NHỚ NHÀ GIÁO NGUYỄN VĂN CẢNH
Lời Thưa: Ban Quản trị Trang Làng cổ Duy Tinh xin giới thiệu tấm gương Nhà giáo Nguyễn Văn Cảnh, người con của làng Duy Tinh đã tận tụy cống hiện cho cách mạng và sự nghiệp giáo dục đến trọn đời. Bài viết của cụ Lưu Văn Thuộc cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa. (Cụ Lưu Văn Thuộc, sinh năm 1927, quê làng Trần Phú, xã Mỹ Lộc, hiện ở cùng con trai tại phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa).
Ở làng Duy Tinh có nhiều gia đình cha, con, cháu đều theo nghề nhà giáo, có chí học hành đến nơi đến chốn và có nhiều người học giỏi.
Sinh ra và lớn lên ở làng Duy Tinh, anh Nguyễn Văn Cảnh cũng mang những nét đặc trưng như những người dân Duy Tinh khác. Có điều anh Cảnh rất chân thật đối với bạn bè và sau này là đối với đồng chí cùng là đảng viên, cán bộ. Anh Cảnh sinh trưởng trong một gia đình có nhiều người làm giáo viên, chịu ảnh hưởng gia phong và được giáo dục chu đáo nên từ nhỏ tuổi anh đã tỏ ra con người mô phạm, đứng đắn được cả người lớn trọng. Vì thấy tôi cũng là “tuýp” người như thế nên anh đánh bạn và rất thân nhau.
Trong đời học sinh (trước đó là học trò, nho sinh, học chữ Nho với các thầy đồ hai, ba năm từ lúc 10 tuổi), có biết bao kỷ niệm sâu sắc, ghi đậm dấu ấn cho đến tận bây giờ. Chịu ảnh hưởng của những thanh niên học sinh tân tiến trong huyện, trong tỉnh, đặc biệt là ảnh hưởng của thanh niên thị xã, trong đó có những thanh niên học sinh Trường college người Hậu Lộc, chúng tôi đã tìm đọc những loại sách, báo nghiên cứu, khảo cứu về các chuyên đề văn học, sử học, như: Nho giáo của Trần Trọng Kim, Khảo luận về truyện Kiều, Nguyễn Du và truyện Kiều. Đọc cả các cuốn Kiều, Chinh Phụ Ngâm dịch sang tiếng Pháp. Đọc phần lớn sách của nhóm Bách Khoa (có Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ) như Hai Bà Trưng, Cận đông cổ sử, Ai Cập cổ sử, Lịch sử Trung Quốc… Đọc các tạp chí như Thanh Nghị, Tri tân tạp chí. Chúng tôi học chữ Nho thêm qua các sách giáo khoa (chữ Nho). Luận ngữ, Ấu học ngũ ngôn thi, vv… Nhiều cuốn sách cũng giới thiệu bàn luận về biện chứng pháp, về đấu tranh giai cấp. Tôi có may mắn hơn là sớm được đồng chí Lưu Cộng Hòa, người cùng làng tuyên truyền, giác ngộ cho tôi về con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp từ khi còn một thiếu niên 13 tuổi. Đến 16 tuổi thì đã được đồng chí Hòa (Bân) và huyện ủy lâm thời Đảng Cộng sản huyện Hậu Lộc sử dụng làm cán bộ văn phòng, giao thông, giữ tài liệu mật và sách báo tiến bộ bị cấm lưu hành. Nhờ đọc nhiều và được các anh trong Huyện ủy chỉ bảo cho nên đã bắt đầu phân biệt được quan điểm đúng, sai của những tác giả các sách tôi đã đọc, đặc biệt nhóm Bách khoa (có Trương Tửu, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Phan Văn Hùm…) là những phần tử Tờ-rốt-kít, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, bợ đỡ giai cấp thống trị, được thực dân Pháp cho phép xuất bản sách báo gọi là “mác xít” để lừa bịp và lái thanh niên tri thức đi theo con đường xét lại, chống lại chủ nghĩa Mác. Tôi thường đem những suy nghĩ của tôi, nhận thức mới của tôi nói chuyện với bạn Cảnh. Nghe tôi nói, bạn lặng yên, lắng nghe và có chiều suy nghĩ rất lung, không vội vàng trả lời. Rõ ràng anh Cảnh không có được điều kiện, hoàn cảnh như tôi nên chưa thể có chuyện sẵn sàng đi theo cách mạng ngay lúc bấy giờ như tôi. Ông thân sinh anh Cảnh là một nhà giáo mô phạm luôn giữ đức tính thuần cẩn, tự trọng, lịch sự trong giao tiếp, không muốn cho con cái giao du với nhiều người mà ông chưa rõ họ có tốt được như mình không. Cho nên có những hoạt động của thanh niên ngoài nhà trường ông già không muốn cho anh Cảnh tham gia. Những hoạt động ngoại khóa của trường thì anh Cảnh đều hăng hái tham gia cùng chúng tôi, chân loèo khoèo, nhưng cũng từng tham gia đội bóng và ham mê chơi bóng ở sân vận động của trường huyện (giờ là sân văn hóa Văn Lộc), chúng tôi còn tham gia diễn kịch những khi kết thúc năm học. Thời đó cũng đã có bóng bàn, nhưng còn hiếm lắm. Để được chơi vào những ngày chủ nhật, chúng tôi phải kéo nhau lên làng Cẩm Lũ, ở đấy các bạn Tiêu (Tiêu đen), Đạt, Lãm… có sẵn bàn và cả bóng, raquette.
Tôi còn cùng một số bạn khác có những hoạt động theo phong cách Scout (hướng đạo sinh) đứng đầu tổ chức hướng đạo cả nước là ông Hoàng Đạo Thúy. Trường Tiểu học Pháp Việt Hậu Lộc có may mắn là có được một thầy có chân trong Tổ chức Scout, đó là thầy Bạch Văn Quế. Thầy về sau chỉ dạy đâu có mười tháng nhưng đã có một ảnh hưởng rất lớn trong học sinh chúng tôi. Thời đó, các thầy, cô đều luôn giữ đúng “mô phạm” nhà giáo. Học trò nói với thầy đều phải xưng hô là con, phải thưa thầy. Nhưng thầy Quế thì lại rất bình dân, coi học sinh như bạn, như em mình, cho nên học sinh rất quý mến thầy. Về sau tri huyện Bửu Hộ sợ cô con gái lớn chưa lấy chồng của ông ta ở gần sát nhà trọ của thầy Quế (nhà hai tầng của ông đội Bảo, sau khởi nghĩa ta trưng dụng thành cơ quan huyện Bộ Việt Minh Hậu Lộc) nên tìm cách chuyển thầy Quế đi nơi khác. Được tin thầy Quế chuyển đi nơi khác dạy học, học sinh cả ba lớp (lớp nhì đệ nhất, nhì đệ nhị và lớp nhất kéo nhau đến thăm hỏi thầy và làm một buổi lễ tiễn đưa thầy lưu luyến. Tôi được giao việc viết bài (diễn văn tiếng Pháp) và thay mặt anh, chị em học sinh đọc diễn văn ngay trước cửa nhà ông đội Bảo, thầy ở trọ. Thầy cũng có ý kiến đáp lại, tỏ vẻ rất lưu luyến học sinh, cô Tước (Duy Tinh) thay mặt anh chị em đọc đáp từ. Tình nghĩa thầy trò ngay lúc đó có tiếng vang lớn. Anh Cảnh cũng có mặt trong cuộc này. Và mãi về sau này chúng tôi vẫn còn giữ kỷ niệm sâu sắc đó của đời học sinh. Đến nơi dạy mới, thầy Quế gửi về mấy chục tập sách nhỏ tặng anh chị em chúng tôi. Không biết anh Cảnh có để lại cho con cháu xem và làm kỷ niệm không?
Tin khởi nghĩa Thái Nguyên, Đô Lương tôi nhận được trước qua luồng thông tin của tổ chức cách mạng mà tôi có vinh dự được tham gia, tôi đều nói chuyện cho anh Cảnh nghe, anh tán thành ý kiến của tôi nhưng cũng chưa dám tham gia công tác cách mạng. Phải chờ cho đến gần ngày Tổng Khởi nghĩa Tháng Tám – 1945, anh mới nhận lời tôi, xin tham gia Việt Minh. Ở Duy Tinh, chúng tôi tổ chức được anh Bổng bán thuốc bắc ở ngoài phố, trước ngày khởi nghĩa. Ngay sau ngày khởi nghĩa, anh Bổng lên huyện đội ở Duy Tinh, chúng tôi dựa vào anh Thưởng, anh Cảnh để tổ chức các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh. Sau đó tuyên truyền kết nạp anh Cảnh và hai đồng chí nữa vào Đảng (8/1947).
Thời điểm đó, tổ chức Dân chủ Đảng lan về Hậu Lộc; Duy Tinh đã có một số người hướng theo Đảng Dân chủ. Anh Nguyễn Văn Cảnh được Đảng Cộng sản phân công tham gia để lãnh đạo tổ chức này nhằm hạn chế hoạt động tiêu cực, chống chính sách của những đảng viên dân chủ thuộc thành phần địa chủ. Rồi trên có chủ trương cử đảng viên có trình độ văn hóa đi học văn hóa ở Khu học xá Việt Nam tổ chức tại Trung Quốc và anh được chọn cử đi học. Sau này anh học Văn 1 – ĐHSP. Anh dạy học và làm lãnh đạo nhiều trường trong tỉnh, như Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Trường Bổ túc Công nông của tỉnh, sau về làm Hiệu trưởng Trường cấp III Hậu Lộc. Đến năm 1969 anh được điều lên Ty Giáo dục và được tỉnh cất nhắc làm Phó Trưởng ty Giáo dục.
Điều đáng yêu, đáng quý nhất ở anh là đức tính hiền hậu, khiêm nhường. Đối với mọi người trong cơ quan, người cao tuổi hay ở cương vị cấp trên, cho đến người trẻ tuổi dưới quyền, anh bảo vệ, chị cấp dưỡng, anh đều tôn trọng, không khi nào phân biệt đối xử, nên anh được bạn bè đồng nghiệp và cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ quý mến. Ông có lối sống rất giản dị, những ngày nghỉ về nhà thường hay đi thăm cô, dì, chú, bác. Họ hàng, bà con làng xóm ai muốn nhờ việc gì theo khả năng có thể được thì giúp ngay.
Một ngày đầu tháng 1-1975, anh Nguyễn Văn Cảnh đột ngột ra đi ở tuổi 48. Anh mất đi tỉnh Thanh Hóa mất một người cán bộ đang sung sức, còn tôi, bạn thân tình của anh cũng thương tiếc vô cùng.
Lưu Văn Thuộc
Mỹ Lộc, tháng 8-2001
Sơ lược lý lịch:
– Họ và tên: Nguyễn Văn Cảnh – Bí danh: Lê Anh; sinh ngày 02-4-1927, tại Tinh Anh, Văn Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Tham gia cách mạng từ tháng 5 năm 1945; Kết nạp Đảng ngày 23-8-1947, tại Huyện ủy Hậu Lộc; chính thức tháng 3 – 1948 do đồng chí Đỗ Hữu Nhân – huyện ủy viên Huyện ủy Hậu Lộc giới thiệu.
– Đã trải qua các chức vụ:
Bí thư thanh niên cứu quốc Tổng Do Thường, huyện Hậu Lộc (1945 – 1946), Chủ nhiệm Việt Minh xã Thuần Lộc. Trưởng Ban tuyên truyền huyện Hậu Lộc (1947); Bí thư Đảng Đoàn Dân chủ Đảng huyện (1948); dạy học tại tỉnh Quảng Bình từ 1951 đến 1953; sau đó về làm Hiệu trưởng các Trường cấp 2 Hà Trung, Hậu Lộc; Hiệu trưởng Trường Bổ túc Công nông tỉnh Thanh Hóa; Hiệu trưởng các Trường cấp III Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc; Phó Trưởng ty Giáo dục Thanh Hóa. Mất ngày 12 – 01 – 1975, thọ 48 tuổi.