NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần thứ Nhất

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần thứ Nhất


Lời thưa
Chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả xa gần: Trao đổi, yêu cầu tư vấn, bổ sung… sau khi xem cuốn «Những điều cần biết về Tang Lễ» trên trang Website www.langduytinh.com. Chúng tôi xin được bầy tỏ lòng cảm ơn chân thành và quý mến tới độc giả.
Đáp ứng yêu cầu của độc giả, lần này chúng tôi giới thiệu lại tài liệu này trên Website langduytinh.com với tinh thần tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung và làm rõ thêm một số nội dung cụ thể. Hiện nay việc hỏa táng đã được chấp nhận phổ biến ở thành thị, chiều hướng ở nông thôn đang quen dần; chúng tôi sẽ nói rõ thêm nội dung này.
Phận làm con, ai cũng muốn làm tròn đạo Hiếu. Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ với con cái cao ngất như trời xanh, rộng mênh mông như biển cả. Cả đời này, con cái không sao báo đáp trọn vẹn được. Một trong những việc báo hiếu đối với cha mẹ là tổ chức tang lễ cha mẹ sao cho trọn vẹn.
Làm tốt việc Tang Lễ cho Cha Mẹ, là việc làm cho chính mình, cũng là nêu gương cho con cháu noi theo.
Những điều cần biết về Tang Lễ là tập sách mỏng, viết dưới dạng Cẩm nang Gia đình. Khi lâm sự, xem các việc chính cần làm, thực hiện theo một trình tự đã có. Từ khi qua đời đến lúc an táng có 13 việc chính, từ an táng đến cải táng có 6 việc chính. Đây là những việc không thể bỏ được.
Căn cứ vào Thọ Mai Gia Lễ và qua thực tế việc Tang lễ hiện nay. Chúng tôi chọn lựa những nội dung cần thiết, lược bỏ những điều phiền phức không phù hợp với thời đại mới. Làm vậy Tang lễ vừa đảm bảo tính dân tộc, lại có nội dung Văn hóa mới.
Chúng tôi chọn nêu lại một số nội dung cũ của Thọ Mai Gia Lễ, độc giả tham khảo để hiểu rõ hơn sự phức tạp của các việc làm ngày trước. Bây giờ bỏ đi là hợp lý.
Tuy vậy, chắc không thể đáp ứng đầy đủ; vì tục Tang Lễ mỗi miền có dị biệt khác nhau.
Nội dung cuốn sách chắc còn nhiều khiếm khuyết. Kính mong các độc giả, các bậc thức giả, các vị cao niên chỉ giáo thêm. Xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Quý Phong

Chương Thứ Nhất

NÓI VỀ CÁI CHẾT

1- SINH LÃO BỆNH TỬ, LÀ QUY LUẬT TỰ NHIÊN TRONG VÒNG ĐỜI NGƯỜI.

Người ta, ai cũng muốn được sống lâu trên cõi đời này. Chẳng thế mà khi mừng thọ các cụ lên lão, ta thường dành những câu tốt đẹp: “Thọ tỷ nam sơn 壽比南山- thọ như núi Nam”. Nếu tuổi thọ không cao được như núi Nam, thì ít ra cũng phải “Bách tuế trường sinh百歲長生 – sống lâu trăm tuổi”. Ấy là chưa kể các đấng bề trên, vẫn được mọi người tung hô: “muôn năm! vạn tuế!”. Đó cũng chỉ là những thành ngữ mang tính ước lệ. Mặc dù hiện tại đã có một số người sống 100 tuổi, hoặc trên 100 tuổi. Nhưng điều đó không phải là phổ biến.
Chuyện Ông Bành tổ sống 800 tuổi, chuyện các vị Thánh Thần trường sinh bất lão; chỉ là sự gửi gắm ước muốn của con người, khi mà thực tế cuộc sống không đạt được. Chẳng thế mà cả châu Âu, châu Á đều có câu chuyện “Rắn gìa rắn lột”. Chuyện rằng:
Thuở trời đất vừa được dựng nên, Trời muốn cho loài người đuợc bất tử bằng cách lột xác, còn loài rắn tới già thì phải chết. Trời mới sai Thiên lôi xuống trần, và dặn rằng khi gặp người, phải nói câu thần chú sau:
– Người già người lột. Rắn già rắn tọt vào săng.
Thiên lôi xuống trần, vừa đi vừa nhẩm thần chú của Trời; nhưng vì lơ đãng, đọc đi đọc lại thế nào, khi xuống trần vừa gặp con người, thiên lôi lại đọc: “Rắn già rắn lột. Người già người tọt vào săng”.
Vì thế mà con rắn được lột xác, còn con người sinh ra, lớn lên, già, chết, rồi phải cho vào săng, đem chôn!.
Đến như Tần Thủy Hoàng, vì muốn có thuốc trường sinh nên vẫn bị lừa. Ông đã cấp lương thảo, tiền bạc, thuyền bè cho bọn lang băm, vượt trùng dương đi tìm thuốc trường sinh. Thuốc chẳng thấy đâu, chính ông lại bị chết trên đường tuần du, đến nỗi xác phải ướp muối chở về kinh.
Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học, tuổi thọ trung bình của con người ngày một nâng cao. Trước cách mạng tháng tám, tuổi thọ trung bình của ta chỉ trên dưới bốn mươi. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, người trên 65 tuổi đạt 7% dân số. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam, nhanh hàng đầu Châu Á và là một trong năm quốc gia, có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Đến năm 2049 người cao tuổi Việt Nam sẽ là 25%. Theo kết quả Điều tra dân số năm 2014: Tuổi thọ trung bình của dân số nước ta là 73,2 tuổi, trong đó nam là 70,6 tuổi và nữ là 76,0 tuổi.
Ý muốn trường sinh là chuyện của con người, nhưng quy luật tự nhiên là sự tồn tại khách quan. Vòng đời người tuân theo quy luật: Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Đây là điều thuận lý tất yếu không thể tránh, cái gì đến tất phải đến. Bình thường ai rồi cũng phải chết, trừ những cái chết bất đắc kỳ tử như tai nạn rủi ro, thiên tai, trận mạc, bệnh hiểm nghèo…con người không tiên liệu được; hoặc những cái chết tự tử vì thất vọng, bị dồn vào ngõ cụt không có lối ra.
Vẫn biết Ông bà Cha mẹ “ra đi” lúc tuổi già là đương nhiên, nhưng khi nó đến vẫn cứ bất ngờ hụt hẫng. Là nỗi đau khôn cùng, sự mất mát lớn lao, nỗi trống vắng không sao khỏa lấp.
Làm chu đáo tang lễ cho ông bà cha mẹ, trước hết là thể hiện lòng báo hiếu của con cháu; cho nên đám tang, còn gọi là “Đám Hiếu”. Làm tang lễ là việc làm của mình, cho chính mình. Người đã mất đâu còn biết gì, trong khi người sống chịu bao áp lực và dư luận chi phối. Nếu con cháu chúng ta, không có sự chuẩn bị chu toàn và thực hiện đầy đủ các bước trong lễ tang, sẽ có nhiều thiếu sót lớn không sao sửa chữa được. Đến nỗi nhiều người phải ân hận suốt đời, có khi còn mang tiếng là bất hiếu!

2- NGƯỜI GIÀ CẦN CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT.
Thông thường người cao tuổi hay nghĩ đến cái chết. Sẵn sàng đón đợi cái chết. Bằng chứng là ở nông thôn, một số nơi còn chuẩn bị sẵn áo quan (quan tài) trong nhà khi các cụ còn khỏe mạnh. Áo quan đó còn gọi là cỗ hậu (dùng nó về sau), có nơi còn gọi là cỗ thọ, vì vậy đầu áo quan bao giờ cũng khắc chữ “Thọ ”, cũng là để đánh dấu khi nhập quan.
Cái chết dưới cách nhìn chấp nhận một quy luật, thì không có gì đáng sợ. Người theo một tôn giáo, càng nhẹ nhàng khi đối diện với cái chết. Thiên chúa giáo coi cái chết là về với Chúa, với sự vĩnh hằng. Ta sinh ra từ cát bụi, lại trở về cát bụi. Phật giáo coi cuộc đời là bể khổ trầm luân, “sinh ký tử quy 生寄死歸, sống gửi thác về”. Cuộc sống đời người chỉ là tạm bợ, khi chết mới thực sự được về nơi cực lạc viên mãn, siêu sinh tịnh độ.
Người cao tuổi khi về già thường ốm đau luôn, nhiều người cảm nhận cái chết đến gần. Cá biệt có người còn “bấm” được mình sẽ chết vào một thời gian cụ thể. Bởi vậy cần thanh thản chuẩn bị cho cái chết bằng một số việc làm sau:
a) – Lập di chúc.
Thường ta chưa có thói quen lập di chúc, ngày nay việc lập di chúc tương đối phổ biến. Đây là một nét Văn hóa đẹp và cần thiết. Việc lập di chúc là thể hiện ý nguyện định đoạt về tài sản, hoặc tâm nguyện của một người trước khi chết.
Theo Bộ luật Dân sự, phần thừa kế, một bản di chúc hợp pháp là:
Về hình thức: Được soạn thảo thành văn bản, có người làm chứng hoặc được UBND xã, phường, cơ quan công chứng xác nhận. Nếu di chúc không có chứng thực, người lập di chúc phải tự tay viết di chúc, theo nội dung quy định và ký tên. Nếu là di chúc miệng, phải có hai người làm chứng. Hai người này ghi chép lời nội dung di chúc và phải ký tên.
Về nội dung: Phải ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ người lập di chúc; cá nhân, tổ chức được hưởng di sản; thực trạng tinh thần và sức khỏe của người lập di chúc; tài sản để lại (phải là tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại di chúc); quyền và nghĩa vụ của tổ chức và người nhận di sản, ngày tháng lập di chúc…
Bản di chúc nói chung, ngoài việc thể hiện tính hợp pháp, thường còn chứa đựng tâm tư, tình cảm của người để lại di sản. Nên bên cạnh việc định đoạt tài sản, người lập di chúc còn nhắc nhở, căn dặn một số điều cho người hưởng di sản. Trong di chúc có những điều dặn dò con cháu thực hiện di ngôn của mình.
Khi sắp qua đời mới công bố di chúc. Trường hợp không có di chúc, con cháu phải hỏi cho rõ ý muốn của người lâm chung. Người thân ghi chép đầy đủ dưới sự chứng giám của các thành viên trong nhà hoặc người làm chứng, được ký tên hoặc điểm chỉ chu đáo.
Có thể mời luật sư lập di chúc và ủy quyền cho luật sư công bố di chúc, vào một thời điểm được ghi trong di chúc.
(Tham khảo thêm Bộ luật dân sự về lập di chúc)
b) – Giải quyết những việc tồn đọng.
Đây là một việc nhạy cảm và tế nhị. Ai biết được cụ thể cái chết của mình, mà đòi giải quyết! Nhưng người già khi ốm đau, lượng thấy mình không qua khỏi, cần thanh toán nợ nần hoặc cho con cháu biết mình còn nợ nần gì. Trả vay, vay trả cần dứt điểm, kể cả những món nợ tinh thần, những uẩn khúc lâu nay chưa giải tỏa.
Lẽ thường ai cũng sợ chết. Bởi chết là mất tất cả mọi thứ ta có, từ thân xác ta, cho đến những người thân yêu của ta. Mất hết những gì ta phấn đấu, lao tâm khổ tứ cả một đời mới có, khi chết không sao mang theo được.
Cái quý hơn cả là thân xác ta, rồi cũng mất đi. Điều làm cho ta sợ hơn nữa là: Ta không biết điều gì sẽ xẩy ra sau khi chết. Thiên đường hay địa ngục? Nỗi ám ảnh cứ theo ta, và chỉ có ta mới biết phải tự sám hối về những điều tốt xấu, mà ta đã làm khi sống trên cõi đời này…Liệu ta có được siêu thoát hay bị trừng phạt?…
Bây giờ tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã vượt qua mốc “xưa nay hiếm”, các cụ đều trải nghiệm nhiều, đã tri thiên mệnh (知天命- biết mệnh trời), hiểu biết quy luật cuộc đời, qua các cung bậc thăng trầm và nếm trải bao cay đắng ngọt bùi. Nhận ra mọi sự bon chen, tranh quyền đoạt lợi, mánh mung mưu mẹo, chỉ hao tâm tổn trí. Chức trọng quyền cao bổng lộc nhiều, tiền muôn bạc tỷ lắm; cũng chỉ là của phù vân, sáng đến chiều đi không mang theo được.
Phải sống làm sao, khi cái quan luận định (盖棺論定 – đậy nắm quan tài mới khen chê hay dở) được nhiều người thương nhớ và cắm trên bia mộ mình một lời tốt đẹp: “Ở đây yên nghỉ một con người lương thiện!”. Đó mới là sự tiếp nối vẻ vang truyền thống của dòng họ, của Tổ tiên ông bà. Và cũng là gương sáng treo cao cho con cháu noi theo.
Hiện tại các cụ lấy sự sống vui, sống khỏe, sống có ích làm phương châm xử thế. Chẳng thế mà các cụ cao niên rất tâm đắc với phương châm: “Sống khỏe, chết nhanh, ít của để dành, khi chết được nhiều người thương nhớ”. Mọi oán thù đều gạt bỏ và quên đi. Người làm chủ bản thân, còn biết quên tuổi tác, hòa nhập với cuộc sống cộng đồng, gần gũi tuổi trẻ. Nụ cười và ánh mắt trẻ thơ sẽ tiếp thêm nhựa sống lạc quan yêu đời cho tuổi già, khi mãn chiều bóng xế! Biết quên bệnh tật, chấp nhận để chung sống và tìm cách hạn chế không cho bệnh tật phát triển. Đó mới là liều thuốc Trường sinh Bất lão hiệu nghiệm!
Làm được vậy, sẽ là niềm Hạnh phúc an nhiên, thanh tao, tự tại… Vui vầy bên con cháu, thả hồn vào cảnh sắc thiên nhiên. Điều kiện kinh tế ngày một nâng cao, các cụ đều có thể:
“Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”
Truyện Kiều – Nguyễn Du
Như vậy, khi đi vào cái chết được nhẹ nhàng. Con cháu cần hỏi thêm các cụ trước khi lâm chung và hứa có trách nhiệm giải quyết, để cho các cụ ra đi được thanh thản. Ngày trước người ta còn hỏi ý người sắp chết việc đặt tên thụy, tên hèm là gì; để sau này khi cúng đọc cho đúng, hồn người chết về thụ hưởng, nên mới gọi là tên cúng cơm. Bây giờ điều này không mấy ai làm. Hiện nay khấn cúng đều đọc tên khai sinh của người chết.
c) – Đáp ứng nguyện vọng người sắp “ra đi”.
Những người sắp “ra đi” thường có những yêu cầu nào đó. Thèm ăn một món quà quê để nhớ lại những ngày tuổi ấu thơ (mặc dù món ăn đó cần phải kiêng), thèm nhìn một khoảng trời xanh qua khung cửa sổ (có thể gió lạnh lùa vào!)…muốn được gặp người này người kia… Kể cả “người tình cũ một thời”… Nhất là khi sắp tắt hơi, một số người đòi hạ thổ, xuống đất lấy âm khí cân bằng âm dương rồi mới chết.
Những người ở quê ra tỉnh, biết mình sắp chết, đòi được “đưa” về quê nằm cạnh tổ tiên ông bà, kể cả những người xa xứ cũng muốn được “lá rụng về cội”…
Con cháu cũng không nên câu nệ, cần khắc phục khó khăn để đáp ứng những nguyện vọng này trọn vẹn và chu đáo, trong điều kiện có thể.

3- THẾ NÀO LÀ CHẾT?
Chết thông thường được xem là chấm dứt sự sống của một con người. Định nghĩa cho sự chết, còn tùy thuộc vào ba quan điểm: y học, tôn giáo, và pháp luật. Chúng ta không cần thiết đi sâu vào lĩnh vực này. Thông thường cần có sự xác nhận của y học.
Trong y học, có nhiều định nghĩa khác nhau về cái chết. Ở phương Tây trước đây, sự chết đã được gắn với tim và sau đó là phổi. Khi tim và phổi của một người ngừng hoạt động, người đó được xem là đã chết. Về sau, não được đưa vào định nghĩa. Năm 1963, điện não đồ (EEG) được phát minh, phương tiện này có khả năng đo rất chính xác các dòng điện phát ra từ não. Nếu máy điện não đồ ghi nhận một dòng điện bằng không (nói cách khác là một EEG phẳng) trong 36 giờ, người đó được xem là đã chết.
Trong đời thường, xưa nay vẫn cho rằng khi “tắt thở” là chết. Thông thường người ta để những sợi tơ bông vào mũi xem còn thở không. Thực ra có trường hợp não vẫn còn sống, nên mới có hiện tượng người chết còn bật dậy, khi có con mèo chạy ngang. Ta gọi hiện tượng này là quỷ nhập tràng. Chính thế khi có người chết phải nhốt mèo, nhốt chó lại.
Cái chết thường được gắn liền với một số biểu tượng. Ở nhiều nước phương Đông, màu trắng là màu của tang chế; ngược lại, ở phương Tây, màu tang là màu đen. Biểu tượng của cái chết là vị thần chết với bộ xương gớm ghiếc và chiếc lưỡi hái kinh hãi.
Tập tục của hầu hết các nền văn hóa là khóc thương những người thân yêu đã chết và để tang tưởng nhớ.

4 – SAU KHI CHẾT SẼ RA SAO?
Điều gì sẽ xảy ra đối với con người, trong và sau khi chết? linh hồn có hay không? Câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.
Những người theo chủ nghĩa vô thần, hoặc thuyết bất khả tri thì tin rằng cái chết đặt dấu chấm hết cho ý thức.
Trái lại niềm tin vào một cái gì đó tiếp tục sau khi chết cũng phổ biến từ xưa, mọi tôn giáo cho rằng có một thế giới của người chết (âm ty, âm phủ, cõi âm), hoặc tái sinh, đầu thai vào kiếp sau. Đó là sự an ủi có liên hệ tới cái chết của những người thân yêu và viễn cảnh về cái chết của chính bản thân mỗi người đang sống.
Nỗi lo sợ về địa ngục, trải qua “thập đại diêm vương!”, cũng như những hệ quả đen tối khác, khiến cho cái chết trở nên quái ác hơn. Nỗi ưu tư của con người về cái chết ở nơi địa ngục hay chốn Thiên đường, cũng là một động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các tôn giáo.
Hiện nay niềm tin vào một Thế giới TÂM LINH không phải là ít. Điều đó đặt ra cho khoa học cần tìm một lời giải đáp. Trước một thực tế, ngày càng có nhiều nhà ngoại cảm nhìn được thế giới bên kia, nói chuyện được với người âm. Qua kiểm chứng có đúng có sai. Đây là vấn đề nhạy cảm, chúng ta cần tỉnh táo! Bởi lẽ trong cơ chế thị trường, dưới sức hút ma lực của đồng tiền, đã xuất hiện một số nhà ngoại cảm dởm lừa lọc, vô lương tâm!
Phải bình tâm sáng suốt, tránh được sự mù quáng mê muội không đáng có!

5 – XỬ LÝ XÁC NGƯỜI CHẾT.
Người chết được thực hiện một số nghi thức tống táng, thông thường nhất là chôn trong mộ (một hố đào vào lòng đất gọi là huyệt mộ). Ngoài ra còn táng trong quan ngoài quách, hầm mộ, mộ đá. Mộ rất đa dạng, từ đơn giản như một gò, ụ đất đến vô số các kiến trúc lăng tẩm khác trên mặt đất.
Ở Tây Tạng, có một phương pháp gọi là lộ thiên táng hoặc điểu táng, đem xác người chết, đặt trên núi cao làm mồi cho các loài chim ăn thịt, họ cho rằng chim ăn, sẽ chuyên chở linh hồn về chốn thiên đường.
Ở một số nước, người ta lại cố gắng làm chậm quá trình phân hủy của xác trước tang lễ. Thậm chí có thể làm chậm quá trình phân hủy sau khi chôn cất, như ướp xác hoặc tạo các mô mi.
Nhiều nền văn hóa khác nhau, có nhiều tập quán mai táng khác nhau. Trong một số các làng chài hoặc lực lượng hải quân, người ta còn thủy táng (đưa xác chết xuống sông hoặc biển). Một số vùng miền núi, người ta treo quan tài lên cây, hoặc trong hang động như ở hang Lũng Mu – Hồi Xuân – Thanh hóa trước đây.
Một cách mai táng mới là “mai táng sinh thái”. Làm đông xác ở nhiệt độ rất thấp, sau đó tán thành bột, rồi làm khô ở nhiệt độ lạnh.
Ngày nay việc mai táng bằng phương pháp hỏa táng, được nhiều người chấp nhận. Đây là phương pháp tốt nhất, giải quyết về vệ sinh môi trường và đất nghĩa địa. Rồi đến lúc mỗi tỉnh cần có một lò hỏa táng.
Gần đây còn có ý tưởng “vũ trụ táng”: dùng tên lửa đưa một phần tro cốt vào không gian.
Nhiều người đã hiến toàn bộ, hoặc một phần xác cho khoa học (nổi tiếng nhất là Einstein). Có thể hiến các bộ phận như thận, giác mạc…để cấy ghép, thay thế cứu sống bệnh nhân. Nhiều nhất là hiến xác cho các trường y, để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy môn giải phẫu.
Việc mai táng được thực hiện bởi dân làng, các công ty mai táng chuyên nghiệp, hoặc có sự tham gia của bệnh viện, tổ chức tôn giáo, hội từ thiện v.v.
Mồ mả thường được tập hợp trong một khu đất gọi là nghĩa trang (nghĩa địa).

6 – NGƯỜI VIỆT NAM NHÌN NHẬN VỀ CÁI CHẾT.
Đạo lý truyền thống của người Việt quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”. Bao nhiêu hờn oán đều xóa bỏ khi người ta đã chết, vì chết là dứt nợ trần gian. Chính vậy người cao tuổi hiện nay rất tâm đắc với phương châm sống: Quên hận thù!
Quan niệm của nhà Phật là “sinh ký tử quy ! sống gửi, thác về”, xem cuộc sống trên dương thế chỉ là cõi trọ tạm bợ, chết không phải là hết; chết là về để khởi đầu cho một cuộc sống mới, ở thế giới mới.
Tín ngưỡng dân gian tin vào linh hồn, khi chết linh hồn thoát khỏi xác. Người tu nhân tích đức tốt, linh hồn được siêu sinh tịnh độ về miền cực lạc. Người còn nặng nợ trần gian, linh hồn sống ở cõi âm. Cả hai loại cũng sinh hoạt như ở dương thế. Do đó có tục lệ đốt vàng mã, nhà cửa, xe cộ, đầy tớ, áo quần, tiền, đô la âm phủ v.v. để chu cấp cho người chết được đầy đủ, vì trần sao âm vậy! Rằm tháng bảy âm lịch, trùng với lễ Vu lan của Phật giáo, là ngày xóa tội vong nhân, người ta cúng cô hồn để bố thí thức ăn cho những vong hồn lạc loài không chỗ trú.
Một quan niệm cổ truyền nữa là người chết cần được “mồ yên mả đẹp”, việc “động mồ động mả” có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp làm ăn của con cháu. Ai cũng muốn tìm đất tốt táng cho cha mẹ, để con cháu được phát lộc! Vẫn còn đó những câu chuyện được Thầy địa lý Tả Ao tìm đất tốt, táng mộ cụ Tổ nên con cháu phát lộc, được làm quan to!
Tùy địa vị xã hội và nhân cách của từng người và từng cái chết cụ thể; nhân dân ta thể hiện thái độ, tình cảm đối với cái chết thông qua ngôn từ khá thú vị:
Tỏ lòng Kính trọng dùng các từ: từ trần, khuất núi, qua đời, mất, ra đi, yên nghỉ, hi sinh, ngã xuống, nằm xuống, từ giã, đền nợ nước trả thù nhà, trút hơi thở cuối cùng. Nói về vua chúa: băng hà.
Để Kiêng kị dùng các từ: vĩnh biệt, trăm tuổi già, ngủ, đi (ra đi), lìa đời, sang bên kia thế giới, tim đã ngừng đập…
Người theo Tôn giáo dùng các từ: lâm chung, về với Chúa, viên tịch, quy tiên, hồn lìa khỏi xác, hóa kiếp, mãn phần, về miền cực lạc, trở về cát bụi…
Biểu hiện Trung lập dùng các từ: chết, thác, đi bán muối, qua đời, tuyệt mệnh (mạng), tử, mất…
Nói về Thân phận dùng các từ: lìa đời, im hơi lặng tiếng, nhắm mắt xuôi tay, về với đất, chầu ông bà ông vải, chầu trời, chầu tổ tiên, chầu Diêm vương, mất mạng…
Thái độ Khinh miệt dùng các từ: toi mạng, rồi đời, xong đời, đền tội, ngoẻo, ngủm, ngủm củ tỏi, tiêu, nát gáo, ăn đất, ăn giun, đi đứt…
Còn nữa…

Xin trao đổi qua:
Email: [email protected]
ĐT: 0981.731.624

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong