CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN – Phần Cuối
Chương Thứ Tư
NHỮNG NGÀY CÚNG GIA TIÊN TRONG NĂM
Cúng Gia tiên trong năm ở mỗi gia đình thường chia làm ba loại như sau;
– Cúng các ngày Tết và Rằm , Mồng Một hàng tháng.
– Cúng giỗ.
– Cúng khi có sự việc kính cáo Gia tiên: Cưới, Tang và khởi sự các việc quan trọng.
A – CÚNG CÁC NGÀY TẾT VÀ RẰM MỒNG MỘT
1- Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán còn gọi là Tết Cả, (Tết là do chữ Tiết 節 chỉ tiết trời, chữ Nguyên元 là đầu tiên, chữ Đán旦 là buổi sớm).Tết mở đầu một năm, là ngày Hội truyền thống tưng bừng nhộn nhịp nhất; cũng là lễ hội đầu tiên và quan trọng hơn hết trong hệ thống hội hè của nhân dân ta. Tết này có từ lâu đời nên còn gọi là Tết Cổ Truyền.
Xét về mặt hình thức cũng như nội dung, Tết Nguyên đán có một ý nghĩa nhân sinh cao đẹp hết sức đậm đà. Ông cha ta chọn những ngày mở đầu năm Âm lịch, làm cái Tết mở đầu trong năm. Phù hợp với khí hậu và đời sống sinh hoạt của dân tộc. Đó là những ngày thời tiết mát mẻ, xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc. Tất cả vạn vật tràn đầy nhựa sống, cũng là khi mùa màng kết thúc, mọi người được rảnh rỗi nghỉ ngơi, vui chơi thoải mái sau một năm lao động mệt nhọc; đón chào một năm mới với bao điều hứa hẹn và một niềm tin mới.
Tại Châu Á, vùng nam Ấn Độ ăn tết từ tháng ba, vùng bắc Ấn Độ ăn tết vào tháng tư. Ở Lào, Căm Pu Chia năm mới bắt đầu trung tuần tháng tư dương lịch, có nơi xê dịch qua tháng năm. Đặc biệt giao thừa từ năm này qua năm khác, lại vào giữa trưa. Các nước này thường ăn tết theo Phật lịch vào tháng sinh hay ngày xuất gia của Phật tổ Thích ca.
Chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đón tết Nguyên Đán đúng vào ngày mồng một tháng giêng âm lịch. Riêng nước ta, tết Nguyên đán phù hợp với việc canh tác lúa nước và cây màu các loại từ lâu đời. Vì đó là những ngày mùa màng đã kết thúc. Mọi người được rảnh rỗi, nghỉ ngơi, vui chơi và thăm viếng lẫn nhau, sau một năm dài lao động cần cù vất vả.
Theo phong tục cổ truyền: Ngày Tết Việt Nam có ba cuộc gặp gỡ hết sức thiêng liêng và quan trọng ngay trong một nhà.
Trước hết là sự gặp gỡ của các vị gia thần gồm có ba vị: Tiên sư hay Nghệ sư (tức vị tổ đầu tiên đã dạy nghề mình đang làm); với Thổ công, vị thần giữ đất, trông coi nơi nhà mình đang ở và Táo quân hay vua bếp đã chăm sóc, giúp đỡ việc nấu ăn cho mọi người trong gia đình. Táo quân lên chầu trời vào ngày hai ba tháng chạp. Nhưng ngày ba mươi cũng về vui vầy với các gia thần. Các vị gia thần đều “có mặt” chung vui với gia đình trong những ngày Tết.
Cuộc gặp gỡ thứ hai là của Tổ tiên, ông, bà… đã khuất (gia tiên) ngày Xuân đều hội ngộ đông đủ các thế thứ trong gia tộc để mừng cùng con cháu và phù hộ độ trì cho toàn gia tộc an khang thịnh vượng.
Cuộc gặp gỡ thứ ba là của những người còn sống trong dòng tộc, trong một nhà, cuộc họp mặt gia đình. Bởi vậy Tết Nguyên đán trước hết là Tết của Gia đình. Trong tiềm thức mỗi người, Tết Nguyên đán vô cùng quan trọng. Dù làm ăn xa xôi đến đâu, ai cũng có kế hoạch về quê ăn Tết. Mua sắm các thứ cúng Gia tiên, đồ lễ đi tết hai bên nội ngoại và thầy học…Người ta náo nức mong sớm về quê sum họp gia đình, gặp lại những người thân được hàn huyên bao nhiêu chuyện sau những ngày xa cách… Những năm gần đây, Việt kiều xa Tổ quốc cũng trở về quê cha đất Tổ đón Tết cổ truyền ngày một đông hơn.
Đây cũng là dịp được nhìn lại cây đa bến nước, con đò quê hương; là lúc thả bộ dọc khu phố cổ, ngắm nhìn nhà hàng, quán cóc một thời…
Cho ta được thấy mộ phần Tiên Tổ, Ông bà, Cha mẹ… lặng ngắm từ đường Tổ tiên. Được thắp nén hương thơm trên bàn thờ, bồi hồi xúc động kính cáo với Gia tiên nỗi lòng của con cháu nơi đất khách quê người và cầu mong Tổ tiên phù hộ độ trì luôn được “chân cứng đá mềm” để vững bước trên đường đời nơi viễn xứ!
Ngày Tết, ngày Xuân là ngày hội đoàn tụ, cũng là ngày giao lưu tình cảm của mọi người. Người ta quý mến nhau, cẩn trọng từ lời nói đến cử chỉ hành xử trong giao tiếp, sao cho toại ý đẹp lòng. Ngoài sân, ngõ xóm, đường làng, lũ trẻ con ríu rít tung tăng trong bộ quần áo mới; lom khom một tay đốt pháo, một tay bịt tai rồi cười ré lên khi chiếc pháo đùng tan xác rải giấy hồng trên đường như những cánh hoa đào…
Từ đầu tháng Chạp, loáng thoáng đã có tiếng pháo nổ, gợi một sự đợi chờ trong lòng mỗi người cái náo nức chờ xuân. Ngày 23 tháng Chạp, không ít nhà đốt pháo bánh tiễn đưa ông Táo lên trời. Pháo càng rộ lên từ lúc giao thừa rồi sáng mồng một và trong ba ngày Tết. Không gian ngày Tết luôn âm vang tiếng đùng đoàng ròn rã, quyện với tiếng trống hội làng, làm cho mỗi người lâng lâng đẫm men say với đất trời.
Nhà nghèo cũng có một hai bánh pháo đốt mừng Xuân đón Lộc và đuổi cái rủi ro, xua đi ma quỷ. Nghe tiếng pháo mọi người có cảm giác lâng lâng ngây ngất, đang được chờ đợi một điều hệ trọng mới mẻ sắp xẩy ra.
Hiện tại nhà nước cấm đốt pháo, chủ trương này cần được xem xét kỹ lưỡng thấu tình đạt lý hơn. Nếu không sẽ khó ngăn cấm triệt để được, vì lòng người vẫn nhớ về một thời quá vãng: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”, tiếng pháo đầu Xuân đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người! Chẳng thế mà mấy năm gần đây mỗi dịp Tết đến Xuân về người ta đốt pháo ngày một nhiều hơn và có chiều hướng gia tăng.
Ngày Tết cũng là dịp dọn dẹp, trang trí, ngôi nhà như được khoác lên một tấm áo mới. Tường nhà được sơn quét lại sáng sủa; trước hiên chăng đèn kết hoa. Các chậu cảnh được cắt tỉa theo từng thế mang dấu ấn tính cách của chủ nhân.
Một số vùng vẫn còn duy trì tục vẽ cung ná bằng vôi trắng lên nền sân. Cung ná bắn tên ra bốn hướng để “trừ quỷ” (!) Lại còn trồng cây nêu để khẳng định chủ quyền của mảnh đất.
Nêu là một cây tre bánh tẻ đẵn tới gốc, để lá lại ở phần ngọn. Trên ngọn đeo một vòng tròn nhỏ, xung quanh vòng tròn buộc các thứ như bùa trừ tà, cành xương rồng, cá chép giấy cho ông Táo trở về ăn Tết, những giải vải chỉ màu ngũ sắc và những chiếc khánh bằng đất nung. Cây nêu được dựng sớm là từ 23 tháng chạp, muộn là từ chiều ba mươi và hạ vào ngày mồng bảy gọi là Tết khai hạ.
Theo cách tính của người xưa, ngày mồng Một tháng Giêng ứng vào gà, mồng Hai: chó, mồng Ba: lợn, mồng Bốn: dê, mồng Năm: trâu, mồng Sáu: ngựa, mồng Bảy: người, mồng Tám: lúa. Trong tám ngày đầu năm, cứ ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy được tốt cả năm!
Vì vậy, đến mồng Bảy, thấy trời tạnh ráo, quang đãng người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. Mồng Bảy hạ cây nêu, kết thúc Tết Nguyên đán cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ – Tết mở đầu ngày vui để đón chào và mong muốn một năm làm ăn thịnh vượng.
Chuẩn bị đón Tết, nhà nào cũng quan tâm chu đáo tới việc bài trí bàn thờ Gia tiên, sao cho đẹp và đúng với phong tục cổ truyền. Sau Tết ông Công đến trước ngày ba mươi, mọi nhà thu xếp dọn dẹp quét tước bàn thờ. Một số đồ thờ như khám, ngai, ỷ, thần chủ… được lau chùi sạch sẽ. Đỉnh, nến, lư hương đồng…dùng dấm hoặc chanh đánh chùi sáng bóng vàng chóe. Đây cũng là dịp tỉa bớt chân hương cho gọn sau một năm thắp đầy chật bát hương.
Làm sạch và bài trí lại bàn thờ tổ tiên là cách để con cháu bày tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Những thứ không thể thiếu trên bàn thờ gồm hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú, và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ),
Lễ vật dâng cúng thường có giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái chén; đĩa hoa quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một bình rượu. Xung quanh, ta có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt.
Chú ý vào những ngày Tết trên ban thờ phải có hoa tươi. Người Việt Nam thường sử dụng hoa cúc, hoa huệ, hoa lay-ơn, hoa mai, hoa đào trong cúng gia tiên ngày Tết…
Việc thắp đèn nhang cho bàn thờ ngày Tết cũng được bắt đầu từ ngày 30. Có nhà sử dụng loại hương vòng, hay hương que loại lớn, cháy liên tục trong nhiều ngày với nhiều ý nghĩa biểu trưng như các vì tinh tú đang tỏa sáng, sự chăm lo ân cần của con cháu… Hương khói còn tạo nên một không khí ấm cúng nơi gian thờ, gắn kết tình cảm và ước nguyện hạnh phúc của mọi người trong một gia đình.
Sau ngày tết ông Công đến trước ngày ba mươi tết, dù bận rộn đến đâu, mọi nhà đều có một buổi đi tảo mộ. Nghĩa trang bấy giờ là lúc thường xuyên có người nhiều nhất trong năm. Kẻ đi làm xa nơi chân trời góc biển, người ở nhà quanh năm mải công việc làm ăn, đều không quên đến nghĩa trang chăm sóc mộ phần tổ tiên. Người ta đắp thêm đất, dọn cỏ, quét vôi trên mộ chí… Thắp hương kính cáo mời Tổ tiên ông bà về “ăn Tết” với con cháu. Sửa sang mồ mả bày tỏ kính trọng, cho lòng thanh thản. Đó cũng là việc làm trong “đạo thờ ông bà” của nhân dân ta đã trở thành phong tục. Phong tục ấy in sâu trong mỗi con người. Dù tất bật trong cuộc mưu sinh, nơi quay về vẫn là gia đình. Ở đó có sự cảm thông tha thứ cho những lầm lỗi và tri ân những người đã khuất. Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân về đã thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, hướng về nguồn cội.
Không khí Tết lúc này rộn rịp lắm, các bà nội trợ lo sắm sửa các thức cho mâm cỗ cúng. Nào giò chả bánh trái…đặc biệt không thể thiếu được bánh chưng. Làng quê vẫn giữ được nếp sống xưa, nhà nào cũng chăm lo cho nồi bánh chưng chín dền, xanh mướt.
Thành phố bây giờ có dịch vụ mọi thứ đem đến tận nhà, đâu còn cảnh con cháu quây quần bên nồi bánh chưng sôi sùng sục cạnh bếp lửa hồng ấm áp. Nét đặc trưng qua bao đời vẫn còn lưu lại trong văn chương nghệ thuật.
Trung tâm của mỗi nhà trong ngày Tết là phòng khách và bàn thờ Gia tiên. Ai cũng muốn cho phòng khách và bàn thờ Gia tiên nhà mình thật đẹp. Những bức tranh, tờ lịch còn thơm mùi mực và rực rỡ sắc màu. Một cành đào phai, hay đào Nhật tân thắm đỏ hoặc bạch đào, đào thất thốn xen lẫn chậu quất, chậu mai vàng rực, làm cho không khí ngày xuân thật nồng ấm. Chữ “Phúc 福” vàng óng ánh trên chiếc đèn lồng treo cao, với dây đèn nhấp nháy làm nổi bật dòng chữ “Chúc mừng năm mới” phía trước bàn thờ. Tất cả tôn lên vẻ uy nghiêm của bàn thờ Gia tiên.
Trước hết là mâm Ngũ quả. Ông bà ta đã chọn năm loại quả tiêu biểu, tượng trưng cho Ngũ hành trong thuyết Âm dương – Ngũ hành.
Người sành chơi mâm Ngũ quả rất chú trọng mặt thẩm mỹ. Sắp đặt trình bày sao cho đẹp là công phu lắm. Nhìn các cụ râu tóc bạc phơ cẩn trọng lau chùi, sắp xếp vào mâm bòng nải chuối xanh, quả bưởi son hoặc bưởi vàng, những quả hồng đỏ rực, chùm quất vàng tươi và những quả táo xanh mướt…ta mới thấy hết ý nghĩa thiêng liêng của Tết cổ truyền.
Người miền Nam rất chú trọng mâm Ngũ quả, bao giờ cũng sắp xếp tạo thế “Long, Lân, Quy, Phụng”. Đây cũng là một hình thức “chơi cảnh”, nét đặc sắc của phương Nam.
Mâm Ngũ quả có thể đặt chính giữa trước bát hương, phần nhiều đặt ở một bên, còn phía bên kia đặt một hoặc hai cặp bánh chưng cân đối với mâm Ngũ quả. Đây là hai thứ chính không thể thiếu trên bàn thờ ngày Tết. Ngoài ra còn đặt thêm bánh, mứt kẹo, trà thuốc, rượu và tiền vàng mã…tạo một không gian ấm áp đủ đầy. Hai bên bàn thờ dựng hai cây mía dài gọi là “gậy ông vải”. Tất cả các thứ này để liên tục từ ngày ba mươi Tết đến ngày đưa ông vải, hóa vàng xong mới hạ xuống.
Ba mươi Tết là ngày cúng Tất niên (毕年cuối năm) để “đón” ông bà ông vải về ăn Tết với con cháu. Có thể cúng vào buổi trưa hoặc buổi chiều. Nghi thức cúng tất niên ngoài xôi gà còn một mâm cỗ mặn.
Từ giờ phút này, trên bàn thờ gia tiên luôn thắp đèn nhang cho đến khi “đưa Ông Vải”. (“Ông Vải” là khẩu ngữ dân gian, để chỉ chung ông bà tổ tiên) nhà đưa “ông Vải” sớm là chiều mồng ba, sáng mồng bốn hoặc có nhà để đến hạ cây nêu vào mồng bảy.
Quan niệm rằng: “Ông Vải” luôn “ngự” trên bàn thờ, trong những ngày Tết, nên con cháu phải liên tục đèn nhang. Xử lý điều này bây giờ có hương vòng và đèn điện thuận tiện nhiều. Nhưng ngoài hương vòng và đèn điện, mỗi ngày vẫn phải lên đèn, nhang vào lúc cúng và ba lần vào sáng, trưa, tối trước khi đi ngủ.
Tối ba mươi có Lễ đón Giao thừa, còn gọi là Lễ Trừ tịch (除Trừ là thay cũ đổi mới, 夕Tịch là ban đêm). Hết giờ Hợi sang giờ Tý, cũ mới chuyển giao nhau. Giờ Tý bắt đầu từ 23 giờ đến 01 giờ. Chính Tý là 0 giờ. Năm cũ đã hết, bắt đầu một năm mới. Hai vị thần cai quản trong năm “bàn giao” công việc vào đúng lúc giao thừa.
Tục xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển coi việc nhân gian trong năm ấy theo lệnh của Thiên đế. Mười hai vị thần thay nhau trông coi trong một Giáp mười hai năm, rồi trở lại như trước. Hành khiển có ông Thiện có ông Ác, nên mới có năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; có năm thiên tai lụt lội, dịch bệnh, chiến tranh… Khi trình độ khoa học còn thấp, con người còn phụ thuộc vào tự nhiên nhiều, họa phúc khó lường.
Ngày trước cúng giao thừa, thường có 2 lễ:
– a) Lễ cúng giao thừa ngoài trời, để đưa tiễn vị Hành khiển năm cũ và đón vị Hành khiển năm mới. Lễ này bày ngoài sân. Vật phẩm tùy gia chủ, có thể là: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, xôi, gà, bánh trái … Người theo đạo phật bày cỗ chay. Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, gia chủ thắp đèn, nến, rót rượu, trà, rồi khấn vái trước án.
– b) Lễ cúng giao thừa trong nhà:
Sau khi cúng giao thừa ở ngoài sân, mới vào cúng giao thừa tại ban thờ gia tiên nhà mình.
Cả nhà cần tập trung đông đủ xum vầy ấm cúng trước ban thờ gia tiên. Chủ nhà lên hương, kính cẩn vái ba vái rồi đọc Văn cúng
Từng thành viên trong gia đình lên nhang, cả nhà sum họp hàn huyên… Sau tuần nhang đầu, đốt tiếp tuần nhang thứ hai, rồi hạ lễ thụ lộc giao thừa.
Những ngày Tết vẫn duy trì cúng cỗ mặn một hoặc hai bữa trong ngày; có nhà chỉ cúng cỗ mặn vào chiều ba mươi và buổi cúng đưa Ông Vải. Nhiều nơi còn tục “đi đơm”, ngành Thứ gánh cỗ mặn đến cúng ở ngành Trưởng. Tất cả chỉ là tập tục, tùy điều kiện mà làm, sao cho hợp cảnh.
2-) Tết Nguyên Tiêu – Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng, là tết Nguyên Tiêu (元宵)nghĩa là đêm Rằm đầu tiên của một năm. Còn gọi là Thượng nguyên. Trong năm có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười. Gọi thượng nguyên là cách phân chia theo Âm lịch: thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và hạ nguyên (Rằm tháng Mười) của hệ thống lịch tính theo mặt trăng.
Trước đây lễ rằm tháng Giêng thường gọi là Tết muộn, những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn. Những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.
Điều lý thú hơn, rằm tháng giêng là đêm trăng tròn đầu tiên của năm. Lần đầu tiên trong năm mới, ta được tận hưởng ánh trăng vàng, trong cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo phiêu diêu, sau những ngày ồn ã của mấy ngày tết bận rộn và mệt mỏi. Chẳng thế mà biết bao tao nhân mặc khách, với hồn thơ phiêu lãng, đã để lại cho đời những áng thơ bất tử.
Rằm tháng giêng còn là ngày vía phật tổ Adiđà, ngày không chỉ dành riêng cho thiện nam tín nữ, mà còn là của mọi người; của những đôi nam thanh nữ tú đến chùa cầu duyên giải hạn!
Theo các nhà thuật số, ngày rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên quan, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, giải trừ tai ách quanh năm.
“Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Điều này nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu trong tâm thức người Việt.
Trong dân gian theo tục thờ cúng ông bà, rằm tháng Giêng là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, thần tài hoặc cúng âm hồn…
Rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
Theo tục lệ sau khi có lễ hương đèn trầu rượu, hoa quả vàng mã (có nhà làm cỗ mặn) thắp hương cáo Gia tiên, người ta mới đi chùa lễ Phật, mong cầu Phật phù hộ độ trì cho quanh năm bình yên khang thái và cũng tin rằng những lời thành tâm ấy được chứng giám. Họ sắm lễ vật để cầu an, dâng sao giải hạn. Vùng nào có chùa thì cùng nhau vào chùa để nhờ sư sãi lập đàn cầu nguyện.
Đầu xuân đi lễ chùa cầu cho quốc thái, dân an từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Việt Nam, trong đó có lễ dâng sao giải hạn (lễ giải hạn). Đây được coi là thủ tục quan trọng đối với các thành viên trong gia đình khi một năm mới bắt đầu. Quan niệm của người Á Đông, theo vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật…gọi là vận hạn. Nặng nhất là “Nam La hầu, nữ Kế đô”. Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón.
Để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm, hoặc hàng tháng ở chùa, tại nhà thì ở ngoài trời với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng.
Ngày nay, với những khó khăn và áp lực trong cơ chế thị trường, người ta càng quan tâm hơn đến vấn đề tâm linh, đặc biệt là khi gặp rủi ro trong làm ăn, buôn bán, thi cử, mất mùa hay thậm chí là cả “rủi ro” trong tình duyên. Chính vì thế lễ giải hạn đã không còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của nó. Nó đã bị lạm dụng, khiến các nghi lễ trở nên rườm rà và được tổ chức một cách bừa bãi. Những gia đình giàu có sẵn sàng bỏ tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình làm ăn phát đạt, buôn bán “đầu xuôi đuôi lọt”. Những gia đình không có điều kiện thì vì quá “mê tín” nên sẵn sàng bán cả tài sản trong nhà để làm lễ.
Dâng sao giải hạn cũng chỉ là phép giải tâm lý cho người ta an lòng. Hiện nay nhiều kẻ lợi dụng vào dịp đầu năm để kiếm tiền. Thiết nghĩ chúng ra cần tỉnh táo…
Cúng rằm tháng giêng ở nhà cũng như mọi ngày rằm hàng tháng. Riêng việc cúng đón sao tốt và giải hạn sao xấu (Dâng sao giải hạn), một số nhà hay mời thầy về cúng ở ngoài sân. Thực ra tự mình cũng có thể làm được việc này.
3-) Thanh Minh.
Dân ta thường có thói quen gọi Tết Thanh Minh, như vậy không đúng. Thanh minh là khi thời tiết trong sáng, mát mẻ. Một năm có hai mươi bốn tiết khí, bắt đầu năm là Lập Xuân, cuối năm là Đại hàn. Mỗi mùa cũng bắt đầu là Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông. Tiết Thanh minh sau tiết Xuân phân (giữa xuân) khoảng nửa tháng. Phần lớn tiết Thanh minh vào đầu tháng 3 âm lịch:
“Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lệ là tảo mộ hội là đạp thanh.”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du).
Cũng có năm tiết Thanh minh vào cuối tháng hai âm lịch. Như vậy Tết (Tiết) Thanh minh không cố định một ngày cụ thể. Lâu nay có sự hiểu lầm, coi mồng ba tháng ba Âm lịch là Tết Thanh minh.
Thực ra ngày 3/3 âm lịch là ngày Tết Hàn thực (寒食ăn đồ nguội) của Trung quốc, để kỷ niệm ông Giới Tử Thôi, một công thần của Tấn Văn Công.
Chuyện rằng: Thời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công lúc còn khốn khó một lần đói quá, cận thần là Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi mình nấu cho vua ăn. Về sau khi giành được ngôi vua, Tấn Văn công ban thưởng rất hậu cho bề tôi đã có công; nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Ông lặng lẽ đưa mẹ vào ở ẩn trong núi Điền sơn. Khi Tấn Văn công nhận ra sai lầm cho người đi gọi. Nhưng Giới Tử Thôi không chịu về. Vua ra lệnh đốt rừng những mong ông ra, nhưng ông nhất định không ra. Cả hai mẹ con chết cháy vào ngày 3/3. Nhà vua ân hận và cho lập đền thờ, lệnh cho toàn dân không được nổi lửa trong ba ngày liền, chỉ ăn đồ nguội đến ngày 5/3. Do đó Trung quốc mới có Tết Hàn thực.
Do chịu ảnh hưởng Văn hóa Phương Bắc, nên một số vùng (phần lớn ở Bắc bộ) vẫn có tục ăn Tết này. Dịp này thường cúng bánh trôi, bánh chay; nhưng không kiêng tắt bếp như Trung quốc.
Tiết Thanh minh là dịp chơi Xuân, dịp cho những người đi xa trở về quê hương, sau những ngày dài xa quê cùng với mọi người ra nghĩa địa thăm viếng mộ phần, phát quang cỏ rậm dọn dẹp vệ sinh; bồi trúc thêm cho mộ phần khỏi bị sạt lở (trước đây chưa có điều kiện xây ốp như bây giờ), thắp hương từng ngôi mộ. Xong việc, mọi người về cúng Tổ hoặc tế Tổ dòng họ, từng nhà tùy điều kiện mà biện lễ cúng Gia tiên.
Việc tảo mộ tùy từng địa phương, có nơi tảo mộ vào cuối tháng Chạp, tháng Giêng hay tháng Ba. Chưa có quy định cụ thể, nhưng hiện nay có xu hướng đi tảo mộ vào đúng ngày là tiết Thanh minh.
4 -) Tết Đoan Ngọ (端午)
Ngày mồng năm tháng năm Âm lịch, là tết Đoan ngọ, còn gọi là Tết Đoan dương (端阳). Theo lịch cũ thì ngày 5 tháng 5 là ngày hết xuân sang hạ. Đoan ngọ端午là chỉ thời điểm bắt đầu tết vào chính giữa trưa: 12 giờ.
Đây là khi thời tiết chuyển mùa nên hay có bệnh thời khí. Người xưa cho rằng cây cối có sâu bọ phá hoại; vậy con người cũng có “sâu bọ” trong cơ thể, nhất là ở bộ phận tiêu hóa. Bởi vậy ăn các thứ chua, cay, chát (mận, cơm rượu…) vào để “giết sâu bọ”!
Hàng năm vào ngày 5 tháng 5 chúng lộ diện, nên là lúc phải “giết sâu bọ”. Bởi vậy Tết này còn gọi là Tết giết sâu bọ. Người ta cho rằng: ngày này mọi “sâu bọ” đều “trốn” hết cả! Nên mới có câu “Len lét như rắn mồng năm!”
Người ta lấy lá móng nhuộm các đầu móng tay, móng chân (trừ ngón trỏ), ăn rượu nếp, trứng luộc, cháo chè kê, bánh đa và các loại quả chua chát. Có nơi người lớn uống rượu xương bồ, trẻ em bôi thuốc hồng hoàng (vào thóp đầu, ngực và rốn) gọi là để trừ trùng. Một số vùng nông thôn còn lấy lá ngải cứu kết hình rồng rắn treo ở cửa. Vào chính ngọ (12 giờ trưa) rủ nhau đi hái các loại lá: ích mẫu, mâm xôi, cối xay… gọi là chè mồng năm, phơi khô để uống quanh năm. Hái hoa vừng bỏ vào chậu nước để rửa cho “mắt sáng” ra. Lại còn kết bùa bằng vải các màu hoa sen, quả khế đeo vào cổ trẻ em để trừ tà! Em gái đến độ tuổi xâu lỗ tai cũng chọn ngày này mà xâu. Không ít người lại mang áo đến xin dấu ấn của Phật, mong ma quỷ bệnh ác đừng quấy rầy.
Nhiều địa phương có tục “khảo cây”: một người trèo lên cây, một người ở dưới lấy gậy hoặc vồ đánh vào cây và dọa “nếu không ra quả sẽ chặt bỏ !”. Người ở trên “thay mặt cây” van xin rối rít và hứa năm nay sẽ ra nhiều quả !!!
Mọi nhà làm lễ cúng Gia tiên chủ yếu là xôi chè hương hoa quả phẩm, rượu nước và cúng vào giờ chính ngọ (12 giờ trưa).
Ở Trung quốc ngày mồng 5 tháng 5 là ngày giỗ của Khuất Nguyên. Một thi sĩ và cũng là một trung thần Trung Hoa. Khuất Nguyên khi còn làm quan, đã can ngăn Sở Hoài Vương. Hoài Vương không nghe, ông phẫn chí gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn. Dân Trung Quốc làm giỗ ông vào ngày 5 tháng 5 và cúng bằng cách ném các loại bánh bao, bánh ngọt cuốn chỉ ngũ sắc ở ngoài (có ý làm cá khỏi đớp mất) xuống sông.
Xem thế đủ biết ý nghĩa Tết Đoan ngọ của ta khác xa Trung quốc rất nhiều.
5 -) Rằm tháng Bảy
Rằm tháng Bảy, Trung quốc gọi là Tết Trung nguyên (中元). Người Việt nam chúng ta không có tết này. Rằm tháng Bảy của Việt Nam là ngày Báo Hiếu cha mẹ, Phật tử gọi là ngày lễ Vu Lan.
Rằm tháng Bảy còn là ngày xá tội vong nhân, dân gian gọi một cách nôm na là ngày cúng cô hồn.
Trước hết là ngày báo hiếu Cha mẹ:
– Rằm tháng bảy, ngày báo hiếu cha mẹ, gọi là ngày Lễ Vu lan hay Vu lan bồn (sự giải thoát).
Theo nhà Phật, một đệ tử là Mục Kiều Liên có quyền pháp vô biên, người trông thấy mẹ mình đang chịu tội đồ trong địa ngục, vì khi sống bà có nhiều tội tham lam độc ác, nên bị trừng phạt rất khổ sở thành ngạ quỷ (quỷ đói). Ngài vô cùng thương xót đem cơm cho mẹ; người mẹ vừa cầm, bát cơm liền biến thành than đỏ, vì nghiệp chướng còn nặng. Ngài Mục Kiều Liên vô cùng đau khổ và thương xót mẹ, ngài bạch với đức Phật xin được cứu vớt linh hồn mẹ siêu thoát. Đức Phật cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiều Liên.
Phật chỉ rằng: Đến rằm tháng bảy cùng các chư phật, chư tăng sửa lễ cúng Dàng, thành tâm thỉnh cầu chú nguyện, thì mẹ ông mới có thể siêu thoát. Theo lời dạy, đúng rằm tháng bảy, Mục Kiều Liên lập bồn Vu lan, thỉnh mời các chư tăng đến cầu nguyện kinh Vu lan. Nhờ vậy bà mẹ mới được siêu thoát.
Vào ngày ấy, tại các chùa thờ phật thường làm chay chân tế và cầu kinh Vu Lan. Còn các nhà thì bày cỗ cúng gia tiên, đốt vàng mã và các đồ dùng bằng vàng mã để người ở âm phủ dùng.
Hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy mọi người, mọi nhà cùng các tín đồ, Phật tử khắp nơi lại tưng bừng tổ chức ngày lễ Vu Lan với tín tâm cầu cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình sẽ được thoát khỏi tội đồ. Lễ Vu lan là dịp để con cháu nhớ tới công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà.
Ngày này khi vào chùa, ta thấy người nào cài trên ngực một bông hồng trắng, đó là người đã mất mẹ; cài hồng trắng để tỏ lòng thương xót và báo hiếu. Người còn mẹ thì cài trên ngực một bông hồng đỏ, thể hiện niềm vui và diễm phúc mình còn mẹ.
Theo quan niệm của nhân dân, Rằm tháng Bảy còn là ngày cầu nguyện, để cứu độ cho thân nhân đã khuất bóng, nếu bị nghiệp duyên ràng buộc, sớm nhẹ nghiệp và hết nghiệp; để được về nơi cảnh giới an lạc, sớm được giải thoát. Rằm tháng bảy hành lễ Vu Lan, còn nhằm cầu phúc cho người sống.
– Từ lòng báo hiếu cha mẹ, mở rộng ra có lễ cúng để cầu nguyện cho các linh hồn cô đơn, lang thang không nơi nương tựa, không ai cúng quải. Vì thế khi cúng gia tiên, các nhà còn có bát gạo, muối để cúng cô hồn. Cúng xong rải gạo muối ra lề đường cho cô hồn hưởng lộc.
Là ngày cúng nguyện cho thập loại chúng sinh, không may còn bị đọa lạc trong chín tầng địa ngục. Ngày của những người lính trận vong nơi sa trường:
“Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người?
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.”
(Chinh phụ ngâm – Đoàn Thị Điểm)
Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày:“Xá tội vong nhân”. Quan niệm rằng: Ở cõi âm các linh hồn chưa siêu thoát, sẽ được tự do một ngày vào rằm tháng bảy, họ lên dương gian xin lộc. Do đó các nhà chùa đều lập đàn cúng chúng sinh, đó là cúng cho những người chết không nhà, không cửa, chết vì binh đao trận mạc nơi sa trường không nơi nương tựa, linh hồn phiêu dạt bơ vơ…Trong Văn tế Thập loại chúng sinh, Nguyến Du viết:
“Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên”
Văn cúng cô hồn ở chùa có ghi:
“Thương ôi chết ở giữa dòng
Vong hồn trôi nổi biết rằng nơi đâu
Trăm nghìn kiểu chết khác nhau
Giữa đường xe cộ biết đâu mà lường“
Sau khi cúng, nhà chùa đem bỏng gạo, bỏng ngô, cháo hoa, bầy ra mẹt, nong, nia trước sân chùa và dọc đường để các vong hồn được hưởng. Có nơi múc cháo ra lá đa bên đường.
Ngày trước xung quanh đám cúng cháo, nhiều trẻ con trong làng tụ tập. Phần lớn là con trẻ nhà nghèo. Phần vì hiếu kỳ nhưng phần chính là để chờ cướp cháo. Vậy mới có câu”cướp cháo lá đa” là vậy!
Một số vùng nông thôn trước đây cũng lập đàn cúng chúng sinh ở cầu, quán, đình chùa. Cũng dịp này còn có tục “phóng sinh” thả chim và cá để cầu phúc.
*
Rằm tháng bảy còn có tục đốt mã, tức là đốt các vật dụng làm bằng giấy như vải vóc, quần áo xe cộ nhà cửa… còn gọi là “đốt bảy”, để “gửi” cho gia tiên dùng trong năm..
Cúng và đốt mã vào trưa ngày Rằm, đối với người mới mất thì cúng và đốt mã trước mồng mười.
Tùy tình hình, có nhà còn cúng “phóng sinh”, có gạo muối, cháo bỏng… để cúng cô hồn.
6 -) Tết trung Thu – Rằm tháng Tám.
