LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

LÀNG CỔ DUY TINH NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ

Kỳ thứ 5

CHƯƠNG III

BÀ HOÀNG HẬU NGUYỄN THỊ MINH THUỴ VỚI VIỆC
TRÙNG TU CHỢ TAM BẢO VÀ XÂY DỰNG CẦU PHƯỢNG HOÀNG

        Bia “重修鳳凰市橋碑 – Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi” (Làng Duy Tinh gọi là bia Con Rùa – vì bia đặt trên lưng Rùa, hiện ở phía Đông sân chùa) Văn bia ghi như sau:
“Vua Thế Tông nghị Hoàng đế có bà cụ nội là minh phi lão Hoàng Hoàng Thái Hậu, tên là Nguyễn Thị Minh Thụy phủ Thiệu Thiên, huyện Thụy Nguyên, hương Lam Sơn”. Theo Văn bia: Bà Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy là bà cố nội của vua Thế Tông Nghị Hoàng đế, như vậy bà là vợ vua Lê Trung Tông (1535 – 1556).

        Văn bia ghi bà Hoàng Hậu quê ở hương Lam Sơn, là lấy quê của chồng bà là vua Lê Trung Tông, quê ở Lam Sơn – Thọ Xuân. Bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thuỵ vốn là người làng Nhuệ. Lỵ sở của Phủ Thiệu Thiên bấy giờ ở làng Duy Tinh, lịch sử vẫn coi bà Hoàng Hậu là người làng Duy Tinh. Bởi thế trước năm 1945, ở Thái Miếu nhà Hậu Lê (Thường gọi là đền nhà Lê) ở làng Bố Vệ, phường Đông Vệ thành phố Thanh Hoá. Hàng năm đến ngày giỗ vua Lê Lợi – 22 tháng Tám – Âm lịch, đều có một mâm cỗ biển đề “Duy Tinh hương” (Làng Duy Tinh) dành cho hương lý làng Duy Tinh, để tỏ lòng nhớ quê hương bản quán bên ngoại của vua Lê Trung Tông.
        Bà Hoàng Hậu đã làm được nhiều việc lớn cho làng Duy Tinh, góp phần phát triển mọi mặt của làng, nhờ đó kinh tế làng Duy Tinh chuyển biến mạnh mẽ.
Bà dạy nghề làm vàng mã, một nghề đặc trưng, quanh vùng chỉ riêng ở làng Duy Tinh mới có.
        Có hai loại vàng mã là Vàng vó và Vàng nén. Vàng vó đại loại như vàng giấy hiện nay, nhưng to và đẹp hơn. Vàng nén là những cái vàng hình hộp chữ nhật. Cách làm vàng nén rất phức tạp và qua nhiều công đoạn liên hoàn. Xay bột làm hồ dán, dùng giấy bản để cuốn vàng, làm thuốc cạnh quét lên giấy mầu vàng ánh như kim tuyến…
Trước hết là dùng cây nứa chẻ thành những nan mỏng, rồi bẻ khuôn chặt nan thành những khuôn hình hộp chữ nhật. Dùng giấy bản phất xung quanh khuôn nứa, gọi là cuốn vàng; rồi tém hai đầu giấy thừa lại thành một cái vàng nhỏ cỡ 1x1x2cm. Cứ 100 cái vàng buộc lại thành một dộp vàng. Trong đó có 10 cái vàng mặt phía trước cuốn bằng giấy thiếc quét mầu vàng hoa hoè. Mười dộp vàng buộc lại gọi là một ngàn vàng có 1.000 cái vàng nhỏ. Ngàn vàng có 100 cái phía trước mầu vàng.
Lễ Tết, giỗ chạp, tang ma đều phải cúng vàng này. Một giỗ thường cúng 5 trăm đến một ngàn vàng. Ngày Tết cúng 5 đến 10 ngàn vàng. Đám ma thì nhiều hơn, rải những cái vàng từ cổng nhà ra đến bãi tha ma. Nhu cầu dùng vàng của dân trong vùng khá nhiều, nên dân làng phải cặm cụi làm cả ngày, cả đêm để kịp sáng mai đi chợ. Trẻ con 6 – 7 tuổi, bố mẹ đã tập cho cuốn, tém vàng… Nên mới có câu:
Duy Tinh là đất bà Hoàng
Trẻ con ba tuổi cầm vàng trong tay
        Hơn 400 năm làng Duy Tinh sống bằng nghề thủ công làm vàng mã. Ngoài làm vàng mã, còn làm thêm đồ đốt bảy như ngựa giấy, hình nhân giấy, áo quần mũ nón… tết có mũ ông bếp; đặc biệt là làm nhà táng giấy rất công phu, hình thức đẹp… Nhà táng đậy chùm lên quan tài đưa người chết ra bãi tha ma. Chôn xong đốt nhà táng ngay bên cạnh, nên có câu tục ngữ: “vén tay áo xô đốt nhà táng giấy!”. Nghề này duy trì đến những năm 60 của thế kỷ trước mới bỏ hẳn, khi thực hiện chống mê tín dị đoan!
        Nghề vàng mã đã phát sinh thêm nghề buôn bè của làng. Duy Tinh có hàng chục người, lên ngược mua luồng, nứa, gỗ… theo sông Trà giang về chợ. Khu sát bờ sông ở chợ gọi là khu hàng bè. Mấy ông buôn bè làm cái mui lợp lá cọ, ngồi ở trong để bán hàng. Luồng nứa thì dựng vào dãy bàng dọc bờ sông. Nứa chủ yếu bán cho người làm vàng, làm hom tranh và người buôn cá biển làm kẹp nướng cá
        Bà Hoàng hậu còn cấp cho làng Duy Tinh 40 mẫu ruộng công điền, để chia cho các xuất đinh trong làng, người đi lính còn được ưu tiên hơn. Khi lên lão, ruộng công này phải trả lại cho làng, để chia cho trai tráng đến tuổi 18 lớp sau. Việc này thể hiện tính công bằng dân chủ thời phong kiến. Sau năm 1945 ruộng công này vẫn còn duy trì đến những năm 60, khi thành lập HTX mới thu hồi.
        Bà Hoàng hậu ưu tiên đưa một số người họ hàng thân thích ở làng Nhuệ, làng Lam, làng Thái ra ở khu vực cạnh chợ thành xóm Duy Nhất, để quản lý 2 đình chợ và phân chia việc trông coi chợ với làng Duy Tinh. Những người này không chịu sự quản lý hành chính của làng Duy Tinh, không được hưởng công điền. Nên bấy giờ có câu: Duy Nhất có đinh nhưng không có điền là vậy!
        Đến năm 1945 xóm Duy Nhất có 21 hộ với gần một trăm nhân khẩu. Nhưng sau cách mạng tháng Tám đến nay, cộng đồng Duy Tinh – Duy Nhất đoàn kết thống nhất, chung tay xây dựng làng cổ Duy Tinh.
        Công lao lớn nhất của bà Hoàng Hậu với làng cổ Duy Tinh là việc Trùng tu Chợ và xây dựng Cầu. Chợ ở Duy Tinh lúc ấy là chợ trâu bò nhỏ bé, lại chưa có cầu phải qua sông bằng đò. Bà Hoàng Hậu sáng suốt nhận ra việc phải xây cầu và cải tạo chợ, là cấp thiết cho việc giao lưu và phát triển kinh tế. Văn bia ghi lại việc này như sau:
Sách xưa dạy rằng: Trên sông thì bắc cầu, chính là để giúp người dân qua lại; ban ngày họp chợ chính là để cho của cải vật dùng được trao đổi thông suốt.
Xét về cầu Phượng Hoàng và chợ của Phủ ta, ở vào khoảng giữa hai huyện Vĩnh Phúc và Thuần Hựu; nền đất cao ráo, bằng phẳng là nơi khách bốn phương qua lại, nơi của cải hàng hóa buôn bán trao đổi; thật đúng là nơi đến đã lớn, nơi về lại to; là nơi đại đô hội của đất Thang Mộc vậy!
        Kính nghĩ rằng:
       Đức vua Thế Tông Nghị Hoàng đế có bà mẹ già Hoàng Hoàng Thái Hậu, là ngôi mẹ của dân nước; lấy lòng Phật làm lòng mình; nẩy lên lòng mở lượng to lớn giúp dân, vun trồng phúc lớn cho mai sau; rồi các quan lớn trong Triều cùng các vị thiện nam tín nữ hăng hái nhận đóng góp phí tổn. Tiền lương bạc túi, thanh thản đóng góp cho việc lợi ích chung; rồi hô một tiếng, gỗ súc, đá tảng, ngói gạch chở về kìn kìn, bốn phương dồn lại.
Đến năm Hoằng Định thứ 15 (1615), sớm ngày 12 tháng 7 bắt đầu đón thợ mộc, thợ nề; lấy cái tài hoa lỗi lạc của Ly Lâu để làm chuẩn mực, lấy tài khéo léo tay nghề của công Thâu Ban làm thước; rồi dựng lên, nhấc lên chỉ chưa đầy một tuần mà Rồng đã thôi mưa, cầu vồng mống cụt đã ngang nhiên bắc lên trên dòng nước sóng bạc rồi vậy.
Thế là nước theo mạch đất mà chảy xuôi, người nhờ cầu mà qua lại, chợ Phủ ta mang tên thành chợ Tam Bảo. Chính là:
        Người thiên hạ qua lại. Của thiên hạ tụ tập. Buôn bán hàng hóa ùn về. Việc mậu dịch dễ dàng. Mọi người hớn hở, dân chúng náo nhiệt ở ngay dưới trời vua đất chúa, vui vẻ ca hát ở đường cái rộng của vua; tụ tập được cái gì là vô cực đến cái hữu cực (ít đến nhiều, cái thiếu đến đủ) Tất cả đều nhớ ơn cao sâu của đức Vua ta vạn vạn năm dài lâu.
Công lao thật là vô cùng to lớn, lớn lắm vậy!” (Trích Văn bia)
Cầu xây xong đặt tên là cầu Phượng Hoàng. Phượng Hoàng là loài chim trong thần thoại của người phương Đông, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Một linh vật trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng.

        Cầu Phượng Hoàng có ba nhịp, dài hơn 12 mét, rộng hơn 3 mét. Tất cả làm bằng đá xanh núi Nhồi, cột trụ cầu cũng bằng đá. Mặt cầu là những phiến đá lớn dài hơn 2m rộng hơn 1m, với đường viền chạm hoa văn tinh xảo.
        Làng Duy Tinh và dân trong vùng thường gọi là Cầu Phủ, vì cầu ở cạnh lỵ sở của Phủ Thiệu Thiên rồi Phủ Hà Trung khi ấy! Lâu dần nhiều người không biết tên cầu Phượng Hoàng.
      Hơn bốn trăm năm, cây cầu là nút giao thông quan trọng của hai huyện Hậu Lộc – Hoằng Hoá và các vùng trong tỉnh. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi cầu xuống cấp mới làm lại, phục vụ kịp thời cho giao thông tránh đường Một, trong chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đến năm 2019 cầu được làm lại lần nữa như hiện nay.
       Song song với việc xây cầu, bà Hoàng Hậu cho trùng tu chợ. Trùng tu chợ xong, bà Hoàng Hậu đặt tên là Chợ Tam Bảo. Nhưng dân chúng vẫn gọi là Chợ Phủ (vì chợ ngay cạnh Phủ). Cũng từ ấy làng Duy Tinh có tên là làng Chợ Phủ. Như vậy danh xưng làng Chợ Phủ ra đời năm 1615 đến nay đã hơn 400 năm.
Tam Bảo: Là ba thứ quý báu trong tự nhiên.
– Tam bảo của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng.
– Tam bảo của Trời là: Nhật, Nguyệt, Tinh. (Mặt trời, Mặt trăng, Sao)
– Tam bảo của Đất: Thủy, Hỏa, Phong. (Nước, Lửa, Gió)
– Tam bảo của Người là: Tinh, Khí, Thần.
       Trong chợ xây 4 đình: Đình Thờ là nơi để Phủ – Huyện cúng tế, lễ hội và đảo vũ cầu mưa khi hạn hán. Ba đình dành cho hàng vải vóc tơ lụa, hàng sén và một số hàng khô.

       Chợ Tam Bảo bấy giờ sầm uất lắm, nhất là các ngày Rằm, Ba mươi và dịp Tết; người các nơi đổ về đông nghịt, ngồi họp cả trên đường cái quan, đi lại phải len chân, thích cánh. Những sáng mùa hè, chỉ thấy nón lá ken dày lấp loáng dưới nắng mai. Chợ ở cạnh Phủ, lại ở bên sông, trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Hàng hóa đủ loại, có cả Hàng Bè bán luồng nứa gỗ. Thuyền bè trên sông đông đúc, có thuyền chở cát, chở than, chở chum vại, cối đá, đá tảng…cập bến vào ra tấp nập.
       Văn bia ghi lại cảnh họp chợ đông đúc:
       “Là nơi khách bốn phương qua lại, của cải hàng hóa buôn bán trao đổi, thật là nơi đến đã lớn, nơi về lại to, là nơi đại đô hội của đất Thang Mộc vậy”.
      Đất Thang Mộc: là vùng đất (thuộc sở hữu nhà nước hoặc thuộc đất công làng xã) do nhà vua phong thưởng
       Một tháng chợ Phủ có 36 phiên, với 6 phiên chính họp vào buổi sáng các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 hàng tháng. Đây là chợ trung tâm của Phủ – Huyện, nên mới có câu:
Chợ Phủ một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Châu – Trần
       Biết bao đôi, nên duyên chồng vợ qua những lần gặp nhau ở chợ.
       Ngoài 6 phiên chính, còn có 30 phiên phụ họp vào buổi chiều gọi là chợ Hôm, chủ yếu bán lương thực, thực phẩm. Bây giờ chợ Phủ ngày nào cũng họp vào buổi sáng. Chợ Hôm không còn nữa.
       Chợ Hôm bán nhiều nhất là cá biển, do đàn ông “chạy cá dổi” từ Diêm Phố về chợ cho mẹ và vợ bán.
       Dân làng lưu truyền di ngôn của bà Hoàng: “Hư cầu lấy cầu mà sửa – Hư chợ lấy chợ mà sửa”. Di ngôn này làm người ta tưởng bà Hoàng giấu vàng ở bia, để sau này sửa cầu và chợ (!) Chuyện này đã xẩy ra một bi kịch đáng buồn! Khoảng những năm bốn mươi, có ông Binh người Nam Định mở hiệu thuốc bắc, nhà ông ở đối diện với tấm bia. Ông buôn bán ngày càng giầu có. Đồn rằng: Một đêm ông mở cửa ra đường, thấy một đôi vịt quanh quẩn chân bia, ông bắt lấy đôi vịt hóa ra đôi vịt vàng, nên ông mới giầu nhanh thế!
        Tiếng đồn lan truyền, qua một thời gian; rồi một buổi sáng mai, dân làng thấy bia ngã đổ và vỡ một miếng ở đầu. Chắc rằng trong đêm có kẻ đào quanh bia tìm vàng. Cụ hương kiểm Nguyễn Văn Khuê (làng thường gọi ông Kiểm Cẩm) phụ trách trị an của làng, phải chịu trách nhiệm chính về sự vụ này. Cụ đã nhờ ông Nguyễn Văn Tụng (làng gọi là ông Bống) đi bộ lên Thanh Hóa mua 4 kg xi măng về gắn lại bia, rồi huy động trai làng dựng bia như cũ.
       Việc này càng rõ tầm nhìn kinh tế của bà Hoàng, đó là phương pháp “mỡ nó rán nó”, phải thu phí để tái sửa chữa! Nhưng nào có ai hiểu và thực hiện. Phí chợ có thu nhưng đâu có trích khoản sửa chữa!
       Làng Duy Tinh ngoài chợ Phủ ra, còn có một chợ nữa là chợ Đình. Chợ Đình họp vào sáng tinh mơ, từ đầu ngõ Hàng đến đầu ngõ Vũ. Chợ họp nhanh khoảng một giờ đồng hồ từ 5 giờ đến 6 giờ sáng, hàng hoá chủ yếu là hàng mã. Vàng làm trong ngày sáng mai đem bán cất cho người ta mua lại đem đi các chợ. Còn bán vật liệu làm hàng mã như: nan cuốn vàng, giấy, giây gon, thuốc cạnh, bột quấy hồ…
       Người xóm Vạn thường mang hải sản đánh bắt trong đêm đến bán như mớ tôm, vài con cua, mớ cá vụn…
       Chợ Đình – chợ hàng mã là chính – sinh ra từ sau khi bà Hoàng Hậu dạy dân làng Duy Tinh làm nghề vàng mã.
       Một năm hai vụ chiêm mùa, chợ Đình còn là chợ lao động. Người làng Khoan Dịch, làng Lam, làng Thái, làng Nhuệ… đem theo liềm, hái, đòn càn, quang gánh và cả trâu, bò. Vai vác cày bừa, tay dắt trâu bò đến chợ chờ người thuê. Nhà nào cần cày bừa hoặc gặt hái đến chọn và mặc cả. Dẫn họ về nhà, cơm nước xong đưa họ ra ruộng làm việc, trưa đem cơm ra đồng cho thợ ăn tại ruộng. Tối thanh toán, nếu cần nữa thì hẹn mai làm tiếp.
Sau năm 1945 chợ lao động vẫn duy trì đến CCRĐ, rồi vào HTX mới dừng; nhưng sau năm 1975 chợ lao động tái diễn, người làm thuê đến thềm Bách Hoá ngã tư chợ chờ việc. Đây là đặc thù riêng của làng Duy Tinh, một làng bán nông bán thương. Đi buôn hiệu quả cao hơn, nhưng vẫn không bỏ ruộng.
                                                                                *
                                                                             *    *
       Bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thuỵ trùng tu chợ và xây cầu, thời vua Lê Kính Tông niên hiệu Hoằng Định thứ 15 (1615). Mười hai năm sau, đến thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Tộ thứ chín (1627), vua truyền cho khắc bia: “重修鳳凰市橋碑- Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi” (Bia ghi lại việc trùng tu cầu Phượng Hoàng và chợ).
       Văn bia do Lễ bộ thương thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, đông các học sĩ Nguyễn Thực soạn lời.
       Bia đặt trên lưng rùa, dựng tại chợ bên cạnh đình thờ, thuộc khu vực Bách Hóa chợ, nay là các hiệu kinh doanh tại khu ngã tư.
      Bia cao 1,62m rộng 1,02m, dày 0,2m. Thân Rùa chiều dài 1,74m, chiều rộng 1,52m, chiều dày 0,44m. Đặt trên bệ gạch cao, xung quanh có lan can bao chắn.
       Gần hai thập kỷ sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước; cửa hàng Bách Hóa huyện Hậu Lộc, đã hạ tấm bia làm bàn giặt một thời gian dài, nên chữ trên bia mờ hết cả.
Các cụ làng Duy Tinh đã phát hiện, rồi kiến nghị với Huyện kiên quyết giữ lại tấm bia cho con cháu hiểu rõ và tự hào về một vùng đất văn vật. Hiện tại bia được đưa về cất tại chùa, nhưng đã bị sứt mẻ ở đầu.
       Năm 1995 được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Văn Lộc, ông Trần Lợi Tăng bí thư Đảng ủy xã, cùng Ban viết sử của làng là các cụ Nguyễn Xuân Mậu, Lê Văn Quýnh, Trần Văn Bường, Ngô San, Lê Ngọc Trác và một số cụ cao niên trong làng, đã tham gia biên tập tài liệu về Bia Phượng Hoàng. Nhưng rất khó khăn vì chữ mờ hết cả.
        Rất mừng là gia đình cụ Bạ Thòa tìm được bản chép tay của cụ Trần Lợi Hân. Lúc sinh thời, cụ Bạ Thòa (Trần Lợi Hân) tuy tuổi cao; nhưng suốt một thời gian dài, ngày ngày cụ ra tấm bia khi còn dựng ở chợ, dò chép từng chữ toàn bộ Văn bia. Xin được ân tưởng công lao cụ Bạ Thòa, đã có một nghĩa cử cao đẹp, nhờ đó ta mới biết được nội dung Văn bia.
       Văn bia được cụ Lê Văn Uông, bậc túc Nho của Thanh Hoá dịch. Nhưng tập tài liệu văn bia này vẫn chỉ là bản chép tay, không có kinh phí in ấn. Mười tám năm sau, đến năm 2013; nhờ sự phát triển của Công nghệ tin học, được sự uỷ quyền của các cụ trong Ban biên tập; ông Nguyễn Quý Phong đã ra bia xem xét, đối chiếu, khảo cứu những chữ còn rõ, rồi biên tập và chế bản chữ Nho, phiên âm, dịch nghĩa (Kèm theo ảnh). In 50 cuốn lưu giữ ở Làng, Nhà chùa, UBND xã Văn Lộc và các cụ trong Ban viết sử của làng.
Cùng với tấm bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh. Đây là hai báu vật vô cùng quý giá của làng Duy Tinh, minh chứng cho sự trường tồn của làng Duy Tinh – Chợ Phủ với bề dày lịch sử hơn một ngàn năm!
       Khi bà Hoàng Hậu qua đời, táng tại khu Lăng (là Nghĩa địa Mỹ Điện nay). Làng Duy Tinh xây đền thờ bà ở phía Đông khu Lăng, gọi là đền Phong Ngãi thờ bà cùng các vua nhà Lê trung hưng.
       Từ đền Phong Ngãi ra tới sông, bấy giờ hoang vu rậm rạp lắm, không có người ở. Vào thế kỷ thứ 17 ông Nguyễn Thủ người làng Duy Tinh, ở Ngõ Hàng Gà chuyển cư ra khai phá. Qua năm tháng cải tạo đất đai mầu mỡ tốt tươi, anh em trong họ là ông Nguyễn Thịnh, nhà bà Hậu Thinh cùng ra lập nghiệp, rồi một số gia đình họ Lê, họ Bùi trong làng ra quần tụ, cùng một số người quanh vùng đến ở, thành một xóm trù phú. Hiện nay một số gia đình họ Nguyễn, họ Bùi, họ Lê… ở Mỹ Điện, vẫn thường xuyên qua lại với dòng tộc họ mình ở làng Duy Tinh. Bấy giờ xóm ở cạnh đền nên gọi là Xóm Đền. Sau này là làng Đền rồi làng Mỹ Điện hiện nay.
       Sau khi xây đền Phong Ngãi thờ bà Hoàng Hậu, làng Duy Tinh cắt 2 mẫu ruộng ở Đồng Ao, để dân làng Nhuệ (quê gốc của bà) cày cấy lấy hoa lợi cúng tế bà Hoàng ngày giỗ và dịp lễ Tết. Nhưng thủ từ coi đền là người làng Duy Tinh.
Sau năm 1945 Đền Phong Ngãi không có người chăm sóc nữa. Thế gian biến cải, thời thế đổi thay, sự vô tình của con người và năm tháng đã hủy hoại đền vào những năm 60 của thế kỷ trước. Đền bị phá, bài vị bà Hoàng Hậu cùng 17 bài vị các vua thời Lê trung hưng đem làm củi đun lò mía! Từ bấy đến nay bà Hoàng Hậu không còn được hương khói nữa. Giỗ bà vào ngày 12 tháng 2 Âm lịch cũng không ai cúng.
       Chúng tôi thiết nghĩ, tấm bia Phượng Hoàng này nên trả lại vị trí cũ, đặt tại chợ Phủ là chứng tích của một thời bà Hoàng Hậu nhà Lê đã có công xây cầu Phượng Hoàng và trùng tu chợ Tam Bảo, để khách bốn phương qua lại có dịp chiêm bái!
Để tưởng nhớ công lao to lớn của bà Hoàng Hậu, làng Duy Tinh cần có nơi thờ và hương khói giỗ bà vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm, như trước đây đã từng làm.
       Làm được vậy, chắc rằng hồn thiêng linh ứng của bà Hoàng Hậu và các vị tiền nhân, đã nhất tâm công đức tiền của xây cầu và trùng tu chợ; sẽ phù hộ độ trì cho làng Duy Tinh – Chợ Phủ, ngày càng phát triển mạnh mẽ! Thể hiện tấm lòng đạo hiếu của hậu thế “Uống nước nhớ nguồn” không quên ơn các bậc tiền bối!

(Còn nữa. Kỳ sau xem tiếp)
Nguyễn Quý Phong

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong