LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

(Kỳ thứ nhất)

LỜI THƯA

Cuộc chiến cuốn tôi lăn lóc theo đời lính suốt 30 năm, lại ngụp lặn chốn chính trường 8 năm. Nhưng:

Đi khắp bốn phương

Vẫn luôn nhớ làng CHỢ PHỦ

Nơi Mẹ tôi lam lũ

Váy đụp áo nâu

Sáng lội đồng sâu

Chiều rạc chân chạy chợ

Tối khuya về

Ru con trong mơ ngủ

Bên ướt Mẹ nằm bên ráo phần con…”.

Tuổi thơ tôi thấm đẫm những kỷ niệm một thời về làng cổ Duy Tinh – nơi tôi sinh ra… Bây giờ mỗi lần về quê, bọn trẻ tròn mắt nhìn tôi như một khách lạ qua đường. Cũng phải thôi, tôi nào có ở quê. Nhưng với tôi chỉ có một quê là làng Chợ Phủ – Duy Tinh. Một làng quê hơn ngàn năm tuổi, nơi phát tích danh xưng Thanh Hoá, nhưng còn ít người biết. Vì những dấu tích lịch sử hàng ngàn năm ở làng, phần lớn không còn nữa. Tôi thấy mình mắc nợ với quê hương cần phải trả. Hai mươi năm ròng, tôi tìm trong lịch sử, đọc các Văn bia thời Lý – Trần – Lê, hỏi chuyện các cụ cao niên của làng; giúp tôi viết hàng trăm bài, hàng ngàn ảnh và dựng hàng trăm video về làng cổ Duy Tinh, trên Website – Facebook – Blog và Youtube mang tên làng.

Xin được tri ân các cụ Nguyễn Côn, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Văn Thính, Nguyễn Xuân Mậu, Nguyễn Văn Tuẩn, ni sư Thích Đàm Tâm; nhất là nhà giáo Lê Trần Cảnh. Các cụ đã cung cấp nhiều tư liệu quý.

Cuốn “Làng cổ Duy Tinh – Nơi phát tích Danh xưng Thanh Hoá” là tập hợp và gọn lại những bài viết ấy, hy vọng làm rõ nét hơn về Làng cổ Duy Tinh xưa và nay. Tôi coi đây trả món nợ cho quê Cha đất Tổ.

Đây chỉ là phác thảo, còn nhiều khiếm khuyết. Mong quý vị chỉ giáo. Xin cám ơn!

                                                                Mùa Đông năm Canh Tý – 2020

 PHẦN THỨ NHẤT

KHÁI QUÁT VỀ LÀNG CỔ DUY TINH

  • Vị trí địa lý:

Làng cổ Duy Tinh ở toạ độ 19054’42” vĩ độ Bắc, 105053’8” kinh tuyến Đông; cách thị trấn Hậu Lộc 4 km về phía Đông Bắc, cách quốc lộ 1A  5km về phía Tây. Cách thành phố Thanh Hoá 15 km về phía Tây Nam.

Phía Bắc giáp hai làng Hà Sen và Khoan Dịch, phía Nam giáp làng Thái Thường, phía Đông giáp hai làng Mỹ Điện và Hà Mát, phía Tây giáp hai làng Bản Định và Đại An của huyện Hoằng Hoá

2) Tên Làng: Tên Duy Tinh của làng lấy ở câu “Duy Tinh Duy Nhất” trong thiên Đại vũ mô, phần Ngu Thư của bộ Kinh Thư để đặt tên Làng.

Nguyên văn là:

人 心 惟 危  – “Nhân tâm duy nguy,

道 心 惟 微  –  Đạo tâm duy vi.

惟 精 惟 壹 – Duy Tinh, Duy Nhất,

允 执 厥 中 – Doãn chấp quyết Trung.”

Ý tiền nhân muốn nhắc nhở con cháu của làng, phải giữ cái Tâm của mình luôn thuần khiết tinh túy và trong sáng!

Tên chữ Duy Tinh của làng, chỉ dùng trên giấy tờ văn bản, còn tên phổ biến vẫn gọi là làng Chợ Phủ. Vì chợ ngay cạnh lỵ sở của Phủ, là chợ trung tâm cả một vùng.

Làng cổ Duy Tinh có tự bao giờ? chưa có tài liệu chính xác về năm tháng cụ thể. Nhưng theo văn bia “Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh” hiện còn ở chùa làng ghi rõ: Chùa làng đã có từ trước thời Nhà Lý. Như vậy từ thời Bắc thuộc đã có làng Duy Tinh? hoặc là từ trước Công Nguyên? Cứ liệu trên đủ minh xác làng Duy Tinh đã hơn ngàn năm tuổi.

3) Diện tích – dân số và dòng họ:

– Diện tích: Tổng diện tích 167 ha, gồm 76 ha đất ở và 91 ha đất canh tác. Đồng đất tương đối bằng phẳng, nghiêng theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Đất canh tác khá màu mỡ, rất thuận lợi cho việc làm nông nghiệp.

– Dân số:

* Năm 1945 Làng cổ Duy Tinh có 137 hộ với 548 nhân khẩu.

* Năm 2020 Làng cổ Duy Tinh có 753 hộ với 2.586 nhân khẩu, là làng đông dân nhất của xã Thuần Lộc.

– Dòng họ: Làng cổ Duy Tinh hiện có 16 dòng họ gồm: Nguyễn, Lê, Trần, Hồ, Mai, Luyện, Vũ, Bùi, Đỗ, Trương, Dương, Phạm, Ngô, Hoàng, Cao, Lưu. Ba dòng họ Nguyễn – Lê – Trần đông nhất làng.

4) Khí hậu:

Duy Tinh thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nắng lắm, mưa nhiều, độ ẩm cao, hàng năm có từ 2 đến 3 cơn bão. Nhìn chung rất thuận lợi cho nông nghiệp.

 5) Sông ngòi:

Văn bia chùa Sùng Nghiêm ghi: “…phía Tây Nam thành có di tích ngôi chùa cổ, nền cũ mà gạch ngói vẫn còn; nhà cửa thì cỏ gai đã mọc. Đèn hương tuy bỏ, phong cảnh vẫn riêng. Hai cửa khuyết khống chế phía trước, ba dòng sông ôm ấp phía sau…”

Như vậy từ thời nhà Lý, làng Duy Tinh đã có 3 con sông bao bọc gồm: Sông Trà giang nối với sông Lèn từ cống Lộc Động (Phong Lộc) qua Tuy Lộc, Lộc Tân, Chợ Giàu… đến ngã ba Ghềnh, nối với sông Ấu huyện Hoằng Hoá.

Sông Ấu là một nhánh của sông Mã từ Hoằng Khánh chảy về, gặp sông Trà giang ở đầu Ghềnh.

Sông Lạch Trường xưa gọi là sông Ngu giang cũng là một nhánh của sông Mã, nối từ Hàm Rồng chảy qua Hoằng Hoá – Hậu Lộc rồi đổ ra cửa biển Lạch Trường.

***

Sông Trà giang nối liền với sông Lạch Trường và sông Mã. Thuyền bè đi ra biển hoặc lên miền ngược Thanh Hóa đều được. Sông có thuỷ chế đặc biệt, là sông nối với sông Lèn, nhánh của sông Mã chảy qua Lạch Sung rồi qua giữa huyện Hậu Lộc đổ ra biển ở Lạch Trường. Do độ chênh của 2 sông, khi thuỷ triều xuống, nước ngọt sông Lèn đổ vào Trà giang. Khi thuỷ triều lên nước mặn lên tận cầu Lãi (Lộc Sơn). Vì thế tạo nên vùng nước lợ từ Cầu Sài đến Bộ Đầu. Đây là vùng có nhiều hải sản ngon: cua, tôm, cá nhạu, móng tay, giắt, hến, hàu… đặc biệt là Phi Cầu Sài, cua Bái Hà ngon có tiếng, được đem tiến vua.

Làng cổ Duy Tinh là trung tâm của Trấn Thanh Hoa, nên bấy giờ Kinh tế phát triển mạnh mẽ, giao thông thuỷ bộ thuận tiện. Sông Trà giang là huyết mạch giao thông quan trọng, rất thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá. Từ xưa đã có câu:

Duy Tinh giáp bộ, giáp phường

Giáp cầu, giáp chợ, giáp đường giao thông

Vui thay trên bến dưới sông

Thuyền bè tấp nập theo dòng về đây!

Năm 1116 vua Lý Nhân Tông về làng Duy Tinh bằng đường sông. Văn bia ở chùa ghi rõ: “Tháng hai năm Bính Thân niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ bảy (1116), nhà vua đi tuần Phương Nam, đến địa hạt Châu Ái. Thuyền rồng đậu lại; xe loan tạm dừng. Cờ xí lòa trời; vũ vệ ngợp mây.”.

Sông Trà giang chảy qua bến Thưa rồi rẽ ngoặt tay phải một đoạn dài, lại rẽ ngang về bến Hàng chạy tiếp ra chợ. Đoạn giao lưu này nước chảy rất xiết gọi là Mũi Hàn, từng có người chết đuối ở đây. Từ chợ, dòng sông dọc theo làng Đại An và bãi đất làng cổ Duy Tinh gần nửa cây số, lại ngoặt tay phải vòng cung xuống làng Trần Phú. Đoạn ngoặt này gọi là Đầu Ghềnh, ở đây cây cối rậm rạp không người ở. Hồi chống Mỹ sơ tán chợ về đây. Bây giờ hình thành dãy phố đầu Ghềnh rộng thoáng đãng.

Làng cổ Duy Tinh có ba bến sông để giặt giũ tắm táp. Bến Vũ ở đầu ngõ Vũ, đi dọc theo điếm canh xuống, là bến có nhiều bùn nên ít người tắm. Chủ yếu là người ngõ Vũ xuống giặt và rửa ráy.

Sạch nhất là bến Thưa, bến dài thoai thoải lại có hàng duối bên đường để vắt quần áo, nên người đến tắm đông hơn.

Chỉ có bến Hàng là gần đường cái nhất. Từ đường cái xuống bến sông chỉ mươi mét, nên đây là bến tấp nập đông vui hơn cả, lại ngay sát chợ Đình họp buổi sáng tinh mơ, mấy bà hàng tôm cá ở Xóm Vạn thường xuống rửa ráy sau khi bán hết hàng.

Đường xuống bến rộng thênh thang, bên trái có một cây bàng cổ thụ cao gần mười mét, quạ thường xuyên kéo đến đậu. Bọn trẻ con dùng súng cao su bắn, nên quạ kêu quang quác inh ỏi cả ngày, lại còn làm tổ trên cây bàng nữa.

Bến Hàng xưa là nơi bốc dỡ hàng hoá về chợ. Bến Hàng khá rộng, vài chục người hoạt động cùng lúc được; nên từ tinh mơ đến tối mịt, không lúc nào bến ngớt người. Người ta xuống bến làm đủ mọi chuyện: tắm táp, giặt giũ, rửa ráy, thậm chí cả ỉa đái nữa.

Mỗi khi hè về, con trai con gái trong làng rủ nhau ra sông tắm giặt; cười nói vô tư hồn nhiên. Bọn trẻ con cởi truồng vắt quần áo lên hàng cây, rồi tồng ngồng “vùng căng” chạy, lao xuống sông như một mũi tên. Mấy bác trung niên cũng trần thùi lụi, hai tay che cái “của quý” lại, rồi lững thững lội xuống sông như không có việc gì xẩy ra. Họ nhô lên hụp xuống, té nước trêu chọc các chị, làm cho các chị cười ré lên. Chỉ có cười đùa vui vẻ, rồi chuyện trò râm ran chẳng ai chửi ai cả. Ai cũng vô tư, tự nhiên như nhiên! Việc ai nấy làm, chẳng ai mắc cỡ với ai.

Các bà, các cô gái có cách tắm hay đáo để, mặc nguyên cả váy, yếm lội xuống sông, nước đến đâu lại cuộn váy lên đến đó, cuối cùng là đội váy lên đầu, nước chỉ lút vai. Tắm xong khi lên lại thả váy xuống dần, chỉ có yếm là ướt. Lên bờ thay váy yếm sau bụi cây, rồi mang váy áo xuống sông giặt.

Ban đêm khi thủy triều lên, nước biển chảy ngược lên sông. Lũ trẻ con rủ nhau xuống bến khoắng nước, nước bắn lên tung toé vô vàn ánh sáng lung linh đẹp như pháo hoa, là do chất lân tinh có trong nước mặn. Bến Hàng có nhiều tảng đá to làm bậc ngồi, theo mức nước lên xuống; trong đó có một hòn to nhất trông tựa con voi nằm phủ phục, nên gọi là hòn đá voi. Khi thuỷ triều xuống, bến Hàng nước cạn nhiều, có thể lội qua sông sang làng Bản Định dễ dàng.

Mùa lũ nước mấp mé đường cái, lòng sông rộng mênh mông, bọn trẻ bơi qua làng Bản Định trèo lên những hàng cây, rồi nhảy tùm xuống sông; mồm miệng la hét cười nói inh ỏi, cãi nhau chí choé vang lên tận đường cái quan vẫn nghe thấy.

Những đêm trăng, dòng sông như một giải lụa bạc, mềm mại uốn lượn óng ánh thật huyền ảo. Nam nữ hai làng Duy Tinh và Bản Định, thường tụ họp hai bên bờ sông ở đoạn đầu làng hát đúm ghẹo nhau, từ đầu hôm đến quá nửa đêm mới tan cuộc. Mỗi bên có tới dăm bảy người, vài người có giọng tốt thay nhau hò… Trong đám thế nào cũng có một hai người ứng khẩu thành thơ rất nhanh. Bây giờ nhiều người cao tuổi vẫn còn nhớ, đại loại như:

Trà giang nước chảy lững lờ

Anh nghe em hát thẩn thờ bâng khuâng

Duy Tinh – Bản Định quá gần

Bắc cầu giải yếm anh lần qua sông

Thương em ngày nhớ đêm mong

Ước ao thấy mặt thoả lòng gặp nhau

Con gái Bản Định đáp lại:

Gặp nhau có khó gì đâu

Anh nói cha mẹ mang trầu qua sông

Em ra đầu ngõ chờ trông

Mặt mừng tay nắm thoả lòng ước ao

Khi tan cuộc bao giờ cũng có những lời hẹn ước rất tình tứ.

Trăng tà chếch bóng khuya rồi

Xa nhau em lại đứng ngồi không yên

Còn trời còn nước còn non

Chào anh giữ vững lòng son – Em về!

Trai Duy Tinh đáp trả:

Em về sao được mà về

Bức thư chưa gửi, lời thề chưa trao…

Cảnh hát giao duyên trong một không gian thật lãng mạn và huyền diệu, làm cho mọi người như được sống trong miền cổ tích. Trai gái hai làng tình cảm thân thiết lắm, nhiều đôi nên duyên chồng vợ. Rất tiếc nét đẹp Văn Hoá này, bây giờ không còn duy trì nữa!

Đến những năm 60 của thế kỷ trước, thuyền bè vẫn chở hàng hoá về Chợ Phủ… Chum vại, cối đá, đá tảng, nước mắm, vải vóc, luồng nứa gỗ. Làng Duy Tinh có hàng chục người buôn bè, họ lên miền ngược chở luồng, nứa, gỗ về bán ở khu vực cuối chợ, sát bờ sông gọi là khu hàng BÈ. Sau năm 1975 xây đập Bộ Đầu chắn nước mặn để lấy nước ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên sông Trà Giang ngày càng hẹp lại, các loại hải sản quý đều không còn. Các bến sông bị lấp rồi phân lô san nền làm đất ở, sông trở nên tù đọng mất vệ sinh như hiện nay.

6) Giao thông:

Trước năm 1975, hệ thống giao thông của làng Duy Tinh gồm cả đường thuỷ và đường bộ.

– Đường Thuỷ: Sông Trà giang nối liền với sông Mã, nên giao thông bằng đường thuỷ lên miền ngược cũng như ra biển đều được, rất thuận lợi giao lưu hàng hoá buôn bán. Sau năm 1975 xây đập ở Bộ Đầu ngăn nước mặn, lấy nước ngọt sông Lèn cho nông nghiệp canh tác, nên giao thông đường thuỷ không còn nữa.

– Đường bộ: Duy Tinh là giao lộ giữa quốc lộ 10 và tỉnh lộ số 5. Tỉnh lộ số 5 từ Nghĩa trang xuống Duy Tinh 5km, gặp Quốc lộ 10 ở ngã tư phố chợ Phủ. Quốc lộ 10 là tuyến đường liên tỉnh, chạy dọc theo vùng duyên hải Bắc Bộ, qua 6 tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Hải phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Đến Ninh Bình, quốc lộ 10 đổi hướng đông nam qua các huyện Yên Khánh, Kim Sơn (Ninh Bình) rồi theo hướng tây nam qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Bút Sơn). Điểm cuối của tuyến đường lại gặp quốc lộ 1A tại phường Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa).  Ngày trước đầu ngõ Nạ có cột cây số bằng đá xanh trên khắc: RPNo5 – KM9 (Tỉnh lộ số 5, cây số 9). Bây giờ ở đầu ngõ Thưa có cột số bằng bê tông, trên khắc QL10 – KM218 (Quốc lộ số 10, cây số 218).

Hiện nay giao thông hoàn toàn bằng đường bộ. Mật độ xe ô tô khá đông, nhiều khi tắc đường nhất là dịp Tết.

7) Hình dáng làng cổ Duy Tinh

Thiên nhiên và con người đã tạo tác dáng làng Duy Tinh thành một hình thế kỳ thú mà bao đời nay mọi người đều thấy rõ: Dáng vẻ làng giống hình con voi với khí thế uy phong lẫm liệt!

Hai chân trước là Ngõ Thưa và Ngõ Hàng, hai chân sau là Ngõ Nạ và Ngõ Chùa. Cái vòi voi là đường cái uốn cong dọc theo sông Trà lên làng Thái, đuôi voi là đoạn đầu Ghềnh, chạy vòng theo sông Trà xuôi về phía Đông.

Đường cái quan là xương sống voi. Bành voi là khu Nghè và Chợ Phủ!

Bốn chân voi được tạo nên bằng bốn con đường, đó là đường kéo dài của các Ngõ Thưa, Ngõ Hàng, Ngõ Nạ và Ngõ Chùa, từ trong làng chạy xuyên qua cánh đồng về phía Đông, đặt chân trên bờ Lũy từ khu Đồn chạy dài về phương Nam.

Vì thế Ngõ Vũ không thông ra đồng, mà vòng qua Ngõ Nạ bằng Ngõ Hào chạy ngang là cái bụng voi.

Bốn chân voi, bước đi vững chắc trên Bờ Lũy, hiên ngang dũng mãnh tiến về phương Nam!

Phải chăng nơi đây có sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người để tạo nên một làng quê vừa hiền hòa chân chất, vừa bất khuất kiên cường trong chiều dài lịch sử.

Gợi cho ta một liên tưởng đẹp, về con voi chiến của Bà Triệu cưỡi đánh quân Đông Ngô trên đất Phú Điền – Hậu Lộc năm xưa!

8) Quá trình hình thành:

Các vị tiền nhân khai phá lập làng, ban đầu ở Ngõ NẠ (hiện nay thuộc thôn Tinh Phúc).

Nạ là từ cổ nghĩa là MẸ. Đây là ngõ đầu tiên khi lập làng Duy Tinh. Sau khi xây dựng Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, một số người đến ở bên cạnh chùa, lập nên Ngõ Chùa (hiện nay thuộc thôn Tinh Hoa). Đến thời nhà Lý, khi Thái uý Lý Thường Kiệt làm Trưởng trấn Thanh Hoa. Các quan võ ở bên cạnh Ngõ Nạ, có tên gọi Ngõ Vũ (hiện nay thuộc thôn Tinh Phúc), cuối Ngõ Vũ có Cồn Vũ để luyện quân, tập võ.

Phía Tây làng là sông Trà Giang như một giải lụa xanh bao bọc. Việc giao lưu hàng hoá bằng đường sông bấy giờ thuận lợi lắm, trên bến dưới thuyền. Hàng hoá từ thuyền bốc lên tập kết ở bến HÀNG để chuyển vào chợ. Người ở quanh bến HÀNG ngày càng đông, lập nên Ngõ HÀNG (hiện nay thuộc thôn Tinh Anh).

Ngõ Nạ, Ngõ Chùa, Ngõ Vũ và Ngõ Hàng là 4 Ngõ lâu đời nhất của làng. Đến thế kỷ thứ XVIII, phát sinh thêm Ngõ THƯA ở đầu làng (hiện nay thuộc thôn Tinh Anh), có thể người từ ngõ Hàng phát triển, cùng một số người từ nơi khác đến là dân ngụ cư. Gọi là Ngõ THƯA vì nhà ở thưa thớt chỉ dăm ba nhà ở bên trái, còn bên phải là ruộng lên tận khu Án Sơn giáp với làng Thái.

Đến nay vẫn còn lưu truyền câu đồng dao:

Lắm lúa ngõ Hàng

Lắm vàng ngõ Nạ

Lắm rạ ngõ Thưa

Ngủ trưa ngõ Chùa

Đi lừa ngõ Vũ

Các cụ cao niên giải thích: Ngõ Hàng là ngõ có nhiều ruộng – nhiều lúa, ngày mùa lúa gánh kìn kìn từ ngoài đồng về. Chính thế trong CCRĐ, ngõ Hàng có địa chủ nhiều nhất làng. Ngõ Nạ là ngõ có nhiều nhà làm vàng giấy. Ngõ Thưa lúc ấy ít nhà ở, lại gần cánh đồng Án Sơn, đến mùa lúa thường tranh thủ ra lấy rạ phơi đầy đường. Ở bên cạnh chùa, tiếng chuông chùa tinh mơ làm thức giấc, rồi ngủ thiếp nên “Ngủ trưa ngõ Chùa”. Ngõ Vũ ở đầu chợ Đình, kẻ cắp bị phát hiện liền chạy xuống ngõ Vũ, cuối ngõ có ngách chạy ngang ngõ Nạ, nên khó bắt.

Sang thế kỷ XIX, mạn Bắc Ngõ Chùa người ở đông thêm; làm nghề buôn gà, nên có tên Ngõ Hàng Gà (hiện nay thuộc thôn Tinh Hoa). Ông Vuông buôn gà đã bỏ tiền mua chức Cửu phẩm để có chức sắc, không phải phu phen tạp dịch. Làng gọi là ông Cửu Gà (Vì dùng tiền buôn gà mua chức). Như vậy trước năm 1945, làng Duy Tinh có 6 Ngõ là: Ngõ Nạ, ngõ Chùa, ngõ Vũ, ngõ Hàng, ngõ Thưa và ngõ Hàng Gà.

Sau năm 1945, đổi thành 7 xóm mang tên: Tinh Anh, Tinh Phúc, Tinh Lộc, Tinh Phú, Tinh Hoa, Tinh Thọ và Tinh Khang. Từ năm 1960 khi thành lập HTX, 7 xóm trên chia lại và đổi tên thành 4 đội, từ Đội 1 đến Đội 4. Sau năm 1975 bốn đội trên đổi thành 4 thôn: Tinh Anh, Tinh Lộc, Tinh Phú và Tinh Hoa. Năm 2019 sáp nhập 2 thôn Tinh Phú và Tinh Lộc thành thôn Tinh Phúc.

Hiện nay làng cổ Duy Tinh chỉ còn ba thôn là: Tinh Anh – Tinh Phúc và Tinh Hoa.

Làng cổ Duy Tinh trước năm 1945 thuộc tổng Do Trường huyện Hậu Lộc. Tổng Do Trường phạm vi rộng từ làng Do Hạ lên tới làng Lam Thượng. Sau năm 1945 tổng Do Trường là xã Thuần Lộc, làng Duy Tinh thuộc xã Thuần Lộc.

Năm 1954 huyện Hậu Lộc chia tách xã Thuần Lộc thành ba xã là Thuần Lộc, Văn Lộc và Mỹ Lộc. Làng Duy Tinh thuộc xã Văn Lộc.

Đến năm 2019 Quốc Hội quyết định sáp nhập xã Văn Lộc vào xã Thuần Lộc. Như vậy Xã Văn Lộc chỉ tồn tại 65 năm. Hiện nay làng Duy Tinh thuộc xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

9) Đời sống – Kinh Tế.

Duy Tinh là một làng bán nông, bán thương đa ngành nghề, ngoài làm ruộng và đi buôn; còn có nhiều nghề thủ công như nghề rèn, nghề đóng cối xay, làm vàng mã, thợ ngoã (thợ xây), thợ bạc, thợ nhuộm, nấu nước mắm…rồi mở cả xưởng giấy trong kháng chiến chống Pháp.

Nghề mộc nổi tiếng là khéo tay về làm nhà luồng, vì mộng luồng phụ thuộc vào độ cong của cây, nên đục và vào mộng phải có kỹ thuật cao. Trong kháng chiến chống Mỹ, tỉnh điều động thợ mộc làng Duy Tinh lên Viên Nội – Thiệu Hoá, làm khu nhà sơ tán cho cơ quan tỉnh. Ngoài ra còn có nghề đan lát thúng mủng, dần sàng; kên nơm, nhủi tép và nong nia rổ rá…

Thợ đóng cối xay nổi tiếng khắp cả tỉnh. Hàng chục nhóm thợ, ăn Tết xong sau rằm tháng Giêng, là thầy trò quẩy gánh đồ nghề “tung hoành” ngược xuôi; lên tận Quan Hoá – Bá Thước, rồi vào Quảng Xương – Nông Cống… Mỗi cối xay đóng 2 ngày thì xong. Cơm rượu chủ nuôi. Trả công tương đương hai yến thóc. Dăm ba tháng mang tiền về cho vợ. Vợ ở nhà  chạy chợ, lãi lờ thêm thắt, thuê người làm ruộng…nên kinh tế nhà nào cũng tạm ổn định. Trong kháng chiến chống Pháp, Tỉnh điều động thợ đóng cối xay làng Duy Tinh sang Lào dạy nghề cho nước bạn. Thợ bạc rất tinh xảo, làm vòng bạc, hoa tai, lục lạc…bịt miệng ấm chén bát đĩa quý.

Phố chợ có thợ chữa đồng hồ, máy may, chụp ảnh, sửa xe đạp, thợ cắt tóc… Hiệu thuốc bắc, hiệu sách, cửa hàng tạp hóa, tiệm ăn, lò mổ lợn và trâu bò. Khách vãng lai, chức dịch các tổng, các làng lên huyện đường làm việc, hơn một lần dùng bữa ở cái phố nhỏ này: Đầu chợ có hàng cơm bà Bảu, giữa phố có hàng bánh dầy giò bà Lới. Qua ngõ Chùa là tiệm phở bà hương Phách, đến ty rượu Phông ten của ông ký Thái… đầu cầu Phủ là lò mổ nhà ông kiểm Chinh.

Ẩm thực đã có thương hiệu từ xưa nhất là giò chả, nem chua và bánh giày giò. Giò lụa – còn gọi là giò nạc – phố Chợ Phủ – là loại giò ngon nổi tiếng một thời. Thương hiệu ấy, đã thành ca từ trong bài “Tình ca Hậu Lộc”, qua tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm, thiết tha của ca sĩ Anh Thơ; hẳn chúng ta không sao quên được: “…Về Văn Lộc phố huyện năm xưa, vẫn giò lụa nem chua bánh cuốn… ẩm thực quê tôi bao đắm say…”.

Đặc biệt là món giò lụa, không có giò nơi nào sánh được. Lát cắt của giò chặt, mịn, bóng và sáng màu…Nhai trong miệng cảm nhận được vị giòn, ngọt, thơm mùi vị tự nhiên của thịt. Đây là món đặc sản cao cấp của các gia đình trung lưu. Người trong làng, chẳng mấy ai có tiền mua ăn.

Khách quý đến nhà mà vội đi, chủ níu lại cụng ly trước khi chia tay; chỉ cần sai con ra phố mua một lát giò cỡ một đốt ngón tay, về thái ra một đĩa con, hai người có thể nhâm nhi hết một xị!. Khách ra về, vẫn nhớ mãi vị giò lụa phố Chợ Phủ làng Duy Tinh!

Làm được giò ngon là cả một bí quyết nhà nghề. Muốn giò ngon: Trước hết phải có thịt ngon, nước mắm ngon, giã thịt tốt kịp thời, gói vừa chặt, luộc đúng độ.

Bà Lới cho biết, bốn giờ sáng đã có mặt ở lò mổ ông kiểm Chinh. Ông kiểm ưu tiên cắt ngay thịt đủ lượng theo yêu cầu. Làm giò lụa thì lấy thịt nạc mông lợn. Thịt mông thơm, không hôi, mềm, săn làm giò rất ngon. Làm giò bò lấy thịt thăn, ta thường gọi là “phi lê”. Thịt thăn, nằm dọc hai bên xương sống của con bò, mỗi con chỉ được vài ký là cùng. Cầm miếng thịt, ta cảm nhận còn nóng hôi hổi mịn, dẻo…

Đem về thái lọc và phân chia số lượng cho từng chiếc trên một cái mẹt: loại nhỏ 5 lạng, loại vừa một cân. Nếu có người đặt loại lớn cân rưỡi, hai cân vẫn làm được. Rồi tiến hành giã thịt ngay. Cối giã giò, là cối đá xanh núi Nhồi; đường kính lòng cối khoảng 30 phân, sâu 30 phân vát lòng. Chày giã bằng gỗ mít dài khoảng 50 phân, hai đầu khum hình mai rùa, ở giữa chày eo thắt lại vừa tay cầm. Ban đầu, một người dùng miếng mo cau hình mái chèo, xúc thịt ít một cho vào cối. Người giã cầm một chày giã giập thịt cho đều. Người cầm mo cau, luôn vẹt gọn thịt bám chày và lòng cối. Khi lượng thịt đã giập đều, cho nước mắm vào vừa đủ. Phải là nước mắm nguyên chất, được chắt ra từ các thạp mắm chín kỹ. Phải đặt mua ở các lò nước mắm có tiếng ở Trương Xá – Hậu Lộc hoặc Khúc Phụ – Hoằng Hóa.

Khi thịt trong cối nhuyễn đều, người giã cầm thêm một chày nữa. Người giã giò phải là trai tráng khỏe mạnh. Dù đông hay hè, khi giã họ đều cởi trần; cơ bắp cuồn cuộn như một võ sĩ. Hai tay giã liên tục, càng nhanh càng tốt, không được nghỉ giữa chừng. Giã cho đến lúc cả khối thịt dẻo quẹo bám vào chày, nhấc lên khỏi lòng cối là được!

Người gói, xếp sẵn lá chuối cho từng chiếc giò trên cái mẹt. Thịt được dàn đều trên lá chuối, bằng đầu bằng đuôi, rồi cuộn gấp lại thành hình trụ dài. Dùng lạt giang buộc từ giữa buộc ra, cách nhau độ 3 phân. Tém một đầu, dựng chiếc giò lên tém tiếp cho cân đối; rồi dùng hai lạt buộc chữ thập dọc theo thân giò. Phải là tay nghề cao mới cuộn được cái giò đẹp, khi cắt lát giò ra tròn vành vạnh, hai đầu cũng bằng chằn chặn như nhau.

Người giã, lại giã tiếp cái thứ hai, thứ ba… Người gói cũng vậy, cho đến khi xong hết. Giò đưa vào luộc phải chăm đều lửa, quá lửa thì giò xác, non lửa thì giò bở. Phải canh thời gian. Bấy giờ đã mấy ai có đồng hồ, phải đốt que nhang để lượng tính giờ. Khi giò chín vớt ngay thì giò khô, vớt chậm thì giò ủng. Tắt lửa một lúc mới vớt thì giò ngon. Công đoạn làm giò hoàn toàn thủ công, các bước tuân thủ chặt chẽ, kỹ lưỡng; đó là bí quyết làm nên thương hiệu giò lụa chợ Phủ một thời, khó có nơi nào sánh kịp.

Ngày nào cũng vậy, khoảng 5 giờ sáng; tiếng chày giã giò nhà bà Lới, vang lên thình thịch. Như một chiếc đồng hồ báo thức, cả phố chợ Phủ thức dậy, bắt đầu một ngày mới. Ngoài đường, tiếng người lao xao từ ba ngã đổ về, họp phiên chợ Phủ.

Nắng mai, nhuộm vàng những chiếc nón lá nhấp nhô, của đám người từ đường cái quan đổ vào chợ. Đã có một thời như vậy, làng chợ Phủ Duy – Tinh thật thanh bình. Nơi ấy có giò lụa chợ Phủ – Món ngon quê nhà – Tinh hoa ẩm thực xứ Thanh. Bây giờ giò được làm bằng máy, tuy nhanh và đẹp nhưng đâu còn vị ngon của giò lụa một thời.

Hiện nay phố xá ra tận đầu Ghềnh ở phía Bắc, phía Nam lên qua Trạm xá, với nhiều dịch vụ mới như Điện Nước, Nhôm Kính, Photocopy, Thuốc Tây, Thuốc Nam, Mộ đá,  Hoa tươi, cây cảnh… Nhiều nhất là hàng ăn sáng, đa số dân làng có thói quen ra phố ăn sáng như người thành thị.

Là một làng bán nông bán thương, ngoài làm nghề thủ công còn lại chủ yếu là đi buôn. Buôn cá biển là một nghề có hàng trăm năm, rất đông người tham gia. Từ chợ Phủ xuống Diêm Phố trên 10 cây số. Khoảng 9 – 10 giờ sáng, hội buôn cá từng tốp lần lượt lên đường. Hành trang là đôi quang gánh với 4 chiếc rổ gòng, rổ xảo và hai cái chàn để đậy. Khi đi nhẩn nha lắm, sớm là 2 giờ chiều đã có mặt ở Diêm Phố. Tất cả ngồi chờ ở hàng phi lao, đợi thuyền, giã về.  Khi thuyền, giã về mọi người ùa ra. Phiên chợ cá diễn ra ngay tại bờ biển. Hai bên mặc cả bán mua khá rôm rả, dân Ngư Lộc – “người kẻ biển” nói to như quát: “Vớ tời ! Mần răng mà trả rẻ rứa vớ tời nà!”. Người chợ Phủ – “dân kẻ chợ” trao đổi, hội ý với nhau bằng những tiếng lóng về giá như “Kẹo chày, hấp chày, quảy chày…”, để thống nhất giá mua, không cho người Diêm Phố biết!

Mua hàng xong, tất cả gồng gánh lên vai bắt đầu chạy và chạy… Như một cuộc chạy thi maraton. Đôi chân thoăn thoắt lướt trên mặt đường, mồm miệng tranh nhau thở. Mồ hôi toá ra như tắm, áo ướt đẫm như được nhúng nước. Phần lớn chạy chân trần không có dép. Người chợ Phủ gọi là “chạy cá dổi!”. Từ “Dổi” có lẽ nguồn gốc là từ “Xổi”, nghĩa là “Nhanh” (Cà muối xổi). Lâu dần từ “xổi” biến âm thành từ “dổi”?. Thế là làng Duy Tinh có nghề “Chạy cá dổi”, một nghề đặc trưng chỉ riêng làng Duy Tinh mới có. Cần phải chạy nhanh về chợ, càng sớm càng tốt.

Sớm là 4 giờ chiều đã về tới chợ, tôm, cua, cá, mực… còn tươi xanh. Vợ đã chờ sẵn ở chợ để bán. Người mua quây lại đông đúc, lựa chọn để mua cá, tôm, mực… cho kịp bữa ăn chiều. Mùa nào loại hải sản ấy, dân làng chợ Phủ và quanh vùng được ăn hải sản còn tươi nguyên.

Một năm hai mùa đầu hè, đầu đông là mùa cá góc và cá khoai. Loại cá này rộ lên trong vài ngày. Nhà nào cũng mua ăn không để lỡ dịp. Cá góc nấu dấm với lá chua me, cá khoai nấu canh với rau thì là. Đây là hai món ăn ngon có tiếng, bây giờ không dễ có. Cá khoai là loại cá bình dân giá rất rẻ, chứ không đắt đỏ như bây giờ là món ăn đặc sản!

Hôm nào muộn 6,7 giờ chiều, thậm chí 8 giờ tối mới về; vì thuyền giã ngoài biển về muộn. Lúc này cả làng vang lên tiếng chẻ nứa, tiếng đập nứa bẻ kẹp để nướng cá. Nhiều loại cá ngon và quý như cá thu, cá dưa, cá nanh. Loại nhỏ thì để cả con, loại lớn thì xẻ ra từng miếng… rồi kẹp lại. Dựng nghiêng hai hàng gạch chỉ dài, ở trong quạt than củi đỏ rực. Kẹp cá gác lên hai hàng gạch, người ngồi nướng tay cầm quạt, quạt liên tục; một tay lật cá để cá chín đều không bị cháy. Mỡ cá chảy xuống than hồng nghe “xèo xèo!” khá vui tai.

Mùa cá mòi, các trích, cá đuôi gà… cá xếp vào sanh, nồi để kho. Nhà nào cũng 5 – 6 nồi kho như vậy, mỗi nồi vài chục con đến hàng trăm con. Ngọn lửa cháy phừng phừng, liếm tận thành nồi. Nồi cá sôi lên sùng sục. Chắt lấy nước cá kho đổ vào vại con để dành ăn dần. Nước cá mòi kho vừa sánh, mỡ nổi vàng đem chấm dưa, hoặc dưới cơm ăn ngon nhớ đời! Còn cá kho đem chợ bán.

Mực ván, mực ống…có con nặng hơn 1kg. Tôm có nhiều loại: Tôm he, tôm rồng, tôm sắt, tôm vàng, tôm nhão, tôm bộp… thì đồ chín lên  như đồ xôi. Hai loại tôm he, tôm rồng là to nhất, có con 2 đến 3 lạng. Một con tôm để vừa khít đĩa trên mâm cỗ thật là sang. Mùi thơm đặc trưng của cá nướng, cá kho, tôm đồ thơm lừng… Cả làng đều ngửi thấy.

Cá nướng, cá kho, tôm đồ cùng các loại cá khô, tôm khô…lúc nào chợ Phủ cũng có. Mùa nào thức ấy, dân làng và vùng miền lân cận, luôn được ăn hải sản tươi ngon.

Nghề buôn cá này cũng vất vả lắm! Đàn ông “chạy cá dổi” vất vả đã đành, đàn bà đi chợ bán cũng khó nhọc lắm. Đầu canh năm đã thức giấc, gồng gánh cá đi các chợ: Chợ Già, Chợ Lãi, chợ Sơn, chợ Bút… mãi trưa trật mới về nhà. Lại còn đi xa hơn, ngược ngã ba Bông, lên đò dọc rồi đi bộ tận Quan Hoá, Bá Thước, Kềnh Nàng, Vĩnh Lộc, Cẩm Thuỷ… vừa bán, vừa đổi lúa, gạo, ngô, khoai… Chuyến đi tới dăm ba ngày mới về nhà.

Duy Tinh là đất bán nông bán thương, nhiều nhà đi buôn lấy lãi tậu ruộng, rồi thuê người làm. Nghề “chạy cá dổi” vất vả cực nhọc là thế, nhưng vẫn là nghề có lãi chút ít. Không những đảm bảo cuộc sống thường nhật, mà còn có của ăn của để, sắm các đồ dùng trong nhà như giường tủ, bàn ghế… Nghề này có từ sau khi bà Hoàng hậu trùng tu chợ Phủ. Chợ Phủ thành trung tâm kinh tế của cả một vùng, là nơi người làng Duy Tinh tham gia buôn bán nhiều hơn cả. Các mặt hàng thượng vàng hạ cám, từ hàng khô đến hàng tươi sống, từ cái kim sợi chỉ đến vải vóc lụa là, đều có mặt người làng Duy Tinh tham gia.

Buôn bè và buôn cá là hai nghề có nhiều người tham gia. Buôn bè phải có vốn lớn, hoàn toàn do đàn ông đảm nhiệm vì là nghề sông nước. Một chuyến đi hàng tuần lễ đến nửa tháng, mới chở luồng nứa gỗ về bến chợ Phủ. Những người buôn bè phần lớn kinh tế khá, có điều kiện làm nhà gỗ lợp ngói. Còn lại trong làng đều làm nhà luồng lợp tranh rạ, trát vách đất. Vách đất là những bức bao quanh cho kín nhà. Đất thó được đạp nhuyễn trộn với rơm rạ chặt dài khoảng 20 cm. Dùng tay bốc từng nắm đất nhuyễn với rơm rạ, trát lên những bức “nhứng”. Nhứng là những thanh nứa buộc ngang và dọc, thành từng ô lỗ khoảng 15×15 cm. Người phía trong, người phía ngoài dùng tay cùng trát và xoa nhẵn, thành những bức vách.

Bấy giờ cuộc sống còn nghèo khó lắm, phần đa không đủ ăn, đủ mặc. Bếp là ba cục đất nện bằng đất thó, cuối năm dịp ông Táo lên trời lại thay ba ông bếp mới. Nồi niêu nấu hoàn toàn bằng nồi đất. Chỉ nhà khá giả mới có sanh, nồi, mâm đồng. Phần lớn nấu bằng rơm rạ vì củi hiếm. Nhà nào cũng có một cây rơm hoặc cây rạ, ở góc nhà làm dự trữ chất đốt. Khi nấu phải thường xuyên ngồi bên bếp, canh me từng nắm rơm rạ cháy đều, sơ sểnh là cháy nhà hoặc hỏng nồi cơm! Nấu xong phải biết giữ lửa, để lúc khác nấu, đi xin lửa hàng xóm không dễ đâu. Nhiều nhà họ kiêng không cho xin lửa. Bấy giờ chưa có bật lửa, chẳng mấy nhà mua diêm; nên nhà nào cũng phải giữ lửa. Khi tắt bếp, nếu là nấu củi thì dễ, chỉ việc bỏ nhiều trấu vào ủ nó âm ỉ cháy cả ngày! Nếu nấu rơm rạ, vun than còn đang đỏ vào giữa bếp, rồi cũng bỏ trấu vào. Vô phúc vào ngày mồng Một hoặc dịp Tết mà phải xin lửa là vô cùng khổ nạn, phải chờ sang chiều mới dám đi xin lửa. Bếp nhà nào cũng phải có một ống thổi lửa. Ống bằng vàu, to như chiếc bơm xe đạp dài khoảng 30 phân. Khi bếp tắt hoặc lúc mới nhóm lửa, để sát ống vào mồm, chu mỏ lên thổi từ nhẹ đến mạnh cho lửa bùng lên.

Ban đêm chẳng mấy khi thắp đèn. Khi có việc như cuốn vàng mới thắp đèn. Đèn thắp bằng dầu hạt bông, rót dầu ra đĩa rồi thả một sợi ruột cây bấc đèn vào. Ruột bấc ngấm dầu, khêu ra ngoài đĩa khoảng 5 ly. Châm lửa bấc cháy là cây đèn, thỉnh thoảng phải lấy que khều bấc ra. Có 2 loại đèn: đèn cây và đèn quang. Đèn cây là một khúc gỗ tiện có đế tròn, để đặt cho vững; phía trên cũng tròn hình đĩa có 3 chấu để đặt đĩa đèn. Đèn quang là cái giá bằng sắt, trên là giây treo, có thể di chuyển. Hai loại đèn này bây giờ thành cổ vật khá hiếm hoi!

Chẳng mấy nhà đủ ăn, mùa giáp hạt phải ăn độn ngô khoai. Năm đói kém thì cuốc rau má, đào củ chuối, hái rau đậu, rau lang trừ bữa. Có ngô khoai ăn đã là khá, có khi nấu cháo với bầu canh, sụp soạt húp chóng no, nhưng đái một phát là đói veo! Đêm nằm bụng xót vèo vẹo không ngủ được. Khoai củ luộc phải chia phần cho mọi người trên mâm chõng, anh chị em còn tị nhau củ to củ nhỏ. Lại để dành ăn dần, lấy 4 cái tăm cắm vào làm con lợn, nằm bò ra chơi với lợn! Khoai khô lát nấu lên, múc ra bát từng tảng phải dướn cổ nuốt. Dễ ăn hơn là ngô nâm, ngô luộc kỹ bỏ ít vôi vào rồi đem ra cầu ao, đổ ra rổ dùng bát sành chà đi chà lại cho hết vỏ và mày ngô. Tiếp tục ninh ngô mềm là ăn được, gọi là “ngô nâm”. Ăn với cà muối “trường”, miếng cà trong veo mặn chát! Năm đói kém mất mùa ăn cả củ nâu, cám rang.

Ngày mùa có bát cơm là sướng lắm, thức ăn chỉ là cá tép bắt ngoài đồng. Rau đay, rau dền, rau muống hái trong vườn nấu với mắm cáy người làng Lam mang xuống bán. Vừng rang là món khoái khẩu, anh em tranh nhau được trộn cối. Mà cũng lạ, cũng là vừng ấy, nhưng cơm trộn cối giã vừng ăn thấy ngon hơn!

Không nhà nào có giếng, cả làng chỉ có 5 – 6 cái giếng, chủ yếu là giếng đất: Giếng Quai, giếng Phỏ, giếng Hào, giếng Nạ, giếng Thổ Thàng, phần lớn ra Ao Sen gánh nước ăn. Nước Ao Sen vừa trong vừa ngọt, pha chè tàu được nước và hương vị, nên làng Khoan Dịch và Đại An cũng xin nước Ao Sen về ăn. Chiều chiều trai gái rủ nhau đi gánh nước khá đông vui. Đàn ông và bọn trẻ thì tồng ngồng tắm ngay tại bờ giếng. Mấy bà, mấy cô gánh nước phải quay mặt đi.

Bấy giờ chưa có khái niệm nhà vệ sinh. Một số nhà nuôi lợn, nuôi trâu bò thì thì kết hợp chỗ “đầu ra!”; còn lại phần lớn đều làm “quận công” ra đồng bãi, lại thoáng mát. Khi xong, dùng lá hoặc que để chùi gạt, thậm chí đánh “trịn” lên mô đất, coi như sạch! Có một nghề hy hữu mà lớp trẻ bây giờ cho là lạ! Đó là nghề hót phân! Người hót phân dùng bai xương trâu, bò và một cái cào nhỏ cán dài. Họ đi khắp cồn trên bãi dưới, nhất là những đám ruộng rìa làng, “trực chờ” khi “quận công” đứng dậy là họ tiến đến ngay! để hót. Người hót phân đều là người làng khác đến, hót phân người để bán cho nơi trồng thuốc lào. Không hiểu sao từ xưa người ta gọi phân người là phân Bắc? Trẻ con chăn trâu bò, lấy que cắm lên phân trâu bò nhà mình, để khẳng định quyền “sở hữu” không ai được xâm phạm!

Mùa hè thì ủ trấu đốt lá xoan cho muỗi bay ra khỏi nhà, vì không có màn. Tối cầm “bó lách nứa” để xua muỗi ra ngoài!

Mùa đông thì lót ổ rơm, hoặc tranh rạ nằm ngủ đắp chiếu manh. Mỗi người may lắm mới có hai bộ quần áo. Vì thế ai cũng có chí và rận khá nhiều. Các bà các cô ngồi bắt chí rận, lật đường may áo phía trong, rận thường ẩn vào đó và đẻ trứng. Họ bắt rận hoặc trứng rận trong áo quần và chí trên đầu rồi đưa lên mồm, dùng răng cắn nghe lép bép, không ai ngại ngùng chi hết!

Mong cả năm đến Tết, bố mẹ cho bộ quần áo mới; nhuộm nâu non, may bằng vải dệt thủ công khổ rộng 40cm. Gắng lên thì có đôi guốc mộc, sơn đen vẽ hoa đào là sướng rồi!

10) Văn Hoá – Xã hội.

Duy Tinh là đất hiếu học, xưa nay khá đông người làm nghề giáo. Trước đây trong làng có nhiều thầy đồ dạy chữ Nho. Có thầy đồ ra kinh Bắc dạy học và ở lại các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương…làm quê hương thứ hai. Con em trong làng nhiều người theo học Trường Pháp – Việt ngay tại làng. Trường Pháp – Việt như Trường cấp 1 bây giờ. Năm 1939 xây 3 phòng cho 3 lớp, năm 1941 xây tiếp 3 phòng nữa cho đủ chỗ học hệ tiểu học. Khi khánh thành, thượng thư bộ Học (Như Bộ Trưởng Bộ Giáo dục bây giờ) là ông Phạm Quỳnh về cắt băng khánh thành! Trường ở khu đất đối diện công sở xã hiện nay.

Trước cổng Trường Pháp – Việt ở bên kia đường (Khu công sở xã hiện nay), năm 1942 xây một nhà ngói ba gian khá rộng, gọi là Infirmerie (Bệnh xá), dân gọi là Nhà Thương. Có một y tá trên bổ về, trông coi việc y tế của cả huyện, dân gọi là ông Ký!

Hiện nay cả 4 Trường Mầm Non, cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều ở làng; rất thuận lợi cho con cháu đi học. Trên 80% gia đình có người học Đại Học, có nhà có 2, 3 người là thạc sĩ, tiến sĩ. Gia đình cụ Cảnh nguyên Phó Ty Giáo dục Thanh Hoá có 3 tiến sĩ. Làng Duy Tinh có hơn một trăm người là giáo viên từ Mầm Non, cấp Tiểu học đến các trường Cao đẳng Đại học và Học viện. Nhiều nhà tuy khó khăn về kinh tế nhưng vẫn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Thời nào cũng có người đỗ đạt cao. Đậu cử nhân bổ đi làm quan ở Hà Tĩnh có các ông Lê Trần Quang, Lê Trần Thường. Đậu Hàn lâm đãi chiếu chờ bổ việc có ông Hàn Khánh, Hàn Phùng. Giáo chức thời Tây học có: Giáo Ban, giáo Giảng, giáo Nậm, giáo Lan, giáo Tước.

Năm 1941, cụ Lê Trần Kềnh (1927 – 2010) con cụ cả Nhuôn – ở đầu ngõ Hàng – đậu đầu giải Concours ge’ne’ranl do bộ Học tổ chức (Như kiểu thi học sinh giỏi cấp I toàn quốc bây giờ) được vua Bảo Đại tặng phần thưởng. Phần thưởng là một chiếc đồng hồ, chuyển về Tỉnh, về Huyện… Quan huyện là ông Bửu Hộ phải tổ chức lễ đón rước. Làng mang kiệu Long Đình, cùng đội trai đinh áo nẹp đỏ, lọng xanh để rước bằng và phần thưởng từ huyện đường về nhà. Cụ phó bảng Lê Trọng Phan người Thọ Xuân, xuống chúc mừng và tự tay cụ viết tặng đôi câu đối:

白面對丹墀後生可畏 Bạch diện đối đan trì hậu sinh khả úy

黄庭蒙錄賞前此未聞 Hoàng đình mông lục thưởng tiền thử vị văn

Ý là:

Học trò mà gặp vua, lớp sinh sau đáng sợ

Còn trẻ được vua thưởng, trước nay ta chưa nghe!

Cụ Kềnh nhập ngũ trong kháng chiến chống Pháp, đổi tên là Lê Song Nguyên, công tác Quân báo. Năm 1985 đại tá Lê Song Nguyên chuyển về công tác tại Viện Lịch sử Quân Sự cho đến khi nghỉ hưu. Cụ mất năm 2010 tại HaNoi, thọ 83 tuổi.

Ngày nay được phong trào khuyến học chăm lo, hàng năm con cháu thi đỗ vào các trường Đại Học, Cao Đẳng luôn đạt tỷ lệ cao trong huyện. Chi 3 họ Nguyễn được tôn vinh là dòng họ hiếu học tiêu biểu cấp Tỉnh.

Năm 2005 ông Trần Kềnh thôn Tinh Anh, thương binh nặng… tuy khó khăn về kinh tế, nhưng gia đình ông đã nuôi dạy ba con đều qua Đại Học. Gia đình ông là gia đình hiếu học tiêu biểu của Huyện, Tỉnh… Ông được đi dự Hội Nghị Khuyến Học cả nước. Gia đình ông được Bộ Giáo Dục, Mặt Trận Tổ Quốc và Hội Khuyến học Việt Nam tặng danh hiệu “Gia đình hiếu học tiêu biểu.”

Hiện Duy Tinh có trên 30 người là Giáo sư Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, Thạc sĩ, đảm trách những vị trí trọng yếu các nơi như: Viện Toán, Đại Học Bách Khoa, Đại Học Giao Thông, Đại Học Thủy Lợi, Kinh Tế Quốc Dân, Học Viện Quân Sự, Văn phòng Quốc hội…

Giáo sư TSKH, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thiện Phúc, nguyên Hiệu phó Trường ĐHBK HaNoi; người đi đầu trong lĩnh vực Công nghệ Robot ở Việt Nam, với hàng chục công trình Khoa Học tầm Thế giới. Ông Nguyễn Văn Thoại GSTS Toán học – Chủ tịch Hội người Việt ở CHLB Đức – giảng dạy nhiều nước trên thế giới. HaNoi

Không ít người phát triển trong lĩnh vực Kinh Tế, và doanh nhân thành đạt, có cương vị cao trong các tổng công ty danh tiếng như Dầu Khí, Truyền thông đa phương tiện…

Duy Tinh là đất phát về con đường học vấn, kỹ nghệ và thương mại là chính.

Duy Tinh có truyền thống Văn Hoá đẹp và phong phú, trước năm 1945 trong làng có nhiều Hội đoàn (Bây giờ gọi là Câu Lạc bộ): Hội Tuồng – Chèo sinh hoạt ở nhà ông Dậu Súc, hai người hát hay có tiếng cả vùng là cô Xếp Kén hát tuồng và cô Hai Vấn hát ả đào. Hội bát âm sinh hoạt ở nhà ông Sáng Mành. Hội Nữ quan, Hội các già sinh hoạt ở nhà bà Mục Chúc, bà có giọng hát hay múa đẹp mỗi khi hầu đồng ở phủ Mẫu. Hội Tư văn (Như Hội học sinh bây giờ) xây dựng Hiền Chỉ ở chùa Vải để tôn vinh những người đỗ đạt trong làng. Hội bóng đá sinh hoạt ở nhà ông Hoà Bảy thợ may.

Đám cưới có tục mời trầu cả làng, như một thông điệp báo cho cả làng biết, còn ăn uống chỉ trong họ tộc. Tang ma, nhà giàu mới có nhà táng giấy chùm lên quan tài. Còn lại dùng đòn khiêng quan tài. Chi nào cũng sắm một bộ đòn khiêng gồm 2 đòn cái chạm rồng và 4 đòn con sơn đỏ, để dùng khi chi có người mất, không phải đi mượn chi khác

Hội thả diều ngõ nào cũng có người chơi, còn thi xem diều ai to, sáo ai nhiều và kêu hay hơn. Làm diều là một nghệ thuật khéo léo giữa mỹ thuật và kỹ thuật. Nhiều diều to như cái thuyền thúng. Phất diều bằng nhiều lớp giấy bản, quét lên giấy nhựa quả hồng hoặc quả cậy cho dai bền và không ngấm nước. Khâu làm sáo càng phức tạp hơn, chọn ống vàu, ống trúc từ to đến nhỏ, để làm 5 đến 7 sáo từ tiểu đến đại; miệng sáo gọt bằng gỗ vàng tâm, đáy và nắp sáo gắn bằng mủ sung. Giây thả diều dùng tre cật chẻ và vót nhẵn thành từng sợi rồi luộc muối cho mềm và bền. Giây cuộn vào một cái giá to tròn như cái mủng con. Chiều hè nắng đẹp, gió nồm Nam lộng thổi, từng tốp ba bốn người, đem diều ra bờ Luỹ, bờ giếng Quai, bờ ao Phỏ và cả khu Đồn; người tung kẻ chạy, diều được gió lên cao vùn vụt. Bọn trẻ chạy theo hò hét ầm ĩ.

Diều to phải hai người giữ giây, một người không sao giữ nổi. Ông Cống Bảo một mình bị diều lôi qua giếng Quai, ông Dệt phải chạy theo mới giữ lại được. Cọc cố định diều bằng gốc tre đực to đóng ngập sâu xuống đất. Có hôm đứt dây, diều bay tận làng Bưng, lại phải lặn lội sang chuộc. Tiếng sáo kêu vi vu như một khúc nhạc hoà âm giữa những con diều, thành một khúc tổng phổ, sâu lắng thanh bình của làng cổ Duy Tinh.

Những đêm hè trăng sáng, tiếng sáo diều âm vang khắp nơi. Quan huyện Bửu Hộ không ngủ được, lệnh cho lý trưởng làng cấm thả diều đêm khuya !!!

11) Tín ngưỡng và Lễ hội:

Từ thời nhà Lý làng cổ Duy Tinh đã là trung tâm Phật giáo tỉnh Thanh Hoá, có tới 4 chùa ở bốn góc làng. Nhưng dân làng Duy Tinh từ xưa đến nay, hầu như không ai là phật tử chính gốc, không ai theo đạo phật hoàn toàn. Chỉ có các bà  khi về già thành lập “Hội các già”. Rằm mồng một, các già lên chùa để cầu bình an, một số già chỉ ăn chay điểm xuyết. Khi các già mất, “Hội các già” tổ chức đội cầu bằng vải nâu và phướn nhà phật tới nơi an nghỉ. Chưa đủ cơ sở kết luận các già là tín đồ phật giáo hoàn toàn.

Người Việt chúng ta lên chùa khá đông trong những dịp lễ tết, rằm mồng một. Tâm lý hướng thiện của người Việt, bắt gặp giáo lý nhà phật răn dạy người ta làm điều lành. Lên chùa để giải toả tinh thần và cầu sự bình yên thanh thản. Cũng khá đông người lên chùa vãng cảnh như một thú tiêu dao.

Tín ngưỡng chủ yếu của làng cổ Duy Tinh là thờ cúng tổ tiên. Họ nào cũng có nhà thờ Tổ. Bây giờ nhiều dòng họ phục hồi lễ tế tổ khá quy mô hoành tráng. Nhà nào cũng có bàn thờ gia tiên. Ngày trước có tục “đơm cỗ” trong ngày Tết và giỗ chạp ông bà. Nề nếp gia phong được coi trọng, vị trí trưởng nam, trưởng tộc hiện nay còn ảnh hưởng ít nhiều. Chữ HIẾU luôn được răn dạy trong từng gia đình.

Trước năm 1945 làng cổ Duy Tinh vẫn duy trì lễ tế nhân thần và thánh thần là thành hoàng làng hoặc các thần có công lớn. Tế thần Cao Sơn Độc Cước – thành hoàng làng – vào Rằm tháng Giêng. Tế Thái Uý Lý Thường Kiệt vào mồng 2 tháng 6 âm lịch. Tế Hoàng Hậu Vương phi Ỷ lan 19 tháng 2 âm lịch, tại đền ở cạnh Ao Sen. Tế Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thuỵ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch tại đền Phong Ngãi.

Thành thông lệ, làng cổ Duy Tinh còn làm lễ tế Kỳ Yên, vào rằm tháng 4 âm lịch tại Đình Thờ ở chợ. Đây là lễ tế khá to, phải mời pháp sư về tế, cầu mong sự bình yên cho dân làng, một năm hanh thông mọi việc “phong đăng hoà cốc”. Đây là lối tế theo Đạo giáo khá cầu kỳ trong 2 ngày, chức sắc thường xuyên có mặt, dân làng vây quanh khá đông. Có đồ phát chúng sinh là cháo loãng và bỏng gạo, trẻ con tranh nhau vào bốc ăn. Có thuyền rồng và hình nhân thế mạng, rồi mang tận khúc sông đầu làng thả!

Những năm hạn hán, Phủ hay Huyện còn làm lễ tế “Đảo Vũ – Cầu Mưa” cho cả Phủ Huyện, tế tại Đình Thờ ở chợ, các tổng đều có lễ dâng cúng. Lễ tế này còn to hơn lễ tế Kỳ Yên của làng Duy Tinh.

Sau năm 1945 các lễ tế này đều dẹp bỏ, nhất là sau khi phá bỏ các đền đình miếu vào những năm 60. Không còn di tích để gợi nhớ một thời!

Hiện nay thông lệ hàng năm, làng tổ chức hội nghị THÁI BÌNH vào ngày 12 tháng Giêng, vẫn duy trì đều. Thành phần toàn thể dân làng, có sự tham gia của chính quyền xã và sư trụ trì ở chùa. Hội nghị xem xét việc trong năm và triển khai những việc năm mới, nhằm xây dựng làng xứng tầm ngôi làng cổ hơn ngàn năm tuổi.

Đến năm 1990, sau khi chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được nhà nước cấp bằng di tích LỊCH SỬ VĂN HOÁ cấp quốc gia, làng tổ chức rước bằng rất linh đình. Các cụ trong Ban trị sự của làng họp. Thống nhất hàng năm cần tổ chức Lễ Hội để xứng tầm với ngôi chùa hơn ngàn năm tuổi và tự hào về di tích cấp quốc gia!

Việc này được đưa ra Hội Nghị THÁI BÌNH. Nhân dân trong làng thống nhất cao với chủ trương trên. Quyết định tổ chức Lễ Hội vào ngày mồng Tám tháng Hai âm lịch hàng năm. Mọi việc được triển khai kỹ lưỡng. Làng thành lập ba đội tế: Đội các cụ ông, Đội các cụ bà và Đội Thanh Niên. Cụ phó Ngãi là người có công trong việc hướng dẫn tập luyện cho các đội tế. Cụ giáo Quý trưởng làng chịu trách nhiệm chỉ huy mọi mặt: Thành lập ba đội khiêng kiệu: Kiệu bát cống, Kiệu Ông và Kiệu Bà. Sắm sửa quần áo, cờ phướn đạo cụ cho lễ rước Kiệu. Các thôn chuẩn bị nội dung Văn Nghệ và thi đấu thể thao.

Lễ Hội đầu tiên tổ chức trong 3 ngày năm 1996. Từ mồng 8 đến 11 tháng 2 âm lịch. Lần đầu tiên trong khu vực có một lễ hội lớn như vậy. Người các nơi đổ về đông ngạt, đường vào chùa len chân rất khó. Xe ô tô xếp kín sân nhà Văn Hoá, kéo dài ra tận Trường cấp 3. Rước Kiệu qua phố, phải có công an chặn xe ở ba ngã đường. Nhiều nhà lập bàn thờ trước cổng khi kiệu qua. Ngoài 3 đội tế của làng còn có các đội tế của bản hội Phú Khê, bản hội Hoa Lộc tham gia. Phần hội bên ngoài có chòi bài điếm, chọi gà, cờ người, nấu cơm thi chạy thẻ, bóng chuyền. Văn nghệ có sự tham gia của các làng trong xã, các nhà trường và cả làng Đại An.

Hơn 10 năm lễ hội duy trì đều. Hậu Lộc khi ấy chỉ có 3 lễ hội: Lễ hội đền Bà Triệu lễ hội chùa Sùng Nghiêm, lễ hội Cầu ngư của xã Ngư Lộc, lại tổ chức dịp đầu Xuân nên người về hội rất đông. Nhưng càng về sau người tham gia càng ít dần. Cả nước có tới 10 ngàn lễ hội, bình quân một ngày có 3 lễ hội. Huyện Hậu Lộc có gần ba chục lễ hội. Năm 2013 lễ hội chùa Sùng Nghiêm rút ngắn lại còn 2 ngày, nhưng người các nơi về thưa dần. Năm 2020 do dịch Covit19 nên Lễ Hội không tổ chức.

(Kỳ sau đăng tiếp)

Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong