11 phút đọc

QUÊ CHA - ĐẤT TỔ - Phần Thứ Nhất

                                                                 Trích Hồi ký: LÊ TRẦN CẢNH
Lời thưa: Cụ Lê Trần Cảnh sinh năm 1932, cụ người xóm Hàng, làng Duy Tinh, là giáo viên PTTH dạy học ở huyện Hậu Lộc trên 30 năm. Sau giải phóng năm 1975, cụ nhận nhiệm vụ vào Thừa Thiên Huế dạy học cho đến khi nghỉ hưu. Hiện cụ nghỉ hưu tại Phú Bài – Thừa Thiên Huế.
Ban quản trị Trang Website “Làng cổ Duy Tinh” xin trích giới thiệu một số đoạn trong Hồi ký của cụ viết về quê hương.

Quê tôi là làng Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu lộc tỉnh Thanh Hóa; tên thường gọi là làng Chợ Phủ. Trước năm 1945 là xã Duy Tinh, tổng Du Trường, huyện Hậu lộc.
Làng có tự bao giờ? chưa có tài liệu chính xác về năm tháng cụ thể. Nhưng theo văn bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh” hiện còn ở chùa làng ghi rõ:
Chùa làng đã có từ trước thời Nhà Lý. Năm 1116 vua Lý Nhân Tông vào thị sát trấn Thanh Hoa (sở nhậm tại làng Duy Tinh). Sau khi vua hồi cung, tổng trấn Thanh Hoa là Chu Nguyên Hạo cho trùng tu ngôi chùa cũ, khắc bia để ghi nhớ ơn vua và chúc quốc vận trường tồn.
Khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, đến năm 1029 nhà Lý cho dời lỵ sở trấn Thanh Hoa từ Đông Phố làng Giàng (Thiệu Hóa) về làng Duy Tinh.
Như vậy, làng Duy Tinh có từ trước thời nhà Lý. Chính sử đều ghi: Làng Duy Tinh là lỵ sở Thanh Hoa từ 1029 đến 1400 thuộc hai triều đại Lý – Trần. Từ thời hậu Lê đến thời vua Minh Mạng là lỵ sở phủ Hà Trung, gồm 4 huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa và Hà Trung. Sau năm 1945 là trụ sở huyện Hậu Lộc đến năm 1984.
Tên Duy Tinh có trước thời nhà Lý. Các vị tiền nhân của làng đã lấy câu “Duy Tinh Duy Nhất” trong thiên Đại mô, phần Ngu Thư của bộ Kinh Thư để đặt tên Làng. Nguyên văn là:
人心唯危 Nhân tâm duy nguy.
道心唯微 Đạo tâm duy vi.
惟精唯壹 Duy Tinh, Duy Nhất.
允执厥中 Doãn chấp quyết Trung.
Ý các vị muốn nhắc nhở con cháu, phải chuyên tâm giữ cái Tâm của mình luôn thuần khiết tinh túy và trong sáng! Thế mới biết các vị tiền nhân của làng thâm thúy biết dường nào!
Cái tên chữ Duy Tinh của làng, người dân chỉ dùng trên giấy tờ văn bản, còn tên phổ biến vẫn là làng Chợ Phủ. Vì chợ ngay cạnh Phủ và là chợ trung tâm cả một vùng.
Năm 1996, Bộ Văn Hóa – Thông Tin tổ chức Hội thảo về làng văn hóa, Duy Tinh được đại diện cho Thanh Hóa báo cáo, và là một trong 30 làng của cả nước được vinh danh là Làng Văn Hóa cấp Quốc gia. Là một trong 10 làng tiêu biểu các tỉnh phía Bắc, xếp thứ hai sau làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Ngày nay trong quá trình đô thị hóa, bộ mặt của làng đã hoàn toàn thay đổi. So với trước năm 1945 chỉ còn con đường lớn chạy suốt từ đầu làng đến cuối làng và năm con đường rẽ vào các xóm; nhưng tất cả đã bê tông hóa. Đêm đêm điện sáng khắp các ngả đường.
Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh trước chỉ có ba gian tiền đường và ba gian chùa trong; giờ được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Được đầu tư trên chục tỷ, để xây dựng thêm các công trình hoành tráng.
Khắp làng không còn một mái nhà tranh, không thấy đâu nữa một hàng rào cây bao quanh nhà. Xóm nào cũng có nhà hai ba tầng, có nhà như một biệt thự nhỏ.
Các bến sông, chợ búa đều bị thu hẹp, không còn cảnh tấp nập ngày xưa!
Ngày xưa, nói là xưa nhưng thực ra chỉ mới hơn 60 năm thôi; bộ mặt của làng như thế nào? Lớp người như chúng tôi vẫn còn nhớ rõ:
Làng Duy Tinh là huyện lỵ Hậu Lộc, nhưng số công sở đếm không đủ số ngón một bàn tay. Huyện đường chiếm khu đất rộng phía Bắc chợ. Có hai dãy nhà gạch năm gian rộng. Dãy nhà phía trước là công đường, nơi làm việc của cả một bộ máy chính quyền huyện.
Thời ấy, bộ máy cai trị một huyện chỉ gồm một Tri huyện, được gọi là quan. Vào công đường, người dân phải: “bẩm quan!”. Dưới quan có đề lại, lục sự, thừa phái và đội lệ, gọi chung là các thầy!
Quan ở trong tư thất thuộc dãy nhà năm gian phía sau, cùng với gia đình quan. Hết giờ làm việc quan lui vào tư thất. Còn các thầy phải tìm nhà trọ trong dân. Ngày hai buổi, nghe tiếng trống công đường đánh thì đến làm việc.
Phía sau, chếch về bên trái có ba gian nhà gạch, vừa là trại giam vừa là nơi làm việc của đội lệ và các lính lệ. Trại giam là một gian, được ngăn cách với hai gian ngoài bằng một cánh cửa gỗ và hàng chấn song gỗ, dựng suốt từ nền lên mái nhà, cách nhau độ 15 phân, thân chấn song to hơn cổ tay.
Như vậy, giữa lính canh và người bị giam ở cạnh nhau, nhìn thấy nhau suốt ngày đêm; người bị giam khó lòng tìm cách trốn!
Ở tường đối diện phòng giam là một cái giá dựng 10 cây súng trường (loại súng indochinois) có cắm sẵn lưỡi lê.
Còn đề lại, lục sự, thừa phái làm việc ở hai gian bên công đường; phần phía sau công đường là nơi làm việc của thầy ký đạc điền (địa chính bây giờ) và các tủ đựng hồ sơ lưu trữ của huyện.
Như vậy cả huyện chỉ có một ông quan là Tri huyện, người có quyền lực cao nhất trong mọi công việc quản lý hành chính, tư pháp, trật tự trị an; chịu trách nhiệm trước quan trên cấp tỉnh là Tuần phủ (tỉnh nhỏ) hay Tổng đốc (tỉnh lớn).
Đề lại là viên chức giúp tri huyện trong mọi việc và quản lý đội ngũ viên chức các tổng, làng xã trong huyện: cai tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý. Lục sự giúp tri huyện trong việc tư pháp, kiện tụng.Thừa phái phụ trách việc thuế má, đê điều, ruộng đất. Đội lệ trông coi việc trật tự trị an.
Còn Phủ cũng là một đơn vị hành chính như huyện, nhưng cấp bậc quan lại cao hơn. Làm quan phải qua tri huyện mới thăng lên tri phủ. Sau đó mới được thăng lên cấp tỉnh là bố chánh, án sát, tuần phủ, tổng đốc.
Làm quan không được làm ở quê mình, phải làm ở địa phương khác theo điều động của Bộ Lại. Các viên chức cũng không được làm việc ở quê, mà phải đi các phủ huyện khác trong tỉnh, theo điều động của tuần phủ, tổng đốc.
Cách khu vực huyện đường một hàng rào chông chà, là khu vực trường học. Trước năm 1919 đây là nơi ở và làm việc của quan huấn đạo. Ở phủ là quan huấn đạo, ở huyện là quan giáo thụ coi về việc học; cũng phải là người tỉnh khác. Ông nội tôi từng làm huấn đạo phủ Hương Sơn Hà Tĩnh là vậy.
Được gọi là quan, nhưng quan chỉ trông coi mỗi việc học hành, thi cử của sĩ tử trong huyện. Có thành tích tốt mới được bổ sang ngạch hành chính, đi làm tri huyện.
Sau khi bãi bỏ chế độ thi cử Nho học vào năm 1919, ở khu huấn đạo xây một ngôi trường ba phòng học đúng tiêu chuẩn thời ấy. Gọi là trường Pháp – Việt. Dạy bậc học sơ học từ lớp năm đến lớp ba. Học hết lớp ba (tương đương lớp ba tiểu học bây giờ) phải thi lấy bằng sơ học yếu lược.
Trước năm 1945, ai không có bằng sơ học yếu lược thì không được bổ làm lý trưởng để cầm đồng triện một làng. Vì vậy, năm 1941 tôi đi thi lấy bằng sơ học yếu lược, chỉ là đứa bé để chỏm chín tuổi, đã ngồi cùng phòng thi với các ông lý áo the khăn đóng, dép Gia Định, có lính lệ giả vờ vào để đưa bài!
Cũng năm 1941, trường Pháp – Việt xây thêm ba phòng nữa về phía Nam; để dạy ba lớp cuối tiểu học: Lớp nhì đệ nhất, lớp nhì đệ nhị và lớp nhất. Học xong đi thi lấy bằng tiểu học. Ngày khánh thành ngôi trường này, thượng thư bộ Học là Phạm Quỳnh ra dự. Tôi là trò nhỏ, được xếp hàng đầu, đứng ngay trước Phạm Quỳnh, nên nhìn rõ các chữ Nho: “學部上書 – Học bộ thượng thư” chữ đỏ trên nền chiếc bài bằng vàng thật, đeo ở khuy áo thứ hai bên phải.
Năm ấy tôi học lớp nhì đệ nhất với thầy Lê Văn Thủy người thành phố Thanh Hóa. Lớp nhì đệ nhị do thầy Bạch Văn Quế người Huế dạy. Anh trai tôi là Lê Song Nguyên từ Quảng Thi chuyển về học học lớp nhất, thầy Phạm Viết Nguyên người Nam Đàn Nghệ An dạy. Thầy Nguyên vừa dạy vừa làm Hiệu trưởng, được gọi là quan đốc Nguyên.
Năm ấy anh Lê Song Nguyên dự thi Concours général do Bộ Học tổ chức (như kiểu thi giỏi Văn toàn quốc bây giờ). Anh đậu giải đầu được vua Bảo Đại gửi ra thưởng một cái đồng hồ chuông, hộp gỗ mui luyện. Loại đồng hồ để bàn, kích thước 30x20x25 cm. Đồng hồ được đưa về tỉnh, tỉnh đưa về huyện đặt tại công đường. Tri huyện bấy giờ là ông Bửu Hộ, định ngày sức cho văn thân và tổng lý toàn huyện tập trung về dự đám rước đồng hồ vua ban từ công đường về nhà. Làng tôi phải cử trai tráng mặc áo nẹp, đội nón dấu, khiêng kiệu cung đình cùng với đội bát âm và các nghi vệ khác vào công đường rước đồng hồ. Quan huyện cung kính bưng chiếc đồng hồ đặt vào kiệu.
Đám rước diễu hành, nghi vệ đi trước tiếp đến kiệu. Quan huyện đi giữa, một bên là thầy Phạm Viết Nguyên hiệu trưởng, một bên là anh Song Nguyên. Hai bên có lính cầm lọng xanh che. Cả ba người đều mặc áo thụng nghi lễ.
Từ công đường về đến nhà tôi chỉ hơn 200 mét, đi bình thường không đến 5 phút; nhưng vì là “rước” nên phải đi nhẩn nha, càng chậm càng tốt, để thiên hạ chiêm ngưỡng. Hôm ấy lại đúng phiên chợ Phủ, người họp chợ phải tránh ra cho kiệu đi. Thành ra mất hơn nửa tiếng đồng hồ mới về đến cổng nhà. Kiệu không lọt cổng, nên phải hạ kiệu. Quan huyện lại cung kính bưng chiếc đồng hồ từ trong kiệu ra, trịnh trọng bưng vào đặt ngay ngắn lên cái án thư đã đặt sẵn ở giữa nhà cầu, rồi vái năm vái. Xong, quay sang thầy tôi nói vài câu khen ngợi xã giao. Đến đây đám rước kết thúc!
Cụ phó bảng Lê Trọng Phan người Thọ Xuân, xuống chúc mừng và tự tay cụ viết tặng đôi câu đối:
白面對丹墀後生可畏 – Bạch diện đối đan trì hậu sinh khả úy
黄丁蒙錄賞前此未文 – Hoàng đinh mông lục thưởng tiền thử vị văn
Ý là:
Học trò đã gặp vua, lớp sinh sau đáng sợ
Còn trẻ được vua thưởng, trước nay ta chưa nghe!
Chỉ một cái đồng hồ thưởng cho một học sinh giỏi; ngày nay xem ra chả là gì; nhưng ngày xưa đó là vật của vua ban, phải tổ chức trao thưởng đúng nghi lễ. Hình thức thì phức tạp, nhưng nội dung mang một ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
Năm 1942 huyện lại xây một ngôi nhà ngói ba gian rộng, phía trước cổng trường Pháp – Việt, gọi là Infirmerie, dân gọi là “nhà thương” (bệnh viện). Có một Infermier (y tá) do trên bổ về, trông coi việc y tế của cả huyện, dân gọi là ông ký.
Ông ký đầu tiên là ông ký Thân, ông vui tính; học trò chúng tôi thỉnh thoảng chạy qua khai là bị ho, rồi cố ho vài tiếng, ông liền rót cho một chén potion calmente uống tại chỗ. Thuốc ngọt, uống vào khỏi ho liền!
(Còn nữa)
Lê Trần Cảnh