NGHỀ ĐÓNG CỐI XAY LÀNG DUY TINH
Cụ Tăng là một trong những người thợ đóng cối xay lúa, có tay nghề cao của làng Duy Tinh. Năm nay cụ 89 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh và tinh tường lắm. Cụ cho biết làng ta trước đây có nhiều người làm nghề thủ công: Thợ Rèn, thợ Mộc, thợ Ngõa, thợ Bạc…Mỗi loại ít là vài người, đông là gần chục toán, mỗi toán vài người. Riêng thợ đóng cối xay khá đông. Cụ kể tên những người đóng cối xay có tay nghề cao như: Ông Cúc Cót, anh em ông Hiệp, ông Hà Ấu, Ông Đoái, ông Mậy, Ông Tuất, Ông Quỳ, ông Thu Đồng, ông Hy, ông Liệu, ông Lở, ông Bạo, ông Phương Cán…
Nghề đóng cối xay quanh năm không hết việc. Cuối tháng Giêng là quảy đồ nghề lên đường. Đi khắp nơi trong tỉnh, từ Hồi Xuân, La Hán, Quan Hóa, Bá Thước…đến các huyện đồng bằng: Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Quảng Xương… đều có thợ đóng cối xay làng Duy Tinh. Ngoài mấy cái đục, cái cưa, cái vồ ra… còn lại nhiều và nặng nhất là gỗ để làm dăm và ngõng xay. Phải là loại gỗ tốt và cứng như: gỗ dẻ, gỗ en, gỗ táu…
Cứ hai ngày đóng xong một cối xay, chủ nhà nuôi cơm và trả công tương đương 20 kg lúa cho một cối xay. Ngắn là 2 tháng, dài là 3 tháng lại về nhà. Nghỉ dăm hôm lại đi… Nhờ có nghề đóng cối xay, cụ mới có tiền làm nhà, nuôi con ăn học.
Năm 1953 tỉnh huy động gần chục người sang Lào 6 tháng, vừa đóng cối xay, vừa hướng dẫn học nghề cho bạn.
Bây giờ nghề đóng cối xay không còn nữa, vì đã có máy xay xát lúa rồi. Cả làng không nhà ai còn cối xay. Muốn xem cối xay vào bảo tàng dân tộc.
Những năm 50 của thế kỷ trước, nhà tôi làm hàng xáo. Sáng mai mẹ tôi đi các làng mua lúa. Trưa về tôi giúp mẹ xay hai thúng lúa khoảng 40 kg. Mẹ tôi sàng lúa thành gạo lật để tôi giã. Phải lấy sức nhún chày lên cao, khi nó rơi xuống sẽ mạnh hơn. Mỗi lần nhún lại đếm một cái, thường đếm 2 ngàn cái mới được một cối gạo. Trưa mùa hè nóng nực, một tay tựa vào vách, một tay cầm cái quạt mo phành phạch, miệng thì đếm. Chao ơi! mệt bã người ra. Nhưng phải cố giã cho mẹ dần gạo, kịp bán gạo chợ hôm buổi chiều. Gạo có đấy, nhưng chúng tôi nào có được ăn, chỉ được ăn mẳn (tấm) là thứ gạo vỡ nhỏ. Gạo mẳn nấu cơm rất khó, rất dễ bị nhão như bánh đúc. Tuy vậy ăn vẫn thấy ngon lắm, vì phần lớn nhà tôi chỉ ăn khoai và ngô nâm (bung).
Nguyễn Quý Phong