BÀN THÊM VỀ VĂN CÚNG VÀ HÓA VÀNG
1 – Văn cúng.
Khi lên nhang trên bàn thờ tổ tiên, bao giờ chúng ta cũng phải trình bày với tổ tiên lý do và nội dung cầu khấn. Đơn giản là “nói vo” không văn bản, kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn là viết thành Văn cúng. Bây giờ có nhiều sách viết về Văn cúng gia tiên. Trong nhà thì gọi là Văn cúng Gia tiên, lớn hơn ở Họ, ở Làng, Huyện , Tỉnh… gọi là Chúc Văn; như chúc văn giỗ tổ Hùng vương.
Cúng gia tiên do Trưởng hoặc người được ủy quyền thay mặt cả nhà đọc Văn cúng. Cúng họ, Thành hoàng làng, hoặc các vị thần… do chủ lễ hoặc người được ủy quyền đọc chúc văn
Nhiều người cho rằng Văn cúng hoặc Chúc văn phải viết bằng chữ Hán mới đúng. Thực ra không phải như vậy. Suốt một chặng đường dài lịch sử, chúng ta chưa có chữ viết riêng. Nho học chiếm địa vị độc tôn, dùng chữ Hán trong mọi việc là lẽ đương nhiên.
Đến thế kỷ XIII, chúng ta mới sáng tạo ra chữ nôm, loại chữ của riêng ta (dựa vào âm Hán, thêm bớt các nét vào các chữ thành chữ nôm). Điều này còn ghi lại trong bài “Văn Tế cá sấu”, do ông Hàn Thuyên viết và đọc trong lễ tế cá sấu. Thuở ấy còn hoang sơ, sông ngòi đầy cá sấu, nên phải tế lễ để đuổi cá sấu đi.
Từ đó về sau chữ nôm được dùng nhiều hơn, tuy chưa phổ biến. Nhiều nhà nho làm thơ, viết văn bằng chữ nôm. Nguyễn Trãi có tập thơ “Quốc âm thi tập” viết bằng chữ nôm gồm 254 bài. Sau này Hồ Xuân Hương là người rất giỏi dùng chữ nôm. Tài hoa ấy được thể hiện qua những bài thơ rất tinh tế và nhạy cảm, mỗi chúng ta, ai cũng hơn một lần đọc thơ của bà. Nhà thơ Xuân Diệu đã tôn vinh Hồ Xuân Hương là “Bà chúa thơ nôm”.
Khi Quang Trung lên ngôi, ông quyết định dùng chữ nôm trong các văn bản Nhà nước. Tiếc rằng triều đại của ông không được lâu.
Vào đầu thế kỷ 17, các nhà truyền giáo Tây phương đến Việt Nam, truyền đạo Thiên Chúa. Lúc bấy giờ, các giáo sĩ nhận thấy chữ Nho và chữ Nôm quá phức tạp để học, đối với đại chúng bình dân. Cho nên, một nhóm tu sĩ dòng Tên, cùng với các thầy giảng người Việt Nam đầu tiên, đã nghiên cứu, áp dụng các mẫu tự Latinh, ghi chú cách phát âm tiếng Việt, dùng trong giao dịch hàng ngày. Dần dần, qua nhiều năm sắp xếp và thực hành, các tu sĩ đã ghi chú được tất cả những tiếng nói của người Việt, dựa trên 24 mẫu tự Latinh (A, B, C,…). Giáo sĩ Alexandre De Rhodes góp công hoàn chỉnh chữ quốc ngữ, với năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, và nặng. Từ đó, chữ quốc ngữ thêm phần hoàn hảo. Cho nên Alexandre De Rhodes được xem là người đại diện trong việc sáng chế ra chữ quốc ngữ Việt nam. Trải qua hơn ba thế kỷ, tiếng Việt đã cơ bản hoàn thiện và ngày càng hiện đại như ngày nay.
Gia phả và Văn cúng trước đây phải viết bằng chữ Hán hoặc chữ nôm. Chỉ những người biết chữ Hán và chữ Nôm mới đọc được. Đây là một hạn chế lớn.
Ngày nay tiếng Việt hiện đại cơ bản hoàn thiện. Không lý gì mà ta không viết Gia phả và Văn cúng bằng tiếng Việt.
Mặt khác, ông bà tổ tiên ta không phải tất cả đều biết chữ Hán và chữ Nôm. Hiện nay ta trình với các bậc gia tiên bằng tiếng Việt là đúng. Có thể dùng một số từ Hán văn cho thêm phần cổ kính, khi viết các thành ngữ nói tới công lao…về thế thứ của người được cúng. (Hiển khảo là cha, hiển tỷ là mẹ…)
Quan niệm trần sao âm vậy, “ăn có mời, làm có gọi”. Mỗi khi lên nhang bàn thờ Gia tiên bao giờ cũng đọc Văn cúng, phải có lời mời ông bà, ông vải mới về thụ hưởng. Như vậy Văn cúng trước hết là một lời mời kính cáo với gia tiên. Lời mời xuất phát từ tâm thành của con cháu. Một lời mời có thể mộc mạc, cũng có thể văn hoa bóng bẩy. Nhưng phải thành tâm tự đáy lòng. Sau đó mới trình bầy tâm nguyện thỉnh cầu gia tiên những điều mình mong muốn.
Mỗi một lễ đều có một văn cúng riêng, nội dung phải phù hợp với lễ đó. Tuy vậy cấu trúc một bài văn cúng chỉ gồm ba phần sau:
– Phần thứ nhất: Nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành lễ và tên người chủ lễ (người đứng đọc văn cúng) Sau phần quốc hiệu phải nói rõ vị trí người cúng: Tín chủ, Trưởng nam hoặc Thứ nam… “Tín chủ” là xưng với các vị Gia thần, “Trưởng nam, hoặc Thứ nam hoặc Hậu thế…” là xưng với các vị Gia tiên.
– Phần thứ hai: Đây là nội dung chính mời Gia tiên về “ăn Tết” hay “ăn Giỗ”. Mời người được cúng giỗ, và các bậc thế thứ trong gia tiên cùng về thụ hưởng. Đồng thời kể các thứ đem cúng. Gồm có: hương, hoa, vàng, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà, cỗ mặn…(Đem cúng thức gì phải kể hết).
– Phần thứ ba: Nghiêm cẩn bầy tỏ lòng thành kính và thỉnh cầu các vị phù hộ độ trì cho toàn gia và những người đang sống được an lành, làm ăn phát tài, hanh thông mọi việc, vạn sự như ý…
Hiện nay nhiều sách viết Văn cúng. Có bài viết chữ Việt và chữ Hán xen lẫn nhau. Ngay chủ lễ đọc cũng không hiểu hết từ Hán, đôi khi đọc sai dấu, sẽ biến nghĩa câu văn.
Phần lớn các sách mở đầu bài văn cúng hiện bán trên thị trường đều viết: “Nam mô A di đà Phật” (ba lần). Cách này là do mấy ông thầy chùa – sư – viết. Các bài Văn cúng cổ còn lại đâu có “Nam mô A di đà Phật” (ba lần). Không phải mọi người đều theo đạo Phật ? Ở đây có sự nhầm lẫn. Thờ cúng Tổ tiên là một luật tục, đậm tính Văn hóa dân tộc, hướng về nguồn cội, luôn nhớ công ơn của Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thờ cúng Tổ tiên có trước khi đạo Phật du nhập vào nước ta. Đọc “Nam mô A di đà Phật” chỉ dành cho người theo tôn giáo đạo Phật mà thôi.
Các sách Văn Cúng, đều thưa trình rất nhiều các thần linh; từ trên trời xuống hạ giới… Điều này không cần thiết. Trong mỗi nhà chỉ có hai bàn thờ chính. Một bàn thờ ông Công và bàn thờ gia tiên. Trước khi cúng gia tiên, ta đã trình với ông Công rồi; nên khi cúng gia tiên ta chỉ trình với gia tiên là đủ. Cũng như một cuộc lễ ở địa phương, ta chỉ thưa trình đại diện cao nhất của buổi lễ, không ai kính thưa từ Trung ương đến địa phương!
Một số văn cúng viết bằng thơ thể bốn chữ, năm chữ. Ưu điểm là dễ nhớ dễ thuộc, nhưng nhiều bài phải ép theo vần điệu nên ý tứ khiên cưỡng, lại dài dòng không cần thiết.
Nắm được yêu cầu căn bản của Văn cúng, ai cũng tự mình viết được Văn cúng phù hợp nội dung của từng lễ và hoàn cảnh cụ thể gia đình mình trong năm.
Điều quan trọng là lòng thành, ông bà ông vải không cứ vào mâm cao cỗ đầy, cũng không cứ vào văn hay. Ông bà ông vải luôn biết người cúng có thành tâm hay không.
Văn cúng có thể viết ra giấy. Người chủ lễ phải tắm gội sạch sẽ, áo quần tề chỉnh. Khi đọc Văn cúng, không được đọc to, chỉ lầm rầm nhỏ nhẹ vừa đủ người đó nghe, nhất khi là đọc tên húy người được cúng. Quan niệm đọc to là phạm húy, mặt khác những cô hồn lưu vong bên ngoài nghe được, sẽ vào ăn tranh cỗ mất! Chỉ đọc to những điều cần nhắc nhở con cháu của các tiền nhân để lại và những điều chủ lễ cần nhắc nhở con cháu thực hiện…
Khi hành lễ con cháu tập trung đứng sau chủ lễ, hai tay chắp lại trước ngực, tập trung nghe những điều di huấn của cha ông, những việc người con trưởng thấy cần nhắc nhở. Một việc làm ý nghĩa giáo dục truyền thống dòng họ và gia tộc. Mọi người có trách nhiệm bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp và thực hành đạo hiếu cho trọn vẹn. Ngày giỗ thực chất là kỷ niệm ngày mất của tiền nhân. Hiện tại phần lớn khi làm giỗ, các nhà chưa chú ý đến điều này, chỉ một mình con trưởng cúng. Con cháu tập trung đông đúc nhưng không vào cúng. Cần khắc phục việc này.
Sau khi chủ lễ cúng xong, mọi người lần lượt vào thắp hương và vái ba vái rồi lui ra. Chủ lễ hạ tấm y môn xuống (nếu có), để ông vải thụ hưởng kín đáo, con cháu phải im lặng và không được nhìn vào.
Tuần hương cháy gần hết, chủ lễ thắp tiếp tuần hương thứ hai, xin hạ lễ vật và hóa vàng (khi này ông vải đã thụ hưởng xong). Sau khi hóa vàng xong, mới được hạ mâm ăn cỗ.
Lúc này nội ngoại quây quần bên mâm cỗ ấm cúng, cùng ôn lại những kỉ niệm của những người đã khuất. Cuộc họp mặt đông đủ nhắc mọi người có bổn phận làm tròn chữ hiếu. Con cái cháu chắt ríu rít, đúng là “con cháu được ngày giỗ Ông”! Chú ý cần có sự tiết chế trong ăn cỗ, uống rượu. Nhiều đám vì rượu hoặc mượn rượu để anh em nói nhau mất mặn mất nhạt, mất nghĩa tình là điều không nên. Như vậy là có lỗi với Tổ tiên.
2 – Hóa vàng.
Hóa vàng là một tục “Trần sao âm vậy”. Sau khi ông bà tổ tiên thụ hưởng cỗ, con cháu gọi là lòng thành có ít tiền vàng gửi ông bà đi đường về cõi âm. Ở góc độ này là một nét Văn Hóa đẹp, chỉ cần tượng trưng gọi là cho đủ lễ. Không cần thiết phải đốt nhiều mới là thành tâm.
Tuần hương thứ nhất cháy gần hết, chủ lễ thắp tuần hương thứ hai và xin hóa vàng hạ lễ. Hóa vàng bàn thờ ông Công trước, rồi mới hóa vàng bàn thờ Gia tiên. Vàng mã cháy gần hết, đổ một ít rượu vào. Rượu của bàn thờ nào, đổ vào vàng mã của bàn thờ ấy. Văn khấn cũng được đốt lúc này (nếu có viết). Do quan niệm có đổ rượu vào vàng mã, xuống âm phủ mới biến thành tiền vàng thật, ông bà ông vải mới tiêu được.
Dòng chảy thời gian trôi đi, cuộc sống ngày một nâng cao hơn. Mọi người lại càng nhớ công ơn Tổ tiên Ông Bà Cha Mẹ. Việc thờ cúng Tổ tiên sẽ trường tồn mãi mãi trong tâm thức và việc làm của con cháu. Chúng ta đều tâm niệm:
Một lòng thờ Mẹ kính Cha, Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con
Nguyễn Quý Phong