NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần thứ Hai

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần thứ Hai

Chương Thứ Hai (A)

NHỮNG VIỆC TRONG TANG LỄ

Trong Tang lễ, quan trọng nhất là Tang lễ Cha Mẹ. Nhân dân ta luôn quan niệm: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn – Việc chết như việc sống, việc mất như việc còn”. Bởi vậy dù khó khăn đến đâu, khi lâm sự ai cũng cố gắng hết mức, để lo việc hậu sự cho Cha Mẹ được chu đáo vẹn toàn. Thể hiện tấm lòng báo hiếu được trọn vẹn của con cháu.
Người bình tĩnh đến đâu, cũng rối trí khi trong nhà có người thân qua đời. Chính vậy mới có câu: “Tang gia bối rối”. Người chủ gia đình lúc này cần phải làm chủ bản thân, nén đau thương để quán xuyến mọi việc. Trong gia tộc hoặc trong họ, cần cử ra một người cùng giúp, quán xuyến và xếp đặt mọi việc; có sự phối hợp giúp đỡ của cộng đồng dân cư, các hội, các đoàn thể và đơn vị cơ quan…
Dù đau thương đến đâu, con cháu cũng phải nén lòng chưa được vật vã khóc than. Xưa nay vẫn kiêng, không để con cháu rớt nước mắt trên thi hài người đã khuất. Con cháu chỉ khóc từ sau lễ phát tang.
Khi đã tuyệt khí, vuốt mắt người chết rồi đưa thi hài xuống đất, gọi là hạ thổ. Việc tiếp đất này là hấp lấy sinh khí đất, xem có hồi dương – (sống lại) không. Sau đó đưa lên giường, lấy một chiếc đũa đặt giữa hai hàm răng, để sau làm lễ phạm hàm được dễ; nếu không, sau phải lấy cái lược cậy hàm răng mới làm phạm hàm được. Lấy bông nút kín các lỗ tai, mũi và hậu môn. Buộc hai ngón tay cái và hai ngón chân cái lại. Hai tay đặt lên bụng. Đưa thi hài vào giường phủ khăn mỏng hoặc tờ giấy bản lên mặt, rồi buông màn như người đang ngủ. Chuẩn bị nấu nước ngũ vị hương để lau tắm và thay quần áo.
Đầu giường thắp nhang, chờ được giờ tốt mới nhập liệm.

I – NHỮNG VIỆC TRƯỚC KHI PHÁT TANG

Trước khi làm Lễ phát tang có nhiều việc được tiến hành đồng thời, không phân biệt trước sau. Đại thể phải làm 7 việc chính sau đây:

1) BÁO TANG.
Điện báo cho con cháu nội ngoại xa gần biết, thu xếp về chịu tang. Đồng thời báo cho chính quyền, tổ chức xã hội, đoàn thể, cơ quan đơn vị để có sự phối hợp lo việc hậu sự chu đáo. Liên hệ ban quản trang ký hợp đồng việc mai táng, hoặc hỏa táng. Ở nông thôn chưa có ban quản trang, trong nội tộc thu xếp người lo việc đào huyệt. Cử người mua quan tài (lưu ý: nếu hỏa táng không cần mua quan tài loại tốt), vải liệm, làm ảnh, thuê tăng âm loa đài và các thứ cần thiết… mời thầy cúng và hội kèn trống, lên lịch thời gian phát tang, phúng viếng, truy điệu và mai táng…
Cần kiểm tra kỹ việc mời thầy cúng, không để xẩy ra mời hai thầy cúng một lúc, rất khó xử. Việc tham gia ý kiến của người khác, cần khéo léo và tế nhị; không làm tang chủ rối trí trong lúc đang đau buồn, tránh sự căng thẳng không cần thiết, dễ xẩy ra tình trạng “lắm thầy rầy ma”.

2) THÀNH LẬP BAN LỄ TANG.
Thành lập Ban Lễ tang và cử người làm Trưởng ban. Thường một công dân mất, do trưởng xóm, trưởng làng, hoặc trưởng khu phố làm Trưởng ban lễ tang. Các thành phần gồm có: đại diện Mặt trận, đại diện tổ chức xã hội, đại diện đoàn thể, đại diện cơ quan, đơn vị và đại diện gia đình.
Phải căn cứ vào địa vị xã hội của người đã mất mà cử Trưởng, Phó Ban lễ tang cho phù hợp.
Trong Ban Lễ tang cần có sự phân công cụ thể các việc làm cho từng thành viên, giúp gia chủ khi tang gia bối rối. Nghĩa tử là nghĩa tận!
Sau khi thành lập Ban lễ tang, ra Thông báo, Cáo phó hoặc Tin buồn cho mọi người biết. Thông thường là viết TIN BUỒN trên một tờ giấy rộng, chữ chân phương rõ ràng.
Tham khảo một trường hợp cụ thể như sau:

Tin buồn và Danh sách Ban Lễ tang, treo ở chỗ mọi người dễ nhìn thấy nhất. Từ cổng nhà ra tới đường lớn, cắm cờ tang, nhằm thông báo cho người đến phúng viếng biết.

3) LẬP BÀN THỜ VONG VÀ TRANG TRÍ PHÒNG TANG.

* Bàn thờ vong gồm có:
– Ảnh người quá cố, bài vị, minh tinh, bát hương, lọ hoa, mâm hoa quả, đĩa xôi con gà. Nếu có huân, huy chương đặt trong hộp kính để bên cạnh ảnh. Một đĩa để khách đặt đồ phúng viếng… Có nơi để hai cây chuối con ở hai bên, thể hiện màu xanh cuộc sống. (Nhà có nhiều khách viếng, nên có một bát hương to, hoặc một chậu hoa dùng làm bát hương)…
– Bài vị tạm thời làm bằng giấy, thường do thầy cúng làm hoặc người nắm chắc nội dung của bài vị làm cũng được. Hiện ta vẫn quen viết bài vị bằng chữ nho. Nội dung ghi: Họ tên người mất: bí danh, bút danh, chức danh, thế thứ trong gia đình, ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất.
– Minh tinh: Có nơi gọi Cờ vía, là một dải giấy đỏ, treo vào cành tre còn lá tươi xanh ở ngọn. Nội dung cơ bản viết trên minh tinh là nêu chức tước, phẩm hàm của người đã mất.
Hai bên cạnh bàn có hai chữ Trung Tín (dùng cho đàn ông). Hai chữ Trinh Thuận (dùng cho đàn bà):

Việc dùng các chữ trên là thể hiện tính nhân văn cao cả. Người chết là dứt nợ trần gian, mọi công nợ đều được trút bỏ. Khi đã chết rồi, họ trở về cõi vĩnh hằng gặp ông bà tổ tiên, với tư cách là những người trung trực tín nghĩa, trinh trắng và nhu thuận; để bắt đầu một cuộc sống mới, ở một thế giới mới!
Bàn thờ vong kê phía trước quan tài, phải cao hơn mặt quan tài độ 40 cm. Dùng vải đen phủ từ mép bàn thờ vong xuống sát đất. Giữa tấm vải đen dán một chữ Thọ trắng hình tròn giống chữ Thọ ở đầu quan tài. Bên cạnh để Minh tinh.
* Trang trí phòng tang: Phía trong quan tài treo một phông đen. Trang trí như hình sau. (Các chữ đều mầu trắng)

Góc trên ảnh dán một giải băng tang đen. Trường hợp không có ảnh, chuyển hai dòng chữ cuối lên trên. Hai bên quan tài trải chiếu cho con cháu ngồi chịu tang.
Đồ trang trí này, các công ty dịch vụ tang lễ làm trọn gói từ A đến Z, kể cả việc cần đưa đi hỏa táng.
Ở nông thôn, Chính quyền thôn và Chi hội Người cao tuổi chủ động sắm trước, may cờ tang, trống cái và các thứ phục vụ cho Tang lễ, theo quỹ đóng góp tự nguyện của toàn dân.
* Một việc cần làm lúc này là: chuẩn bị áo tang cho con cháu và những người phải để tang. Tính số người chịu tang mà làm, không được làm thừa. Con trai thì áo xô khăn trắng, con gái và con dâu thì áo xô và mũ trắng. Những người chịu tang còn lại đến hàng cháu, xé vải trắng gấp thành khăn trắng nhỏ để quấn trên đầu. Hàng chắt thì khăn vàng, hàng chút thì khăn đỏ.
Hiện có đám vẫn còn giữ tục con trai đội mũ rơm, gậy tre (nếu cha mất) hoặc mũ rơm gậy vông vót vuông (nếu mẹ mất).
Người chịu tang chưa về kịp, khăn tang của người đó để trên bàn thờ vong.

4) TẮM GỘI CHO NGƯỜI CHẾT
Việc này xưa gọi là “Lễ Mộc dục – tắm gội”. Cần tiến hành nhanh, càng sớm càng tốt không nên để lâu. Để lâu cứng các khớp sẽ khó khăn khi nhập quan.
Nấu nước ngũ vị hương, dùng khăn mềm lau rửa toàn thân sạch sẽ. Cắt móng tay, móng chân, chải đầu. Dùng tất nilon lồng vào hai bàn tay và hai bàn chân, để thuận tiện cho sau này, khi cải táng gom đủ các đốt tay và chân.
Sau đó thay quần áo mới cho người chết. Nữ giới thêm đồ trang sức giả như vòng, nhẫn, dây chuyền, hoa tai… cho đẹp (có thể đánh phấn cho dung mạo hồng hào). Hai bàn tay để úp trên bụng, cột hai ngón tay cái và hai ngón chân cái lại. Có người cho rằng buộc như vậy là “trói” trước khi chôn! Người chết là “nhắm mắt xuôi tay”, nên để hai tay xuôi theo người. Việc làm này còn tùy thuộc tập tục từng địa phương. Ai cũng thấy Bác Hồ trong hòm kính hai tay để trên bụng!
Dùng một dây vải rộng bản giống băng y tế, luồn qua lưng và buộc cố định hai vai lại, không để vai nở ra, nhằm khi nhập quan được dễ dàng.
                                                                  *
                                                                 * *
Theo Thọ mai gia lễ khi làm lễ mộc dục, tang chủ quỳ xuống khóc mà than rằng:
“Tư thỉnh mộc dục, dĩ điều cựu trần. Cẩn cáo!”
緦請沐浴以調舊塵。謹吿Nay xin tắm rửa sạch sẽ bụi trần. Kính cáo!
Rồi tiến hành tắm gội. Trong Thọ Mai quy định con trai tắm gội cho Cha, con gái tắm gội cho Mẹ. Đây là một trong những việc báo hiếu cuối cùng của con cái đối với cha mẹ. Ngày nay cũng không nên câu nệ quá, tùy điều kiện mà vận dụng, người trong họ tộc, bạn, hoặc công ty dịch vụ làm cũng được.

5) BỎ GẠO VÀ TIỀN VÀO MỒM.
Lễ này gọi là Phạm hàm – Là bỏ gạo, tiền vào mồm làm cho thanh tịnh người chết.
Dùng đũa tách hai hàm răng ra, rồi bỏ gạo nếp rang và 3 đồng tiền trinh, có nhà còn bỏ thêm một chút xíu vàng sống vào mồm người chết. Trước kia nhà giầu có, thế gia vọng tộc còn bỏ 9 hạt trân châu. Người xưa quan niệm để trừ tà ma ác quỷ và có tiền ăn tiêu, đi đường.
Thực ra có ý nghĩa rất vệ sinh. Gạo nở ra hút nước, kim loại hạn chế xú khí.
*
* *
Theo Thọ Mai gia lễ, khi làm Lễ Phạm hàm: Mọi người quỳ xuống, tang chủ khấn rằng:
“Tư thỉnh phạm hàm phục duy hàm nạp. Cẩn cáo!
緦請梵含伏唯含内。謹吿 Nay xin Phạm hàm, thỉnh người nhận lấy. Cẩn cáo!”
Tang chủ lễ một lễ rồi đứng lên, lật khăn trên mặt. Một người trong nội tộc xướng:
– Sơ phạm hàm! Phạm hàm lần thứ nhất.
Tang chủ tách hai hàm răng, dùng thìa xúc gạo đổ vào, bỏ một đồng tiền và một chút vàng…Làm như vậy ba lần theo một người trong nội tộc xướng:
– Nhị phạm hàm! Phạm hàm lần thứ hai.
– Tam phạm hàm! Phạm hàm lần thứ ba.
                                                                     *
                                                                    * *
Việc nút bông các lỗ trên cơ thể người chết và thực hiện phạm hàm có ý nghĩa khoa học, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đối với cơ thể người, những hệ quả sinh lý của sự chết là một chuỗi những biến đổi: đầu tiên là trương phình lên, sau đó là sự phân rã, tiếp theo là những biến đổi sau phân rã, cuối cùng, chỉ có bộ xương là tồn tại lâu nhất.
Giai đoạn sớm sau khi chết (15 –120 phút tùy nhiều yếu tố), xác trở nên mát lạnh, da tái nhạt, các cơ vòng giãn ra, dẫn đến việc tống xuất nước tiểu, phân và những gì chứa trong dạ dày cũng trôi ra ngoài nếu xác bị di chuyển. Máu dồn xuống, tạo thành các ổ chứa ở phần thấp của xác (theo trọng lực) gọi là hồ máu tử thi, trong vòng 30 phút và bắt đầu đông lại. Các cơ co lại, tạo nên co cứng tử thi, với đỉnh điểm là 12 giờ sau khi chết và kết thúc 24 giờ sau khi hình thành, tùy vào nhiệt độ môi trường.
Trong vòng một ngày, bắt đầu có các dấu hiệu phân hủy, do cơ chế tự hủy lẫn sự tấn công của vi sinh vật, nấm, côn trùng…
Bên trong cơ thể, các cấu trúc bắt đầu sụp đổ, da mất sự liên kết với các mô bên dưới, hoạt động của vi khuẩn sẽ sinh hơi và khiến xác sưng, trương phình ra.
Chưa có một yếu tố xác định cụ thể cho tốc độ phân hủy sau khi chết; một xác chết có thể chỉ còn bộ xương sau vài ngày hoặc còn gần như nguyên vẹn sau hàng nghìn năm, đó là những xác ướp.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh trong cộng đồng, người chết cần được chôn hoặc hỏa táng sau 24 giờ. Trường hợp bất khả kháng, phải để lâu chờ con cháu ở xa về, thì phải có nhà lạnh. Những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần chôn ngay trong ngày.

6) KHÂM LIỆM.
Khâm liệm nghĩa là bọc thi hài vào chăn mỏng hay vải, trước khi đưa vào quan tài (nhập quan).
Khâm liệm, nhập quan, phát tang và an táng là các việc đã được chọn giờ kỹ lưỡng, đúng giờ là tiến hành các việc trên không được chậm trễ. Ba việc Khâm liệm, Nhập quan, Phát tang làm kế tiếp nhau, không gián đoạn. Riêng việc an táng chọn ngày giờ khác, vì còn quàn quan tài tại nhà để thờ vong và mọi người đến phúng viếng; thường là một ngày, một đêm nữa. Bây giờ có máy làm lạnh để cạnh quan tài làm chậm sự phân hủy.
Để khâm liệm, trước hết trải chiếu xuống đất, bên cạnh chỗ quàn quan tài, đặt ba chiếc dây vải tầm ngang vai, ngang mông và ngang bắp chân người chết; rồi trải tấm vải trắng đã may, đủ diện tích bọc thi hài lên trên ba chiếc dây ấy. Đặt người chết vào chính giữa, vắt vải thừa ở chân lên trước, kế đến vắt hai bên vào và cuối cùng là vắt vải thừa ở trên đầu xuống. Cột ba dây đai phía ngoài nhằm cố định vải liệm.
Nay thường để lộ mặt, cho người đi xa về muộn, cùng con cháu và người viếng nhìn mặt lần cuối. Trên nắp quan tài có tấm kính nhỏ, đủ nhìn mặt người quá cố. Trước khi đưa đi an táng, rút tấm kính ra và phủ nốt đoạn vải liệm cho kín mặt. Rồi thay tấm kính bằng một tấm gỗ, để sau này bốc mộ được an toàn cho người làm.
                                                                 *
                                                                * *
Ngày trước có đại liệm và tiểu liệm. Việc ấy là do chưa có vải khổ to như ngày nay, khi liệm đều dùng vải khổ nhỏ chỉ độ 40 phân. Đại liệm có 6 tấm vải, một tấm dọc theo thân người và năm tấm ngang. Tiểu liệm có 4 tấm vải, một tấm dọc theo thân người và ba tấm ngang. Khâm liệm xong tiến hành nhập quan luôn.
Theo Thọ Mai Gia Lễ: Tang chủ quỳ xuống và khấn rằng:
“Thỉnh nghinh nhập liệm. Cẩn cáo!
請迎入殓。謹吿 Xin mời nhập liệm. Kính cáo!
Lễ một lễ rồi đứng lên, lúc ấy mọi người mới tiến hành liệm.

7) NHẬP QUAN.
Nhập quan là đưa thi hài vào quan tài. Trước khi nhập quan phải kiểm tra quan tài và gắn kín những chỗ nứt nẻ. Bây giờ dùng keo dán gỗ rất tốt.
Thầy cúng thắp hương hươ hươ, khấn vái rồi làm thủ tục phạt mộc – dùng dao chặt vào bốn góc phía trong quan tài nhằm “đuổi bọn ma quỷ và mộc tinh – cây thành tinh, định lẻn vào chiếm chỗ!”. Rồi đưa quan tài vào vị trí để quàn.
Con cháu mặc đồ tang phục đứng hai bên, những người trong họ hàng thân thuộc nâng thi hài nhẹ nhàng đặt vào quan tài. Trước đây thường lót dưới đáy quan tài bằng chè khô hay gạo rang, rồi đến một tấm gỗ đục 7 lỗ tượng trưng cho 7 ngôi sao Bắc đẩu. Bây giờ có thể dùng giấy vệ sinh lót đáy và chèn hai bên, có tác dụng hút nước tốt và chèn cho êm, chú ý chèn chặt phía đầu khỏi bị xê dịch khi đưa đi an táng. Rồi làm thủ tục gọi hồn. Theo Thọ Mai phải là con trai trực tiếp gọi hồn, cầm áo người chết trèo lên mái nhà hoặc ra đường gọi hồn.
Bây giờ thầy cúng, hoặc một người trong họ làm thủ tục gọi hồn cũng được, không nhất thiết phải là con trai. Quan niệm cho rằng người chết hồn lìa khỏi xác, còn quanh quất cần được gọi về nhập xác. Người gọi hồn cầm áo của người chết ra sân hoặc ngoài đường, quay bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và gọi. Đàn ông thì gọi “ba hồn bảy vía ông…về nhập quan”. Đàn bà thì gọi “ba hồn chín vía bà…về nhập quan”. Xong bỏ áo người chết vào quan tài, coi như hồn người chết đã về nhập quan.
Thực ra theo quan niệm Phật giáo, khi chết hồn thoát xác và sang một thế giới khác. Việc nhập xác chỉ là vía hay còn gọi là phách, sẽ tan cùng với thân xác.
Việc làm phạt mộc và gọi hồn là một tục, mang tính tâm linh đã ăn sâu vào tâm thức người Việt.
Lại có đám bỏ vào quan tài cỗ bài tam cúc hoặc cỗ bài chắn, con dao…cho rằng để trừ tà ma! Chẳng qua cũng chỉ là phép giải tâm lý cho người sống an lòng.
Sau khi gọi hồn nhập xác, đóng nắp quan tài và tiến hành làm Lễ phát tang ngay. Có nơi dùng ba chiếc lạt tre buộc vòng qua quan tài.
Một số nơi vẫn có tục: Con cháu và người xung tuổi với người chết không được liệm và nhập quan. Xét ra không nhất thiết phải như vậy, đây là việc “nghĩa tận” con cháu làm, càng thể hiện tấm lòng báo hiếu ân sâu nghĩa nặng được tăng thêm!
                                                             *
                                                            * *
Theo Thọ Mai Gia Lễ, khi nhập quan con cháu xếp hàng quỳ xuống mà khóc (lúc này mới được khóc). Tang chủ quỳ trước quan tài mà khấn rằng:
“Tư dĩ cát thời thỉnh nghinh nhập quan. Cẩn cáo!
思以吉時請迎入倌。謹吿Nay được giờ tốt xin người nhập quan. Kính cáo!
Tang chủ lễ một lễ rồi đứng lên. Con trai một bên, con gái một bên đứng ra hai phía, nhường chỗ cho những người bà con giúp việc xúm nhau nâng thi hài lên, rồi rước người vào quan tài thật êm ái. Con cháu đều khóc cả lên.
*
* *
Trong quan tài chèn chặt bằng vải hoặc giấy…cho êm, phòng khi di chuyển không bị xê dịch, bỏ các thứ cần thiết vào trong quan tài, theo yêu cầu gia chủ và ý kiến thầy cúng.
Đóng nắp quan tài, quàn đặt trên hai cái gía cao khoảng 40 – 50cm. Hiện nay nơi bán áo quan, có bán sẵn hai cái giá ấy. Có nơi đặt quan tài trên hai khúc thân cây chuối.
Trên nắp quan tài có bát cơm úp, đôi đũa tre vót hoa man kẹp quả trứng luộc, cắm vào bát cơm. Người chết là đàn ông, trên nắp quan tài để 7 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 7 ngọn nến. Người chết là đàn bà, trên nắp quan tài để 9 khúc chuối con để cắm hương, kèm theo 9 ngọn nến.
Phía trước quan tài là bàn thờ vong đã chuẩn bị. Đèn nến, hương trên bàn thờ vong và nắp quan tài thắp liên tục đến khi đưa đi an táng.
Xong đâu đấy, tiếp theo làm Lễ Phát tang ngay.
(Còn nữa...)

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong