28 phút đọc

Văn bia TRÙNG TU PHƯỢNG HOÀNG THỊ KIỀU BI - Phần Thứ Nhất

Văn bia TRÙNG TU PHƯỢNG HOÀNG THỊ KIỀU BI - Phần Thứ Nhất


                                                                  LỜI THƯA

Làng Duy Tinh có hai tấm bia đá:
1- Bia “Sùng nghiêm Diên Thánh tự bi minh”(崇嚴延聖寺碑銘) do Thông thiền Hải chiếu đại sư, tứ tử thích PHÁP BẢO soạn lời. Bia dựng năm 1118. Bia hiện ở Chùa, nhưng bị sứt vỡ nhiều chỗ do bom đạn của Pháp và Mỹ.
Nội dung Văn bia ghi lại việc trùng tu xây dựng chùa Sùng nghiêm Diên Thánh, để ghi nhớ sự kiện năm 1116 vua Lý Nhân Tông đi tuần phương nam, đã về làng Duy Tinh là lỵ sở của Châu Ái (Thanh Hóa). Kèm theo bài minh nói về Triết lý đạo Phật.
Bia cao 2,02 m, rộng 1,22 m trang trí đẹp, kiểu dây leo và rồng xoắn đời Lý.
2- Bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi” (重修鳳凰市橋碑) do Lễ bộ thương thư kiêm Hàn lâm viện thị độc, đông các học sĩ Nguyễn Thực soạn lời. Bia dựng năm 1628 tại Chợ Phủ.
Bia cao 1,62m rộng 1,02m, dày 0,2m. Thân Rùa chiều dài 1,74m, chiều rộng 1,52m, chiều dày 0,44m.
Nội dung Văn bia khắc cả hai mặt trước và sau:
+ Mặt trước: “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi” (重修鳳凰市橋碑)
Nội dung: Ghi lại việc bà Hoàng Hoàng Thái hậu nhà hậu Lê là Nguyễn Thị Minh Thụy, người có công khởi xướng, cùng với các tôn thất trong triều và một số quan lại tham gia tiền của trong việc trùng tu cầu Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo. Kèm theo bài minh ca ngợi ơn vua và chúc quốc vận trường tồn.
+ Mặt sau: “Thi bản phủ thị ngưu thị vi Tam bảo thị” (施本府市牛市爲三寳市).
Nội dung: Ghi lại việc bà Hoàng Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Minh Thụy đặt tên chợ là chợ Tam Bảo. Kèm theo họ tên chức sắc bố đẻ và những người trong gia đình bà Hoàng, cùng những người làng Duy Tinh và trong vùng đã tham gia đóng góp tiền của xây dựng cầu và chợ.
                                                             *
Hai tấm bia này là hai báu vật vô cùng quý giá của làng ta, minh chứng cho sự trường tồn của làng Duy Tinh – Chợ Phủ trong chiều dày Lịch sử!
Văn bia “Sùng nghiêm Diên Thánh tự bi minh” đã được in trong Tập 1 cuốn Thơ Văn Lý Trần (Trang 368) xuất bản lần đầu năm 1977 của Nhà Xuất Bản KHXH.
Hiện nay Nhà Chùa đã in phần dịch Văn bia để gửi biếu cho quan khách thập phương mỗi lần về chùa. Như vậy Văn bia đã được phổ biến rộng rãi.
Còn Văn bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi”, hiện tại, hầu như chưa ai biết rõ về nội dung bia.
Tấm bia đã có bước thăng trầm hy hữu suốt một thời gian dài. Gần hai thập kỷ sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước; cửa hàng Bách Hóa huyện Hậu Lộc, đã hạ tấm bia làm bàn giặt một thời gian dài, nên chữ trên bia mờ hết cả.
Các cụ làng ta đã phát hiện, rồi kiến nghị với Huyện kiên quyết giữ lại tấm bia cho con cháu hiểu rõ và tự hào về một vùng đất văn vật. Hiện tại bia được đưa về cất tại chùa, nhưng chữ mờ hết cả và bị sứt mẻ ở đầu.
Năm 1995 được sự chỉ đạo của Đảng ủy xã Văn Lộc, ông Trần Lợi Tăng bí thư Đảng ủy xã cùng Ban viết sử của làng là các cụ Nguyễn Văn Mậu, Lê Văn Quýnh, Trần Văn Bường, Ngô San và một số cụ cao niên trong làng, đã tham gia biên tập tài liệu về Bia Phượng Hoàng. Nhưng rất khó khăn vì chữ mờ hết cả.
Rất mừng là gia đình cụ Bạ Thòa tìm được bản chép tay của cụ Trần Lợi Hân. Lúc sinh thời, cụ Bạ Thòa tuy tuổi cao; nhưng suốt một thời gian dài, ngày ngày cụ ra tấm bia khi còn dựng ở chợ, dò chép từng chữ toàn bộ Văn bia.
Xin được ân tưởng công lao cụ Bạ Thòa, đã có một nghĩa cử cao đẹp, nhờ đó ta mới biết được nội dung Văn bia.
Trên cơ sở bản chép tay của cụ Bạ Thòa, cụ Lê Văn Quýnh và cụ Trần Văn Bường đã chép lại đầy đủ văn bản chữ Hán.
Rồi cụ Nguyễn Văn Mậu giáo viên về hưu, lên Thanh Hóa nhờ cụ Lê Văn Uông bậc túc Nho Hán học của tỉnh nhà, người cháu ngoại của làng Duy Tinh, đã dịch toàn bộ văn bia.
Nhưng rồi bản dịch Văn bia vẫn im lìm nằm trong tủ nhà cụ Mậu từ năm 1995, vì không có điều kiện in ấn phát hành.
Như một cơ duyên trong lần về quê lấy tài liệu làm phim ký sự “Làng cổ Duy Tinh” chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Mậu cho xem bản dịch Văn bia. Chúng tôi đặt vấn đề sẽ in Văn bia này để lưu lại một chứng tích Văn Hóa của Làng. Cụ Mậu nhất trí cao, thực là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vậy.
Sau một thời gian khảo cứu, đối chiếu trên bia với những chữ còn đọc rõ, chúng tôi hiệu đính một số chữ và âm Hán Việt giữa bản chép tay và bia đảm bảo tính chính xác.
Giải thích một số từ Hán Việt và các điển tích các cụ Nho học thường dùng ngày trước.
Ngoài việc khảo cứu, chúng tôi đảm trách luôn việc chế bản, in ấn để có một cuốn Văn bia hoàn chỉnh trình Làng.
Chúng tôi coi đây là bước chạy tiếp sức mà các bậc tiền nhân của làng đã làm. Chắc rằng còn nhiều khiếm khuyết, bởi lẽ lượng sức mình còn hạn hẹp.
Nhưng trước yêu cầu cần có một Văn bản lưu lại cho Làng, để sau này có điều kiện nghiên cứu hoàn chỉnh hơn.
Chúng tôi thiết nghĩ, tấm bia Phượng Hoàng này nên trả lại vị trí cũ, đặt tại chợ Phủ là chứng tích của một thời bà Hoàng Thái hậu nhà Lê đã có công trùng tu cầu Phượng Hoàng và chợ Tam Bảo, để khách bốn phương qua lại có dịp chiêm bái!
Làm được vậy, chắc rằng hồn thiêng linh ứng của bà Hoàng Thái hậu và các vị tiền nhân đã nhất tâm công đức tiền của để trùng tu xây cầu và chợ, sẽ phù hộ độ trì cho Chợ Phủ ta ngày càng sầm uất hơn!
Xin kính trình Làng cuốn sách này, như một món nợ gửi cho Quê Hương yêu dấu.
                             Duy Tinh ngày Quý Đông năm Nhâm Thìn – 2012.

                                                      Nguyễn Quý Phong

Chữ Hán mặt trước bia
重修鳳凰市橋碑
重修鳳凰橋施本府市牛市為三寶碑銘
常謂水上爲梁所以度行人之來往日中爲市所以通天下之貨財惟此鳳凰橋本府市介在永福淳祐之間土高爽塏地廣坦平行客之所往来貨財之所貿易真湯沐邑中大去大来大都會處也迩因星霜屡阕風景頓殊時人不能無燕麥鬼葵之感。
恭惟
世宗毅皇帝老皇皇太后以天下母爲佛中聖心福地目慈天發無量之心種將来之福當時達官及諸善信人咸願爲之助費閨錢腰帯怡然壹舍荆木昆瓦駢然四来廼於。
弘定拾五年柒月拾弍日旦伐蠲恊穀徠起鳩工離娄之明以督其绳公輸之巧以削其墨經之营之不浹旬而未雨之龍止齎之虹已橫跨於波上矣水由地中行人從橋上達原本府市玆施三寳致天下之人聚天下之貨商賈之居行共便貨財之貿易皆通举欣欣然誾誾然於帝日帝天之下咸熙熙焉皡皡焉於王途王路之中會其有極歸于有極普荷吾。
帝王萬萬年建極錫福之功大矣是則斯橋之作斯市之施其及人之功之德顧可量耶以此河沙慶善于祿百福于其身于其子孫穆穆皇皇绵绵延延祚胤处处基圖鞏固其億萬年無彊之休乎。
銘曰:
帝鄉福地,鳳凰橋名,規摸雄麗,制度恢宏,雲飛畫棟,雨捲惟亮,棟扶圖祚,磐奠瑤京,義取噬嗑,市会日中,貨財貿易,有無相通,又施三寶,以種陰功,人民蒙惠,永永無窮。
佛大會主。

世宗毅皇帝明妃老皇皇太后阮氏明瑞(邵天府瑞原縣蓝山鄉)。
简揮皇帝皇太后鄭氏玉楨。
世宗毅皇帝第壹公主棃氏玉貪。
简揮皇帝第壹公主棃氏玉祥。
简揮皇帝第弍皇子棃維正。
简揮皇帝第弎皇子棃維良。
世宗毅皇帝第弍嬪武氏玉貴(建昌府真定縣仁黄社)。
简揮皇帝嬪裴氏玉園(常信府上福縣仁賢社)。
弌功德
世宗毅皇帝第弍嬪棃氏玉篮号妙宗。
阮勃(指揮使署衞軍義澤侯惟精社)夫人棃氏森。
杜焉(殿前都校點司左校點参督力四衞軍務事坚義候惟壹社)夫人棃氏楊。
阮奠安(都指楎)夫人楊氏棬。
阮曰智(都指楎使朝铁候)夫人吴氏奮黄氏憲。
何有畧(指楎)夫人棃氏貪杜氏缘男子何有福何有德。
永祚萬萬年之九季春節榖日。
奉旨傳書寫錦衞断事西嶺伯棃明福(蓝山鄉廣施社)乙未科進士出身翊運賛洽功臣特進金紫荣祿大夫礼部尚書蒹翰林院侍讀掌翰林院事東閣學士少保芳蘭候慈東雲恬阮實樸甫撰。
諳曉玉石易局副阮文明局副阮曰當(才良)阮柳(嘉…縣…邦…社) 鐫。

Phiên âm:
                 TRÙNG TU PHƯỢNG HOÀNG THỊ KIỀU BI
Trùng tu Phượng Hoàng(1) kiều thi bản phủ thị Ngưu thị vi Tam Bảo(2) bi, minh.
Thường vị thủy thượng vi lương, sở dĩ độ hành nhân chi lai vãng; nhật trung vi thị, sở dĩ thông thiên hạ chi hóa tài.
Duy thử Phượng Hoàng kiều, bản phủ thị, giới tại Vĩnh Phúc(3), Thuần Hựu(4) chi gian, thổ cao sảng khải, địa quảng thản bình, hành khách chi sở vãng lai, hóa tài chi sở mậu dịch, chân Thang Mộc(5) ấp trung, đại khứ, đại lai, đại đô hội xứ dã.
Nhĩ nhân tinh sương lũ khuyết, phong cảnh đốn thù, thời nhân bất năng vô yến mạch, quỷ quì chi hám.
Cung duy:
Thế Tông nghị Hoàng đế(6) lão Hoàng Hoàng Thái Hậu dĩ thiên hạ mẫu vi Phật trung thánh tâm, phúc địa, mục từ thiên phát vô lượng chi tâm, chủng tương lai chi phúc; đương thời đạt quan cập chư thiện tín nhân hàm nguyện vi chi trợ phí, khuê tiền yêu đới, di nhiên nhất xá, kinh mộc, côn ngõa, biền nhiên tứ lai nãi ư.
Hoằng Định(7) thập ngũ niên thất nguyệt thập nhị nhật đán(8), phạt quyên hiệp cốc lai khởi cưu công, Ly lâu(9) chi minh dĩ đốc kỳ thằng, Công Thâu(10) chi xảo dĩ tước kỳ mặc, kinh chi, doanh chi, bất tiếp tuần nhi vị vũ chi long, chỉ tê chi hồng dĩ hoành khóa ư ba thượng hĩ.
Thủy do địa trung hành, nhân tòng kiều thượng đạt, nguyên bản phủ thị tư thi Tam Bảo, trí thiên hạ chi nhân, tụ thiên hạ chi hóa; thương cổ chi cư, hành cộng tiện, hóa tài chi mậu dịch giai thông, cử hân hân nhiên, ngân ngân nhiên ư đế nhật đế thiên chi hạ, hàm hi hi yên, hạo hạo yên, ư vương đồ vương lộ chi trung hội kì hữu cực quy vu hữu cực phổ hạ ngô.
Đế vương vạn vạn niên kiến cực tích phúc chi công đại hĩ. Thị tắc tư kiều chi tác, tư thị chi thi, kỳ cập nhân chi công đức, cố khả lượng da! Dĩ thử hà sa khánh thiện vu lộc, bách phúc vu kỳ thân, vu kỳ tử tôn, mục mục, hoàng hoàng, miên miên, diên diên, tô dận, xứ xứ cơ đồ củng cố, kỳ ức vạn niên vô cương chi hưu hồ.
Minh(11) viết:
Đế hương phúc địa. Phượng Hoàng kiều danh. Quy mô hùng lệ. Chế độ khôi hoành. Vân phi họa đống. Vũ quyển duy lương. Đống phù đồ tộ. Bàn điện dao kinh. Nghĩa thủ phệ hạp. Thị hội nhật trung. Hóa tài mậu dịch. Hữu vô tương thông. Hựu thi Tam Bảo. Dĩ chủng âm công. Nhân dân mông huệ. Vĩnh viễn vô cùng.
Phật Đại Hội Chủ.
Thời
Thế Tông nghị Hoàng đế minh phi, lão Hoàng Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy (Thiệu Thiên phủ, Thụy Nguyên huyện, Lam Sơn hương)
Giản huy Hoàng đế(12) Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh.
Thế Tông nghị Hoàng đế, đệ nhất Công chúa Lê Thị Ngọc Thơm.
Giản huy Hoàng đế đệ nhất Công chúa Lê Thị Ngọc Tường.
Giản huy Hoàng đế đệ nhị Hoàng tử Lê Duy Chính.
Giản huy Hoàng đế đệ tam Hoàng tử Lê Duy Lương.
Thế Tông nghị Hoàng đế đệ nhị tần Vũ Thị Ngọc Quý (Kiến Xương phủ,Chân Định huyện, Nhân Hoàng xã)
Giản huy Hoàng đế tần Bùi Thị Ngọc Viên (Thường Tín phủ, Thượng Phúc huyện, Nhân Hiền xã).
Nhất công đức:
Thế Tông nghị Hoàng đế đệ nhị tần Lê Thị Ngọc Lam, hiệu Diệu Tông.
Nguyễn Bột (Chỉ huy sứ, thự vệ quân, nghĩa trạch hầu, Duy tinh xã), phu nhân Lê Thị Sâm.
Đỗ Yên (Điện tiền đô hiệu điểm ty, tả hiệu điểm, tham đốc, hiệu lực tứ vệ quân vụ sự, kiên nghĩa hầu, Duy Nhất xã) phu nhân Lê Thị Dương.
Nguyễn Điện An (Đô chỉ huy) phu nhân Dương Thị Khuyên.
Nguyễn Viết Trí (Đô chỉ huy sứ, Triều thiết hầu) phu nhân Ngô Thị Phấn, Hoàng Thị Hiến.
Hà Hữu Lược (Chỉ huy) phu nhân Lê Thị Thơm, Đỗ Thị Duyên; nam tử Hà Hữu Phúc, Hà Hữu Đức.
Vĩnh Tộ(13) vạn vạn niên chi cửu, quý xuân tiết, cốc nhật. Phụng chỉ truyền thư, Tả cấm vệ đoán sự, Tây lĩnh bá Lê Minh Phúc (Lam Sơn hương Quảng Thi xã).
Ất Mùi khoa Tiến sĩ xuất thân, Dực vận tán hiệp công thần, đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn Lâm viện thị độc, Chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các học sĩ. Thiếu Bảo Phương lan hầu, Từ Đông, Vân Điềm: Nguyễn Thực phác phủ soạn.
Am hiểu Ngọc thạch dịch cục, Cục phó Nguyễn Văn Minh, Cục phó Nguyễn Viết Đương tài lương Nguyễn Liễu (gia …huyện…bang…xã). Tuyên.

Chú thích nội dung mặt trước
1 – Phượng Hoàng: Con chim trong thần thoại của người phương Đông, ngự trị trên tất cả các loài chim khác. Một linh vật trong tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng.
2 – Tam Bảo: Là ba thứ quý báu trong tự nhiên.
– Tam bảo của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng.
– Tam bảo của Trời là: Nhật, Nguyệt, Tinh.(Mặt trời, Mặt trăng, Sao)
– Tam bảo của Đất: Thủy, Hỏa, Phong. (Nước, Lửa, Gió)
– Tam bảo của Người là: Tinh, Khí, Thần.
Tinh là chất tinh túy của thể xác do máu huyết tạo ra. Nó tích tụ nơi cơ quan sinh dục và nhờ nó mà con người di truyền nòi giống.
Nơi người nam, Tinh là chất tinh trùng; nơi người nữ, Tinh là noãn bào được tạo thành trong buồng trứng.
Nhờ có Tinh mà con người có được sức khỏe và di truyền nòi giống. Cho nên, nếu con người dâm dục quá độ thì phải bị tổn Tinh, sức khỏe hao mòn, bệnh tật xảy đến.
Do đó, cái Tinh ấy được gọi là Chân Tinh.
Khí là chất hơi lưu thông theo máu huyết, tạo thành sức mạnh trong cơ thể con người, nên được gọi là Khí chất hay Khí lực. Đó là dưỡng khí trong hơi thở và các chất bổ dưỡng do thức ăn vào trong dạ dày biến hóa ra. Cho nên khi đói, thân xác bải hoải như không còn hơi sức nào hết.
Người mà ham mê danh vọng, phú quí vinh hoa thì phải tính toán trăm mưu ngàn chước, làm việc quá sức, hao mòn thân thể, khí lực suy yếu, tức là bị tản Khí.
Thần là trí não. Khôn ngoan sáng suốt hiểu biết của con người. Nó có được là do bộ óc, nên gọi là Trí óc hay Trí não.
Não bộ là của thể xác, nhưng sự hiểu biết là của chân thần. Não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ khỏe mạnh thì sự thông minh hiểu biết tăng lên. Khi thể xác chết, bộ óc chết theo, nhưng cái trí hiểu biết vẫn không mất vì nó là của chân thần.
3 – Vĩnh Phúc. Địa danh xưa là đất Hoằng Hóa.
4 – Thuần Hựu: Địa danh xưa là Hậu Lộc.
5 Đất Thang Mộc: vùng đất (thuộc sở hữu nhà nước hoặc thuộc đất công làng xã) do các vua chúa phong thưởng.
6 – Thế Tông Nghị Hoàng Đế: Tên húy là Lê Duy Đàm (1567-1599), con thứ năm của Lê Anh Tông, ở ngôi 27 năm (1573 – 1599), thọ 33 tuổi. Vua thứ tư nhà Hậu Lê thời Trung Hưng.
Theo Văn bia: Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Minh Thụy là bà cố nội của vua Thế Tông Nghị Hoàng đế, như vậy bà là vợ vua Lê Trung Tông (1535 – 1556).
7 – Năm Hoằng Định thứ 15: Là năm Ất Mão 1615, thuộc thời vua Lê Kính Tông.
8 – Khởi công ngày 12 tháng 7: Như vậy các vị tiền nhân ngày trước không kiêng làm việc lớn trong tháng 7 như bây giờ.
9 – Cung Ly Lâu: Cung điện đẹp ở phía Nam trong cung.
10 – Công Thâu: Tên ông là Ban, người nước Lỗ Trung quốc. Người thầy vĩ đại về kiến trúc và nghề mộc. Hiện có thước Lỗ Ban dùng trong xây dựng
11 – Minh銘: Tên một thể văn. Bài minh thường để tự răn mình, hoặc khắc chữ vào đồ vật, ghi chép công đức. Ngày xưa khắc vào chuông, đỉnh, bia.
12 – Giản huy Hoàng đế: Là Thụy hiệu của vua Lê Kính Tông (1599 – 1619)
13 – Vĩnh Tộ thứ chín: Niên hiệu vua Lê Thần Tông năm 1628

Bản dịch:
             Bia Ghi về việc trùng tu Cầu và Chợ Phượng Hoàng.
Đưa cầu và chợ Phủ (nguyên là chợ trâu) lên làm cầu và chợ Tam bảo. Khắc vào bia kèm bài minh
Sách xưa dạy rằng: Trên sông thì bắc cầu, chính là để giúp người dân qua lại; ban ngày họp chợ chính là để cho của cải vật dùng được trao đổi thông suốt.
Xét về cầu Phượng Hoàng và chợ của Phủ ta, ở vào giữa khoảng hai huyện Vĩnh Phúc và Thuần Hựu; nền đất cao ráo, bằng phẳng là nơi khách bốn phương qua lại, nơi của cải hàng hóa buôn bán trao đổi; thật đúng là nơi đến đã lớn, nơi về lại to; là nơi đại đô hội của đất Thang Mộc vậy!
Gần đây, do hội trời vận đất đổi thay, phong cảnh càng sai dời khác trước; người đời không thể không ngậm ngùi cảm động như chim én bay trước ruộng lúa mạch, như quỷ thiêng trước chùm hoa quỳ.
Kính nghĩ rằng:
Đức vua Thế Tông Nghị Hoàng đế có bà mẹ già Hoàng Hoàng Thái Hậu, là ngôi mẹ của dân nước; lấy lòng Phật làm lòng mình; nẩy lên lòng mở lượng to lớn giúp dân, vun trồng phúc lớn cho mai sau; rồi các quan lớn trong Triều cùng các vị thiện nam tín nữ hăng hái nhận đóng góp phí tổn. Tiền lương bạc túi, thanh thản đóng góp cho việc lợi ích chung; rồi hô một tiếng, gỗ súc đá tảng ngói gạch chở về kìn kìn, bốn phương dồn lại.
Đến năm Hoằng Định thứ 15, sớm ngày 12 tháng 7 bắt đầu đón thợ mộc, thợ nề; lấy cái tài hoa lỗi lạc của Ly Lâu để làm chuẩn mực, lấy tài khéo léo tay nghề của công Thâu Ban làm thước, rồi dựng lên nhấc lên chỉ chưa đầy một tuần mà Rồng đã thôi mưa, cầu vồng mống cụt đã ngang nhiên bắc lên trên dòng nước sóng bạc rồi vậy.
Thế là nước theo mạch đất mà chảy xuôi, người nhờ cầu mà qua lại, chợ Phủ ta mang tên thành chợ Tam Bảo. Chính là:
Người thiên hạ qua lại. Của thiên hạ tụ tập. Buôn bán hàng hóa ùn về. Việc mậu dịch dễ dàng. Mọi người hớn hở, dân chúng náo nhiệt ở ngay dưới trời vua đất chúa, vui vẻ ca hát ở đường cái rộng của vua; tụ tập được cái gì là vô cực đến cái hữu cực (ít đến nhiều, cái thiếu đến đủ) Tất cả đều nhớ ơn cao sâu của đức Vua ta vạn vạn năm dài lâu.
Công lao thật là vô cùng to lớn, lớn lắm vậy!
Thế là việc làm cầu, việc xây dựng chợ, công đức tỏa đến, thấm đến vô lượng vô biên đó! Lấy cát sông Hằng mà đếm cũng không hết phúc lộc trên ban cho dân, ban cho thân mình, ban cho con cháu: dày dặn, to lớn, xa xôi, dài mãi cơ đồ vua ta vững bền ức vạn năm, vô biên vô cương, không sao tả xiết.
Minh rằng:
Làng Vua đất phúc
Phượng Hoàng tên cầu
Quy mô hùng lệ
Chế độ lớn lao
Mây bay cột vẽ
Mưa tạnh sáng sao
Rường cây phúc cả
Bàn điện kinh giao
Trừ bỏ gián cách
Chợ họp giữa ngày
Của cải trao đổi
Có không chuyển thay
Dựng nên Tam Bảo
Phúc xưa cao dày
Nhân dân đội đức
Giằng giặc tràn đầy
Phật đại hội chủ
Lúc này là:
Vua Thế Tông nghị Hoàng đế có bà cụ nội là minh phi lão Hoàng Hoàng Thái Hậu, tên là Nguyễn Thị Minh Thụy (phủ Thiệu Thiên, huyện Thụy Nguyên, hương Lam Sơn)
Giản huy Hoàng đế bà Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh
Công chúa thứ nhất tên là Lê Thị Ngọc Thơm là con vua Thế Tông nghị Hoàng đế.
Giản huy Hoàng đế công chúa thứ nhất tên là Lê Thị Ngọc Tường; Hoàng tử thứ hai là Lê Duy Chính, Hoàng tử thứ ba là Lê Duy Lương.
Bà tần thứ hai là Vũ Thị Ngọc Quý của vua Thế Tông nghị Hoàng đế (phủ Kiến Xương, huyện Chân Định Nhân hoàng xã)
Bà tần của giản huy Hoàng đế là Bùi Thị Ngọc (phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, xã Nhân Hiền)
Ghi công đức góp công xây cầu dựng chợ.
Bà tần thứ hai của vua Thế Tông là Lê Thị Ngọc Lam hiệu Diệu Tông.
Nguyễn Bột chỉ huy sứ, nghĩa trạch hầu xã Duy Tinh vợ là Lê Thị Sâm.
Bà vợ ông Đỗ Yên là Lê Thị Đương (Kiến nghĩa hầu, xã Duy Nhất).
Bà vợ ông Nguyễn Diên An là Dương Thị Quyên
Bà Ngô Thị Phấn, Hoàng Thị Hiến vợ ông Nguyễn Viết Trí làm đô chỉ huy sứ triều thiết hầu.
Ông Hà Hữu Lược vợ là Lê Thị Thơm, Đỗ Thị Duyên, con trai là Hà Hữu Phúc, Hà Hữu Dực.
Năm Thứ chín của đời Vĩnh Tộ muôn muôn năm, tháng cuối xuân ngày tốt vâng chỉ nhà vua truyền cho viết bia là cẩm y vệ đoán sự tây lĩnh bá Lê Minh Phúc (hương Lam Sơn xã Quảng Thi)
Ất Mùi khoa tiến sĩ xuất thân, Dực vận Tán công thần, đặc tiền Kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn Lâm viện thị độc, coi giữ công việc của viện Hàn Lâm, Đông các học sĩ thiếu bảo Phương Lan hầu, Từ Đông, Vân Điềm là Nguyễn Thực thác phủ soạn bài bia và minh này.
Người khắc chữ vào bia:
Cục phó coi về đá và ngọc Nguyễn Văn Minh.
Cục phó Nguyễn Viết Đương (Tài lương) Nguyễn Liễu (gia…huyện…bang xã)

                                                       Cụ Lê Văn Uông dịch năm 1995

                                       VỀ VIỆC DỊCH VĂN BIA
Mặt trước Bia có nhiều cách diễn đạt, nhưng về cơ bản vẫn nêu lý do việc trùng tu cầu và chợ. Bản của cụ Lê Văn Uông dịch là bản chính.
Để rộng đường tham khảo, chúng tôi giới thiệu thêm hai bản:
1 – Bản dịch của Cụ Lê Văn Quýnh chỉ có phần nội dung đầu. Còn phần sau cụ không dịch vì chỉ ghi chép tên và địa chỉ người công đức tiền của.
2 – Bản dịch của Nguyễn Quý Phong cố gắng diễn đạt theo văn phong mới để người đọc dễ tiếp cận.

1 – Bản dịch của cụ Lê Văn Quýnh:

BIA TRÙNG TU CHỢ, CẦU PHƯỢNG HOÀNG

Bia ghi việc trùng tu cầu Phượng Hoàng, thi công chợ Phủ – chợ trâu thành chợ Tam Bảo.
Thường nói rằng: trên sông phải bắc cầu cho người qua lại, hàng ngày phải có chợ để giao lưu hàng hóa trong thiên hạ. Do đó cầu Phượng Hoàng, chợ bản phủ thuộc xã Vĩnh phú huyện Thuần hựu; địa thế cao ráo rộng rãi, hành khách qua lại, hóa tài lưu thông, thật là ấp Thang mộc. Đất đại đô hội rất thuận lợi cho việc qua lại, giao dịch buôn bán.
Chính do đặc thù của phong cảnh trên, nên những người có nhiệt tâm đương thời không thể bỏ qua.
Do đó: Bà lão Hoàng Hoàng Thái hậu của vua Thế Tông Nghị Hoàng đế, vì thiên hạ vô vi; với thánh tâm, đã phát hằng tâm vô lượng, đứng ra xây dựng các công trình trên, đồng thời đã động viên được nhiều quan chức trong triều đình, cũng như trong cung thất cảm nguyện, bỏ tiền của thắt lưng buộc bụng dành dụm được ra giúp đỡ xây dựng.
Vào năm Hoằng Định thứ 15, tháng 7, ngày 12 khởi công xây dựng. Trong thời gian xây dựng tuy có khó khăn, phức tạp. Nhưng do nhiệt tình và tài nghệ kỹ thuật, nên cầu đã được hình thành đúng quy cách, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Từ đó việc qua lại càng thêm thuận tiện.
Chợ được sửa sang mở rộng khiến việc giao lưu, trao đổi hàng hóa ngày càng phát triển; lòng người vui mừng phấn khởi với ngọc đồ, vương lộ.
Đức vua ta muôn muôn năm đã ban phúc rất lớn; bắc cầu mở chợ đó là phúc đẳng hà sa không lường hết được.
Mong đức vua và những người có công sức xây dựng cầu chợ, hưởng hạnh phúc cho bản thân và cho con cháu đời đời.
Mục mục, hoàng hoàng, cẩm cẩm, duyên duyên hàng ức vạn niên không dứt.
Minh rằng:
Quê vua đất tốt.
Xây cầu Phượng Hoàng.
Quy mô vững đẹp.
Nhịp độ hài hòa.
Đục đẽo tinh xảo.
Công phu tạo thành.
Gió mưa chẳng sợ.
Lụt lội không sờn.
Tiện bề qua lại.
Không phải lụy đò.
Hằng ngày họp chợ.
Trao đổi hóa tài.
Dựng chợ Tam Bảo.
Vun trồng âm công.
Nhân dân nhớ ơn.
Mãi mãi không cùng.
(Bản dịch của cụ Lê Văn Quýnh chỉ có đến đây)

2 – Bản dịch của Nguyễn Quý Phong
       Bia ghi việc trùng tu Chợ và Cầu Phượng Hoàng.
    (Đổi tên thành cầu Phượng Hoàng và chợ trâu bò thành chợ Tam Bảo. Bia và bài Minh)

Lẽ thường, qua sông thì bắc cầu, để giúp người dân đi lại; ban ngày họp chợ để cho của cải trong thiên hạ được lưu thông trao đổi.
Cầu Phượng Hoàng và chợ của Phủ ta, ở vào giữa Vĩnh Phúc và Thuần Hựu; nền đất cao ráo sáng sủa, bằng phẳng; là nơi khách qua lại, nơi của cải hàng hóa buôn bán trao đổi; đúng là nơi đến đã lớn, nơi về lại to, nơi đại đô hội của đất Thang Mộc vậy!
Gần đây, thời vận luôn đổi thay, phong cảnh càng khác trước; người đời không thể không động lòng, như chim én trước ruộng lúa mạch, như quỷ thiêng trước chùm hoa quỳ.
Cung kính nghĩ rằng:
Bà cố nội của vua Thế Tông Nghị Hoàng đế là ngôi mẹ của thiên hạ; lấy tâm Thánh Phật làm lòng mình; vun trồng phúc lớn cho mai sau, mở lượng to lớn giúp dân, cùng các quan lớn trong Triều và các vị thiện nam tín nữ hăng hái nhận đóng góp phí tổn. Tiền lưng bạc túi, vui vẻ giúp cho việc lợi ích chung. Rồi qua một đêm, gỗ đá gạch ngói bốn phương cùng chở về.
Sáng ngày 12 tháng 7 niên hiệu Hoằng Định thứ 15, đã dọn sạch mặt bằng, rồi đón các toán thợ. Lấy mẫu đẹp của cung Ly Lâu làm chuẩn mực, chọn thợ có tay nghề khéo léo như Lỗ Ban, rồi sửa sang dựng lên nhanh chóng. Chưa đầy mười ngày mà Rồng đã thôi mưa, cầu vồng đã bắc ngang trên dòng sóng bạc vậy.
Thế là nước theo mạch đất mà chảy xuôi, người vui mừng có cầu qua lại. Chợ Phủ ta nay thành chợ Tam Bảo. Đúng là: Người thiên hạ sum họp. Hàng hóa dồn về. Buôn bán tấp nập. Thuận lợi cho việc lưu thông. Mọi người hớn hở, dân chúng náo nhiệt, vui vẻ dưới trời vua đất chúa, bình an giữa đường rộng của nhà vua. Hội tụ được rộng khắp, từ cái ít đến cái nhiều, cái thiếu đến cái đủ. Tất cả đều nhờ ơn cao sâu của đức Vua ban phúc cho ta vạn vạn năm dài lâu. Công lao thật vô cùng to lớn lắm!
Thế là việc làm cầu, xây dựng chợ, công đức ấy tỏa ra, thấm đượm đến vô lượng vô biên vậy! Lấy cát sông mà đếm cũng không hết phúc lộc trên ban cho dân, cho mình, cho con cháu: dày dặn, to lớn, liên tiếp, lâu dài. Các đời nối tiếp nhau thêm bền chặt, nhớ mãi hàng vạn năm không bao giờ quên!
Minh rằng:
Làng Vua đất phúc
Phượng Hoàng tên cầu
Quy mô hoành tráng
Dáng vẻ to cao
Mây bay cột vẽ
Mưa tạnh sáng trong
Phúc lành rường cột
Bàn ngọc vững bền
Thuận theo lệ luật
Chợ họp giữa ngày
Hàng hóa trao đổi
Có, không chuyển luân
Dựng nên Tam Bảo
Rộng khắp công lao
Nhân dân đội ơn
Vĩnh viễn lâu dài
Lớn lao ơn Phật.
Lúc này:
Bà cụ nội Vua Thế Tông nghị Hoàng đế là minh phi Nguyễn Thị Minh Thụy (làng Lam sơn, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên)
Bà Trịnh Thị Ngọc Trinh là mẹ của vua Giản huy Hoàng đế.
Bà Lê Thị Ngọc Thơm là công chúa thứ nhất của vua Thế Tông nghị Hoàng đế.
Bà Lê Thị Ngọc Tường công chúa thứ nhất của vua Giản huy Hoàng đế; Hoàng tử thứ hai là Lê Duy Chính, Hoàng tử thứ ba là Lê Duy Lương.
Bà tần thứ hai là Vũ Thị Ngọc Quý của vua Thế Tông nghị Hoàng đế (phủ Kiến Xương, huyện Chân Định làng Nhân hoàng)
Bà tần của giản huy Hoàng đế là Bùi Thị Ngọc Viên (phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, làng Nhân Hiền)
Những vị công đức loại Một:
Bà tần thứ hai của vua Thế Tông là Lê Thị Ngọc Lam hiệu Diệu Tông.
Ông Nguyễn Bột chỉ huy sứ, nghĩa trạch hầu (làng Duy Tinh) vợ là Lê Thị Sâm.
Ông Đỗ Yên (Điện tiền đô hiệu điểm ty tả hiệu điểm tham đốc hiệu lực tứ vệ quân vụ sự kiên nghĩa hầu, làng Duy Nhất) Vợ là Lê Thị Dương.
Ông Nguyễn Điện An (Đô chỉ huy) Vợ là Dương Thị Khuyên
Ông Nguyễn Viết Trí (đô chỉ huy sứ triều thiết hầu). Vợ là Ngô Thị Phấn, Hoàng Thị Hiến
Ông Hà Hữu Lược (chỉ huy) vợ là Lê Thị Thơm, Đỗ Thị Duyên, con trai là Hà Hữu Phúc, Hà Hữu Đức.
Năm Thứ chín đời Vĩnh Tộ muôn muôn năm, tháng cuối xuân ngày tốt.
Vâng chỉ nhà vua truyền cho viết bia là cẩm y vệ đoán sự tây lĩnh bá Lê Minh Phúc (làng Lam Sơn xã Quảng Thi)
Người soạn văn bia và minh là ông Nguyễn Thực, tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi dực vận tán hiệp công thần, đặc tiền kim tử vinh lộc đại phu, Lễ bộ Thượng thư kiêm Hàn Lâm viện thị độc, coi giữ công việc của viện hàn lâm, đông các học sĩ thiếu bảo phương lan hầu từ đông vân điềm.
Người khắc chữ vào bia:
Cục phó coi về đá và ngọc Nguyễn Văn Minh.
Cục phó Nguyễn Viết Đương (Tài lương) Nguyễn Liễu (gia… huyện… bang… xã)