DANH XƯNG LÀNG CHỢ PHỦ CÓ TỪ BAO GIỜ?

16 – 8 – 2018* Nhân kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029 – 2019)
DANH XƯNG LÀNG CHỢ PHỦ CÓ TỪ BAO GIỜ?
DUY TINH là tên chữ dùng trong các văn bản giấy tờ. Dân trong làng và các vùng phụ cận thường gọi là làng CHỢ PHỦ. Gọi vậy, vì chợ ở cạnh PHỦ – đơn vị hành chính thời Phong kiến. Cũng như huyện Hoằng Hóa gọi chợ BÚT SƠN là chợ Huyện, vì huyện lỵ ở ngay cạnh chợ.
Vậy, danh xưng LÀNG CHỢ PHỦ có từ bao giờ?
Văn bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi”, ghi công đức bà hoàng hậu Nguyễn Thị Minh Thụy đã trùng tu chợ và làm cầu vào năm 1615 như sau:
“Xét về cầu Phượng Hoàng và chợ của Phủ ta, ở vào giữa hai huyện Vĩnh Phúc và Thuần Hựu; nền đất cao ráo, bằng phẳng là nơi khách bốn phương qua lại, nơi của cải hàng hóa buôn bán trao đổi; thật đúng là nơi đến đã lớn, nơi về lại to; là nơi đại đô hội của đất Thang Mộc vậy!
Gần đây, do hội trời vận đất đổi thay, phong cảnh càng sai dời khác trước; người đời không thể không ngậm ngùi cảm động như chim én bay trước ruộng lúa mạch, như quỷ thiêng trước chùm hoa quỳ.
Kính nghĩ rằng:
Đức vua Thế Tông Nghị Hoàng đế có bà mẹ già Hoàng Hoàng Thái Hậu, là ngôi mẹ của dân nước; lấy lòng Phật làm lòng mình; nẩy lên lòng mở lượng to lớn giúp dân, vun trồng phúc lớn cho mai sau; rồi các quan lớn trong Triều cùng các vị thiện nam tín nữ hăng hái nhận đóng góp phí tổn. Tiền lương bạc túi, thanh thản đóng góp cho việc lợi ích chung; rồi hô một tiếng, gỗ súc đá tảng ngói gạch chở về kìn kìn, bốn phương dồn lại.
Đến năm Hoằng Định thứ 15, sớm ngày 12 tháng 7 bắt đầu đón thợ mộc, thợ nề; lấy cái tài hoa lỗi lạc của Ly Lâu để làm chuẩn mực, lấy tài khéo léo tay nghề của công Thâu Ban làm thước, rồi dựng lên nhấc lên chỉ chưa đầy một tuần mà Rồng đã thôi mưa, cầu vồng mống cụt đã ngang nhiên bắc lên trên dòng nước sóng bạc rồi vậy.” (Trích Văn bia)
Khi trùng tu xong, bà hoàng hậu đặt tên là chợ TAM BẢO, và cầu PHƯỢNG HOÀNG:
“Minh rằng: Làng Vua đất phúc – PHƯỢNG HOÀNG tên cầu – Quy mô hoành tráng – Dáng vẻ to cao – Mây bay cột vẽ – Mưa tạnh sáng trong – Phúc lành rường cột – Bàn ngọc vững bền – Thuận theo lệ luật – Chợ họp giữa ngày – Hàng hóa trao đổi – Có, không chuyển luân – Dựng nên TAM BẢO – Rộng khắp công lao – Nhân dân đội ơn – Vĩnh viễn lâu dài – Lớn lao ơn Phật.” (Trích Văn bia)
Tham khảo Văn bia “Trùng tu Phượng Hoàng thị kiều bi”
Bấy giờ PHỦ HÀ TRUNG gồm 4 huyện: Vĩnh phúc (Hoằng Hóa) Thuần Hựu (Hậu Lộc) Hà Trung và Nga Sơn. Lỵ sở PHỦ ở phía Bắc chợ, bên phải con đường từ ngã tư phố chợ sang làng Đại An.
Bằng cứ liệu trên văn bia, có thể lấy năm 1615 là năm ra đời danh xưng “LÀNG CHỢ PHỦ”
Nguyễn Quý Phong