GỌI HỒN

GỌI HỒN

GỌI HỒN

(Chuyện thật – Tên người và địa danh đã thay đổi)

Hôm trước, vợ Thiệp gọi điện nhắc đi nhắc lại: 7 giờ 30 sáng mai, anh phải có mặt. Nhờ chỗ quen biết, em đã hẹn xin làm trước. Anh nhớ đấy !
Hôm sau, 7 giờ 15 Thiệp đã có mặt tại nhà cô đồng Hương gọi hồn ở Hoàn Long. Vợ anh vẫn chưa đến, trong khi chờ vợ, Thiệp dạo quanh nhà cô đồng Hương. Khu nhà ba tầng nằm giữa khuôn viên khá rộng. Ngay lối cổng vào là một ao cá, xung quanh bờ ao trồng cây ăn quả: cam, bưởi, nhãn, xoài…dưới ao đàn trắm cỏ tranh nhau dứt mấy tàu lá chuối xanh. Sân rộng chừng 50 mét vuông, toàn cây cảnh bon sai, dáng đẹp vào loại quý hiếm. Bên phải là vườn cây khá rộng, hàng chục chiếc ghế đá bầy ngay hàng thẳng lối, dành cho khách ngồi. Sát tường rào là một quán khá đẹp, tủ kính sáng choang bầy đủ các loại bánh, kẹo, hương, vàng, nến…. Phía trước là một sạp lớn, xếp đầy hoa qủa mùa nào thức ấy…nhiều nhất là xoài, cam, chuối…Mấy bà đang nhờ cô bán hàng xếp lễ vào các khay. Ngoài ghế đá, mấy người đàn ông ngồi chờ, họ là người nhà của các bà. Cạnh quán là dãy nhà xe, có người hướng dẫn, khách cứ việc dắt vào gửi, không mất tiền trông.
Sau ngôi nhà ba tầng là một nhà ngói ba gian, trên nóc có hai con rồng chầu mặt nguyệt; bốn góc mái đắp hình hoa văn uốn lượn giống các chùa. Đây là điện thờ của cô đồng Hương. Đèn nến sáng lung linh và khói hương nghi ngút…
Cô đồng Hương gọi hồn, khắp cả vùng ai cũng biết. Vốn là người buôn chó thâm niên từ năm 17 tuổi. Ban đầu thu gom chó trong tỉnh, rồi vào miền Nam gom hàng đưa ra Nhật Tân bán. Cô có đường dây sang cả Lào, Cămpuchia…Một lần đón hàng ở cửa khẩu biên giới Lào, người ta bảo cô bị “ngã nước”, ốm thập tử nhất sinh. Năm ấy cô tròn tuổi 30, tuổi lập thân của đời người. Sau trận ốm, cô thành con người khác. Cô bỏ nghề và tuyên bố: Cô là tiên cô thứ chín của Ngọc Hoàng giáng thế, giúp người trần gian. Vốn liếng cô bỏ cả vào xây điện thờ và các công trình xung quanh. Chồng cô là người điều hành công việc phục vụ cho cô. Tiếng tăm cô nổi lên như cồn, người các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hà Nội…cũng đến cô gọi hồn.
Vợ Thiệp nói: Sắp đến ngày giỗ bác cả. Bác cả hy sinh ở Xuân Lộc năm 75, trên 30 năm rồi vẫn chưa tìm được mộ. Em muốn kính thỉnh hồn bác về, nghe bác chỉ bảo để biết đường lo liệu…
Vợ chồng Thiệp yêu nhau từ thuở còn là học trò trường huyện. Sau khi rời trường Đại học, hai người nên duyên chồng vợ, đến nay đã 20 năm có lẻ. Vợ Thiệp là giáo viên cấp 3, dạy học ở miền tây của tỉnh. Anh là kỹ sư trưởng ở nhà máy xi măng Đông Hải. Xa nhau hàng trăm cây số, một đôi tháng Thiệp mới về thăm nhà. Con gái đầu đang học Đại Học Ngân Hàng, thằng con trai đang học cấp 3, trên đường đi học bị tai nạn giao thông… vợ Thiệp lại đau ốm liên miên, một lần thập tử nhất sinh vì chảy máu dạ dày.
Thiệp đã ngoại tứ tuần nhưng rất phong độ, khuôn mặt điển trai, dáng lanh lợi, lại hoạt ngôn, dẻo mỏ; thân hình rắn chắc như một vận động viên, với đôi mắt luôn cười, trông anh còn trẻ như chàng trai 30. Là kỹ sư trưởng của một nhà máy danh tiếng, có điều kiện giao dịch công việc rộng, được phái liễu yếu đào tơ để ý, quan tâm và chăm sóc. Vốn lãng mạn và đa tình, nên đã hơn một lần anh vướng lưới tình. Hiện tại Thiệp đang già nhân ngãi non vợ chồng với cô Xuân trẻ đẹp, chủ một shop thời trang hàng hiệu ở trung tâm thị xã công nghiệp. Hai người thắm thiết đã ba năm có lẻ, nghe đâu đã có với nhau một con… Tiếng lành đồn xa…rồi vợ anh cũng biết chuyện, chị đã xuống tận nhà máy nơi anh làm việc. Anh ngon ngọt hứa với chị sẽ chấm dứt. Như đá ném ao bèo, chị vừa rời khỏi, anh lại chứng nào tật ấy…
Thiệp không phải là tuýp người mê tín, nhưng lĩnh vực tâm linh chưa có lời giải thỏa đáng. Thiệp chiều ý vợ, sáng nay dậy sớm đi Honda hơn 30 cây số lên nhà cô đồng Hương.
Hơn 8 giờ, vợ Thiệp mới đến. Chuyến xe khách miền Tây hôm nay trục trặc. Vừa thấy vợ, Thiệp vội vàng ra đón. Vợ đưa anh vào ngồi ở dãy ghế ngoài thềm điện thờ:
– Anh ngồi đây chờ, em ra mua đồ lễ.
Chị le te chạy đến quầy hàng. Trông thấy chị, cô gái bán hàng chạy ra nắm tay chị xởi lởi:
– Sao chị xuống muộn thế? Em chờ chị mãi, em sắp lễ cho chị rồi. Chị nhớ đưa anh vào cùng nhé. Để em lên xem tình hình thế nào.
Chị bưng khay lễ, ngồi bên Thiệp chờ đợi. Cô gái vào phía trong điện, khi ra cười rất tươi:
– Hết người đang ở trong là đến lượt anh chị.
Chị bảo anh đưa tờ giấy ghi tên tuổi người anh trai của Thiệp, là người được gọi hồn. Chị kẹp vào mấy tờ 100 ngàn rồi và đặt vào khay lễ.
Hàng chục người ngồi chờ, vẻ mặt đăm chiêu lo lắng. Mỗi người mỗi cảnh, đều gặp sự không may mắn: Người thì bố ốm liên miên, kẻ thì con nghiện hút bỏ học đi lang thang, lại có nhà vợ chồng bất hòa vì quan hệ…Họ đến đây tìm một lời chỉ bảo từ các vong hồn người đã khuất…
Họ thầm thì trò chuyện, chia sẻ nỗi niềm trong khi chờ đợi. Khói hương bay lởn vởn từ trong điện tỏa ra, không gian như đặc quánh lại, khó thở vì mùi hương ngào ngạt. Những âm thanh khi to, khi nhỏ của cô đồng Hương vang lên trong điện. Lại có cả tiếng quát nạt thật lớn giận dữ, răn dạy…
Từ trong điện, hai mẹ con vẻ mặt đăm chiêu bước ra…hẳn họ vừa được vong hồn chỉ bảo những việc cần làm ngay!
Người đàn ông từ trong điện bước ra, anh ta nhỏ nhẹ.
– Vợ chồng anh Thiệp vào!
Thiệp hơi chần chừ, vợ kéo tay anh dậy; rồi cả hai bước nhanh vào điện.
Gian điện thờ khá rộng. Ba lớp bàn thờ cao dần về phía trong, phía trước che hai tấm voan đỏ, vén lên vừa đủ thấy bát hương to nghi ngút khói…Sáu ngọn nến từ trên xuống chập chờn tỏa sáng, khi mờ khi tỏ những bức tượng, các đồ trang trí: bộ ngũ sự bằng đồng vàng chóe, ba bình hoa nilon khá lớn…các khay lễ vàng, hương, hoa quả và những tờ bạc đặt lễ, bầy kín cả bàn thờ. Một bóng điện mờ phía trước hắt sáng vào, chỉ đủ nhận ra các khối hình mờ mờ ảo ảo…Nền nhà trải ba tấm thảm rộng. Tấm thảm giữa dành cho cô đồng Hương và người đến gọi hồn. Hai bên dành cho khách chờ. Góc phải là một bàn nhỏ và thấp, người đàn ông ngồi điều hành.
Vợ chồng Thiệp theo chân người đàn ông vào điện. Thiệp lạnh người đi, bởi không khí liêu trai thấm đẫm. Anh có cảm tưởng mình bị lạc vào không gian phim cổ trang Trung quốc “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh.
Thiệp ngạc nhiên thấy cô đồng Hương còn trẻ và khá xinh đẹp. Chiếc áo dài lụa xanh cao cổ, nhưng vẫn hiện rõ cái cổ cao ba ngấn. Khuôn mặt trái xoan với nước da trắng hồng. Hai con mắt ướt long lanh như có ngấn nước, lại thêm đôi môi mọng đỏ, chúm chím hình trái tim khá đa tình. Cô vấn tóc quanh đầu, còn một chút đuôi gà rất duyên. Chiếc quần lụa trắng thướt tha, lướt như bay trên mặt thảm. Có lẽ cô nói đúng: cô là người giời giáng trần để cứu nhân độ thế, khác nào một tiên cô chập chờn vừa thật vừa ảo. Làm Tiệp nhớ cô Linh ở Kinh Bắc, Thiệp làm quen người đẹp trong lần đi hội Lim đầu năm; bây giờ hai người vẫn thường xuyên tin qua, lời lại với chiếc điện thoại Nokia đắt tiền.
Vợ Thiệp đưa khay lễ cho người đàn ông. Anh ta nói:
– Thưa bà con, vợ chồng anh Thiệp là cán bộ nhà nước, tranh thủ còn về họp chiều, bà con thông cảm!
Tiếng xì xào rồi cũng im, đã vào đây rồi không ai muốn đôi co chuyện vặt.
Cô đồng Hương thắp một nén nhang, tay múa như vẽ những vòng tròn lên không trung; miệng khấn lẩm nhẩm, cô cắm que hương vào bát vái lạy liên tiếp; rồi quay ra, ngồi xếp bằng xuống thảm, mắt nhắm lim dim, tư thế bất động.
Bỗng người đàn ông ngồi phía trong lên tiếng:
– Kính thỉnh chân linh liệt sĩ Trần Văn Toàn, thuộc trung đoàn 95 – sư đoàn bộ binh 325, hy sinh ngày 15 tháng 4 năm 1975 tại mặt trận Xuân Lộc, giáng lâm về điện thờ, nhà số 96 Hoàn Long.
Vợ Thiệp vái lia lịa cô đồng Hương, chị kéo tay anh cùng vái. Cô đồng Hương vẫn lặng yên như một pho tượng.
Tiếng nói từ phía trong của người đàn ông vang lên lần thứ hai. Lần này cô đồng Hương đầu lắc lư nhè nhẹ. Không gian lặng phắc, mọi người xung quanh đều hướng về cô chờ đợi…
Sau tiếng nói của người đàn ông vang lên lần thứ ba, đầu cô đồng Hương lắc càng mạnh hơn. Bỗng cô hất ngược mặt lên trên, hai tay vỗ nhẹ xuống thảm, rồi mở mắt nhìn thẳng vào vợ chồng Thiệp. Tiếng người đàn ông:
– Hồn liệt sĩ đã về, các người hỏi gì thì nói!
Vợ Thiệp vái lia lịa như bổ củi.
– Kính lạy anh! Vợ chồng em kính lạy anh! Kính lạy anh! Hơn 30 năm chưa tìm được xương cốt anh, vợ chồng em lúc nào cũng lo lắng, không biết anh ở dưới có gặp khó khăn gì không?
– Anh biết tấm lòng của các em. Các em yên tâm, hiện nay anh là quan tướng nhà giời, không thiếu thứ gì cả.
Thiệp thưa:
– Đã hai lần em vào Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Biên Hòa, tìm khắp các nghĩa trang, nhưng không có tên anh.
– Anh biết! Các em không tìm được đâu. Ngày 15 tháng 4 năm 75, đơn vị anh đánh chiếm được ngã ba Dầu Giây. Tiểu đội anh hy sinh 5 người, nằm lẫn cùng lính ngụy. Buổi tối bà con xóm đạo của Bùi Chu – Phát Diệm di cư vào, đã chôn tất cả vào nghĩa địa giáo xứ. Trên chục cái mộ nằm liền kề nhau, không tên tuổi…Các em yên tâm, bà con chăm sóc chu đáo. Anh nằm đây cũng được!
Cuộc nói chuyện của vợ chồng Thiệp với hồn người anh trai khá lâu, kéo dài hơn 20 phút. Một điều rất lạ, người anh trai kể lại những kỷ niệm khi còn ở nhà: tên vài người bạn cùng trang lứa, anh lại nhắc tới cô Trầm người bạn gái thuở học trò…vì chiến tranh mà không nên duyên chồng vợ. Anh nói chuyện khi nhỏ Thiệp lười học, anh lấy cái thước gỗ quật vào mông đến mức gẫy đôi thước; mỗi lần nhớ lại Thiệp vẫn còn đau. Nhờ đó mà anh đã cố gắng học, có được cái bằng Đại Học Bách Khoa. Anh còn kể lần nghỉ phép năm 1973, bấy giờ kinh tế khó khăn; đêm ấy Thiệp đã mò ra ao HTX ăn trộm được con trắm cỏ trên 3kg để chiêu đãi anh. Những chuyện này chỉ riêng Thiệp và vợ anh biết. Luôn kính trọng người anh trai, nên Thiệp đã hơn một lần kể cho vợ nghe những kỷ niệm về người anh kính yêu!
Bỗng hồn người anh trai nghiêm giọng:
– Giỗ bố hồi đầu năm, chú không về thắp hương. Gặp anh, bố buồn lắm!
– Dạ! đầu năm nhà máy em nhiều việc, em không dứt ra được!
– Chú lại viện lí do! Người ta có tổ có tông. Chú có làm to, cũng là con của bố mẹ! Chú được như ngày hôm nay phải nhớ công ơn cha mẹ chứ!
– Dạ! dạ! Em biết, anh dạy chí phải. Từ nay em sẽ sửa!
Quả tình giỗ bố hồi đầu năm, đúng lúc nhà máy gặp sự cố kỹ thuật. Là kỹ sư trưởng, Thiệp không thể bỏ về được. Thiệp đã gửi tiền về cho vợ, dặn vợ làm chu đáo; nhớ mời các ông bà chú thím, o dì… bảo chú Phấn em trai, thay anh khấn cúng!
Hồn người anh trai cao giọng:
– Cái Nga đang học Đại Học Ngân Hàng, được bà cô tổ theo sát phù trì nên nó học giỏi. Nhớ hương khói chu toàn nghe chưa!
– Dạ! dạ! Các em nhớ! Cả hai vợ chồng Thiệp dạ rối rít, vái lia lịa…
– Còn thằng Hoàng đang học cấp 3, lêu lổng theo bạn bè chơi điện tử. Vợ chồng chú cưng con quá, mua xe máy cho nó đi, nên tai nạn là phải. May có ông mãnh kịp thời cứu, nên chỉ bị thương phần mềm!
Bỗng cô đồng Hương cao giọng:
– Chú có biết vì sao vợ chú vừa qua phải đi viện cấp cứu vì chảy máu dạ dày?
– Dạ, em đã xin nghỉ phép về chăm sóc! Vợ em khỏe rồi em mới đi!
– Đó là chuyện đã rồi! Nhưng cái chính là chú không quan tâm yêu thương vợ. Chú lòng thòng, bồ bịch nhiều nơi, làm vợ chú buồn bã, ốm đau luôn đến mức chảy máu dạ dày.
– Dạ! anh dạy em nghe! Ngày trước khi còn ở làng, anh cũng nhiều cô theo mà!
– Láo! Anh bây giờ là quan tướng nhà giời rồi. Chú không được nói anh như thế!
Thiệp còn đang băn khoăn sao anh trai mình biết nhiều việc kỹ càng đến thế, Thiệp lại nghe tiếng quát:
– Chú Thiệp!
– Dạ!
– Chú phải chấm dứt ngay quan hệ với cô Xuân, nghe chưa!
Đến đây thì Thiệp vỡ lẽ ra mọi chuyện, anh đã làm một việc mà chính sau này anh cũng không ngờ mình lại làm như vậy. Thiệp khóc lên tu tu, nước mắt ràn rụa, giọng nhòe đi méo mó:
– Ối anh ơi! Em biết lỗi của em rồi, mong anh rộng lòng tha thứ!
Anh đứng phắt dậy, đưa hai tay xốc nách cô đồng Hương cùng đứng lên và kéo sát về phía mình, rồi ôm thật chặt cô đồng Hương:
– Đã hơn 30 năm rồi, hôm nay anh em ta mới được gặp nhau. Anh có biết em luôn ngày nhớ đêm mong anh biết chừng nào!
Giọng Thiệp nhát gừng, cứ sau mỗi câu Thiệp lại hôn lên má cô đồng Hương chùn chụt, hết má bên này sang má bên kia! Vợ Thiệp ngồi ngẩn ra như trời trồng. Những người ngồi ở hai bên đều đứng bật cả dậy, họ tròn mắt ngạc nhiên, chứng kiến một việc hy hữu chưa từng xẩy ra. Người sau chen lên phía trước để nhìn cho rõ… Thiệp hôn lên trán, rồi hôn xuống cổ cô đồng Hương… Giọng thiệp lúc này nồng nàn, say đắm, những lời có cánh như nói với tình nhân…
– Anh Toàn ơi! Em Thiệp của anh đây!
Cô đồng Hương không kịp phản ứng, lả người mềm đi trong đôi tay rắn chắc của Thiệp. Cái xiết mạnh hai bàn tay Thiệp miết sau lưng cô, với hơi thở thơm mùi bạc hà của Thiệp (khi sáng ngồi chờ, Thiệp đã ăn kẹo) làm cô có một cảm giác lạ khó diễn tả…
Mùi nước hoa ngoại từ cô đồng Hương thoảng nhẹ ngây ngất. Thiệp nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh và đôi môi mọng đỏ…Thiệp quên đi tất cả, tưởng đây là cô Linh hồi đầu năm ở khách sạn Gia Bảo – Từ Sơn – Bắc Ninh. Thiệp liền xoay nhẹ lật ngửa mặt cô đồng Hương. Chao ơi! Đôi môi mới chín mọng làm sao! Giống con thú đói mồi, Thiệp vồ lấy như ăn tươi nuốt sống; ngậm chặt đôi môi, một hơi dài tưởng chừng như bất tận. Thoáng trong giây lát, cô đồng Hương quên đi tất cả, buông thả mình chìm đắm trong niềm hoan lạc mới lạ, ngọt ngào…
Tiếng xì xào của mọi người xung quanh, làm cô đồng Hương chợt tỉnh…Cô gồng mình lên đẩy Thiệp ra, miệng la lên:
– Phải gió cái nhà anh này!
Người đàn ông từ phía sau nhảy bổ ra, hét toáng lên:
– Thôi ! Thôi nào ! Anh em gặp nhau như thế là được rồi !
Một tay đẩy Thiệp ra, một tay kéo cô đồng Hương – vợ mình – ra phía sau; mắt người đàn ông long lên sòng sọc, nhưng không dám làm gì.
Mọi người tản ra khỏi điện thờ. Vợ Thiệp cúi mặt đi như chạy ra ngoài cổng. Thiệp chạy theo gọi:
– Chờ anh với!
Như không nghe thấy, vợ Thiệp lên taxi đi thẳng…

01 – 2018
Nguyễn Quý Phong

TRÍCH PHẢN HỒI CỦA ĐỘC GIẢ

(Ngân Hương – BTV Đài THVN) Một câu chuyện rất hay, phản ánh đời sống (mà qua đó chúng ta học được rất nhiều) của Chợ Phủ Duy Tinh. Đây là một con người mà tâm hồn, nhân cách, kiến thức, phông văn hoá … cũng như ngòi bút của ông khiến tôi luôn ngưỡng mộ và tự hào. Xin cảm ơn rất nhiều. Câu chuyện hay quá. Lối viết chân thực, cuốn hút làm người đọc căng như dây đàn.
Yên Mai Văn: Bài của bác, viết quá hay quá thực tế đời thường, bọn buôn Thần bán Thánh bây giờ nó vậy cả thôi bác à !
Hoa Vô Ưu (Nhà lý luận phê bình – Xưởng phim truyện VN) Truyện xuất sắc, thấm đẫm tinh thần thời đại mà vẫn rất Bồ Tùng Linh. Chúc cây bút của vùng địa linh Chợ Phủ Duy Tinh sức khoẻ & những điều tốt lành. Rất mong được đọc thêm truyện liêu trai của cây bút Chợ Phủ Duy Tinh, lôi cuốn & hài hước.
Tran Thi Phuong: Bài viết hay quá bác ạ! Chỉ tội cho vợ Thiệp, muốn chồng quay đầu về với mình mà đã phải cuốn cả người đã khuất vào cuộc chơi, gặp phải bà đồng Hương chết trôi, không giúp được gì cho cô mà còn làm tổn thương cô thêm. Cộng thêm ông chồng đa tình bá đạo, đến bà thầy cũng không tha. Mà có khi sau vụ gọi hồn này, ông chồng lại thường tới lui bà đồng Hương ấy bác nhỉ!
Chuong Tran Van: Chú Chợ phủ Duy Tinh đa tài, biến hóa khôn lường; với ngòi bút sắc sảo cũng có phần đa tình của mình, chân thực đến từng chi tiết, làm người đọc như thấy chính mình ngồi đó, chứng kiến đoạn trường, đa tài quá chú ơi
Hamvui Nhieutuoi: Câu chuyện có cái kết thật ngoài sức tưởng tượng. Chú có lối kể chuyện rất hấp dẫn và cuốn hút ngưòi đọc.
Long Mai Thanh: Lối viết này là của ngòi bút ông Nguyễn, nguyên là một anh giáo – đi đánh nhau với Mỹ chán – làm ông Bí chán quá rồi về hưu ÷ Thời gian rảnh rỗi thì kể chuyện đời cho nhau nghe.
Bảo sao không chân thật và hấp dẫn ÷ mê hoặc lòng người!!!
Phạm Văn Mạnh: Chuyện của anh thật sâu cay. Quả là cây bút của ông đồ Bắc Kỳ. Chúc anh luôn mạnh khỏe và an lạc!
Mướp đắng vớ phải mạt cưa
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Trần Bá Cơ
Ô hô ! Phen này cô đồng lãi to
Thỉnh cầu … cầu thỉnh … cô lo lộn đồng !
Khói hương cứ việc lộn vòng
Khổ thân vợ Thiệp thành công quả lừa !
Gió đưa mắt thánh vải thưa
Quý Phong lạy Cụ … con chưa đã mà …
Duyên Phan: Hồi nhỏ ở quê, cháu có nghe mấy người lớn tuổi rủ nhau đi cầu hồn (gọi hồn) rồi về kể nhau nghe. Có người cười khanh khách, có người khóc hụ hụ…biết bao câu chuyện hoang đường, nghe qua đã thấy chẳng logic tí nào.Vậy mà không ít người tin..
Giờ đọc câu chuyện của bác cháu thấy thật thú vị. Mong rằng trò mê tín này không tồn tại nữa!
Thidinh Trinh: Đọc xong bài của bác, em không biết nên cười hay nên khóc !
Đây cũng là một trong số khá ít lần em say xưa đọc lời bình của tất cả những người bình !
Man Dangvu: Chuyện này tuyệt quá. Tôi cũng đã có lần cùng anh trai tôi đến đây . Ở giữa sân còn có một bệ thờ rất uy nghi, để người đến xin gọi hồn dâng lễ mời vong linh của mình về bác ạ. Chuyện vừa rất thật mà cũng rất liêu trai.
Lâm Luu: Đoạn cuối đọc mà mình cũng hút theo cũng nghiêng người lã lướt theo chuyện và cứ tưởng phần kết thì Cô đồng và anh Thiệp bị mọi người đập cho một trận. Nhưng không, đó mới là cách kể của một lối kể nhân từ có hậu.
Hong Hanh Ho: Đọc xong không thể không cười được bác ạ. Hay quá!

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong