý công giáo không
Khi làm lễ Ăn hỏi, Linh mục thông báo cho mọi người biết để xác định có vi phạm điều gì, nhất là có ai khác cùng yêu không?
Giáo Hội Công giáo khắt khe đối với những vụ hôn phối khác tôn giáo, Người khác tôn giáo phải tự nguyện học giáo lý theo quy định mới được kết hôn.
Trước khi làm các Lễ, Linh mục tiến hành khảo Bổn đối với đôi trai gái. Tập trung khảo 8 điều răn của Đức Chúa trời. Nội dung cơ bản xác định trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ đối với Đức Chúa, đối với gia đình họ mạc…Đặc biệt có điều quy định chặt chẽ, chế độ một vợ một chồng. Trọn đời chung thủy với nhau. Nếu kẻ nào vi phạm sẽ bị rút phép Thông công, trở thành kẻ ngoại đạo. Đó là điều đáng sợ nhất. Điều này thật sự tiến bộ, trước khi chúng ta có Luật Hôn nhân. (Chỉ được tái giá khi chồng chết).
Đôi vợ chồng trẻ thuộc 8 điều răn phân phối, mới được làm Lễ Cưới. Bình thường, hôn phối (lễ cưới) phải cử hành trong nhà thờ xứ. Nhưng khi có lý do chính đáng, thì được cử hành tại tư gia.
Trong Lễ Cưới, Linh mục hỏi từng người một:
– Con Phê-rô Hoàng (tên thánh của con trai) con có đồng ý lấy Ma-ri-a Hương (tên thánh của con gái) làm vợ không?
Người con trai trả lời: – Con đồng ý!
Linh mục lại hỏi:
– Con Ma-ri-a Hương, con có đồng ý lấy Phê-rô Hoàng làm chồng không?
Người con gái trả lời: – Con đồng ý.
Sau đó Linh mục trao nhẫn cưới và cho đôi trẻ chịu mình thánh (Ăn bánh Thánh – Một nghi thức thiêng liêng – vì đó là một phần máu thịt của Đức Chúa Trời). Cử hành phép hôn phối xong, linh mục quản xứ phải ghi vào sổ hôn phối
Sau đó về nhà tổ chức mời họ hàng, bà con làng xóm tới chung vui. Trên bàn thờ Chúa liên tục đèn nến, hương hoa.
         
Để các vị tìm hiểu thêm về việc cưới, thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chúng tôi xin tóm lược ý chính của cụ Phan Kế Bính (Một học giả uyên bác đầu thế kỷ XX) đăng trên “Đông Dương Tạp chí” năm 1913. Bây giờ in trong cuốn “Phong tục Việt Nam” :
Tuổi đính hôn: Trai gái đến tuổi mười lăm, mười sáu là tuần sắp lấy vợ, lấy chồng. Hai mươi tuổi mà chưa lấy chồng, lấy vợ coi là ế. Cũng có nhà cưới cho con mới hơn mười tuổi. Lại có trường hợp ước hôn với nhau từ khi mang thai. Trai gái chênh nhau một hai tuổi là đẹp. “Nhất gái hơn hai, nhị trai hơn một”!
Dạm hỏi: Chọn chỗ môn đăng hộ đối, xem đôi tuổi không xung khắc nhau. Rồi mượn mối lái đi hỏi trước. Khi nhà gái bằng lòng, mới đem cau, chè đến dạm. Từ đó thì mồng năm ngày tết, hoặc là ngày kỵ nhật nhà gái, người con trai phải đưa lễ vật đến mới là trọng thể. Cách ít lâu thì làm lễ ăn hỏi: Nhà trai đem cau chè, lợn, xôi đến nhà gái lễ gia tiên. Có nhà chỉ dùng cách giản tiện chỉ dùng cau chè, mứt mà thôi. Ở Quảng Nam trong lễ ăn hỏi thường lại thêm một đôi hoa tai vàng nữa.
Xêu: Ăn hỏi rồi mới xêu. Xêu thì mùa nào thức ấy, như mùa vải thì xêu vải, mùa dưa thì xêu dưa.v.v…
Có nơi một năm chỉ xêu bốn mùa. Tháng ba xêu vải, tháng năm xêu dưa hấu, đường, mắm, chim, ngỗng. Tháng chín xêu hồng cốm, gạo mới, chim ngói. Tháng chạp thì xêu cam, mứt, bánh cốm.
Đồ xêu nhà gái lấy một nửa, còn một nửa giả lại nhà trai, gọi là đồ lại mặt.
Cưới: Xêu xong nửa năm hoặc một năm mới được cưới. Cũng có khi xêu hai ba năm mới được cưới. Nếu không xêu mà xin cưới là thiếu lễ, người ta chê cười. Nhà gái không mấy người nghe.
Trao thơ, thách cưới: Trước khi muốn cưới thì đôi bên nhà trai nhà gái đều quang quẻ cả mới được, nghĩa là người chủ hôn không có tang chế gì. Cưới thì nhà giai viết thư hỏi xem ăn những lễ vật như thế nào. Nhà gái muốn những thức gì, thì viết thư giả lời nhà trai. Nhà trai liệu thế lo được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, đính ước ngày cưới với nhà gái. Nếu nhà gái lấy lễ nặng quá thì nhà giai xin bớt đi ít nhiều. Nhà gái không nghe thì có khi lại hoãn việc lại. Mà nhà giai bất đắc dĩ phải lo thì có khi vì thế mà hai bên xui gia sinh ra oán ghét nhau.
Đồ thách cưới thì đại để: Bao nhiêu lợn gạo, hoặc ăn bò thì thách bò, bao nhiêu chè, bao nhiêu cau, bao nhiêu rượu, vòng, nhẫn, hoa, hột, quần áo, chăn màn, và kèm theo bao nhiêu tiền bạc v.v…
Đám cưới: Về vùng hương thôn với nhau, cưới thường đi về đêm. Lúc đi phải chọn giờ Hoàng đạo mới đi, và phải có người đàn ông dễ tính ra đón ngõ trước, khi ra thì reo ầm cả lên rằng gặp giai, để cho mọi việc được dễ dàng mau mắn. Trong đám cưới có một ông già (kén ông nào hiền lành, mà vợ chồng còn song toàn, lắm con nhiều cháu mới tốt). Cầm một bó hương đi trước, rồi đến các người dẫn lễ, kẻ đội mâm cau, người khiêng lợn rượu v.v…Chú rể thì khăn áo lịch sự, có một đám thân thích dẫn đi. Khi đến nhà vợ, dàn bày đồ lễ. Người chủ hôn nhà gái khấn lễ gia tiên, rồi người rể vào lễ.
Tế tơ hồng: Bày hương án ra sân, dùng lễ gà, xôi, trầu, rượu tế tơ hồng, rồi hai vợ chồng đều vào lễ.
Điển tơ hồng xuất sứ từ bên Tàu. Có một người tên là Vi Cố, một bữa đi chơi giăng gặp một ông già đang xé các sợi chỉ đỏ ở dưới bóng giăng. Hỏi thì ông ấy nói rằng Ta là Nguyệt Lão coi việc xe duyên cho vợ chồng nhân gian. Ta đã buộc sợi dây này vào chân người nào thì dù thế nào cũng phải lấy nhau.
Vì thế ta cho việc vợ chồng là do ông Nguyệt Lão định trước, cho nên thành vợ thành chồng rồi thì phải tạ ơn ông ấy, và cầu ông ấy phù hộ cho ở được trăm năm với nhau.
Tế tơ hồng rồi thì người rể vào lạy cha mẹ vợ (tục ấy người theo lối văn minh bây giờ không chịu). Rồi đợi cho họ hàng ăn uống xong mới về.
Đưa dâu: Sáng hôm sau thì đưa dâu, nhà trai, nhà gái cùng ăn mừng, làm cỗ bàn mời bà con khách khứa. Bà con khách khứa mừng nhau thì kẻ mừng tiền, người mừng chè cau hoặc là câu đối đỏ v.v…Mà thường chỉ mừng bên nhà giai, chớ không mấy nơi mừng bên nhà gái. Duy ở thành phố thì có mừng bên nhà gái, nhưng chỉ mừng cho người con gái vài vuông nhiễu điều, hoặc may sẵn thành yếm mà thôi.
Đưa dâu, nhà gái cũng kén một ông già cầm bó hương đi trước, rồi bà con họ hàng dẫn cô dâu đi sau. Đến nhà trai, một vài bà già dẫn cô dâu vào lạy gia tiên, rồi đưa đi lễ nhà thờ đôi bên bố chồng, mẹ chồng. Đoạn giở về mới lạy cha mẹ chồng, hoặc còn ông bà chồng cũng lạy. Ông bà cha mẹ chồng, mỗi người mừng cho một vài đồng bạc hoặc một vài chục.
Họ hàng ăn uống xong thì lấy phần. Phần phải có xôi, thịt, bánh trái, giò chả, cau chuối mới là cỗ cưới.
Ở thành phố thì thách cưới thường nặng hơn ở nhà quê, mà không có lệ đi ăn cưới đêm. Cưới ban ngày xong thì đón dâu về ngay. Trong khi cưới và khi đón dâu, hai ông già cầm hai cái lư hương ngồi xe che lọng xanh đi trước, rồi các kẻ dẫn lễ, nào người đội mâm cau trùm vải tây đỏ, nào kẻ khiêng chóe rượu, khiêng quả phù trang. Trước còn đi bộ, ít nay đám cưới đi toàn xe cao su, đám nào khoe sĩ diện thì đi toàn xe song mã.
Lễ bái cũng như cách nhà quê. Ăn xong cũng có phần. Phần có những bánh đường, bánh ngọt, lại thêm có một cái khăn mặt đỏ để gói phần. Sau lại có bánh dầy, bánh chưng chia biếu những người quen thuộc nữa.
Phương thuật: Trong khi cô dâu đi đường, ăn mặc tốt đẹp sợ thiên hạ quở quang, phải cài vài cái kim vào choàng áo, để có ai độc mồm, độc miệng, thì đã có kim ấy trấn áp đi. (Theo chúng tôi được biết, những kim ấy là do mẹ đưa để cứu chồng khi quá đà trong sinh hoạt- T.G). Có nơi lại đặt hỏa lò giữa cửa cho cô dâu bước qua, cũng là ý ấy. Cũng có nơi cô dâu mới đến cửa, mẹ chồng cầm bình vôi tránh đi một lúc. Có nơi dâu mới đến cửa, một người lấy chày cối giã một lúc, tục ấy thì ngộ quá không hiếu ý làm sao!
Đóng cửa, giăng dây: Trong khi cưới và lúc đưa dâu, lại có tục đóng cửa, giăng dây. Lúc nhà trai đem lễ cưới đến nhà gái, thì bên nhà gái hoặc trẻ con, hoặc đứa đầy tớ đóng cửa không cho vào. Nhà trai phải cho chúng nó dăm ba hào, một đồng bạc thì chúng nó mới mở cửa. Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải lụa đỏ giăng ngang giữa đường, phải nói tử tế và cho chúng nó vài hào thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bầy hương án, đốt một bành pháo ăn mừng. Chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ, cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho.
Giao duyên: Tối hôm cưới người chồng lấy trầu (trầu tế tơ hồng), trao một nửa cho vợ. Rót một chén rượu. mỗi người uống một nửa, gọi là Lễ Hợp cẩn. Vợ giải chiếu lạy chồng hai lạy, chồng đáp lại vái một cái. Tục ấy nhà đại gia mới dùng đến. Nhà thường thì không mấy người dùng.
Lại mặt: Cưới được ba hôm, đến hôm thứ tư thì hai vợ chồng làm lễ chè xôi đem về nhà vợ lạy gia tiên, gọi là Lễ lại mặt, Chữ gọi là Tứ hỷ
                                                                                          Còn nữa….
                                                                                 Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong