NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần cuối

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TANG LỄ - Phần cuối

Chương Thứ Ba

ĐÔI ĐIỀU BÀN THÊM

1) ÁP DỤNG THỌ MAI GIA LỄ NHƯ THẾ NÀO?
Sách Thọ Mai Gia Lễ -壽梅家禮- là của Tiến sĩ Hồ Sĩ Tân (1690 – 1760) viết. Tên hiệu của ông là Thọ Mai. Nội dung của Thọ Mai Gia Lễ là những quy định về Lễ nghĩa trong gia đình đối với việc tang chế và cưới xin.
Tư tưởng chủ đạo cuốn sách là của Nho giáo phong kiến. Ngay từ thời tiên Tần, chế độ phong kiến Trung Hoa rất coi trọng lễ nghĩa. Các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, quy định rất chặt chẽ mọi mối quan hệ trong xã hội.
Trong Ngũ kinh có hẳn một Kinh Lễ, quy định mọi Lễ nghĩa từ trên xuống dưới, trong gia đình và ngoài xã hội. Ông vua nhà Chu là Chu Văn Vương (còn gọi là Chu Công, cũng là người viết phần Thoán từ của Kinh Dịch) đã viết cuốn “Chu Văn Công Gia Lễ – 周文公家禮”. Sách này được truyền sang nước ta từ rất sớm, khi phong kiến Trung quốc thống trị nước ta.
Quá trình thực hiện, chúng ta đã vận dụng cho hợp với người Việt nam. Người đầu tiên soạn Gia Lễ riêng cho người Việt nam là Thượng thư Hồ Sĩ Dương. Ông người Quỳnh lưu (Nghệ an) đỗ tiến sĩ năm 1652 làm quan đến chức Thượng thư. Cuốn Gia lễ do ông viết có tên là: “Hồ Thượng thư Gia Lễ – 胡上書家禮”. Sau này trên cơ sở cuốn sách trên, tiến sĩ Hồ Sĩ Tân cũng là người Quỳnh lưu, đã san định lại thành “Thọ Mai Gia Lễ -壽梅家禮”
Từ khi ra đời đến nay đã gần 400 năm, cuốn sách luôn được coi là một “cẩm nang” chủ yếu để thực hiện việc Tang. Người đã đọc cũng như người chưa đọc, mỗi khi nói về việc tang đều nhắc đến “Thọ Mai Gia Lễ”. Vậy điều gì làm cho cuốn sách có sức sống mạnh mẽ đến như vậy? Theo chúng tôi có mấy lý do sau:
– Thọ Mai Gia Lễ đã chọn lọc những gì phù hợp với tâm lý, lối sống của người Việt. Thể hiện tính tự chủ của dân tộc, một bản sắc riêng phù hợp với lối sống, phong tục tập quán của người Việt nam.
Sự kết hợp giữa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo trong tang lễ, đan xen và không loại trừ nhau. Một biểu hiện của Tam giáo đồng nguyên. Điều này ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống của chúng ta ngày nay khá đậm nét, như việc chọn ngày, xem giờ, đi chùa lễ phật, cúng ông bà… đều có trong mỗi người, nặng nhẹ mức độ khác nhau. Ngay cả các vị chức sắc bây giờ, từ to đến nhỏ, không ai nói ra nhưng vẫn lặng lẽ làm, hoặc bật đèn xanh cho vợ con làm.
Trong Tang lễ, việc báo hiếu là của Nho giáo, các hình thức gọi hồn, phạt mộc…là của Đạo giáo, cầu siêu quy về chùa…là của Phật giáo. Đây là một hiện tượng khá độc đáo.
– Ý thức hệ phong kiến đã ăn sâu bén rễ trong nếp nghĩ, trở thành một lối sống của người Việt. Trật tự “Quân, Sư, Phụ – Vua – Thầy học – Cha” khá bền vững. Trung với nước, thực chất là trung với vua. Ta vẫn thường nghe: “Trung quân ái quốc ”. Hiếu thuận với Thầy học và cha mẹ là một đạo lý bắt buộc ai cũng phải có.
Trong gia tộc, chữ “Hiếu -孝” là nền tảng của chế độ gia trưởng. Các thành viên phải răm rắp tuân theo ý kiến của tộc trưởng và của người cha. Thực hiện chu đáo trong Tang lễ là việc báo hiếu của con cái. Một tiêu chí để cộng đồng xem xét và đánh giá, nên ai cũng coi trọng.
Đối với đất nước, “Trung Hiếu” là nền tảng tư tưởng của chế độ phong kiến, nhằm củng cố sự tập trung quyền lực vào ngôi chí tôn. Quần thần và thứ dân phải trung quân tuyệt đối. Điều này dẫn đến tình trạng ngu trung là tất yếu “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung 君史臣死。臣不死不忠!- Vua xử thần chết. Thần không chết. Là không trung!”. Vua muốn giết ai thì nói: “Ta ban cho chén thuốc độc, thanh kiếm hoặc giải lụa !!!”
Thọ Mai Gia Lễ vẫn còn sức sống và tồn tại lâu dài, vì tinh thần cơ bản của nó góp phần duy trì chữ “Hiếu” chữ “Trung” từ trong gia đình đến xã hội.
Với tinh thần gạn đục khơi trong, ta kiên quyết loại bỏ những điều hủ tục, phiền toái không cần thiết. Phương châm là “bình cũ rượu mới” đưa vào Thọ Mai những nội dung của thời đại. Tất cả các bước từ khi có người chết đến khi cải táng, cơ bản là không thay đổi, nhưng hiện đã mang một nội dung mới hoàn toàn. Ví như một cuộc hành lễ, không còn các thủ tục đông xướng tây xướng, không ai đặt linh sàng kết hồn bạch nữa…đưa tang không ai lăn đường, chống gậy cũng đã giảm nhiều…Việc để tang cũng đơn giản đi, chỉ cần một băng đen đeo trên ngực…Hiếu tại tâm chứ đâu phải nằm đất, áo sô xổ gấu, khăn trắng thường xuyên mới là có hiếu.

2) VIỆC XEM NGÀY CHỌN GIỜ TRONG TANG LỄ.
Nhân dân ta có thói quen, bất kể làm việc gì cũng xem ngày, giờ, tháng, năm tốt hay xấu; đối với công việc của từng người. Đã có nhiều ý kiến xung quanh việc này. Đúng sai chưa có một lời giải thỏa đáng. Có trường hợp xem ra đúng! Nhưng không hiếm những trường hợp sai. Bảo rằng bỏ hẳn đi, không dễ đã được chấp nhận. Quả là lưỡng nan khó giải!
Chẳng qua cũng chỉ là một phép giải tâm lý, nhằm làm an lòng con người mà thôi. Có điều là, không nên quá câu nệ, phụ thuộc mù quáng và máy móc, dễ tạo tâm lý bất ổn và công việc lại càng không suôn sẻ.
Hiện tại việc xem ngày, chọn giờ trong đám tang, không ai bỏ qua. Sau khi có người chết, hầu như nhà nào cũng mời thầy cúng xem giờ liệm, nhập quan, phát tang và ngày giờ chôn cất. Nếu cứ chờ ngày giờ đẹp phải đợi lâu, trong khi sau 24 tiếng, xác đã bắt đầu phân hủy, liệu có nên chăng? Chưa biết an lành ra sao, chỉ thấy môi trường bị ô nhiễm. Và nếu là bệnh truyền nhiễm, thì nguy hại biết chừng nào.
Ai cũng biết rằng không có một ngày hoàn toàn tốt, hay hoàn toàn xấu. Tốt xấu đan xen như cuộc sống hàng ngày đang diễn ra vậy. Một ngày xấu việc này, nhưng lại tốt cho việc kia. Trong một ngày 12 giờ (tính giờ âm lịch) thì ít nhất cũng có 4 đến 5 giờ tốt.
Trong nhân dân vẫn lo ngại Thần Trùng, khi có người chết. Cần hiểu căn nguyên từ này. “Thần 辰- vì sao”. “Trùng重- Lặp lại”. Như vậy có nghĩa là người chết vào cùng một ngày, một giờ, một tháng, một năm xung với Tam hợp sẽ có nhiều sao xấu chiếu, gọi là “Trùng tang liên táng重喪連喪”. Trường hợp này xét ra hiếm gặp. Xem bảng sau:


Căn cứ theo phương pháp Cửu tinh – chín sao để chọn hướng của năm. Cửu tinh là một thuật toán cổ, dựa trên cơ sở Lạc thư của Dịch, tức là trên hình vuông ma phương có 9 số đếm, từ 1 đến 9.
Hình Lạc thư, còn gọi là hình ma phương (xem hình ma phương)
Quy định: Hướng Bắc phía dưới. Hướng Nam phía trên. Hướng Đông bên trái. Hướng Tây bên phải. Nhớ điều này để khi nhìn hình chọn hướng.
Chín số này được thể hiện trên bảy mầu là:
1- Nhất bạch: Màu trắng, hành Thủy, quẻ Khảm,: Đại cát.
2- Nhị hắc: Màu đen, hành Thổ , quẻ Khôn: Hung
3- Tam bích: Màu biếc, hành Mộc, quẻ Chấn: Hung
4- Tứ lục: Màu xanh lục, hành Mộc, quẻ Tốn: Hung
5- Ngũ hoàng: Màu vàng, Trung cung: Đại hung (xấu nhất)
6- Lục bạch: Màu trắng, hành Kim, quẻ Càn: Đại cát
7- Thất xích: Màu đỏ, hành Kim, quẻ Đoài: Hung
8- Bát bạch: Màu trắng, hành Thổ, quẻ Cấn: Đại cát.
9- Cửu tử: Màu tía, hành Hỏa, quẻ Ly: Đại cát
Như vậy trong 9 số chỉ có các số 1, 6, 8, 9 là đại cát. Năm số khác còn lại là xấu.
Lấy hình Lạc thư trên để quy chuẩn, thì Ngũ hoàng ở Trung cung (giữa). Năm có Ngũ hoàng ở trung cung (năm 2004), các hướng tốt sẽ là;
– Số 1 (nhất bạch): chính Bắc: Đại cát.
– Số 8 (Bát bạch): Đông Bắc: Đại cát
– Số 6 (Lục bạch): Tây bắc: Đại cát
– Số 9 (Cửu tử): Chính Nam: Đại cát
Trong chín số sự vận hành, mỗi năm có một số vào Trung cung, theo một quy luật xoay theo chiều ngược kim đồng hồ. Quy luật này đã được tính (không cần thiết nêu quy luật ở đây). Nếu bắt đầu từ số 5 ở Trung cung. Vòng quay số ở trung cung sẽ là:
5 – 4 – 3 – 2 – 1 – 9 – 8 – 7- 6 – 5…
Sau đây là vòng quay của 9 số có chuyển đổi vị trí:

Quan sát các hình trên ta thấy, vòng quay số ở trung cung hết lượt thứ 9 lại về số 1. Theo tính toán, năm 2004 Ngũ hoàng vào Trung cung. Như vậy hướng của năm 2013 giống hệt như hướng năm 2004. Hướng của năm 2014 giống như hướng năm 2005…Năm 2014 Hướng tốt là: Nam (8), Bắc (9), Tây (6) và Tây Nam (1).
Nắm quy luật này, ta tính ra các hướng của những năm tiếp theo. Như vậy việc tìm hướng tốt để xuất hành và đặt mộ trong năm không có gì khó khăn nữa.
Nhớ bốn hướng tốt là: 1, 6, 8, 9.

4) ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẾT Ở NGOÀI NHÀ MÌNH.
Hiện nay người chết ở ngoài nhà mình ở, không phải là ít. Người ốm đau qua đời ở bệnh viện, người bị tai nạn rủi ro trong giao thông, người chết vì thiên tai sét đánh, lụt lội, lở núi đất sụp, tai nạn lao động v.v…; ấy là chưa nói đến các liệt sĩ trận vong nơi sa trường, trong luyện tập và công tác cứu giúp đồng bào qua cơn hiểm nguy, hy sinh vì sự nghiệp cao cả của dân tộc…
Việc giải quyết những trường hợp trên, vẫn còn những quan niệm khác nhau chưa thống nhất. Trước đây cho rằng những trường hợp trên là “vô phúc”. Chẳng thế mà vẫn còn đó những lời chửi rủa: “Nhà mày vô phúc là quân chết đường, chết chợ”.
Do quan niệm vậy, nên đã có cách giải quyết chưa thỏa đáng. Nhiều trường hợp không được đưa xác vào nhà làm các thủ tục tang lễ. Cho rằng đưa vào nhà thì lũ ma, lũ cô hồn ở ngoài sẽ nhân dịp vào theo!!!
Nhiều đám đưa thẳng ra nghĩa địa chôn ngay. Có đám dựng rạp, làm ma ngoài đường…Trông cảnh ấy, tự đáy lòng, ai cũng ngậm ngùi, xót xa thương cảm.
Nếu phải chết, ai chẳng muốn chết tại nhà mình. Nơi ta đã gắn bó đời mình, với những người ruột thịt thân yêu; nơi có bao nhiêu kỷ niệm từng nếm trải bao đắng cay ngọt bùi. Nhưng vì những điều bất khả kháng, không thoát khỏi cảnh phải chết ở ngoài. Những người thân vô cùng đau đớn về sự mất mát to lớn, không sao khỏa lấp ấy. Nhưng nỗi đau ấy càng đau hơn, càng lớn hơn, khi chính họ không vượt qua được một quan niệm cũ, để người thân của mình không được “vào nhà”.
Không được chết ở nhà mình, đã là một thiệt thòi lớn; thiệt thòi ấy càng lớn hơn, càng xót sa hơn, khi lại bị chính những người thân, vì một quan niệm cổ hủ không cho “vào nhà!”. Linh hồn họ phải vật vờ cô đơn lạnh lẽo ở ngoài đường!!!
Xã hội ngày càng tiến bộ, những quan niệm cũ không thỏa đáng, cũng phải xét đoán lại. Thay đổi một nếp nghĩ, một quan niệm cũ cho phù hợp với thời đại, là biểu hiện của sự “thức thời”, tránh được sự bảo thủ, cổ hủ lạc hậu, thiếu tình người!.
Mọi trường hợp chết ở ngoài cần được đưa về nhà mình, tổ chức tang lễ chu đáo như thường lệ. Việc làm ấy, phù hợp với tính nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt nam.

5) TÍNH TUỔI THỌ NHƯ THẾ NÀO?

Cha ông ta từ xưa mừng thọ và tính tuổi thọ theo tuổi Âm lịch. Tục lệ ấy có thay đổi từ ngày cách mạng thành công, tính tuổi theo ngày sinh dương lịch. Nhưng cách tính ấy xem ra thiếu tính thuyết phục, nó trái với tập tục cổ truyền.
Bởi vậy, bây giờ chúng ta lại trở về với nguyên tục cũ. Kể cả các nguyên thủ quốc gia, các bậc “đại thần” khi mừng thọ và tính tuổi thọ vẫn tính như vậy. Đây là một đoạn tin:
“Trong dịp sinh nhật tuổi 99 (25/8/1911 – 25/8/2009), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã tiếp đón rất nhiều đoàn đại biểu, người thân… đến thăm và gửi lời chúc mừng.” (Báo Dân trí).
Nếu tính theo năm Dương lịch, đại tướng mới có 98 tuổi. Nhưng tính theo năm Âm lịch, đại tướng đã 99 tuổi.
Cách tính này so với cách tính dương lịch chênh nhau một tuổi. Liệu có phải người ta muốn “tham ô, tham nhũng!” để tăng được thêm tuổi thọ? Nếu nghĩ vậy thì quá vội vàng và chưa thấu hiểu căn nguyên vì sao ông bà ta từ xa xưa đã tính thế.
Thực ra, cơ sở của việc tính tuổi này là căn cứ vào thời điểm thụ thai. Người xưa quan niệm: tinh cha huyết mẹ khi kết lại, đã hình thành một thiên thần nhỏ bé, một sinh linh đã tồn tại trong cõi dương thế. Một sự sống ban đầu hình thành, đã đang và sẽ trưởng thành, rồi có mặt trong vũ trụ bao la này. Sinh linh ấy, có quyền sống và tồn tại ngay từ lúc ban đầu khởi thủy.
Không lý gì, sinh linh ấy lại bị thiệt thòi không được tính trong thời gian mang nặng đẻ đau sau chín tháng mười ngày?!
Một quan niệm mang tính triết lý sống của người Phương Đông và của người Việt nam. Thoát ly nhận thức này, là thoát ly căn nguyên nguồn cội; chẳng khác nào một con chiên lạc loài bị cộng đồng chối bỏ!
Ngày nay nhờ khoa học phát triển, người ta còn biết được sự cảm nhận của thai nhi đối với cuộc sống bên ngoài. Tình cảm “ái, ố, hỉ, nộ – 爱惡喜怒- yêu mến, ghét bỏ, vui mừng, giận dữ” của người mẹ đều có ảnh hưởng đến thai nhi khá nhiều. Chính vì thế những người mang thai, luôn tạo cho mình một cuộc sống “an lạc – yên vui” . Nghe những khúc nhạc êm dịu du dương, sống hiền thục, nhu thuận với mọi người…
Trước đây có câu: “Nuôi con ngoài, ai hoài hơi nuôi con trong”. Nghĩa là bào thai đã là con ở trong rồi. Sau khi sinh nở, mới tập trung mọi khả năng nuôi con, không ai bồi dưỡng “nuôi” con trong thai, vì sợ thai lớn khó sinh. Thông cảm cho nhận thức của một thời, khi khoa học còn ở mức độ. Bây giờ vẫn “nuôi” con trong đủ chất. Nếu thai lớn khó sinh, đã có phương pháp phẫu thuật vừa nhanh gọn, an toàn và lại không đau!
Nói vậy đủ biết, “con trong” đã có một vị trí trong cuộc sống, ngay từ thuở mới tượng hình. Không lý gì mà không được tính tuổi cho đúng.
Vẫn còn có người tính tuổi thọ theo cách tính dương lịch. Họ nhầm lẫn tuổi kê khai công tác và tuổi về hưu. Điều này cũng đã xẩy ra tình trạng khi mừng thọ một người, lại có tới hai lần mừng cho một tuổi. Người được mừng thọ, chỉ treo bảng mừng thọ được tính theo tuổi âm lịch mà thôi.
Cũng nên hiểu rằng không ai tham ô, tham nhũng gì thêm một tuổi để được mừng hai lần cho một tuổi. Vào trường hợp này người ta chỉ thấy khó xử. Và chắc rằng khi nhắm mắt xuôi tay, bạn bè thân hữu và người đời vẫn nghe vang lên bài điếu văn Người đã ra đi ở tuổi trời cho…
Trời cho ta chỉ biết nhận. Sự công minh sòng phẳng của đất trời, không thêm cho ai và cũng không bớt của ai, dù là một giây đồng hồ trong khoảng thời gian sống của họ! Đó cũng là sự công bằng tuyệt đối trên thế gian này.
Chỉ có THỜI GIAN là công bằng tuyệt đối cho tất cả mọi người. Mọi chủ thuyết và những lời hoa mỹ về một sự CÔNG BẰNG chỉ là liều thuốc an thần, để rồi chính chúng ta là những kẻ nhẹ dạ, lại dễ tin, lại bị lừa. Bi kịch của loài người là ở chỗ này!
Xin nguyện cầu cho linh hồn những người đã khuất được an lành nơi cực lạc!
                                                          *
                                                        *  *

Tang lễ là việc của người sống, làm cho người sống là chính. Mặt khác, cũng là sự báo hiếu của người sống đối với người đã ra đi. Ai cũng muốn báo hiếu cho cha mẹ, ông bà thực sự chu đáo và trọn vẹn. Đó là sở nguyện chính đáng và rất trân trọng.
Người xưa dạy: “Bách hạnh hiếu vi tiên – 百行孝為先- chữ hiếu đứng đầu trăm nết”, ông cha ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ hiếu là nền tảng của trật tự xã hội, mọi người đều hành xử theo chữ hiếu.
Đã một thời chúng ta ngộ nhận chữ hiếu là của phong kiến, cần phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Hậu quả là chúng ta phải gánh chịu loạn từ trong nhà loạn ra, thậm chí có chỗ thành họ nhà tôm!
Trong tang lễ, quan trọng nhất là tang cha mẹ. Báo hiếu cho cha mẹ, ai chẳng muốn hết lòng hết sức! Người ra đi đã về cõi vĩnh hằng, đâu có bắt con cháu ở phàm trần phải bầy đặt những điều phiền toái và tốn kém không cần thiết. Hiếu cốt ở lòng mình, thực sự chân thành, kính trọng ông bà cha mẹ. Hãy xử sự chu toàn, trọn vẹn, ấm cúng và chan hòa ngay từ khi cha mẹ, ông bà còn sống bên con cái chúng ta. Đó mới là chữ Hiếu lớn nhất,
Bởi vậy, việc thực hành tang lễ, cần có sự tiết chế hợp lý. Đảm bảo đủ các bước, với tinh thần tiếp thu vốn cổ có chọn lọc. Như thế, đám tang vừa mang tính dân tộc truyền thống, lại có sự kết hợp hài hòa nội dung văn hóa mới, góp phần xây dựng đời sống Văn hóa ở cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn.
Rất cám ơn quý độc giả đã bớt chút thời gian đọc sách này.

                                                  HẾT
                                                             Trọng Thu, Kỷ Sửu – 2009
                            Điều chỉnh bổ sung lần thứ năm – Mạnh Hạ, Đinh Dậu – 2017

                                                                  Nguyễn Quý Phong
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1- Thọ Mai Gia Lễ của Hồ Sĩ Tân
2- Luận ngữ (Trong bộ Tứ Thư)
3- Đạo Đức Kinh của Lão tử
4- Nho giáo của Trần Trọng Kim
5- Từ điển Hán – Việt của Thiều Chửu
6- Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh
7- Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính
8- Sổ tay Văn hóa Việt Nam của Đặng Đức Siêu
9- 100 điều nên biết … của Tân Việt
10- Nhị Thập tứ hiếu của Lý Văn Phức biên soạn
11- Nghi thức Tang lễ của Trương Thìn
12- Nguyên lý chọn ngày theo Lịch can Chi của Hoàng Tuấn
13- Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang
14- Minh Tâm bảo giám của Lê Phục Thiện biên soạn
15- Câu đối Việt nam của Phong Châu
16- Tài liệu và ảnh trên mạng internet

Xem thêm

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

Nội dung mặt trước bia Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi

* Nguyên văn chữ Hán : 重修鳳凰市橋碑 重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘 常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。 恭惟 世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。 弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。 帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。 銘曰: 帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中

By Quý Phong