Toàn văn Thư Kiến nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự hội nghị G20 của cộng đ?
Toàn văn Thư Kiến nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự hội nghị G20 của cộng đồng người Việt Nam tại Châu Âu.
02.07.2017 17:05 7552
Thư kiến nghị về tình hình Biển Đông đã được kiều bào tại châu Âu ký
và chuyển tới phủ Thủ tướng Đức ngày 30/06/2017
Berlin, ngày 29 tháng 6 năm 2017
Kính thưa bà Thủ tướng Liên bang,
thay mặt Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức và các hội đoàn người Việt Nam tại châu Âu, chúng tôi xin gửi tới bà Thủ tướng và Chính phủ Liên bang Đức lời chào trân trọng.
Bằng thư kiến nghị này, chúng tôi mong muốn lưu ý bà Thủ tướng và Chính phủ Liên bang về những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc nhằm khẳng định những đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông (Biển Hoa Nam), gây ra rất nhiều sự kiện căng thẳng và bất ổn định trong khu vực, đồng thời xin kiến nghị bà Thủ tướng lên án những hành động đó. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch G-20 của Đức năm 2017, cùng với việc nước Đức thực sự là một trong các quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất, luôn sẵn sàng thực thi trách nhiệm trong các sự kiện quốc tế, chúng tôi cũng hy vọng rằng bà Thủ tướng sẽ đưa vấn đề giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh hải trên thế giới – trong đó có Biển Đông – trên cơ sở các giải pháp hoà bình, vào chương trình nghị sự và trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hamburg trong tháng 7.2017.
Thưa bà Thủ tướng,
với sự tự tôn của một cường quốc, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tiến hành trong những năm qua nhiều bước đi hiếu chiến, nhằm củng cố những đòi hỏi chủ quyền phi cơ sở của họ trên Biển Đông. Trung Quốc ngày càng lộ rõ ý đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Đó là mối lo ngại lớn không chỉ đối với các nước nằm trực tiếp trong vùng mà còn đối với những nước khác có quyền lợi trong sự an toàn của tuyến giao thông hàng hải qua đây.
Mặc dù TQ đã ký kết Công ước quốc tế (UNCLOS) năm 1982, nhưng họ vẫn luôn lặp lại những đòi hỏi chủ quyền ngang ngược bằng những cái gọi là „tài liệu lịch sử“ của họ.
Đặc biệt, TQ đã đưa ra yêu sách „đường 9 đoạn“ bao trùm 90% Biển Đông, gồm cả vùng thềm lục địa với đặc quyền kinh tế của các nước khác. Năm 2014, TQ đã đặt giàn khoan khổng lồ „Haiyang Shiyou 981“ trong vùng kinh tế của Vietnam, đồng thời, đưa đến hàng trăm tàu biển, kể cả tàu chiến lớn và máy bay chiến đấu để „bảo vệ“. Thực tế là, TQ đã cố tình tạo ra các tình huống khiêu khích lực lương cảnh sát biển của Vietnam nhằm cản trở và thậm chí tấn công họ.
Để đạt được các đòi hỏi chủ quyền của họ, hàng năm TQ đã ngang nhiên đưa ra các lệnh cấm đánh cá hoàn toàn vô căn cứ. Riêng năm nay, lệnh cấm đánh cá của TQ kéo daì từ 01.5 đến 16.8 trong quần đảo Hoàng Sa, bên ngoài vùng kinh tế của họ, mặc dù họ hoàn toàn không có bất cứ quyền hợp pháp nào để làm điều đó. Việc cấm đánh cá này đã hiển nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, chống lại Công ước UNCLOS 1982 và các thoả thuận ứng sử trong tranh chấp chủ quyền giữa các nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) và TQ năm 2002.
Hành động đặc biệt đáng báo động là TQ bỏ qua mọi cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái biển do họ gây ra khi bồi đắp các đảo nhỏ và bãi đá trong các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thành các đảo nhân tạo, kể cả các căn cứ quân sự với các đường băng cho máy bay quân sự cỡ lớn với các thiết bị hiện đại, có thể kiểm soát một vùng biển rộng lớn và đất liền của các nước Vietnam, Philippinen, Indonesien. Bằng các căn cứ quân sự đó, TQ muốn tạo ra sự hiện diện quân sự lâu dài trên Biển Đông, ngay cả sau khi toà trọng tài quốc tế tại Den Haag (PCA) trong tháng 7. 2016 đã có phán quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền không cơ sở của TQ trong một vụ kiện của Philippinen.
Cho đến nay, TQ đã coi thường tất cả các cảnh báo và chỉ trích của quốc tế cũng như bác bỏ mọi đề nghị dàn xếp đa phương để giải quyết tranh chấp, kể cả phán quyết của Toà PCA như đã nhắc đến ở trên.
Những hành động hiếu chiến và phi pháp của TQ trong thời gian qua thực sự cho thấy TQ sẽ tạo ra được sự kiểm soát trên toàn bộ Biển Đông. Việc quân sự hoá các đảo và đảo nhân tạo ở Biển Đông đe doạ không những hoà bình và ổn định mà còn cả sự an toàn giao thông hàng hải trong vùng với hơn 40% lượng hàng hoá vận chuyển trên toàn thế giới. Vì thế, sự tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông là vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều nước toàn cầu, chứ không phải chỉ là chuyện trong khu vực.
Nhiều nước dẫn đầu trên thế giới đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc của họ. Tại cuộc đối thoại an ninh Shangri-La năm nay, từ 02 đến 04.6.2017 tại Singapur, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã nêu rỏ, việc quân sự hoá Biển Đông của TQ là vi phạm luật pháp quốc tế, coi thường lợi ích của các nước khác và coi thường những biện pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông đã được thoả thuận. Trong những tháng đầu năm 2017, hải quân Mỹ đã thường xuyên đưa tàu sân bay tới Biển Đông, bảo vệ sự an toàn của giao thông đường biển và bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của TQ. Tuyến bố chung của hội nghị thượng đỉnh các nước G7 tại Ý tháng 5.2017 cũng cho thấy sự quan ngại của G7 về tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, cực lực phản đối mọi hành động đơn phương gây thêm căng thẳng trong các khu vực đó. Đồng thời kêu gọi tất cả các bên từ bỏ quân sự hoá tại các đảo tranh chấp.
TQ đã phớt lờ tất cả cảnh báo và chỉ trích quốc tế và vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp để quân sự hoá Biển Đông. Vì thế chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn đối với TQ và những đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ.
Thưa bà Thủ tướng,
là một quốc gia lớn, nước Đức có vai trò lãnh đạo không những ở châu Âu mà còn trên toàn thế giới với ảnh hưởng to lớn đối với các vấn đề quốc tế. Đặc biệt, nước Đức là một trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Do đó, việc bảo đảm an toàn cho các tuyến đường biển chủ chốt là vô cùng quan trọng. Mọi sự bất ổn định do tranh chấp chủ quyền gây ra làm ảnh hưởng đến an toàn đường biển, gây tác hại cho thương mại quốc tế, chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực tới ngành kinh tế xuất khẩu của nước Đức.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi xin kiến nghị với bà Thủ tướng và Chính phủ Liên bang quan tâm nhiều hơn và có quan điểm rõ ràng hơn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông thông qua việc lên án các hoạt động phi pháp, hiếu chiến của TQ trên Biển Đông, yêu cầu TQ chấm dứt các hoạt động đó, cũng như ủng hộ các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, bà Thủ tướng sẽ đưa các vấn đề tranh chấp chủ quyền biển trên toàn thế giới – trong đó có Biển Đông – và các biện pháp giải quyết trên cơ sở hoà bình vào chương trình nghị sự và trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới tại Hamburg.
Mặc dù kiến nghi này chỉ thể hiện quan điểm của Liên hiệp người Việt toàn LB Đức và một số tổ chức người Vỉetnam ở châu Âu đối với hiện tình tranh chấp trên Biển Đông, chúng tôi tin rằng, cũng đã nói lên mối quan ngại của nhân dân Vietnam và nhiều công dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới trước thái độ ngày càng hiếu chiến của TQ.
Chúng tôi hy vọng trong tương lai sẽ nhận được sự quan tâm, lưu ý nhiều hơn của bà Thủ tướng đối với tình hình rất nghiêm trọng của các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Trân trọng!
GS.TS. Nguyễn Văn Thọai
Đại diện LHNV và một số hội đoàn người Việt Nam tại châu Âu
Đã ký