TẢN MẠN SÔNG QUÊ

TẢN MẠN SÔNG QUÊ

                           
Miền Trung dạo này mưa gió sập sùi, nhiều lúc mưa hai ba ngày liền. Bầu trời sám sịt sũng nước nặng như chì. Sắp tới Tết Trung Thu rồi, không biết đêm rằm này có thoát mưa, để lũ trẻ được rước đèn trông trăng phá cỗ?
Về khuya mưa càng to hơn, những giọt mưa dội vào cửa kính rào rào không sao ngủ được. Biết rằng ở độ tuổi ngoại tám mươi ít ngủ là chuyện bình thường. Nhưng đêm nay sao tôi lại trằn trọc nhiều đến vậy? Nhất là sau khi nghe bài hát “Tình ca Hậu Lộc“.
Cô con gái thương bố tặng cái Ipad để bố đọc truyện cổ và nghe những bài hát quê hương. Nó bảo mỗi lúc nhớ quê, bố cứ mở bài hát này cho khuây khỏa.
Mà nào có khuây khỏa được! Giọng hát của ca sĩ Anh Thơ ngọt ngào da diết, cứ xoáy vào tâm can đến nao lòng: “…Về Văn Lộc phố huyện năm xưa, vẫn dò lụa nem chua bánh cuốn… ngắm dòng sông Trà uốn khúc lượn quanh, ngắm hàng dừa xanh như dáng anh dáng chị, đẹp quá quê mình Hậu Lộc yêu thương…”.
Tôi là một người con của làng Chợ Phủ – Duy Tinh, năm nay đã ngoại 80 tuổi. Hơn 50 năm gắn bó với cái phố huyện năm xưa ấy, biết bao vui buồn kỷ niệm. Nhưng rồi “cá chuối đắm đuối vì con“, tôi vào ở với con những năm cuối đời tại Phú Bài – Thừa Thiên Huế. Một dặm dài xa lắc trên 600 cây số, không biết có còn về quê được lấy một lần?
Đêm nay nghe Anh Thơ hát về quê hương: “ngắm dòng sông Trà uốn khúc lượn quanh“. Câu hát đưa tôi về tuổi thơ đầy kỷ niệm một thời với con sông Trà quê tôi.
Sông Trà giang thời xưa có thủy chế đặc biệt: Là con sông nối với sông Lèn, nhánh của sông Mã ở Lạch Sung, chảy qua giữa huyện Hậu Lộc rồi đổ ra biển Lạch Trường. Khi con nước lên, nước mặn từ cửa biển Lạch Trường dâng lên tận Lộc Sơn đoạn sông cầu Lãi. Cả cánh đồng bãi làng Cổ Bản – Long Thành nước ngập mênh mông. Ngoài chợ nước lên qua khu hàng bè đến khu hàng cá. Khi con nước xuống kiệt, có thể lội bộ sang làng Bản Định. Người nhà ông Quyền Sinh ở Bản Định hay lội tắt qua sông sang thăm ông. Vì có nước ngọt của sông Lèn chảy về, tạo nên đặc trưng cả một vùng nước lợ từ làng Thái xuống xóm Vạn.
Từ làng Thái, sông Trà giang qua đầu làng là chùa Vải, rồi chảy giữa hai làng Bản Định, Đại An phía Tây và Duy Tinh phía Đông. Bờ phía Tây đoạn từ xóm Thưa đến Cầu Phủ, dân làng Bản Định ở sát tận bờ sông. Từ Cầu Phủ đến cầu Hà Liên là bãi bồi phù sa xen với cây cối rậm rạp. Bờ phía Đông dân làng Duy Tinh, chỉ có một vài nhà ở, trong đó nhà ông Phó Ngãi ở phía sau Đình Nghè làng, ngoài chợ có dãy cây bàng làm chỗ cho dân buôn bè dựng luồng nứa để bán. Đây cũng là bến cho thuyền chở đá, cát, than củi, chum vại và bè luồng, nứa, gỗ cập bến bốc hàng lên chợ. Quanh năm ngày tháng thuyền bè tấp nập đông đúc náo nhiệt, vì Chợ Phủ là chợ trung tâm của cả huyện.
Ngày nay đã khác hẳn, dọc bờ sông ra đến chợ, nhà cửa mọc lên san sát với nhiều nhà cao tầng và cửa hàng, tạo nên một phố mới buôn bán tấp nập. Nhưng không còn cảnh thuyền bè đi lại nữa, vì sông Trà đã có đập ngăn nước mặn từ làng Bộ Đầu, để lấy nước ngọt phục vụ cho nông nghiệp. Dòng sông thu hẹp lại, nhưng lại ô nhiễm hơn, gần như một ao tù; lũ trẻ bây giờ chẳng được úp mặt xuống dòng sông, để mà bơi chãi trong những ngày hè, như chúng tôi thời tóc còn để chỏm.
Đoạn quành giữa ngõ Thưa và ngõ Hàng, tạo nên một vực nước sâu, gọi là Mũi Hàn. Qua Mũi Hàn sông chảy song song với đường cái quan đến bến Hàng, bến Vũ, cầu Chợ Phủ rồi vòng ra sau trường Pháp – Việt và Huyện đường, lại quành sang phải xuống cầu Hà Liên. Chỗ quành này gọi là Đầu Ghềnh.
Sông Trà giang chảy qua làng Chợ Phủ có hai đoạn nguy hiểm là Mũi Hàn và Đầu Ghềnh. Đây là hai đoạn sông bị gấp khúc gần như góc vuông, dòng chảy đột ngột bẻ quẹo, nên nước chảy rất xiết. Trên bờ nhìn thấy rõ những xoáy nước hun hút tròn vo. Từng có người bị chết đuối nơi đây, nên ai cũng sợ chẳng mấy người dám qua đoạn này. Vì thế trên bờ hai đoạn này cây cối rậm rạp như rừng.
Các bến Thưa, bến Hàng, bến Vũ đều ở đầu các ngõ xóm, băng qua đường cái đi thẳng xuống sông. Bến Thưa là bến thoáng đãng nhất và có đường xuống sông dài hơn. Đầu bến có cái lò vôi, bên ngoài là hàng rào duối, tiện cho mọi người vắt quần áo trước khi xuống tắm. Bên kia sông là những hàng cây cao, cành lá lòa xòa xuống gần mặt nước. Bọn trẻ con bơi qua, túm lấy cành lá trèo lên thi nhau xem đứa nào trèo cao hơn, rồi nhảy tùm xuống sông, miệng hò hét vang lừng cả một khúc sông. Bến Vũ cũng xa xóm, xung quanh cây cối rậm rạp lại có nhiều bùn, nên người xuống bến thưa thớt nhất trong ba bến.
Chỉ có bến Hàng là gần đường cái nhất. Từ đường xuống bến sông chỉ mươi mét, nên đây là bến tấp nập đông vui hơn cả, lại ngay sát chợ Đình họp buổi sáng tinh mơ, mấy bà hàng tôm cá ở Xóm Vạn thường xuống rửa ráy sau khi bán hết hàng.
Đường xuống bến rộng thênh thang, bên trái có một cây bàng cổ thụ cao gần mười mét, quạ thường xuyên kéo đến đậu, kêu quang quác inh ỏi cả ngày, lại còn làm tổ trên cây bàng nữa.
Bến Hàng khá rộng, vài chục người hoạt động cùng lúc được; nên từ tinh mơ đến tối mịt, không lúc nào bến ngớt người. Người ta xuống bến làm đủ mọi chuyện: tắm táp, giặt giũ, rửa ráy, thậm chí cả ỉa đái nữa. Cứ tự nhiên việc ai nấy làm, chả ai mắc cỡ với ai. Một bà cuộn váy lên đầu, vừa đứng tắm vừa nói chuyện với bà rửa rau. Vài ba anh con trai cởi quần áo vắt lên cành bàng, lấy một bàn tay che cái của quý lại, rồi tồng ngồng chạy qua mặt mấy chị con gái đang ngồi giặt; nhảy tòm xuống sông, nhô lên hụp xuống, té nước trêu chọc các chị, làm cho các chị cười ré lên. Chỉ có cười đùa vui vẻ, rồi chuyện trò râm ran chẳng ai chửi ai cả.
Ban đêm khi thủy triều lên, nước biển chảy ngược lên sông. Lũ trẻ con chúng tôi rủ nhau xuống bến khoắng nước, từ nước bắn lên vô vàn ánh sáng xanh lét lung linh đẹp như pháo hoa. Bến Hàng có nhiều tảng đá to làm bậc ngồi, theo mức nước lên xuống; trong đó có một hòn to nhất trông tựa con voi nằm phủ phục, nên gọi là hòn đá voi.
Tôi có kỷ niệm nhớ đời với hòn đá voi này. Một buổi chiều chú Mơn là con ông chú, hơn tôi mười tuổi đem tôi xuống sông đi tắm. Cởi quần áo vắt lên cành bàng xong, chú Mơn dẫn tôi xuống sông, đặt tôi ngồi trên lưng ông voi, khi đó nước sông mới mấp mé lưng voi. Chú dặn tôi cứ ngồi đó không được xuống nước, rồi chú lao ra giữa sông vùng vẫy cùng các bạn. Tôi ngồi nghịch nước, bất đồ nước thủy triều lên, chảy cuồn cuộn cuốn lôi tôi ra giữa dòng. May cho tôi, chú Mơn đang bơi quay lại nhìn không thấy anh mình đâu, hốt hoảng cùng các bạn lùng sục cả một vùng phía xuôi. Thật là phúc chỉ một lát sau, chú tóm được tôi ở gần bến Vũ, khi đó tôi đã đầy một bụng nước. Chú vội xốc tôi lên bờ, rồi xách ngược tôi lên mà xóc xóc. Bao nhiêu nước trong bụng ộc hết ra ngoài, tôi thoát chết. Sợ quá anh em lẳng lặng mặc quần áo chạy về. Không biết ai mách, mà mẹ tôi biết chuyện, mẹ không mắng mỏ gì chỉ dịu dàng bảo tôi: “May phúc mà con thoát chết đuối, từ nay không được xuống sông nữa” Vâng lời mẹ, từ đó tôi không dám đi tắm sông nữa, vì thế mà suốt đời tôi không biết bơi.
Tôi dạy học ở quê hơn ba mươi năm, mỗi ngày hai buổi đi về đều thấy rõ bến Hàng, vì nhà tôi ở ngay đầu xóm Hàng. Vào những đêm trăng sáng, sau khi chấm bài cho học sinh; tôi thường tản bộ lên đầu làng để thư giãn. Trẻ mới lớn tụ tập khá đông, chia làm hai phe đánh trận giả, hò hét inh ỏi đuổi bắt nhau bắn súng miệng “pằng ! pằng!“, từ bên đồng băng qua đường cái xuống tận bờ sông.
Về khuya, chỉ còn lại đám trai gái làng hát đối đáp với trai gái làng Long Thành – Cổ Bản bên kia sông. Sau một câu đối đáp, trai gái làng bên kia sông tiến lại gần bờ hơn. Cứ như vậy kéo dài, có hôm gần sáng mới tan buổi hát. Bây giờ tôi không sao nhớ được các câu hát ấy. Đại loại đó là những câu hát trai gái trêu nhau, thậm chí cả những lời tỏ tình thầm kín. Bởi vậy đã có đôi nên duyên chồng vợ. Lãng mạn như một thiên diễm tình, đó là anh Lương xóm Thưa lấy cô Việt làng Cổ Bản – Long Thành, vì cả hai đều hát hay và mê nhau vì tiếng hát!
Sau ngày thống nhất đất nước, tôi được điều vào Thừa Thiên Huế dạy học ở Hương Trà là quê vợ tôi. Đó là lần thứ nhất xa quê, năm 1997 tôi nghỉ hưu trở về Duy Tinh. Ai ngờ năm 2003 tôi lại xa quê vào Phú Bài với con. Cả hai lần cộng lại đến nay đã trên 30 năm xa quê.
Đã ngoại tám mươi năm hưởng lộc trời cho, là một người xa xứ tôi lúc nào cũng khôn nguôi nỗi nhớ quê hương. Nhớ các bạn đồng môn học cùng Trường Pháp – Việt trước năm 1945, nay đã kẻ còn người mất… tất cả đều thuộc lứa trên dưới U90 rồi!
Nếu có thể về quê được, dù có phải chống gậy, tôi cũng sẽ cùng các anh các chị: Lạc, Côn, Quý, Chành, Mậu, Nga, Mơ, Cổn, Trác, Giám, Tuổn… cầm tay nhau; chậm bước trên bờ sông Trà Giang, để nhớ lại thưở học trò sau khi tan trường, rủ nhau xuống tắm mát trên dòng sông Trà Giang quê ta.
                                                                       Huế 14/9/2013
                                                                       Lê Trần Cảnh

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong