VỀ QUÊ

VỀ QUÊ
Websitte Làng cổ Duy Tinh vừa nhận được Tùy bút VỀ QUÊ của bạn NGÂN HƯƠNG, hiện công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là tấm lòng của người con làng Chợ Phủ – Duy Tinh, luôn đau đáu tình yêu quê hương sâu lắng đậm nghĩa, nặng tình với nơi chôn rau cắt rốn…Xin giới thiệu cùng mọi người

VỀ QUÊ - Tùy bút

Cho tôi về tắm nước quê tôi
Dòng sông Trà bốn mùa lai láng chảy
Cho tôi về tuổi thơ tôi nóng rẫy
Ngụp lặn trong từng kỷ niệm mến yêu…

Khi sải những bước chân qua cây cầu Phủ về làng, cây cầu nối làng Đại An với Duy Tinh – Chợ Phủ, cảm xúc trong tôi bỗng vỡ oà. Không hiểu sao tôi cứ lầm nhầm những câu thơ như thế.


Vâng! Làng tôi đó, một ngôi làng cả ngàn năm tuổi, nằm dọc theo dòng sông Trà Giang. Không biết ai đã đặt tên cho con sông này, mà khi tôi lớn lên sông cứ mượt xanh, lai láng, lượn quanh quanh làng chứ không “ao tù nước đọng” như bây giờ. Dòng sông như một vòng tay mẹ ôm ấp, vỗ về đứa con, lại mượt mà như dải lụa xanh, để làm dáng cho cô gái đến tuổi trăng tròn.


Hai mươi năm trước, nước mặn từ biển còn dâng lên mấp mé đôi bờ, vào ngày con nước. Những đêm hè, lũ trẻ chúng tôi kéo nhau xuống tắm, hò hét vang cả một khúc sông. Chúng tôi té nước vào nhau thành một vòng cung ánh sáng xanh lét của lân tinh. Từ bến Thưa đầu làng, qua mũi Hàn là bến Hàng lúc nào cũng đông người xuống tắm giặt, đây là bến rộng và sạch hơn cả. Bến Vũ xóm tôi là một lối nhỏ và hẹp, ít người xuống vì nhiều bùn. Dòng sông vòng qua dải đất nhà ông Cúc Cót, nhà ông phó Ngãi là tới Chợ. Đây là bến nứa, cạnh bến nứa là cây cầu đá qua Bản định và Đại an.


Một lần về quê, tôi được ông Phong kể chuyện lai lịch cầu và chợ. Vì cầu và chợ gần Phủ, nên dân làng thường quen gọi là cầu Phủ và chợ Phủ. Thực ra, cầu có tên là cầu Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo. Tên này do bà hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy đặt, khi bà xây cầu và chợ năm 1615, vào thời Lê trung hưng. Từ đây con sông vòng qua bãi đất rộng, rồi rẽ phải ở đầu Ghềnh chạy về phía Đông. Ở đây cũng có một cây cầu đá qua làng Hà Sen. Tên cầu này mới là cầu Phủ, qua cầu Phủ là khu Văn Miếu, sau này là Trường học rồi xây dựng bệnh viện huyện Hậu Lộc.


Tôi vẫn nhớ, những đêm trăng sáng; trai gái tụ tập ở bờ sông đầu làng để hát đối đáp với thanh niên làng Cẩm Lũ…Tiếng hò ngọt lịm lay động cả mặt sông huyền ảo. Đã có đôi nên duyên chồng vợ…bây giờ họ đã có cháu chắt quây quần…
Phố làng tôi giờ san sát những ngôi nhà hai tầng, ba tầng làm tôi tìm mãi không thấy bến Hàng đâu. Những hàng rào duối, hàng rào chè mạn xóm tôi, được cắt tỉa cẩn thận, mà ngày trước tôi từng vắt chiếu ngang qua để phơi. Nhưng bây giờ không còn nữa. Tất cả được thay bằng những bức tường cao, những cánh cổng sắt bề thế !!!


Chỉ cần đi qua dãy ao là ra cánh đồng tuổi thơ tôi. Đây là con chuồn chuồn ớt, kia con bướm vàng, bướm trắng và xa xa chấp chới cánh cò trong tiếng sáo diều vi vút… Ôi bờ đê nơi tôi thường chọi cỏ gà cùng lũ bạn hay đuổi bắt nhau đến mệt phờ, giờ không còn nữa. Người ta đã thay con đê dài, rộng bằng con máng bê tông! Chỉ khi bước ra cánh đồng, tuổi thơ tôi mới thực sự trở về ! Thời gian, ai níu giữ được thời gian ! Để hôm nay, khi sải đôi chân giữa cánh đồng lúa chín trĩu vàng quen thuộc, tuổi thơ tôi bỗng ùa về. Con đường này, cánh đồng này, mùi hương này, bầu trời này, cái nắng này… đã từng ăn sâu vào giọng nói, hơi thở hằng ngày, theo vào những giấc mơ, thấp thoáng trong những bài văn, bài thơ mà thầy giảng… Như một phản ứng tự nhiên tôi bỗng thu hết sức hít căng lồng ngực hương thơm nồng nàn của lúa. Tôi muốn cuộn tròn tất cả cánh đồng vàng ươm này để được đem theo. Quê hương! Ôi! Quê Hương!


“Quê hương mỗi người chỉ một,
Như là chỉ một mẹ thôi”

Để giờ đây tôi luôn đau đáu muốn trở về !
Núm ruột sơ sinh
mẹ chôn nơi xóm nhỏ.
Xa cả ngàn ngày
không quên được đâu anh!

NGÂN HƯƠNG
Hà Nội 10/7/2018

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong