NGƯỜI LÍNH GIÀ LÀNG TÔI
Cụ Nguyễn Côn năm nay 90 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng…cụ vẫn khoẻ mạnh …đặc biệt là tinh thần rất minh mẫn và sáng suốt. Cụ nhớ rõ từng sự việc trong quãng đời tham gia hoạt động cách mạng của mình.
Năm 1943 sau khi học xong sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire) của Trường Pháp – Việt huyện, cụ tham gia hoạt động cách mạng cùng với ông Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Cảnh và bà Bùi Thị Tước. Tháng Tám năm 1945 cụ tham gia trong đoàn quân đánh chiếm huyện đường Hậu Lộc, cướp chính quyền về tay nhân dân. Cụ được ông Lưu Minh Châu, cán bộ của Đảng đưa vào hoạt động trong phong trào Thanh Niên cứu quốc và được kết nạp Đảng ngày 06 tháng 10 năm 1947, khi vừa sang tuổi 18. Năm 1949 cụ vào quân đội và được cử đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khoá 5. Ra trường năm 1949, cụ về sư đoàn 320 tham gia chiến đấu ở khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Khi quân Pháp thất bại ở chiến dịch Hòa Bình năm 1952, chúng mở 21 trận càn quét lớn ở đồng bằng Bắc bộ. Lớn nhất là trận càn “Mec-quya” (Mercure) ở Thái Bình, nhằm đẩy lùi sư đoàn 320 ra khỏi vùng này. Lúc này cụ là Trung đội trưởng của tiểu đoàn Kiên Trung, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320; cùng bộ đội địa phương và du kích chiến đấu, làm chậm bước tiến của địch từ Cầu Nghìn sông Hoá tràn qua Thụy Anh vào Thái Ninh. Cụ bị địch bắt ngày mồng 6 tháng 4 năm 1952.
Hơn 2 năm bị giam giữ, qua 4 nhà tù: Hoả Lò, Hải Phòng, đảo Phú Quốc và Hành Thông Tây ở ngoại ô Sài Gòn. Cụ vẫn giữ vững khí tiết của anh bộ đội cụ Hồ, tham gia sinh Đảng trong nhà tù. Khi hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) được ký kết, buộc Pháp phải trao trả tù binh. Cụ được trao trả ngày 29 tháng 8 năm 1954, tại Sầm Sơn Thanh Hoá.
Về địa phương, cụ là một dân thường, không tránh khỏi sự nghi hoặc của tổ chức và một số người. Trận đói cuối năm 1954 kéo dài sang năm 1955, cả tỉnh, cả huyện, cả làng đói rã họng. Tiếp đến CCRĐ như một trận bão đánh bồi lại đánh nhồi thêm, làm cho làng Duy Tinh thêm xơ xác…
Phải kiếm sống để tồn tại, cụ đi cày thuê cuốc mướn, làm mọi việc nặng nhọc…đế sống qua ngày. Gần ba năm trời dài đằng đẵng, trong nỗi mong chờ tổ chức xác minh. Mãi đến ngày 14 tháng 5 năm 1957, tỉnh uỷ Thanh Hoá mới có quyết định phục hồi đảng tịch cho cụ.
Sau khi phục hồi đảng tịch, cụ tham gia hoạt động ở xã, rồi được điều động về huyện công tác… đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng. Là uỷ viên Thường vụ huyện uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo, rồi Trưởng phòng Giáo dục…Năm 1990 cụ nghỉ hưu. Về địa phương, cụ được đảng bộ xã Văn Lộc tín nhiệm bầu vào BCH, giữ chức Bí thư đảng uỷ xã…
Với tinh thần anh bộ đội cụ Hồ: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành…” Bằng chứng là, cụ được khen thưởng nhiều Huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
Năm 2017 huyện uỷ Hậu Lộc trao huy hiệu 70 năm tuổi đảng, của BCH Trung ương Đảng CSVN tặng. Cụ là người duy nhất của huyện Hậu Lộc nhận huy hiệu 70 năm tuổi đảng trong dịp này.
Được cụ tiếp trong buổi chiều mùa đông. Nhìn khuôn mặt rắn rỏi, ánh mắt sáng luôn cười, tôi biết cụ là người có nghị lực kiên cường, vượt qua bao bão tố cuộc đời, để hưởng trọn niềm vui viên mãn của tuổi già. Chỉ vào hai bức phù điêu Bác Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bàn, cụ dõng dạc nói:
– Mình là anh bộ đội cụ Hồ, là lính của người anh cả Võ đại tướng…Đó là hai tấm gương soi cho mình noi theo!
Tôi biết cụ là anh “bộ đội cụ Hồ” thứ thiệt. Năm 1952 đã là Trung đội trưởng của sư đoàn 320. Đồng đội cùng trang lứa ở Trường lục quân Trần Quốc Tuấn ngày nào, kẻ còn người mất. Nhiều người là cấp tướng đảm trách các cương vị quan trọng của Đảng và nhà nước.
Cụ luôn có trách nhiệm với quê hương làng Duy Tinh. Khi cụ làm Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Hậu Lộc, một lần về công tác ở cửa hàng Bách Hoá huyện, cụ thấy tấm bia Con Rùa của làng, cửa hàng đem làm bàn giặt…Cụ có ý kiến với Huyện và kiên quyết đưa tấm bia về cho làng Duy Tinh. Năm 1992 khi làm Bí Thư Đảng uỷ xã Văn Lộc, cụ phát hiện cây đa Thổ Thàng có nguy cơ bị mất, khi những người làm ruộng định cuốc hết đất ở gốc đa. Cụ bắt dừng ngay, nên cây đa cổ duy nhất của làng còn giữ được đến nay.
Với tôi cụ là người lính già, và hơn thế còn là một vị tướng cho lớp trẻ noi theo!
Tôi xin phép cụ chụp một tấm ảnh lưu niệm, cụ bảo:
– Mình có nhiều áo com lê con nó cho, nhưng mình vẫn thích mặc áo lính và đeo tấm huy hiệu kỷ niệm 40 năm Nhà tù đảo Phú Quốc, để nhớ về một thời không thể nào quên.
04-12-2018
Nguyễn Quý Phong