Làng Duy Tinh thờ bà NGUYÊN PHI Ỷ LAN – HOÀNG CẢM LINH NHÂN
Trước năm 1945 ngoài việc thờ thần Cao Sơn Độc Cước là Thành Hoàng, làng Duy Tinh còn thờ ba vị nhân thần:
Bà Hoàng Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy thờ tại đền Phong Ngãi ở khu lăng. Đền Phong Ngãi có bài vị vua Lê Lợi và đủ các bài vị các vua thời Lê trung hưng, từ vua Lê Trang tông (chúa Chổm) đến Lê Chiêu Thống. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, đền bị phá chỉ còn gian hậu cung. Mấy năm sau cũng phá nốt, bàn thờ và bài vị đem làm củi nấu lò mía của hợp tác xã! Bài vị bà Hoàng Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy không còn. Việc thờ cúng bà cũng lãng quên luôn. Hiện nay ban quản lý chợ Phủ lập bàn thờ bà, hàng năm cúng giỗ bà vào ngày 12 tháng 2 Âm Lịch.
Trước năm 1945 Nguyên Phi Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt thờ tại đền. Đền ở phía Bắc Ao Sen, (nay là khu Đài tưởng niệm liệt sĩ). Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Đền và Đình Nghè bị phá. Bài vị bà Nguyên Phi Ỷ Lan cùng bài vị thần Cao Sơn Độc Cước đưa về thờ tại Phủ. Còn Lý Thường Kiệt được tạc tượng và làm bài vị thờ tại chùa.
Bà Nguyên Phi Ỷ Lan khi mất, thụy hiệu của bà là Linh Nhân Hoàng Hậu, bởi vậy bài vị thờ bà cũng như sắc phong thần của vua đều ghi: Hoàng Cảm Linh Nhân.
Việc thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan có tự bao giờ, chưa có lời giải đáp. Điền dã đồng quê ở làng lưu truyền chuyện một người buôn cá dổi đã “lấy” bài vị bà ở làng Hoành Trung rồi mang về để ở bụi dứa ngoài đồng. Dân làng “rước” bài vị bà về thờ (?).
Chuyện kể rằng: bấy giờ làng gặp nhiều rủi ro, làm ăn không phát đạt. Bà báo mộng cho nhiều người trong làng xuống Hoành Trung “rước” bà về thờ, làng sẽ làm ăn khấm khá!?
Việc này cần được kiểm chứng, chuyện vào đền thờ làng Hoành Trung “lấy” bài vị một vị thần, không thể đơn giản như vậy được. Nếu đúng vậy, liệu Làng Hoành Trung có để yên? Mặt khác Vương Phi Ỷ Lan là người có công lớn trong sự nghiệp của nhà Lý, bà được thờ ở nhiều nơi, đâu phải chỉ có ở Hoành Trung!
Theo chúng tôi Vương Phi Ỷ Lan mất năm 1117, một năm sau khi vua Lý Nhân Tông (con trai của bà) về lỵ sở trấn Thanh Hoa ở làng Duy Tinh. Việc thờ bà Hoàng Hậu ngay tại trung tâm của lỵ sở trấn Thanh Hoa là việc phải làm của quan sở tại.
Hiện làng Duy Tinh còn giữ được đạo sắc phong bà Hoàng Cảm Linh Nhân của thời vua Lê Chiêu Thống năm thứ nhất 1786.
Nguyên văn chữ Hán sắc phong:
Phiên âm.
Sắc:
Hoàng cảm linh nhân thông cảm đại thánh trang tĩnh đoan chính thuận hòa trinh thục từ nhất ý thuận hiển ứng gia hạnh ý đức từ hòa dực vận hồng lượng phương dung tiên hoa hiệp hòa thuần mỹ cẩn tiết hộ dân tuy phúc tuyên từ huệ hòa ý cung huy mục phù tộ huệ trạch phổ thi huy tường tác tắc hậu đức chí nhân tuyên khánh hòa mỹ trị quốc chiêu cảm hậu ân thuần đức đôn tín trinh khiết thận nữ ngôn hành nhân hiếu phương hải nhu tốn khoan hậu ôn lương tá thánh an dân tế trị dung chính khoan hòa từ ái quang dung đôn hậu nhã lượng phong diễm phương phi yểu điệu thông minh cung kiệm nghiêm pháp chính gia trợ quốc khôn trinh tốn mỹ nhu hòa khoan dụ khiêm kính từ thuận hành cung thổ diệu hiệp đạo phương khiết lệnh nghi cung khác trinh mục huyền diệu tĩnh nhất cung kính nhã thực bác hậu đoan trang trinh thuận thuần nhất gia hạnh lệnh đức ý phạm uyên phổ u nhàn thông tuệ khiêm cẩn khoan hòa uyển mị tuyên từ phu trạch chí đức
Thái hoàng thái hậu hàm hoằng dục đức sinh thủy phân công di huyền khánh ư vô cương ly cung phổ chiếu tướng hồng quốc ư hữu vĩnh tụy miếu hiển linh kí thần cảm ứng chi cơ tải cử bao phong chi điển vị mặc tướng.
Hoàng
Gia khung đồ phục chính lễ đương đăng trật ưng gia phong mĩ tự tam tự khả gia phong hoàng cảm linh nhân thông cảm đại thánh trang tĩnh đoan chính thuần hòa trinh thục từ nhất ý thuận hiển ứng gia hạnh ý đức từ hòa dực vận hồng lượng phương dung tiên hoa hiệp hòa thuần mĩ cẩn tiết hộ dân tuy phúc tuyên từ huệ hòa ý cung huy mục phù tộ huệ trạch phổ thi huy tường tác tắc hậu đức chí nhân tuyên khánh hòa mĩ trị quốc chiêu cảm hậu ân thuần đức đôn tín trinh khiết thận mĩ ngôn hành nhân hiếu phương hải nhu tốn khoan hậu ôn lương tá thánh an dân tế trị dung chính khoan hòa từ ái quang dung đôn hậu nhã lượng phong diễm phương phi yểu điệu thông minh cung kiệm nghiêm pháp chính gia trợ quốc khôn trinh tốn mĩ nhu hòa khoan dụ khiêm kính từ thuận hành cung thổ diệu hiệp đạo phương khiết lệnh nghi cung khác trinh mục huyền diệu tĩnh nhất cung kính nhã thực bác hậu đoan trang trinh thuận thuần nhất gia hạnh lệnh đức ý phạm uyên phổ u nhàn thông tuệ khiêm cẩn khoan hòa uyển mị tuyên từ phu trạch chí đức tuệ sảng gia hạnh túy tinh thái hoàng thái hậu tối linh đại vương cố
Sắc
Chiêu Thống nguyên niên nhị nguyệt nhị thập nhị nhật.
(Dấu chữ nhật đứng đóng vào dòng cuối: sắc mệnh chi bảo)
Mặt sau sắc phong ghi “Thuần Lộc huyện Duy Tinh Hương – Thượng đẳng từ”
Dịch nghĩa:
Sắc phong
Người thiêng cảm lớn, thánh cao cảm thông, trang nghiêm đoan chính, thuận hòa trinh đẹp, từ nhân ý thuận, hiển ứng việc hay, đức cao từ hòa, giúp vua lượng cả, hoa thơm hoa tiên, hòa hợp rất đẹp, nết cẩn giúp dân, ban phúc lòng từ, ơn hòa cung kính, giúp phúc rực rỡ, ơn ban khắp miền, lòng tốt làm gương, đức dày rất nhân, đẹp vui hòa khéo, giữ nước lòng rộng, ân dày khắp nơi, giữ tín trong sạch, nơi làm điều tốt, nhân hiếu như biển, khiêm tốn khoan hậu, ôn lượng giúp vua, an dân trị nước, vẻ chính nết hòa, yêu vì khoan dung, dày dặn ôn nhã, tươi tốt đẫy đà, yểu điệu thông minh, kính kiệm đúng phép, vững nhà giúp nước, vững ngay tốn đẹp, nhu hòa khoan dụ, nhường nhịn thuận hòa, đi đứng dịu dàng, hợp đạo thơm sạch, lễ nghi cung kính, ngay thuận dịu dàng, tĩnh lặng lễ phép, ôn nhã rộng dày, đoan trang bền thuận, nết tốt nguyên vẹn, đức lớn khuôn phép, sâu lắng tĩnh nhàn, thông khôn tốn thận, khoan hòa thướt tha, ơn khắp yêu thương rất đức
Thái hoàng thái hậu, nắm rộng đức nuôi, mới nên công lớn.
Trao đức vua đến vô cùng cõi trời soi thấu, giúp phúc nước đến khôn hết ngọ miếu hiển linh. Cho nên cơ thần cảm ứng, lại có chữ Thánh bao phong
Hãy giúp nhà vua cơ đồ trở lại ngăn nắp vững vàng gia phong cần theo nếp cũ nên phong thêm mĩ tự mới là ba chữ.
Người thiêng cảm lớn, thánh cao cảm thông, trang nghiêm đoan chính, thuận hòa trinh đẹp, từ nhân ý thuận, hiển ứng việc hay, đức cao từ hòa, giúp vua lượng cả, hoa thơm hoa tiên, hòa hợp rất đẹp, nết cẩn giúp dân, ban phúc lòng từ, ơn hòa cung kính, giúp phúc rực rỡ, ơn ban khắp miền, lòng tốt làm gương, đức dày rất nhân, đẹp vui hòa khéo, giữ nước lòng rộng, ân dày khắp nơi, giữ tín trong sạch, nơi làm điều tốt, nhân hiếu như biển, khiêm tốn khoan hậu, ôn lượng giúp vua, an dân trị nước, vẻ chính nết hòa, yêu vì khoan dung, dày dặn ôn nhã, tươi tốt đẫy đà, yểu điệu thông minh, kính kiệm đúng phép, vững nhà giúp nước, vững ngay tốn đẹp, nhu hòa khoan dụ, nhường nhịn thuận hòa, đi đứng dịu dàng, hợp đạo thơm sạch, lễ nghi cung kính, ngay thuận dịu dàng, tĩnh lặng lễ phép, ôn nhã rộng dày, đoan trang bền thuận, nết tốt nguyên vẹn, đức lớn khuôn phép, sâu lắng tĩnh nhàn, thông khôn tốn thận, khoan hòa thướt tha, ơn khắp yêu thương rất đức.
Thông suốt sáng rõ, tinh nhất không pha, đức bà thái hoàng thái hậu bậc đại vương rất thiêng cho nên
Ban đạo sắc này
Niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất (1786), tháng hai, ngày hai mươi hai.
Cụ Lê Văn Uông dịch
Tháng 10 – 1995
Ảnh chụp bản Photocopy sắc phong
Bà Nguyên Phi Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Yến, sinh ngày 7 tháng 3 năm 1044 (Giáp Thân), mất ngày 25 tháng 7 năm 1117 (Đinh Dậu) thụy hiệu của bà là Linh Nhân Hoàng Hậu. Quê quán tại hương Thổ Lỗi, xưa thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Chuyện rằng: Mùa xuân năm 1063 (Quý Mão), vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà vẫn chưa có con trai để truyền ngôi báu. Vua đi cầu tự khắp các chùa, xin Phật ban cho một thái tử.
Khi đi qua chùa Dâu (phủ Thuận Thành), dân làng nô nức đến xem, riêng có một người con gái vẫn thản nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan. Vua cho gọi, hỏi vì sao nàng không nghênh giá, nàng trả lời: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng”.
Vì cảm mến nên vua đưa nàng về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Chữ “ỷ lan” nghĩa là tựa gốc cây lan.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ỷ Lan phu nhân được phong làm Nguyên phi, đứng đầu các cung tần phi nữ, chỉ sau Thái hậu. Con trai Lý Càn Đức của bà được lập làm Thái tử.
Năm 1069 (Kỷ Dậu), vua Lý Thánh Tông cùng Lý Thường Kiệt chinh phạt Chiêm Thành. Vua trao quyền chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan. Nguyên phi ở lại chăm lo quốc sự, xử lý mọi việc trong ngoài hết sức chu toàn, được lòng dân mến mộ.
Bấy giờ, vua ở ngoài biên cương đánh giặc mãi mà không thành, bèn đem quân quay về. Mới về đến châu Cư Liên (thuộc Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên), nghe dân tình ca ngợi Nguyên phi Ỷ Lan hết lời, gọi bà là Quan Âm. Vua tự trách: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!”, bèn tiếp tục đi đánh giặc. Mùa hạ năm đó, nhà vua trở về với ca khúc khải hoàn, ân xá tội phạm, giảm thuế, và ban phát lúa thóc cho dân chúng.
Năm 1072 (Nhâm Tý), vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng qua đời. Thái tử Lý Càn Đức (6 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Vì vua còn nhỏ, mọi việc trong triều đều do Hoàng thái hậu là Thượng Dương đảm trách. Về sau, nhờ có Lý Thường Kiệt giúp sức, Ỷ Lan mới chính thức lên ngôi Thái hậu, thay vua nhiếp chính.
Khi xã tắc bình an, năm 1103 (Quý Mùi), Hoàng thái hậu Ỷ Lan ra lệnh phát tiền ở kho để cứu các thiếu nữ nghèo bị bán cho các nhà giàu. Sau đó, bà còn lo việc đem gả họ cho những đàn ông góa vợ, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho họ. Năm 1117, bà ra lệnh cấm giết trâu bừa bãi, phạt thật nặng những kẻ trộm và giết trâu, trị thật nghiêm người biết mà không tố giác. Việc này khiến dân chúng càng kính trọng và biết ơn bà hơn. Bà còn làm rất nhiều việc từ thiện khác và lập nhiều đình chùa.
Bà có bài Kệ nổi tiếng về những tôn chỉ của đạo thiền. Với bài kệ trên, Ỷ Lan đã được các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam xếp vào hàng “Các tác gia văn học thời Lý – Trần”
Bài Kệ
Phiên âm chữ Hán:
Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không quân bất quản,
Phương đắc khế chân không
Dịch nghĩa:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được hợp chân tông.
Hoàng thái hậu Ỷ Lan là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, một trong những nữ danh nhân tuyệt vời của lịch sử Việt Nam. Bà được tôn thờ ở nhiều nơi, nhưng đáng kể hơn cả là “Cụm di tích Đền – Chùa Bà Tấm” ở quê hương bà (Dương xá, Gia Lâm Hà Nội). Quần thể Khu di tích đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan rộng 3ha có chùa, đền, điện, sơn trang. Ngôi chùa có tên là “Linh Nhân tư Phúc tự”. Nhân dân thường gọi là “Chùa Bà Tấm”.
Cảm ơn đức cao dày của Hoàng thái hậu Ỷ Lan, nhân dân đã tôn vinh bà như là “Quan Âm bồ tát” tái thế, hoặc đồng hóa với “cô Tấm” trong truyện cổ tích, hoặc với “Phật mẫu Man Nương”
Năm 2010, để tưởng nhớ công đức của bà, Ban quản lý di tích đền Nguyên Phi Ỷ Lan ở Gia Lâm Hà Nội, đã đúc tượng bà cao 9,1m, nặng 30 tấn bằng đồng nguyên chất.
Nguyễn Quý Phong