NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI – Phần Thứ Nhất
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI – Phần Thứ Nhất
LỜI THƯA…
Tình yêu đôi lứa chân chính, nồng cháy và đẹp đẽ bao nhiêu đi nữa, cuối cùng đều tới đích Hôn nhân và Cưới hỏi. Đó cũng là điều mong mỏi của các bậc cha mẹ. Sinh con ra, ai cũng muốn con cái có công ăn việc làm ổn định, trọn bề gia thất, gia đình hạnh phúc. Bởi vậy, ai cũng phải trải qua việc dựng vợ gả chồng cho con.
Đây là một công việc tất yếu, là quy luật tự nhiên. Điều gì đến tất phải đến. Nhưng khi nó đến, một số ông bố bà mẹ lại lúng túng. Nhiều đêm lo nghĩ, con mình có hợp với người nó yêu? Hai tuổi ấy có xung khắc không? Rồi phải làm bao nhiêu lễ. Cách thức tiến hành ra sao? Quá trình trước, trong, sau khi cưới các bước phải làm những gì?
Quy chế của Chính phủ ban hành ngày 25/11/2005 về thực hiện Nếp sống văn minh trong việc Cưới chỉ có ba điều, với 216 từ. Quy định một số điểm chung nhất. Chưa có một định hình cụ thể. Ví như quá trình có bao nhiêu lễ. Nội dung từng lễ là gì?
Trong khi chúng ta chịu ảnh hưởng nhiều của Lễ giáo phong kiến. Có nội dung tốt, có nội dung không còn phù hợp nữa. Tiếp thu cái gì, bỏ cái gì. Cần cụ thể hóa từng chi tiết, từng việc phải làm. Làm sao đáp ứng với thời kỳ mới, nhưng vẫn giữ “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Trên tinh thần ấy, cuốn “Những điều cần biết về Hôn nhân và Cưới hỏi” viết dưới dạng cẩm nang gia đình, giới thiệu một số nội dung thật sự cần thiết, để các vị tham khảo; tùy hoàn cảnh, tùy phong tục tập quán từng nơi mà vận dụng cho thích hợp. Những điều nêu ra đây, không phải là khuôn mẫu; cũng chưa phải là chuẩn mực.
Điều quan trọng là Hạnh phúc của con cái. Ta làm điều gì cũng vì Hạnh phúc của con cái. Vì thế không nên câu nệ cố chấp, yêu cầu đòi hỏi quá đáng.
Cuốn sách này có 4 chương:
Chương I & Chương II nói về cách xem tuổi, chọn ngày, giờ, tháng, năm trong hôn nhân và cưới hỏi.
Nội dung này được tổng kết từ lâu đời. Đã có nhiều sách viết, nhưng chưa tập trung vào chủ đề Hôn nhân. Chúng tôi tham khảo, chọn lựa những điều liên quan tới Hôn nhân để bạn đọc dễ tìm hiểu.
Chương III nói về các Lễ trong cưới hỏi. Vấn đề này hiện nay chưa thống nhất. Mỗi địa phương có biến thể riêng biệt.
Ngày trước có 6 lễ. Bây giờ không cần Lễ Vấn danh. Để đảm bảo vẫn giữ được tính truyền thống, lại “đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo chúng tôi vẫn giữ 5 Lễ còn lại. Nhưng để hợp lý, ngoài Lễ đầu tiên: Lễ chạm ngõ và Lễ cuối: Lễ đón dâu (Nghênh hôn) cần tách riêng ra. Còn lại ba Lễ: Ăn hỏi, Xin cưới, Nạp tài nên làm một lần, kết hợp ba Lễ làm một trong một buổi. Chung quy lại cũng chỉ ba lễ chính mà thôi.
Để rộng đường trao đổi, chúng tôi viết Chương IV: “Đôi điều bàn thêm”. Đưa ra một số ý kiến chủ quan bàn về Hôn nhân, không tránh khỏi còn phiến diện. Kính mong bạn đọc tham gia thêm.
Chúng tôi có tham khảo cách tổ chức cưới ở một số địa phương, trong các thời kỳ khác nhau, chọn ra những điểm chung nhất trong quá trình Cưới hỏi để giới thiệu.
Vận dụng việc xem tuổi, không bắt buộc. Điều này có cơ sở từ thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Lịch Thiên Can Địa Chi cuả người Trung Hoa. Việt Nam đã vận dụng lập ra Âm Lịch của riêng ta, phù hợp với vị trí kinh tuyến và vĩ tuyến của Việt Nam. Chúng tôi chỉ giới thiệu những điều thật sự cần thiết để các vị xem và vận dụng.
Việc tổ chức các Lễ, tùy điều kiện hoàn cảnh thực tế mà thực hiện. Có người vì thích “oách”, không chịu thua chị kém em, phô trương quá mức, tốn kém không cần thiết. Chưa kể có trường hợp vay mượn, để con phải “kéo cày trả nợ”.
Lại có trường hợp áp dụng không hợp lý, đem cách thức ở thành phố về thực hiện ở vùng quê, nơi này đem sang nơi khác… bắt người ta phải thực hiện theo ý mình, nhiều khi thành kệch cỡm, gây phản cảm cho chủ sự và người tham dự ở vào thế khó xử.
Kế thừa và tiếp thu cái cũ, trên tinh thần ứng sử cho phù hợp với thời đại. Đó là việc chúng tôi cố gắng giải quyết trong cuốn sách này.
Nội dung cuốn sách chắc chắn chưa thực sự đầy đủ. Không tránh khỏi thiếu sót.
Xin quý độc giả chỉ giáo.
Chân thành cảm ơn
Nguyễn Quý Phong
Chương Thứ Nhất
———
XEM TUỔI TRONG HÔN NHÂN VÀ CƯỚI HỎI
Vợ chồng sống có Hạnh phúc hay không, là phụ thuộc vào hai người có tâm đầu ý hợp trên mọi lĩnh vực. Từ xưa đã tổng kết, một trong những yếu tố làm cho vợ chồng tâm đầu ý hợp là tuổi của hai người có hợp nhau? Hợp nhau đến mức độ nào? Bởi vậy vấn đề xung, hợp tuổi của hai người luôn được coi trọng trước khi đi tới hôn nhân.
Ngay việc tuyển lựa nhân sự, nhiều sếp cũng phải xem tuổi người được tuyển lựa, có hợp với tuổi của mình không? Điều này đúng hay sai, xin các vị xem xét và chiêm nghiệm.
Căn cứ vào đâu để xem tuổi? Cơ sở là thuyết Âm Dương Ngũ Hành và Lịch Can Chi. Chúng tôi trình bầy những điều cần thiết để quý vị vận dụng.
I- THUYẾT ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
1 – Âm và Dương
Người Trung Hoa thời Thượng cổ, khi quan sát tự nhiên; thấy vũ trụ, mênh mênh mang mang vô cùng vô tận. Đó là thuở ban đầu sơ khai, ở trạng thái hỗn mang. Để tự giải thích, họ quan niệm đấy là Thái cực.
Trong tự nhiên và vũ trụ, luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề, đi liền với nhau và bổ sung cho nhau: Trời và Đất, Phải và Trái, Đêm và Ngày, Sáng và Tối, Đực và Cái, Ngắn và Dài, Tốt và Xấu, Thiên thần và Quỷ dữ … Ngày nay trong Triết học ta gọi là các cặp phạm trù. Người xưa quan niệm đó là Âm và Dương.
Bởi vậy Âm và Dương không phải là vật chất, không gian hay thời gian cụ thể. Âm và Dương là thuộc tính của tất cả mọi thứ cụ thể và trừu tượng.
Theo Dịch lý: Thái cực sinh Lưỡng Nghi. Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng. Tứ Tượng sinh Bát Quái.
Vũ trụ mênh mang và tự nhiên vô cùng gọi là Thái cực. Thái cực sinh Lưỡng nghi. Lưỡng nghi là Âm và Dương. Như vậy Âm và Dương là hai mặt, mâu thuẫn nhưng lại thống nhất. Trong Âm có Dương và ngược lại trong Dương có Âm.
Ví như Ngày và Đêm. Ngày là dương, Đêm là âm. Trong Ngày có Đêm, ấy là lúc hoàng hôn nhá nhem tối. Trong Đêm có ngày ấy là lúc bình minh rạng sáng.
Thái cực và lưỡng nghi được thể hiện là một vòng tròn, chia làm hai phần bằng nhau. Đường chia hai phần bằng nhau, không phải là đường kính, mà là một đường cong hình chữ S ngược. Một bên tô mầu đen là Âm, có hình tròn nhỏ mầu trắng ở một góc. Một bên để trắng là Dương, có hình tròn nhỏ mầu đen ở một góc. Hai vòng tròn nhỏ ấy thể hiện: Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm
Âm Dương vận hóa theo quy luật thăng giáng. Âm thịnh thì Dương suy. Dương thịnh thì Âm suy. Quan trọng là phải tạo được thế Âm Dương cân bằng.
Điều này rõ nét trong y học cổ truyền phương Đông. Cơ thể người ta cũng vậy, nếu Âm Dương rối loạn, không cân bằng sẽ gây nên bệnh tật. Các Thần y Phương Đông đã vận dụng rất tốt thuyết âm dương để chữa bệnh vô cùng hiệu qủa.
Quan sát sự vận động của xã hội, của một gia đình và của một con người, ta cũng thấy điều này rất rõ.
Không bao giờ có một chế độ xã hội hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu. Một gia đình thịnh suy hưng vượng có từng giai đoạn. Không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời. Ngay trong một con người cũng vậy. Một người tốt, cũng có lúc xấu và ngược lại. Ta cứ tự xét ta thật sự nghiêm túc, cũng có nhiều khi ta xấu và thậm chí rất xấu. Bởi lẽ ta là Con Người. Phần Người trội, ta là người tốt. Phần Con trội, ta là kẻ xấu.
Nhìn nhận như vậy giúp ta bình tĩnh, xem xét mọi sự vật. Tránh được sự bức súc không cần thiết, dễ làm cho thần kinh không ổn định, sinh bệnh tật. Đó là điều không nên. Hãy bình tâm, chấp nhận và tìm biện pháp khắc phục, chế ngự cái xấu. Nếu chẳng may, có cái xấu: Ta hạn chế nó và phải chấp nhận nó ở mức thấp nhất. Đó mới là cách giải quyết biện chứng và khoa học.
2 – Ngũ Hành:
♣ Người cổ đại quan sát tự nhiên, thấy năm yếu tố thường gặp là: Đất, Nước, Lửa, Kim loại và Cây cối. Tiếng Trung quốc là: Thổ, Thủy, Hỏa, Kim, Mộc. Gọi đó là Ngũ Hành (Năm hành). Họ cho rằng năm yếu tố này sinh ra muôn vật; hoặc đều có trong mọi thứ tồn tại ở thế giới tự nhiên. Từ mầu sắc, Phương vị, Thời tiết, Mùi vị. Các phủ tạng trong cơ thể người. Các quẻ trong Kinh Dịch. Can Chi trong cách tính Âm lịch v.v…đều mang một Hành nhất định.
BẢNG KẾT HỢP CÁC YẾU TỐ
TỰ NHIÊN THEO NGŨ HÀNH
Ngũ Hành vận hóa theo luật tương sinh, tương khắc, và chế hóa lẫn nhau.
* Luật tương sinh:
Tương sinh là cái sinh ra mình, mình lại sinh ra cái gì.
– Nhờ có nước mà cây tốt tươi. Như vậy Thủy sinh Mộc
– Nhờ có cây (củi) lửa mới cháy được. Như vậy Mộc sinh Hỏa.
– Lửa cháy có tro than mới thành đất. Như vậy Hỏa sinh Thổ.
– Trong lòng đất có chứa kim loại. Như vậy Thổ sinh Kim
– Kim loại nung chảy lại thành nước. Như vậy Kim sinh Thủy.
Tương sinh là một vòng tròn khép kín:
Thủy sinh Mộc. Mộc sinh Hỏa. Hỏa sinh Thổ. Thổ sinh Kim. Kim sinh Thủy …
Có thể xếp như sau: Thủy→Mộc→Hỏa→Thổ→Kim→Thủy…
Hiểu đơn giản: Mẹ sinh Con, Con sinh Cháu, Cháu sinh Chắt…
Mẹ sinh Con, Con được lợi, Mẹ hao tổn.
Con sinh Cháu, Cháu được lợi, Con hao tổn.
Nhớ điều này, vì cùng tương sinh; nhưng có cái được, có cái hao tổn. Sau này xét hai vợ chồng, hoặc hai cộng sự tuy tương sinh, nhưng ai là người có lợi hơn, là ở điều này.
*Luật tương khắc:
Tương khắc là cái gì ức chế mình, hạn chế không cho mình phát triển (mình bị xung, ở thế yếu). Nhưng mình cũng hạn chế lại, không cho cái khác phát triển.(mình xung lại, ở thế mạnh).
– Nước dập tắt lửa, như vậy Thủy khắc Hỏa.
– Lửa cháy làm kim loại chảy, như vậy Hỏa khắc Kim.
– Kim loại chặt đứt cây, như vậy Kim khắc Mộc.
– Cây mọc đâm rễ xuống đất, như vậy Mộc khắc Thổ.
– Đất ngăn chặn nước chảy, như vậy Thổ khắc Thủy.
Xét Tương khắc phải chú ý: Cái gì khắc mình? Mình khắc cái gì? Cái khắc mình, tức là mình ở thế yếu. Mình khắc cái gì, tức là mình ở thế mạnh.
Ví dụ: Thủy khắc Hỏa. Thủy ở thế mạnh, Hỏa ở thế yếu.
Hỏa khắc Kim. Hỏa ở thế mạnh, Kim ở thế yếu.
Như vậy cùng một Hành, chịu tương khắc nhưng lúc ở thế mạnh, lúc lại ở thế yếu. Xét mối quan hệ giữa hai người, phải chú ý mình ở thế mạnh hay người ta ở thế mạnh. Biết điều này để chọn giải pháp hợp lý và có cách ứng xử phù hợp, sẽ tránh được điều bất lợi và thiệt thòi cho bản thân.
* Luật chế hóa:
Luật tương sinh, thể hiện sự vật luôn luôn phát triển ngày càng mạnh mẽ. Có như vậy vũ trụ và thế giới tự nhiên mới tồn tại ngày càng phồn thịnh.
Nhưng sự vật không chỉ có phát triển. Nó cũng bị yếu đi, hạn chế hoặc bị tiêu diệt. Nếu không có điều này, sự vật và vũ trụ sẽ không cân bằng. Bởi vậy phải có sự hạn chế. Luật tương khắc, hạn chế sự phát triển vô độ.
Mối quan hệ giữa tương sinh, tương khắc như vậy gọi là Luật chế hóa.
Luật chế hóa tạo thế cân bằng. Sau sự cân bằng lại có sự phát triển mới. Xã hội bao giờ cũng phát triển theo quy luật. Mỗi cuộc Cách mạng, phá bỏ cái lỗi thời, kế thừa mặt tốt, để tiến vào thời kỳ mới. Không có một chế độ xã hội bất biến, hết thịnh đến suy rồi hủy diệt, để cho một chế độ xã hội mới tiến bộ hơn xuất hiện. Có như vậy, xã hội loài người mới tiến bộ được.
Đời người ta cũng vậy. Trong họa vẫn có mầm phúc, trong phúc vẫn có mầm họa. Gặp thời chớ nên tự đắc. Lỡ vận đừng vội buồn lòng. Câu chuyện “Ngựa tái Ông” đâu chỉ là bài giáo huấn đạo lý. Nó là chuyện thực tế đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta. Người xưa từng nói: “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí – Phúc không lặp lại, họa đâu chỉ một lần”. Được phúc phải cẩn thận, đừng tự đắc mới giữ phúc được lâu. Gặp họa đừng thối chí, phải tu tâm dưỡng chí mới gặp được phúc vậy!
Họa phúc khôn lường khó biết. Ta không nên lấy việc chỉ có một thời mà xét đoán cho là hay, hoặc là dở mãi mãi. Gặp phúc phải cẩn thận đừng tự đắc mới giữ phúc được lâu. Gặp họa đừng thối chí, phải tu tâm quyết chí mới gặp được phúc vậy!
II- LỊCH CAN CHI – LỊCH ÂM
Thuyết Âm Dương Ngũ Hành, là cơ sở làm lịch của người Trung hoa. Cách tính ngày, giờ, tháng, năm đều tuân theo quy luật này. Muốn xem tuổi phải biết về lịch này. Ta thường gọi là Âm lịch.
Người Trung Hoa căn cứ vào vòng quay của mặt trăng quay quanh quả đất mà định tháng năm, gọi là Âm Lịch.
Người Phương Tây căn cứ vào vòng quay của quả đất quay quanh mặt trời mà định tháng năm, gọi là Dương Lịch.
Mặt trăng thuộc Âm, mặt trời thuộc Dương. Gọi là Âm Lịch, hay Dương Lịch là căn cứ vào điều này. Không nên hiểu từ Âm là âm phủ, hay địa ngục!
1 – Trong Âm lịch tháng và ngày vừa đếm theo thứ tự số học, vừa có tên gọi theo lịch can chi. Còn lại năm và giờ có tên gọi theo Lịch Can Chi .
Ví dụ: 9giờ30 Ngày 5 tháng 4 năm 2014. Chuyển đổi sang Âm lịch là: Giờ Quý Tỵ, ngày Bính Ngọ (Ngày 6), tháng Mậu Thìn (Tháng 3), năm Giáp Ngọ (2014).
Căn cứ vào đâu để gọi như vậy? Đó là hệ đếm Can Chi trong Lịch Âm. đặt ra hệ đếm Can, Chi, với ba loại cơ số là: 10, 12 và 60.
* Loại cơ số 10 được gọi là Thập Can, gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Rồi quay trở lại Giáp …Cách gọi thông thường là mười can.
* Loại cơ số 12 được gọi là Thập nhị Chi, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, (Miền Nam gọi Vị), Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Rồi quay trở lại Tý…Cách gọi thông thường là mười hai con giáp.
Sau đó ghép một Can với một Chi cho hết lượt, sẽ có 60 Can Chi không trùng nhau.
Ví dụ: Can Giáp ghép với Chi Tý thành Giáp Tý, là Can Chi đầu tiên. Can Quý ghép với Chi Hợi thành Quý Hợi, là Can chi cuối cùng, tạo thành cơ số 60.
* Loại cơ số 60 là sự kết hợp giữa Thiên Can và Địa Chi, để đặt tên gọi cho từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ. Bắt đầu từ Giáp Tý, cuối cùng là Quý Hợi. Rồi quay trở lại Giáp Tý. Gọi là một vòng Hoa Giáp có 60 Can Chi.
2 – Sự phối hợp Thiên Can, Địa Chi với Âm Dương Ngũ Hành.
Xem bảng ở trang trước ta thấy Thiên Can, Địa Chi phối hợp với Ngũ Hành là:
– Hành Mộc có: Giáp, Ất, Dần, Mão.
– Hành Hỏa có: Bính, Đinh, Tỵ, Ngọ.
– Hành Thổ có: Mậu, Kỷ, Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
– Hành Kim có: Canh, Tân, Thân, Dậu.
– Hành Thủy có: Nhâm, Quý, Tý, Hợi.
Thiên Can chia làm hai loại như sau:
– Thiên Can Dương gồm có: Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm.
– Thiên Can Âm gồm có: Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý.
Địa chi cũng chia làm hai loại như sau:
– Địa Chi Dương gồm có: Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất.
– Địa Chi Âm gồm có: Sửu, Mão, Tỵ, Mùi(Vị), Dậu, Hợi.
Can Dương kết hợp với Chi Dương thành năm, tháng, ngày, giờ Dương.
Can Âm kết hợp với Chi Âm thành năm, tháng, ngày, giờ Âm.
Trong Tử vi, người sinh năm dương là tuổi dương. Người sinh năm Âm là tuổi Âm.
Ví dụ:
– Người sinh năm Giáp Tý: Là Tuổi Dương Nam hoặc Tuổi Dương Nữ.
Nam sinh năm Dương, Nữ sinh năm Âm là thuận. Lá số ấy thuận, mọi thứ sẽ phát triển thuận hơn.
– Người sinh năm Ất Sửu: Là Tuổi Âm Nam hoặc Tuổi Âm Nữ.
Nam sinh năm Âm, Nữ sinh năm Dương là nghịch lý. Lá số ấy nghịch, mọi thứ sẽ phát triển không thuận lắm.
Một vòng Hoa Giáp 60 Can Chi, có 30 Can Chi Dương và 30 Can Chi Âm.
Năm, Tháng, Ngày, Giờ đều có tên gọi theo vòng Hoa giáp, như một quy luật tuần hoàn vậy.
+ Sáu mươi năm bắt đầu từ Giáp Tý, cuối là Quý Hợi. Rồi trở lại Giáp Tý…..
+ Sáu mươi tháng cũng bắt đầu từ Giáp Tý như trên….
+ Sáu mươi ngày cũng bắt đầu từ Giáp Tý như trên….
+ Sáu mươi giờ cũng bắt đầu từ Giáp Tý như trên…
3 – Bảng Lục thập hoa giáp:
Quan sát bảng trên ta thấy:
+ Năm Can dương phối hợp 6 Chi dương, thành 6 Can Chi dương là:
– Giáp có: Giáp Tý, Giáp Dần, Giáp Thìn, Giáp Ngọ, Giáp Thân, Giáp Tuất
– Bính có: Bính Tý, Bính Dần, Bính Thìn, Bính Ngọ, Bính Thân, Bính Tuất.
– Mậu có: Mậu Tý, Mậu Dần, Mậu Thìn, Mậu Ngọ, Mậu Thân, Mậu Tuất.
– Canh có: Canh Tý, Canh Dần, Canh Thìn, Canh Ngọ, Canh Thân, Canh Tuất.
– Nhâm có: Nhâm Tý, Nhâm Dần, Nhâm Thìn, Nhâm Ngọ, Nhâm Thân, Nhâm Tuất.
+ Năm Can Âm Phối hợp với 6 Chi Âm, thành 6 Can Chi Âm là:
– Ất có: Ất Sửu, Ất Mão, Ất Tỵ, Ất Mùi, Ất Dậu, Ất Hợi
– Đinh có: Đinh Sửu, Đinh Mão, Đinh Tỵ, Đinh Mùi, Đinh Dậu, Đinh Hợi.
– Kỷ có: Kỷ Sửu, Kỷ Mão, Kỷ Tỵ, Kỷ Mùi, Kỷ Dậu, Kỷ Hợi.
– Tân có: Tân Sửu, Tân Mão, Tân Tỵ, Tân Mùi, Tân Dậu, Tân Hợi.
– Quý có: Quý Sửu, Quý Mão, Quý Tỵ, Quý Mùi, Quý Dậu, Quý Hợi.
III – XEM TUỔI THEO NIÊN MỆNH NGŨ HÀNH
Trước hết xem người đó sinh vào năm nào, thuộc Hành gì. Khi xem tuổi, điều ta quan tâm là: Hai tuổi ấy có xung khắc không? Xung khắc ở mức độ nào? Ai ở thế mạnh? Ai ở thế yếu? Có hợp nhau không? Ai hao tổn, ai được lợi?
Xét Xung Khắc dựa vào Can và Chi, xung và hợp ở các vị trí nào.
* Tương hợp hàng Chi. Có hai loại:
– Nhị hợp (Hai Chi Hợp nhau, thành 6 cặp): Tý hợp Sửu. Dần hợp Hợi. Mão hợp Tuất. Thìn hợp Dậu. Tỵ hợp Thân. Ngọ hợp Mùi (Vị).
– Tam hợp (Ba Chi hợp nhau):
Thân – Tý – Thìn hợp nhau.
Mùi – Mão – Hợi hợp nhau.
Dần – Ngọ – Tuất hợp nhau.
Tỵ – Dậu – Sửu hợp nhau.
* Tương xung hàng Chi. Có ba loại:
+ Nhị xung (Hai Chi xung nhau, thành 6 cặp) có:
– Tý xung Ngọ. (Bắc, Nam – Thủy, Hỏa)
– Mão xung Dậu. (Đông, Tây – Mộc, Kim)
– Tỵ xung Hợi. (Hỏa – Thủy)
– Dần xung Thân. (Mộc – Kim)
– Thìn xung Tuất. (Đều Dương Thổ)
– Sửu xung Mùi . (Đều Âm Thổ)
+Tương hình: Cản trở lẫn nhau, có ba trường hợp: (Gọi là Tứ hành xung)
– Tý – Ngọ – Mão – Dậu.
– Dần – Thân – Tỵ – Hợi.
– Thìn – Tuất – Sửu – Mùi.
Nhiều người khi xem tuổi quá nặng về câu “tứ hành xung”. Sự tương hình này chỉ cản trở lẫn nhau không đáng kể.
Ví như cụm tứ hành xung Tý – Ngọ – Mão – Dậu. Ở đây có hai cặp xung hàng chi là Tý – Ngọ và Mão – Dậu là phải chú ý, còn Tý với Mão và Tý với Dậu, sự cản trở không đáng kể, có thể bỏ qua.
+ Tương hại: Làm hại lẫn nhau, có 6 cặp sau:
– Tý hại Mùi. (Thủy – Thổ)
– Sửu hại Ngọ. (Thổ – Hỏa)
– Dần hại Tỵ. (Mộc – Hỏa)
– Mão hại Thìn. (Mộc – Thổ)
– Thân hại Hợi. (Kim – Thủy)
– Dậu hại Tuất. (Kim – Thổ)
* Tương hợp hàng Can:
Có năm cặp đối xứng nhau. Hợp nhau tốt.
– Giáp hợp Kỷ. – Ất hợp Canh. – Bính hợp Tân.
– Đinh hợp Nhâm. – Mậu hợp Quý.
* Tương xung hàng Can :
Có bốn cặp tương xung (xấu) gọi là tứ xung:
– Giáp (phương Đông) xung với Canh (Phương Tây) đều dương.
– Ất (Phương Đông) xung với Tân (Phương Tây) đều âm.
– Bính (Phương Nam) xung với Nhâm (Phương Bắc) đều dương.
– Đinh (Phương Nam) xung với Quý (Phương Bắc) đều âm.
– Mậu và Kỷ ở trung tâm, không phương hướng, không xung.
Khi xét Xung và Hợp, dựa vào Lục thập hoa giáp và Âm Dương Ngũ Hành, để tính tuổi xung khắc và ngày tháng năm Can Chi định chọn. Chủ yếu xét ở Hàng Chi. Trong hàng Chi, quan trọng nhất ở Nhị hợp và Nhị xung là chính. Việc xét thêm các yếu tố khác, có tính chất bổ sung. Ngay trong hàng Chi, không phải cứ hai chi xung nhau, là xung nhau tất cả trong mọi trường hợp.
Ví dụ: – Xem tuổi Giáp Tý xung khắc với tuổi nào?
Xét hàng Chi: Tý xung với Ngọ.
Trong một vòng Hoa giáp, có 5 tuổi hàng Chi là Ngọ: Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ, Nhâm ngọ. Có phải Giáp Tý xung cả với 5 tuổi Ngọ trên không?
Căn cứ vào Ngũ hành ta thấy:
Như vậy chỉ có Mậu Ngọ và Nhâm Ngọ là xung với Giáp Tý. Khi xung với Nhâm Ngọ, Giáp Tý ở thế mạnh. Vì Kim loại chặt được gỗ (Mộc).
Khi xung với Mậu Ngọ, Giáp Tý ở thế quá yếu vì Giáp Tý chỉ là Hải trung kim (vàng trong biển). Đây là xung mạnh nhất, vì Mậu Ngọ là Thiên thượng hỏa (Lửa trên trời là cực mạnh).
Xét hàng Can: Giáp xung với Canh.
Trong một vòng Hoa giáp, có 6 tuổi hàng Can là Canh: Canh Tý, Canh Dần, Canh Thìn, Canh Ngọ, Canh Thân. Canh Tuất. Có phải Giáp Tý xung cả với 6 tuổi Canh trên không?
Căn cứ vào Ngũ Hành ta thấy:
Như vậy chỉ có Canh Dần và Canh Thân là xung với Giáp Tý.
Khi xung với Canh Dần và Canh Thân, Giáp Tý ở thế mạnh vì Kim loại chặt được gỗ.
Nhiều người cứ thấy hai chi Tý Ngọ xung nhau, hai can Giáp Canh xung nhau, vội bảo rằng hai tuổi ấy không lấy được nhau. Quả là một sự ngộ nhận, chưa hiểu hết căn cơ thấu đáo.
Xem hai bảng trên, tuổi Tý và Ngọ vẫn nên duyên chồng vợ tốt, ví như Giáp Tý và Canh Ngọ chênh nhau 6 tuổi là đẹp.
...Còn tiếp
Nguyễn Quý Phong