NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ PHONG THỦY KHI LÀM NHÀ – Phần Thứ Tư
Tiếp Theo
CHƯƠNG II
BỐ TRÍ TRONG NHÀ THEO PHONG THỦY
Trên cơ sở mảnh đất đã chọn lựa, lập hồ sơ thiết kế xây dựng. Đây là công việc chuyên môn của kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng. Các công ty Tư vấn thiết kế xây dựng, sẽ tận tình chu đáo làm từ A đến Z, theo yêu cầu của chủ nhà.
Ngoài bốn yêu cầu: tiện dụng, thẩm mỹ, kinh tế và bền vững; cần chú ý đến yêu cầu Phong Thủy bố trí trong nhà. Nhiều người quan tâm đến vấn đề này và thực hiện vô cùng chặt chẽ. Từ màu sơn tường, đến vật dụng theo luật sinh khắc của Ngũ hành, hợp tuổi chủ nhà…bố trí nơi đặt bàn thờ, phòng ngủ, phòng ăn, phòng vệ sinh…
Xin giới thiệu một số nội dung chính cần chú ý.
I- NƠI ĐẶT BÀN THỜ
Thờ cúng tổ tiên, một phong tục lâu đời đã trở thành một luật tục; có sức sống trường tồn qua bao thế hệ, chắc chắn sẽ tồn tại mãi trong đời sống tâm linh của người Việt. Không những thể hiện chữ hiếu của con cháu với tổ tiên ông bà, mà còn là lòng tin vào tổ tiên vẫn luôn theo sát chứng giám và phù hộ cho con cháu.
Theo Phong thủy: Nếu bàn thờ đặt ở hướng tốt, thu nạp được sinh khí thì con cháu sẽ hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông. Trái lại, nếu bàn thờ đặt ở hướng xấu, gia đạo suy thoái, mọi sự không may mắn.
Hướng bàn thờ phải đặt ở vị trí tốt và cũng quay về hướng tốt (Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị)
Ví dụ: Ông An mệnh cung CÀN đặt bàn thờ ở hướng Đông Bắc (Thiên Y), mặt trước bàn thờ nhìn về Tây Nam (Diên Niên). Hướng của bàn thờ là hướng ngược với chiều người đứng khấn. Khi cúng, ông An quay về Đông Bắc.
Phòng thờ có thể kết hợp với phòng đọc sách, tiếp khách hay là nơi sinh hoạt gia đình trang trọng. Không gian ấm cúng, ông bà tổ tiên luôn ở bên con cháu. Không gian thờ cúng mang tính tâm linh, cần đặt yếu tố gần gũi và giáo dục truyền thống lên hàng đầu, để kết nối các thế hệ và gìn giữ gia phong nếp nhà.
Những điều cần tránh:
– Không bố trí chỗ ngủ hoặc nơi giải trí ồn ào chung với phòng thờ, vì thiếu trang nghiêm.
– Không đặt bàn thờ ở chiếu nghỉ cầu thang hoặc ở tum cao trên cùng.
– Không đặt bàn thờ gần nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh.
– Không đặt bàn thờ ở lối đi lại.
– Không đặt Bàn thờ ở trên hoặc dưới nhà vệ sinh:
Hiện nay, ở đô thị có rất nhiều nhà cao tầng và gian thờ thường đặt trên tầng thượng. Cần chú ý không để bàn thờ mà ở tầng trên hoặc dưới có nhà vệ sinh. Uế khí của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thờ cúng gia tiên.
II- HƯỚNG BẾP.
Bếp tuy nhỏ, chiếm một không gian không nhiều, nhưng lại có vị trí rất quan trọng. Bếp là nơi chế biến thức ăn, chất lượng xấu tốt của thức ăn cũng từ đây. Ăn ngon bổ dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh hay ngộ độc thức ăn… nên mọi bệnh tật cũng từ bếp mà ra. Vì vậy, việc đặt bếp là vô cùng quan trọng, nó chi phối nguồn tài lộc của cả gia đình cũng như bệnh tật. Dân gian có câu: “Ăn hết nhiều ở hết mấy!”, đã phần nào cho thấy sự hoạt động thường xuyên của bếp trong cuộc sống của chủ nhà.
Chọn được hướng bếp hợp lý, không chỉ đem lại sự thuận tiện cho chủ nhà trong việc nấu ăn hàng ngày, mà còn có lợi cho sức khỏe; một yếu tố đảm bảo cho các thành viên trong nhà có cơ sở phát triển tốt.
Để thuận theo phong thủy, lại đạt các yếu tố khoa học là điều mà chủ nhà không thể bỏ qua và yêu cầu các kiến trúc sư phải chú ý và áp dụng trong xây dựng nhà ở.
Nguyên tắc cơ bản khi chọn hướng cho bếp là: tọa hung hướng cát (ngồi trên cái dữ, hướng về cái lành). Như vậy bếp sẽ trấn áp được hung thần, lại hút được sinh khí. Trước kia cửa bếp là nơi đốt lửa, nhưng ngày nay sử dụng bếp điện, bếp gas thì núm điều chỉnh lửa chính là cửa bếp. Cửa bếp phải đặt quay về hướng tốt.
– Người làm nhà theo Tây tứ trạch, mệnh cung là Càn, Đoài, Cấn, Khôn đặt bếp toạ Đông Nam, hướng Tây Bắc.
– Người làm nhà theo Đông tứ trạch, mệnh cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn đặt bếp toạ Tây hướng Đông, hoặc toạ Tây Bắc hướng Đông Nam.
Đặt hướng bếp hợp phong thủy, không phải là quá mê tín mà có cơ sở khoa học. Đó là điều mọi người phải thừa nhận. Ông cha ta phải trải qua cả ngàn năm mới đúc kết được. Muốn đặt bếp cho đúng cần chú ý:
Không được đặt bếp gần cửa sổ hoặc ô thông gió. Vì gió mưa, bụi bặm từ bên ngoài dễ làm bẩn đồ ăn, thức uống khi đang đun nấu.. Mặt khác gió thổi hơi nóng và mùi thức ăn vào trong nhà. Nếu muốn nhà bếp thông thoáng, dùng quạt hút mùi.
Không nên đặt bếp ở hướng Tây vì theo quan niệm dân gian, hướng Tây thuộc hành Kim khắc với bếp thuộc Hỏa. Hơn nữa, mặt trời lặn về hướng Tây, khi chiều về, với ánh nắng gay gắt sẽ làm thức ăn dễ ôi thiu và việc nấu nướng cũng khá bất tiện. Bếp cũng không nên đặt ở hướng Nam vì hỏa khí của hướng Nam rất mạnh. Hai hỏa gặp nhau sẽ hết sức nóng, không có lợi cho gia chủ. Nhưng trước hai hướng này đã có tường hoặc bức chắn thì dùng được.
Không được đặt bếp thẳng với cửa chính, khí từ ngoài xông thẳng vào bếp sẽ không có lợi. Hơn nữa, bếp là nơi có nhiều đồ dùng cần tránh quá lộ liễu, làm mất tính thẩm mỹ của ngôi nhà.
Không được đặt bếp đối diện hoặc sát với nhà vệ sinh. Đây là điều mà những ngôi nhà phố có diện tích hạn chế hay mắc phải. Nhà vệ sinh có nhiều thứ bẩn dễ ảnh hưởng đến bếp, lây bệnh cho người. Mặt khác cũng gây phản cảm về tâm lý khi ăn.
Bếp là nơi nấu nướng, thường xuyên sinh nhiệt nên rất nóng bức. Trong khi đun nấu, bếp còn sinh ra khói dầu mỡ có hại. Chính vì thế, cần tránh đặt bếp cạnh hoặc đối diện với cửa phòng ngủ vốn là nơi để chủ nhà nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Cần tránh đặt bếp phía trên đường ống cấp, thoát nước. Bếp thuộc hỏa kỵ thủy. Hơn nữa, nếu đường ống nước gặp sự cố thì việc sửa chữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
III- PHÒNG NGỦ
Phòng ngủ đối với con người vô cùng quan trọng. Nơi ta nghỉ ngơi thư giãn lấy lại sức lực sau một ngày làm việc. Không ít những ý tưởng lớn cũng nảy sinh từ phòng ngủ. Phòng ngủ còn là nơi thăng hoa của Hạnh phúc lứa đôi, gieo những hạt giống cho mùa sau… Gần 1/3 thời gian sống của đời người dành cho việc ngủ.
Phòng ngủ bố trí hợp lý trong căn nhà, nơi thông thoáng nhưng lại kín đáo và yên tĩnh. Tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và khí trời là tốt nhất. Không nên “mờ mờ nhân ảnh” làm ta phải chịu cảm giác u ám, âm khí nặng nề! Quan trọng là bố trí hướng giường ngủ.
Ngủ là lúc tiếp nạp sinh khí nhiều nhất. Chính vì vậy, cần xác định hướng giường ngủ hợp lý, để tăng sự may mắn và sức khoẻ cho mỗi người. Từ trường trái đất cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ. Nếu hướng giường không tốt sẽ tổn hại đến thần kinh và sức khoẻ, dễ mang lại rủi ro và bệnh tật. Hướng giường là hướng từ đầu giường đến cuối giường. Hướng giường ngủ được xác định riêng biệt cho mỗi thành viên trong gia đình. Giường ngủ đặt ở hướng tốt của bản mệnh người đó.
Nguyên tắc là phối giữa mệnh cung của người với hướng giường để được các sao tốt Sinh Khí, Phục Vị, Thiên Y, Phúc Đức. Những người mệnh Thuỷ, Mộc, Hoả đều thuộc “mệnh Đông tứ”, giường ngủ đặt ở hướng Bắc, Đông, Nam và Đông Nam sẽ tốt. Những người thuộc mệnh Kim, Thổ thuộc “mệnh Tây tứ”, giường ngủ nên đặt ở hướng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nam và Tây.
Màu sắc trong phòng ngủ, tạo nên sự cân bằng năng lượng âm và dương để đạt đến sự hài hòa. Âm là sắc tối yên tĩnh hấp thu màu, dương là sắc sáng chuyển động phản ánh màu. Vì thế màu sắc được vận dụng để tăng cường những yếu tố thuận lợi và hạn chế những điều bất lợi.
Mỗi mệnh trong ngũ hành đều có màu riêng biệt, mỗi màu sắc lại có tính tương sinh, tương khắc.
– Người mệnh Kim nên sử dụng tông màu sáng, vì màu trắng là màu sở hữu của bản mệnh, ngoài ra kết hợp với màu nâu vàng là những màu sắc sinh vượng. Những màu này luôn đem lại niềm vui và may mắn cho chủ nhà.
– Người mệnh Mộc sử dụng tông màu xanh, kết hợp với màu đen, xanh biển sẫm.
– Người mệnh Thủy sử dụng màu đen có thể chuyển màu ghi, xanh biển sẫm, kết hợp với tông màu trắng và những sắc ánh kim.
– Người mệnh Thổ nên sử dụng tông màu vàng đất, màu nâu, kết hợp với màu hồng, đỏ, tím.
– Người mệnh Hỏa nên sử dụng màu đỏ, hồng, tím, kết hợp với các màu xanh.
Không được đặt giường ngủ thẳng với lối đi và cửa vào. Đầu giường cần tựa vào tường hoặc vách ngăn, tạo cảm giác vững chắc, không chênh vênh! Đầu giường không được đặt trực tiếp dưới cửa sổ. Không đặt giường dưới dầm nhà.
Mục đích cuối cùng là tạo một giấc ngủ sâu, điều mà y học yêu cầu cao đối với việc đảm bảo sức khỏe cho con người.
IV- NHÀ VỆ SINH – NHÀ TẮM
Trong kiến trúc truyền thống, khu vệ sinh phải riêng biệt xa nhà ở. Nhà tắm thường ở cạnh giếng nước. Bây giờ đất chật, nhà tắm và vệ sinh thường làm chung một phòng. Do sự tiến bộ của khoa học, có nhiều biện pháp để đảm bảo vệ sinh có thể là “trên mức tuyệt vời”. Việc bố trí nhà vệ sinh cạnh phòng ngủ, ngay trong ngôi nhà ở, không có gì lạ nữa. Nhưng dù sao nó vẫn là nhà vệ sinh.
Nguyên tắc bố trí nhà vệ sinh của Phong Thủy là “tọa hung hướng cát”, do đó nên đặt vào các hướng xấu, các hướng bất lợi về khí hậu và phối hợp được ngũ hành, âm dương. Việc xem xét hướng đặt phòng vệ sinh cũng cần chú ý đến hướng mệnh trạch của chủ nhà, dân gian gọi là cách “dĩ độc trị độc” để hung gặp hung hoá cát.
– Người làm nhà theo Tây tứ trạch, mệnh cung là Càn, Đoài, Cấn, Khôn đặt nhà vệ sinh tại các hướng Đông, Đông Nam, Nam và Bắc
– Người làm nhà theo Đông tứ trạch, mệnh cung Khảm, Ly, Chấn, Tốn đặt nhà vệ sinh tại các hướng Tây, Tây nam, Tây bắc và Đông bắc.
Khu vệ sinh nhà tắm cần thông thoáng, thoát khí và thoát nước tốt.
Còn nữa
Nguyễn Quý Phong