LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ
Kỳ thứ 6
PHẦN THỨ BA
LÀNG CỔ DUY TINH THỜI HIỆN ĐẠI
Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra một trang sử mới: Chấm dứt chế độ Phong kiến hàng ngàn năm, phá tan xiềng xích nô lệ hơn 80 năm của thực dân Pháp. Duy Tinh cùng với cả nước mừng đón Độc Lập – Tự Do, dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Từ năm 1945 đến 2020 là 75 năm. Bảy mươi lăm năm, chỉ là một quãng thời gian rất ngắn so với tiến trình lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc; nhưng lại là thời kỳ có nhiều biến động nhất… Những biến động ấy đã tác động lớn trong lịch sử dân tộc nói chung và với làng cổ Duy Tinh nói riêng.
*
Cùng với Hanoi, ngày 19 Tháng Tám năm 1945, huyện Hậu Lộc đã tiến hành cuộc khởi nghĩa. Tự vệ làng Duy Tinh có 7 người, do ông Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Sơn chỉ huy; cùng với lực lượng vũ trang Huyện, đã đánh chiếm huyện đường vào đêm 19 tháng Tám. Tri huyện Lê Chí Hoan đầu hàng vô điều kiện, phải giao công sở và dấu cho cho chính quyền cách mạng.
Niềm vui Độc lập quá ngắn ngủi, cả nước vừa chống giặc đói, giặc dốt lại phải chống giặc Pháp trở lại xâm lược. Con em làng Duy Tinh hăng hái lên đường đánh giặc Pháp, trong khi ở quê nhà vừa tiêu thổ kháng chiến, vừa tăng gia sản xuất và thực hiện xoá nạn mù chữ. Phong trào Bình dân học vụ được chính phủ phát động sau một tuần tuyên bố độc lập. Vì cả nước lúc ấy trên 95% mù chữ, chỉ sau 3 tháng thực hiện, làng Duy Tinh có hàng trăm người biết đọc, biết viết.
Phong trào Bình dân học vụ thực hiện quyết liệt lắm. Hai đầu chợ dân quân gác để kiểm tra. Kiểm tra rất đơn giản, viết các chữ cái lên tấm bảng, ai biết thì được vào chợ. Rồi tiếp đến kiểm tra đánh vần. Có chuyện hy hữu, người trước đọc “Lờ ơn lơn nặng LỢN” được vào chợ; người tiếp theo, đưa chữ GÀ bắt đánh vần. Đang lúng túng thì nghe đằng sau nhắc chữ GÀ, liền đánh vần: “Lờ ơn lơn nặng GÀ”!
Ngoài chiến trường đã có con em làng Duy Tinh hy sinh… Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!”, trai làng tiếp tục lên đường có mặt ở các chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, Hoà Bình, Biên giới… Chiến thắng đã mở thông cánh cửa với các nước XHCN. Tình hữu nghị Việt – Trung – Xô lần đầu gắn kết. Cả nước tổ chức tháng hữu nghị Việt – Trung – Xô. Nhân dân hồ hởi đón mừng, chưa bao giờ vui như vậy. Cả làng như ngày hội, chỗ nào cũng vang lên tiếng hát theo nhịp nhảy múa. Già trẻ lớn bé, cầm tay nhau nối thành một vòng tròn tới vài chục người. Một người khởi xướng chạy như choi choi, vòng bên trong theo tiếng hát, rồi dừng lại ở trước mặt một người nào đó; vỗ tay một cái, một tay dơ ngang đầu, một tay xoè trước mặt để mời. Người được mời chấp nhận, liền nhảy ra rồi chạy tiếp lại vòng quanh như vậy để mời người khác… Cứ như thế, cuộc vui tưởng như không có hồi kết. Sân rộng, đình làng, bãi đất trống …đều có các cuộc nhảy vang lên tiếng hát:
“Thắm thiết tình Việt – Trung – Xô
Đế quốc càng nhiều mối lo
Đó là tình người lao động
Mối tình tràn ngập núi sông
Cố công xây đắp tình Việt – Trung – Xô”
…
“Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta
Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời
Toàn dân – đoàn kết,
Bước hiên ngang lòng vang câu ca!”
Rồi thêm một điệp khúc toàn tên các lãnh tụ thế giới, nghe rất lạ:
“Yêu Cụ Hồ, thủ tướng nước ta
Yêu Cụ Mao, Cụ Kim Nhật Thành
Cụ Ma-len-cốp,
Xít-ta-lin, Ăng-ghen, Lê-nin!”
Tình yêu nước, tình hữu nghị thắm thiết Việt – Trung – Xô, khí thế cách mạng hừng hực. Các đoàn thể hoạt động sôi nổi. Trong lúc cả làng bừng bừng không khí cách mạng, hồ hởi một cuộc sống mới; thì chiều ngày 14 tháng 5 Nhâm Thìn (6 – 6 – 1952) giặc Pháp ném bom vào làng Duy Tinh 2 đợt, từ ngõ Chùa đến ngõ Thưa đều bị. Bom rơi nhiều nhất vào ngõ Hàng và ngõ Thưa. Số người chết là 24, bị thương là 9. Nhiều cái chết thảm thương đau lòng, 2 bà mẹ đang mang thai, một người ruột văng ra treo lên ngọn dừa… Cái tang chung của làng Duy Tinh. Một mối thù ghi xương khắc cốt bọn thực dân Pháp không bao giờ quên!
Bấy giờ Thanh Hoá là vùng tự do, hậu phương lớn của chiến trường Bắc Bộ. Vì thế bọn Pháp dùng máy bay bắn phá dữ dội. Tàu chiến của Pháp từ biển bắn đại bác vào làng, nhiều nhà bị phá, bia ở chùa cũng bị sứt vỡ. Tàu bay Pháp bay dọc đường số Một kiểm soát, bắn vào xe cộ và người đi đường. Duy Tinh có một người chết ở Quán Dốc. Nơi nào nghi có kho lương thực đều bị thả bom, chúng ném bom phá đập Bái Thượng…
Để củng cố lập trường cách mạng triệt để và nâng cao tinh thần chiến đấu, cả nước tiến hành rèn cán chỉnh quân. Phát động chủ yếu trong cơ quan và LLVT. Mọi người đều phải làm kiểm thảo trước tập thể, ai cũng tự nhận mình còn nhiều khuyết điểm…lập trường chưa vững, còn ảnh hưởng của chế độ cũ…
Thanh Hoá vùng tự do, có cuộc đấu tranh chính trị kinh hoàng trong toàn dân. Cuộc đấu tranh chính trị đồng loạt tiến hành vào đêm 23 tháng Chạp Nhâm Thìn (6 – 2 – 1953). Làng nào cũng đều đấu tố, tìm bọn phản động tay sai của thực dân Pháp.
Làng Duy Tinh tổ chức đấu tại Đình Nghè, người bị bắt đầu tiên là ông Giáo Lan, ông Hoạt Đảm, ông Cát Chuyện…Chủ toạ tra hỏi có 3 người, trong đó có ông Phương Khối. Người nghi là phản động, hai tay đưa ra phía sau, buộc hai ngón tay cái lại. Lấy thừng trói rồi treo rút lên xà, dùng gậy đánh bắt khai ra đồng bọn, ai vào đánh cũng được, tiếng la thảm thiết vang tận ra đường cái quan!.
– Ối làng ôi! Tôi bị oan, tôi không phải là phản động…
Để tỏ lòng trung thành, người bị đánh hô thật to:
– Hồ Chủ Tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt nam muôn năm! Trời ôi tôi bị oan…
Sau mỗi tiếng la, đòn đánh càng mạnh hơn, đoàn chủ tịch lớn tiếng:
– Thằng này láo, đánh mạnh vào, đồng bọn của mày là những ai? Nói…Nói…
Người bị đánh đau quá cứ nhìn thấy ai liền khai ra người ấy là phản động. Thậm chí khai cả người của đoàn chủ tịch đang tra khảo.
Dây thừng treo bị đứt, người rớt bịch xuống nền đình, họ kêu la thảm thiết… Buổi sáng Cụ Nên (ở ngõ Thưa làm nghề buôn bè) thấy vậy, liền về nhà đem ủng hộ đoàn tra khảo cuộn dây song mây, buổi chiều cụ bị khai là phản động…Rồi chính sợi dây song mây của cụ ủng hộ, lại treo cụ lên để tra khảo!
Kết thúc cuộc đấu tranh chính trị là cuộc hành hình xử bắn tên phản động Tống Quang Chính tại sân vận động. Mặc dù đêm tối, nhưng cả huyện đổ về xem, đông nghịt như một biển người…
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta trải qua ba giai đoạn: Phòng ngự – Cầm cự và Tổng phản công. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới mở ra một bước ngoặt: Chuyển cuộc kháng chiến của ta sang Tổng phản công, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi thông biên giới với Trung Quốc, được sự viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc; thế và lực của ta mạnh lên rất nhiều. Chúng ta hạ quyết tâm: “Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương”.
Thanh Hoá góp một phần to lớn trong chiến dịch Điện Biên, huy động dân công 178.924 người, 3.530 xe đạp thồ, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Cung cấp 56% lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thành tích trên được Bác Hồ đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó!”
Làng Duy Tinh có 49 thanh niên, lên đường tòng quân nhập ngũ ra chiến trường, 32 người tham gia Thanh niên xung phong. Để phục vụ cho chiến trường Điện Biên Phủ, huyện Hậu Lộc đã điều động làng Duy Tinh 209 lượt nam và 68 lượt nữ đi dân công, bằng đôi bồ để gánh gạo – thực phẩm, (sư Ninh ở chùa cũng phải đi dân công) và 53 lượt người xe đạp thồ. Mưa phùn gió bắc, lạnh rét run người; máy bay Pháp kiểm soát bắn phá ném bom, nhưng không làm chùn bước mọi người. Trên vai nặng chĩu đôi bồ gánh gạo, gò người cầm chắc tay lái đẩy xe đạp, với hàng tạ hàng trên xe…Họ trèo đèo lội suối, trung chuyển qua từng đoạn đường, đảm bảo cho bộ đội đủ gạo ăn no đánh thắng!
Bốn “Anh bộ đội cụ Hồ” của làng Duy Tinh đã hy sinh trên chiến trường Điện Biên Phủ là các ông: Lưu Công Chiu, Đỗ Văn Ngọ, Phùng Gia Hạt và Luyện Văn Dy, trong tổng số 7 người hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Những người lính sau chiến tranh cùng với những Thanh niên xung phong và dân công trở về làng, bây giờ chẳng mấy người còn, nếu còn tuổi họ cũng đã trăm hơn trăm kém!
Hoà bình lập lại, đất nước tạm chia cắt hai miền. Duy Tinh hồ hởi trong niềm vui chiến thắng, nhưng đời sống ngày càng khó khăn. Hầu như kinh tế Thanh Hoá đã vắt kiệt cho chiến thắng Điện Biên. Cái đói bao trùm cả tỉnh, bữa ăn dưới mái tranh nghèo chỉ là khoai lang khô xéo và ngô nâm. Làng Duy Tinh cũng không ngoại lệ, cồn trên, bãi dưới người đi cuốc rau má gặp nhau mặt vàng như nghệ. Phải chăng vì thế Thanh Hoá phải mang tiếng: “Dân rau má, phá đường tàu!”
Lại thêm trận lụt mùa mưa năm 1954, vỡ đê Hà Mát; đồng làng Duy Tinh ngập nước, vụ mùa mất trắng. Cái đói dai dẳng tiếp tục kéo dài… Rau muống băm phơi khô, củ chuối nấu với ngô khoai vẫn phải dướn cổ lên nuốt. Cám rang lấy lá mít xúc đổ vào miệng, bị sặc tưởng chết đi được!
Giữa lúc ấy cuộc Cải cách ruộng đất được tiến hành. Đội cải cách về làng, trên cử về Duy Tinh 7 người, chia nhau xuống các ngõ. Họ vào những nhà nghèo nhất, tìm hiểu nắm tình hình “xâu chuỗi – bắt rễ”. Cán bộ đội cải cách thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tuyên truyền, giải thích, giác ngộ những người “chuỗi rễ” nhận thức vì đâu họ nghèo khổ. Nguyên nhân là do chế độ Phong kiến, thực dân và bọn địa chủ (Chủ đất – người nhiều ruộng) đã chiếm đoạt ruộng đất, bóc lột họ đến “tận xương tận tuỷ!”. Họ không có “mảnh đất cắm dùi!”, buộc họ phải đi làm thuê hoặc mượn ruộng làm chịu tô cao. Rỉ rả mưa dầm thấm lâu, lòng căm thù bọn địa chủ của tầng lớp nghèo khổ được nhen lên ngùn ngụt bùng cháy…
Đội Cải cách độc lập triển khai công việc, lãnh đạo chính quyền làng xã ở ngoài cuộc. Họ phân định xếp thành phần làm 5 loại: Địa chủ, Phú nông, Trung nông, Bần nông và Cố nông. Hai thành phần cơ bản là Bần nông và Cố nông, Trung nông là thành phần trung gian. Đối tượng phải đánh đổ là giai cấp địa chủ.
Sau khi xếp loại thành phần, tiến hành tổ chức “đấu địa chủ!”. Cán bộ đội bồi dưỡng hướng dẫn cho những người thành phần cố nông và bần nông thật kỹ lưỡng từ cách xưng hô, đến các động tác chỉ mặt xỉa xói, cao giọng “quát mắng!” địa chủ. Thể hiện khí thế cách mạng của bần cố nông!
Hai bên đường làng, ngõ xóm dựng đầy nong nia, trắng xoá những câu khẩu hiệu viết bằng vôi: “Ruộng đất về tay nông dân!” “Bần Cố nông đoàn kết với Trung nông, liên kết với Phú nông đánh đổ giai cấp địa chủ!” “Thực hiện người cày có ruộng!”.
Những cuộc đấu tố diễn ra ban đêm gần nửa tháng trời. Ngoài đường đội thiếu niên đốt đuốc đi qua từng lối xóm, mồm miệng hô to: “Có khổ tố khổ, nông dân vùng lên!” “Đả đảo bọn địa chủ cường hào gian ác!” , “Đảng Lao Động Việt nam, muôn năm ! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”.
Không khí cuộc đấu tố rất căng thẳng. Người lên đấu đằng đằng sát khí, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào mặt tên địa chủ:
– Này thằng (hoặc con mụ) X… tê! Mi có biết tau là ai không? Rồi tự xưng tên và tố nỗi khổ bị bóc lột ra sao, bị đánh đập hành hạ thế nào, phải ăn đói mặc rách vì bọn mi… cả việc mi cưỡng hiếp tau!
Hết người này đến người kia, thay nhau lên đấu. Tên địa chủ quỳ gối cúi gằm mặt xuống đất, không dám nhìn ai. Có người căm thù quá, thẳng tay vả vào mặt tên địa chủ. Nhiều việc tố không đúng sự thật… Biết là vậy, dù bị oan bị đau tên địa chủ không dám cãi, không dám khóc. Nhiều năm sau, người làng vẫn rỉ rả về câu chuyện đấu tố oan sai của ông A bà B… của con dâu đấu tố cả bố chồng!
Màn đêm như đặc quánh lại, cuộc đấu tố nóng bỏng như trong nồi hơi. Không ai dám chuyện trò, vì cán bộ Đội đã nhắc nhở:
– Bà con phải cảnh giác với bọn địa chủ phản động, nó có thể ở ngay trước mặt hoặc ngay sau lưng bà con. Chúng tìm mọi cách phá hoại cuộc CCRĐ của Đảng ta.
Vì thế ai cũng lo, không biết Đội ám chỉ ai! Người ta liền hô khẩu hiệu:
– Đả đảo địa chủ cường hào gian ác!
Mọi người hưởng ứng cùng hô vang
– Đả đảo ! Đả đảo!
Địa chủ bị giam ở Điếm canh và Đình Nghè, có dân quân ngày đêm canh gác.
Sau cuộc đấu tố là chia “quả thực” cho bần cố nông. Quả thực là nhà cửa, ruộng vườn và đồ dùng trong gia đình địa chủ, mọi thứ đều bị tịch thu. Đội là người có quyền hành cao nhất chia cho ai, người ấy được. Đúng như câu nói: “Nhất Đội Nhì Trời!”. Đã tịch thu 30 mẫu ruộng, 4 trâu bò, 25 gian nhà cùng toàn bộ tài sản của địa chủ để chia cho nông dân.
Toàn bộ hồ sơ, trích lục giấy tờ và những cuốn sách viết bằng chữ Nho và chữ Pháp, có cả gia phả các dòng họ, đều bị tịch thu. Chữ Nho là của bọn Phong kiến, chữ Pháp là của bọn thực dân đế quốc, cần phải xoá bỏ tận gốc. Tất cả đem ra đốt ở gốc cây đa Chùa Chung.
Ai cũng sợ bị quy là có liên quan với địa chủ. Ra đường thấy con cái địa chủ phải tránh cho xa, kể cả là người họ hàng thân thích, cũng coi như không biết nhau, họ chào hỏi cũng không trả lời. Con cái địa chủ ra đường len lét như rắn mồng năm, đi dẹp bên đường, thấy ông bà nông dân, cán bộ Đội vội vàng thưa; “Lạy ông bà!”. Nhưng không ai thèm đáp.
Làng Duy Tinh bấy giờ chưa đầy 200 hộ, có tới 17 địa chủ. Riêng ngõ Hàng có gần chục địa chủ. Như vậy tỷ lệ địa chủ đã vượt chỉ tiêu! Trên quy định tỷ lệ 5%. Duy Tinh vượt chỉ tiêu! Sau này mới biết tỷ lệ trên là do cố vấn Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo từ trên tỉnh. Ở dưới phải thường xuyên báo cáo và nhận ý kiến chỉ đạo của cố vấn. Họ quy định mỗi xã phải tìm cho được địa chủ cường hào gian ác, tay sai phản động của đế quốc để tử hình. Duy Tinh tìm không ra địa chủ cường hào gian ác để tử hình. Báo cáo với cố vấn chỉ có mụ Nguyễn Thị Thục (Làng gọi là bà Tổng Lơn) có nhiều ruộng nhất và đề nghị tử hình. Biết trình độ mụ mù chữ, cố vấn không chấp nhận, bắt Đội về tìm cho ra địa chủ phản động!
Rồi một buổi tối, tại cổng nhà địa chủ Nhuận (ông Lý Cảnh) một quả lựu đạn nổ, cánh cổng bị vỡ, với cái giây treo lựu đạn còn lơ lửng. Mùi thuốc nổ khét lẹt bay đi khá xa. Cả làng xáo xác, ngập tràn không khí lo âu sợ sệt. Mọi người chạy đến đã thấy anh cán bộ Đội ở đấy to tiếng:
– Đây là âm mưu phá hoại CCRĐ của tên Nhuận.
Với tội này, cầm chắc là địa chủ Nhuận phải tử hình rồi!
Nhưng…cuộc đời có những chữ “nhưng” không ngờ! Một anh “chuỗi rễ” (xin không nêu tên ở đây) nhìn thấy cái giây còn lơ lửng, nhận ra đây là giây của nhà mình sao lại ở đây? Anh nói cho mọi người biết. Thì ra là anh Đội Th… cùng ăn – cùng ở trong nhà, đã lấy giây của nhà anh đem treo quả lựu đạn và cho nổ, nhằm kết tội cho địa chủ Nhuận để hoàn thành chỉ tiêu! Mặc dù khi ấy địa chủ Nhuận đang bị giam ở Đình Nghè.
Địa chủ Nhuận – ông Lý Cảnh – là ông lý cuối cùng của làng trước năm 1945. Sau cách mạng ông là người tích cực tham gia mọi phong trào, ông là Chủ tịch Mặt trận Liên – Việt. Ông thoát chết ở quê nhưng lại chết ở trại giam, khi đi tù.
Con đầu của ông là anh Cảnh cùng với anh Liễn con đầu địa chủ Ban (ông giáo Ban), là hai người đầu tiên của làng Duy Tinh đỗ vào Trường Đại Học Nhân Dân năm 1955, liền bị đuổi khỏi Trường. Hai nhà địa chủ này li tán phiêu bạt khỏi làng…Nhưng bây giờ ở HaNoi, Thái Nguyên và Thái Bình…kinh tế khá giả, con cái đều ăn nên làm ra!
Kết thúc CCRĐ huyện Hậu Lộc tổ chức toà án nhân dân đặc biệt tại sân vận động, bắn địa chủ phản động Lưu Ngọc Nhạn làng Thiện La.
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc là chương trình nhằm chia lại ruộng đất ở nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc – phản động Việt gian, cường hào cộng tác với Pháp… được thực hiện vào những năm 1953 – 1956.
Đây là một chủ trương tích cực, nhằm lập lại công bằng xã hội, thiết lập nền chuyên chính vô sản để tiến lên CNXH một cách nhanh chóng. Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để, “long trời lở đất”. Cố vấn Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo theo mô hình “thổ địa cải cách” của Trung Quốc (1946 -1949). Một mô hình không phù hợp với tình hình cụ thể của nông thôn Việt Nam. Quá trình thực hiện càng về cuối càng có nhiều sai phạm, đấu tố tràn lan mất kiểm soát, quy thành phần và quy tội oan sai, một số người chết oan kể cả cán bộ trung kiên của Đảng. Nhận ra sai lầm trên, Đảng đã tiến hành sửa sai. Có gia đình địa chủ của làng đã được hạ thành phần.
Sau CCRĐ cán bộ ở làng Duy Tinh đều do bần cố nông đảm nhiệm vị trí chủ chốt. Con em các gia đình địa chủ phần lớn phiêu bạt đi xa, làm ăn sinh sống ở đâu không ai biết. Những người ở lại bị quản chế nghiêm ngặt, không được vào sinh hoạt các đoàn thể. Con em họ thi đậu vào các trường Trung cấp hay Đại học, chính quyền không cho đi học, đi bộ đội cũng không được.
Ông T.M… con đầu địa chủ H…, trốn làng ra Nam Định làm thuê cho một hiệu thuốc Bắc. Ông chăm chỉ mọi việc từ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa…lại giúp ông chủ trong việc bốc thuốc Bắc. Dăm ba tháng lại đem tiền về giúp gia đình, về trong đêm và phải đi ngay không dám ở lại. Biết ông có hoa tay viết chữ đẹp, chủ hiệu cảm mến, cho ông mượn gian nhà bên cạnh, để ông mở hiệu kẻ biển. Đang yên ổn có việc làm, ông liền bị công an xã đem dân quân ra áp giải về; vì người làng Chợ Phủ đi chợ Rồng Nam Định cất hàng về bán, bắt gặp ông đang kẻ biển; họ về báo cáo với xã, yêu cầu ra “lôi cổ” về địa phương quản lí! (xem Truyện ngắn “Ông đồ Nho cuối cùng của làng tôi” – Nguyễn Quý Phong)
*
Thực hiện chủ trương xây dựng CNXH ở miền Bắc từng bước đưa nông dân vào làm ăn tập thể thông qua việc phát triển các mô hình HTX, những năm 1958-1960, Thanh Hóa đã thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, từng bước đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể.
Đã qua thời kỳ học tập chiến sĩ thi đua toàn quốc, noi gương Hoàng Hanh và Trịnh Xuân Bái; tổ chức tổ đổi công, giúp nhau trong công việc đồng áng, trồng khoai ụ cứu đói; làng Duy Tinh tiến hành xây dựng HTX nông nghiệp từ năm 1959. Tất cả ruộng đất, trâu bò, nông cụ… đều đưa vào tập thể quản lý. Người lao động làm việc theo kế hoạch của Ban Chủ nhiệm. Đi làm theo tiếng kẻng, ăn chia theo công điểm. Nhìn chung kinh tế làng Duy Tinh lúc này vẫn khó khăn lắm; nhất là khi cuộc chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt. Không quân Mỹ đánh phá giữ dội cầu Lèn, cầu Hàm Rồng, Lạch Trường, Phà Ghép… Con trai, con gái trong làng lần lượt lên đường tòng quân nhập ngũ và vào TNXP. Lực lượng lao động ở nhà chỉ còn lớp trung niên và người cao tuổi. Nhưng với tinh thần : “Không có gì quý hơn Độc Lập – Tự Do!”. Làng Duy Tinh luôn dẫn đầu trong phong trào: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”. Sẵn sàng chịu đựng gian khổ, vượt qua mọi khó khăn để “Giải phóng Miền Nam – Thống nhất đất nước!”
Người làng Duy Tinh cùng cả nước vỡ oà trong niềm vui chiến thắng 30 – 4 – 1975. Giang sơn thu về một mối, với cái giá phải trả bằng xương máu. Không ít những vành khăn trắng trên đầu những người mẹ, người vợ và những đứa con côi của làng có người thân hy sinh vì sự nghiệp cao cả; 43 người con làng Duy Tinh đã mãi mãi không trở về trong cuộc chiến chống Mỹ. Các anh ra đi từ làng cổ Duy Tinh, nhiều người nằm lại chiến trường vì chưa tìm được mộ; nhưng ĐẤT MẸ DUY TINH – mảnh đất hơn ngàn năm tuổi vẫn không quên…dang rộng vòng tay ấm áp đón hồn thiêng bất tử của các anh trên tượng đài Liệt sĩ, lưu truyền hậu thế cho con cháu noi gương.
Niềm vui chưa trọn vẹn, cả nước lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới 17 tháng 2 năm 1979, của bọn bành trướng Bắc Kinh xâm lược. Ngày 5 – 3 – 1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 – LCT ra lệnh “Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc” với tinh thần “Toàn thể già, trẻ, gái, trai nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”. Hội đồng Chính phủ ban hành nghị định về việc thực hiện quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong đó, yêu cầu nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-35 tuổi có đủ điều kiện, đều gia nhập hàng ngũ du kích và tự vệ.
Trai làng Duy Tinh lại tình nguyện lên đường ra mặt trận biên giới phía Bắc, đánh quân bành trướng Bắc Kinh để bảo vệ Tổ quốc. Cuộc xung đột biên giới kéo dài mãi đến năm 1988. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, làng Duy Tinh có 9 thanh niên đang độ tuổi thanh xuân đã hy sinh, để bảo vệ biên giới phiá Bắc.
Trong ba cuộc kháng chiến giữ nước, làng Duy Tinh có 59 người con mãi mãi không trở về. Trong đó liệt sĩ chống Pháp: 7 người, liệt sĩ chống Mỹ: 43 người. Liệt sĩ chống quân Tàu bành trướng: 9 người.
Ba bà mẹ được nhà nước phong tặng Mẹ VNAH: Mẹ Nguyễn Thị Mỳ (thôn Tinh Anh) có 2 con trai hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 là liệt sĩ Trần Văn Nam và liệt sĩ Trần Văn Sứ. Mẹ Trần Thị Kén (thôn Tinh Anh) có 2 con trai hy sinh là Liệt sĩ Ngô Văn Bê và Liệt sĩ Ngô Văn An hy sinh ở mặt trận phía Nam năm 1969 và 1972. Mẹ Luyện Thị Mận (thôn Tinh Hoa) có một người con trai duy nhất, đã hy sinh năm 1969 ở mặt trận phía Nam là liệt sĩ Trần Văn Hạng. Ngoài ra với hàng chục TBB và những người nhiễm chất độc da cam.
Sự hy sinh to lớn ấy là gương sáng cho đồng đội là con em trong làng, quên mình chiến đấu; xông pha trận mạc, vượt qua gian khổ trưởng thành những cán bộ cao cấp của LLVT, với 1 thiếu tướng và hàng chục đại tá.
(Còn nữa – Kỳ sau xem tiếp)
Nguyễn Quý Phong