Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Năm
Chương Thứ Ba
*****
CÁC LỄ TRONG
HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI
I – CÁC LỄ CHÍNH
Thời phong kiến, con cái luôn phụ thuộc vào cha mẹ, việc hôn nhân cha mẹ quyết đoán “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Không cần biết tình yêu của con cái, chỉ cốt tìm được nơi “môn đăng hộ đối”. (Điều kiện gia đình tương đương trong hôn nhân). Cha mẹ nhờ “mối lái” trong hôn nhân, nên cá biệt có trường hợp con không vừa ý, đã kiên quyết phúc hôn (con cái trả đồ lễ, hủy đám cưới).
Người phụ nữ chịu nhiều điều ràng buộc khắt khe bởi luân lý của Nho giáo. Tam tòng là ba điều người phụ nữ bắt buộc phải theo. “ Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử”– (Khi còn ở nhà phải theo cha, Lấy chồng phải theo chồng, Chồng chết phải theo con).
Người xưa quan niệm mục đích hôn nhân cốt duy trì dòng dõi, nên việc hôn nhân là việc chung của gia tộc, chứ không phải việc riêng của con cái. Bởi vậy, dựng vợ gả chồng cho con là quyền quyết định của cha mẹ. Nghĩa vụ của mỗi người đối với tổ tiên, dòng họ là phải truyền giống về sau để “vĩnh truyền tôn thống”, nếu “vô hậu – không có người nối dõi” là phạm điều bất hiếu lớn nhất.
Việc hôn nhân không những chỉ có nguyên nhân huyết thống, mà còn có nguyên nhân kinh tế. Người vợ không phải chỉ sinh con đẻ cái nối dõi tông đường, mà còn phải làm lụng và coi sóc việc nhà cho gia đình nhà chồng.
Chế độ đa thê – nhiều vợ là đương nhiên, người đàn ông được phép lấy nhiều vợ. Lấy thiếp (còn gọi là vợ lẽ, vợ hai, vợ ba, nàng hầu…) không cần tổ chức lễ cưới, vì người thiếp không phải là một phần tử trọng yếu trong gia đình; nên chồng hay vợ chính, muốn đuổi khi nào cũng được.
Trong hôn nhân và cưới hỏi ngày xưa có sáu lễ. Gọi là Lục lễ. Sáu lễ đó là:
* Lễ Vấn danh: Bà mối đến hỏi tên, tuổi, ngày, giờ, tháng, năm sinh của cô gái. Để nhà trai xem tuổi cô gái có hợp với tuổi con trai mình không. Đây là lễ đầu tiên.
* Lễ Nạp cát: Báo cho nhà gái biết, đã bói được quẻ tốt. Việc hôn nhân đã được quyết định.
* Lễ Nạp trưng: Nhà trai nhờ bà mối đến nhà gái, nói nhà trai đồng ý chọn con gái nhà ấy.
* Lễ Nạp thái (Nạp tệ): Đem sính lễ đến nhà gái, để làm lễ cáo Từ đường.
* Lễ thỉnh kỳ: Xin ngày rước dâu
* Lễ thân nghinh hoặc nghinh hôn: Lễ Rước dâu
Ngày nay, chế độ hôn nhân tự do tiến bộ, một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và con cái. Xoá bỏ những tàn tích còn lại của chế độ hôn nhân phong kiến cưỡng ép, trọng nam khinh nữ và cấm tảo hôn, cản trở hôn nhân tự do, yêu sách của cải trong việc cưới hỏi, đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Cấm lấy vợ lẽ…được thể chế hoá thành Luật Hôn nhân và gia đình.
Ở phương diện luật định, sau khi đăng ký kết hôn; đôi trai gái được pháp luật bảo vệ, đã là vợ chồng. Tuy nhiên, trong tâm thức và văn hóa dân tộc, lễ cưới chứ không phải chỉ là tờ hôn thú, mới là thời điểm để họ hàng, bè bạn và mọi người chính thức công nhận đôi trai gái là vợ chồng.
Chính vậy, tại lễ cưới nhiều vấn đề xã hội diễn ra, khen chê của dư luận xã hội đều tập trung vào đó. Không tránh khỏi “ma chê cưới trách”, nhưng rồi cũng thông cảm “ai chê đám cưới, ai cười đám ma”. Một đám cưới theo nghi thức cổ truyền có thể vừa được khen, vừa bị chê. Người khen thì cho rằng thế mới là đám cưới Việt Nam, thế mới không có sự du nhập của văn hoá ngoại lai; nhưng người chê thì lại nói rằng thế là rườm rà, lãng phí và luỵ cổ.
Chính quyền không cấm việc tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán xưa. Ngày 25/11/2005 Thủ tướng chính phủ ban hành “Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi”, quy định rằng: “các thủ tục có tính phong tục, tập quán như chạm ngõ, lễ hỏi, xin dâu cần được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ”, “việc cưới cần được tổ chức trang trọng vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc”.
Trình tự tiến hành lễ cưới của người Việt Nam, có thể có những cách thức, tên gọi khác nhau, đa số có những điểm chung. Cơ bản vẫn là sáu lễ có từ trước, cha ông ta đã thực hiện. Vấn đề là vận dụng và ứng xử với thời bây giờ sao cho phù hợp, vừa đảm bảo tính hiện đại nhưng vẫn “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Sáu lễ này xuất phát từ Trung quốc, khi sang ta đã được lược bớt ít nhiều và sáng tạo cho phù hợp với phong tục, tập quán Việt Nam. Dưới thời phong kiến, trai gái không được tự do giao lưu quan hệ. Lễ giáo quy định “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Do đó trong hôn nhân phải có Lễ vấn danh để xem tuổi người con gái có hợp với tuổi người con trai hay không.
Ngày nay, trai gái được tự do tìm hiểu. Bởi vậy đôi bạn trai gái và gia đình hai bên hiểu nhau khá tường tận. Không còn Lễ vấn danh nữa. Từng địa phương có biến thể một số Lễ. Tên gọi các Lễ cũng khác đi chút ít. Nhưng chung quy lại, việc cưới hỏi bây giờ chỉ cần Năm Lễ sau:
1 – Lễ chạm ngõ. (Dạm ngõ)
Trai gái được quyền tự do yêu đương. Khi đã tâm đầu ý hợp, tìm được ý trung nhân, nửa kia còn thiếu của mình. Mặc dù cả hai “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!”. Người con trai chính thức cầu hôn, bằng việc trao chiếc nhẫn cầu hôn cho người mình yêu. Tục này phổ biến ở châu Âu, ở ta một số dân tộc còn duy trì như trao vòng cầu hôn.
Sau khi người con gái nhận lời cầu hôn của người con trai, bằng lòng lấy người ấy làm chồng; khi này bên gia đình nhà trai mới tiến hành Lễ chạm ngõ.
Hai nhà đều biết hai con yêu nhau và đồng ý cho họ lấy nhau. Nhưng khi nhà trai chưa sang thưa chuyện với nhà gái, coi như họ chưa chính thức. Danh chưa chính, ngôn chưa thuận.
Được sự thống nhất cao của hai nhà, qua thông tin của đôi bạn trẻ. Khi đã thực sự chín muồi. Nhà trai sang nhà gái, chính thức đặt vấn đề cho hai con được công khai yêu nhau. Hai nhà được làm thông gia (xui gia).
Đây là một lễ nhằm chính thức hóa quan hệ Hôn nhân giữa hai gia đình. Nhà trai đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tự do đi lại, tiếp tục tìm hiểu nhau kỹ càng hơn, trước khi đi đến quyết định Hôn nhân. Đây là điểm đặt quan trọng để hai nhà tác thành cho đôi lứa nên duyên chồng vợ. Niềm mong mỏi của hai nhà: “Trai khôn dựng vợ, gái ngoan gả chồng”.
Trong Lễ chạm ngõ này, thành phần chủ yếu của nhà trai, chỉ cần một đến hai người trong gia đình, (Bố Mẹ hoặc người bề trên) cùng chú rể tương lai là được. Lễ vật không phải cầu kỳ. Tùy phong tục từng nơi mà vận dụng. Nhưng nhất thiết phải có trầu, rượu (một chục trầu, một chai rượu). “Miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Trước đây bà mối đóng vai trò quan trọng trong Lễ chạm ngõ. Họ là cầu nối để hai nhà biết nhau. Là giao liên thông tin qua lại giữa hai bên. Đồng thời cũng là người khai cuộc cho Lễ chạm ngõ. Vì đây là lần đầu hai nhà gặp nhau.
Nhà gái nhận trầu đặt lên bàn thờ trình gia tiên là kết thúc lễ. Hai nhà có thể trao đổi tùy tình hình.
Lễ này tuy đơn giản, nhưng không thể bỏ qua được. Bởi vì nó là khởi đầu cho việc hôn nhân. Thời trước còn gọi Lễ này là Xem mặt. Trong Lễ này, nhà trai có thể đặt vấn đề với nhà gái, cho biết về những lễ vật cụ thể mà nhà gái yêu cầu cho Lễ Nạp tài sắp tới, để nhà trai chuẩn bị chu đáo.
Sau khi làm Lễ chạm ngõ, chàng trai chính thức là chú rể tương lai. Trong thời gian chờ đợi cưới (dài ngắn phụ thuộc vào hai bên). Cần lưu ý “Tương lai là cái chưa đến”. Bởi vậy họ phải tiếp tục tìm hiểu kỹ càng. Có đám đã chạm ngõ, nhưng vẫn không nên duyên chồng vợ !
Sau lễ chạm ngõ, nhà trai có thể tiến hành Lễ Ăn hỏi sau đó một thời gian ngắn.
2 – Lễ Ăn hỏi.
Sau khi chạm ngõ, hai nhà và cô cậu có thời gian tìm hiểu nhau nhiều hơn. (Thời gian này dài, ngắn phụ thuộc các yếu tố và công tác chuẩn bị của cả hai bên) Tình yêu của họ càng nồng nàn. Họ đẹp đôi như: “Tiên đồng ngọc nữ” không thể thiếu nhau. Họ đi tới quyết định cưới nhau nên vợ nên chồng. Lúc này nhà trai mới tiến hành Lễ Ăn hỏi.
Chủ lễ nhà trai là một người cao tuổi có vai vế trong họ, ngoài ra có thêm một số vị trí trong nội tộc, bạn bè của bố mẹ và chú rể. Bên nhà gái cũng bố trí thành phần tương xứng, đối trọng theo nghi thức và tập tục từng nơi.
Lễ Ăn hỏi có vai trò quan trọng trong cả quá trình, nhất là đối với nhà gái. Chỉ đứng sau lễ Nạp tài. Nó đánh dấu một chuyển đoạn quan trọng trong hôn nhân.
Nội dung chính của lễ là: Nhà trai xin cô gái về làm dâu, nhà gái nhận chàng rể tương lai. Thông qua Lễ Ăn hỏi, hai nhà chính thức tác thành cho đôi bạn nên vợ nên chồng. Lễ này còn gọi là Lễ đính hôn. Cô gái chính thức là người vợ chưa cưới của chàng trai. Chàng trai cũng là chồng chưa cưới của cô gái. Đây cũng là một thông điệp để công bố cho mọi người biết: Biên giới đã được hoạch định, không một ai được xâm phạm lãnh địa!
Ngày nay, giao lưu văn hóa đông tây rộng mở, một số tục cưới hỏi của phương tây đã du nhập. Một số bạn trẻ trao nhẫn đính hôn cho người vợ tương lai của mình trong lễ này.
Trước đây, lễ vật Ăn hỏi khá to chỉ ít hơn lễ vật Nạp tài một chút. Chưa có vòng xuyến, quần áo và tiền mặt. Các thức như lợn, gạo, rượu, trầu cau, chè thuốc, bánh trái phải có để nhà gái cúng nhà thờ Họ, cáo gia tiên nhà mình, và đem lễ mời họ hàng.
Khi nhà gái đặt trầu rượu cáo gia tiên, lễ cơ bản xong.
Có nơi trong Lễ Ăn hỏi, nhà gái mời nội tộc, mời đoàn họ nhà trai và những người thân thích ăn uống để chung vui cùng nhà gái.
3 – Lễ Xin cưới.
Ngày trước sau khi làm Lễ Ăn hỏi. Nhà trai chưa được xin cưới ngay. Chàng rể tương lai phải đi xêu (Hình thức đi tết bố mẹ vợ trong năm, không cứ phải là vào dịp Tết) đi Tết từ một đến ba năm. Mùa nào xêu tết thức ấy. Quan trọng nhất là các ngày Tết cổ truyền. Đồ đi tết ngoài trầu rượu, còn có gạo nếp, thủ lợn, hoa quả, bánh, mứt, chè, thuốc…Có nơi chàng rể tương lai còn phải đến giúp việc, khi nhà gái có công to việc nhỏ.
Sau một thời gian, ít nhất là một năm; nhiều là ba năm, nhà trai xét thấy có thể cưới được. Thông qua bà mối đến xin ý kiến nhà gái. Nếu nhà gái đồng ý chấp nhận, nhà trai mới được tiến hành Lễ xin cưới. Thường nhà trai nhằm khi thu hoạch mùa màng xong. Chuẩn bị đủ tiền của, vật chất, kinh tế dư dật. Vào cuối năm là mùa cưới. Chọn ngày lành tháng tốt, sang nhà gái tiến hành Lễ Xin cưới.
Bây giờ do đôi trai gái quyết định. Một số đám sau dạm ngõ một thời gian ngắn xin cưới ngay. Quan hệ giữa hai nhà thuận lợi, thông cảm và hiểu nhau hơn. Bởi lẽ trai gái được tự do qua lại giữa hai nhà. Cả trai và gái đều có trách nhiệm như nhau. Lễ, Tết hoặc nhân dịp đi công tác xa về đều có quà biếu bố mẹ đôi bên, to hay nhỏ là tùy tâm, tùy điều kiện. Cũng coi như là đi xêu, tết vậy. Cái quý là ở tấm lòng. Khi có công to việc nhỏ, gái cũng như trai đều qua lại, tham gia như con cái trong nhà.
Thành phần đến Lễ xin cưới chủ yếu là các bậc bề trên trong họ trai, cùng bố mẹ và chú rể. Đồ Lễ chủ yếu là trầu rượu.
Nội dung Lễ xin cưới: Xin nhà gái cho cưới vào thời điểm thích hợp (đầu xuân hoặc cuối năm, nói rõ xin cưới đón cô dâu lên xe hoa vào ngày giờ cụ thể). Nhà gái đồng ý chấp nhận cho cưới, nhà trai mới được đề nghị nhà gái cho biết lễ vật khi Nạp tài.
Lúc này nhà gái mới đưa ra yêu cầu cụ thể. Ngày trước gọi là Thách cưới, bây giờ hai bên bàn bạc sao cho hợp lý.
Lễ vật to nhỏ, nặng nhẹ là do bên nhà gái. Thường là lợn, gạo nếp, trầu cau, chè thuốc, nhẫn vòng, áo quần…Có nhà, ngoài các thứ trên còn đòi tiền mặt.
Ngày trước nhiều đám vì thách cưới quá nặng, nhà trai xin giảm không được đành phải hoãn lại; hoặc bỏ luôn không cưới nữa. Bây giờ đôi chỗ vẫn còn tình trạng này. Kể cả khi lo cưới xong, nhà trai vẫn không vừa lòng với nhà gái. Thành ra quan hệ hai nhà căng thẳng. Giải tỏa được còn phải chờ đợi thời gian.
Hủ tục này không đẹp. Đã “thách” là có sự đặt giá và trả giá như một cuộc mua bán. Làm vậy hóa ra đem con gái yêu của mình đi bán. Nếu nhà trai không cưới, con gái mình đã mang tiếng, thế là bị “mất giá” không đẹp đẽ gì.
Hiện nay có nơi yêu cầu tiền mặt, ít thì một hai triệu, có khi đến hàng chục triệu. Nên nhớ rằng con gái yêu của mình là vô giá. Cha mẹ nuôi dạy con nên người, chẳng lẽ chỉ có cái giá vài triệu bạc hay sao?
Họ quên một điều: Đây là hạnh phúc của đôi bạn trẻ và của hai nhà và hai họ. Không phải là việc mua bán ở chợ. Điều lớn hơn cần nhận rõ: Tất cả vì Hạnh Phúc của các con ! Hủ tục này cần phải bỏ.
Có ý kiến cho rằng chỉ cần một ít tiền mới, mệnh giá thấp để lấy “hên”. Như là tiền mừng tuổi vậy. Việc này, xét kỹ ra cũng có thể chấp nhận được. Ngày trước, có trường hợp, nhà gái không thách tiền của. Chỉ thử tài chàng trai bằng ra câu đối, làm thơ…để chàng trai ứng đối thể hiện “tài năng”.
Bây giờ việc chuẩn bị Sính Lễ đơn giản hơn nhiều. Thông qua cô gái, nhà trai có thể biết yêu cầu của nhà gái. Nên không cần thiết đưa ra bàn bạc trong Lễ xin cưới. Đây là vấn đề nhạy cảm và tế nhị. Nhà gái cũng ngại ngần không muốn nói ra. Nhưng để đáp lại ý kiến nhà trai, thiết tưởng nhà gái cũng có thể nói rõ chính kiến của mình. Đây cũng là nét ứng xử biểu hiện sự tôn trọng nhà trai. Mặt khác cũng là đồng trách nhiệm của hai nhà trước ngày thành thân của đôi trẻ. Nếu biết cách xử trí tốt, vừa mang tính Văn hóa, vừa thể hiện quyền chủ động của nhà gái. Vấn đề là cần đưa ra những yêu cầu hợp lý, thỏa mãn cả hai bên trong tình hình chung, mà mọi người đều chấp nhận. Ví như có thể yêu cầu các thứ trầu cau, rượu, bánh trái, chè thuốc…là những thứ không thể thiếu, nhưng với số lượng vừa phải. Làm thế chẳng ai có ý kiến gì. Cũng có thể yêu cầu một ít tiền mặt. Nhưng quan trọng ở chỗ đặt vấn đề hợp lý.
Kết hợp giữa cũ và mới, đại diện nhà gái có thể khéo léo đưa ra một yêu cầu:
“Họ nhà gái chúng tôi không dám đòi hỏi nhiều, hai nhà chúng ta đều có trách nhiệm với các cháu. Vạn sự khởi đầu nan, chắc rằng các cháu ban đầu còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp các cháu có chút ít vốn liếng làm ăn, chúng tôi yêu cầu nhà trai 500 ngàn đồng tiền còn mới. Các cháu mua con gà mái sao, đẻ chục trứng vàng ấp nở mười con, để vốn nhỏ đẻ vốn lớn rồi mua con lợn, con bò tiến tới ăn nên làm ra giàu sang phú quý”.
Nghe vậy chẳng ai có thể nói nhà gái thách tiền. Mệnh giá 500 ngàn đồng không có gì lớn. Cha ông ta từ xưa đã có tục “ra vốn” cho vợ chồng trẻ, một tập tục đẹp như chuyện mừng tuổi lấy “hên”. Mọi người đều biết số tiền ấy chẳng thể là vốn được. Những đồng tiền mới ấy như một động lực khích lệ ban đầu. Ai cũng thấy rằng đây chỉ là một tập tục đẹp, nhắc nhở vợ chồng trẻ phải tu chí làm ăn.
Nhiều đôi vợ chồng đã cất giữ đồng tiền ấy vào nơi trang trọng, cùng với các kỷ vật bố mẹ trao cho trong ngày cưới, sau này còn trao lại cho con cháu.
Bây giờ phần lớn nhà trai đều có phong bì, với đủ các loại mệnh giá tiền, gửi nhà gái trong lễ Nạp tài.
4 – Lễ Nạp tài.
Sau Lễ xin cưới, nhà trai về chuẩn bị đồ Sính Lễ theo yêu cầu của nhà gái. Báo cho nhà gái biết thời điểm làm Lễ Nạp tài. Lễ này ngày xưa gọi là Nạp thái (Nạp tệ).
“ Định ngày nạp thái vu quy”
(Truyện Kiều. Vu quy : Cô gái về nhà chồng).
Ngày nay ta gọi Lễ này là Nạp tài. Hai từ “Nạp tài” do nhân dân ta đặt ra. Từ “Nạp tài” không có trong Từ Điển Tiếng Việt. Hiện nay Lễ Nạp tài đã được nhân dân chấp nhận, nên trong Thiệp Mời đám cưới đều có ghi: Lễ Nạp tài tổ chức vào ngày… tháng… năm…
Lễ Nạp tài là lễ quan trọng nhất trong hôn nhân và cưới hỏi.
Lễ này ngoài trầu, rượu còn có các phẩm vật (Sính Lễ) nhiều ít, to nhỏ do hai nhà đã thống nhất với nhau.
Sính lễ trong Nạp tài, là vấn đề nhạy cảm và tế nhị. Nếu không được thống nhất trước, khi vào cuộc Lễ, có những tình huống bất ngờ xẩy ra, làm đôi bên khó xử. Đã từng có những tình huống như vậy. Nhất là ở vùng nông thôn. Các ông chú, bà bác, cô, dì, cậu mợ…bất ngờ đưa ra những yêu cầu, ngoài sự chuẩn bị của nhà trai. Làm cho không khí buổi lễ căng thẳng không cần thiết.
Ngày trước, nhà trai gánh đồ Sính Lễ và đội mâm đến nhà gái. Thành ra chưa có việc đặt ra 5 hay 9 hộp quả.
Qua nhiều cuộc, chúng tôi thấy nhà gái thường yêu cầu nhà trai: Có 5 đến 9 hộp quả. Có người hiểu nhầm, coi mỗi hộp quả là một Lễ, để cúng ông bà tổ tiên, bên nội, bên ngoại. Như vậy không đúng. Các hộp quả và mâm lễ ấy chỉ là đồ Sính Lễ của lễ Nạp tài.
Có trường hợp nhà gái còn yêu cầu nhà trai thắp hương cúng gia tiên nhà gái trong lễ nạp tài. Điều này sai hoàn toàn. Chỉ có con rể cùng cô dâu thắp hương bái gia tiên, trước khi lên xe hoa.
Đồ Sính lễ trong các hộp có: trà thuốc, một buồng cau, vài chai rượu, bánh trái (su sê – bánh cốm), mứt sen, hoa quả… Số lượng tùy nhà gái yêu cầu.
Tại sao số hộp quả lại lẻ? Điều này có căn nguyên từ quan niệm: Đời người ta trải qua các bước Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Trong đó Sinh là thể hiện sự phát triển mạnh mẽ nhất.
Trong xây dựng, khi đặt đòn nóc (Cây luồng ở gian giữa, hoặc thượng lương bằng gỗ) người ta đều tính mắt luồng hoặc thước tấc theo theo cách trên. Nếu là luồng phải chọn cây có 5 hoặc 9 mắt làm đòn nóc. Mắt thứ 5 là Sinh, mắt thứ chín cũng là Sinh. Nếu là gỗ, tính theo thước Lỗ Ban.
Bởi vậy số lượng hộp quả hay mâm phải là 1 hay 5 hoặc 9. Số 1 tuy tốt nhưng vì nó quá ít, nên người ta thường chọn 5 hoặc 9 hộp quả. Số 5 và 9 đều rơi vào cung Sinh. Không được làm 7 hộp, vì số 7 rơi vào cung bệnh. Vô cùng xấu.
Thông thường chỉ cần 5 hộp là vừa. Nếu muốn hoành tráng có thể lên tới 9 hộp. Điều này không quy định cụ thể. Tùy theo yêu cầu của nhà gái.
Thực ra đây cũng là việc “Phú quý sinh Lễ nghĩa”. Tùy điều kiện, tùy hoàn cảnh mà thực hiện. Không nhất thiết phải đủ như trên. Chỉ cần một mâm Lễ cũng là đủ.
Hạnh phúc của vợ chồng đâu cứ phải tính bằng số hộp Lễ. Hộp quả Lễ không phải là thước đo của Hạnh phúc.
Người ta vẫn còn phân biệt: Đồ lễ mặn và đồ lễ chay. Đồ lễ mặn thường là: thủ lợn, mâm gạo nếp. Lợn sữa quay, mâm xôi. Hoặc cỗ xôi, con gà trống luộc. Bây giờ phần lớn nhà gái không yêu cầu cỗ mặn nữa. Ngày Nạp tài, nhà gái chuẩn bị xôi gà, cúng gia tiên trước khi nhà trai đến.
Có trường hợp nhà gái yêu cầu đơn giản: Chỉ cần có 5 hộp quả, hình thức đẹp (không cần biết ở trong có gì. Nói vậy thôi, nhà trai bao giờ cũng phải chu đáo).
Sính lễ nhất thiết phải có: Ngoài buồng cau, có ba đĩa trầu têm cánh phượng càng đẹp, ba be rượu để đặt lễ. Trường hợp có tiền, bỏ trong phong bì song hỷ mầu đỏ.
Ở thành phố, có dịch vụ làm việc này trọn gói từ A đến Z. Ngoài hộp quả, còn có một mâm đặt con lợn sữa quay vàng, cổ đeo dây, tai đeo vòng màu vàng và một mâm xôi!
Để làm đẹp, tem song hỷ dán vào từng quả cau, chiếc bánh, chai rượu…Các hộp quả được phủ khăn song hỷ mầu đỏ. Lá trầu không được kết thành hình quả tim. Lễ vật được xếp thành nhiều bậc cao vút lên (Nếu là bầy trên mâm), có giấy nhiều mầu, kết thành những bông hoa cắm trên mâm, trông rất đẹp mắt.
Bây giờ cả ba Lễ: Ăn Hỏi, Xin Cưới, Nạp Tài đều tiến hành trong một buổi. Trình tự diễn tiến như sau:
Khi đoàn nhà trai đến nhà gái, nhà trai cần dừng lại cách nhà gái một quãng ngắn, để chỉnh đốn và sắp xếp đội hình. Đi trước là vị chủ lễ cao tuổi; có uy tín, nói năng lưu loát. Tiếp theo là bố mẹ chú rể và chú rể, mẹ chú rể bưng một hộp con sơn son phủ khăn điều (có trầu, rượu). Rồi tiếp 5 đến 9 chàng trai tân, mặc quần áo đẹp, bưng đồ Sính lễ. Đoàn nhà trai trịnh trọng tiến vào nhà gái, gọi là Dẫn Lễ.
Nhà gái đứng trước cổng nhà (hoặc rạp) để đón.
Đứng sau vị chủ Lễ là bố mẹ cô gái cùng một số cô dì, chú bác. Nhà gái cũng có 5 đến 9 cô gái tân, đồng phục áo dài đỏ. Tay cầm sẵn phong bì lì xì, để trao cho các chàng trai. Khi đón các hộp quả, tay phải các cô gái đỡ dưới hộp và có phong bì, kín đáo trao cho các chàng trai. Lì xì chỉ bên nhà gái làm thôi. Nhiều nhà trai có làm phong bì lì xì, cũng được.
Các cô bưng hộp quả, hoặc cả trai và gái cùng bưng hộp quả vào đặt nơi trang trọng, thường ở phía dưới bàn thờ, hoặc trước phông trang trí. Chú ý bàn đặt đồ sính lễ phải cao hơn bàn khách một chút và phủ khăn đẹp. Có một lọ hoa tươi để ở giữa.
Hai họ ổn định vị trí, theo vai vế đối trọng trong giao tiếp.
Mở đầu Lễ: Chủ lễ nhà trai chào họ nhà gái và giới thiệu thành phần dự lễ: (Xin giới thiệu một gợi ý để tham khảo. Tùy tình hình vận dụng)
“Kính thưa các cụ ông, cụ bà.
Thưa toàn thể họ nhà gái cùng các vị quan khách.
Trước hết xin thay mặt họ nhà trai kính chào họ nhà gái.
Kính chúc toàn thể họ nhà gái mạnh khỏe, chúc cho tình cảm hai họ, hai gia đình thông gia mãi mãi tốt đẹp, chúc cho Hạnh phúc hai cháu bền chặt keo sơn.
Xin phép được giới thiệu thành phần họ nhà trai chúng tôi gồm có: (Giới thiệu lần lượt vị trí từng người từ cao xuống thấp)”.
Chủ lễ họ nhà gái phát biểu:
“Kính thưa họ nhà trai…..
Họ nhà gái chúng tôi rất vui mừng cảm động và chân thành cảm ơn họ nhà trai. Thay mặt họ nhà gái, tôi xin phép được giới thiệu thành phần họ nhà gái tham dự buổi lễ hôm nay gồm có:……..
Thưa quý vị! Được năm mưa thuận gió hòa, lại nhằm đúng mùa cưới hỏi của lứa đôi nam thanh nữ tú. Hôm nay trong không khí vui vẻ và nghiêm cẩn của ngày lễ trọng này, để hai nhà lo tác thành việc trăm năm và lo việc Hôn sự cho hai cháu. Xin kính mời họ nhà trai tiến hành các lễ.”
Trong phòng làm lễ, nếu có bàn thờ; chủ lễ họ nhà trai phải bầy tỏ lòng thành kính của nhà trai trước Tổ tiên nhà gái. Hai tay chắp lại, nghiêm cẩn hướng về bàn thờ trang trọng nói:
“Kính cáo Gia tiên họ….(họ nhà gái) xin các vị liệt tổ liệt tông họ…, cho phép hai gia đình chúng tôi được tiến hành thực hiện nghi lễ hôn nhân của hai cháu:… được sự chứng giám của tổ tiên. Cung thỉnh cầu mong các vị phù hộ độ trì cho đôi lứa cầm sắt giao hòa, duyên ưa phận đẹp, trăm năm Hạnh phúc!”
Rồi quay ra nói tiếp:
“Kính thưa các cụ ông, cụ bà cùng toàn thể đại diện họ nhà gái. Sau lễ dạm ngõ, hai gia đình chúng ta đã thống nhất chọn: Hôm nay được ngày lành tháng tốt, lại đúng giờ Hoàng đạo, để tiến hành các lễ trọng cho hai cháu nên duyên chồng vợ. Họ nhà trai chúng tôi có cươi trầu, chai rượu và đồ sính lễ, trước là để kính cáo gia tiên họ nhà gái, sau nữa là kính trình các cụ và ông bà thông gia chấp nhận các lễ.
– Trước hết chúng tôi có chục trầu chai rượu xin đặt Lễ Ăn Hỏi:
Xin phép họ nhà gái và ông bà… cho cháu… được về làm dâu nhà tôi, (hoặc nhà ông bà……) Và cháu… được làm rể họ ta và là rể của ông bà…..
Kính mong nhà gái nhận lễ.”
Chủ lễ nhà gái hoặc bố, mẹ cô gái đáp từ:
– “Kính thưa hai họ. Nhà trai đã chính thức xin cho cháu… nhà tôi về làm dâu ông bà, chúng tôi vui mừng và đồng ý. Cũng từ hôm nay chúng tôi chính thức chấp nhận cháu… là rể họ chúng tôi và cũng là con cái trong nhà của chúng tôi.”
(Đại diện hai họ trao và nhận trầu. Nhà gái đặt trầu rượu vào vị trí riêng. Để sau khi nhận đủ ba lễ mới đặt lên ban thờ)
Nhà trai đặt tiếp lễ thứ hai:
– “Ông bà đã chấp nhận cho cháu… về làm dâu bên nhà chúng tôi. Vậy chúng tôi xin phép được đặt lễ thứ hai: Lễ Xin Cưới.
Chúng tôi có chục trầu chai rượu cáo tổ tiên và trình ông bà cho phép chúng tôi làm lễ cưới và đón cháu… lên xe hoa vào hồi…giờ, ngày… tháng…năm. Địa điểm tổ chức cưới cho hai cháu tại….
Nhân đây chúng tôi xin có lời trân trọng kính mời họ nhà gái và ông bà đến dự lễ thành hôn của hai cháu và chung vui niềm Hạnh Phúc của hai cháu, của hai họ và của hai gia đình chúng ta!”
Nhà gái đáp từ:
– “Thưa hai họ, Lên xe hoa là ngày trọng đại của cháu… được ông bà và họ trai đã xem xét rất kỹ lưỡng. Nhà gái chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và đồng ý cho cháu… xuất giá vào ngày giờ trên.
Cảm ơn lời mời của ông bà, Đoàn nhà gái chúng tôi sẽ có mặt đông đủ trong lễ thành hôn của hai cháu”
(Đại diện hai họ trao và nhận trầu. Nhà gái đặt trầu rượu vào vị trí riêng. Để sau khi nhận đủ ba lễ mới đặt lên ban thờ)
Nhà trai đặt tiếp lễ thứ ba:
– “Chúng tôi rất phấn khởi được ông bà đồng ý cho phép cháu… lên xe hoa vào ngày giờ trên. Vậy chúng tôi xin được đặt tiếp lễ thứ ba: Lễ Nạp Tài.
Ngoài chục trầu chai rượu, chúng tôi xin trình mấy hộp qủa đồ Sính Lễ, gọi là tấm lòng thành của gia đình chúng tôi, trước hết là trình với tổ tiên họ nhà gái một chút lễ mọn, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cháu… nên người, để chúng tôi có được con dâu hiền thục hôm nay.
Xin ông bà nhận cho.”
Nhà gái đáp từ:
– “Chúng tôi rất cảm động trước lòng thành của ông bà. Là cha mẹ, chúng ta đều hết lòng vì con. Ông bà cũng đã nuôi dạy cháu… trưởng thành cho chúng tôi một chàng rể thảo.
Chúng tôi xin được nhận đồ Sính Lễ này, trước là để cáo gia tiên, sau nữa để bà con trong họ ngoài làng biết con gái chúng tôi được về làm dâu ông bà.”
Nhà trai mở các hộp quả, để trao cho nhà gái. Hai nhà trao từng hộp một, trước tiên là hộp trầu cau, rồi đến hộp rượu chè thuốc…. Nhà gái đặt trầu rượu, lễ vật lên ban thờ, rồi thắp hương cáo gia tiên.
Quá trình tiến hành lễ, cô gái chưa có mặt. Sau khi nhận Sính Lễ, bà mẹ hoặc đại diện nhà gái mới đưa cô gái ra chào hai họ. Lúc này hai bạn trẻ mời hai họ xơi trầu, thuốc, nước thể hiện tình cảm cám ơn mọi người. Lưu ý phải mời từ người cao tuổi trước. Cô gái mời bên nhà trai, còn chàng trai mời nhà gái.
Những lễ vật dẫn cưới này có ý nghĩa cao đẹp: Thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ và họ hàng nhà gái đã nuôi dạy cô gái nên người. Đồng thời cũng biểu thị sự quý mến, tôn trọng cuả nhà trai đối với cô dâu tương lai.
Sau Lễ Nạp tài, nhà gái cũng như nhà trai đem trầu cau mời khắp cả Làng. Báo cho mọi nhà biết và mời họ đến dự đám cưới. Bây giờ có Giấy mời thay cho mời bằng trầu cau.
Thông thường làm xong ba lễ trên (ba trong một! tuy là ba lễ nhưng chỉ làm trong một buổi), hai nhà mới chính thức đưa Giấy Mời và tổ chức ăn uống. Do đó ba lễ này phải tiến hành trước một tuần, hoặc có thể hơn. Ở Thành phố, nhiều nhà gửi Giấy mời còn kèm theo một túi nhỏ có vật phẩm của lễ Nạp tài (Chè thuốc, bánh, mứt …).
Thực tế có nhiều diễn biến khác. Vì điều kiện bất khả kháng, có thể đưa Giấy Mời trước, rồi làm lễ Nạp tài sau. Không nên câu nệ. Miễn sao đủ thủ tục là được. Điều cơ bản là Hạnh Phúc của đôi bạn tân hôn, đảm bảo tốt đẹp.
Tiến hành ba lễ này không nên kéo dài quá một giờ. Nhà gái nên tổ chức chu đáo, có tính Văn hóa, lịch sự. Hoa tươi trang trọng. Hai họ ngồi theo hai dãy, đối trọng vai vế. Đây là ứng xử có tính chất đối ngoại, thể hiện gia phong nề nếp. Nếu nhà trai ở xa, nhà gái có thể mời cơm thân mật. Nếu ở gần chỉ nên tổ chức tiệc trà. Hai họ giao lưu, bàn bạc thảo luận về ngày cưới, số lượng người nhà gái sang dự, phương tiên đi lại…Tạo không khí đầm ấm thân mật.
Sau khi nhận Sính lễ, nhà gái phân chia Sính lễ: Phần để cúng Nhà thờ Họ, cúng bàn thờ gia tiên nhà mình. Phần để cúng Nhà thờ bên ngoại. Tất cả thể hiện tấm lòng hướng về nguồn cội, kính cáo để Tổ tiên biết.
Nhà gái để một phần Sính lễ, lại quả cho nhà trai. Thông thường không quá 1/3. Khi trao lại hộp quả phải lật ngửa nắp hộp. Điều này thể hiện nhà gái đã nhận Lễ.
Tiến hành ba lễ Ăn hỏi, Xin cưới, Nạp tài, nên có một người dẫn chương trình (MC). Nhiều đám, do lần đầu thực hiện hoặc chuẩn bị chưa tốt, nên rất lúng túng. Buổi lễ chưa đạt yêu cầu. Cá biệt có khi để thời gian chết, hai họ ngồi nhìn nhau chẳng biết nói gì. Những lúc này vai trò MC tạo không khí đầm ấm, vui tươi. Đồng thời duy trì tổ chức các bước đạt yêu cầu. MC có thể của nhà gái, hoặc nhà trai đều được. (Hai bên cần thống nhất trước). Miễn sao đảm bảo chất lượng các Lễ tốt nhất.
Ba lễ Ăn hỏi, Xin cưới, Nạp tài, chỉ làm trong một bữa là được. Ba trong một! Không cần tách ra từng thời gian khác nhau như ngày trước. Vừa mất thời gian, vừa nhiêu khê không cần thiết. Khi mà nhịp điệu xã hội công nghiệp luôn khẩn trương. Người ta sử dụng thời gian sao cho hiệu quả nhất.
Nhà nào muốn duy trì cách thức của cha ông, tách ra từng lễ một như ngày trước, cũng không sao. Miễn là hai bên thống nhất cao
Điều không thể thiếu, vợ chồng phải làm Giấy đăng ký kết hôn. Ngày trước sau khi nhà gái nhận Lễ nạp tài, nhà trai biện một Lễ trầu rượu trình với các chức dịch trong Làng. Phải nạp tiền cheo theo quy định. Hương bạ vào sổ nhân khẩu để quản lý, mới được cấp tờ hôn thú. Khi ấy mới chính thức là vợ chồng.
Ngày nay chính quyền Xã, Phường cấp giấy đăng ký kết hôn. Theo luật định, phải sau một tuần công khai thông báo mới được cấp.
Nhiều nơi đơn giản, xem việc lấy Giấy đăng ký kết hôn là chuyện đương nhiên. Lấy lúc nào cũng được. Cá biệt có trường hợp cưới xong mới đăng ký. Như vậy không được. Bởi vì sau khi đăng ký, họ đã chính thức là vợ chồng về mặt luật pháp. Có thể vì điều kiện không tổ chức cưới được, họ vẫn là vợ chồng. Việc tổ chức cưới chỉ là thủ tục công khai cho mọi người biết mà thôi.
Vì vậy, việc lấy Giấy đăng ký kết hôn cần có kế hoạch cụ thể. Gia đình nhà trai chuẩn bị tốt việc này. Thông thường sau Lễ Xin cưới, Nạp tài, đôi bạn làm giấy đăng ký kết hôn.
Việc chính quyền trao giấy chứng nhận kết hôn trong lễ cưới, chưa nơi nào làm được. Nếu làm, phải tổ chức nghi lễ, như vậy sẽ làm khó cho chính quyền. Việc đặt hoa ở Đài tưởng niệm, Nghĩa trang Liệt sĩ trong lễ cưới như có nơi đã làm, theo chúng tôi chưa hợp lý. Tính chất hai việc khác nhau. Còn có nhiều lúc để tưởng niệm công lao của các liệt sĩ phù hợp hơn.
Tổ chức cưới là bước tiếp theo (thời gian dài ngắn tùy điều kiện) để công bố với Thiên hạ: Họ là một đôi vợ chồng !
Tổ chức “Bữa cơm thân mật” hai nhà có thể làm trước lễ cưới một hai hôm. Đây là dịp để họ hàng, bạn bè thân thiết xa gần đến chung vui với gia đình và mừng Hạnh Phúc của đôi trẻ. Bây giờ hai họ đều làm rạp, rất thuận tiện cho tổ chức ăn. Cần phải chú ý khâu tổ chức chu đáo. Gia chủ phải có mặt và có lời mời từng mâm. “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Cô dâu hoặc chú rể (nếu có mặt) phải đi cám ơn mọi người. Khi khách ra về, gia chủ đứng trước cửa rạp mời trầu thuốc và có lời cám ơn quan khách.
Ngày nay họ hàng, bè bạn không chỉ bó hẹp trong lũy tre làng nữa, đất nước ta đâu cũng là quê hương. Nhiều người phải qua một quãng đường dài từ vài chục cây số đến hàng ngàn cây số, vì trách nhiệm, vì nghĩa tình sâu nặng không thể thiếu được.
Từ xa về, ai cũng tề chỉnh trong bộ quần áo đẹp, hân hoan rạng rỡ; dấu đi nỗi mệt nhọc đường dài, ai cũng mừng vui góp phần vun đắp cho hạnh phúc đôi lứa. Thật xiết bao cảm động. Hạnh phúc lớn cho gia chủ, khi có được những khách quý như vậy. Trước khi khách xa ra về, gia chủ cần có quà kỷ niệm. Một chút lòng thơm thảo, gọi là của ít lòng nhiều gửi tới nơi xa, cũng là để người đi “ăn cưới” trở về báo hỷ cho mọi người biết.
Việc làm tuy nhỏ, giá trị chẳng đáng là bao; nhưng là thể hiện nét đẹp ứng xử trọn vẹn, một việc không thể thiếu trong đám cưới.
Còn nữa…
Nguyễn Quý Phong