ĐÌNH NGHÈ LÀNG DUY TINH

ĐÌNH NGHÈ LÀNG DUY TINH

ĐÌNH NGHÈ – LÀNG DUY TINH

Đình Nghè làng Duy Tinh xưa ở trên mảnh đất nhà ông Cầm hiện nay bán lương thực. Phía dưới sát bờ sông là nhà cụ Phó Ngãi (Thân sinh thầy giáo Lưu). Sỡ dĩ gọi là Đình Nghè, vì bà Hoàng hậu đã xây đình ở chợ rồi. Một làng không thể có hai đình. Đình Nghè có bốn gian rộng, trông về hướng Nam. Gian trong cùng có tường hậu và xây kín hai bên, mặt trước là cửa gỗ đóng kín. Bên trong giữa gian bệ thờ có tượng thần Cao Sơn độc cước – Thành Hoàng Làng – và đồ tế khí, chấp kích bát bửu, ngựa gỗ. Trên cao là bức hoành phi: “Thánh cung vạn tuế”. Làng chỉ mở cửa cúng tế vào đầu Xuân.
Ba gian ngoài để trống cả ba mặt, không có cửa nhả gì. Hai bên chỉ xây tường gạch, cao độ một mét để ngăn cách với bên ngoài. Trước Đình Nghè là khoảng sân đất rộng, từ cửa Đình Nghè trông ra cuối sân là bức bình phong xây cao, phía ngoài là một cây hoa ngọc lan rất to cao, hàng trăm năm tuổi. Đến mùa hoa ngọc lan nở, thơm lừng cả một vùng; suốt dọc đường cái quan đều thoang thoảng mùi hoa ngọc lan.
Ba gian đình nghè là Trụ sở hành chính của làng, nơi làm việc của lý trưởng trong mùa thu thuế; nơi hội họp của Hội đồng tư vấn, Hội đồng lý hương. Không có bàn ghế, khi nào hội họp, mõ làng quét tước sạch sẽ, trải chiếu theo chiều dọc. Các vị ra họp, ngồi theo ngôi vị của mình. Dãy chiếu trong, ngồi trên là ông tiên chỉ*, tiếp đến các vị trong Hội đồng tư vấn. Dãy chiếu ngoài là của Hội đồng lý hương. Ngồi trước là lý trưởng, tiếp đến là phó lý, hương bạ, hương bản, hương mục, hương dịch, hương kiểm. Không ai được phép ngồi lộn xộn.
Lý trưởng là người có trách nhiệm và quyền hạn hành chính cao nhất trong làng và giữ đồng triện (con dấu bằng đồng) của làng. Phó lý giúp lý trưởng, nhưng chỉ là hư vị. Hương bạ coi việc sổ sách, sinh tử, giá thú. Hương bản là thủ quỹ, hương mục coi việc đồng áng, hương dịch coi việc phu phen, thường hai việc này đều do hương mục làm cả. Hương kiểm coi tuần phòng trị an.
Hàng ngày các vị lý hương làm việc tại nhà, dân ai cần công việc gì, liên quan vị nào đến nhà vị ấy. Xin xác nhận giấy tờ, đến nhà lý trưởng. Khai sinh, khai tử đến nhà hương bạ. Khai báo trị an đến nhà hương kiểm… Chỉ đến kỳ thu thuế hàng năm, lý trưởng mới ra đình nghè làm việc. Người dân ra đình nghè nộp thuế.
Sau năm 1945 Đình Nghè là nơi hội họp của làng. Nơi đây đã diễn ra cuộc đấu tố, đấu tranh chính trị năm 1952 vô cùng tàn ác, nhiều người bị oan khốc lắm (sẽ có dịp nói kỹ hơn). Sau này lại là nơi các đoàn cải lương từ Hà Nội về thuê, để biểu diễn bán vé thu tiền. Đến thời kỳ đổi mới, đình nghè bị phá, để phân lô bán nền cho người mua làm nhà ở.
Sau năm 1945 Đình Nghè là nơi sinh hoạt của Thanh Thiếu niên làng. Anh Thiện Phúc (sinh năm 1939 – Con cụ giáo Nậm – Hiệu phó Trường ĐHBK Hanoi), khéo tay vẽ các hình ảnh Lê Văn Tám, Kim Đồng…các con vật dế mèn, bọ ngựa…trên giấy pơ – luya rồi qua đèn chiếu cho chúng tôi xem. Lũ chúng tôi cứ há hốc mồm ra xem thích thú lắm!
Năm 1952 có cuộc đấu tranh chính trị ở Thanh Hóa rất kinh hoàng. Bấy giờ Thanh Hoá – Nghệ An là vùng tự do. Chỉ đạo của trên là phải diệt trừ bọn phản động quốc dân đảng. Nhất là phần tử trí thức trong đảng Dân Chủ và đảng Xã Hội, những người này phần lớn là giáo viên, viên chức thời Pháp.
Làng Duy Tinh tổ chức đấu tại Đình Nghè, người bị bắt đầu tiên là ông Phương Khối, rồi ông Hoạt Đảm…Chủ toạ tra hỏi có 3 người, trong đó có ông Ngọ Lan (Làm nghề cắt tóc, sau là phó Công An Hậu Lộc). Người nghi là phản động, bị treo rút lên xà, rồi lấy gậy đánh bắt khai ra đồng bọn, tiếng la thảm thiết vang tận ra đường cái quan!.
– Ối làng ôi! Tôi bị oan, tôi không phải là phản động…
Để tỏ lòng trung thành, người bị đánh hô thật to:
– Hồ Chủ Tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt nam muôn năm! Trời ôi tôi bị oan…
Sau mỗi tiếng la, đòn đánh càng mạnh hơn, đoàn chủ tịch lớn tiếng:
– Thằng này láo, đánh mạnh vào, đồng bọn của mày là những ai? Nói…Nói…
Người bị đánh đau quá cứ nhìn thấy ai liền khai ra người ấy là phản động. Thậm chí khai cả người của đoàn chủ tịch đang tra khảo.
Dây thừng treo nhiều khi bị đứt, người rớt bịch xuống nền đình, họ kêu la thảm thiết… Buổi sáng Cụ Nên (ở xóm Thưa làm nghề buôn bè) thấy vậy, liền về nhà đem ủng hộ đoàn tra khảo dây song mây, buổi chiều cụ bị khai là phản động…Rồi chính sợi dây song mây của cụ ủng hộ, lại treo cụ lên để tra khảo!
Kết thúc cuộc đấu tranh chính trị là cuộc hành hình xử bắn tên phản động Tống Quang Chính tại sân vận động. Người cả huyện đổ về đông nghịt như một biển người…
Bọn trẻ con chúng tôi len lỏi vào dòng người, mồ hôi chảy ròng dưới cái nắng hè như đổ lửa. Không dám lại gần, vả lại có muốn đến gần cũng không được, vì đông nghẹt người. Tiếng loa vang vang luận tội, rồi bỗng nghe tiếng thét:
– Bắn!
Ba loạt đạn vang lên trong tiếng gầm thét:
– Đả đảo bọn phản động! Đả đảo! đả đảo!!!
Tôi bị bố nắm lấy tay lôi tuột về phái sau, bắt về nhà…
Đây là thảm kịch bi thương lần đầu tôi được chứng kiến. Sau này tôi còn được chứng kiến thảm kịch trong Cải Cách Ruộng Đất năm 1956, nhiều người làng Duy Tinh bị oan khuất lắm !!!
                                                                  *
Từ năm 1956 Đình Nghè làm nơi học của lớp 7 (lớp cuối cấp 2). Nhiều lần đoàn cải lương Chuông Vàng về biểu diễn, họ buộc luồng che kín hai bên, rồi bán vé cho người xem. Chúng tôi không có tiền mua vé, đoàn họ cho thay nhau quay máy phát điện, cứ quay 30 phút họ thay người khác và cho vào xem. Lần đầu tiên trong đời, được nhìn thấy hoàng tử, công chúa trên sân khấu… nghe giọng ca cải lương mùi mẫn mà ngẩn ngơ như kẻ mất hồn.

Chẳng thế mà một phú ông ở làng Đại Hữu mê cô đào Vũ Dậu không bỏ sót đêm diễn nào, cuối buổi tặng cô tiền hậu hĩnh! Lại còn tỏ tình xin cưới cô làm vợ lẽ!
Cuối nững năm 60, thực hiện cuộc phản phong triệt để…Đình Nghè bị phá cùng với Đền, Miếu, Đền Phong Ngãi thờ bà Hoàng Hậu, Văn Chỉ, Đình Thờ ở Chợ do bà Hoàng xây…Tất cả đều bị phá sạch sành sanh…!!!…
Sau này, đất được chia lô bán nền cho người mua làm nhà ở…như ta thấy hiện nay!

Nguyễn Quý Phong

 

 

 

 

 

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong