THẦN CAO SƠN ĐỘC CƯỚC - THÀNH HOÀNG LÀNG DUY TINH
Trước năm 1945, làng Duy Tinh thờ thần Cao Sơn Độc Cước là thành hoàng của làng. Nơi thờ ở đình nghè (hiện là đất nhà ông Cầm có cửa hàng bán lương thực). Sỡ dĩ gọi là đình nghè, vì bà Hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy đã xây đình ở chợ rồi. Một làng không thể có hai đình.
Đình nghè có bốn gian rộng, trông về hướng Nam. Gian trong cùng có tường hậu và xây kín hai bên, mặt trước là cửa gỗ đóng kín. Bên trong, giữa gian xây bệ thờ, có tượng thần Cao Sơn Độc Cước và đồ tế khí, chấp kích bát bửu. Trên cao là bức hoành phi: “Thánh cung vạn tuế”. Hàng năm làng tổ chức tế thần vào Rằm tháng Giêng.
Việc thờ Thành hoàng làng không thể thiếu ở cộng đồng làng xã. Mỗi nhà có Thổ công, mỗi làng có Thành Hoàng. Giống như Thổ công, Thành Hoàng cai quản và quyết định họa phúc của một làng. Không có làng nào ở Việt Nam mà không có Thành Hoàng.
Tại sao làng Duy Tinh lại thờ Thần Cao Sơn Độc Cước làm Thành Hoàng làng? Chúng tôi có tìm hiểu một số cụ cao niên trên tám, chín mươi tuổi vẫn chưa có lời giải đáp. Các cụ đều nói lớn lên đã thấy như vậy rồi!
Theo phả thần: Độc Cước là một vị thần Việt Nam, nơi thờ chính đặt tại đền Độc Cước ở Sầm Sơn Thanh Hóa. Theo đạo sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 14 (1783), thần Độc Cước tên là Chu Văn Khoan, có tài đức, giúp các đời vua dẹp yên giặc giã, giữ gìn bờ cõi, thần hiệu là Đại pháp sư, có 7 phép màu để trị ma quỷ gian ác… và được vua phong bốn chữ: Độc Cước sơn triều.
Chuyện kể rằng: Thời xưa có một bọn quỷ mũi đỏ đến vùng biển Sầm Sơn làm hại dân lành. Bấy giờ có một chú bé mồ côi cha, vừa ra khỏi bụng mẹ đã lớn nhanh như thổi và trở thành người khổng lồ. Chàng khổng lồ đánh thắng bọn quỷ ngoài biển, bọn quỷ lại tràn vào đất liền cướp phá; nếu chàng ở trong đất liền thì quỷ lại phá ở ngoài khơi. Chàng bèn lấy búa tự xẻ đôi thân mình, một nửa thân và một chân đứng trên đỉnh núi Trường Lệ, một nửa thân và một chân theo bè mảng ra khơi hộ vệ dân chài. Từ đó, bọn quỷ vào bờ hay ra biển đều bị chàng khổng lồ đánh cho tan tác. Chúng sợ quá liền bỏ đi nơi khác, không dám bén mảng đến vùng biển này nữa. Nhân dân vô cùng biết ơn và cung kính gọi chàng là thần Độc Cước, nghĩa là thần “Một chân”. Lập đền thờ tại đền Độc Cước – Sầm Sơn.
Câu chuyện thần Độc Cước phản ánh sức mạnh vĩ đại của tổ tiên ta, nói lên ước mơ kỳ diệu của người xưa trong công cuộc đấu tranh chống thiên tai ác liệt, đồng thời ca ngợi một tấm gương chói lọi xả thân bảo vệ nhân dân, bảo vệ quê hương đất nước, bảo vệ biển trời.
Bởi vậy cư dân ven biển và ven sông ở Thanh Hóa đều thờ Thần Cao Sơn Độc Cước là Thành Hoàng làng. Làng Duy Tinh ở ven sông Trà Giang, việc thờ thần Cao Sơn Độc Cước là đương nhiên.
Ngoài Sầm Sơn ra, ở Thanh Hóa còn có 11 huyện, trong đó có 53 làng có thần vị và thờ cúng thần Độc Cước, như: Ngọc Sơn (14 làng), Mỹ Hóa (8 làng), Hoằng Hóa (9 làng), Hậu Lộc (6 làng), Yên Định (4 làng), Quảng Xương (3 làng), Cẩm Thủy (3 làng), Lôi Dương (2 làng), Nga Sơn (1 làng), Thụy Nguyên (1 làng), Đông Sơn (1 làng) (Địa chí Thanh Hóa, T.2, 2003).
Thần Độc Cước được đưa vào thần điện Phật giáo với tư cách như là đệ tử của Quan Thế Âm Bồ Tát. Đồng thời ở thần điện Đạo giáo Việt Nam cũng coi Độc Cước như là một vị thần của mình. Bởi vậy, có thể coi đây như là một hình thức tôn giáo tín ngưỡng pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo và Đạo giáo
Theo sách Việt Nam phong tục của học giả Phan Kế Bính, mỗi làng phụng sự một vị Thành hoàng; có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.
“Phúc Thần có ba hạng:
Thượng đẳng thần là những thần danh sơn Đại xuyên, và các bậc thiên thần như Đông thiên vương, Sóc thiên vương, Sử đồng tử, Liễu Hạnh công chúa…Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Thứ nữa là các vị nhân thần như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…Các vị này khi sinh tiền có đại công lao với dân với nước; lúc mất đi, hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ, hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ. Các bực ấy đều có sự tích công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần. Cũng có vị là nhân thần, nhưng lại không được nhắc tới nhiều trong chính sử, mà được nhắc tới nhiều trong dã sử và truyền thuyết như Đức thánh Tam Giang.
Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng; hoặc là có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc là những thần có chút linh vị, tới khi nhà vua sai tinh kỳ đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.
Hạ đẳng thần do dân làng thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bực chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần.
Ngoài ba bực thần ấy, còn nhiều nơi thờ bậy bạ, như: thần bán lợn, thần trẻ con, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần tà dâm, thần rắn, thần rết…Các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần vì dân tin bậy mà thờ chớ không được vào tự điển, không có phong tặng gì…”
Nhưng cũng có khi Thành hoàng chỉ là một người dân đang sống ở làng, mà dân làng cho rằng người đó được trời ban cho sứ mệnh, để sau này thay họ cai quản làng xã, được gọi là Thành hoàng sống.
Thành hoàng có sức mạnh vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất lề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng Thành Hoàng để xin phép trước. Sự ngưỡng mộ Thành Hoàng của người dân, không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên ông bà.
Hàng năm, ngày giỗ Thành Hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng. Trong những ngày hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành Hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui: đấu võ, chọi gà, thổi cơm thi, bơi chải, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng… Không khí vui vẻ cả ngày lẫn đêm (có nơi hai, ba ngày), từ các lão ông, lão bà đến mỗi cháu bé, và chờ đợi nhất, vui nhất là những trai gái đương lứa, đây là dịp để gặp gỡ, kết bạn, tỏ tình.
Hiện làng Duy Tinh còn giữ được sắc phong của vua Đồng Khánh, phong sắc cho thần Độc Cước: Nguyên văn chữ Hán:
敕
剛毅超勇彊果端粛獨脚之神向來護國庇民稔著靈應節蒙頒給贈敕畱祀肆今丕膺。
耿命緬念神庥可加贈翊保中興之神仍。
準許清化省厚祿縣惟精社依舊奉事神其相佑保我黎民。
欽哉。
同慶貳年。
Phiên âm:
Sắc
Cương nghị siêu dũng cường quả đoan túc Độc Cước chi thần hướng lai hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự tứ kim phi ưng.
Cảnh mệnh miến niệm thần hưu khả gia tặng dực bảo trung hưng chi thần nhưng.
Chuẩn hứa Thanh Hóa tỉnh Hậu Lộc huyện Duy Tinh xã y cựu phụng sự thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Đồng Khánh nhị niên
Dịch nghĩa:
Sắc phong cho thần Độc Cước: Cương nghị, siêu dũng, cường quả, đoan túc. Xưa nay nhiều lần linh thiêng đã có công giúp nước bảo vệ dân, được thờ cúng lâu dài. Thần nhiều lần linh ứng giúp nước, giữ gìn bờ cõi, bảo vệ dân lành nên được tặng thêm: “Dực bảo trung hưng”.
Nay chuẩn y cho xã Duy Tinh, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ việc thờ cúng như xưa. Thần hãy tiếp tục giúp cho dân luôn được an lành.
Kính cẩn thay!
Đồng Khánh năm thứ hai (1886)
*
Đình Nghè bị phá không còn chỗ thờ thần Độc Cước – Thành Hoàng Làng – Hiện nay làng Duy Tinh rước bài vị Thần Độc Cước về thờ tại Phủ.
Nguyễn Quý Phong