Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi: Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi:  Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi
Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thưa ông,
Nhận được lá thư phản hồi của ông nhân đọc bài viết của tôi thuật lại quá trình phục dựng bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự đăng trên các trang mạng, tôi rất cảm động. Việc ông chuyển bài viết đó cho bà con ở làng Duy Tinh – nơi trực tiếp trông nom giữ gìn chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh với nhiều di vật vô giá trong đó có tấm bia, trong ngót một nghìn năm qua – để bà con cùng đọc, làm tôi càng mừng vui bội phần. Tâm nguyện của người viết bài là mong được nhiều người biết đến ngôi chùa thiêng và tấm bia quý có lịch sử dài hơn 8/10 thời gian xây dựng nền độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt – Việt Nam chúng ta mà may mắn đến nay vẫn không lâm kiếp tro bụi, để bà con người Việt cũng như người nước ngoài khắp bốn phương ghé vào thăm viếng mỗi khi có dịp hành hương qua xứ Thanh.
Nhưng người viết cũng muốn gián tiếp nêu lên một bài học kinh nghiệm về việc giữ gìn tôn tạo di tích của địa phương Duy Tinh, cốt sao kinh nghiệm ấy được nhân lên ở nhiều nơi khác, hy vọng rồi đây không chỉ một bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà nhiều bia cổ khác ở nhiều vùng miền khác đã bị hủy hoại theo thời gian, chẳng hạn Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh… cũng sẽ được phục dựng lại. Bởi lẽ người xưa gửi gắm tiếng nói vào đá bằng văn tự là mong mỏi con cháu các đời sau sẽ đọc để hiểu được tư tưởng, tâm huyết và nhiều điều mình từng trải nghiệm. Về phía hậu sinh chúng ta, nhờ đó cũng có thêm một phương tiện hữu hiệu giúp nhìn sâu vào quá khứ lịch sử, hình dung ra diện mạo, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam ở những thời kỳ xa xưa. Bên cạnh kiến trúc, hoa văn, tượng đá tượng đồng, các hình thức văn tự biểu đạt tiếng nói của cha ông rất cần được lưu lại, trân trọng giữ gìn, chính là vì vậy. Được bà con trong làng đọc, truyền bá rộng rãi cho nhau một việc làm đáng ghi nhớ của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà đứng đầu là sư bà Thích Đàm Tâm, nhằm cùng nhau bảo vệ di tích từ nay về sau tốt hơn nữa, điều đó còn gì quý bằng.
Tối hôm qua tôi đã nhận được hai bản dập hai mặt tấm bia mới do Ban quản lý chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh vừa gửi ra nhờ xem lại những chỗ thợ khắc còn khắc sai hoặc thiếu, nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Tôi và các cộng sự sẽ dành thì giờ làm trọn việc này.
Về phần ông, tôi cũng mong ông cùng bà con dân làng hãy lên tiếng đề xuất với Ban quản lý và sư bà Thích Đàm Tâm tiến hành một số việc đáng được ưu tiên tiếp tục, chẳng hạn cân nhắc việc khắc bản dịch ra tiếng Việt văn bản tấm bia (đã được dịch trong bộ Thơ văn Lý – Trần Tập I, công bố năm 1977) trên một phiến đá lớn tương xứng với tấm bia gốc vừa phục chế (như GS Chu Hảo trong đoàn đi nghiệm thu hôm 17-8 có đề nghị), hoặc nếu tính toán số tiền trùng tu hiện vẫn còn khá, thì lên kế hoạch cho khắc lại các phiến đá bó vỉa nền chùa bằng hoa văn rồng Lý đang có mẫu lưu lại, thay cho những phiến đá chạm khắc hoa sen mới trùng tu vài chục năm trước không đúng với nền của ngôi chùa cổ, hẳn sẽ còn góp phần làm cho giá trị ngôi chùa được nâng lên xứng tầm hơn.
Cảm ơn ông đã chia sẻ về việc tôi thôi đảm nhiệm việc điều hành trang BVN một thời gian. Xin báo với ông, người thay tôi là GS Phạm Xuân Yêm, chuyên gia uy tín về ngành vật lý, hiện cư ngụ tại Pháp, rất biết cách bảo vệ trang mạng, và từ lâu đã nổi tiếng về tấm lòng ưu ái đối với đất nước. Việc trang Bauxite Việt Nam mở rộng quan hệ trong ngoài để cùng chung sức nhau tạo nên một tiếng nói truyền thông bao quát hơn, cập nhật hơn và cũng hiệu quả hơn, trong điều kiện thế giới đã trở thành phẳng như hiện nay, và trong tình hình phong trào dân sự trong nước đang dâng lên như hiện nay, là điều hợp tình hợp lý.
Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và qua ông xin cho tôi và anh chị em cộng sự phục chế tấm bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự được gửi đến đồng bào trong làng Duy Tinh và rộng hơn trong toàn xã Văn Lộc, những tình cảm quý mến chân thành.
                                                  Hà Nội ngày 6-9-2013
                                                     Nguyễn Huệ Chi

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong