5 phút đọc

Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi: Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi:  Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thư phúc đáp của GS Nguyễn Huệ Chi
Phúc đáp ông Nguyễn Quý Phong

Thưa ông,
Nhận được lá thư phản hồi của ông nhân đọc bài viết của tôi thuật lại quá trình phục dựng bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự đăng trên các trang mạng, tôi rất cảm động. Việc ông chuyển bài viết đó cho bà con ở làng Duy Tinh – nơi trực tiếp trông nom giữ gìn chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh với nhiều di vật vô giá trong đó có tấm bia, trong ngót một nghìn năm qua – để bà con cùng đọc, làm tôi càng mừng vui bội phần. Tâm nguyện của người viết bài là mong được nhiều người biết đến ngôi chùa thiêng và tấm bia quý có lịch sử dài hơn 8/10 thời gian xây dựng nền độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt – Việt Nam chúng ta mà may mắn đến nay vẫn không lâm kiếp tro bụi, để bà con người Việt cũng như người nước ngoài khắp bốn phương ghé vào thăm viếng mỗi khi có dịp hành hương qua xứ Thanh.
Nhưng người viết cũng muốn gián tiếp nêu lên một bài học kinh nghiệm về việc giữ gìn tôn tạo di tích của địa phương Duy Tinh, cốt sao kinh nghiệm ấy được nhân lên ở nhiều nơi khác, hy vọng rồi đây không chỉ một bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà nhiều bia cổ khác ở nhiều vùng miền khác đã bị hủy hoại theo thời gian, chẳng hạn Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh… cũng sẽ được phục dựng lại. Bởi lẽ người xưa gửi gắm tiếng nói vào đá bằng văn tự là mong mỏi con cháu các đời sau sẽ đọc để hiểu được tư tưởng, tâm huyết và nhiều điều mình từng trải nghiệm. Về phía hậu sinh chúng ta, nhờ đó cũng có thêm một phương tiện hữu hiệu giúp nhìn sâu vào quá khứ lịch sử, hình dung ra diện mạo, cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam ở những thời kỳ xa xưa. Bên cạnh kiến trúc, hoa văn, tượng đá tượng đồng, các hình thức văn tự biểu đạt tiếng nói của cha ông rất cần được lưu lại, trân trọng giữ gìn, chính là vì vậy. Được bà con trong làng đọc, truyền bá rộng rãi cho nhau một việc làm đáng ghi nhớ của chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh mà đứng đầu là sư bà Thích Đàm Tâm, nhằm cùng nhau bảo vệ di tích từ nay về sau tốt hơn nữa, điều đó còn gì quý bằng.
Tối hôm qua tôi đã nhận được hai bản dập hai mặt tấm bia mới do Ban quản lý chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh vừa gửi ra nhờ xem lại những chỗ thợ khắc còn khắc sai hoặc thiếu, nhằm tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Tôi và các cộng sự sẽ dành thì giờ làm trọn việc này.
Về phần ông, tôi cũng mong ông cùng bà con dân làng hãy lên tiếng đề xuất với Ban quản lý và sư bà Thích Đàm Tâm tiến hành một số việc đáng được ưu tiên tiếp tục, chẳng hạn cân nhắc việc khắc bản dịch ra tiếng Việt văn bản tấm bia (đã được dịch trong bộ Thơ văn Lý – Trần Tập I, công bố năm 1977) trên một phiến đá lớn tương xứng với tấm bia gốc vừa phục chế (như GS Chu Hảo trong đoàn đi nghiệm thu hôm 17-8 có đề nghị), hoặc nếu tính toán số tiền trùng tu hiện vẫn còn khá, thì lên kế hoạch cho khắc lại các phiến đá bó vỉa nền chùa bằng hoa văn rồng Lý đang có mẫu lưu lại, thay cho những phiến đá chạm khắc hoa sen mới trùng tu vài chục năm trước không đúng với nền của ngôi chùa cổ, hẳn sẽ còn góp phần làm cho giá trị ngôi chùa được nâng lên xứng tầm hơn.
Cảm ơn ông đã chia sẻ về việc tôi thôi đảm nhiệm việc điều hành trang BVN một thời gian. Xin báo với ông, người thay tôi là GS Phạm Xuân Yêm, chuyên gia uy tín về ngành vật lý, hiện cư ngụ tại Pháp, rất biết cách bảo vệ trang mạng, và từ lâu đã nổi tiếng về tấm lòng ưu ái đối với đất nước. Việc trang Bauxite Việt Nam mở rộng quan hệ trong ngoài để cùng chung sức nhau tạo nên một tiếng nói truyền thông bao quát hơn, cập nhật hơn và cũng hiệu quả hơn, trong điều kiện thế giới đã trở thành phẳng như hiện nay, và trong tình hình phong trào dân sự trong nước đang dâng lên như hiện nay, là điều hợp tình hợp lý.
Kính chúc ông dồi dào sức khỏe và qua ông xin cho tôi và anh chị em cộng sự phục chế tấm bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh tính tự được gửi đến đồng bào trong làng Duy Tinh và rộng hơn trong toàn xã Văn Lộc, những tình cảm quý mến chân thành.
                                                  Hà Nội ngày 6-9-2013
                                                     Nguyễn Huệ Chi