Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Chín

Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Chín

Chương Thứ Tư
******
BÀN THÊM VỀ CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG

                                               (Tiếp theo)

7 – VỢ CHỒNG NÊN SINH CON Ở ĐỘ TUỔI NÀO?
Vợ chồng, ai cũng muốn sinh con đẻ cái. Tình yêu đẹp, được kết trái bằng những Thiên thần bé nhỏ. Đó là niềm Hạnh Phúc lớn, tiếp thêm nghị lực để ta đủ sức vượt qua bao giông tố trong cõi đời này. Dù vất vả đến đâu, ta sẵn sàng hy sinh chịu đựng được hết.
Xu hướng chung, vợ chồng ngày càng muốn ít con. Thậm chí họ còn không muốn sinh con. Dành nhiều thời gian cho công việc và hưởng thụ. Người ta ngại nuôi con, bởi lẽ nuôi con là công việc vô cùng vất vả. Chi phối tiền của, sức khỏe, sắc đẹp, thời gian của người phụ nữ.
Bây giờ không còn cảnh “Bên ướt mẹ nằm, bên ráo phần con.”. Đã có bỉm thật là tiện lợi! Chị em ngày trước nuôi con vất vả lắm. Thậm chí có lúc thật sự gay cấn:
“Trong khi lửa tắt cơm sôi.
Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem!
Áp lực công việc trong nền kinh tế tri thức, đè nặng lên từng con người. Đôi khi biến chúng ta thành những cỗ máy, làm việc như rôbốt. Lịch thời gian được lập trình từng phút. Chỉ có bữa ăn cuối tuần may ra đông đủ cả nhà. Những cửa hàng ăn nhanh kiểu Mardonal ngày càng nhiều. Người ta vừa đi, vừa ăn trên đường đi làm là chuyện bình thường.
Chính thế dân số các nước phương Tây đang già hóa. Tình hình ở châu Á như Singapo, Nhật cũng đang diễn ra như vậy. Đây cũng là xu hướng chung của toàn cầu, khi nền kinh tế càng phát triển.
Nhật, Singapo và các nước phương Tây, có hẳn một chương trình Quốc gia khuyến khích các gia đình sinh con. Được trợ cấp thêm, ngoài tiền lương. Được nghỉ dài hơn, ưu đãi nhà ở khi sinh.
Thế nhưng tình hình vẫn xấu đi nghiêm trọng. Nguy cơ già hóa dân số đã rõ.
Sau này, khi nền kinh tế đất nước ta phát triển, chắc chắn lớp trẻ cũng không muốn sinh con nhiều.
Hiện tại ở nước ta, tình hình sinh con thứ ba lại bùng phát. Sau khi có chủ trương không cấm đoán một cách cứng nhắc, miễn là có điều kiện đảm bảo cho con.
Vùng nông thôn, nhất là ở miền Trung trở vào và vùng dân tộc ít người, lại càng sinh nhiều con. Chẳng khác gì cảnh:
Lấy anh từ thưở mười ba
Đến năm mười tám em đà năm con
Đạo lý Khổng Mạnh chi phối cuộc sống chúng ta hàng ngàn năm (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại – Bất hiếu có ba điều, không có con nối dõi là bất hiếu lớn nhất).
Việc nối dõi tông đường luôn được coi trọng. Ngày trước nếu không sinh được con trai, chồng có quyền lấy vợ hai để có người nối dõi. Thậm chí, vợ cả còn đi hỏi vợ hai cho chồng.
Xét trên góc độ duy trì nòi giống, đương nhiên đó là điều hợp lý. Bởi lẽ ai cũng muốn duy trì nòi giống của chính mình. Mọi người đều bình đẳng trong Trời Đất mà. Tự ta, ta cứ xét ta: Ta buồn lắm khi chưa có nếp tẻ. Nói con nào cũng là con, chẳng qua là sự tự động viên an ủi. Nếu không, cũng là tự lừa dối mình. Vấn đề là đã có nếp tẻ rồi thì nên dừng. Trường hợp ta không cố được, đành chịu vậy. Khoa học hiện đại còn giúp những người vô sinh, ra khỏi hội “điếc” kia mà.
Xét trên học thuyết Âm Dương, đó là sự cân bằng hai mặt cho xã hội phát triển.
Xin các vị đừng nâng lên đặt xuống, phê bình kỷ luật. Thậm chí còn cắt thi đua khen thưởng của những người sinh con thứ ba. Cần có cái nhìn thông cảm, động viên an ủi thấm đượm tình người.
Sinh con là một Hạnh Phúc lớn. Nhưng sinh ở độ tuổi nào? Chúng tôi cho rằng Nam, Nữ chỉ dành 10, 15 năm cho việc sinh con. Phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi thì dừng. Nam giới từ 30 đến 45 tuổi thì dừng.
Đây cũng là thời kỳ vợ chồng sung mãn nhất về thể chất. Độ trưởng thành đang hưng vượng trên tất cả các mặt. Những Thiên thần bé nhỏ sẽ được thừa hưởng tất cả sự tốt đẹp của bố mẹ.
Sinh con sớm, vất vả lắm. Chúng ta rất thông cảm, lúc tình yêu cháy bỏng, cứ làm đại đi. Khi tình thế đã xảy ra, cả hai tỉnh táo nên tiến hành kế hoạch hóa. Phải có thời gian củng cố tiềm lực, đảm bảo cho cuộc sống ổn định đã, rồi mới sinh con..
Nuôi một người con, từ khi bú mớm nâng niu, đến lúc trưởng thành mất 20 đến 25 năm. Thời gian ấy, bố mẹ còn đương ở tuổi làm việc. Điều kiện chăm sóc, ăn học và tìm việc làm cho con, bố mẹ còn có thể lo được. Trước 25 tuổi, con cái vẫn cần có vòng tay bố mẹ. Bố mẹ là điểm tựa để con tự tin bước vào đời.
Phần lớn con ở độ tuổi 20 chưa đủ bản lĩnh để tự lập. Nhất là con trai, tính cách chưa ổn định. Thậm chí còn lông bông. Bố mẹ phải bám sát và kiên trì chỉ vẻ từng việc.
Nếu sinh muộn hơn sẽ rất vất vả. Cha gìa con muộn cám cảnh lắm. Đến khi về hưu rồi mà còn nuôi con ăn học, lo việc làm…Đã ở tuổi xưa nay hiếm, còn phải lo dựng vợ gả chồng cho con. Lực bất tòng tâm rồi! Không những thế, con cũng bị thiệt thòi nhiều mặt, phải tự bươn chải một mình. Thương lắm tuổi già ơi!
Trường hợp bất khả kháng. Vì hiếm muộn, vô sinh, phải nhờ khoa học can thiệp. Buộc phải chấp nhận thôi. Biết rằng sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng ai cũng muốn giòng giống của chính mình tồn tại trên đời. Tất cả đều bình đẳng trong cõi nhân gian này mà!
8 – LÀM GÌ ĐỂ GIẢM THIỂU XUNG ĐỘT VỢ CHỒNG ?
Khi yêu nhau, người ta luôn tắm mình trong vòng hào quang bảy sắc cầu vồng. Mỗi người đều tự đánh bóng hình ảnh của bản thân. Ta thấy người yêu là tuyệt hảo. Đứng giữa đám đông, ta vẫn nhận ra người ta yêu dấu, không lẫn vào đâu được. Có vậy, tình yêu thêm đẹp và mới thi vị. Vợ chồng đúng là một đôi “Tiên Đồng Ngọc Nữ, Cầm Sắt giao hòa”. Thuận hòa chung sống, trong niềm Hạnh Phúc tròn đầy.
Nhưng rồi vẫn có lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Điều này không có gì lạ. Ngay bản thân ta, cũng có khi tự mâu thuẫn với chính mình. Hai con người trong ta phải đối chất, giằng xé giữa cái thiện và cái ác, tốt xấu, nên hay không nên, có thể hay không thể…Huống chi hai con người thường xuyên “đầu gối tay ấp”. Thành bốn con người rồi. Bát đũa còn xô sát nhau nữa là. Nếu không có mới là chuyện lạ. Xấu nhất là ly hôn, rồi ly thân, cải vã, thậm chí còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay…
Vậy làm gì để giảm thiểu những xung đột vợ chồng tới mức thấp nhất? Tránh những hậu quả đáng lẽ không nên xẩy ra.
Mọi xung đột vợ chồng đều có nguyên nhân. Chúng tôi tạm phân loại thành Năm nguyên nhân sau:
1 – Mâu thuẫn về quan niệm sống.
Trước hết phải tìm hiểu kỹ càng, biết rõ được bản chất của nhau. Tự mỗi người cũng phải có trách nhiệm bộc lộ cho người yêu hiểu mình. Phải biết điểm mạnh, điểm yếu của từng người. Chân thành không giả dối. Hiểu được hoàn cảnh xuất thân, những khó khăn trở ngại. Đây là điểm đặt đầu tiên. Dám chấp nhận, và dũng cảm vượt qua những hoàn cảnh éo le. Như một tổ chiến đấu, hỗ trợ nhau chiến thắng. Tất cả vì mục tiêu tổ ấm gia đình.
Phải thống nhất cao trong quan niệm sống. Nói có vẻ lý luận là phải cùng chung Lý tưởng. Nghe có vẻ to tát! Nhưng đây là điều cơ bản nhất.
Một người sống trọng nhân cách, giữ gìn phẩm chất trong sáng; rất vất vả khi chung sống với người luôn đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu.
Một người chỉ chăm chú con đường chuyên môn khoa học, cực kỳ khổ sở sống với người chỉ biết kiếm tiền bằng mọi giá.
Nếu sống với nhau, họ phải tự điều chỉnh. Chấp nhận như chung sống với lũ vậy. Nhiều đôi phải ly hôn và cũng nên chia tay sớm, khỏi làm khổ nhau.
2 – Mất niềm tin.
Không gì khổ tâm hơn là phải sống trong sự mất niềm tin. Mất niềm tin là mất tất cả. Đúng như vậy. Ngay từ khi yêu nhau, phải xây dựng một niềm tin ở nhau và cho nhau. Tuyệt đối không được giả dối.
Cá biệt có trường hợp vì mục đích chiếm đoạt, đã vẽ nên một vòng hào quang rực rỡ, làm lóe mắt người yêu. Đến khi chung sống mới nhận ra. Thì sự đã rồi. Bỏ cũng dở, ở không xong.
Ngày trước có những chuyện cười ra nước mắt. Các bạn trẻ bây giờ sẽ không tin chuyện đi lấy vợ thay. Người khuyết tật “sứt môi, lồi rốn” nhờ người khác đóng thế chú rể, nên vẫn lấy được vợ đẹp! Chuyện rằng có người nói với gia đình nhà gái khi đến ăn hỏi: “Ông bà bỏ quá cho, con tôi mồm miệng chẳng bằng ai!”. Khi cưới xong, mới biết là chú rể sứt môi! Đã lấy rồi không thể bỏ được. Ván đã đóng thuyền. Nhận đủ các Lễ nhà người rồi. Đương nhiên ngày nay chẳng có chuyện ấy. Giả sử nếu có, các cô gái cũng sẽ không bao giờ chịu đâu.
Khi mất niềm tin, người ta luôn sống trong nghi ngờ. Coi mình là người bị phản bội. Dẫn tới những hành động quyết liệt. Đỉnh điểm là sự đánh ghen. Ghen, thực ra là biểu hiện của tình yêu. Đòi hỏi quyền tư hữu của riêng mình. Không cho phép chia sẻ với ai. Với tinh thần ấy, chúng ta hoàn toàn thông cảm và ủng hộ. Nhưng quá ghen cũng mất khôn. Đừng nghĩ rằng ghen chỉ có ở chị em. Có nhiều lang quân ghen tới mức gây nên những thảm kịch.
Mất niềm tin thường xẩy ra trong hai trường hợp:
Thứ nhất là bị “lừa” khi đang yêu. Thời nào cũng có nhiều Sở Khanh. Có thể một trong hai người bị lừa. Thậm chí cả hai đều lừa nhau. Những trường hợp trên, khi thuyền đã đóng ván bao giờ cũng xẩy ra xung đột quyết liệt. Người nọ luôn nghi ngờ người kia. Bởi họ luôn đem mình để xét đoán người. Mình không tốt thì người kia chắc cũng chẳng hơn ta. Chắc chắn cuộc sống vợ chồng của họ chỉ là sự gá lắp lỏng lẻo, bung ra tan nát bất cứ lúc nào.
Thứ hai là bị “lừa” khi đã là vợ chồng. Đây mới là điều đáng buồn và quan ngại nhiều hơn.
Một trong hai người luôn nói dối. Thậm chí cả hai dối nhau. Ngoài dối lừa trong tình yêu, có thể còn dối lừa các việc khác.
Bị dối lừa trong tình yêu mới đáng sợ. Dối lừa trong tình yêu bao giờ cũng xẩy ra xung đột quyết liệt. Khéo giải quyết lắm mới có khả năng vãn hồi cục diện.
Dối lừa các việc khác, cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Đừng đẩy sự việc lên nghiêm trọng. Cùng nhau tìm biện pháp tốt nhất để vượt qua. Ví như có người dấu nhau để chơi đề, đánh bạc…đến nỗi tán gia bại sản. Tình huống xấu này vẫn có thể sửa được, nếu như cả hai thực sự yêu thương nhau, thông cảm và bỏ qua lỗi lầm.
Cũng nên nói ở đây, nhiều người luôn luôn ghen. Thậm chí ghen một cách vô cớ. Một buổi về muộn, một cuộc gọi điện thoại trong đêm, một bức ảnh, một chuyến công tác với người khác giới…Thế là ba máu sáu cơn, tam bành tứ bẹ, tan hoang cửa nhà…Nên nhớ một điều: Người mình yêu còn có mối quan hệ xã hội chứ! Đừng lắp ghép những chuyện ngẫu nhiên thành sự thật. Hãy tỉnh táo không nên mù quá hóa mưa đấy!
Niềm tin, niềm tin ở nhau là cơ sở làm cho tình cảm vợ chồng ngày càng bền chặt. Luôn luôn củng cố, xây dựng và giữ gìn niềm tin. Xin bạn nhớ cho điều này.
3 – Ông ăn chả, bà ăn nem.
Việc ăn chả, ăn nem thời nào cũng có. Lối sống phương Đông chưa thể chấp nhận “ông nọ bà kia”. Phương Tây coi chuyện này là sinh hoạt. Nhưng gặp cảnh cắm sừng chẳng dễ gì họ chấp nhận đâu. Thậm chí phải giải quyết danh dự bằng quyết đấu.
Từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, xem ra điều này ngày càng gia tăng. Có thể là người vợ phải nuôi con, kiếm sống, nên chóng già. Có thể người chồng già, vì công việc nên không đáp ứng nhu cầu của vợ. Cũng có thể cả hai muốn tìm cái mới: “Một cái lạ bằng xã cái quen” mà!
Đã có câu: “Vợ cả không bằng vợ hai. Vợ hai không bằng bồ. Bồ không bằng ăn vụng”!
Những tình thế này thường có hai khả năng. Một là, cả hai vợ chồng đã biết nhưng đều im lặng, coi như không có gì xẩy ra. Hai là, “lành làm gáo, vỡ làm môi”. Kéo nhau ra tòa ly hôn, chia chác tài sản và con cái. Dù sao đây cũng là bi kịch gia đình, với mức độ khác nhau. Coi như hết thuốc chữa.
Với phương châm “méo mó có hơn không”, cả hai người cần bình tâm xem xét kỹ lưỡng. Tốt nhất trở về ăn chung một nồi. Thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm, hàn gắn những vết thương. Dấu vết để lại đậm nhạt là do sự cố gắng của cả hai. Người có sai lầm phải thực sự hồi tâm chuyển ý. Nhận rõ cái ngu mê của mình. Phải biết quý trọng cái mình đương có.
Người bị phản bội thật sự vị tha, bao dung độ lượng. Tan đàn xẻ nghé, chỉ làm cả hai đau khổ mà thôi. Chịu khổ nhất là những đứa con.
Thế mới biết các cô gái ngày nay, không muốn chồng ở xa mình là có lý do chính đáng. Lòng tin ở nhau xem ra mong manh lắm!
Ăn chả ăn nem chẳng qua là chuyện giải quyết sinh lý của lối sống hoang dã. Lối sống bầy đàn của thời nguyên thủy. Chẳng thế mà trong thanh niên học sinh, đến sinh viên đang có lối sống thử. Tình dục trước hôn nhân đang có xu hướng bùng phát. Trong thời buổi thông tin bùng nổ, sex trên mạng càng kích thích tuổi mới lớn. Tình dục trước hôn nhân hiện nay khá phổ biến, học trò cấp hai đã nếm trái cấm không phải là ít, cá biệt có bé gái cấp một đã mang thai! Điều quan ngại ở đây là người ta thờ ơ và coi đó chỉ là chuyện sinh hoạt.
Một cán bộ T.W Hội phụ nữ đã từng nói: Chị em bây giờ được “giải phóng” bộ ngực. Quả là như vậy. Khoe vòng một là một mốt ngày càng phổ biến, kể cả người đứng tuổi. Họ rất tự tin khi có đôi gò bồng đảo bắt mắt! Giới mày râu thỏa thích chiêm ngưỡng. Người ta công khai khen ngợi, yêu cầu và khuyến khích phải sexsy, gợi cảm, nóng bỏng, bốc lửa… Thực chất của việc này nhằm tới mục đích kích dục mà thôi.
Bên cạnh lối sống hoang dã, chúng ta đương đối mặt với bạo lực và khủng bố. Ngoài xã hội thì mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé theo quy luật nghiệt ngã của kinh tế thị trường. Tình trạng trên là biểu hiện của suy thoái đạo đức, thành họ nhà tôm! Thời buổi đại loạn mà! Ở nhà cha mẹ sợ con cái, ở trường thầy cô sợ học trò, ra đường người già sợ người trẻ…
Để được việc và chóng xong chuyện, đã hình thành nếp Văn Hóa Phong Bì, sự dung dưỡng và tiếp tay cho tệ nạn tham nhũng; người nhận và người đưa phong bì coi là lẽ đương nhiên.
Những tưởng “chạy”, là một môn điền kinh trong thi đấu thể thao; đâu phải thế, “chạy” được chuyển đổi khái niệm thành “chạy chức – chạy quyền!”. Một cuộc chạy không ồn ào, nhưng lại sôi động như một dòng sông ngầm vô cùng mãnh liệt… Mọi thứ đều có giá của nó!
Trong phạm vi quốc tế, thì nước mạnh thôn tính nước yếu… bá quyền bất chấp luật pháp quốc tế.
Tình trạng bạo lực, khủng bố đang có xu hướng phát triển… Bạo lực gia đình trở lại ngày một mạnh mẽ. Bạo hành với vợ, ở nông thôn, vùng sâu vùng xa người chồng bạo hành đánh đập vợ không phải là ít. Ở thành thị và trong tầng lớp trí thức, việc bạo lực tinh thần trong quan hệ vợ chồng lại càng quyết liệt và vô cùng nghiệt ngã. Đòn khủng bố tinh thần làm cho người ta mòn mỏi thể lực và suy giảm về tinh thần, triền miên qua năm tháng còn tệ hại hơn đòn roi nhiều lần.
Bạo lực trở thành chủ nghĩa khủng bố thế giới. Hoang dã, bạo lực ngày nay được các phương tiện khoa học kỹ thuật tân kỳ nhất, trang bị tận chân tơ kẽ tóc.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ NGUYÊN THỦY HIỆN ĐẠI là một thực tế hiện hữu. Bởi lẽ con người hiện nay cá nhân được giải phóng tối đa. Những bản năng bị giáo lí đạo đức ràng buộc từ lâu đã được cởi tung. Như một con thú xổng chuồng, nó nhanh chóng phục hồi những bản năng hoang dã và thú tính của thời tiền sử. Ngay trong quan hệ ái tình, có xu hướng trở về thời kỳ quần hôn và chiếm đoạt. Trong thanh niên đương tồn tại lối sống thử, nhất là ở thành phố, công nhân ở các khu công nghiệp và sinh viên thuê nhà chung giường là chuyện “thường ngày ở huyện”. Trong cơ quan bồ bịch trở thành mốt sành điệu. Sự chiếm đoạt tình yêu của kẻ mạnh về bạo lực và mạnh về kinh tế ngày một nhiều. Bản thân phái yếu cũng chấp nhận và coi đó là niềm hãnh diện.
Dòng chảy lịch sử phát triển theo đường xoắn ốc, từ nguyên thủy tiền sử, đến nguyên thủy hiện đại như trên, cho ta một xét đoán: Đến lúc lịch sử phải trở về thời kỳ thịnh hành của tôn giáo, để có những vòng kim cô, buộc con thú xổng chuồng đó lại. Chẳng thế mà người ta nói thế kỷ XXI là thế kỷ của TÂM LINH
Ăn chả, ăn nem không phải chỉ là chuyện sinh hoạt, đây là lĩnh vực đạo đức. Nó tàn phá Hạnh phúc gia đình.
Xét trên ba mặt: Ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức trong tình hình trên đều xuống cấp. Khi mà hạ tầng cơ sở kinh tế xã hội thay đổi, các chuẩn mực đạo đức cũng thay đổi. Bên cạnh sự tiến bộ của nền kinh tế thị trường, lại được nền khoa học hiện đại hỗ trợ; đã đem lại cho chúng ta một tiềm lực kinh tế mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng mỗi sự tiến bộ của nền kinh tế, là một bước suy thoái về đạo đức.
Nhận thức của con người không còn bị các giáo lý cũ ràng buộc. Coi việc ăn chả ăn nem chỉ là chuyện sinh hoạt, là nhu cầu tự nhiên, thích là được. Từ nhận thức ấy nên mối quan hệ cũng thay đổi, chung thủy chỉ là tương đối nên dẫn tới hành vi “tự do”, buông thả thỏa mãn dục vọng cá nhân.
Ai cũng biết đó là vi phạm, nhưng thắng nó đâu phải chuyện dễ. Nó có sức mê hoặc làm người ta bị cuốn vào vòng xoáy khó cưỡng thoát. Nó là một đại dịch không thuốc chữa. Một nguyên nhân làm cho xung đột gia đình quyết liệt hơn. Kể cả những người “ăn vụng” biết chùi mép.
4 – Nguyên nhân thứ tư gây xung đột vợ chồng nhiều hơn, phổ biến hơn thuộc về ứng xử tâm lý trong cuộc sống. Nhiều người cho rằng chỉ cần làm đẹp lòng đối tượng lúc đang yêu. Khi đã là vợ chồng không cần thiết nữa. Mỗi người trở về con người thực của mình. Đây là điểm sai lầm vô cùng lớn. Tại sao khi đang yêu không là con người thực? Như vậy không ổn rồi. Xung đột xẩy ra là điều không tránh khỏi. Không nên nghĩ rằng vợ chồng bỏ qua mọi giao tiếp ứng xử. Có giao tiếp ứng xử tốt với nhau, hạnh phúc gia đình mới tròn đầy. Việc làng, việc nước mới trọn vẹn.
Hiểu được bản chất của nhau, là điều cốt yếu. Nhưng chưa đủ, phải hiểu tâm lý, tính cách, tác phong sống của nhau. Như thế mới có giải pháp ứng xử hợp lý giữ gìn hạnh phúc lâu bền.
Hoàn cảnh xuất thân, môi trường sống, nghề nghiệp tạo nên tính cách con người ta. Nghệ sĩ, công chức hành chính, người làm công tác khoa học kỹ thuật, công nhân, nông dân…mỗi người có một kiểu sống riêng, chẳng ai giống ai.
Hai người cùng nghề nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Nếu khác nhau, tự mỗi người phải tìm hiểu công việc của nhau. Thông cảm và tạo điều kiện cho nhau. Tự điều chỉnh cho hai tâm hồn đồng điệu. Trước hết phải tôn trọng nhau. Nghề nào cũng có giá trị riêng trong xã hội. Chẳng có nghề nào cao sang hơn. Vấn đề là hiệu quả, được xã hội chấp nhận.
Một số ông chồng muốn vợ mình chỉ làm nội trợ, chăm sóc con cái. Thậm chí bắt vợ bỏ việc cơ quan. Điểm này dễ tạo xung đột. Khi người vợ hoàn toàn phụ thuộc, người chồng sẽ có quyền uy tối thượng, anh ta là vị chúa tể vì anh ta nắm kinh tế. Như vậy không thể chấp nhận được. Làm việc vừa là quyền lợi, nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của con người đối với bản thân mình, đối với xã hội.
Phụ thuộc về kinh tế sẽ phụ thuộc tất cả. Mất chủ quyền, chỉ còn là cái bóng ăn theo. Cần tỉnh táo nhận rõ điều này. Cả hai phải biết và tôn trọng quyền tối thiểu của một công dân.
Vẫn thường xẩy ra, khi một người nắm quyền kinh tế chi phối trong gia đình, đã thiếu tôn trọng người khác. Họ không thấy tác hại lớn: con cái cũng a dua theo. Thậm chí còn xem nhẹ, nếu như không nói là khinh thường người kinh tế yếu. Đây là một bi kịch khó giải quyết.
Xung đột vợ chồng nhiều khi chỉ vì một lý do đơn giản nhỏ nhặt, hoặc không hiểu nhau. Cố chấp, bé xé ra to. Như hai con dê trên cầu. Không con nào chịu nhường. Cuối cùng cả hai đều rơi xuống sông. Chuyện này thường xẩy đối với vợ chồng trẻ. Có đôi ly hôn chỉ vì tự ái không nên có.
Một cuộc điện thoại gọi đến, một bữa lỡ hẹn đi pich nich. Ngày 8 tháng 3 không có quà tặng. Một lần đứng với bạn trai…thế là nổi cơn ghen ngúng nguẩy, hờn mát. Không chịu tìm hiểu kỹ thực chất, vội vàng lu loa. Đóng cửa, bỏ ăn: cao hơn là bỏ về nhà bố mẹ, bỏ đến cơ quan, bạn bè…Thật là trẻ con. Một đôi lần còn chấp nhận. Cứ diễn mãi vở kịch ấy, không ai chịu được đâu. Hậu quả có thể xấu đấy.
Trong mọi công việc, giao tiếp ứng xử quyết định thắng lợi trên 50%. Có trường hợp gần như quyết định hoàn toàn. Trong quan hệ vợ chồng lại càng phải chú ý điều này. Ngôn ngữ dịu dàng thuyết phục. Luôn thường trực nụ cười trên môi. Từ khóe mắt, cơ mặt dãn ra phải tươi vui thu hút. Lỡ có tình huống bất khả kháng xẩy ra, cần làm chủ và dằn lòng lại. Hoặc tạm im lặng, tìm nơi thư giãn. Hãy soi gương những lúc “tam bành”, chắc là hình ảnh chẳng xinh một chút nào.
Tuyệt đối không được áp đặt theo ý mình. Tôn trọng nhau trên tất cả mọi mặt. Sở thích, cá tính không ai giống ai. Lấy mục đích xây dựng tổ ấm làm trọng. Có thể bỏ qua các tiểu tiết nhỏ. Người thích xem bóng đá, người thích phim chưởng…Những điều này chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu. Người vợ không ăn được tôm, cua. Người chồng có thể chấp nhận không ăn cũng chẳng sao. Dù người vợ có chiều chồng, nấu ra chỉ một mình chồng ăn còn ngon nỗi gì! Làm sao cuộc sống vợ chồng luôn mới, rộn vang tiếng cười, khuôn mặt rạng rỡ ngập tràn tình cảm yêu thương.
Tài tử Ngọc Bảo, một nghệ sĩ hát nhạc Tiền chiến rất hay trong chương trình “Ký ức thời gian”. Ông được nhiều cô mê. Nhưng vợ ông không bao giờ đánh ghen. Bà khéo léo giải tỏa và gỡ rối cho ông. Vừa giữ thể diện cho chồng, vừa giữ được Hạnh phúc, không chia sẻ cho một cô gái nào. Đáng để cho chị em một bài học sâu sắc.
Các đấng mày râu đều rõ: Bao giờ chị em cũng là người chịu thiệt nhất trong đời sống gia đình. Có lẽ do bản tính hiền thục, chịu thương, chịu khó. Tất cả vì chồng vì con :
Miếng nạc thì để phần chồng
Miếng xương phần mẹ, miếng lòng phần con.
Tự đáy lòng chị em, chồng con là trên hết. Nói vậy để các phu quân, không được cho mình cái quyền ưu ái hưởng cả. Biết nhận, cũng phải biết cho chứ.
Anh em cũng phải tự xét mình. Ngày nghỉ, cùng nàng chuẩn bị bữa ăn thêm. Tiếng cười rộn rã trong gian bếp ấm cúng. Hai mái đầu chụm lại chung nhặt một mớ rau, một hình ảnh đẹp biết bao…
Không thể chấp nhận cảnh: Chồng ngồi xem tivi để vợ một mình lo toan mọi việc bếp núc. Giặt quần áo cho vợ chẳng có gì xấu hổ cả, ta thương yêu và chia sẻ với người vợ yêu.
Một lời khen đúng lúc, một vật tặng ý nghĩa kỷ niệm ngày cưới, ngày Valentin…ta sẽ được chị em ban thưởng vô giá, vun đầy niềm hạnh phúc. Một ánh mắt long lanh, một nụ cười rạng rỡ, một lời nói dịu dàng và cả một không gian đẫm hương thơm…làm cho ta được hưởng trọn sự dịu ngọt của tình yêu.
Ai cũng phải học chữ nhẫn. Một sự nhịn là chín sự lành. Đừng nghĩ nhẫn là thiệt thòi. Xung đột vợ chồng thực ra chẳng ai thắng ai thua. Nhiều khi người thắng lại chịu đau đớn nhất.
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa chẳng rơi hạt nào
Chú ý nhất là ngôn ngữ. Chị em luôn thích dịu ngọt. Âm lượng vừa phải, thỏ thẻ dịu dàng. Hai từ “Anh” và “Em” như khúc điệu rê thứ trong bản tình ca. Cũng không nên cho rằng gọi nhau anh và em chỉ dành cho vợ chồng trẻ. Như vậy là sai lầm đấy.
Vợ chồng cần có một “khoảng cách” tối thiểu. Người này căng thì người kia phải chùng. Già néo sẽ đứt dây. Hai trong một, nhưng một vẫn là hai.
Khoảng cách cần duy trì ở mức độ nào, là do hai người tự điều chỉnh. Sử dụng tốt “lý thuyết khoảng cách” này, sẽ thu được hiệu quả cao trong cuộc sống vợ chồng.
Có những lúc phải dối nhau. Nhưng xin nhớ một điều, đó là nói dối tích cực. Nói dối để tình hình tốt hơn. Ví như một cảnh sát hình sự, cứ toang toác kể cho vợ nghe mọi chuyện thì hỏng. Những hôm trễ giờ, nhiều tối không có mặt ở nhà; phải có lý do hợp lý chấp nhận được. Sự nói dối tích cực này làm cho vợ thương yêu hơn. Quá lạm dụng sẽ vô cùng nguy hiểm. Nó như con dao hai lưỡi vô cùng sắc. Nếu nó tạo thành thói quen, trở thành con người không thật. Làm mất niềm tin.
Giao tiếp ứng xử giữa vợ chồng đã khó. Nhưng mối quan hệ với những người thân càng khó hơn. Đây là vấn đề nhạy cảm đối với đôi vợ chồng trẻ.
Nên nhớ hai nhà là một, không được có biểu hiện bên nặng, bên nhẹ. Cả hai cần hiểu rõ mối quan hệ họ tộc của mỗi bên. Đặc biệt là người con dâu, nhập gia tùy tục; tìm hiểu và hòa nhập ngay nếp sống nhà chồng. Xuất phát tự lòng chân thành, không đối phó khách sáo. Lời chào cao hơn mâm cỗ, chan hòa tạo không khí gần gũi thân thiết. Điều này thường khó xử, với những cô dâu thành phố lấy chồng nông thôn.
Quan hệ mẹ chồng với nàng dâu, với em chồng. “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”. Người chồng rất khó sử. “Bên tình bên nghĩa, bên nào nặng hơn” Được vợ, mất mẹ và em…
Nhiều trường hợp mẹ chồng nàng dâu không chịu nhau, anh chồng không phân sử được. Đành phải chia ly. Những bi kịch này đáng lẽ không để nó xẩy ra. Cô dâu phải giữ đúng đạo lý: Tôn trọng bố mẹ chồng, bao dung đối với em. Mẹ chồng cần nêu gương, chỉ vẻ dạy bảo đến nơi đến chốn. Đại lượng tha thứ. Con trai mình đã chấp nhận, mình không nên xét nét quá. Chẳng thế người ta nói: Dâu là con.
Quan hệ giữa các chị em dâu xem ra cũng phức tạp lắm. Ở riêng nhà còn đỡ, gặp nơi “tam, tứ đại đồng đường – ba, bốn thế hệ chung sống một nhà” chung sân, chung ngõ cũng lắm chuyện. Chị dâu cả phải bao dung độ lượng, nhận rõ trách nhiệm của mình nặng hơn, nêu gương cho các em, không nên so bì cạnh kẹ. Mình chịu thiệt một chút cũng chẳng sao. Các em dâu thứ, phải xác định rõ vị thế của mình, không được đành hanh.
Trong trường hợp này các ông chồng phải lấy cái chung làm trọng, không được bênh vợ quá đáng.
Tâm lý con người còn bị chi phối bởi tuổi tác. Cùng con người ấy, lúc trẻ có cách sống khác khi về già. Đây là vấn đề thuộc tâm lý lứa tuổi. Sinh hoạt lúc già cũng khác. Răng rụng phải ăn đồ mềm. Ít ngủ hay dậy đêm. Như một cỗ máy đã han rỉ, bộ phận nào cũng có vấn đề. Nhưng không thể thay được.
Những yếu tố trên dễ gây ức chế. Thần kinh dễ không ổn định. Sinh ra cáu gắt nhiều khi vô lý. Luôn mặc cảm là “người thừa”, tủi thân tủi phận. Tuổi già bằng ba con trẻ mà.
Nhiều đôi lúc trẻ sống rất Hạnh Phúc, đến khi có tuổi mỗi người một niêu. Trông cám cảnh lắm!
Cần phải nhớ câu: “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. “Cơm vợ thì ngon, cơm con thì đắng”. Năm tháng trải nghiệm bao sóng gió, đắng cay, ngọt bùi. Đã chung lưng đấu cật, vượt qua những lúc khó khăn nhất. Những ngày cuối đời càng phải cố gắng cho đẹp hơn. Càng cao tuổi càng phải nhẫn hơn. Thông cảm cho nhau hơn. Quan tâm chăm sóc tới nhau nhiều hơn. Sở thích của mỗi người phải được tôn trọng. Giao lưu xã hội, thay đổi không khí. Không nên “đóng cửa”, gậm nhấm lòng mình. Nó là thứ cường toan hủy hoại bản thân, hủy hoại Hạnh Phúc do chính mình gây dựng.
5 – Nguyên nhân thứ năm của xung đột vợ chồng là vấn đề sinh lý.
Có thể có người chưa thống nhất điều này. Cũng có thể đây là vấn đề nhạy cảm không nên nói tới. Nhất là khi tư tưởng phong kiến ít nhiều còn chi phối. Nói tới nó, thấy có cái gì gờn gợn. Sợ người ta cho là hạ đẳng, phàm tục.
Thực ra vấn đề này, ông bà ta xưa không hề lảng tránh. Trong các đền thờ ở nước ta, một số vùng vẫn thờ hai bộ phận sinh dục bằng đá. Một số nơi có tục múa cái nõn, cái nường. Chợ tình Khâu vai, còn tạo điều kiện cho những đôi trai gái đến với nhau.
Vấn đề này được nâng lên thành chủ nghĩa phồn thực. Con người cần phải sinh sôi nẩy nở. Duy trì nòi giống để có đủ lực lượng chiến thắng thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù.
Đây là vấn đề khoa học. Đáng tiếc là việc giáo dục giới tính chưa được chú trọng. Vì vậy có nhiều chuyện bi hài. Nghe buổi phát thanh “Cửa sổ tình yêu” trên Đài tiếng nói Việt Nam, hồi 10 giờ chủ nhật hàng tuần; chúng ta thấy có nhiều điều bất ngờ. Thời điểm tháng 2/2007 vừa rồi có bạn còn hỏi, hôn nhau có chửa hay không. Chuyện thật như bịa vậy.
Điều này xẩy ra trước năm 1975 còn chấp nhận được. Thời ấy tất cả dành cho cuộc chiến. Chẳng ai dám đưa vấn đề này ra. Duy nhất chỉ có một cuốn “Nam nữ cần biết”. Nội dung sơ lược, không được kỹ lưỡng như bây giờ. Người ta truyền tay nhau, không dám đọc công khai. Sợ mang tiếng xấu.
Bây giờ sách hướng dẫn về điều này có rất nhiều. Quầy sách nào cũng có. Trên mạng có thể tìm hiểu khá đầy đủ và chi tiết của các nhà chuyên môn viết.
Tình hình như vậy, vẫn có những cô cậu lơ ngơ như bò đội nón. Đã đến lúc cần đưa giáo dục giới tính vào học đường. Vấn đề là ở cấp độ nào. Càng né tránh, càng tò mò đi sai hướng.
Tình dục là sự thăng hoa của tình cảm trai gái. Không có nó, vợ chồng sống với nhau vô nghĩa. Tình dục chỉ là một khâu trong tình cảm vợ chồng. Nhưng lại là khâu quan trọng. Nó đóng vai trò quyết định sự bền vững của vợ chồng.
Nhiều đôi xung đột, thậm chí rất quyết liệt đều do nguyên nhân này. Không kể những người bị khiếm khuyết. Ngay cả những người tốt siêu hạng vẫn có thể xẩy ra.
Thường do hai điểm sau. Một là, cả hai đều hiểu biết về sinh lý giới tính. Nhưng khi thực hiện không tuân theo trình tự hợp lý. Thường xẩy ra đối với các đức lang quân trẻ. Họ bỏ qua giai đoạn quá độ, muốn đi tắt đón đầu. Cho nên chưa đến chợ đã bị mất cắp. Gây tâm lý thất vọng, không thỏa mãn cho vợ. Tình trạng này kéo dài, người vợ càng chán nản. Đến lúc làm theo nghĩa vụ. Hoặc phản ứng quyết liệt, vì sự đau đớn của những lần gặp nhau trước vẫn ám ảnh. Anh chồng càng ức chế, vì không được đáp ứng. Thế là xung đột xẩy ra. Kẻ vũ phu thì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay… Thiếu bình tĩnh sẽ dẫn tới hậu họa khôn lường.
Hai là, cả vợ chồng hoặc một trong hai người, thiếu hiểu biết. Loay hoay tự tìm hiểu, khám phá, rút kinh nghiệm. Đôi khi kéo dài hàng chục năm trời, mới chọn được một phương án khả thi nhất. Như vậy đã để thời gian trôi đi phí hoài, thật đáng tiếc! Trong thời đại bùng nổ thông tin, giúp ta rút ngắn thời gian. Chỉ vẻ cụ thể cho chúng ta nhiều cách thức, để tận hưởng hết dư vị của bữa tiệc ái tình trong quan hệ vợ chồng. Tại sao lại không tìm hiểu?
Vị cán bộ nữ T.W Hội Phụ nữ còn nói trên Đài truyền hình: “Chị em chúng ta không những giỏi việc nước, đảm việc nhà, mà còn phải là một bà hoàng trên gường.”
Đã là bà hoàng phải biết tự làm đẹp mình. Một nước da trắng hồng, một làn tóc mây, một thân hình ngọc ngà…thấm đẫm trong hương thơm lan tỏa, làm cho đức lang quân thêm say đắm.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.
( Truyện Kiều câu 1.311 & 1.312 )
Điều đơn giản nhất các bạn trẻ cần biết: Sự hưng phấn của nam và nữ không giống nhau về cấp độ thời gian. Nam bột phát rất nhanh. Trong khi nữ lại từ từ chậm chạp. Có thể nói nam như ngọn lửa rơm, như cơn mưa rào mùa hạ. Còn nữ như bếp than kíp lê, như mưa dầm tháng tám. Lửa rơm đương nhiên nhóm nhanh, nhưng cũng tắt nhanh. Than kíp lê nhóm rất lâu, khi đã bén thì hừng hực cả buổi. Mưa dầm tháng tám đến mức thối đất, thối cát kia đấy!
Chồng phải biết kiềm chế, cùng vợ và giúp vợ. Phải như một vận động viên thể thao vậy. Muốn có thành tích cao phải khởi động. Khởi động tốt là thắng 50%. Hợp điểm ở cao trào lên đỉnh, là lúc mỹ mãn cho cả hai. Sau “cuộc chiến”, nam chiến binh thường lăn ra ngủ như một khúc gỗ. Đó là một sai lầm lớn. Trong khi lửa than đang hạ nhiệt từ từ. Cần có sự chia sẻ của chồng. Những lời nói thủ thỉ dịu ngọt. Những cử chỉ mượt mà làm cho bữa tiệc tình yêu như được bay lên chốn bồng lai.
Luôn đổi mới và tránh sự nhàm chán, làm sao mỗi lần đến với nhau không nên lặp lại. Như một bữa ăn, biết đổi món mới ngon miệng. Ngay từ khi con người còn ở thời nguyên thủy họ cũng đã rất chú ý điều này. Hãy quan sát các hình vẽ, các phù điêu trên trống đồng và các hiện vật cổ. Các cụ ta không hề né tránh.
Các nước phương Đông từ thời trước công nguyên, cũng đã có “khung mở” cho vấn đề nhạy cảm này. Trung quốc có bộ “Tố nữ kinh”. Ấn độ có bộ “Kamasutra” trình bày chi tiết và hình vẽ 64 tư thế ái ân, là một đề tài tham khảo trong các tài liệu tính dục học mọi thời đại.
Trong các cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Mianma và Népal, người ta có bán những bức tượng đồng cao từ 15 đến 20cm, mô tả nhiều tư thế nhạy cảm của trai gái. Những đôi vợ chồng trẻ thường mua về trang trí trong phòng hạnh phúc của mình.
Có người nói vui: Đời người ta chia làm bốn hồi. Hồi trẻ, hồi xuân, hồi tưởng và hồi kèn. Hồi trẻ dành cho đôi lứa trời sinh. Hồi xuân là sự bùng phát thăng hoa lên đỉnh điểm. Hồi tưởng là bắt đầu bên kia dốc, để ta soát xét lại cuộc đời. Hồi kèn là lúc người đời phán xét ta chính xác nhất, khi đã đóng nắp quan tài.
Giai đoạn hồi xuân, ta mãnh liệt. Cần biết tiết chế dành cho hồi tưởng. Đừng nghĩ rằng giai đoạn hồi tưởng là chấm dứt. Thời kỳ này phần lớn nữ giới “trên bảo dưới không nghe”! Nhưng nam giới vẫn “chạy tốt”. Ứng xử việc này rất tế nhị. Nếu giải quyết không tốt có thể xẩy ra những bi hài kịch cười ra nước mắt.
Người chồng không biết đánh thức “giấc ngủ” sinh lý của vợ. Không có người vợ già và xấu. Chỉ có người chồng thiếu hiểu biết, nên giấc ngủ ấy triền miên. Biết đánh thức người vợ sẽ trẻ lại, cũng có thể hoạt động được. Dưới góc độ khoa học, điều này hoàn toàn có cơ sở. Biết khơi dậy, tuyến nội tiết sẽ được phục hồi. Ấy là chưa kể bây giờ có nhiều loại thuốc, giúp cho cả hai người tăng cường sinh lực!
                                                           *
                                                         *   *
Có thể còn những nguyên nhân khác làm vợ chồng xung đột, mâu thuẫn. Theo chúng tôi, năm nguyên nhân trên thường xuyên xẩy ra. Cái nào cũng gay cấn, sẵn sàng đẩy mâu thuẫn lên cao độ. Ba nguyên nhân sau dễ điều chỉnh. Hai nguyên nhân đầu thuộc về bản chất, khó khắc phục, dễ phá hoại Hạnh phúc gia đình.
Trước khi xây dựng, các bạn cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Hiểu rõ bản chất của đối tượng, là quyết định trên 50% Hạnh Phúc lứa đôi.

                                           LỜI CUỐI SÁCH
Hôn nhân và cưới hỏi là một việc lớn của đời người. Đã là người bình thường ai cũng phải trải qua. Cuốn sách này viết dưới dạng cẩm nang, phổ thông cần biết.
Chúng tôi rất vui mừng nhận được một số ý kiến phản hồi của độc giả từ Sài gòn, Hà nội, Thái bình, Ninh bình, Nghệ an và Thanh hóa, sau khi cuốn sách in lần thư nhất… chân thành cảm ơn các độc giả đã bớt chút thời gian đọc và cho ý kiến. Chúng tôi coi đây là một niềm hân hạnh cho người viết.
Tiếp thu ý kiến của các vị, lần này chúng tôi bổ sung một số tư liệu. Chúng tôi đưa phần chữ Hán vào các từ cổ hay dùng để có dịp tìm hiểu căn nguyên nội dung của từ.
Theo yêu cầu của một số độc giả, chúng tôi viết thêm lời văn của ông chủ lễ trong các lễ và lời dặn dò của bố mẹ với con gái trước khi lên xe hoa. Đây chỉ là một gợi ý tham khảo. Thực tế còn phong phú và đa dạng hơn nhiều.
Những điều chúng tôi nêu lên ở đây, chắc chắn còn thiếu nhiều. Đất nước ta có tới 54 dân tộc. Mỗi dân tộc có cách tổ chức cưới hỏi riêng. Chúng tôi không hiểu biết hết. Ngay việc cưới hỏi của người Kinh, mỗi vùng có những dị biệt. Chúng tôi chỉ nêu ra những việc chung nhất ở đồng bằng Bắc bộ và bắc Miền Trung. Những việc chủ yếu không thể bỏ qua. Kính mong quý độc giả bổ sung.
Chân thành cám ơn quý độc giả đã bớt chút thời gian đọc cuốn sách nhỏ này. Qua cuốn sách, nếu giúp được gì cho các vị khi tổ chức cưới hỏi, thực sự là điều hân hạnh cho chúng tôi lắm.
Chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết. Rất mong quý độc giả góp ý kiến để hoàn chỉnh thêm.
                                                   Mạnh Đông Năm Mậu Tý
                                                       Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong