Những điều cần biết về hôn nhân và cưới hỏi - Phần Thứ Tư
Chương Thứ Hai (Tiếp theo)
******
CHỌN NĂM, THÁNG, NGÀY, GIỜ
TRONG HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI
Các Sao Xấu phải tránh trong Hôn nhân :
* Sáu sao xấu trực tiếp việc Hôn nhân là: Ly sàng (Còn gọi Ly sào), Quả tú. Cô quả. Tứ thời cô quả. Không phòng. Thụ tử. Sát chủ.
Các Sao Phi ma Sát. Trùng tang. Trùng phục. Tam tang. Cô thần. Ngũ hư. Nguyệt hư. Nhân cách. Xích khẩu. Âm dương thác. Xấu các việc khác là chính, nhưng cũng có ảnh hưởng xấu chút ít đến việc Hôn nhân.
* Tại sao lại kiêng ngày Tam Nương?
Tam Nương là sáu ngày trong một tháng gồm: Mồng ba, Mồng bảy, Mười ba, Mười tám, Hai hai, Hai bảy (3 – 7 – 13 – 18 – 22 – 27)
Theo tín ngưỡng của người Tàu, tam nương là sáu ngày rất xấu trong một tháng. Mỗi khi khởi sự việc quan trọng (như khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà, v.v…) phải tránh sáu ngày này. Tại sao lại như vậy?
Tam nương là ba người con gái gồm: Muội Hỉ, Đát Kỷ, và Bao Tự. Sách sử Tàu đều kết tội ba giai nhân tuyệt sắc này là nguyên nhân làm sụp đổ ba triều đại Hạ, Thương và Tây Chu thời trước Công nguyên.
– Vua Kiệt (1818 – 1767 TCN) vì say đắm tửu sắc, quá mê Muội Hỉ. Trong khi Muội Hỉ tư thông với kẻ thù nên bị mất nước.
– Vua Trụ (1154 – 1122 TCN), nổi tiếng là vua dâm đãng, ông mê Đát Kỷ đến mức quên việc triều chính; vùi đắm trong trụy lạc, kết cục bị chết thảm hại và mất nhà Thương. Huyền thoại còn lưu truyền rằng Đát Kỷ là con cáo cái thành tinh (hồ ly tinh), có phép hóa ra mỹ nhân, để hại nhà Thương.
– Chu U vương (781 – 771 TCN) quá mê say Bao Tự, làm mọi cách mà nàng vẫn không cười. Vua lệnh ai làm nàng cười sẽ được thưởng ngàn lạng vàng. Sau này nhà thơ Lý Bạch đời Đường có viết một câu thơ nổi tiếng về nàng: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim” (Ngàn vàng đổi lấy một nụ cười người đẹp). Nàng chỉ thích nghe tiếng lụa xé, U vương cho xé lụa ngày đêm để nàng vui. Chiều lòng người đẹp, nhà vua còn cho đốt lửa các hỏa đài trên núi cao, để đánh lừa các chư hầu đem quân về cứu Thiên tử nhà Chu (U vương). Bao Tự đứng trên lầu, nhìn cảnh chư hầu mắc lỡm, cười ngặt nghẽo. Hậu quả, sau này khi bị quân Khuyển Nhung vây khốn nguy ngập, U vương cho đốt lửa trên hỏa đài, các chư hầu không thèm về cứu nữa, vì đinh ninh cho là trò lừa, cốt làm vui lòng người đẹp. Kết cục là mất nước.
Ngày tam nương là những ngày ba nàng Muội Hỉ, Đát Kỷ, Bao Tự được đưa vào nội cung, cũng là những ngày nước bị mất của ba ông vua rất hiếu sắc, tham dâm, bạo ngược vô đạo nói trên. (Xem Truyện Phong thần và Đông chu liệt quốc rõ thêm điều này). Dù hoang đường nhưng tín ngưỡng dân gian lâu đời đã truyền từ Tàu sang Việt Nam, ảnh hưởng khá nặng trong đời sống xưa nay.
Ngày Tam nương xét ra chẳng liên quan gì tới người Việt Nam ta cả. Nếu như đó là ngày xấu cần phải kiêng, thì chỉ kiêng với người Tàu mà thôi!
* Tại sao gọi là ngày Nguyệt Kỵ? (Là ba ngày phải kiêng trong một tháng). Ta thường nghe:
“Mồng Năm, Mười Bốn, Hai ba. (5 – 14 – 23.)
Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.”
Nên hiểu như thế nào? Điều này bắt nguồn từ Truyền thuyết Vua Hạ Vũ (Trung Hoa) sống ở thế kỷ 22 trước Công nguyên (2205-2167) nhân tuần du trên Sông Hoàng Hà và Sông Lạc thấy một con Rùa, trên mai Rùa có số lượng các chấm đen trắng sắp xếp như sau:
Chú ý: Các số ngang, dọc, chéo đều có tổng số là 15. Số 5 ở giữa.
Chuyện lưu truyền chỉ là Truyền thuyết. Điều ta quan tâm là sự sắp xếp của các số trong Hình vuông kỳ dị đó. Người Phương Tây cũng phát hiện từ thời cổ, họ dùng hình vuông này làm bùa. Hình vuông đó gọi là Carré magique: Ma phương.
Số 5 ở giữa gọi là Hoàng Cực, số thuộc nội tộc Nhà Vua, chỉ dành riêng cho nhà Vua. Bởi vậy trong tháng có ba ngày: Mồng 5. Mười bốn 14: (1 + 4 = 5). Hai mươi ba: 23 (2 + 3 = 5). Như vậy ba ngày 5, 14, 23, là ba ngày Hoàng cực, ba ngày tốt nhất trong tháng.
Nhà Vua chỉ chọn ba ngày ấy để ra khỏi Cung. Vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, tiền hô hậu ủng. Dân chúng không được nhìn mặt Vua, phải cúi rạp hai bên vệ đường. Chờ cho đoàn xe giá đi qua mới được đứng lên. Muốn được việc, đành phải tìm đường khác. Nhiều khi họ phải trở về, vì không có đường đi. Dần dần trở thành tục lệ tránh ba ngày trên. Ngày tốt đối với kẻ cao sang, trở thành ngày xấu đối với dân thường!
Trong chọn ngày. Xin lưu ý không có ngày hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu. Tốt xấu đan xen nhau, như hai mặt Âm và Dương. Các vị sẽ băn khoăn không biết chọn ra sao. Trước hết căn cứ vào việc cần làm mà chọn. Phải tránh những sao xấu trực tiếp cho công việc ấy. Sau đó dùng phép loại trừ số học. Sao tốt nhiều và mạnh có thể át các sao xấu.
Ví dụ: Ngày Hợi. Tháng Mười. Năm Đinh Hợi. (13-11-2007). Tháng này có hai ngày Hợi. Mồng 4 (Tân Hợi), Mười 16 (Quý Hợi). Ngày này có tới 9 sao xấu, chỉ có 4 sao tốt. Nhưng chọn cho Hôn nhân được, vì các sao xấu không ảnh hưởng đến Hôn nhân. Riêng ngày 16 (Quý Hợi) còn thêm sao tốt là Thiên quý.
* Cách chọn giờ tốt trong ngày: Một ngày đêm có 12 giờ Âm lịch. Được quy định như sau:
Một ngày có sáu giờ tốt (Giờ Hoàng đạo) và sáu giờ xấu (Giờ Hắc đạo). Trong 6 giờ Tốt lại chỉ có từ 1 đến 3 giờ Tốt nhất được ghi đậm mầu đỏ và nghiêng trong Bảng. Tùy công việc mà chọn.
Ví dụ: Ngày Nhâm Thìn, có 3 giờ tốt nhất là Tỵ, Dậu, Hợi và 3 giờ tốt vừa là Dần, Thìn, Thân. Để thuận lợi công việc, chọn giờ Thìn (Từ 7 h đến 9 h) bắt đầu công việc. Tiếp đến giờ Tỵ (Từ 9 h đến 11 h) là giờ tốt nhất. Công việc được trọn vẹn trong buổi sáng. Như vậy thuận lợi cho chủ sự rất nhiều.
* Thế nào là: Đi hơn về kém ?
Khi xuất phát đến nhà gái làm các Lễ, cũng như khi từ nhà gái về nhà trai; ta thường nghe nói: “Đi hơn về kém” .
– Đi là từ địa điểm bắt đầu xuất phát (nhà trai).
– Về có hai ý. Từ địa điểm đã đến (nhà gái), ta bắt đầu ra về. Đồng thời cũng là về nơi xuất phát lúc ban đầu (nhà trai).
Mọi sự vật cũng như cuộc đời con người, sự phát triển đều tuân theo một quy luật không đổi. Bắt đầu là sinh trưởng, rồi tiến dần lên. Thời kỳ đầu có tốc độ mạnh. Tới đích là đỉnh điểm. (Thời kỳ hưng vượng nhất). Từ đỉnh điểm bắt đầu suy thoái dần, tụt dốc và đến hủy diệt.
Nhìn nhận như vậy, ta thấy trong một giờ tốt: Lúc khởi đầu đang có đà phát triển mạnh dần lên. Vậy đi hơn, là đi lúc giờ tốt đã được vài phút (Hơn là như vậy). Ta đi trong thế đang phát triển mạnh. Đương nhiên khi về cũng phải ở trong khung giờ tốt. Nếu vì lý do bất khả kháng, cần phải tính toán về nhà trai trước khi hết giờ tốt một vài phút. Về kém là như vậy.
Hiện vẫn có sự ngộ nhận về sự “về kém”. Nhiều người vẫn quan niệm từ nhà gái ra về phải kém vài phút. Nếu như giờ đó là giờ xấu, thì về kém cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì vẫn chịu về trong giờ xấu! Về kém là về nhà trai trong khung giờ tốt, hoặc kém vài phút trước khi hết giờ tốt.
Còn nữa…
Nguyễn Quý Phong