NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần Thứ 4 -

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần Thứ 4 -

Chương Thứ Hai – C –

III – NHỮNG VIỆC TỪ SAU AN TÁNG ĐẾN CẢI TÁNG

Từ sau lễ an táng đến khi cải táng là một thời gian dài, ít nhất là ba năm trở lên, tùy gia đình cải táng sớm hay muộn. Nhưng có 7 việc phải làm:

1) CÚNG BA NGÀY.
Sau khi an táng đến ngày thứ ba, con cháu và thầy cúng ra mộ, cúng mở cửa mả, đắp thêm cho mộ được cao ráo đẹp đẽ, lấy tre nứa rào chung quanh để trâu bò không vào được, rồi về nhà cúng ba ngày.
Tùy nơi có cách tính ba ngày khác nhau. Một số địa phương tính từ ngày mất là ngày thứ nhất. Cách này là do chỉ để người mất, quàn tại gia một ngày đêm, nên sau ngày chôn là đến ngày thứ ba, tiến hành cúng ba ngày luôn, như vậy là hợp lý.
Một cách tính nữa, tính từ ngày chôn là ngày thứ nhất. Trường hợp này do quàn tại gia hoặc ở nhà lạnh của bệnh viện quá ba ngày, để chờ con cháu về đông đủ.
Dân ta quan niệm rằng sau khi chôn, hồn vẫn còn phiêu diêu chưa ổn định. Mặt khác trước khi chôn, bàn thờ người chết chưa thật sự yên vị, vì bàn vong di chuyển ra nghĩa địa rồi lại đưa về. Đến ngày thứ ba mọi việc đã chu tất cho bàn thờ, mời hồn người chết về yên vị tọa lạc để con cháu phụng thờ.
Bàn thờ người mới mất để ở vị trí riêng biệt, chưa được đưa thờ chung ở bàn thờ Gia tiên. Vì người mới mất chưa được sạch sẽ.
Sắp đặt bàn thờ có ảnh, bát hương…và các thứ cần thiết. Tùy số lượng câu đối trướng mà treo cho hợp lý quanh bàn thờ. Phía sau bàn thờ, treo cao những bức trướng của dòng họ, tổ chức, tập thể; rồi đến trướng các gia đình thông gia, họ mạc…bạn bè thân hữu. Có thể treo vây quanh tạo không gian ấm cúng cho bàn thờ.
Thủ tục cúng ba ngày phần lớn vẫn do thầy cúng làm.
Từ đây đèn hương liên tục thắp cả ngày và đêm. Bàn thờ có nước, trầu, rượu, hoa quả; vài hôm thay một lần. Hàng ngày sáng chiều đến bữa, đều cúng cơm, coi như cha mẹ, ông bà vẫn bên con cháu dùng bữa hàng ngày. Cúng cơm này không cầu kỳ, trong nhà ăn gì cúng thức ấy, chỉ một ít tượng trưng, có bát đũa đặt trong một khay nhỏ, và rượu nước, trầu cau…
Trước đây cúng ba ngày, còn là dịp để tang chủ mời bà con trong họ ngoài làng, bạn bè thân hữu gần xa đến bầy tỏ lòng cám ơn, xin đại xá cho những thiếu sót, khiếm khuyết không tránh khỏi. Sau đó là tổ chức ăn cỗ. Bây giờ tục lệ ăn cỗ ba ngày mở rộng như vậy không còn nữa. Tang chủ có mời cũng không mấy ai đi. Tang chủ cám ơn qua các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh và vô tuyến truyền hình.
Việc cúng cơm thường nhật, duy trì ít nhất đủ tuần 49 ngày. Có nhà duy trì đến tuần 100 ngày mới thôi. Hương đèn từ đây cũng tắt.
                                                          *
                                                        * *
Theo Thọ Mai Gia Lễ việc cúng ba ngày có nhiều thủ tục phiền phức lắm; Cúng ba ngày gọi là “Tế ngu  – yên vị”.
Ngu có nghĩa là yên vị. Sau khi chôn, hồn phách còn ở cõi phiêu bồng chưa nơi nương tựa. Phải có lễ này để mời hồn về yên vị vào bàn thờ cho con cháu thờ phụng. Đủ Lễ phải có ba tuần tế là: Sơ ngu, tái ngu và tam ngu. Thủ tục cũng đủ các bước như một lễ Thành phục đã nói ở trên. Chủ lễ và tang chủ vái quỳ dâng hương, rượu, nước. Con cháu đứng sau, cũng làm đủ các bước theo chỉ dẫn của thầy cúng. Lúc khóc lúc dừng, khi quỳ lạy, lúc đứng lên…kéo dài hàng tiếng đồng hồ mới xong một buổi tế.
Bây giờ không ai làm dài dòng như vậy, chỉ cúng ngắn gọn là xong.
Giới thiệu bài văn Tế ngu trong Thọ Mai để tham khảo:
“Than ôi!
Sao đổi phương Nam, mây che trời Bắc
Tưởng đến cù lao chín chữ, bú mớm ba năm
Nhớ khi sớm viếng tối thăm, lòng bao hớn hở
Giờ bỗng tây xa, bắc trở trong dạ luống những khát khao
Đau đớn thay bể thẳm trời cao, nông nỗi ấy càng thương càng nhớ
Nay nhân việc thông đường (hoặc huyên đường) quyên cố lễ ngu yên vị.
Gọi là dám xin tổ tiên gần xa đồng lai chứng giám, phù hộ toàn gia trẻ già yên ổn!
Thượng hưởng!”
                                                        *
                                                       * *
2) CÚNG TUẦN 49 & 100 NGÀY.
– Tuần 49 ngày gọi là cúng “chung thất  ”. Người ta lấy vía đàn ông để tính. Một vía là 7 ngày, bảy vía là 49 ngày. Cúng ở nhà tuần này nhằm làm cho linh hồn người mất được mát mẻ.
Một số người theo đạo Phật và một số nhà muốn “Quy” người mất về chùa, nương nhờ cửa Phật “ăn mày lộc Phật”! Nên thường nhờ nhà sư làm tại chùa trong tuần 49 ngày, cho linh hồn chóng được siêu thăng tịnh độ.
– Cúng 100 ngày còn gọi là Tốt khốc – Thôi khóc. Ngày trước thường khóc trong vòng ba tháng mười ngày.
Phật giáo cho rằng người chết xuống âm phủ phải qua “Thập điện – Mười cửa ải” vô cùng nguy hiểm. Vòng 49 ngày mới qua 7 cửa ải. Qua vòng 100 ngày mới xong 10 cửa ải, từ đây linh hồn mới siêu thoát hoàn toàn. Con cháu không khóc nữa, thực sự “yên tâm” người khuất núi đã thoát hiểm!
Tùy theo tục từng địa phương, có nơi coi cúng 49 ngày là lễ lớn, có nơi lại coi cúng 100 ngày mới là lễ lớn. Dịp này, nội ngoại đến dự lễ, bà con cộng đồng đều có lễ đến thắp hương. Chủ nhà thường mời quan khách bữa cơm thân mật.

3) THỜI GIAN ĐỂ TANG
Việc để tang ở nước ta trước đây theo Thọ Mai Gia Lễ, phân làm hai loại: đại tang và tiểu tang. Tiểu tang có 4 bậc, đại tang chỉ có 1 bậc. Tất cả có 5 bậc, gọi là ngũ phục.
1.) Đại tang:
Thời gian để đại tang là 3 năm, nhưng trên thực tế người ta chỉ để đại tang có 27 tháng. Điều này chưa có lời giải thích, theo chúng tôi có lẽ người ta lấy thời gian mang thai 9 tháng để tính một năm. Như vậy ba năm là 27 tháng! Trong dân gian vẫn có câu vợ khóc chồng:
“Ba năm hai bảy tháng chàng ơi!”
Hồ Xuân Hương khóc ông Phủ Vĩnh Tường với hai câu thơ còn lưu mãi:
“Hai bảy tháng trời là mấy chốc,
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!”
Những người chịu đại tang gồm có:
– Con để tang cha mẹ ruột và cha mẹ nuôi,
– Nàng dâu để tang cha mẹ chồng,
– Vợ để tang chồng,
– Cháu đích tôn thừa trọng (thay cha khi cha mất) để tang ông bà,
– Chắt thừa trọng (thay cha và ông khi cha và ông đều mất) để tang cụ ông cụ bà.
2.) Tiểu tang:
Theo tục lệ, tiểu tang có bốn bậc khác nhau và thời gian để tiểu tang cũng khác nhau, tùy theo thân hay sơ.
a.) Cơ niên: Để tang một năm. Những người để tang một năm gồm :
– Cha mẹ để tang cho con trai, con dâu trưởng, và con gái (chưa đi lấy chồng).
– Chồng để tang cho vợ.
– Con rể để tang cho cha mẹ vợ.
– Anh em và chị em (chưa đi lấy chồng) kể cả anh chị em cùng cha khác mẹ để tang cho nhau.
– Em để tang cho chị dâu trưởng.
– Cháu trai và cháu gái (chưa đi lấy chồng) để tang cho ông bà nội.
– Cháu để tang cho chú bác ruột và cô ruột (chưa đi lấy chồng).
– Cháu dâu để tang cho ông bà nhà chồng.
b.) Đại công: Để tang 9 tháng. Những người để tang 9 tháng gồm:
– Cha mẹ để tang con gái (đã đi lấy chồng) và con dâu thứ.
– Chị em ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.
– Anh em con chú con bác ruột để tang cho nhau.
– Chị em con chú con bác ruột (chưa đi lấy chồng) để tang cho nhau.
c.) Tiểu công: Để tang 5 tháng. Những người để tang 5 tháng gồm:
– Anh chị em cùng mẹ khác cha để tang cho nhau.
– Chị em con chú con bác ruột (đã đi lấy chồng) để tang cho nhau.
– Con để tang cho dì ghẻ.
– Cháu để tang cho ông chú, bà bác, và bà thím.
– Cháu để tang cho bà cô (chưa đi lấy chồng), chú họ, bác họ, thím họ, cô họ (chưa đi lấy chồng), ông bà ngoại, cậu, và dì ruột.
– Chắt để tang cho cụ ông cụ bà bên nội.
d) Ti ma: Để tang 3 tháng. Những người để tang 3 tháng gồm:
– Cha mẹ để tang cho con rể.
– Con cô con cậu và đôi con dì để tang cho nhau.
– Cháu để tang cho ông chú họ, ông bác họ, bà cô họ (chưa đi lấy chồng), bà cô (đã đi lấy chồng), và cụ cô (chưa đi lấy chồng).
– Chắt để tang cho cụ chú cụ bác.
– Chút để tang cho kỵ ông kỵ bà bên nội.
Việc tang của người Việt là do Lễ giáo Phong kiến quy định. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” chi phối rõ rệt, ví như thời gian vợ để tang chồng là 27 tháng, tức là đại tang. Chồng để tang vợ có một năm, chỉ được coi là tiểu tang mà thôi. Con gái đã đi lấy chồng thì bị coi là “nữ nhân ngoại tộc” và “dâu là con rể là khách” Người đàn bà, nếu đã đi lấy chồng khi mất đi, được thân nhân để tang một thời hạn ngắn hơn khi chết mà chưa có chồng.
Việc để tang của ta thể hiện một nền văn hóa lâu đời, có tôn ti trật tự, có phép tắc hẳn hoi, phân biệt thân sơ rõ ràng. Cần phải học hỏi và được giáo dục, mới biết và thực hiện đúng theo phong tục được. Nhìn vào việc con cái để tang ông bà hay cha mẹ, ta biết được gia đình đó có giáo dục theo nếp Việt hay không.
Ngày nay đồ tang phục chỉ được mặc cho đến khi chôn cất thân nhân xong. Sau đó, đeo một miếng vải đen nhỏ bằng đầu ngón tay cái ở nẹp áo trước ngực hay ở trên mũ. Còn đàn bà, đầu vấn khăn trắng (ở nông thôn) hoặc găm miếng vải đen ở trước ngực phía trái khi mặc áo. Điều cốt yếu là Tang tại Tâm!

4) ĐỐT MÃ.
Trần sao Âm vậy, nếp nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức người ta từ bao đời nay. Người sống phải lo chu cấp cho người âm, những vật dụng sinh hoạt đầy đủ như khi còn sống mà người đó thường dùng. Nên mới có tục đốt mã.
Người chết sau rằm tháng bảy, thường đốt mã vào dịp 49 ngày. Người chết trước Rằm tháng bẩy, chưa đủ 49 ngày tính đến rằm tháng bẩy, thì đốt mã vào dịp Rằm tháng bẩy. Nhưng phải đốt trước ngày mồng 10 tháng bẩy. Còn ngày rằm chỉ đốt cho người chết đã hết tang và cúng cô hồn thôi.
Đốt mã là một tục, nhà nước ta vẫn cho kinh doanh hàng mã và đánh thuế hàng mã! Hà nội có hẳn một phố mang tên phố Hàng Mã, chỉ chuyên bán đồ hàng mã. Bây giờ nhiều phố khác cũng bán đồ hàng mã, vì nó là thứ hàng hóa siêu lợi nhuận!
Đốt mã là một việc nhạy cảm, không biết thế nào là “vừa”. Hiện nay nhiều nhà quá lạm dụng, lãng phí tiền của không cần thiết. Vấn đề là ở cái tâm của từng người. “Tâm động quỷ thần tri – Ta nghĩ gì, quỷ thần đều biết cả”. Báo hiếu cha mẹ đâu cứ mâm cao cỗ dầy, đốt mã xa hoa ?

5) GIỖ ĐẦU.
Giỗ đầu còn gọi là Tiểu tường. Giỗ đầu, theo tục lệ cúng trước ngày chết một ngày. Qua một năm, có người đã siêu thoát, có người đã được đầu thai theo luật Nhân quả – Luân hồi của nhà Phật. Khi sống tu nhân tích đức tốt, sớm đầu thai vào nhà lành! Ăn ở có nhiều tội lỗi, sẽ đầu thai làm kiếp trâu ngựa để trả nợ! Nếu khi sống có nhiều tội ác, vẫn bị giam ở chín tầng địa ngục, bị lũ ngạ quỷ (ma đói) hành hạ liên tục ngày đêm!
Quan niệm trên là của của Phật giáo, xét ra có tính nhân văn cao; bóc vỏ mê tín ra, ta thấy nhà phật dạy con người phải biết làm điều thiện ngay ở cõi đời đang sống, đó mới là quả phúc tròn đầy!
Trước ngày giỗ hai ngày, con cháu ra dọn cỏ, đắp đất cho mộ phần cao ráo đẹp đẽ. Thắp hương cắm hoa, khấn trình mời hương hồn người đã khuất về hưởng lễ con cháu cúng. Rồi về nhà có trầu rượu chén nước, nén nhang thắp trình, gọi là cúng Tiên thường để hôm sau cúng giỗ chính thức.
Ngày trước sau giỗ đầu, tang chế giảm nhẹ đi; trừ bỏ đồ hung phục không còn mặc áo xổ gấu, sô gai…bỏ gậy mũ…Nhưng vẫn còn để tang cho hết ba năm.

6 ) GIỖ HẾT TANG.
Giỗ này cúng vào năm thứ hai sau ngày mất. Từ giỗ thứ hai cúng đúng ngày mất. Gọi là Đại Tường.
Qua hai năm kể từ ngày mất, người chết đã siêu thoát hoàn toàn. Giỗ này con cháu cũng làm lễ đoạn tang – hết tang. Bởi vậy giỗ này còn gọi là Giỗ hết. Tuy vậy vẫn còn thêm ba tháng nữa mới được làm lễ Trừ phục – bỏ hết mọi đồ tang phục. Lễ này còn có tên khác là lễ Đàm tế (nỗi ưu sầu buồn đau). Nói là thời gian để đại tang 3 năm, nhưng sau 2 năm 24 tháng thêm ba tháng nữa là 27 tháng. Đại tang là 27 tháng, nên người vợ mới khóc chồng: “Ba năm hai bảy tháng chàng ơi!”
Sau hai năm chọn một ngày tốt trong tháng thứ ba, để làm lễ Trừ phục (bỏ hết đồ tang). Trừ phục có ba việc làm sau:
– Lễ sửa mộ: Đắp thêm mộ phần to đẹp thêm.
– Lễ đàm tế: Cất khăn tang, hủy đốt các thứ thuộc phần lễ tang, thu các thứ đồ tang, bỏ bàn thờ để rước linh vị vào bàn thờ gia tiên.
– Rước bát hương vào bàn thờ gia tiên và cáo yết tổ tiên
Sau Lễ này, đốt bài vị giấy và đưa bát hương vào thờ chung ở bàn thờ Gia tiên, theo thế thứ mà sắp đặt. Có thể lấy 3 chân nhang cắm chung vào bát hương hội đồng ở bàn thờ gia tiên cũng được. Nếu ai chết cũng đưa bát hương vào bàn thờ, bát hương ngày càng nhiều, bàn thờ không có chỗ đặt. Bài vị phải làm bằng gỗ.
Mọi thứ câu đối trướng cũng thu dọn, có thể đốt hoặc chôn đi.

7 ) CẢI TÁNG.
Cải táng – là bốc mộ. Còn có nhiều tên gọi khác như: sang cát, cải cát, sang tiểu, thay áo, cát táng (chôn lần đầu gọi là hung táng)…
Bốc mộ là một việc trọng đại cuối cùng đối với người đã khuất. Tùy đất táng và tuổi người mất mà chọn thời gian bốc mộ. Nhưng ít nhất cũng trên ba năm, mới đủ thời gian phân hủy xác. Lúc này chỉ còn xương. Thời gian bốc mộ thường là cuối mùa đông, tiết trời khô ráo hanh heo là đẹp.
Sở dĩ phải bốc mộ vì quan tài gỗ lâu ngày sẽ mục, ván thiên sập xuống. Hoặc là khi chết chưa tìm được nơi đất đẹp! Con cháu không yên lòng. Bốc mộ để vĩnh viễn quy về một nơi, xây ốp trang trọng cho thỏa lòng con cháu.
Một số nơi từ nam miền trung trở vào không có tục bốc mộ, chỉ chôn một lần. Nhà có điều kiện làm trong quan ngoài quách và xây ốp vĩnh cửu luôn. Bây giờ đã bắt đầu quen dần với việc hỏa táng, điện táng. Một cách thức xử lý xác người chết hợp vệ sinh, không ô nhiễm môi trường, không tốn diện tích đất đai.
Trước khi bốc mộ, làm lễ cáo yết Gia tiên và cúng thần Thổ thần nơi nghĩa địa. Người ta thường bốc mộ vào ban đêm. Do quan niệm ban đêm thuộc âm, là thế giới của âm phủ. Điều này rất phiền toái cho công việc. Tuy vậy mọi người đều không quản ngại, ai cũng dốc sức cho công việc xong trước 5 giờ sáng. Cũng có nơi làm ban ngày, nhưng phải có mái che không cho ánh sáng mặt trời chiếu vào.
Khi mở nắp quan tài, mọi người đứng đầu chiều gió. Có thể đốt những bó chổi bằng cây hao hao và đổ rượu vào quan tài. Mục đích là giảm bớt xú khí. Xương cốt rửa sạch, lau khô xếp vào tiểu theo đúng vị trí. Trong tiểu lót giấy trang kim và vải đỏ hoặc lụa đỏ. Đem tiểu đến nơi khác chôn và xây cất, ốp lát tùy điều kiện từng nhà. Lấy nước vang tưới xung quanh gọi là hàn long mạch – ý nói hàn kín mạch đất vĩnh viễn.
Ngày trước bắt buộc con cháu phải trực tiếp lấy cốt, không được để người ngoài làm, như vậy mới thực là báo hiếu! Bây giờ có thể vận dụng hợp lý, không nhất thiết phải làm như xưa.
Trước đây chưa có điều kiện xây ốp. Vào nghĩa địa thấy ngôi mộ dài là chưa bốc. Ngôi mộ tròn là đã bốc.
Khi bốc mộ, nếu gặp mộ “kết thì phải lấp ngay lại. Ở Nghệ Tĩnh thường có chõ xôi mang theo, nếu thấy mộ kết thì bỏ xôi vào, đóng nắp quan tài và đắp mộ to lên.
Mộ “kết” là mộ có một trong ba biểu hiện sau:
– Khi đào đất thấy có con rắn vàng gọi là “long xà khí vật” là điềm tốt.
– Khi mở nắp quan tài có mạng như giây tơ hồng phủ trắng cả áo quan.
– Xương cốt dính liền, không rời nhau và có những giọt nước trắng như sữa.
Chưa bốc mộ cho ông bà cha mẹ, con cháu luôn coi mình chưa làm xong việc báo hiếu. Bây giờ có điều kiện kinh tế, phần lớn bốc mộ quy tập về một nơi, xây ốp khang trang đẹp đẽ, quần tụ trong nội tộc có ông bà tổ tiên ở bên cạnh, như được sum họp ấm áp tình cảm gia đình luôn có bên nhau.
(Còn nữa…)
Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong