CỤ ĐỒ NHO CUỐI CÙNG CỦA LÀNG TÔI

CỤ ĐỒ NHO CUỐI CÙNG CỦA LÀNG TÔI

CỤ ĐỒ NHO CUỐI CÙNG CỦA LÀNG TÔI

Hơn mười năm trước, tôi gặp cụ ở Lễ Hội chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Âu cũng là một cơ duyên không hẹn trước. Hôm ấy khi xuống phủ Mẫu, tôi nhìn thấy một tấm vải đỏ treo trước phủ viết bằng mực nho bốn chữ “母儀天下- Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn dân). Tôi tròn mắt ngắm nhìn, sao đẹp quá ta! Ai viết mà đẹp và có hồn vậy? nét bút rắn rỏi dứt khoát…một bút lực mạnh mẽ phóng khoáng! Tôi hỏi một anh bạn trong làng:
– Ai viết bốn chữ Nho này thế?
– Cụ Toàn Mai ở xóm Thừa. Rồi anh chỉ về dãy ghế dưới gốc cây nói:
– Cụ Toàn Mai đang ngồi kia kìa.
Trước mắt tôi là một cụ già ngoại tám mươi, da hồng hào có đôi mắt cười rất hiền. Mái tóc trắng lơ thơ rủ xuống vầng trán cao. Cụ mặc bộ quần áo pizama kẻ sọc, chiếc ô để bên cạnh. Tôi nghe tên cụ từ lâu, nhưng ít khi về làng nên chưa được gặp.
Anh Toàn con cả của cụ kém tôi dăm tuổi. Làng tôi có tục gọi tên người khá độc đáo: Con gái lấy chồng bị mất tên gọi, mà gọi theo tên chồng: anh Ất, chị Ất. Khi chưa có con gọi là anh nhiêu Ất, chị nhiêu Ất. Có con trai gọi là anh cò Ất, chị cò Ất. Có con gái gọi là anh hĩm Ất, chị hĩm Ất. Tên bố được gắn sau tên con đầu lòng để phân biệt với các nhà khác. Cụ tên là Mai, con đầu là Toàn nên làng gọi là ông Toàn Mai.
– Con chào cụ.
Ông ngước nhìn tôi ngạc nhiên vẻ thăm dò
– Con là Phong. Con ông Đạt ở cuối xóm Hàng, bố con ngày trước đi buôn bè ấy mà!
– Chào anh Phong, ai chứ ông Đạt tôi biết; cả làng này biết trước ông buôn bè, từ khi lấy bà kế, ông chuyển sang nghề nấu nước mắm.
– Vâng ! hồi ở nhà con vẫn gánh nước mắm cho mẹ kế đi chợ Bút bán !
Ông cười hiền nghe tôi, rồi nói:
– Ông Đạt có chú em tên là Công, hồi trước học chữ Nho với ông cụ nhà tôi. Hai đứa chúng tôi chơi thân lắm, Công sáng dạ, đọc thuộc làu làu các bài trong “Ấu học ngũ ngôn thi” không sót chữ nào. Chữ viết rõ ràng chỉ cái là bị xước gẫy. Ông cụ nhà tôi bắt chép lại nhiều lần…Ông ngước mắt nhìn xa xăm chìm vào hồi ức.
– Tôi thành phần địa chủ khổ đã đành, ông Công thành phần cơ bản mà khổ suốt một đời. Những năm làm ăn HTX, còn chạy lên tận Kim Tân – Thạch Thành buôn sắn, củ từ rồi hoa quả các loại… đói vẫn hoàn đói.
Ông nhắc tới người bạn học trò, một thời cửa Khổng sân Trình, làm tôi nhớ tới ông chú. Chú tôi là thế hệ cuối cùng học chữ Nho vào những năm ba mươi của thế kỷ trước. Bấy giờ làng tôi có tới trên dưới hai mươi thầy đồ, phần lớn dạy cho con em trong làng. Cũng có vài ông ra tận kinh bắc dạy học rồi an cư lập nghiệp luôn. Họ Nguyễn nhà ông Lý Thao có tới hai ông thành dân Từ Sơn Bắc Ninh. Hai thầy đồ có tiếng và đông học trò trong làng là ông Hương Hoan và ông Lý Thao. Chú tôi học với ông Hương Hoan là thân sinh của cụ Toàn Mai.
                                                                *
                                                              *   *
Cuối những năm chín mươi, dân ta nổi lên phong trào phục hồi văn hóa cổ…làng xã thì trùng tu, tôn tạo đình chùa miếu mạo; dòng họ thì sửa sang hoặc làm nhà thờ, lục tìm gia phả dịch ra cho con cháu biết cội nguồn…
Khổ nỗi, biến cố long trời lở đất trong CCRĐ 1955 – 1956, bọn đế quốc phong kiến đã thành mây khói bay đi mất cả. Nhà nào có sách chữ Tây và chữ Nho, gia phả đều bị tịch thu hết, tập trung về cây đa chùa Chung, dưới sự chỉ huy của đội phó đội CCRĐ và bí thư Thanh, các anh chị thanh niên cứu quốc, châm lửa đốt hết các sách chữ Nho, chữ Tây, các văn tự trích lục ruộng đất, gia phả dòng họ. Dưới nắng hè, ngọn lửa thiêu càng bén nhanh, gió thổi bốc lên cao những tàn giấy trắng bạc rơi lả tả như những cánh bướm rụng xuống trắng mặt cỏ.
Mọi người như nhập đồng, men say càng ngấm, mắt đỏ đọc lòng đầy căm thù càng gào to lên: “Đả đảo đế quốc phong kiến! Nông dân vùng lên!” Đội thiếu nhi chúng tôi được dịp thẳng tay phang trống cà rùng. Không gian bị vỡ vụn ra bởi tiếng trống, tiếng hô khẩu hiệu vang vọng cả một vùng từ cánh đồng Cửa, đồng Ao, ruộng Hào… từ bờ giếng ngoài, qua giếng Quai, tới khu ruộng bờ giếng trong vào làng, làm mọi người đổ ra ngõ đồng, nghển cổ trông ra đám khói đen mù mịt ở cây đa chùa Chung.
Cuối những năm chín mươi, trong cuộc họp họ, các bác các chú, các o các dì cũng đã sang tuổi “xưa nay hiếm” đều có tâm nguyện phải viết lại gia phả. Các ông bà rất tự hào vì cụ Trưởng chi từng làm chánh tổng. Lúc đương chức, cụ làm nhà gỗ lim bảy gian với năm bậc thềm. Như vậy là phạm thượng, quan huyện sức về bắt hạ nền và thu lại còn năm gian. Ngôi nhà thờ ấy nay là một trong những ngôi nhà cổ còn sót lại của làng. Các cụ nói: làng tôi khi ấy có hai đám ma to nhất cả vùng: đám ma cụ Đồ và đám ma ông Cai Thừa. Quan tài quàn lại suốt ba tháng tế lễ, khi đưa ma làm nhà trạm để nghỉ và tế!
Nhắc lại chuyện xưa các ông bà tự hào lắm, tôi thầm nghĩ nếu cụ tổ sống thời kỳ CCRĐ, cầm chắc sẽ bị bắn vì là địa chủ cường hào gian ác, tay sai của đế quốc phong kiến!
Cuối cùng các ông bà giao cho tôi trọng trách chấp bút gia phả. Quả là đáy bể mò kim, tôi gặp các cụ cao niên, tìm hiểu về quê hương bản quán… Tôi lục cái tráp đen bố tôi để trong góc tủ. Không hiểu sao, bố tôi vẫn giữ được các bản trích lục ruộng đất ghi bằng ba loại chữ: chữ Pháp, chữ Nho và chữ Việt. Thì ra nhà tôi có bảy sào ruộng, toàn loại thượng đẳng điền, bố tôi buôn bè nên có tiền đều mua ruộng…May là dưới một mẫu, nên không bị quy lên địa chủ, chỉ là thành phần trung nông thôi. Bảy sào ruộng ấy, cùng với cày bừa nông cụ phải nộp cho HTX làm ăn tập thể; để rồi cuối vụ được chia theo công điểm chẳng được bao nhiêu, quanh năm không thoát cảnh đói ăn, phải chạy chợ tìm thêm nghề phụ kiếm sống. Mọi người tự hào thành dân vô sản…Mang lí lịch thành phần trung gian và tiểu tư sản học sinh, nên đường đi của tôi luôn lận đận…
Trong tập trích lục, có bản văn tự bằng chữ nho, do chú Công viết ghi lại việc phân chia đất hương hỏa cho ba anh em trong họ. Chữ chân rõ ràng, nhưng nét bị gẫy xước. Người ta nói nét chữ nết người, phải chăng nét chữ phản chiếu cuộc đời chú tôi long đong khổ sở như cụ Toàn Mai nói?
Cụ Toàn Mai dịch rộng chỗ, cho tôi ngồi cạnh. Tôi mừng thầm, vì có một cụ cao niên thâm nho còn sót lại của làng. Mấy năm trước, cũng không có việc gì liên quan tới chữ nho, nên tôi không mấy để ý. Các cụ biết chữ nho trong làng lần lượt ra đi cả: cụ Quýnh, cụ Phú Bường, cụ Tuân Suốn…Tôi đã nhờ cụ Tuân Suốn đọc và giải thích mấy bài vị của dòng họ, vì thế mới biết ngày sinh, ngày mất của các cụ. Lần này gặp được cụ Toàn Mai tôi mừng lắm.
– Thưa cụ! bốn chữ “母儀天下- Mẫu Nghi Thiên Hạ” (Mẹ của muôn dân) cụ viết đẹp lắm, con rất thích. Bút lực khỏe, dáng bay thanh thoát, chẳng kém gì nhà thư pháp Lê Xuân Hòa ở làng Phú Khê.
Cụ nhìn tôi thăm dò:
– Anh cũng biết chữ nho?
– Dạ! Con cũng võ vẽ dăm ba chữ hồi học phổ thông.
– Ra vậy! Nhà trường dạy chữ Trung Quốc lối mới, gọi là bạch thoại. Chúng tôi học lối Văn Ngôn của các cụ xưa. Người học Văn Ngôn thì hiểu bạch thoại, còn người học bạch thoại không thể dịch được văn ngôn.
– Vâng thưa cụ, anh bạn tôi nói chuyện: nhà có một sắc phong từ thời Hồ Quý Ly, giao cho đứa cháu cử nhân tiếng Trung dịch. Nó không dịch được, tôi xem hiểu nghĩa, nhưng dịch không chính xác, phải lên Thanh nhờ cụ Uông dịch, mới biết công tích cụ tổ đã hiến kế và tổ chức cứu thuyền Hồ Quý Ly thoát cạn, được nhà vua phong tướng.
Cụ cười sảng khoái, tâm đắc với câu chuyện tôi kể.
– Thưa cụ! Con hiện không ở làng, thỉnh thoảng có việc mới về, rồi lại đi ngay. Được gặp cụ con mừng lắm! Xin cụ cho phép con đến học, được cụ chỉ vẽ cách viết chữ nho.
Cụ tròn mắt nhìn tôi ra chiều ngạc nhiên, thời này còn có kẻ dở hơi ta! Cụ cười lớn, làm mọi người chung quanh quay lại nhìn, nhưng cụ cười càng to hơn:
– Anh nói thật hay dỡn tôi vậy?
– Thưa cụ con đâu dám dỡn. Con thật lòng mà. Chả là con thích xem các câu đối, hoành phi, đại tự, trong các đình chùa… Con loay hoay vẽ chữ bằng chì trước, rồi mới tô mực sau. Vẽ xong con phải vứt đi vì xấu hổ, lỡ ai xem họ cười chết mất!
– Anh vứt đi là đúng đấy, viết câu đối hay đại tự, phải dùng bút lông lớn, thấm vào nghiên mực lựa cho vừa đủ viết một chữ. Đặt bút lên giấy viết liền một mạch, thì chữ mới có hồn, thể hiện được cái tâm của người viết. Anh nói vậy, tôi sẵn lòng giúp anh.
Được cụ nhận lời, tôi mừng lắm. Những tưởng cụ từ chối, không ngờ cụ xởi lởi và gần gũi đến vậy. Mới gặp lần đầu mà tôi thấy tình cảm thân thiết cụ dành cho tôi, như thầy giáo dành cho học trò.
                                                             *
                                                           *  *
Đúng lời hẹn, tôi có mặt để bái Thầy làm sư phụ. Đó là một ngày cuối thu, đã bảy giờ rồi, mà sương mai còn giăng mắc một màu lam mờ mịt khắp cả xóm làng. Tiết trời se se lạnh. Thấy tôi đẩy xe đạp vào cổng, cụ ra sân đón với nụ cười đôn hậu:
– Tôi vừa pha ấm trà sen đợi anh!
– Dạ ! Tối hôm qua con về đã muộn, nên chưa lên thăm cụ ngay được.
Chiêu ngụm trà sen hương thơm vị đậm, tôi nhận ra ngay mùi vị nước ao sen làng, không lẫn đi đâu được. Cụ cho biết : nhà có hẳn một bể nước mưa bốn khối, nhưng cụ không bao giờ dùng pha trà, nước nhạt thếch mất vị trà. Giếng cả làng đều nước gạch cua, nhưng lạ một điều là nước ao sen luôn trong veo, vị ngọt và không “cứng”. Ao sen đào từ năm 1118 cùng với việc trùng tu chùa Sùng Nghiêm, sau chuyến tuần du phương Nam của vua Lý Nhân Tông về làng Duy Tinh, thị sát trấn Thanh Hoa (tỉnh Thanh Hóa) do Chu Nguyên Hạo làm trưởng trấn. Đã ngàn năm tuổi rồi mà nước ao sen vẫn vậy. Bây giờ nhiều nhà có bể nước mưa, nhưng vẫn không ít nhà gánh nước ao sen về làm nước uống. Ở góc thềm nhà cụ, có chiếc chum sành đựng nước ao sen.
Tôi ngạc nhiên, nhìn cụ phe phẩy chiếc quạt mo trước miệng hỏa lò, than củi hồng lên đỏ rực. Chiếc siêu trà bằng đồng, lớn hơn cái bát ăn cơm, cán khảm trai là tay cầm; từ vòi ấm phun ra một làn hơi nước với tiếng reo nho nhỏ.
– Thưa cụ! để con lấy phích nước pha cho tiện…
– Ấy đừng, phích ấy tuy là nước sôi, nhưng làm sao bằng được nước sôi giòn trên hỏa lò.
Cụ rót nước vào ấm trà xong, lại đặt siêu lên hỏa lò, rồi dùng ca múc nước lạnh đổ vào. Bộ nhị ẩm của cụ bây giờ là của hiếm: một chiếc ấm, một cái tống và hai chén con để trong một chiếc đĩa phẳng lòng, thành cao khoảng một phân. Bộ nhị ẩm bằng đất nung màu gan gà, tất cả được bịt đồng xung quanh vành miệng vàng chóe. Dưới đít có khắc chìm hai chữ “nội phủ” (Đồ dùng trong cung vua). Cụ thong thả rót trà ra cái tống, rồi từ tống cụ san đều cho hai chén.
– Rót trà cho hai chén như thế này mới đều nhau chất lượng.
Quả là ẩm thực cũng lắm công phu, chẳng thế mà Nhật Bản có Trà đạo. Từ việc đơn giản là uống trà, tới cách pha, rồi nghi thức thưởng thức trà, được đúc kết thành “Trà đạo”.
Nhìn cụ pha trà, tôi nhớ lại khi còn học lớp Năm; khoảng giờ Dần bố tôi đánh thức tôi dậy học bài. Ông bảo học lúc này mau nhớ, mau thuộc. Bấy giờ phải học thuộc lòng các bài thơ, đoạn văn và các định lý, công thức…Trong khi tôi gào to: “rắn là một loài bò…sát không chân…” thì bố tôi quạt hỏa lò pha nước trà tàu uống. Bố tôi có bộ độc ẩm màu gan gà, ấm nhỏ xíu bằng quả quýt với cái chén to bằng mắt trâu. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn đem ra ngắm…Cứ dăm bữa tôi lại ra hiệu tạp hóa đầu phố mua gói trà “Chính Xuân”. Lượng trà khoảng 30 gam, gói trong hai lớp giấy thành một hình lập phương. Cả sáu mặt đều trang trí hai chữ “Chính Xuân” bằng chữ Việt và chữ nho rất đẹp.
Tôi soạn mấy thứ để thắp hương, trong đó có các thứ học cụ: Một gam giấy A4, một hộp bút lông 12 chiếc và một lọ mực tàu pha sẵn của Trung Quốc. Cụ đưa tôi vào thư phòng, đó là một gian lồi có cửa đi ra thềm. Cụ ở một mình, trong ngôi nhà ngói ba gian. Gian giữa để thờ và tiếp khách. Gian bên cạnh kê giường ngủ của cụ. Phía trong gian lồi là buồng. Sân rộng trên hai mươi mét vuông lát gạch bát, trước sân là một khoảnh đất nhỏ có hai cây cau và mấy bụi hoa lan, hoa hồng; đi vòng ra phía sau nhà, là một bể nước mưa 4 khối. Một không gian yên tĩnh, làm cho ta thư thái và an nhiên tự tại…
– Thưa cụ, cụ ở có một mình?
– Phải! nhưng cũng không phải…cụ chậm rãi cho tôi biết: Nhà cháu cụ đối diện bên kia đường, hàng ngày đứa chắt trai sang học bài, tối ngủ với cụ. Ăn uống tôi sang nhà cháu, bữa nào mưa gió nó mang cơm sang cho tôi…
Ra vậy! Nhìn cơ ngơi và cách sống, tôi thầm ước: giá như tôi cũng được ở như thế, để tránh xa sự ồn ào nơi thị thành…
Thư phòng của cụ là gian lồi khoảng chín mét vuông. Một cửa đi ra thềm, một cửa thông với buồng, còn cửa sổ nhìn thẳng ra ngoài sân. Tôi ngạc nhiên hơn, biết đây còn là nơi cụ bốc thuốc bắc. Một tủ thuốc với nhiều ngăn kéo ta thường thấy ở hàng thuốc bắc, bên cạnh là cái giá nhiều ngăn bày đặt các thứ, từ sách vở đến các dụng cụ thường dùng. Chiếc bàn kê ngay dưới cửa sổ, trên bàn có con dao cầu, một vỏ lon sữa cắm bút lông, một chồng sách, cái bàn tính và một tờ sớ đang viết dở… góc trong chân bàn là cái thuyền gang nghiền thuốc.
– Thưa cụ! cụ còn có nghề bốc thuốc bắc?
– Ngày trước tôi được cụ thân sinh dạy thêm về y lý, cuối những năm 50 tôi học thêm cụ chủ cửa hàng thuốc bắc Tế Sinh Đường ở thành phố Nam Định. Khi tôi ra đấy kiếm sống, chuyện đời còn dài rồi tôi sẽ kể cho anh nghe sau…
Trên tường cụ treo đầy các chữ nho do chính tay cụ viết: Phúc – Lộc – Thọ – Khang – Ninh – Tâm – Đức – Nhẫn – Trí… Tôi đặc biệt chú ý tới bốn bức tranh chữ, viết về bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông. Đây là một bài thơ ngũ ngôn cổ, nói về thú tiêu dao của tao nhân mặc khách, thưởng lãm vẻ đẹp đặc trưng của từng mùa.
春遊芳草地,Xuân du phương thảo địa
夏賞綠荷池,Hạ thưởng lục hà trì
秋飲黃花酒,Thu ẩm hoàng hoa tửu
冬吟白雪詩. Đông ngâm bạch tuyết thi.
Võ vẽ chút ít về quảng cáo và hội họa, tôi nhận ra sự tinh tế trong bố cục, quy luật viễn cận hài hòa, điểm nhấn mạnh, làm cho người xem đầy cảm súc. Bốn mùa xuân hạ thu đông, được cụ viết to và nổi bật nhất; bốn thú chơi tao nhã được cụ viết nhỏ hơn một chút; còn lại ba chữ đặc trưng của bốn mùa, cụ viết thành một dòng bên trái. Nét bút mạnh mẽ dứt khoát, nhưng mềm mại bay bướm, tao nhã và phóng khoáng. Tôi như được dẫn dắt và thưởng lãm vẻ đẹp của từng mùa…
           
– Ta bắt đầu anh Phong nhỉ!
– Dạ!
Tiếng nói của cụ đưa tôi trở về với thực tại. Tôi soạn giấy bút và đổ mực ra cái đĩa.
– Trước hết tôi hướng dẫn anh cách cầm cây bút lông. Có nhiều cách cầm bút lông, nhưng cách cơ bản là NGŨ CHỈ CHẤP BÚT: Đây là cách cầm bút thông dụng và phổ biến nhất. Giữ thân bút bằng ba ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Đầu ngón tay cái áp sát vào thân bút. Ba ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn áp sát vào thân bút. Ngón út không chạm vào thân bút, mà tựa nhẹ vào ngón áp út. Bút phải vuông góc với mặt giấy, khi viết các ngón tay và cổ tay thoải mái không gồng cứng. Lưng thẳng, vai luôn ngang và thả lỏng.
Tôi loay hoay gần nửa tiếng, thao tác nhiều lần. Cụ nhìn tôi cười hiền, ra chiều thông cảm với anh học trò già, đã tròn một vòng hoa giáp 60 tuổi. Cụ chuyển qua hướng dẫn viết sáu nét cơ bản: ngang, sổ, phẩy, mác, chấm và hất. Tôi mải miết như anh thợ cày. Buổi học đầu tiên làm tôi mệt bã người ra…
Một tuần được cụ dạy bảo rồi cũng qua. Một thầy một trò nên cũng tiện, có gì chưa rõ được Thầy trực tiếp bảo. Nhìn chữ tôi viết cụ chỉ cười, tôi biết chắc là không đạt. Ngày cuối cùng tôi nạp “ống quyển” và mạnh dạn hỏi cụ:
– Thưa cụ, cụ cho con mấy điểm?
Cụ cười to thông cảm.
– Sáu điểm! Nhưng nể anh là học trò già lại chịu khó, nên thêm cho anh một điểm!
Nghe cụ nói tôi rất vui, vì tôi chỉ mong sao biết được những điều cơ bản. Muốn viết đẹp còn phải luyện nhiều. Cụ đã ngoại tám mươi rồi mới viết được như vậy. Tôi tự an ủi: một tuần được như thế là khá rồi!
Cụ thường xuyên có khách: khi là con bệnh đến khám và bốc thuốc, khi là mấy ông bạn già trong làng đến chơi…Những lúc ấy, tôi phải mang giấy bút ra ngồi bệt ngoài thềm tập viết…
Nhiều hôm, hai thầy trò ngồi nói chuyện cả buổi. Cụ coi tôi là người bạn vong niên. Cụ kể cho tôi nghe nhiều chuyện làng xã. Chuyện cuộc đời ba chìm bảy nổi…Cụ chìm vào ký ức với giọng trầm đều:
– Bố tôi là hương bạ của làng, cụ bỏ tiền ra mua để khỏi phải đi phu phen tạp dịch. Việc chính của cụ là dạy học và bốc thuốc. Mẹ tôi lam làm, ngoài công việc đồng áng còn chạy chợ. Nhà tôi cũng có đồng ra đồng vào, nên mua được gần hai mẫu ruộng. Đó là chỉ tiêu đủ và thừa, để nhà tôi bị quy lên địa chủ hồi CCRĐ.
Lên bảy tuổi tôi bắt đầu học chữ nho, mười lăm tuổi tôi đã được bố dạy, “Kinh Thi”, “Kinh Thư” và “Kinh Lễ”…Bố tôi bắt học thuộc một số bài thơ Đường nổi tiếng của Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ và Vương Bột… Bố tôi còn kèm cho học nho y qua các sách: “Hồng Nghĩa Giác Tự Y Thư”, “Nam Dược Thần Hiệu” của Tuệ Tĩnh… Nhà tôi hiện còn bộ “Khang Hy Tự Điển” 32 quyển, hồi CCRĐ tôi dấu vào chum đem chôn ở chuồng bò. Mãi đến sau năm 1975 tôi đào lên, may vẫn còn nguyên vẹn. Anh Nguyễn Thiện Phúc con cụ giáo Nậm – Hiệu phó Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, đến thăm tôi và xem bộ Tự Điển này!
Cụ đưa tôi vào buồng, mang bộ Tự Điển ra xem. Bộ Tự Điển này gồm 12 tập lớn, theo thứ tự thập nhị địa chi, mỗi tập lớn gồm 3 quyển Thượng – Trung và Hạ. Hai thầy trò ngồi đối diện, nhìn bộ Tự Điển chồng cao giữa bàn nước.
Đây là điều làm tôi vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên. Bộ sách này in lần đầu ở Trung Quốc đời Khang Hy thứ 25 (1716). Thế mà một vùng quê xa xôi như quê tôi, cụ vẫn tầm mua được bộ Tự Điển quý hiếm này. Mới biết làng tôi xưa, có nhiều người hiếu học. Thật là niềm tự hào cho quê hương, không hổ danh với tên gọi “Duy Tinh!” mà các vị tiền nhân đã đặt ngàn năm trước.
Cụ ngồi bất động như pho tượng đá, đôi mắt nhìn ra khoảng trời xa xăm trước nhà. Tôi biết, cụ đang trở về những hồi ức, vui buồn đan xen của một thời quá vãng. Bỗng cụ cất lên tiếng nói trầm uất, sắc lạnh; tôi có cảm giác là tiếng vọng, tiếng thét, của một thời đầy bão tố:
– Năm 1956, cuộc sống làng ta đang yên bình, bỗng đảo lộn lên khi đội CCRĐ về. Làng ta có hai người: đội phó Đáp và đội viên Na. Họ vào các nhà xâu chuỗi bắt rễ, sau một tuần phát động nông dân: “Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên”. Thoạt đầu là các nhà bà Tổng, ông Lý Cảnh, bà Lý Thao, ông bạ Bát, ông giáo Chúc, ông giáo Tước, bà bát Chén quy lên thành phần địa chủ. Mấy hôm sau là các nhà: bà hương Can, ông hương Lư, bà phó Hai, nhà tôi, ông kiểm Thêu, ông phó Quýnh, bà hương Mởn…còn mấy nhà nữa tôi không nhớ hết. Anh tính, làng ta bấy giờ có 5 xóm, với trên dưới 150 hộ, mà có tới mười sáu địa chủ. Như vậy tỷ lệ trên 10%, vượt xa chỉ tiêu mà cố vấn quy định: 5 đến 6%. Xóm Hàng nhà anh là xóm nhiều ruộng nhất làng, đã có gần một chục địa chủ.
Cuộc đấu tố địa chủ liên miên cả đêm và ngày. Địa chủ bị giam ở đình nghè và điếm canh. Con cái địa chủ, có việc ra ngoài thì len lét như rắn mồng năm; gặp Đội phải khoanh tay: Con chào ông! Con chào bà! Gặp các ông bà nông dân, thì nép vào lề đường, cúi mặt không dám nhìn… Những người thân cũng không dám gần, vì bị quy là liên quan tới địa chủ.
Địa chủ bị tịch thu ruộng đất, rồi tịch thu cả nhà cửa, đồ dùng vật dụng trong nhà… gọi là “quả thực” để chia cho nông dân. Hôm đưa cơm cho bố tôi bị giam, ông dặn:
– Họ sẽ tịch thu mọi thứ con ạ. Cái quý nhất là bộ Tự Điển và mấy cuốn sách thuốc, con về cho vào chum chôn đi. Sau này sẽ giúp con kiếm sống đấy.
Hôm chia “quả thực” cả nhà tôi dậy thật sớm, không biết mẹ tôi có dấu được gì? Tôi cũng không biết nữa. Tôi nói với mẹ và các em: chọn quần áo lành mặc cả vào người. Riêng tôi chọn mặc ba bộ áo quần đẹp chỉ dành vào dịp Tết.
Chưa đến bảy giờ sáng, dân quân đã kéo vào sân nhà tôi. Đi đầu là đội viên Na, rồi bí thư Thanh. Tiếp đến các ông bà nông dân được chia “quả thực”, đông kín từ sân ra ngõ. Đôi viên Na dõng dạc hô:
– Mụ Hoan, vợ chồng thằng Mai…mọi người ra cả ngoài sân!
Chúng tôi len lét bước ra sân, ai cũng mặc hai ba bộ áo quần; nên đi lại hơi khó khăn, không thoát khỏi những cặp mắt soi mói. Bỗng đám đông hét lên nhao nhao:
– Chúng nó ngoan cố, mặc nhiều quần áo, ăn cắp “quả thực” kìa! Bắt chúng cởi ra! Cởi ra!
Từ trong đám đông, một tiếng thét vang lên:
– Đả đảo bọn địa chủ cường hào ngoan cố! Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Mọi người như ngấm men say, há hốc mồm ra gào thật to:
– Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
Ba cái nong ở giữa sân đựng đầy các thứ, dân quân vào nhà có gì thu nhặt hết. Giường tủ, bàn ghế, áo quần, chăn bông, nồi đồng mâm thau, bát đũa ấm chén… Cả cái cối, con lăn bằng đá, quạt lúa… rồi cày, bừa, cào cỏ, kẹp lúa, con dao, cái liềm…cả hoành phi câu đối, không sót thứ gì.
Dân quân bắt từng người trong gia đình tôi đứng im, họ lột hết áo quần; chỉ cho mỗi người một bộ sờn rách. Mẹ tôi mặc cái áo bông trần hạt lựu rất đẹp, đều có thể trở mặc được cả hai mặt, họ bắt cởi ra. Mẹ tôi sụp xuống:
– Lạy các ông các bà, tôi già rồi cho tôi xin cái áo bông.
– Không được! Đừng có nhiều lời
Đội viên Na đứng trên thềm dõng dạc tuyên bố:
– Số “quả thực” này chia cho bần cố nông, những gia đình cố nông vào nhận trước, rồi đến gia đình bần nông. Nhà cửa cũng tịch thu, chờ Đội xem xét để chia cùng với việc chia ruộng sắp tới. Từ nay mụ Hoan và con cái cho ở nhà bếp và cái chuồng bò.
Đám đông nhào vô, như đám người hôi cá tát ao, chen lấn, la hét; cả giành giật nhau những vật dụng mà họ ưng ý. Ông bần nông K… vào chậm, chỉ còn đôi câu đối dựng ở thành bể cạn; ông vác lên vai, vừa đi vừa lẩm bẩm: mang về ngăn chuồng lợn cũng được đây!
                                                           *
                                                         *   *
Nhìn khuôn mặt đôn hậu hiền từ của cụ, ai bảo cuộc đời cụ đầy bão tố? Thật ra nỗi khổ những ngày CCRĐ chỉ là khúc dạo đầu, trong bản tổng phổ nhiều bè, với nhiều cung bậc thăng trầm mà cụ từng nếm trải. Tôi nắm tay cụ, tìm sự thông cảm chia sẻ. Cụ lắc mạnh tay tôi, với giọng nói trầm uất từ sâu thẳm vọng về:
– Trận đói cuối năm 1954 kéo dài sang năm 1955, cả tỉnh, cả huyện, cả làng đói rã họng. Cuộc CCRĐ như một trận bão đánh bồi lại đánh nhồi thêm, làm cho làng ta càng xơ xác. Đồng trên bãi dưới, toàn thấy người cuốc rau má, hái rau lang, rau đậu. Chuối trong vườn chưa ra buồng cũng chặt, bóc bớt bẹ, thái ra làm thức ăn. Đào củ chuối gọt vỏ, thái nhỏ luộc lên ăn với muối.
Trông cảnh bố mẹ già, vợ và hai đứa con gày tong teo; mặt xanh nanh vàng, lòng tôi như xát muối. Tôi đành bỏ nhà, bỏ làng đi kiếm ăn. Đúng ra là tôi trốn, vì con cái địa chủ không được ra khỏi làng. Đó là giữa mùa thu, quá nửa đêm tôi dặn vợ: đừng cho bố mẹ biết. Từ nhà lên ga Nghĩa Trang 5 cây số, may không gặp dân quân du kích. Lên được tàu, coi như tôi thoát!
Xuống ga Nam Định trời còn chưa sáng, tôi lần mò cứ đi đại, qua không biết bao nhiêu dãy phố: nào hàng Mắm, hàng Gà, hàng Ruợu, hàng Thiếc, hàng Đàn… qua chợ Rồng thì tôi dừng lại. Người tôi mệt bã ra, tối qua ăn mấy củ khoai lang với hàng chục quả cà mặn; bây giờ mới thấy khát nước. Vặn vòi nước máy, uống lấy uống để. Nước mát lạnh làm tôi tỉnh người. Tiếng nói chuyện lao xao của người đi chợ Rồng, ngày một đông. Tôi ngồi bệt xuống chân cột đèn. Hàng phở sáng trưng, thùng nước rùng khói bốc lên nghi ngút, mùi thơm lan tỏa làm tôi càng thêm đói. Trong túi chỉ còn lại ba hào, có lẽ cũng được bát phở! Đói là vậy, tôi đâu dám hoang phí. Tôi cứ ngồi như thế, đôi lúc thiếp đi.
Chiếc xe ba gác chở hàng vấp hòn đá, loạng choạng làm hàng đổ xuống mặt đường. Tôi choàng tỉnh và vội đứng lên, giúp anh phu kéo thu dọn.
Trời sáng bửng, đã hơn bảy giờ. Các nhà hàng đều mở cửa. Tôi thử vận may của mình: đi xin việc làm!
Tôi chậm rãi đi suốt dọc con phố, quan sát và lượng tính nhà nào có thể cho mình việc làm. Tôi không dám vào ngay, mới sáng mai không khéo bị người ta đốt vía. Tôi nhắm một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Hai chiếc xe ba gác trước cửa, mấy người đương bốc xi măng và gạch lát nền. Thầm nghĩ, công việc này tôi làm được!
Chờ đến hơn chín giờ, hai chiếc xe ba gác đi rồi, tôi mới mạnh dạn bước vào. Một bà to béo phốp pháp đang đếm tiền, thấy tôi bà liền hỏi:
– Anh mua gì đấy? mời anh vào, chỗ tôi toàn hàng tốt cả.
– Dạ thưa! Tôi ngần ngại trước cái nhìn xét nét của bà. Tôi lấy hết can đảm:
– Dạ không! Thưa bà! Tôi xin bà có việc gì cho tôi làm!
Bà liếc xéo, nhìn từ chân lên đầu tôi, như xem xét đánh giá một món hàng, rồi từ chối:
– Chỗ tôi đủ người làm rồi! Với lại vóc dáng học trò như anh, làm sao kham nổi công việc bốc vác?
– Dạ tôi làm được ạ! Ở quê – tôi làm mọi thứ từ nhổ mạ, gánh phân, tát nước rồi cày bừa tôi làm được cả mà!
– Đã bảo chỗ tôi đủ người rồi, anh đi đi.
Tôi lủi thủi quay ra, vào tiếp gần chục cửa hàng nữa, nhưng đều bị từ chối. Tôi thất vọng, lại tự trách mình: giá như tôi to béo, bặm trợn có khi lại được việc. Xế trưa rồi, “nắng tháng tám rám trái bưởi” có khác. Trời oi bức và ngột ngạt, bụng đói cồn cào. Vào quán nước chè, tôi mua hai cái bánh rán 5 xu. Ăn xong còn thòm thèm, vì bụng vẫn đói. Ra vòi nước máy làm một hơi “ễnh bụng”, thế là xong một bữa!
Tôi ngồi dựa lưng vào cột đèn, ngủ thiếp đi trong cái nắng trưa. Choàng tỉnh dậy, có lẽ đã sang chiều. Ra vòi nước rửa mặt và chỉnh đốn lại “trang phục”. Tôi cầu khấn: Lạy trời, chiều nay xin được việc làm! Không hiểu sao, tôi nhớ tới quy luật tuần hoàn: sinh – lão – bệnh – tử, được vận dụng nhiều trong việc làm nhà. Vậy ta thử vận may này xem sao! Tôi đi ngược dãy phố. Nhà đầu tiên tôi đặt cung sinh, đến nhà thứ năm cung sinh lặp lại. Tôi dừng và quan sát: Đây là một hiệu thuốc bắc, cơ ngơi khá lớn. Mặt phố hơn tám mét, với hai phòng rộng và cái sép nhỏ bên trái đóng kín. Tấm biển hiệu viết ba chữ nho: “Tế sinh đường”, hàng chữ Việt ở dưới: “Chuyên xem mạch – kê đơn – bốc thuốc”.
Tôi mạnh dạn bước vào. Cụ già ngoại bảy mươi tuổi, đang chăm chú ghi chép vào cuốn sổ. Tôi lễ phép thưa:
– Con chào cụ!
Cụ ngước lên nhìn tôi:
– Chào anh! Anh đến xem mạch? Mời anh vào!
Tôi bước hẳn vào trong cửa hàng, ngồi xuống ghế:
– Dạ thưa! Con có việc muốn thưa chuyện…
Cụ dừng tay viết, với ánh mắt thân tình.
– Có gì anh cứ nói
– Dạ ! Con quê ở Thanh Hóa, hiện nay trong con đói to. Bố mẹ, vợ con ở nhà khổ lắm. Con ra đây kiếm việc làm, trước hết là kiếm cơm ăn, sau nữa là kiếm tiền gửi về quê…(Tôi không dám nói là con địa chủ).
Cụ ái ngại nhìn tôi ra chiều thông cảm.
– Tôi cũng nghe trong Thanh đang đói, nhưng ở đây chẳng việc gì hợp cho anh làm.
Tôi vội vàng trình bày:
– Dạ! việc gì con cũng làm được. Ở nhà con lao động quen rồi, nặng nhọc mấy con cũng kham được.
Từ quầy thuốc gian bên, người phụ nữ đang bốc thuốc bỗng dừng tay nói:
– Ông à! Hoàn cảnh cậu ấy đáng thương, hay là ông cho cậu ấy vào làm tạm mấy ngày, thay cho ông Vách nhà bếp về quê chịu tang bố.
Mừng ơi là mừng! Còn hơn bắt được vàng. Thế là tôi đã có việc làm. Bà chủ đưa tôi xuống bếp hướng dẫn tỷ mỷ mọi việc. Bà xởi lởi:
– Có gì chưa rõ cậu cứ hỏi, đây ra chợ Rồng cũng gần và tiện lắm.
Nhà chỉ có hai ông bà và đứa cháu trai đang học cấp 2. Con cái cụ đều sinh cơ lập nghiệp ở Hà Nội và Hải Phòng. Công việc cũng chẳng có gì mệt nhọc, ngoài đi chợ và nấu ba bữa ăn, giặt giũ quần áo, quét tước dọn dẹp nhà cửa. Nhiều khi rảnh rỗi, tôi lân la lên cửa hàng xem hai ông bà bốc thuốc, giúp ông bà các việc lặt vặt. Tôi thấy nhiều nhãn ghi tên thuốc, dán ở các ô ngăn kéo bị rách và mờ đi nhiều. Tôi nói với cụ ông:
– Cụ để con viết lại các nhãn thuốc cho rõ.
Cụ tròn mắt nhìn tôi:
– Tên thuốc bằng chữ nho anh viết được à?
– Vâng! con cũng biết dăm ba chữ do bố con dạy.
Tôi dọc giấy, lấy bút lông viết gần 200 nhãn. Cụ giở sổ đọc tên các vị thuốc. Cụ nhìn kỹ, kiểm tra xem có viết sai không. Cụ ngạc nhiên thấy tôi viết đều đúng cả. Việc này khi ở nhà, tôi đã viết tủ thuốc của bố tôi rồi.
Một hôm, tôi nói với cụ:
– Tấm bảng hiệu nhà ta đã lâu, sơn tróc cả rồi. Cụ mua sơn về con viết lại cho mới.
Biết tôi viết chữ nho đẹp, cụ đồng ý liền.
– Thế thì hay quá, mai ta làm.
Sau hai ngày chờ sơn khô, tôi chia khoảng căn hàng, viết ba chữ nho lớn “TẾ SINH ĐƯỜNG”(濟生堂). Tôi viết ngay ở thềm cửa hàng. Nhiều người đứng lại xem khá lâu. Ông chủ hiệu tạp hóa bên kia phố sang xem nói:
– Cậu này viết chữ nho quá đẹp, nét thoáng mạnh mẽ, khí phách. Hàng chữ Việt vuông thành sắc cạnh, xem rõ ràng. Biển hiệu phải như thế này mới được.
Ông hỏi ông chủ của tôi, muốn nhờ tôi viết lại biển hiệu nhà ông. Ông chủ tôi đồng ý liền. Không ngờ, sau biển hiệu của ông chủ hiệu tạp hóa, có mấy cửa hàng trong phố cũng nhờ tôi viết biển mới.
Ông chủ thấy tôi có duyên viết quảng cáo liền bảo:
– Anh Mai này! Anh là người có tài, để anh làm bếp núc thật là phí. Cũng là lúc ông Vách vừa lên. Tôi cho anh mượn gian xép bên cạnh, mở hiệu quảng cáo mà làm ăn.
Tôi quá mừng, duyên trời cho tôi gặp được người tốt nhân từ.
– Thưa cụ! con cảm tạ tấm lòng tốt của cụ. Ơn này con ghi lòng tạc dạ suốt đời.
– Anh đừng nói vậy! Sông có khúc, người có lúc. Tôi giúp anh, rồi anh lại giúp người khác. Chúng ta “tích đức phùng thiện” mà!
Tôi cũng không ngờ, từ một anh xin việc làm thuê; bỗng chốc thành chủ một cửa hiệu quảng cáo. Nhà cửa mặt bằng không phải thuê, tôi chỉ mua mấy hộp sơn, mấy cây bút, thước mét, com pa… là có thể hành nghề.
Ơn trời! Tôi có việc thường xuyên, thu nhập tuy không dư dả, nhưng cũng có đồng ra đồng vào. Cứ cuối tháng tôi lại lên tàu về quê; chờ đến khuya tôi mới dám về nhà thăm bố mẹ, vợ con. Rồi lại đi ngay khi trời chưa sáng. Nhờ thế cuộc sống gia đình đỡ phần cơ cực.
Nhưng…cuộc đời sao lại có nhữ nhưng kia chứ? Tôi có ngờ đâu một tai họa sắp giáng xuống đầu tôi…
Một hôm, tôi đang lúi húi kẻ biển hiệu: “CỬA HÀNG BÁCH HÓA PHỐ HÀNG NÂU”. Hàng chữ lớn màu đỏ cao 40 phân đã xong, đến phần kẻ bóng, tôi tỉa tót đậm nhạt từ trong ra ngoài cho nổi bật hàng chữ chính. Thỉnh thoảng tôi lùi ra xa ngắm nghía để điều chỉnh cho hợp lý. Tôi bỗng nghe tiếng nói từ phía sau:
– Này các bà! Ai như thằng Mai con lão Hoan địa chủ ở xóm Thừa kìa!
Tôi giật mình quay lại, thì ra là mấy bà phố chợ Phủ, ra chợ Rồng cất hàng về bán. Tôi tái mặt, biết không thể trốn nên vội vàng nói:
– Chào các bà ạ! các bà đi chợ Rồng cất hàng?
– Không dám! Chào anh Mai. Anh dạo này làm ăn khớ nhỉ! Có hẳn một cửa hiệu kia đấy!
– Dạ đâu có! Tôi chỉ làm thuê cho người ta thôi ạ!
Mấy bà, người lườm kẻ nguýt với ánh mắt lạnh tanh, rồi đi luôn không một lời nói. Họ không tin lời tôi giải thích, cái biển hiệu treo ghi rõ: “TOÀN MAI – NHẬN KẺ BIỂN”. Tôi biết sẽ có điều chẳng lành. Tối hôm đó, tôi nói rõ mọi việc cho ông bà chủ biết. Hai cụ thông cảm và ái ngại cho tôi lắm.
– Thưa hai cụ! Hoàn cảnh con như vậy, thế nào họ cũng bắt con về. Chỉ nay mai thôi! Nhờ ơn hai cụ cho con làm, nên bố mẹ vợ con con cũng đỡ vất vả. Hiện tại con có hơn chín trăm đồng, con nhờ hai cụ giữ tám trăm. Con có mang cả, họ cũng tịch thu mất! Tôi biết chắc chẳng có dịp trở lại, gửi hai cụ chút tiền nhỏ, gọi là sự tri ân của tôi, đáp lại tấm lòng nghĩa hiệp của hai cụ.
Đúng như tôi dự đoán, mới chín giờ sáng ngày thứ ba; một tốp ba người xuất hiện trước cửa hiệu. Tôi nhận ra ông Bằng trưởng công an xã và hai dân quân làng Mỹ Điện. Ông Bằng quát lên ra lệnh:
– Anh Mai! Anh bị bắt vì tội trốn khỏi địa phương! Hai đồng chí canh chừng, để tôi sang nói chuyện với chủ nhà.
Không biết ông Bằng nói những gì, chỉ nghe hai ông bà “dạ” rồi “vâng” liên tục. Tôi biết chắc, ông ta đem điều nọ luật kia ra đe dọa chủ nhà, đã “bao che” con cái địa chủ. Rồi ông ta đi sang bên này ra lệnh:
– Hai đồng chí giải nó về!
Tôi mặc vội chiếc áo cánh và khoác cái túi vải lên vai.
– Thưa các ông, cho tôi chào ông chủ nhà.
Họ ngần ngừ ý không cho, nhưng mặc kệ, tôi chạy sang ông chủ:
– Con chào cụ. Hai cụ giúp con thu dọn. Cái biển hiệu của cửa hàng bách hóa con đã làm xong. Họ đến lấy cụ nhận cho 120 đồng!
Hai cụ đứng lặng nhìn tôi, họ cũng không hiểu điều gì đang xẩy ra. Cụ bà quay vội vào trong, kéo vạt áo lau nước mắt.
Họ dong tôi ra ga, lên tàu về quê.
Con tàu chợ ậm ạch như sâu róm bò, xuống ga Nghĩa Trang đã hơn 6 giờ chiều. Lại đi bộ 5 cây số nữa… Trưởng công an Bằng bực bội cáu gắt:
– Vì mày mà bọn tau vất vả. Quân địa chủ ngoan cố!
Họ tống tôi vào gian kho trụ sở ủy ban, rồi khóa lại.
Từ hôm trốn nhà ra đi, đến nay đã hơn 6 tháng. Đang là cuối mùa Xuân, trời còn lạnh lắm. Tôi lấy cái áo sợi mặc thêm, nhưng vẫn rét. Bụng đói cồn cào, sáng nay tôi chỉ ăn cái bánh mỳ lót dạ. Lòng ngổn ngang trăm mối, không sao nhắm mắt được.
Cũng là sự may, nhờ đi trốn mà nhà tôi mới qua cơn đói. Tết vừa rồi tôi sắm cho bố mẹ, vợ con áo quần chu tất. Nhìn các con mặc áo mới chơi Tết, tôi mát lòng.
Chín giờ sáng hôm sau, dân quân đưa tôi lên phòng chủ tịch xã. Vừa trông thấy tôi, chủ tịch Hương đập bàn quát:
– Tội anh nặng lắm đấy! dám trốn khỏi sự quản lý của địa phương! Anh biết không?
– Dạ thưa ông con biết! Mong ông đánh chữ đại xá, tha cho con. Từ nay con không dám thế nữa.
Ông cho dân quân kiểm tra tư trang. Chiếc tủi vải bị lộn ra, chỉ có hai bộ quần áo, miếng xà phòng, ba cái kẹp tóc tôi mua cho vợ và bốn cuốn vở học trò cho con. Chủ tịch không hài lòng với các thứ nhìn thấy, ông dằn giọng:
– Còn gì trong người bỏ hết ra!
Tôi móc túi lấy ra: một chùm chìa khóa, chiếc mùi xoa in hoa, hai tờ giấy biên nhận cho khách hàng và 156 đồng tiền mặt. Số tiền này bằng 2 tháng lương chủ tịch huyện bấy giờ. Nhìn thấy tiền, ông chủ tịch tuyên bố chắc nịch như đinh đóng cột:
– Cho anh 6 đồng, còn lại 150 đồng chi vào việc hôm qua ra bắt anh! Cho anh về, từ nay ra khỏi địa phương phải trình báo! Nghe chưa?
Được thả, tôi mừng quên cả cái đói. Tôi lếch thếch bước vào nhà trước sự ngạc nhiên của mọi người. Biết chuyện, bố tôi bảo:
– Thôi con ạ! Còn là may không bị giam như bố hồi trước.
Tôi bắt đầu một cuộc sống khác. Làng xóm vào HTX, làm ăn theo hiệu lệnh của tiếng kẻng. Mọi người hăng say trong không khí tiến lên CNXH. Cuối vụ, chia thóc theo công điểm, nhà nào cũng thiếu ăn! Nhưng lòng yêu nước của dân lên cao chưa từng có. Tinh thần “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là thước đo nhân phẩm. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhiều người tuổi ngoài 30 cũng lần lượt nhập ngũ. Tôi cũng muốn đi lắm, vừa đỡ miệng ăn, vừa được thể hiện lòng yêu nước! Nhưng ai cho con địa chủ vào bộ đội. Bọn này dễ quay súng phản bội.
Trong làng lực lượng lao động thưa dần, đây là điều thuận lợi cho tôi. Tôi làm thuê mọi việc, từ đào đất đóng gạch, cày bừa, rồi dọn vườn, đào ao, đào giếng… họ gọi tôi làm tất. Tôi còn theo các ông thợ nề, thợ cối xay rong ruổi khắp vùng trong tỉnh.
Sau giải phóng, tôi học mấy anh lính, cũng “ba lô lộn ngược, nhảy tàu bắc nam”. Tôi vào Huế – Đà Nẵng rồi Sài Gòn, buôn đủ thứ miễn là có lãi. Chuyến được, chuyến mất…nhưng có còn hơn không.
Đầu những năm 80, sau chiến tranh biên giới; đời sống càng khó khăn. Ngăn sông cấm chợ khắp nơi. Ấy là lúc: “Đầu đường đại tá vá xe – Giữa đường trung tá bán chè đậu đen”. Tôi cùng anh Tuân Tiện, đi Hanoi mua tạp hóa về bán cất ở phố ta, phố chợ Dầu. Nhiều chuyến bị tài chính, thuế vụ tịch thu mất trắng. Tôi vào Nam học nấu xà phòng, chế biến sơn, rồi in lưới…Nhưng không có vốn liếng, đành chịu!
Như một tấm bọt biển, tôi bị nhồi xuống, hất lên trong bao cơn sóng gió. Tôi vẫn cố gắng chống chọi, để sống vì cái gia đình nhỏ bé của tôi. Trong những ngày ấy có một chuyện làm tôi không bao giờ quên.
Ấy là thời kỳ tôi theo ông Binh Lại đóng cối xay. Làng ta có nhiều nghề lắm, ngoài dạy học ra; còn có các nghề: thợ rèn, thợ mộc, thợ xây, thợ bạc, thợ đóng cối xay… Riêng đóng cối xay có gần chục thợ cả. Nghỉ hết tháng Giêng, các toán thợ đều lên đường, tung hoành khắp tỉnh. Mỗi toán thợ thường có hai người, một thợ cả và một thợ phụ. Lần ấy anh thợ phụ của ông Binh Lại bị ốm, nên tôi mới được thế chân. Thợ phụ gánh dụng cụ, đồ nghề; công việc cũng đơn giản phụ việc cho thợ cả. Bí quyết của nghề đóng cối xay là: làm sao chia tám múi dăm của hai thớt trên – dưới, đều nhau, ăn khớp và phẳng. Cối xay quay thuận chiều kim đồng hồ, lúa chín đều không bị vỡ nát. Mỗi cối xay đóng hai ngày xong, ít khi đến ba ngày. Chủ nuôi cơm rượu, tiền công quy thóc hai mươi cân.
Dọc theo bờ sông Mã, chúng tôi qua các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy…qua Bá Thước rồi lên Quan Hóa, Mường Lát. Lần đầu tiên tôi đặt chân lên miền núi cao. Bốn bề là núi rừng, hoang vắng thật là buồn.
Chị chủ nhà tuổi ngoài ba mươi, tiếp đãi thầy trò chúng tôi rất chu đáo. Tôi ngạc nhiên ở giữa núi rừng, sao chị biết nấu những món ăn vùng xuôi khá ngon. Nhất là món chân giò nấu giả cầy. Hương thơm của xả, vị chua của mẻ và miếng giềng dòn sừn sựt, cay cay; làm tôi không sao quên được món bún thịt chó ở chợ Rồng Nam Định. Chỉ thiếu vị mắm tôm, nên không thể bằng món “hàng hiệu” được. Tôi đùa:
– Bà chủ à! Bà đãi thầy trò tôi món ngon quê nhà, thật là tuyệt! Nhưng còn thiếu một vị đặc trưng, bà chủ có biết là gì không?
Chị chủ nhà nhìn chúng tôi cười rất tươi, rồi xởi lởi nói:
– Em biết! Có phải là mắm tôm không ạ? Hai bác tính, giữa vùng núi cao này đào đâu ra mắm tôm? Khi còn ở quê có đủ gia vị, em nấu cầy thật chứ không giả cầy như thế này.
Thật bất ngờ ! khi mới gặp chị, với bước đi nhanh nhẹn, nói năng lưu loát, tôi băn khoăn tự hỏi: chị này có phải người dân tộc không? Mặc dù trên người chị là bộ áo quần dân tộc Mường. Bây giờ thì đã rõ. Tôi tự nhủ, phải tìm hiểu cho tận tường.
Ở vùng cao trời tối rất nhanh. Ông Binh Lại hơi qúa chén vì món giả cầy ngon. Ông vào sạp nằm ngay, đang cần mẫn kéo gỗ. Bà cụ – mẹ chồng chị ngoại 70 tuổi, cũng đã trùm mền ở góc cuối nhà sàn. Tôi ngồi bên bếp uống nước, nhìn đứa con gái 10 tuổi của chị bò trên sạp, mải mê với cây bút và cuốn vở. Chị chủ nhà còn bận dọn dẹp ở dưới gầm nhà sàn. Tôi lại gần cháu gái, nó đang vẽ con gà mẹ và mấy chú gà con. Đường nét nguệch ngoạc thật đáng yêu.
– Cháu vẽ đẹp lắm! Gà mẹ phải xõa cánh ra, để che cho các con chứ!
– Cháu vẽ mãi không được, chú vẽ cho cháu.
Tôi cầm tay hướng dẫn cháu vẽ, đôi cánh gà hiện ra, bao bọc mấy chú gà con.
Con bé cười to thích thú:
– Chú vẽ đẹp quá! Chú giỏi thât! Cháu vẽ đàn gà để gửi cho bố.
– Thế bố cháu ở đâu?
– Bố cháu đi bộ đội.
Tôi lật cuốn vở, cháu đang viết dở: “Con gì ăn cỏ, đầu có hai sừng…”
– Cháu học lớp mấy rồi?
– Cháu không đi học, mẹ cháu dạy đấy!
Lại một bất ngờ nữa! Tôi xoay người, chạm vào chị đang ngồi phía sau, xem hai chú cháu vẽ. Tôi vội dịch chỗ và nhìn chị – một giọt nước mắt lăn trên gò má. Giọng chị nghẹn lại:
– Bác tính, ở nơi hẻo lánh này làm gì có trường. Con em mấy nhà trong bản đều mù chữ cả. Tôi cố gắng dạy cháu biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia thôi.
Chị dục con bé cất vở đi ngủ. Tối ấy, tôi không sao ngủ được. Phần thì ông Binh Lại ngáy to quá, phần thì câu chuyện dở dang của chị chủ nhà, có cái gì ẩn khuất. Tiếng sạp nhà sàn cọt kẹt, mỗi khi có người cựa. Tiếng con nai tác ngoài rừng…Gần sáng, tôi chợp đi trong mộng mị.
Ngày hôm sau, tôi như kẻ lơ đãng. Nhiều lúc không tập trung vào công việc. Ông Binh Lại cứ phải nhắc nhở…
Xong bữa cơm trưa, chị chủ nhà nói với tôi:
– Bác Binh Lại cho em biết, anh là con địa chủ. Em cũng là con địa chủ đây. Tối nay em kể cho anh nghe. Chị chủ nhà gọi tôi là anh và xưng em, như anh em thân tình lâu ngày gặp nhau.
Trăng mười sáu sáng quá chừng, chiếu tận gầm nhà sàn. Cái cối xay vừa hoàn thành khi chiều, hiện rõ mồn một. Mủng lúa xay thử đầy vun, tôi bốc lên xem: lúa chín đều, hầu như không có hạt gạo gẫy. Quả là tay nghề ông Binh Lại giỏi.
Tôi ngồi tựa lưng vào cột nhà sàn. Bốn bề vắng lặng, không khí liêu trai thấm đẫm. Tôi có cảm tưởng mình đang lạc về thời hoang sơ. Chị chủ nhà ngồi xuống bên cạnh tôi. Im lặng! Sự im lặng dồn nén, báo hiệu một sự bùng nổ dữ dội! Chị gục đầu vào vai tôi nức nở. Chị khóc, như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt ướt đầm vai áo tôi. Một lúc sau, chị kéo vạt áo lau nước mắt…Rồi chị kể cho tôi nghe quãng đời của chị:
– Làng em ở ven đường 13 huyện Nga Sơn. Bố em làm nghề bốc thuốc, ông bỏ tiền mua chức phó lý, gọi là có danh phận. Nhưng thực ra, là cơ sở hoạt động của Việt Minh. Sau cách mạng, ông là bí thư đảng bộ. Hồi CCRĐ ông là chủ tịch xã. Khi Đội về, ông bị quy lên địa chủ phản động, tay sai của đế quốc phong kiến. Thế là, ông bị tuyên án tử hình. Sau khi bắn, bố em chưa chết…Họ lấy xẻng đập tiếp vào đầu bố em cho đến chết. Hai anh trai sợ quá bỏ làng chạy trốn, đến nay em cũng không biết các anh ở đâu, sống hay chết?. Ở nhà còn lại hai mẹ con em, nửa tháng sau mẹ em chết đói. Đang học lớp 4, em phải bỏ để đi ăn xin. Theo đường 13, qua Lèn, rồi dọc theo đê lên Hà Sơn. Khi tới đền cô Bơ ở ngã ba Bông, em lả đi trước cổng. Ông chủ đò dọc qua đây, lên thắp hương đền cô Bơ cầu may. Khi ra, thấy em nằm trước cổng. Ông bế em xuống thuyền. Hai ông bà xoa dầu đánh cảm, rồi đổ cháo cho em. Em trở thành con ở của ông bà. Em chịu khó làm mọi việc: từ bốc hàng, xếp chỗ cho khách; đến nấu ăn giặt giũ rồi chèo thuyền. Hơn một năm, em đã quen luồng lạch từ Hàm Rồng ngược miền tây Thanh Hóa. Ông chủ đã nhiều lần cưỡng hiếp em, em không dám chống cự. Một hôm sau khi trả khách, đêm ấy thuyền về xuôi. Ông chủ lại cưỡng hiếp em, bà chủ bắt được. Bà đánh em tới tấp, chửi rủa em không tiếc lời. Rồi bà đuổi em lên bờ trong đêm, bơ vơ giữa rừng. Em vừa khóc, vừa chạy như bị ma đuổi. Chạy đến con suối, em ngã vật ra mê man bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, em thấy mình nằm trong nhà sàn, bà mế ngồi bên chăm sóc. Bà cho biết: tối qua con trai bà đi rừng về, thấy em nằm bên bờ suối liền bế về. Thế là em thành con dâu của bà. Con gái em 6 tuổi, thì bố nó đi bộ đội. Anh ấy vào Nam chiến đấu, đã 4 năm rồi chưa có tin tức gì…
Tôi vỗ vỗ vào vai chị chủ nhà, như an ủi một đứa em gái. Hoàn cảnh chị sao khổ đến thế. Tôi đã khổ, chị ấy còn khổ hơn. Tôi kể cho chị nghe cuộc đời tôi, rồi động viên:
– Hòa bình thống nhất, thế nào anh ấy cũng về. Lúc ấy, hai vợ chồng về thăm quê, nhớ ghé tôi chơi.
                                                                  *
                                                                *   *
Cụ Toàn Mai kể cho tôi nghe những chuyện về cuộc đời cụ. Tôi biết còn nhiều điều cụ chưa kể hết. Nhưng với tôi, như thế cũng đã quá sức chịu đựng, cho một số phận mỏng manh của một đời người.
Mừng cho cụ, cuối đời có cuộc sống thanh nhàn. Ngoài việc kê đơn bốc thuốc, các ngày rằm mồng một hàng tháng; rồi những dịp lễ hội, cụ ra chùa viết sớ. Nhiều người từ xa đến, nhờ cụ viết đại tự, hoành phi, câu đối…
Cụ chưa một ngày dạy học, cũng chẳng có học trò. Nhưng chỉ có và chỉ có duy nhất mình tôi, là học trò của Thầy Toàn Mai – CỤ ĐỒ NHO CUỐI CÙNG CỦA LÀNG TÔI.
10 – 2017
Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong