DANH XƯNG THANH HÓA
http://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/van-hoa/sac-thai-xu-thanh/qua-trinh-di-tim-thoi-diem-ra-doi-cua-danh-xung-thanh-hoa-voi-tu-cach-la-don-vi-hanh-chinh-truc-thuoc-trung-uong.html
Quá trình đi tìm thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương
(VH&ĐS) Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ, đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, được ghi chép khá đầy đủ trong chính sử. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, gần một thập niên qua, việc khảo cứu, xác minh sự xuất hiện của Danh xưng Thanh Hóa đã trở thành nhiệm vụ khoa học hết sức quan trọng. Đến ngày 23/5, Hội thảo khoa học “Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức đã kết luận thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là năm 1029. Từ số này, Báo VH&ĐS xin giới thiệu các bài viết của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học lịch sử, nhà nghiên cứu và các cộng tác viên về chủ đề Danh xưng Thanh Hóa. Qua đó góp phần lan tỏa lòng tự hào, tự tôn để tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, trở thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Đi cùng lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa luôn thể hiện là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là địa danh có truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng, có những đóng góp mang dấu ấn lịch sử to lớn, xứng đáng vào công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nằm trên dải đất miền Trung, Thanh Hóa là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến. Trong lịch sử dân tộc, Thanh Hóa luôn là địa bàn trọng yếu, phên dậu của đất nước. Thanh Hóa tự hào là vùng đất khởi nghiệp của nhiều triều đại quân chủ như: triều Tiền Lê, triều Hồ, triều Lê sơ, Lê Trung hưng và triều Nguyễn, là đất “thang mộc” của các dòng chúa Nguyễn, chúa Trịnh. Đứng ở góc độ văn hóa phi vật thể, Thanh Hóa là nơi sản sinh ra nhiều điệu dân ca, dân vũ như: dân ca Đông Anh, hò sông Mã, điệu Khặp của người Thái, hát Xường, trò diễn Pồôn Pôông của người Mường, trò Xuân Phả, lễ hội Cầu Ngư… Đồng hành cùng sử thi đẻ đất đẻ nước và hàng ngàn di sản văn hóa tiêu biểu khác. Kho tàng truyện cổ cũng khá đặc sắc như truyện cổ về sự tích các ngọn núi, truyện dân gian của ngư dân ven biển Hậu Lộc, Sầm Sơn, Tĩnh Gia; các sự tích về nguồn gốc dân tộc Mường. Những khúc hát ru từ đồng ruộng, núi non, từ sông ngòi, biển cả vừa in đậm nỗi nhọc nhằn, vừa phản ánh đời sống tâm hồn phong phú, lãng mạn, pha lẫn nét hào hoa, duyên dáng của người xứ Thanh. Nhiều miền đất văn hóa đã nổi danh từ xưa đến nay như: Núi Đọ, Đa Bút, Gò Trũng, Đông Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn… Truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện địa lý đó đã sinh ra và nuôi dưỡng những con người kiên cường, bất khuất, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất; ham học hỏi, quý trọng nhân tài, dám nghĩ, dám làm, sống trung thực, nghĩa tình và rất mực thủy chung. Có lẽ hiếm có nơi nào như Thanh Hóa – vất vả, nhọc nhằn trong lao động sản xuất và chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống, nhưng đời này nối đời khác, các thế hệ cháu con noi gương cha ông luôn coi trọng sự học. Từ xưa, trong các làng quê nghèo đã xuất hiện những dòng họ khoa bảng nổi tiếng khắp cả nước, như: Họ Lê, Nguyễn, Đỗ… Trên nền văn hóa đặc sắc đó đã xuất hiện nhiều danh nhân tiêu biểu được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới ngưỡng mộ, như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ … Những người con ưu tú đã góp phần làm rạng danh quê hương, đồng thời, làm cho truyền thống hiếu học trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng đất và con người Thanh Hóa.
Đi ngược chiều dài lịch sử cho thấy, trên địa bàn Thanh Hóa từng diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước được ghi chép vào sử sách khá đầy đủ trong các bộ sách chính sử từ thời cổ – trung đại đến thời cận đại. Nhiều vấn đề về lịch sử Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Thế nhưng sử sách có thời điểm không ghi chép đầy đủ, chính vì vậy chặng đường đi tìm thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa trong nhiều năm qua đã gặp không ít khó khăn, thác ghềnh và nhiều trăn trở, có những lúc tưởng chừng như sẽ khó tìm được sự thống nhất, đồng thuận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử địa phương Thanh Hóa nói riêng và giới sử học cả nước nói chung.
Nhiều nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn luôn quan tâm đến việc chỉ đạo công tác nghiên cứu, tìm kiếm cứ liệu lịch sử nhằm xác định thời điểm ra đời của danh xưng Thanh Hóa. Cách đây gần một thập kỷ, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa cùng Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã khởi xướng đề xuất tiến hành nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học nhằm xác định sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10/10/2010, Hội thảo khoa học lần đầu tiên: Bàn về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa được tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong tỉnh và trong nước. Tại Hội thảo này nhiều mốc thời gian về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa đi cùng với các cấp đơn vị hành chính được đưa ra để bàn thảo và cuối cùng Hội thảo đi đến thống nhất tiếp tục nghiên cứu. Cuộc Hội thảo lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 11 năm 2011 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng chủ trì với tiêu đề Thanh Hóa – đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến. Mặc dù chủ đề của Hội thảo lần thứ 2 là như vậy nhưng phần lớn các tham luận của các nhà nghiên cứu cũng chủ yếu xoay quanh nội dung “Tên gọi Thanh Hóa xuất hiện từ lúc nào?”. Mặc dù Hội thảo lần này nhiều tác giả đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu lịch sử có tính mới, tuy nhiên tại Hội thảo vẫn đưa ra nhiều mốc niên đại về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa, như: năm 1010, 1029, 1082, 1111, một số tác giả đề xuất thời điểm ra đời của Danh xưng sớm hơn năm 1010, một số tác giả khác lại đề cập đến sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa muộn hơn, mãi đến năm 1240… Kết thúc Hội thảo lần thứ 2 vẫn chưa đưa ra được kết luận về niên đại ra đời Danh xưng Thanh Hóa.
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, vấn đề xác định thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa lại tiếp tục được đặt ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu để xác định Danh xưng với tinh thần tập trung cao độ, huy động tối đa các nhà nghiên cứu để sớm đi đến kết luận. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp cùng với các viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương và trong tỉnh tiến hành sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức các hội thảo khoa học để xác định sự ra đời của Danh xưng. Từ tháng 1 năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề nghị và đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học đã thống nhất và cùng phối hợp để tiếp tục thực hiện sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật để bổ sung sử liệu nhằm làm sáng tỏ một số nội dung trong quan điểm, ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu; tìm kiếm bổ sung những cứ liệu lịch sử còn thiếu được chỉ ra qua các lần hội thảo, hội nghị trước đây; chuẩn bị nội dung tổ chức hội thảo khoa học lần thứ 3 về “Danh xưng Thanh Hóa”.
Nghiên cứu về Danh xưng Thanh Hóa đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Viện Hán Nôm, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại Huế, Đại học Hồng Đức, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, Hội VHNT Thanh Hóa, Hội KHLS Thanh Hóa, Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hóa… nghiên cứu và viết bài tham luận gửi tới Hội thảo khoa học. Quan điểm của các nhà nghiên cứu gửi đến Hội thảo vẫn đưa ra nhiều mốc niên đại về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hoá, như: năm 1010, 1029, 1061, 1076, 1082, 1111. Qua phân tích các bài tham luận cho thấy các quan điểm tập trung vào 2 nhóm (nhóm 1 có quan điểm niên đại 1029, nhóm 2 có quan điểm 1082) và vẫn còn một số quan điểm khác, thậm chí có quan điểm chung chung không chỉ ra mốc thời điểm cụ thể.
Nhằm để cung cấp thêm các thông tin cho các nhà nghiên cứu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Hội Sử học Thanh Hóa đã triển khai thêm một số công việc như: (1) Chọn 4 nhà nghiên cứu làm phản biện hai mốc niên đại lịch sử (1029 và 1082) được các nhà nghiên cứu đề xuất lựa chọn một trong hai mốc đó để lấy làm thời điểm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa. (2) Chỉ đạo xác minh tư liệu và cứ liệu lịch sử tại các viện nghiên cứu ở Hà Nội, Huế, Nghệ An, tại một số trường đại học ở Trung Quốc nhằm bổ sung, làm rõ nội dung trong các bia, thư tịch, sách góp phần củng cố các cứ liệu lịch sử. (3) Tổ chức một số hội nghị, tọa đàm tại Hà Nội và Thanh Hóa nhằm làm rõ thêm các cứ liệu lịch sử, từng bước làm sáng tỏ và tạo sự đồng thuận thống nhất quan điểm về Danh xưng Thanh Hóa trong các nhà nghiên cứu đã tham gia viết bài tham luận.
Ngày 23/5/2017, Hội thảo khoa học “Danh xưng Thanh Hóa” lần thứ 3 được tiến hành với mục đích xác định về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa có từ bao giờ và những cứ liệu lịch sử về sự ra đời của Danh xưng, tại Hội thảo hầu hết các tác giả có bài tham luận về dự Hội thảo đều đã trình bày kết quả nghiên cứu và quan điểm của mình, cụ thể: nhiều quan điểm đề xuất năm 1029 có căn cứ là được ghi chép trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, tuy có mặt hạn chế về sử liệu học nhưng vẫn là một bộ quốc sử thời Nguyễn; một số ít quan điểm đề xuất năm 1082 hay trước đó một vài năm, tuy dựa vào một vài “văn bia thời Lý” là tư liệu gốc có giá trị, nhưng lại chưa xác định được năm nào cụ thể. Mặc dù, vẫn còn những quan điểm khác nhau, không khí tranh luận thẳng thắn, cởi mở; qua tranh luận một số nhà nghiên cứu đã thay đổi quan điểm của mình. Hội thảo đi đến thống nhất gửi tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: lấy niên đại 1029 là năm xuất hiện sớm nhất của Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Có thể nói rằng những kiến nghị của Hội thảo là căn cứ xác đáng để quyết định thời điểm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa; là một mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân lên niềm tự hào truyền thống quê hương, đất nước đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngay sau khi nhận được kiến nghị của Hội thảo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương và giao cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục hành chính để công nhận năm ra đời của Danh xưng Thanh Hóa và phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa (1029 – 2019), thời điểm cụ thể báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.
Tiến tới kỷ niệm về sự ra đời của Danh xưng Thanh Hóa là nhằm phát huy những giá trị, ý nghĩa của Danh xưng phục vụ xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. Đó cũng chính là những hoạt động nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc và niềm tự hào về vùng đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của “Tam vương, nhị chúa”, của văn hiến và khoa bảng tỉnh Thanh. Từ nay đến dịp kỷ niệm các cơ quan báo, đài của tỉnh cần xây dựng kế hoạch, chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu biết sâu sắc, trân trọng, tự hào về quá trình lịch sử lâu đời của tỉnh Thanh Hóa để tạo nên động lực tinh thần, khí thế hào hùng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hăng hái học tập, công tác góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 thực hiện mục tiêu lâu dài là xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở nên một tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Nguyễn Văn Phát
(Ủy viên Ban Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)