CON CHÁU CẦN BIẾT THỜ CÚNG TỔ TIÊN - Phần Thứ Hai
Chương Thứ Hai (A)
BÀN THỜ GIA TIÊN
I- VỊ TRÍ ĐẶT BÀN THỜ GIA TIÊN
Bàn thờ Gia tiên là nơi hội tụ cốt cách của từng nhà, từng dòng họ. Mặt khác, cũng là bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc Việt. Nét Văn Hóa Tâm linh, tự sâu thẳm lòng ta được thể hiện trên bàn thờ. Có khi rất đơn sơ, chỉ là một bát nhang chén nước; hoặc tầng lớp trên dưới trong ngoài với khám, ngai, tam sơn, ngũ sự, hoành phi câu đối…nhưng đều là nơi tôn kính linh thiêng nhất ở mỗi nhà.
Điều này làm cho người Việt Nam, luôn có ý thức dồn vào đó tất cả mọi vẻ đẹp hài hòa, nhất là vẻ đẹp tâm linh.
Song, theo dòng chảy của thời gian, truyền thống ấy có lúc nhạt phai. Ngu nhận và chịu sự áp đặt về việc chống mê tín, đã có một thời nhiều nhà không có bàn thờ…đến nỗi giỗ chạp cũng sao nhãng và thậm chí nhiều người không nhớ giỗ của ông bà cha mẹ!
Suốt một quãng thời gian dài, ta có lỗi với Tổ tiên, để hương tàn khói lạnh trên bàn thờ gia tiên, đó là một trọng tội.
Trong mỗi gia đình Việt nam, nhà nào cũng có một bàn thờ Gia tiên. Nhà tộc trưởng còn có bàn thờ thờ Họ, cũng là bàn thờ Gia tiên. (Nhiều họ làm riêng nhà thờ Họ). Trưởng các chi trong họ còn có bàn thờ của Chi, cũng là bàn thờ Gia tiên. Các nhà hàng thứ, đều lập bàn thờ Gia tiên của nhà mình.
Do quan niệm ông bà tổ tiên luôn ở gần con cháu, cùng chung không khí ấm cúng của cháu con trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn thấy bàn thờ, con cháu yên lòng biết ông bà Tổ tiên “ở trên” đang theo sát mọi ý nghĩ việc làm của mình, để phù hộ độ trì mọi việc an thái. Bởi vậy vị trí đặt bàn thờ Gia tiên bao giờ cũng ở nhà trên, ngay gian giữa hướng thẳng ra cửa chính.
Phía trước bàn thờ là sập gụ hoặc bộ ván ngựa, hay bộ tràng kỷ để chủ nhà tiếp khách. Khách chủ hàn huyên bao chuyện thời thế, làm ăn…đều dưới bàn thờ Gia tiên; Câu chuyện vì thế luôn giữ được chừng mực nghiêm cẩn, tránh sự xô bồ.
Mỗi nhà mỗi hướng, phụ thuộc vào thế đất và tuổi của từng người, chọn một trong 24 sơn hướng làm hướng nhà. Vì đó là sơn hướng tốt phù hợp với tuổi chủ nhà. Bàn thờ Gia tiên vẫn phải ở gian giữa. Như vậy hướng của bàn thờ không phải chọn lựa. Hướng bàn thờ luôn phụ thuộc vào hướng nhà, tức là hướng ra cửa chính gọi là “huyền quan玄关” nơi vượng khí mạnh nhất. Điều này không chỉ ở làng quê, ngay ở đô thị trước đây cũng vậy. Khảo sát một số nhà ở phố cổ Hà nội, Huế, Hội an… trước đây các nhà chiều ngang đều rộng, bàn thờ vẫn ở gian giữa hướng ra cửa chính.
Chỉ mấy chục năm gần đây có lẽ do “đất chật người đông” (!) người ta chia đất hẹp, nên mới xuất hiện kiểu nhà ống, nhà siêu mỏng, siêu cao; do đó bàn thờ phải đặt vào gian trong hoặc ở tầng trên, hướng bàn thờ không còn theo hướng cửa chính nữa. Lúc này căn cứ vào thực tế đặt hướng bàn thờ cho phù hợp. Có ý kiến nên đặt bàn thờ hướng Tây, hướng của Phật tổ với tâm nguyện gia tiên luôn hướng về miền Tây trúc.
Ngày nay con cháu sinh cơ lập nghiệp ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, lòng luôn hướng về quê hương. Do đó có ý kiến cho rằng, cần đặt bàn thờ Gia tiên hướng về phương trời quê hương; như vậy mỗi lần cầu khấn trước bàn thờ Gia tiên, cũng là hướng về phương trời quê cha đất Tổ cội nguồn. Đây thật là một ý tứ sâu sắc, không bao giờ “vong bản 忘本”(mất gốc) của những người con xa xứ !
Kinh tế đất nước ngày càng phát triển, dân giàu nước mạnh là điều đáng mừng. Những ngôi nhà năm gian, ba gian mái chảy ở nông thôn được thay dần bằng những ngôi nhà hai, ba tầng. Nhất là ở thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ…nhà tầng mọc lên san sát. Nhiều biệt thự sang trọng nằm trong khuôn viên thật quý phái. Trong lòng mỗi người luôn nhớ ơn Tổ tiên, đã ngầm phù hộ cho con cháu mới có được như vậy!
Nhưng có một điều là những nhà bằng, nhất là nhà cao tầng, vị trí đặt bàn thờ Gia tiên đã thay đổi hẳn, không còn giữ được tính truyền thống vốn có. Một số nhà bàn thờ Gia tiên đưa lên gác xép, hoặc ở chiếu nghỉ cầu thang. Có nhà làm một cái tum ở tít trên cao, đặt bàn thờ tổ tiên. Không gian chật chội vì trần thấp, ông bà ông vải “ở” cách biệt cháu con. Mùa hè nóng bức, mùa đông lạnh lẽo; quanh năm bốn mùa vắng vẻ cách xa! Mỗi lần làm lễ cúng phải lên xuống vô cùng bất tiện. Ấy là chưa nói đến việc ông bà cha mẹ, do tuổi cao sức yếu, mắt mờ chân chậm, thường xuyên lên xuống, liệu có an toàn?
Có người cho rằng đặt bàn thờ ở phòng khách không tiện lắm, mỗi lần cúng Gia tiên lỡ có khách thật khó xử! Lại cũng có ý kiến bảo để bàn thờ ở tầng một là bất kính, vì các tầng trên có người ở rồi (!).
Ông bà cha mẹ trước đây, chẳng đã từng tiếp khách trước bàn thờ Gia tiên đó sao? Lúc sống ông bà đã luôn gần gũi cháu con; Khi đã mất, ông bà tổ tiên cũng luôn theo sát mọi việc làm ăn của con cháu để phù hộ độ trì. Bởi vậy không lý gì vong hồn người đã khuất lại bị đẩy xa cách biệt?
Ngày nay do thay đổi về điều kiện sống, việc xây dựng nhà cửa cũng khác xưa nên việc đặt bàn thờ cần linh hoạt cho phù hợp vị trí và hoàn cảnh, nếu không đặt bàn thờ ở phòng khách đối diện cửa chính được; cần có một phòng riêng để thờ cúng Tổ tiên. Bàn thờ đặt ở phòng làm việc và đọc sách là hợp nhất (nên đặt ở tầng hai). Làm vậy, ta được thỏa nguyện niềm tôn kính.
Điều cốt yếu là ở tấm lòng. Tự đáy lòng mình thành tâm với tổ tiên. Người xưa đã dạy: “Kính như tại 敬如在” Thành kính hướng về tổ tiên, luôn thấy tổ tiên tại vị trước mặt. Có điều kiện nhà cao cửa rộng, thờ gia tiên khang trang rộng rãi; chưa có điều kiện, chỉ cần một bát hương tự tạo, với một bàn thờ đơn giản trong những ngày giỗ tết, thể hiện lòng thành của mình đối với Tổ tiên ông bà cha mẹ.
II – LẬP BÀN THỜ VÀ CÁCH BÀI TRÍ
1 – Bàn thờ Gia tiên.
a) Cách bài trí:
Bàn thờ gia tiên, là thế giới thu nhỏ của các vị tiền nhân thủy tổ, trong một gia đình. Nơi các vị hội về đông đủ trong các dịp lễ tết, giỗ chạp và khi có các công to việc nhỏ trong nhà cần kính cáo Gia tiên. Bởi vậy các gia đình rất coi trọng việc lập bàn thờ Gia tiên. Nơi hội tụ hồn thiêng gia tộc, nơi con cháu hướng nhìn hàng ngày, cảm nhận được sự ấm áp gần gũi của cha ông, đang dõi theo mọi việc làm của con cháu, để ngăn ngừa điều dữ, phù hộ độ trì mọi việc được hanh thông an thái.
Có nhiều cách lập một bàn thờ. Ngày trước những nhà thế gia vọng tộc, Tổ tiên có chức tước phẩm hàm, bàn thờ thường được thiết lập ba tầng lớp gồm:
– Lớp trong sát tường là bàn thờ cao nhất, trên bày khám thờ hoặc ngai thờ (trong khám hoặc ngai thờ là thần chủ – bài vị – vị cao tổ thứ nhất). Phía trước có một bát hương dành riêng thờ ông Cao tổ. Tiếp theo là thần chủ – bài vị – các đời sau, rồi hộp sắc phong, hộp gia phả…
Theo quy định, chỉ đặt Thần chủ bốn đời. Kể từ thế hệ cha (đã qua đời) trở lên. Còn từ đời thứ năm về trước, thần chủ đốt hoặc chôn đi. Do đó mới có câu “Ngũ đại mai thần chủ 五代埋神主”.
Chữ Khảo (考) chỉ giới nam: cha và hàng trên cha khi chết đọc là Khảo.
Chữ Tỷ (妣) chỉ giới nữ: mẹ và hàng trên mẹ khi chết đọc là Tỷ.
Khi khấn cúng thường đọc: “Cao – Tằng – Tổ – Khảo”, nghĩa là khấn cúng 4 đời: Kỵ, Cụ, Ông, Cha có thần chủ – bài vị – trên bàn thờ
Như vậy một người con giữ đúng lễ, cúng Gia tiên phải cúng giỗ bốn đời là các vị: Cao, Tằng, Tổ, Hiển (Tức là Kỵ, Cụ, Ông bà và cha mẹ).
Người ta chia ra: giỗ gần và giỗ xa. Giỗ gần là giỗ cha mẹ. Giỗ xa là giỗ ông bà trở lên
Thực tế hiện tại, con cái phần lớn chỉ nhớ cúng giỗ Cha Mẹ là phổ biến. Khiếm khuyết này cần được khắc phục để con cháu hiểu cội nguồn sâu hơn.
– Lớp giữa là một bàn thờ thấp và rộng hơn lớp trong, lớp này có ba đến năm đài rượu, một nậm rượu, ống giá đũa, mâm bòng…Bàn này mỗi khi cúng bày cỗ mặn, để ông bà, ông vải thụ hưởng. Bởi vậy phía trước bàn này có treo tấm y môn (衣門 vải che cửa) bằng the, nhiễu hoặc vải màn mầu đỏ, hai cánh thường vén lên. Sau khi cúng khấn gia tiên, mới buông thả y môn xuống che kín hai bàn thờ bên trong. Ý là con cháu không được nhìn ông bà ông vải đang thụ hưởng.
– Lớp ngoài là một chiếc án thư, hoặc cái tắc tải cao hơn bàn thờ ở giữa, nhưng thấp hơn bàn thờ trong cùng. Chính giữa bàn thờ này, ở phía trong là một hương án đặt bát hương to (gọi là bát hương hội đồng) để thờ chung các thế thứ sau ông cao tổ, tiếp theo là bộ tam sự (đỉnh, lư đồng và hai cây nến đồng) hoặc bộ ngũ sự (gồm tam sự và thêm hai con hạc đồng để đội nến), một giá treo kẻng hoặc chuông để gõ kính báo ông bà ông vải khi thắp hương. Phía trước lư đồng có một cái giá để ba đến năm chén con đựng nước (Ông vải thụ hưởng cỗ xong, ra ngoài uống nước). Hai bên có hai bình hoa, hai ống đựng hương…
Phía trên, thẳng với bàn thờ ở lớp ngoài cùng treo một bức hoành phi (横丕 biển ngang) còn gọi là Bức đại tự (大字 chữ lớn). Nội dung có thể là: “Phụng Gia Tiên” (奉家先 Thờ gia tiên), “Đức Lưu Quang” (德流光 Đạo đức tỏa sáng) v.v…
Dưới bức đại tự người ta thường treo một bức Thể bằng vải đỏ hoặc sa tanh, rộng khoảng 60 cm dài hơn 2m, ngăn làm ba ô bởi bốn dải hình cravat dài. Ô giữa thêu mặt nguyệt cuốn mây. Hai ô bên thêu hai con rồng chầu mặt nguyệt. (Thường gọi lưỡng long chầu nguyệt)
Hai cột ngoài treo hai câu đối, có nhà còn treo thêm hai câu đối ở hai cột con bên trong cùng (gọi là Liễn). Nội dung hoành phi câu đối phải phù hợp với từng gia cảnh.
Nhà bình thường lập một bàn thờ đơn giản, chỉ cần một bài vị (cũng không nhất thiết phải có), một bát hương, ba đến năm chén nhỏ; một ống hương, một bình hoa… là được.
Trên bàn thờ có nhà để giá ảnh người đã mất. Xếp đặt ảnh cũng như bài vị theo thế thứ trong gia tộc.
Ngày trước quy định bàn thờ nhà dân không được chạm trổ long, ly, quy, phượng; không được sơn son thếp vàng. Những điều trên chỉ dành cho nhà Vua, các vị đại thần và trong các đền chùa. Bàn thờ nhà dân chỉ để mộc hoặc sơn các màu: nâu, then, cánh gián . Bàn thờ làm bằng gỗ mít, gỗ vàng tâm hoặc gỗ dổi.
Nhà nghèo túng đóng một chõng tre chân cao, để làm bàn thờ cũng được, cốt là lòng thành hiếu thuận thờ phụng Tổ tiên.
Kích thước làm bàn thờ căn cứ vào thước Lỗ Ban (鲁頒Lỗ Ban được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng. Ông là người nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông) thời Xuân Thu (770-476 TCN). Tên ông là Ban, họ là Công Thâu . Lỗ Ban nghĩa là “ông Ban người nước Lỗ”).
Khi đóng bàn thờ thường chọn cung “Đại cát 大吉”, “Nghinh phúc 迎福” hoặc “Thiên đức 天德” đều tốt.
Bàn thờ không nên quá cao, một số người khi trèo ghế thắp hương, nhất là đối với người cao tuổi dễ bị ngã gây tai nạn đáng tiếc. Độ cao vừa phải khoảng 1,25m 1,28m hoặc 1,33m đều trong cung tốt theo thước Lỗ Ban, chỉ cần đứng trên nền nhà thắp hương là tiện lợi và an toàn cho tất cả mọi người.
Bây giờ nhà có điều kiện, bài trí bàn thờ ba lớp theo truyền thống càng tốt. Nếu không chỉ cần một bàn là đủ, vả lại không còn quy định chặt chẽ như trước; hiện nay nhiều gia đình đóng bàn thờ chạm trổ long, ly, quy, phượng. Phía trước có ba ô sa, hoặc năm ô sa; ở giữa là ô sa long cuốn thủy, dưới là mặt hổ phù… các ô sa khác là trúc hóa long, hồng hóa long… chạm trổ rất tinh xảo. Bàn thờ, hoành phi, câu đối bây giờ cũng sơn son thếp vàng.
Lại còn phụ thuộc vào thế đất ở hẹp, rộng khác nhau, tận dụng tối đa công năng sử dụng trong ngôi nhà. Bàn thờ thường được làm bằng một cái giá cao đóng chặt vào tường. Hiện nay trên thị trường có loại tủ bàn thờ, các ngăn dưới dùng đựng đồ thờ rất tiện lợi. Có nhà tận dụng dùng nóc tủ, giá sách làm bàn thờ. Bài trí đơn giản chỉ cần có một bát hương, ba chén đựng nước phía trước là đủ.
Bàn thờ là nơi linh thiêng, con cháu hướng lên bàn thờ là thấy hồn thiêng ông bà yên vị, bởi vậy bàn thờ cần có sự chắc chắn vững chải; việc tận dung nóc tủ ly, tủ quần áo làm bàn thờ là không nên, vì mỗi lần mở tủ lại rung động bát hương là điều tối kỵ. Lại càng không đặt bàn thờ nơi cửa sổ gió lùa.
Một số nhà trên bàn thờ đặt nhiều bát hương: bát hương thờ Phật, bát hương thờ bác Hồ, bát hương Thổ công, bát hương bản mệnh, bát hương bà cô ông mãnh…
Bà cô ông mãnh thực ra là người vị thành niên chết, dù có thiêng bao nhiêu cũng chưa đủ tư cách cùng “ngự” trên bàn thờ Gia tiên được. Mặt khác bản thân “bà cô, ông mãnh” cũng không dám “ngự” trên bàn thờ gia tiên. Nếu có thờ bà cô ông mãnh, phải làm riêng và đặt thấp hơn bàn thờ Gia tiên.
Trường hợp bố, mẹ, ông, bà vừa hết tang. Sau giỗ mãn tang, lấy ba hoặc năm chân hương trên bát hương người vừa mãn tang cắm vào bát hương Gia tiên (ý quy về thờ chung với Gia tiên), rồi bỏ bát hương ấy đi. Một số nhà chuyển bát hương người vừa mãn tang vào bàn thờ Gia tiên. Làm vậy cũng được, nhưng để vào chỉ thêm chật chội. Nếu cứ theo cách ấy càng về sau càng nhiều bát hương lên, như vậy càng không nên.
Nếu gia đình là trưởng một chi đông đúc, chưa có điều kiện làm riêng nhà thờ của chi mình, bàn thờ có riêng một bát hương của cụ tổ ở trong cùng, phía ngoài là một bát hương to. Bát hương này quy tụ thờ các thế thứ Gia tiên nhà mình.
Trên bàn thờ Gia tiên nếu có để ảnh, chỉ cần một bức ảnh Ông Tổ. Còn lại những bức ảnh khác nên treo ở ngoài. (Có nơi phủ ảnh bằng vải đỏ, tùy thuộc tập tục của địa phương).
Ngày trước mỗi người được thờ đều có bài vị riêng biệt. Sau năm 1945 ít nhà duy trì, bây giờ xu hướng dần trở lại như trước.
b) Lập Bài vị – Thần chủ
Thần chủ còn gọi là Bài vị là để chỉ người được thờ. Bài vị là tấm gỗ nhỏ trên đó ghi họ tên người đã mất, tên húy, tên chữ, chức tước…và ngày sinh ngày mất. Bài vị để trong hộp gỗ đậy kín. Cũng có thể không cần hộp gỗ. Việc này rất ý nghĩa, con cháu sau này nhìn vào bài vị biết rõ thế thứ người đã khuất.
Quan niệm xưa: Gỗ làm bài vị phài là gỗ cây Thị, người xưa gọi quê hương là Tử Lý (梓里). Tử có nghĩa là cây Thị. Truyền thuyết dân gian: Từ Thức gặp Tiên, khi trở lại quê hương thấy mọi sự thay đổi tất cả, người xưa cảnh cũ chẳng còn, duy chỉ có cây Thị trên đất nhà mình vẫn xanh tươi. . . do đó khi làm bài vị bao giờ cũng làm bằng gỗ Thị, hộp đậy bên ngoài tốt nhất vẫn là gỗ Thị nhưng có thể dùng gỗ mít cũng được. Bây giờ tùy điều kiện, nên chọn gỗ tốt như dổi hoặc mít.
Bài vị ghi bằng chữ nho theo chiều dọc từ trên xuống, từ phải qua trái.
Căn cứ vào vị trí người lập bài vị để thờ, mà ghi thế thứ người được thờ cúng. Ví như bây giờ con cháu có điều kiện lập bàn thờ đàng hoàng, khi làm bài vị ghi như sau.
Con thờ cha mẹ thì ghi: Hiển khảo, hoặc Hiển tỷ.
Cháu thờ ông bà thì ghi Tổ khảo, hoặc Tổ tỷ.
Chắt thờ Cụ thì ghi: Tằng Tổ khảo hoặc Tằng Tổ tỷ.
Chút (Chít) thờ Kỵ thì ghi: Cao Tổ khảo hoặc Cao Tổ tỷ.
Còn trên nữa thì ghi: Cao cao tổ khảo.
Hàng giữa là nội dung chính của bài vị ghi: người được thờ cúng
Hàng bên phải ghi năm sinh người được thờ cúng
Hàng bên trái ghi ngày, tháng, năm mất của người được thờ cúng (để nhớ ngày giỗ) và người lập bài vị thờ cúng.
Ví dụ: Tham khảo bài vị của một ông chánh tổng:
Ngày nay, khi làm bài vị nên ghi kèm thêm năm dương lịch, để thế hệ sau khỏi nhầm lẫn.
Bàn thờ gia tiên để thờ các bậc tiền bối của nhà mình. Có thể kết hợp thờ Táo quân (Trường hợp không có nơi thờ Táo quân riêng. Nhưng bát hương Táo quân phải cao hơn bát hương gia tiên và ở bên phải). Tốt nhất là thờ Táo Quân riêng
Hiện nay có nhà đặt ảnh bác Hồ, hoặc treo ảnh bác Hồ ngồi ghế mây đọc báo lên trên bàn thờ. Như vậy là không đúng, vì đây là bàn thờ Gia tiên nhà mình. Không nên để bác Hồ “ngự” trên bàn thờ gia tiên. Hồn Bác Hồ có thiêng cũng không dám “ngự” trên bàn thờ của dân, bởi sinh thời Bác luôn coi trọng truyền thống Văn Hóa dân tộc.
Hiện nay có một số người thờ bác Hồ, Bác được tôn là “Ngọc Phật玉佛”; đã xuất hiện kinh tụng niệm về “Ngọc Phật”. Nếu vậy lại cần có nơi thờ bác Hồ riêng biệt.
Trong khi Đảng có chỉ thị Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh hàng chục năm nay. Lại xuất hiện đạo Hoàng Thiên Long ngọc phật Tâm Linh Hồ Chí Minh, ở Ứng Hòa Hanoi. Có điện thờ, có tượng Bác, có cờ Đảng, cờ Tổ quốc và kinh ngọc phật, kêu gọi mọi người tu tại gia, học và làm theo lời Bác dạy, không cần lập bàn thờ gia tiên!. Đạo này đã lan truyền nhiều nơi, cũng đã gần chục năm rồi! Đây là một vấn đề Xã Hội nhạy cảm, cần có giải pháp thỏa đáng.
Không ít nhà đặt tranh, tượng Phật bà Quan Âm trên bàn thờ Gia tiên. Người theo đạo Phật cần có nơi thờ Phật riêng biệt. Bởi lẽ gia tiên nhà mình sao lại dám ngồi ngang với Phật được! Bàn thờ gia tiên thường cúng cỗ mặn, phật tử cúng Phật là cỗ chay. Với những lí do trên càng không thể thờ Phật trên bàn thờ gia tiên.
Ngày trước con trai thứ không phải lập bàn thờ, chỉ người con trai trưởng mới lập bàn thờ Gia tiên. Giỗ Tết, con trai thứ và con gái xuất giá đều đến nhà con trưởng “đơm cỗ” cúng Gia tiên. Bây giờ quan niệm con đâu cha mẹ đấy, nhiều người đi làm ăn xa xôi cách trở, nên con trai thứ cũng lập bàn thờ cúng vọng cha mẹ.
Còn nữa
Nguyễn Quý Phong