Trung thu là giữa mùa thu vào ngày Rằm tháng Tám Âm lịch. Theo cách tính thông thường trong dân gian, mùa thu âm lịch gồm 3 tháng: 7,8,9. Rằm tháng 8 được coi như giữa mùa thu (khác với cách tính 24 tiết khí trong năm).
Theo các nhà khảo cổ: Tết Trung Thu ở Việt Nam đã có từ ngàn vạn năm trước, với những họa tiết minh hoạ trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Văn bia chùa Đọi (Hà Nam) dựng năm 1121 đời nhà Lý, nói rõ Tết Trung Thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đến đời Lê – Trịnh, Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa, trong “Tang thương ngẫu lục” và ” Hoàng Lê nhất thống chí” đã miêu tả.
Rằm tháng Tám, thời điểm trăng tròn và sáng đẹp nhất trong năm. Đây là món quà của tự nhiên ban tặng cho tất cả mọi người. Từ ông vua trên ngai vàng, đến người nông phu ở miền quê xa vắng, đều được tận hưởng vẻ đẹp mỹ miều ngà ngọc, của vầng trăng trong đêm rằm tháng Tám. Chẳng thế mà bài đồng dao từ xưa còn ghi:
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có khướu đánh đu
………………………..
Vầng trăng được nhân cách hóa, thổi hồn vào để sống như một con người, rất gần gũi làm bạn bè không những với mọi người, mà trước hết là bạn với trẻ con, trong đêm trăng thanh gió mát. Hòa nhập với lũ trẻ trong trò chơi rồng rắn, dung dăng dung dẻ!
Xem vậy đủ biết: Tết Trung thu là của người Việt Nam, mọi liên tưởng về sự tích Hằng Nga du nguyệt điện, Hậu Nghệ bắn mặt trời hay Đường Minh Hoàng… của Tàu, mà cho rằng Tết Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc là sai lầm, nếu như không phải là sùng ngoại.
Chẳng qua, trước vẻ đẹp mỹ miều của tự nhiên ban tặng; ai mà chẳng lãng mạn hóa tạo nên những truyền thuyết. Việt Nam ta cũng có truyền thuyết sự tích con thỏ ngọc và chú Cuội ngồi gốc cây đa đấy chứ. Chú Cuội vì sơ xẩy để cho người vợ cùng cây đa bay lên trời, chú nhảy theo bám vào rễ đa; đến nỗi khi tới mặt trăng mệt quá, ngồi bệt bên gốc cây đa quên mất việc chăn trâu!
Chú cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời!
Tết Trung Thu thường được coi là ngày Tết của trẻ em, ngày của đoàn viên, sum họp gia đình. Tết Trung Thu còn gọi là Tết Trông Trăng hay tết Đoàn Viên.
Tết của trẻ em là một cách nhìn nhân văn cao đẹp của cha ông ta. Mọi người đều có trách nhiệm đoàn viên sum họp, chung tay chăm lo mọi mặt cả vật chất và tinh thần cho con trẻ được ưu tiên tối đa. Ngay từ đầu tháng Tám, bố mẹ chú dì đã lo làm các loại đèn, đầu kỳ lân, sư tử… cho trẻ chơi trăng. Các mẹ các dì đã lo làm các loại bánh trái; lựa những trái cây to đẹp, dành lại trong vườn để đêm rằm bầy mâm cỗ Trung thu, được cùng nhau ngắm trăng rồi cả nhà phá cỗ.
Đêm Trung thu, trăng trong sáng và tròn đầy, tỏa ánh vàng mờ ảo làm cho mọi vật thêm lung linh huyền bí. Không chỉ có trẻ em, mà cả người lớn cũng ngất ngây ngắm nhìn chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa.
Bên trong cung Quảng hàn, chị Hằng cùng chú thỏ ngọc đang luyện đan, loại thuốc trường sinh bất tử, mà ngay đến Tần Thủy Hoàng cũng chỉ được thấy trong mơ!
Đêm Trung thu, là đêm của mộng và mơ, là đêm của thơ và nhạc; chẳng thế mà Tiên thi Lý Bạch ngồi trên thuyền vừa ngâm thơ vừa uống rượu, nhìn bóng trăng lay động dưới nước vội vàng nhảy xuống sông để vớt chị Hằng khỏi chết đuối! Thật lãng mạn biết bao!
Đêm Trung thu, ai cũng muốn được tắm mình trong ánh trăng vàng như thế. Bởi đó là đêm vừa hư vừa thực, đêm của huyền thoại! Ngoài đường làng ngõ xóm, trên đường phố sân chơi, trẻ con đeo mặt nạ đủ loại, tay rước đèn chạy theo đoàn múa lân trong nhịp trống “Tùng! Rinh! Rinh!…” Trung tâm của đêm Rằm là mâm cỗ Trung thu.
Nói là “cỗ” nhưng chẳng có xôi gà, tất cả chỉ là mâm hoa quả của mùa thu… Mùa thu gom góp cho đời những thứ trái thơm tinh khiết nhất. Hồng Hạc quả vuông, vỏ xanh lá mạ. Hồng Lạng quả tròn, da nhuộm chút nắng vàng. Hồng ngọc chín mọng, căng tròn, đỏ au màu đá Rubi. Cốm Vòng xanh mướt được gói trong lá sen. Ổi găng vàng mọng, ổi nậm hơi chua, ổi nghệ hơi chát, ổi đào tươi như lụa đào làm đẹp thêm cho mâm cỗ. Ngọt sắc là na. Chuối tiêu vàng lốm đốm trứng cuốc, quả thị thơm lừng, hay quả sấu chín vàng nhuộm nắng…đương nhiên không thiếu được quả bưởi vàng tròn vành vạnh, như chị Hằng ở trên cao nhìn xuống nhân gian, xem mọi nhà phá cỗ…
Mâm cỗ trông trăng đêm Trung thu còn để ngắm. Khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Trong Tết này, trẻ con được ưu tiên đặc biệt hơn cả. Khi con cháu ríu rít từ cuộc vui rước đèn trở về, quây quần quanh ông bà, cha mẹ để “phá” cỗ Trung thu. Ngắm nhìn cảnh ấy, ông bà cha mẹ mãn nguyện thả hồn phiêu diêu cùng ánh trăng vàng quên đi bao nỗi mệt nhọc.
Người miền nam có cách bày cỗ riêng biệt. Trọng tâm mâm cỗ Trung Thu thông thường là con chó được làm bằng tép bưởi, gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo, bánh thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép.
Tết Trung thu cúng gia tiên ngoài các thức hoa quả, bánh trái, còn có mâm cỗ mặn. Cúng gia tiên ban ngày để đêm cả nhà trông trăng phá cỗ.
7-) Tết Cơm Mới – Rằm tháng 10
Việt Nam là một quốc gia trồng lúa nước lâu đời. Mùa thu hoạch lớn nhất là từ cuối tháng chín đã bắt đầu gặt rộ. Lúa là một thứ lương thực quan trọng nhất của chúng ta. Bởi vậy có được sản phẩm đầu mùa, không thể quên ơn Tiên tổ.
Thực ra Tết cơm mới, không nhất định vào ngày rằm tháng mười. Tết cơm mới, từ mồng một đến rằm tháng Mười. Thông thường làm vào một trong ba ngày là: mồng một, mồng mười và rằm. Tùy từng nhà và tùy điều kiện, mà làm một trong ba ngày trên. Theo lịch Âm: rằm tháng Mười còn gọi là tết Hạ nguyên.
Lúa gặt về phơi khô quạt sạch, xay giã có gạo mới, đồ xôi, nấu cơm làm cỗ cúng Gia tiên, kèm theo vàng, hương, hoa, rượu, nước và hoa quả. Sau lễ cúng này, người ta mới được ăn cơm gạo mới.
Dịp Tết này con cháu đem quà và gạo mới, biếu ông bà cha mẹ và các bậc tôn kính.
Đây là một tục đẹp đầy tính nhân văn, lớp lớp hậu thế luôn nhớ công ơn dòng giống Tổ tiên, đã trải qua muôn đời đấu tranh, cải tạo thiên nhiên và chọn lọc, nhân giống giữ gìn những loài cây chất lượng nhất cho mai sau.
8 -) Tết Ông Táo – 23 tháng Chạp
Lấy ngày 23 tháng Chạp là Tết ông Táo, vì theo quan niệm cũ: ngày này Ngọc Hoàng mới mở cổng trời, cho ông Táo ở hạ giới vào chầu. Cũng như Rằm tháng Bảy, cõi Âm phủ mới mở cổng địa ngục cho cô hồn lên dương thế hưởng lộc cúng cô hồn.
Truyền rằng ngày này ông Táo (Táo quân 灶君, vua bếp) lên chầu trời để tâu việc làm ăn của mỗi gia đình trong năm với Ngọc Hoàng.
Lễ cúng đưa ông Táo lên trời, ngoài hương hoa trầu rượu, vàng mã, hoa quả, xôi, chân giò luộc… còn phải có hai mũ đàn ông một mũ đàn bà và ba đôi hia bằng hàng mã, cùng cá chép để vua bếp cưỡi lên chầu trời. Cúng xong đem hóa vàng áo mũ năm ngoái và những đôi hia mới mua, thả cá ra ao hoặc sông. Giữ lại áo mũ mới để năm sau đốt thay bộ khác.
Theo quan niệm trong dân gian, ngày 23 ông Táo lên Trời chầu Ngọc hoàng, trình tấu mọi việc tốt xấu của gia chủ trong năm, đến 30 Tết lại trở về nhà gia chủ ăn Tết.
Tết ông Táo là Tết cuối cùng trong một năm, nhưng lại cũng là cái Tết chuẩn bị bắt đầu cho một năm mới đón Tết Cổ truyền. Sau Tết ông Táo, không khí Tết cổ truyền đã rộn rịp lắm, ai cũng thấy thời gian trôi nhanh. Lòng lâng lâng đón đợi một sự kiện cũ từ ngàn xưa sắp đến, nhưng lúc nào cũng mới và rất mới!
Sau ngày 23 tháng Chạp, các gia đình có thể tiến hành dọn bàn thờ (quét, đánh bóng các đồ thờ bằng đồng, lau rửa bát hương…), tỉa chân hương, hoặc bỏ hết chân hương cũ.
9 -) Cúng Rằm – Mồng Một hàng tháng
Theo phong tục, nhân dân ta đều cúng rằm và mồng một hàng tháng. Đây là một tục không nhà nào là không cúng.
– Ngày mồng một gọi là ngày sóc. Nguyên nghĩa từ sóc (朔) là khởi đầu, bắt đầu. Ngày mồng một là ngày bắt đầu của một tháng nên gọi là ngày sóc.
– Ngày Rằm gọi là ngày vọng (望).Vọng có nghĩa là nhìn xa trông rộng, ngày mặt trăng, mặt trời đối xứng nhau ở hai cực xa nhất trong tháng.
Người xưa cho rằng: Ngày này, mặt trăng mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau; soi chiếu vào mọi tâm hồn. Con người trở nên sáng suốt trong sạch; đẩy lùi được mọi đen tối vẩn đục trong lòng.
Nhờ sự thông suốt của mặt trăng mặt trời, nên thần thánh và Tổ tiên ông bà sẽ thông thương với con người. Lòng thành cầu nguyện, sẽ đạt tới sự cảm ứng giữa quỷ thần và con người trong tiểu vũ trụ “thiên địa nhân”(天地人), nên luôn được an lành.
Trải qua quá trình lịch sử và ảnh hưởng của các trào lưu tôn giáo; ngày Sóc, Vọng được nhận thức mỗi nơi có khác nhau ít nhiều tùy theo con người, thổ nhưỡng và tín ngưỡng chủ đạo. Nhưng việc cúng lễ ở hai ngày này giống nhau và coi như là một lễ.
Người Việt ta coi ngày Sóc, Vọng là ngày tưởng nhớ tổ tiên, cúng ông bà, ông vải. Ngày Sóc, Vọng còn có ý nghĩa “Cát tường吉祥” là ngày tốt nhất trong tháng.
Đối với Phật giáo, ngày Sóc, Vọng là ngày “Trưởng tịnh長浄” tức là ngày trong sạch nhất. Ngày này, tu sĩ ở chùa làm lễ Bố-tát, tức là kiểm điểm hành vi của mình và tụng giới luật. Lễ chính thức cho người theo đạo Phật là lễ “Sám hối懺悔” nên còn gọi là ngày Sám hối. Ngày này phật tử về chùa vào buổi tối cùng các vị Tăng ni lễ Phật, sám hối cầu nguyện bỏ điều dữ làm điều lành, sửa đổi bản thân.
Có thể cúng vào sáng Mồng một và sáng ngày Rằm, hoặc cúng vào chiều ngày 30 và chiều ngày 14 hàng tháng đều được.
Lễ vật cúng hai ngày này đơn giản, chỉ cần hương hoa, trầu rượu, nước và hoa quả.
10- ) Cúng Ông Táo trước mọi lễ cúng
Trong năm, có nhiều lễ cúng trong một nhà, trước khi cúng các lễ như Tết, Rằm Mồng một, Ngày giỗ… đều phải cúng ông Táo trước. Bởi lẽ ông Táo quản mọi việc trong nhà, có cáo ông Táo biết mới cho phép gia tiên về hưởng lễ.
Khi cúng ông Táo dịp này, không cần văn cúng dài. Chỉ cần cáo lí do và xin cho gia tiên hoặc người được cúng giỗ về hưởng lễ.
B – CÚNG CÁC NGÀY GIỖ TRONG NĂM
Làm giỗ là để tỏ lòng hiếu nghĩa của người sống đối với người đã khuất, luôn nhớ tới công lao sinh thành, dưỡng dục và dựng xây gia tộc của ông bà cha mẹ. Nhờ vậy con cháu mới được hưởng lộc và trưởng thành như hôm nay.
Nếu thực hiện trọn vẹn, người con trưởng phải nhắc nhở các em cùng mình cúng giỗ bốn đời trong một năm gồm: Kỵ ông kỵ bà, Cụ ông cụ bà, Ông nội bà nội và Cha mẹ mình. Đây là bốn giỗ chính không thể bỏ được.
Tuy vậy phần lớn chỉ thực hiện được hai đời là Ông Bà Cha Mẹ. Ngày trước vì ở cùng làng xóm nên những người con thứ không được làm giỗ tại nhà, mà phải đến nhà người con trưởng góp giỗ. Ngày nay đã thay đổi. Nếu tiện thì góp làm giỗ chung ở nhà con trưởng. Xa xôi cách trở thì nhà nào làm tại nhà nấy. Có câu: “Con đâu cha mẹ đấy”. Vì ông bà cha mẹ Tổ tiên là chung cho mọi thành viên.
Hiện nay có người quên giỗ ngay cả cha mẹ mình, nhất là con thứ. Một số người làm ăn nơi xa xứ, vì cuộc mưu sinh vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày, mải làm ăn không nhớ ngày giỗ. Việc này người anh trưởng cần chủ động nhắc nhở các em. Người ở xa không về quê được, tổ chức làm giỗ cúng vọng gia tiên, đồng thời điện về quê cho anh em họ hàng, bầy tỏ lòng hiếu thuận và cũng là tự nhắc nhủ với chính mình.
Trong nhà nên làm một bản thống kê các ngày giỗ chính trong năm. Bản này treo ở cạnh bàn thờ và gửi cho các em để mọi người đều nhớ.
(Ông bà ngoại ở đây là bố mẹ vợ của cha mình. Còn giỗ bên ngoại của các con trai, mỗi người đều phải nhớ để trọn vẹn đạo hiếu)
Ngày giỗ chính hàng năm, được cúng vào ngày mất của người được cúng. Gọi là Chính Kỵ (正忌). Theo tục lệ chia làm giỗ gần (Cha, mẹ), giỗ xa (ông bà , Cụ, Kỵ). Các nhà đều ghi ngày giỗ trong gia phả, hoặc ghi ra giấy để nhớ giỗ.
Người xưa còn có tục làm lễ cáo mời người có giỗ và Gia tiên về trước ngày giỗ chính. Lễ ấy gọi là “Lễ tiên thường” hoặc “cáo kỵ”. Trong Lễ tiên thường người ta cúng đơn giản, như một lời mời để ngày mai mới là giỗ chính. Tục này vẫn có một số gia đình làm.
Trước Lễ tiên thường, con cháu thường ra nghĩa địa dọn dẹp sạch sẽ mộ chí, thắp hương cáo thổ thần long mạch trông coi nghĩa địa cho phép hương hồn người được cúng giỗ và hương hồn các vị gia tiên được về “ăn giỗ”. Xong việc ở nghĩa địa, mới về làm lễ tiên thường. Lễ tiên thường bao giờ cũng làm vào chiều hôm trước giỗ chính, lễ vật đơn giản chỉ cần trầu rượu, hoa quả là được. Bây giờ người ta chỉ làm giỗ chính kỵ, ít người là lễ tiên thường.
Giỗ chính thường làm vào buổi sáng. Lễ vật dâng cúng là tùy tâm, tùy hoàn cảnh. Ông bà cha mẹ…cốt chứng lòng thành tâm của con cháu “Tâm động quỷ thần tri.心动傀神知” (Nghĩ gì Quỷ thần biết cả). Thông thường có cỗ xôi con gà và một mâm cỗ mặn. Các lễ vật khác phải có gồm: trầu, rượu, vàng (tiền âm phủ), hương, hoa, hoa quả và hai cây nến. Sau khi đặt đủ lễ vật lên bàn thờ. Người cúng phải ăn mặc chỉnh tề nghiêm túc. (Ngày trước người chủ lễ mặc áo the, quần trắng, khăn xếp) thắp hai cây nến (thể hiện hai vầng nhật nguyệt), thắp ba hoặc năm nén hương dâng cao ngang trán cắm vào bát hương, vái ba vái rồi mới đọc văn khấn. (Vái là các ngón tay đan vào nhau, đưa cao ngang trán. Lễ là hai bàn tay úp vào nhau cao ngang trán). Sau khi đọc văn khấn, chủ lễ làm tiếp ba lễ và lui ra cho con cháu vào hành lễ.
Con cháu tập trung đứng sau người chủ lễ, hai bàn tay úp vào nhau đưa ngang tầm ngực, im lặng trang nghiêm.
Khi chủ lễ đọc văn khấn, chỉ lầm rầm để tỏ lòng nghiêm cẩn, kính trọng đối với người đã khuất. Tên người được cúng giỗ phải đọc rất nhỏ cả tên húy, tên thụy. Chỉ đọc to những điều cần nhắc nhở con cháu trong nhà gìn giữ đạo lý gia phong, thương yêu đùm bọc giúp nhau trong mọi việc.
Đọc văn khấn xong, người chủ lễ tiến hành ba lễ (ba vái) rồi lui ra. Con cháu theo thứ tự vào làm ba lễ. Chủ lễ hạ tấm y môn xuống (nếu có) để ông vải thụ hưởng kín đáo. Con cháu không nhìn lên và không được làm ồn.
Tuần hương đầu cháy gần hết, chủ lễ thắp tiếp tuần hương thứ hai và xin được hạ lễ, hóa vàng.
Quan khách và con cháu quây quần bên mâm cỗ, không khí vui vẻ đầm ấm, “con cháu được ngày giỗ ông”! Điều này khác biệt hẳn so với người phương Tây. Họ chỉ làm sinh nhật mà thôi.
C- CÚNG KHI CÓ VIỆC TRỌNG ĐẠI
Khi có sự việc trọng đại, các nhà có lễ và lên hương kính cáo Gia tiên: Cưới, Tang và khởi sự các việc quan trọng. Nội dung kính cáo gia tiên việc trọng đại, trình xin các vị liệt tổ liệt tông phù hộ cho công việc hanh thông hoàn thành tốt đẹp
*
* *
Trên đây là nội dung cơ bản và tối thiểu trong việc Thờ cúng tổ tiên
Chúng tôi kính mong các độc giả, nhất là các độc giả lớn tuổi hiểu biết nhiều về những vấn đề này sẽ chỉ vẽ thêm, bổ sung cho nội dung được hoàn chỉnh.
Xin chân thành cám ơn.
Nguyễn Quý Phong
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1 – Luận ngữ – Mạnh Tử: Trong bộ Tứ thư.
2 – Phong tục Việt nam: của Phan Kế Bính
3 – Việt Nam Văn hóa sử cương: của Đào duy Anh
4 – Tập Văn cúng Gia tiên: của Tân Việt
5 – Việc Họ: của Tân Việt
6 – Thờ cúng Tổ tiên: của Toan Ánh
7 – Mùa Xuân và phong tục VN: Trần Quốc Vượng chủ biên
8 – Sổ tay Văn hóa VN: của Đặng Đức Siêu
9 – Từ điển Văn hóa Gia đình: nxb Văn hóa Thông tin
10 – Tài liệu và ảnh trên mạng internet