LÀNG CỔ DUY TINH - NƠI PHÁT TÍCH DANH XƯNG THANH HOÁ
Kỳ cuối – Hết
PHẦN THỨ BA
LÀNG CỔ DUY TINH THỜI HIỆN ĐẠI
Tiếp theo và hết
Đầu những năm 80, với chủ trương làm ăn lớn, xây dựng cả nước là một đại công trường, với 400 pháo đài cấp huyện. Học tập gương điển hình tiên tiến huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An, với tinh thần “Mo cơm, quả cà và tấm lòng cộng sản đi lên CNXH ! ” “Thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang sơn !”, làng Duy Tinh dồn điền mở rộng diện tích canh tác, quy hoạch lại ruộng đất. Làng mới Văn Xuân được thành lập, chủ yếu là người làng Duy Tinh chuyển cư xuống lập nghiệp, bây giờ đã là một làng trù phú.
Hợp tác xã nông nghiệp làng Duy Tinh đã có bề dầy hơn 20 năm có lẻ. Bốn đội sản xuất dưới sự chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm, nhưng công việc có sự độc lập riêng cho phù hợp với tình hình địa bàn. Cả làng có trại chăn nuôi ở Ao Phỏ, lợn xuất chuồng chỉ được nhập cho Thực Phẩm. Lúa nhập kho Lương thực theo chỉ tiêu trên giao. Dịp Tết đến Xuân về, HTX đánh cá, mổ lợn chia theo đầu khẩu từng nhà. Gia đình chăn nuôi có nghĩa vụ nhập cho Thực phẩm, thừa chỉ tiêu mới được mua hàng, chẳng may lợn ốm muốn thịt phải xin giấy của xã! Làng Duy Tinh vẫn còn kể chuyện ông B…, bơi qua sông “trộm” nguyên cả con lợn của người làng Bản Định làm thịt lợn “trộm” ban đêm ở bờ sông; quả là chuyện hy hữu có một.
Nhà ủ giống ở Đền cạnh Ao sen, do tổ kỹ thuật đảm nhiệm. Thanh niên phụ trách thả bèo hoa dâu và làm phân xanh. Tổ chức nhiều chiến dịch trống dong cờ mở, xuống đồng mùa vụ, thuỷ lợi đào mương, vệ sinh đường làng ngõ xóm, diệt chuột, rọi đèn bắt sâu…Không gian rộn tiếng loa vang “Bài ca năm tấn!” cờ bay đỏ rực từ trong làng ra ngoài đồng. Khí thế bừng bừng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây chẳng phải là một cuộc sống đủ đầy đó sao?! Nhưng…thực trạng là đời sống vô cùng khó khăn. Tình trạng đói những ngày giáp hạt hàng năm là thường xuyên. Đi làm theo tiếng kẻng “tối ngày đầy công!”, để có nhiều điểm, với cách “rong công phóng điểm!”. Cuối vụ điểm nhiều đấy, nhưng lúa chia chẳng được là bao. Một công chỉ hai hoặc ba lạng lúa! Nhà đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay!
Tất cả đều trông vào ruộng 5% và các việc làm thêm như phát xay, bóc lạc cho lương thực, đánh quại cho HTX thủ công. Phần đông các nhà đều có người đi làm thuê, hoặc đi buôn. Thợ mộc, thợ nề trốn sự quản lý của HTX đi các nơi kiếm việc. Người đi buôn lén, kẻ xuống biển buôn cá, người đi HaNoi – Nam Định buôn tạp hoá, buôn gạo, buôn gà… nhảy tàu Bắc – Nam, luồn lách tránh các trạm tài chính kiểm soát của thời “ngăn sông cấm chợ”, thậm chí buôn cả tem phiếu!
Đây là thời kỳ bao cấp với nền kinh tế kế hoạch hoá do nhà nước quản lý. Xoá bỏ kinh tế tư nhân, cấm thương nghiệp tư nhân, hàng hóa theo chế độ tem phiếu. Lương thực, thực phẩm, chất đốt, vải vóc, đường…đều có tem cho từng đối tượng khác nhau; người nghiện thuốc lá cũng được cấp “bìa nghiện!”. Cửa hàng ăn uống của Mậu dich quốc doanh, bán cơm theo tem phiếu; phở “không người lái”, hoặc “phở lạc!”. Cửa hàng Bách Hoá đều có các tủ trưng bầy “Hàng mẫu không bán!”. Khi có hàng, phân bổ chỉ tiêu cho các cơ quan, tiến hành bình xét ai được mua! Chẳng mấy khi nhân dân được phân hàng như cơ quan! Cán bộ sinh con thứ ba trở lên lại có lương con!
Mặt khác hậu quả của ba cuộc chiến kéo dài, đất nước bị tàn phá quá nặng nề, không thể ngày một ngày hai khôi phục nền kinh tế. Bởi vậy cuộc sống của cả nước vô cùng khó khăn vất vả.
Thật buồn và rất thông cảm với sự ngoa dụ của người lính trở về sau chiến tranh, nhưng đó là một sự thật hiện hữu:
Đầu đường đại tá vá xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường thiếu tá bán kem
Trong làng đại úy thổi kèn đám ma
Thượng úy thì đi buôn gà
Trung úy về nhà lại bám đít trâu
Hỏi chàng thiếu úy đi đâu
Ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc – Nam
Trước tình hình trên, Bí thư tỉnh Vĩnh Phú – ông Kim Ngọc – đã “Vượt rào – Khoán chui” cho nông dân. Từ đơn giản nhỏ lẻ khoán từng khâu trong sản xuất, rồi khoán trắng cho nông dân mọi việc. Dân có cơm ăn no nhờ “khoán chui”. Các cánh đồng 5-7 tấn/ha liên tiếp hình thành, năng suất và sản lượng tăng gấp đôi gấp ba, nạn đói giáp hạt kinh niên từng bước được loại bỏ trên địa bàn Vĩnh Phú.
Nhưng ông bị phê phán quyết liệt: “Việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tư lợi… HTX vào con đường thoái hóa và tan rã”…
Mười năm sau, mãi đến năm 1981 Ban bí thư mới có chỉ thị 100 về: CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHOÁN, MỞ RỘNG “KHOÁN SẢN PHẨM ĐẾN NHÓM LAO ĐỘNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG” TRONG HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP.
Rồi đến năm1988, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng mới ban hành Nghị quyết 10 chính thức coi “Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ” và cho thực hiện khoán hộ trong toàn bộ nền nông nghiệp.
Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 của Đảng đã đập vỡ chiếc vòng “kim cô” của nhận thức giáo điều, bảo thủ. Như tiếng sấm tháng Ba, làm xanh mượt cánh đồng lúa làng Duy Tinh. Những mùa vàng bội thu liên tiếp, thóc lúa đầy bồ. Người đi buôn thoả sức tung hoành vào Nam ra Bắc. Các doanh nghiệp tư nhân hình thành trên nhiều lĩnh vực. Nông nghiệp chuyển đổi từ lúa, ngô, khoai sang trồng hoa và cây thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao hơn.
Lúc này lại cũng chính người lính hân hoan: “Một gạch ba sao không bằng một sào khoán sản” (!). Lúc ấy lương LLVT còn thấp, mãi sau năm 2000 lương LLVT mới được cải thiện.
Cuộc sống làng Duy Tinh được cải thiện từng ngày. Điện – Đường – Trường – Trạm, từng bước hoàn chỉnh, nhà cửa chuyển dần sang béton hoá và cao tầng, không ít những biệt thự mini. Đâu còn những bờ rào duối, găng, chè mạn ngăn cách giữa các nhà, thay vào là những bức tường gạch “kín cổng cao tường”! làm cho khoảng cách người với người xa nhau hơn! Mạng không dây Wi-Fi đến từng nhà. Hàng chục nhà có xe con xịn. Tết đến Xuân về đường làng ngõ xóm rực rỡ sắc màu đêm hoa đăng. Mặt người rạng rỡ như hoa, rộn rã tiếng líu lô con trẻ đến trường trong bộ áo quần đồng phục. Chiều chiều các cụ hăng say bóng cửa. Các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, khiêu vũ…hoạt động thường xuyên.
Thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống Văn Hóa ở khu dân cư và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Duy Tinh đã có những bước chuyển biến mạnh về mọi mặt trong việc thực hiện 19 tiêu chí.
Hai thôn Tinh Anh và Tinh Phúc được công nhận đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh. Điện – Đường – Trường – Trạm đầy đủ và chất lượng, đường làng ngõ xóm phong quang, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. Không còn nhà tranh, nhà cao tầng nhiều hơn. Nhiều nhà kiến trúc đời mới như biệt thự mini. Đời sống được nâng cao, không có hộ đói. Trạm xá có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Năm 2020 cả làng Duy Tinh đã lắp nước máy lấy từ sông Lèn về.
Làng cổ Duy Tinh vốn có Văn Hoá truyền thống, giữ gìn bản sắc Việt Nam. Ngày nay Duy Tinh vẫn phát huy nếp sống Văn Hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc đạo hiếu, trên kính dưới nhường, thờ cúng tổ tiên nhớ về nguồn cội. Nhiều dòng họ xây cất Nhà thờ khang trang đẹp đẽ. Làng có 2 hội tế nữ quan và 1 Hội tế của các cụ ông, phục vụ Lễ Hội và giao lưu các bản hội trong và ngoài Huyện, Cả 3 thôn đều có đội Bóng cửa, Bóng chuyền, Văn Nghệ và Khiêu vũ. CLB FC bóng đá hoạt động đều, đá giao hữu trong tỉnh và ra tận Thủ đô.
Cả làng có chung nhà Văn Hoá để sinh hoạt thường niên Hội Nghị Thái Bình vào 12 tháng Giêng. Ba thôn Tinh Anh – Tinh Phúc – Tinh Hoa đều có nhà Văn Hoá khang trang. Năm 2020 hai thôn Tinh Anh và Tinh Phúc vừa khánh thành nhà Văn Hoá khá lớn, với khuôn viên hàng ngàn mét vuông và trên 200 mét vuông sàn; với phương châm “đổi đất lấy công trình” và nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ thêm, với kinh phí sấp sỉ 2 tỷ một công trình.
Hương ước của làng thực hiện nghiêm. Không còn hủ tục lạc hậu trong tang ma lễ hội, sóc vọng ngày Tết và cưới hỏi. Đám cưới có tục mời trầu cả làng, một nét đẹp từ xưa vẫn duy trì. Đám ma không thổi kèn đánh trống, chỉ dùng băng nhạc hiếu đưa người chết về nơi an nghỉ.
Trước năm 1970, người chết thường chôn ở các cồn bái. Ngõ Thưa thì chôn ở cồn Phỏ, Án – Sơn, Ngõ Hàng thì chôn ở mả Quỳn, chùa Chung, cồn Chối, mả Dâm… Ngõ Vũ, ngõ Nạ thì chôn ở bái Nạ, bái Vươn. Ngõ Chùa thì chôn ở Thổ Thàng và khu Đồn.
Sau năm 1975 tất cả mồ mả quy về Bái Vươn, thành Nghĩa địa của làng với diện tích trên 4 ha. Làng âm phủ Bái Vươn của Duy Tinh bây giờ cũng hoành tráng lắm! Không còn mộ đất, mồ mả đều xây ốp đẹp; nhiều nhà “đá hoá” khu lăng mộ riêng của gia đình. Đúng là “Trần sao Âm vậy”! Năm 2020 làng có chủ trương mở rộng nghĩa địa thêm 2.000 mét vuông, để bán cho các gia đình có nhu cầu.
Hệ thống tổ chức chính trị xã hội làng Duy Tinh đầy đủ. Ba thôn Tinh Anh, Tinh Phúc, Tinh Hoa có chi bộ Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh. An ninh chính trị, trật tự xã hội được ổn định.
Văn Hóa thuần Việt được chọn lọc với những nét tiêu biểu: Lòng yêu quê hương đất nước sâu đậm, cần cù, nhân ái, thuần hậu, vị tha… sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao đẹp của Tổ quốc.
Hàng năm Lễ Hội truyền thống chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, mở hội hai ngày đầu Xuân. Dân làng Duy Tinh và khách thập phương tấp nập lên chùa, nguyện cầu an lành hướng Thiện của đạo Phật và chiêm bái các vị thần, không quên ơn các mẹ VNAH và các liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp cao cả của đất nước, để làng Duy Tinh có được như hôm nay.
*
* *
Năm 1996, Bộ Văn Hóa – Thông Tin tổ chức Hội thảo về làng văn hóa, làng cổ Duy Tinh được đại diện cho Thanh Hóa báo cáo, và là một trong 30 làng của cả nước được vinh danh là Làng Văn Hóa cấp Quốc gia. Là một trong 10 làng tiêu biểu các tỉnh phía Bắc, xếp thứ hai sau làng Viêm Xá, xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Báo – Đài Truyền hình Trung ương và Thanh Hoá có nhiều bài viết về làng cổ Duy Tinh trên nhiều lĩnh vực truyền thống và đổi mới. FilmVideo “Làng cổ Duy Tinh ký sự” 4 tập ngắn đưa lên Youtube năm 2013, đã có 4 trang Youtube khác đưa lại, với hàng vạn người xem.
Có 5 sinh viên Trường Văn Hoá Nghệ thuật HaNoi làm luận văn tốt nghiệp cử nhân về đề tài Làng cổ Duy Tinh. Một luận văn Thạc sĩ Khoa Học – Lịch sử, của nhà giáo Nguyễn Văn Quang Trường PTTH Hậu Lộc II, với đề tài: “Làng cổ Duy Tinh (xã Văn Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) Truyền thống và đổi mới” năm 2015, được Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ thuộc Đại Học Hồng Đức Thanh Hoá chấm đạt 9 điểm, xếp loại giỏi!
Tháng 5 năm 2019 trong dịp kỷ niệm “990 năm danh xưng Thanh Hoá”, Đài truyền hình Việt Nam phát phóng sự về Làng cổ Duy Tinh trên kênh VTV2. Cũng dịp này kênh đối ngoại VTV4 phát phóng sự về làng cổ Duy Tinh ra thế giới. Tháng 12 năm 2020, Đài Truyền hình Việt Nam có phóng sự “Chiến khu Ba Đình và con đường du lịch ven biển” kết hợp giới thiệu về làng cổ Duy Tinh, một địa chỉ du lịch tâm linh của Thanh Hoá trên kênh VTV1. Phóng sự trên được VTV5 phát tiếp ngày 15 tháng 01 năm 2021.
Hẳn các vị tiền nhân ngàn năm trước, khi lập nên làng cổ Duy Tinh; sẽ vui hơn khi con cháu vẫn không quên ơn tiên tổ, luôn giữ vững và phát huy truyền thống Làng cổ Duy Tinh hơn ngàn năm tuổi.
Làng cổ Duy Tinh tự hào là nơi phát tích “Danh Xưng Thanh Hoá”, càng phải nỗ lực hơn nữa; xây dựng làng cổ Duy Tinh ngày càng Văn Minh – Giàu Đẹp, hướng tới kỷ niệm “Ngàn năm Danh Xưng Thanh Hoá” vào năm 2029.
Mùa Đông năm Canh Tý – 2020
Nguyễn Quý Phong
38 Trần Xuân Soạn – Ba Đình
Bỉm Sơn – Thanh Hoá
ĐT: 0981.731.624