Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Sáu
Chương Thứ Ba
*******
CÁC LỄ TRONG
HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI
I – CÁC LỄ CHÍNH (Tiếp theo)
5 – Lễ đón dâu (Nghinh hôn). Đón dâu là Lễ cuối cùng trong hôn nhân và cưới hỏi.
Trước đây phải đủ sáu Lễ. Từng có câu: “Lục Lễ bất chí, trinh nữ bất hành”. (Sáu Lễ chưa đủ, gái trinh không đi).
Bây giờ không còn Lễ Vấn danh, chỉ cần 5 Lễ là đủ. Thành phần nhà trai đi đón dâu: Trưởng đoàn là người bề trên cao tuổi. Mẹ hoặc cô, dì của chú rể bưng một hộp quả nhỏ, có nơi mẹ không đi. Ở thành phố có nhà thuê một bà phúc hậu đi đón dâu. Trong hộp chỉ có một chục trầu xin dâu kèm theo chai rượu.
Cách đón tiếp của nhà gái cũng như các lễ trước. Nghi thức buổi lễ cũng theo thứ tự các bước đã làm. Sau khi nhà gái nhận trầu xin dâu, đặt lên bàn thờ thắp hương cáo gia tiên. Được bố mẹ cô dâu “cho phép”, chú rể mới được vào phòng trong trao hoa cho cô dâu. Hai người đến trước bàn thờ, thắp hương bái lạy tổ tiên trước khi lên xe hoa về nhà chồng. Vợ chồng chào bố mẹ và họ hàng trước khi lên xe hoa. Bố mẹ dặn hai con đường ăn nết ở sao cho trọn nghĩa vẹn tình.
Trước khi lên xe hoa, nhà gái trao của hồi môn, những người thân trao vật kỷ niệm. Có gia đình để đến hôn trường nhà trai trao luôn một thể. Vận dụng sao cho hợp lý đều được.
Cần tiến hành nhanh, cả quay video, chụp ảnh kỷ niệm với gia đình không nên quá 30 phút. Họ nhà gái nên bố trí đưa cô dâu đi bộ một quãng, rồi mới lên xe hoa. Gọi là Dẫn dâu. Thể hiện tình cảm quyến luyến, nghĩa tình sâu đậm. Dùng dằng nửa ở nửa đi mà! Cô dâu sụt sùi “Khóc như cô gái vu quy nhật!” (Khóc như cô gái ngày về nhà chồng!).
Thành phần nhà gái đưa dâu: Trưởng đoàn là người đại diện nhà gái, bố, mẹ, cô dì chú bác và một số bạn bè thân thích càng đông càng vui.
Ngày trước thường mẹ cô dâu không đi. Lý do vì tình cảm quyến luyến, hoặc do con gái bị ép buộc. Khi ở nhà trai, mọi người đang vui vẻ ở nhà ngoài, mẹ liền đưa cô gái trốn về nhà mình. Bởi vậy mẹ cô dâu không được đi nữa. Bố cô dâu cũng không đi, vì cho rằng con gái đã gả bán cho nhà người rồi.
Bây giờ hôn nhân tự nguyện, hai nhà, hai họ đồng lòng; ngày đưa dâu là ngày vui nhất. Bởi vậy cả bố và mẹ đưa dâu sang nhà trai, càng gắn chặt tình cảm hai nhà.
Khi về nhà trai, đoàn rước dâu nên dừng lại cách nhà vài chục mét. Vừa chấn chỉnh đội hình, vừa để ở trong chuẩn bị nghênh hôn. Ngày trước có pháo nổ giòn, bây giờ có nhạc vang lên rộn rã và pháo giấy, pháo điện long lanh sắc mầu.
Trong khi hai họ còn ổn định vị trí, mẹ chồng đón cô dâu vào trong nhà, trước là thắp hương bái gia tiên. Thực hiện nghi lễ Bái đường thành thân. Đây là nghi lễ thiêng liêng nhất. Tổ tiên chấp nhận cô dâu và chứng giám đôi trẻ là vợ chồng. Sau lễ này mới ra chào ông bà, chào họ hàng nhà chồng. Nếu là nhà thờ Tổ, sau khi thắp hương cáo Tổ tiên, ông Trưởng họ ghi tên cô dâu vào Gia phả dòng họ. Nếu là ngành thứ, thủ tục này có thể làm sau cũng được. Sau đó đưa vợ chồng trẻ vào buồng Hạnh phúc rồi mới ra Hôn trường.
Khi ra hôn trường chú rể và cô dâu ngồi ở khu vực trung tâm trước phông chính, có bàn dành riêng cho vợ chồng.
Cần bố trí đại diện hai họ ngồi ở khu vực trang trọng phía trên. Thể hiện trách nhiệm và tình cảm đối với hai con, đồng thời cũng là sự trân trọng đối với quan viên hai họ. Bố hoặc mẹ chồng cùng các người thân bên nhà trai trao vật kỷ niệm. Đại diện nhà trai hoặc Ban tổ chức cám ơn hai họ và tuyên bố kết thúc buổi Lễ.
Nghi lễ theo nếp Văn Hóa mới do Ban tổ chức điều hành. Cô dâu chú rể đi khắp lượt mời mọi người trầu thuốc, để tỏ lòng cảm ơn.
Buổi lễ nên diễn ra nhanh gọn. Ban tổ chức cần chọn nội dung cho phù hợp với từng đôi cho hợp cảnh. Không nên quá ồn ào và dài lê thê. Dài nhất không quá 45 phút.
Khi kết thúc vợ chồng đứng trước cửa rạp, mời trầu thuốc cảm ơn mọi người.
Sau khi cưới được hai hoặc bốn hôm, vợ chồng mang đồ lễ về thắp hương cáo gia tiên và vấn an ông bà, bố mẹ cô gái. Gọi là Lại mặt. Chữ gọi là Nhị hỷ hay Tứ hỷ.
Việc này là để cô gái thu dọn nốt đồ tư trang, bắt đầu một cuộc sống mới làm vợ, làm dâu.
Đồ lễ Lại mặt không quy định cụ thể. Xôi gà hoặc hoa quả, bánh trái đều được. Điều quan trọng là tấm lòng.
Ông bà, bố mẹ đang mong mỏi con, cháu gái mới xa nhớ lắm. “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Huống chi là đã mấy ngày !!! Lần gặp mặt này để rồi mãi mãi con gái mình là con nhà người. Bây giờ vận dụng tùy hoàn cảnh cho phù hợp. Không nhất thiết phải làm. Nếu ở quá xa, có muốn cũng không thực hiện Lại mặt được.
Qua phong tục cưới một số nơi, có biến thể gia giảm chút ít cho phù hợp với từng địa phương. Chung quy lại, bây giờ cũng chỉ có ba lần nhà trai đến nhà gái đặt các lễ, trước khi cô dâu lên xe hoa. Như vậy chỉ cần ba lễ quan trọng: Chạm ngõ, Nạp tài (có lễ Ăn hỏi và Xin cưới) và Đón dâu là đủ.
II – GIẢI QUYẾT CÁC TÌNH HUỐNG PHÁT SINH
1- Gặp đám cưới khác. Ngày trước đám rước dâu phần lớn đi bộ. Nếu gặp đám cưới khác, hai cô dâu chỉ việc trao nón cho nhau. Điều này thực hiện dễ dàng, vì hai bên cùng đi bộ cả.. Ngày nay, phương tiện đi lại thuận tiện hơn nhiều. Nhưng ô tô là phương tiện chủ yếu. Khi gặp đám cưới khác, đương nhiên không ai dừng ô tô để trao nón. Người ta trao hoa tượng trưng, bằng cách ném ra ngoài xe một bông hồng. Quan niệm dân gian nếu gặp đám ma là “hên!”
2- Qua cầu, đò, chợ, ngã ba, ngã tư…Do việc người ta quan niệm: “Trần sao âm vậy”. Những nơi này ở dương gian, phần lớn có người thu phí (mãi lộ). Vậy dưới âm cũng phải có. Bởi vậy qua những nơi này, người ta đều ném tiền thật. Theo chúng tôi chỉ cần ném mỗi lần 200 đồng (mệnh giá thấp nhất) là được. Không nên lãng phí. Đã có đám để khoe của, mỗi lần họ ném 10.000đ , thậm chí còn hơn. Làm vậy đáng trách hơn là khen.
3- Về nhà trai không đúng giờ Hoàng đạo. Đương nhiên khi đón dâu về nhà chồng phải đúng giờ Hoàng đạo. Nhưng có nhiều tình huống xẩy ra ngoài ý muốn: xe hỏng, chờ tàu qua, mưa gió đường khó đi…Chắc chắn không về đúng giờ Hoàng đạo được. Lúc này vận dụng phép quyền biến trong hôn nhân. Cha mẹ chồng tạm lánh đi ít phút, ra sau vườn hoặc sang nhà hàng xóm. Đợi khi cô dâu và họ nhà gái vào yên vị mới trở về.
Phép quyền biến này lâu ngày trở thành tục lệ: Có nơi khi con dâu về nhà chồng, mẹ chồng mang bình vôi sang nhà hàng xóm, giả vờ đi vắng. Cho rằng như vậy là trao quyền chủ động cho con dâu !
4 – Giờ Nhập phòng. Theo Trạng Trình (Nguyễn Bỉnh Khiêm) giờ nhập phòng có liên quan đến việc sinh con. Giờ đại cát sẽ sinh được quý tử. Nhưng mấy ai chờ được giờ này! Thiên cơ bất khả lộ! Nhiều nhà còn cẩn thận, tìm người Phúc Lộc song toàn trải chiếu.
Những việc làm trên đây, có đúng không? Xin các vị kiểm chứng. Theo chúng tôi, chẳng qua cũng chỉ là phép giải tâm lí. Làm vậy chúng ta không còn phải băn khoăn, vướng bận một điều gì. Tinh thần thoải mái là điều kiện làm ta yên tâm trong cuộc sống. Nhưng không nên nhiêu khê…
5 – Hôn trường. Bây giờ nhà gái cũng tổ chức dựng rạp, trang trí như bên nhà trai. Điều này rất tốt. Đây là ý gái cũng như trai, đều được tôn trọng và là niềm vui lớn của hai nhà.
Trang trí nên trang nhã, mang tính văn hóa. Có hoa tươi, cây cảnh tạo không gian tươi mát. Hình thức đẹp.
Sử dụng nhạc “sống” và băng đĩa nên hợp lý. Những ngày có đám, nhạc không được quá 22 giờ và chỉ mở nhạc trước 6 giờ sáng. (Không làm ảnh hưởng tới cộng đồng, một hành vi Văn hóa trong ứng xử). Âm lượng vừa phải, đủ nghe. Không nhất thiết tăng hết cỡ. Gây phản cảm cho người dự và cộng đồng. Tiêu đề ở cổng rạp nhà trai treo “Nghênh hôn ” (Đón dâu). Nhà gái treo “Vu quy ” (Về nhà chồng). Còn “Vui tân hôn” có thể treo ở cả hai đám giống nhau đều được.
Phông chính cần trang trí gọn, chữ phải đẹp, chim phải ra chim, chữ song hỷ phải đúng (có nơi treo chữ Song Hỷ lộn ngược, có thể vì không thạo chữ nho; hoặc lại học cách treo chữ PHÚC lộn ngược của người Tàu, như vậy là sai!) . Điều này phụ thuộc vào các “Công ty” dịch vụ trang trí. Ngoài hoa tươi ở bàn và chỗ cô dâu, chú rể ngồi; cần bài trí thêm cây cảnh, tạo không gian tươi mát sinh động. Có ý kiến đề xuất bỏ chữ “Song Hỷ”. Cho rằng là của Tàu! Theo chúng tôi vẫn dùng chữ “Song Hỷ”. Quá trình lịch sử, hai chữ này đã Việt hóa. Nhìn thấy nó ai cũng biết là đám cưới.
Về xuất sứ của hai chữ Song Hỷ. (Song là hai), (Hỷ là vui). Hai chữ Hỷ viết liền nhau đọc là Song Hỷ.
Chuyện rằng vào thời Tống (Trung Hoa), Vương An Thạch (1021- 1086) lên kinh đi thi. Khi qua cổng nhà họ Mã ở một thị trấn, ông thấy chăng đèn kết hoa sáng rực. Nhà họ Mã mở hội kén chồng cho con gái. Ông dừng lại xem, thấy treo một chiếc đèn kéo quân rất lớn. Cạnh đó là một vế đối:
Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ. 走馬燈燈走馬燈即馬停步
(Nghĩa: Đèn kéo quân, quân chạy nhờ đèn, đèn tắt quân mã dừng chạy). Ai đối được, họ Mã gả con gái cho.
Vì vội đi thi, ông tự nhủ để khi trở về xem sao. Vào trường thi, ông làm bài rất nhanh, nộp quyển trước khi hết giờ khá lâu. Quan chủ khảo biết ông là người tài, bèn giữ lại; đến trước sân trường chỉ vào lá cờ có ba chữ đề: “Phi hổ kỳ:飛虎旗 ”. Quan chủ khảo ra luôn một vế đối:
Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân. 飛虎旗,旗飛虎,旗捲虎藏身
(Nghĩa: Lá cờ thêu hình con hổ, hổ bay được nhờ có lá cờ, cờ cuộn lại thì hổ thu mình)
Vương An Thạch chẳng cần suy nghĩ, ông đọc luôn vế đối của nhà họ Mã. Quan chủ khảo thấy đối chỉnh quá, hết lời khen ngợi.
Trên đường trở về, ông ghé vào nhà họ Mã, xin được đối vế đối chưa ai làm được. Ông viết ngay vế đối về lá cờ của ông chủ khảo Trường thi. Câu đối rất chỉnh và hay, lại được nét chữ tài hoa của ông như rồng bay, phượng múa. Họ Mã liền gả con gái cho ông.
Lễ cưới được tiến hành ngay. Trong lúc cô dâu chú rể đang lễ tạ trời đất, bái đường thành thân; có chiếu chỉ của Triều đình: Vương An Thạch đỗ đại khoa, được nhà vua triệu về cung dự yến.
Nhà họ Mã vô cùng sung sướng, liền mở đại tiệc. Vương An Thạch một lúc có hai niềm vui. Vừa đỗ đại khoa, vừa lấy được vợ. Ông cảm hứng viết lên giấy hoa tiên hai chữ Hỷ 喜 liền nhau, treo tước cửa lớn. Hai chữ Hỷ viết liền nhau được đọc là “Song Hỷ” 囍. Vương An Thạch sau làm tới chức Tể Tướng đời Tống. Từ đó hễ có đám cưới là người ta đều viết chữ “Song Hỷ”. Nhưng là ý chỉ: Niềm vui của hai người, của hai gia đình và của hai họ.
Bây giờ nhờ Công nghệ Tin học và máy in phun cỡ lớn, nhiều đám treo một phông to cỡ 2m x 3m có ảnh cô dâu chú rể, một bên mặc y phục cổ truyền, một bên mặc y phục hiện đại. Ở giữa là tiêu đề “Vui tân hôn” hoặc “Lễ vu quy”. Có lẽ là mốt thịnh hành hiện nay, đang được thanh niên ưa chuộng.
Các “Công ty dịch vụ đám cưới” nên nghiên cứu sử dụng cho hợp lý. Thể hiện “Đậm đà bản sắc dân tộc”. Mặt khác, các gia đình cũng cần đặt ra yêu cầu cụ thể. Không nên phó mặc các Công ty làm gì cũng được. Mỗi đám có nét riêng, không thể cùng một khuôn như nhau.
Bây giờ kinh tế ngày càng dư dật, xu hướng phải thật hoành tráng trong đám cưới ngày càng tăng: Rước dâu phải là đoàn xe “khủng” với giá mỗi xe tiền tỷ. Tổ chức phải là khách sạn 5 sao! Dựng sân khấu lộng lẫy, không thua một đêm gala nhạc tầm cỡ quốc gia. Ánh sáng lade nghệ thuật choáng mắt với đủ mầu sắc. Pháo điện lung linh, rượu rót tràn ly năm bảy tầng khói bay mù mịt… Dẫn chương trình phải là những MC có hạng của nhà đài danh tiếng! Hợp đồng với những ca sĩ là “ông hoàng, nữ hoàng ca nhạc”. Những chiếc loa thùng cỡ bự mở to hết công suất. Có cả những vũ công áo quần thiếu vải, minh họa cho những điệu Rock – Rap.
Tiếp khách phải là những món ăn đặc sản, chỉ thiếu lưỡi chim đại bàng; nếu có, thì người ta cũng sẵn sàng đãi khách! Khách mời dăm bảy trăm, thậm chí hàng ngàn người!
Như vậy, mới được xếp hạng top ten đẳng cấp!!!
Trước năm 1975, trong đám cưới bao giờ cũng có câu khẩu hiệu: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”. Có đám cưới treo hai bên câu:
“Tình đồng chí trọn đời theo lý tưởng
Nghĩa vợ chồng chung thủy suốt trăm năm”.
Thời ấy, đại biểu chính quyền và cơ quan, còn lên phát biểu ý kiến giao nhiệm vụ. Hai gia đình lên dặn dò với nội dung việc nước, việc nhà phải trọn vẹn. Bây giờ nhìn lại khó mà chấp nhận! Đó là thời cả nước tập trung mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến. Nhiệm vụ chính trị được đặt lên hàng đầu trong tất cả mọi việc. Ta có quyền tự hào về một thời như thế!
Đám cưới ngày nay không ai phát biểu nữa. Hoàn toàn giao cho người dẫn chương trình. Vai trò MC rất quan trọng. Tạo không khí sôi nổi, vui tươi của ngày Hạnh phúc. Nhiều MC dẫn chương trình còn lạm dụng, một số ngôn từ thiếu trong sáng; thậm chí khoa trương quá mức. Có đám kéo dài hàng tiếng đồng hồ, quan khách rất mệt mỏi. Chỉ độ 30 đến 45 phút là vừa. Chủ nhà cần bàn bạc cụ thể với MC, những nội dung theo yêu cầu. Khi kết thúc, cô dâu chú rể phải đứng ở cổng rạp cảm ơn quan khách. Có thể mời trầu thuốc.
Trang phục của cô dâu chú rể phải đẹp, lịch sự phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Không nên cầu kỳ, áo dài truyền thống duyên dáng Việt nam tôn thêm vẻ đẹp cô dâu…
Ở Sài gòn và Nam bộ, cô dâu chú rể thay trang phục ba lần trong đám cưới.. Xu hướng phổ biến hiện nay, cô dâu mặc áo cưới kiểu phương Tây. Đó là sự giao lưu văn hóa cần thiết. Nhưng cũng có thể mặc áo dài truyền thống, nét đặc trưng duyên dáng của phụ nữ Việt nam.
Đã hơn một thập kỷ, cơ bản không còn tiếng pháo trong đám cưới và Lễ, Tết. Xung quanh vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến. Tựu trung lại cần có giải pháp sao cho hợp lý.
Tết, Lễ hội, Cưới hỏi là việc vui. Từ trước đã không thể thiếu pháo đùng. Xác pháo như cánh hoa đào ngày xuân, trải thảm hồng trên mặt đất. Càng làm cho cuộc vui thêm lãng mạn, cuốn hút làm say đắm lòng người. Cô dâu về nhà chồng bước trên thảm xác pháo và tiếng nổ ròn rã, ghi một dấu ấn không phai mờ của ngày đầu trong Hạnh phúc trăm năm. Quan khách cũng ngất ngây được đắm chìm trong ngày vui của đôi bạn trẻ.
Mấy năm qua, đã có nhiều cách tạo nên tiếng nổ mà không dùng pháo. Trước cổng hôn trường, người ta kết vài trăm quả bóng bay, san sát bên nhau. Mỗi cụm bóng có một người cầm hai que kéo mạnh trên các quả bóng tạo tiếng nổ. Kể cũng vui tai, nhưng làm sao bằng tiếng pháo nổ và mùi đặc trưng của thuốc pháo.
Bây giờ có pháo điện lung linh, pháo giấy bắn ra vụn giấy nhiều mầu sắc, tạo một không gian óng ánh huyền ảo đẹp mắt. Trong không gian ấy, nếu có thêm tiếng nổ của pháo đùng, càng ấn tượng biết bao! Nên có cách quản lý hợp lý, để vẫn có tiếng pháo và sự an toàn.
Đã cấm pháo, sao không cấm rượu? Ai cũng biết rượu là thứ dễ gây nghiện, chỉ sau ma túy. Chưa bao giờ rượu được sử dụng nhiều như hiện nay. Nhà nhà nấu rượu, người người uống rượu. Nấu rượu còn được xem như biện pháp kinh tế, một cách làm ăn xóa đói giảm nghèo!
Trong làng xóm, khu phố; bây giờ có hàng chục nhà nấu rượu. Nhất là khi rượu ngoại bị làm giả như hiện nay. Nhu cầu rượu nút lá chuối lại càng gia tăng.
Có lẽ chưa ai thống kê, xem số gạo hàng năm dùng cho nấu rượu là bao nhiêu. Nếu số gạo ấy đưa vào xuất khẩu tăng thêm ngoại tệ, sẽ giảm đi những hệ lụy sau rượu.
Những bi kịch gia đình về rượu, những cuộc rượu “xếch” trong lớp trẻ; những cuộc vui thâu đêm bên chiếu rượu… để rồi sau đó là cải vã, xô sát. Gia đình tan nát. Thậm chí giải quyết bằng gậy gộc và dao kiếm.
Trong chương mục An toàn giao thông, thống kê cho biết trên 50% tai nạn do người điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia gây ra.
Hãy nghiêm túc làm một phép thống kê xã hội học về rượu, hậu quả của rượu chắc chắn không làm ta vui lòng. Ấy là chưa kể, rượu để lại biết bao di chứng, bệnh tật: ung thư gan, thủng dạ dày, viêm thận… Chắc chắn số người chết về rượu còn cao hơn tai nạn về pháo.
Đương nhiên người uống, nhiều hơn người nấu. Có người còn đưa ra một công thức “khoa học”: Rượu là cao gạo! Cao là chất tinh túy, không biết uống rượu là một thiệt thòi lớn! “Nam vô tửu như kỳ vô phong 男無酒如旗無風” (Nam không có rượu như cờ không có gió). Bây giờ nhiều bậc nữ nhi cũng là những đệ tử cao thủ của ngài Lưu linh trong làng “Cuồng tửu”.
Người ta sử dụng rượu triền miên sáng trưa, chiều, tối. Uống hết ngày dài đến đêm thâu. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông lúc nào cũng không thể thiếu rượu. Có thể nói hiện nay dân ta đang bơi trong biển rượu.
Trong khi pháo chỉ có ở các dịp Lễ, Tết và Cưới hỏi. Thời gian dùng pháo qua đi rất nhanh.
Ấy thế mà chưa có một văn bản nào cấm rượu, như cấm pháo?
6 – Cưới chạy tang: Khi trong nhà có người ốm nặng, xem ra khó qua khỏi; cần phải xem xét đánh giá đúng tình hình, để có quyết định kịp thời. Tốt nhất là tổ chức khi người bệnh còn khả năng sống một thời gian ngắn vài ba ngày đến một tuần. Tình thế bất khả kháng, một trong hai nhà có người mất. Nếu để lại, sẽ mất thời cơ. Tang chế phải một đến ba năm rất dài. Để hợp lý, buộc phải tổ chức cưới, gọi là cưới chạy tang. Bấy giờ vận dụng phép quyền biến để giải quyết.
Ngày trước khi có người mất, không phát tang ngay. Đưa người mất vào nơi kín đáo. Rồi tiến hành tổ chức cưới ngay. Lúc này không thể chọn ngày, chọn giờ. Sử dụng phép quyền biến trong hôn nhân.
Nếu là nhà trai, khi dâu về thắp hương cáo gia tiên xong là phát tang. Nếu ở nhà gái, cô dâu lên xe hoa ra khỏi nhà thì phát tang.
III NÉT ĐẸP VĂN HÓA TRONG CƯỚI HỎI
Hôn nhân và Cưới hỏi là một tập tục đẹp được đúc kết từ lâu đời. Mỗi giai đoạn, mỗi vùng miền lại bổ sung cho phong phú và hoàn chỉnh hơn. Thể hiện sâu sắc tính Văn hóa và đậm chất Nhân văn của người Việt trong nền văn minh lúa nước. Văn hóa Cưới hỏi có một bản sắc riêng của dân ta.
Trầu cau là hai thứ lễ vật không thể thiếu trong bất cứ một đám cưới nào. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Quả cau nho nhỏ, lá trầu xanh là hình ảnh đẹp về tình cảm vợ chồng. Còn sự quấn quýt nào gắn bó hơn dây trầu quấn quanh cây cau, bên cạnh tảng đá vôi vững chải.
Đôi má ửng hồng khi say miếng trầu nồng thắm, với làn môi đỏ và ánh mắt long lanh của hai người yêu nhau. Họ nhìn nhau ngất ngây thay cho ngàn vạn lời có cánh. Hạnh phúc nào bằng những phút giây như vậy! Chính thế Truyện Trầu cau vẫn luôn sống và trẻ mãi qua bao thế hệ.
Đôi bánh “Phu Thê – chồng vợ” (còn có tên khác là su sê) đặt trên mâm quả, là sự viên mãn tròn đầy của đôi chồng vợ phận đẹp duyên ưa. Bánh được làm từ bột gạo nếp trắng nuột nà, sản phẩm của lúa nếp cái hoa vàng ngát hương. Nhân đậu xanh vàng óng ả, nhuyễn với vị ngọt đường cát và sợi cùi dừa mảnh mai, để lại một dư vị đặc biệt cho những ai có vinh dự được có mặt trong ngày thành thân của đôi tân hôn.
Điều ý nghĩa hơn, chiếc bánh tròn vo, lại được hai khuôn vuông úp chặt; vừa thể hiện quan niệm trời tròn đất vuông của ông cha ta về vũ trụ, gói trọn những đặc sản quê hương; vừa nói lên tình cảm vợ chồng hiểu nhau tận chân tơ kẽ tóc và thương yêu đến trọn đời:
“Trăm năm tính cuộc vuông tròn”. (Truyện Kiều)
Trang phục trong lễ cưới là một nét văn hóa đẹp, những bộ trang phục trong ngày cưới bao giờ cũng mới, đẹp hơn trang phục ngày thường.
Xưa kia, bộ trang phục cô dâu mặc trong ngày cưới cũng chính là trang phục các cô mặc trong những ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.
Các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài là chiếc áo the thâm, trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh hoặc màu vàng với màu hồ thủy. Rồi đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm đào có dải lụa bạch. Hai chiếc thắt lưng bằng lụa màu hoa đào, hoa lý; ngoài cùng thắt lưng sồi xe hay vải sa màu đen, cả ba thắt lưng đều có tua ở hai đầu.
Trang điểm mái tóc đơn giản, chỉ là vấn khăn, đầu khăn gài chiếc đinh ghim, đính con bướm vàng chạm bạc, tóc để đuôi gà. Lúc đưa dâu, đi đường đội nón thúng quai thao (chủ yếu là để che mặt cho đỡ thẹn với mọi người). Chân đi dép cong. Ðồ trang sức có khuyên đeo tai bằng vàng hoặc bằng bạc, cạnh sườn đeo bộ xà tích, con dao, ống vôi… bằng bạc chạm trổ tinh vi.
Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, áo giữa bằng the hay vân tha màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the hay vân tha màu đen. Có người chỉ mặc lồng hai áo, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, ngoài là vân tha màu xanh chàm để tạo nên hiệu quả một màu tím nền nã nét đặc trưng của cô gái Huế. Mặc quần trắng, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi sau gáy. Cổ đeo kiềng hoặc quấn chuỗi hột vàng cao lên quanh cổ. Tay đeo vòng vàng, xuyến vàng…
Trang phục của cô dâu miền Nam, là bộ áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu. Tóc chải lật, búi lại và cuốn ba vòng phía sau đầu, gài lược “bánh lái” bằng đồi mồi hoặc bằng vàng, bạc. Có người cài trâm vàng, đầu trâm có lò xo nhỏ gắn một con bướm bằng vàng hay bạc tạo nên một độ rung, như bướm bay tăng thêm phần sinh động và thẩm mỹ. Ðeo dây chuyền nách (xà nách) bằng vàng, chuỗi hột vàng ở cổ…
Trang phục của chú rể ở cả ba miền đều giống nhau, thường thì mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam, quần trắng ống sớ, búi tóc, chít khăn nhiễu màu lam. Chân đi văn hài thêu.
Đầu thế kỉ XX, ở thành thị miền Bắc, cô dâu mặc áo dài. Ngoài là chiếc áo the thâm, bên trong, áo màu hồng hay xanh… hoặc ngoài là chiếc áo dài sa tanh đen, bên trong áo dài lụa trắng. Mặc quần lĩnh hay sa tanh đen. Chân đi văn hài thêu hạt cườm hay đôi guốc cong. Vấn khăn nhung đen, đeo hoa tai, cổ đeo vòng chuỗi hột bằng vàng.
Chú rể mặc áo the thâm, áo dài trắng bên trong. Quần trắng ống sớ, đi giày Gia Ðịnh, đội khăn xếp. Lúc làm lễ tơ hồng, lễ nhà thờ thì khoác thêm áo thụng lam.
Vài năm sau đó, các cô dâu con nhà giàu mặc áo thụng bằng gấm màu đỏ hoặc màu vàng… có họa tiết rồng phượng, cánh tay áo dài và rộng. Mặc quần trắng, đi giày vân hài bằng nhung màu đỏ hoặc màu vàng hay lam có thêu rồng, phượng bằng hạt cườm hay chỉ kim tuyến lóng lánh. Ðầu đội khăn vành dây bằng nhiễu, màu lam hay vàng quấn nhiều vòng quanh đầu. Trang phục như trên thường được coi là kiểu “hoàng hậu” phổ biến từ miền Trung ra tới miền Bắc. Có cô dâu mặc áo dài bằng vải mình khô hoa ớt hoặc gấm hoa, sa tanh, hay nhung đỏ… quần lụa trắng. Vấn khăn vành dây, cổ đeo kiềng hay dây chuyền. Tay đeo xuyến, vòng.
Về sau này, do những thay đổi về xã hội, văn hoá phương Tây du nhập vào Việt Nam đã tạo nên những biến đổi trong lối sống của người Việt. Trang phục và trang sức cũng như trang điểm, ở miền Bắc đã tiếp thu một số hình thức châu Âu: Cô dâu trang điểm son phấn, cài thêm bông hoa hồng trắng bằng voan ở ngực trái, tay ôm bó hoa lay ơn trắng, tượng trưng cho sự trong trắng.
Trang phục của chú rể thì đơn giản hơn, mặc com-lê, thắt cra-vát hoặc cài nơ ở cổ, đi giày da. Ở ngoại thành, cô dâu mặc theo lối cổ truyền áo dài cài cúc, quần lĩnh đen. Chú rể mặc áo the, quần trắng, đội khăn xếp.
Sau năm 1945, nhiều nghi thức, trang phục lễ cưới đã lược bỏ đi nhiều. Ở thành thị, cô dâu mặc áo dài màu trắng hoặc các màu sáng, nhạt, quần trắng, đi giày cao gót, tay ôm hoa lay ơn, tóc phi dê hoặc chải bồng cặp tóc. Trang điểm má hồng, môi son. Chú rể mặc com lê, thắt cravat, đi giày. Còn ở nông thôn, cô dâu thưòng mặc áo sơ mi trắng hoặc áo cánh trắng hay áo bà ba, quần đen, đi dép mới. Chú rể mặc áo sơ mi mới, quần Âu, đi giày, xăng đan hoặc dép nhựa. Bộ đội vẫn có thể mặc bộ quân phục, cán bộ thì mặc quần áo đại cán mới, tóc chải gọn gàng.
Ngay từ xưa, các cô dâu đã ý thức được việc làm đẹp trong ngày cưới. Trang phục cưới chính là phần được coi trọng nhiều nhất. Trải qua những diễn biến lịch sử, trang phục cưới có nhiều thay đổi. Nhưng nhìn chung, những trang phục cưới của những năm trước năm 1945 ít nhiều vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống Á Ðông, nét đẹp chưa bị ảnh hưởng nhiều của văn hoá phương Tây. Xem ra bây giờ khác xưa nhiều lắm!
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường phát triển, sự cưới ở thành phố và nông thôn có khác nhiều so với ngày trước. Khoảng cách này xem ra ngày càng rộng ra. Nét đẹp trong Văn hóa cưới hỏi ở nông thôn vẫn còn đậm đà tính dân tộc hơn.
Không khí đầm ấm, chạy qua chạy lại; ai cũng một tay xúm xít lo cho gia chủ. Các bà, các mẹ bỏm bẻm nhai trầu, ngồi têm những miếng trầu cánh phượng; trên môi còn vương nước cốt trầu, rì rầm ôn lại chuyện duyên xưa.
Các ông ngồi rít thuốc lào, ngửa cổ nhả khói mù mịt và oang oang bên chiếu tổ tôm. Thỉnh thoảng lại quay ra nhắc nhở thanh niên phải làm việc này việc nọ.
Ngoài sân mấy bác lực điền nói cười rôm rả đang tập trung mổ lợn, giết gà lo cho mâm cỗ thịnh soạn, thể hiện tấm lòng quý khách của chủ nhân.
Con trai con gái thì tíu tít chạy ra chạy vào, dựng rạp kê bàn, miệng phì phèo thuốc lá thỉnh thoảng cười ré lên và đấm lưng nhau thùm thụp. Có nhiều đôi nên duyên, nên phận qua những lần gặp mặt này.
Những cô gái một con, trông mòn con mắt, cùng những ông bố trẻ; bằng kinh nghiệm đã trải, lo toan kê giường, trang trí phòng cưới, lòng hồ hởi vì vui duyên bạn, đầm ấm thêm duyên mình.
Những đứa trẻ chạy lon ton, mắt tròn như hạt nhãn, ngước nhìn cô dâu chú rể cười mãn nguyện trên ảnh cưới, vừa ăn kẹo mút vừa bi bô tập nói trông thật dễ thương.
Mọi người đều bận rộn không ngơi tay, ai cũng muốn góp một phần vun đắp cho khóm măng non vươn lên mọc thẳng, vững chải trước phong ba được che chắn và thêm ấm áp bụi tre già.
Đâu có được những cảnh ấy giữa một không gian ồn ả, náo nhiệt chốn thị thành. Nhà hàng khách sạn làm cả mọi việc. Tất cả tập trung giải quyết ở khách sạn, từ nạp tài đến lễ cưới đều gọn trong một buổi. Khách đến vừa ăn, vừa “dự” lễ cưới của đôi trẻ. Khách ngồi chung mâm nhưng chẳng biết về nhau. Người ta chóng vánh để hoàn tất thủ tục mừng gia chủ. Ấy là chưa kể trong bữa tiệc có những vị khách không mời mà đến. Nhà trai thì tưởng đó là khách của nhà gái, và ngược lại thật trớ trêu.
Quá trình cưới hỏi là một tổng thể chặt chẽ. Mỗi Lễ có một nội dung riêng biệt, liên kết lại gắn bó mật thiết với nhau. Lễ nọ làm tiền đề và tiếp nối cho Lễ kia, không thể bỏ lễ nào.
Lễ chạm ngõ là buổi ban đầu hai gia đình biết nhau, đồng ý cho đôi trẻ được đi lại để tìm hiểu, không những cuộc sống đôi lứa, mà còn hiểu tông chi họ hàng, quan hệ thứ bậc để có mối ứng xử cho đúng đạo lý. Tiến hơn một bước, Lễ Ăn hỏi chính thức đặt vấn đề nghiêm túc, hệ trọng của cả một đời người. Hai nhà tác thành cho đôi lứa. Cũng từ đây mối quan hệ hai nhà và đôi bạn khăng khít hơn. Đây là thời kỳ quá độ, “dự bị” chuyển thành những người con chính thức.
Đến độ chín muồi, nhà trai đặt Lễ Xin cưới định thời gian, ngày lành tháng đẹp đón con dâu. Được nhà gái chấp nhận, nhà trai mới đem Sính Lễ đến Nạp tài. Sính Lễ là thể hiện tấm lòng chân thành quý mến của nhà trai đối với nhà gái, đã có công nuôi con nên người; đồng thời cũng là thông điệp chính thức thông báo ngày họ thành thân nên vợ nên chồng.
Vừa tiếp thu cái đã có của cha ông để lại, vừa sáng tạo cho phù hợp. Trước đây Lễ Nạp thái đem sính lễ đến nhà gái. Nghe chữ nghĩa quá! Chúng ta đã Việt hóa thành Lễ Nạp tài được dùng phổ biến hiện nay.
Đoàn Dẫn Lễ của nhà trai khi tiến vào nhà gái trong lễ Nạp tài, thật trang trọng! Sau ông chủ hôn và các vị cao tuổi là các chàng trai tân đội lễ vật, tất cả tạo nên một không gian hoành tráng; thể hiện tấm lòng trân trọng của nhà trai đối vời nhà gái. Nhà gái niềm nở trịnh trọng, tay bắt mặt mừng. Cả hai bên đều hành xử văn hóa giao tiếp, truyền thống tôn trọng nhau, nét đẹp trong Văn hóa ứng xử của người Việt chúng ta.
Đoàn Rước dâu là một trạng thái đan xen về tình cảm. Nhà trai thì hớn hở đón nhận. Nhà gái thì bịn rịn chia tay, buồn vui lẫn lộn. Cái buồn của một niềm vui lớn! Nước mắt lưng tròng của người mẹ, dòng lệ dài của con gái và sự lặng thầm của ông bố làm cho mọi người cảm động biết chừng nào. Nhưng cô gái khóc trong niềm vui, tự nguyện dứt áo ra đi tới một chân trời mới, một cuộc sống mới!
Lại mặt! Khen cho ai đã khéo dùng từ này để chỉ một Lễ vô cùng ý nghĩa. Lại mặt chứ không phải là nhị hỷ, tứ hỷ như người Trung quốc, nghe có vẻ chữ nghĩa. Lại mặt, một từ dân dã dễ đi vào lòng người và cũng thực chất hơn: Vợ chồng lại có mặt để vấn an ông bà, cha mẹ và gia đình họ tộc, cũng là dịp làm rõ hơn mỗi gia đình từ nay có thêm một người con.
Từ buổi đầu chạm ngõ đến hôm lại mặt là cả một thời gian dài ngắn khác nhau cho từng đám cưới. Chung quy lại các lễ ấy có đầu có cuối, thể hiện sự keo sơn gắn bó, trước sau như một, nét đẹp trong truyền thống trong Văn hóa đối nhân xử thế của người Việt Nam.
▣ Về đám cưới bạc, cưới vàng.
Bây giờ đời sống được nâng cao. Tuổi thọ của người Việt tăng lên. Nhiều đôi ông bà “song thọ” vượt qua tuổi “cổ lai hy: xưa nay hiếm”. Đây là Phúc lớn không những của các cụ, mà còn là của con cháu trong đại gia đình. Việc tổ chức đám cưới vàng, cưới bạc làm vui lòng các cụ, cũng là niềm tự hào của cháu con. Tục này có ở phương Tây, chúng ta tiếp thu cũng là điều nên làm.
Nước ngoài có nhiều hình thức kỷ niệm ngày cưới, từ năm thứ hai trở đi có tên gọi khác nhau. Ví như 5 năm là cưới gỗ, 10 năm là cưới thiếc, 15 năm là cưới sứ, 20 năm là cưới pha lê, 25 năm là cưới bạc, 30 năm là cưới ngọc, 40 năm là cưới ngọc lục bảo….
Chúng ta nên tổ chức “cưới” cho các cụ vào các mốc: 25 năm cưới bạc, 50 năm cưới vàng. Nếu được 80 năm là cưới gỗ sồi
Đám “cưới” này chủ yếu do con cháu tổ chức. Hình thức kỷ niệm một dấu mốc quan trọng trong cuộc sống của đôi vợ chồng già. Con cháu và bạn bè có quà mừng chúc cho hai cụ: “Phúc như đông hải. Thọ tỷ nam sơn”
Còn nữa…
Nguyễn Quý Phong